THƯ CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI GỞI CHO CÁC CHỦNG SINH: “TRỞ THÀNH LINH MỤC LÀ ĐIỀU CÓ Ý NGHĨA”
Các chủng sinh thân mến,
Vào tháng Mười Hai năm 1944, khi cha được gọi đi nghĩa vụ quân sự, viên chỉ huy đại đội đã hỏi mỗi người trong nhóm cha là dự định nghề nghiệp nào trong tương lai. Cha trả lời rằng cha muốn trở thành linh mục công giáo. Viên thiếu úy đáp lại cha: như thế thì anh sẽ phải tìm kiếm điều gì khác. Trong nước Đức mới, không cần đến linh mục. Cha biết rằng “nước Đức mới” này đang trên đà suy tàn rồi, và sau những tàn phá to lớn mà sự điên rồ này mang lại trong đất nước, thì hơn bao giờ hết nó sẽ cần đến các linh mục. Ngày nay, hoàn cảnh hoàn toàn khác. Nhưng, bằng nhiều cách khác nhau, nhiều người hôm nay cũng nghĩ rằng thiên chức linh mục Công giáo không phải là một “nghề” cho tương lai, nhưng đúng hơn nó thuộc về quá khứ. Các bạn thân mến, các bạn đã tự quyết định vào chủng viện, và do đó, các bạn bắt đầu trên con đường hướng đến thừa tác vụ linh mục trong Giáo hội Công giáo, ngược với những phản đối và quan điểm như thế. Các bạn đã làm đúng khi hành động như vậy. Vì con người luôn cần đến Thiên Chúa, ngay cả vào thời kỳ thống trị thế giới của kỹ thuật và vào thời toàn cầu hóa: cần đến Thiên Chúa, Đấng đã trở nên hữu hình trong Chúa Giêsu Kitô và là Đấng đã tập hợp chúng ta trong Giáo hội hoàn vũ để học với Ngài và nhờ Ngài cuộc sống đích thực và để giữ cho hiện tại và làm cho hiệu quả những tiêu chí của nhân loại đích thực. Ở đâu con người không còn nhận thấy Thiên Chúa nữa, cuộc sống trở nên trống rỗng; tất cả đều không đủ. Do đó, con người tìm ẩn náu trong sự say sưa hay trong bạo lực luôn đe dọa tuổi trẻ đặc biệt hơn nữa. Thiên Chúa hằng sống. Ngài đã tạo dựng mỗi người chúng ta và do đó biết hết thảy chúng ta. Ngài cao cả đến nỗi Ngài có thời gian cho những điều nhỏ nhặt của chúng ta: “Tóc trên đầu của các con đều được đếm cả”. Thiên Chúa hằng sống, và Ngài cần con người sống cho Ngài và mang Ngài đến cho những người khác. Vâng, trở thành linh mục là điều có ý nghĩa: thế giới cần các linh mục, cần các mục tử, hôm nay, ngày mai và luôn mãi, bao lâu nó còn tồn tại.
Chủng viện là một cộng đồng trên đường tiến đến tác vụ linh mục. Khẳng định điều đó, cha đã nói lên một điều rất quan trọng: ta không trở thành linh mục một mình. Cần phải có “cộng đồng các môn đệ”, toàn bộ những ai muốn phục vụ Giáo hội. Qua thư này, khi nhìn lại thời gian cha sống ở chủng viện, cha muốn làm nổi bật một vài yếu tố quan trọng cho những năm mà các con đang tiến bước.
1. Ai muốn trở thành linh mục thì trước hết phải là “một người của Chúa”, như thánh Phaolô mô tả (1Tm 6, 11). Đối với chúng ta, Thiên Chúa không phải là một giả thuyết xa vời, Ngài không phải là một kẻ vô danh đã rút lui sau “tiếng nổ lớn” (“big bang”). Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong Chúa Giêsu Kitô. Trên khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta thấy khuôn mặt của Thiên Chúa. Nơi lời của Ngài, chúng ta nghe chính Thiên Chúa nói với chúng ta. Chính vì thế, điều quan trọng nhất trên hành trình tiến tới thiên chức linh mục và trong suốt cuộc sống linh mục, đó là mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô. Linh mục không phải là người quản trị một hội đoàn nào đó mà ngài tìm cách duy trì và gia tăng con số thành viên. Ngài là sứ giả của Thiên Chúa giữa loài người. Ngài muốn dẫn đưa đến Thiên Chúa và như thế cũng làm tăng trưởng mối hiệp thông đích thực giữa những con người với nhau. Các bạn thân mến, chính vì thế mà thật rất quan trọng việc các bạn học sống trong sự tiếp xúc liên lỉ với Thiên Chúa. Khi Chúa nói: “Các con hãy cầu nguyện luôn”, thì dĩ nhiên Ngài không đòi hỏi chúng ta đọc kinh liên tục, nhưng là không bao giờ đánh mất sự tiếp xúc nội tâm với Thiên Chúa. Tập luyện sự tiếp xúc này là ý nghĩa của việc cầu nguyện của chúng ta. Chính vì thế thật quan trọng khi ngày sống bắt đầu và hoàn tất bằng việc cầu nguyện. Ước gì chúng ta lắng nghe Thiên Chúa trong việc đọc Thánh Kinh. Ước gì chúng ta nói với Ngài về những ước ao và những hy vọng của chúng ta; những niềm vui và đau khổ của chúng ta, những lỗi lầm và lời tạ ơn của chúng ta đối với mỗi thứ tốt đẹp và, bằng cách này, ước gì chúng ta luôn có Ngài trước mặt như là điểm quy chiếu của cuộc sống chúng ta. Như thế, chúng ta ý thức về những lỗi lầm của chúng ta và học làm việc để cải thiện bản thân; nhưng chúng ta cũng phải nhạy bén với tất cả sự thiện hảo và tất cả vẻ đẹp mà chúng ta lãnh nhận mỗi ngày như là điều gì đó hiển nhiên và như thế lòng biết ơn lớn lên trong chúng ta. Và cùng với lòng biết ơn, niềm vui được lớn lên vì sự kiện rằng Thiên Chúa ở gần chúng ta và chúng ta có thể phục vụ Ngài.
2. Thiên Chúa không chỉ là một lời nói cho chúng ta. Trong các Bí tích, Ngài đích thân hiến mình cho chúng ta, xuyên qua các sự vật hữu hình. Trung tâm của mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và của việc nên đồng hình đồng dạng của cuộc sống chúng ta, đó là Thánh Thể. Cử hành Thánh Thể bằng việc tham dự vào đó cách nội tâm và như thế gặp gỡ đích thân Chúa Kitô phải là trung tâm của mọi ngày sống của chúng ta. Thánh Cyprianô đã giải thích lời cầu xin của Tin Mừng: “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, bằng cách cho thấy rằng bánh “của chúng ta”, bánh mà chúng ta có thể lãnh nhận với tư cách là Kitô hữu trong Giáo hội, là chính Chúa Giêsu Thánh Thể. Bởi thế, trong lời cầu xin của Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin để Ngài ban cho chúng ta mỗi ngày bánh « của chúng ta » ; để Ngài luôn là lương thực cho cuộc sống chúng ta. Ước gì Chúa Kitô phục sinh, Đấng tự hiến mình cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, thực sự khuôn đúc tất cả cuộc sống của chúng ta bằng những hào quang của tình yêu thần linh của Ngài. Để cử hành Thánh Thể đúng đắn, cũng cần thiết việc chúng ta học biết, hiểu và yêu mến phụng vụ của Giáo hội nơi hình thức cụ thể của nó. Trong phụng vụ, chúng ta cầu nguyện cùng với các tín hữu của mọi thời đại – quá khứ, hiện tại và tương lai được nối kết thành một bản đại hợp xướng cầu nguyện duy nhất. Như cha có thể khẳng định về con đường riêng của cha, thật là một điều phấn khởi khi học hiểu dần dần làm thế nào tất cả điều đó đã lớn lên, đâu là kinh nghiệm đức tin được tìm thấy trong cấu trúc của Phụng vụ Thánh lễ, biết bao thế hệ đã đóng góp vào việc hình thành nên nó khi cầu nguyện!
3. Bí tích Sám Hối cũng quan trọng. Nó dạy cho cha nhìn mình theo quan điểm của Thiên Chúa, và bó buộc cha lương thiện với chính mình. Nó dẫn cha đến lòng khiêm nhường. Một lần nọ, Cha Sở xứ Ars đã nói: Anh chị em nghĩ rằng lãnh nhận ơn xá giải hôm nay là vô nghĩa, vì biết rằng ngày mai anh chị em sẽ phạm lại cũng các tội đó. Nhưng, – ngài nói – vào giây phút này, chính Thiên Chúa quên đi các tội lỗi ngày mai của anh chị em để ban cho anh chị em ân sủng hôm nay của Ngài. Cho dầu chúng ta phải chiến đấu liên lỉ chống lại cũng các lỗi lầm ấy, thì việc chống lại tình trạng u mê của tâm hồn, chống lại sự dửng dưng cam chịu sự kiện như thế là điều quan trọng. Điều quan trọng là tiếp tục bước đi, không bối rối, trong ý thức biết ơn rằng Thiên Chúa vẫn luôn tha thứ cho tôi một lần nữa. Nhưng còn cả không có thái độ dửng dưng, một thái độ không còn làm cho chiến đấu vì sự thánh thiện và vì sự cải thiện. Và khi để cho bản thân được tha thứ, tôi còn học biết tha thứ cho người khác. Khi nhìn nhận sự khốn khổ của tôi, tôi trở nên bao dung và thông cảm hơn trước những yếu đuối của tha nhân.
4. Hãy duy trì nơi các con lòng nhạy cảm đối với lòng đạo đức bình dân, lòng đạo đức này khác nhau tùy theo các nền văn hóa, nhưng cũng luôn rất giống nhau, bởi vì, chung quy lại, tâm hồn của con người đều luôn như thế. Chắc chắn, lòng đạo đức bình dân hướng đến tính phi lý, đôi khi thậm chí hướng đến vẻ bên ngoài. Tuy nhiên, loại trừ nó là một sai lầm lớn. Xuyên qua nó, đức tin đã đi vào trong tâm hồn con người, nó đã thuộc về những tình cảm của họ, những thói quen của họ, cách cảm nhận và cách sống chung của họ. Chính vì thế, lòng đạo đức bình dân là một gia sản lớn của Giáo hội. Đức tin đã hóa thành máu thịt. Chắc chắn, lòng đạo đức bình dân phải luôn được thanh tẩy, luôn phải được chỉnh tâm lại, nhưng nó đáng được lòng yêu quý của chúng ta và nó thực sự làm cho chính chúng ta trở thành “Dân Thiên Chúa”.
5. Thời gian ở chủng viện cũng là và trên hết là một thời gian học tập. Đức tin Kitô giáo có một chiều kích lý trí và tri thức thiết yếu đối với nó. Không có chiều kích này, đức tin sẽ không là chính nó. Thánh Phaolô nói về “một hình thức đào tạo” mà chúng ta đã được giao phó trong Bí tích Rửa tội (Rm 6, 17). Hết thảy các con đều biết câu nói của thánh Phêrô, được các thần học gia thời Trung Cổ xem như là lời minh chứng cho một nền thần học lý trí và được soạn thảo cách khoa học: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về ‘lý do’ (logos) hy vọng của anh em” (1Pr 3, 15). Học để trở nên có khả năng mang lại những câu trả lời như thế là một trong những mục đích chính yếu của những năm ở chủng viện. Cha chỉ có thể tha thiết xin các con: Hãy học hành nghiêm chỉnh! Hãy dùng cho hữu ích những năm tháng học tập! Các con sẽ không hối hận về điều đó. Chắc chắn, nhiều khi các môn học xem ra rất xa rời với thực tế của đời sống Kitô hữu và với việc mục vụ. Tuy nhiên, thật hoàn toàn sai lầm khi luôn đặt ra vấn đề thực dụng ngay lập tức: điều đó sẽ có thể dùng cho tôi sau này không? Điều đó sẽ có ích lợi thực tiễn, mục vụ không? Vấn đề không phải là chỉ học những gì rõ ràng hữu ích, nhưng là biết và hiểu cấu trúc nội tại của đức tin trong toàn thể của nó, để, như thế, nó trở thành câu trả lời cho những chất vấn của người đời, những người này thay đổi tùy theo quan điểm bên ngoài từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng tự sâu xa họ vẫn là thế. Chính vì thế, điều quan trọng là vượt lên trên những vấn nạn thay đổi nhất thời để hiểu những vấn đề thực sự nền tảng và như thế cũng hiểu biết những câu trả lời như là những câu trả lời đích thực. Điều quan trọng là hiểu biết sâu xa toàn bộ Thánh Kinh, trong sự thống nhất Cựu Ước và Tân Ước của nó: việc hình thành các bản văn, tính đặc thù văn chương của chúng, việc cấu thành chúng dần dần cho đến việc hình thành quy điển các sách thánh, sự duy nhất năng động nội tại của chúng không nằm nơi bề mặt, nhưng chỉ duy sự duy nhất này mới mang lại cho tất cả và mỗi một bản văn ý nghĩa tròn đầy của chúng. Điều quan trọng là hiểu biết các Giáo Phụ và các đại Công Đồng, trong đó Giáo hội, bằng việc suy niệm và tin tưởng, đã hấp thụ các khẳng định chủ yếu của Thánh Kinh. Cha vẫn có thể tiếp tục : những gì chúng ta gọi là tín lý, đó là cách thức hiểu các nội dung của đức tin trong sự duy nhất của chúng, và ngay cả trong tính đơn thuần cuối cùng của chúng : mỗi chi tiết độc nhất cuối cùng là sự diễn tả đơn sơ của đức tin vào Thiên Chúa độc nhất, Đấng đã và đang tỏ mình cho chúng ta. Cha không cần nói rõ tầm quan trọng của việc hiểu biết những vấn đề cốt lõi của thần học luân lý và của học thuyết xã hội Công giáo. Ngày nay, thần học đại kết thật quan trọng dường nào ; việc hiểu biết các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau là một điều hiển nhiên ; cũng thế, sự cần thiết của một định hướng nền tảng về các tôn giáo lớn, mà không quên triết học : hiểu biết việc tìm kiếm của con người và những vấn đề họ đặt ra, mà đức tin muốn mang lại câu trả lời. Nhưng cũng học hiểu biết và – cha dám nói – yêu mến giáo luật trong tính nhất thiết nội tại của nó và trong những hình thức áp dụng thực tiễn của nó : một xã hội không có luật lệ (droit) sẽ là một xã hội bị tước đi các quyền (droits). Luật là điều kiện của tình yêu. Bây giờ, cha không muốn tiếp tục việc liệt kê này, nhưng chỉ muốn nói lại lần nữa: các con hãy yêu mến việc học hỏi thần học và theo đuổi nó với một sự nhạy cảm chăm chú để cắm rễ sâu thần học vào trong cộng đoàn sống động của Giáo hội, Giáo hội này, với quyền bính của mình, không phải là cực đối lập với khoa thần học, nhưng là điều giả định trước của nó. Nếu không có Giáo hội tin tưởng, thì thần học ngưng là chính nó và trở nên một tập hợp những môn khác nhau mà không có sự thống nhất nội tại.
6. Những năm tháng ở chủng viện cũng phải là một thời gian trưởng thành nhân bản. Đối với người linh mục, mà sẽ phải đồng hành với những người khác trong suốt chặng đường dài của cuộc sống và cho đến cánh cửa của sự chết, điều quan trọng là chính ngài làm cho quân bình đúng đắn tâm hồn và trí tuệ, lý trí và tình cảm, thân xác và linh hồn, và ngài phải là « chính trực » về mặt nhân bản. Chính vì thế mà truyền thống Kitô giáo đã luôn luôn nối kết với « các nhân đức đối thần », « các bản đức », tức là những nhân đức phát sinh từ kinh nghiệm của con người và của triết học, và nói chung là truyền thống đạo đức lành mạnh của nhân loại. Thánh Phaolô nói điều đó cách rõ ràng trong thư gởi tín hữu Phi-líp-phê : « Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý» (4, 8). Việc sáp nhập tính dục vào trong toàn bộ nhân cách cũng thuộc về bối cảnh này. Tính dục là một ân huệ của Đấng Tạo Hóa, nhưng cũng là một nhiệm vụ liên quan đến sự phát triển của con người. Khi nó không được sáp nhập vào trong nhân vị, thì tính dục trở nên điều gì đó tầm thường và đồng thời hủy hoại. Ngày nay, chúng ta nhận thấy điều đó trong xã hội của chúng ta xuyên qua nhiều ví dụ. Gần đây, chúng ta đã phải rất đau đớn công nhận rằng các linh mục đã làm méo mó thừa tác vụ của họ qua những lạm dụng tính dục trẻ em và người trẻ. Thay vì dẫn người ta đến một sự trưởng thành nhân bản, và nên gương mẫu cho họ, thì, bằng những lạm dụng của mình, họ đã gây nên những hủy hoại mà chúng ta nghiệm thấy một nỗi đau đớn và sự hối tiếc sâu xa. Do tất cả điều đó, nên có thể nổi lên nơi nhiều người, cũng có thể nơi chính các con, vấn đề muốn biết liệu việc trở thành linh mục có tốt hay không ; liệu con đường độc thân là hợp lý như là đời sống nhân bản hay không. Nhưng việc lạm dụng, vốn cần phải bài xích hoàn toàn, không thể làm mất uy tín sứ mạng của linh mục, sứ mạng này vẫn là cao cả và trong sáng. Nhờ Thiên Chúa, hết thảy chúng ta đều biết được các linh mục có sức thuyết phục, đầy đức tin, chứng tỏ rằng trong bậc sống này và chính trong đời sống độc thân, ta có thể đạt đến một sự nhân bản đích thực, trong sáng và trưởng thành. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra phải làm cho chúng ta canh chừng và để ý hơn, để chúng ta tự vấn cách cẩn thận, trước nhan Chúa, trên con đường tiến đến thiên chức linh mục, để hiểu liệu đó là thánh ý của ngài dành cho tôi hay không. Các cha giải tội và các bề trên của các con có nhiệm vụ đồng hành với các con và giúp đỡ các con trên hành trình phân định này. Thực hành các nhân đức nhân bản nền tảng là một yếu tố chủ yếu của hành trình của các con, đồng thời luôn nhìn lên Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra nơi Chúa Kitô, và luôn để Ngài tiếp tục thanh luyện.
7. Ngày nay, những bước khởi đầu của ơn gọi linh mục thì đổi thay và khác nhau hơn trong quá khứ. Quyết định trở thành linh mục ngày nay nảy sinh giữa lòng một kinh nghiệm nghề nghiệp ngoài đời đã được bắt đầu rồi. Nó cũng thường chín mùi trong cộng đoàn, đặc biệt nơi các phong trào tạo điều kiện cho một cuộc gặp gỡ cộng đồng với Chúa Kitô và Giáo hội của Ngài, một kinh nghiệm thiêng liêng và niềm vui trong việc phục vụ đức tin. Quyết định cũng chín mùi trong các cuộc gặp gỡ hoàn toàn cá nhân với sự cao cả và khốn cùng của con người. Bởi thế, các ứng viên linh mục thường sống trên những châu lục tâm linh cực kỳ khác nhau. Sẽ khó có thể nhận ra những yếu tố chung của con người được sai đi tương lai và hành trình thiêng liêng của người ấy. Chính thực sự vì thế mà chủng viện là quan trọng với tư cách là cộng đồng lữ hành ở bên trên những hình thức linh đạo đa dạng. Những phong trào là một điều tuyệt vời. Các con biết cha đánh giá cao và yêu thích chúng như là ân huệ của Thánh Thần ban cho Giáo hội. Tuy nhiên, chúng phải được lượng giá theo cách thức mà hết thảy chúng được mở ra cho thực tại Công giáo chung, cho đời sống của Giáo hội chung và độc nhất của Chúa Kitô mà, trong tất cả sự biến thể của nó, tuy nhiên vẫn là một mà thôi. Chủng viện là thời gian mà các con học hỏi với nhau và lẫn nhau. Trong đời sống chung, có lẽ đôi khi khó khăn, các con phải học biết sự quảng đại và lòng bao dung không chỉ khi các con chịu đựng lẫn nhau, nhưng cả khi các con làm phong phú cho nhau, đến nỗi mỗi người có thể mang lại những năng khiếu riêng của mình cho toàn thể, đang khi mà mọi người đều phục vụ cùng một Giáo hội, cùng một Chúa. Trường học bao dung này, còn hơn nữa, chấp nhận và hiểu biết lẫn nhau trong sự duy nhất của Thân Thể Chúa Kitô, là thuộc về những yếu tố quan trọng của những năm tháng ở chủng viện của các con.
Các chủng sinh thân mến ! Qua những dòng này, cha đã muốn cho các con thấy cha đang nghĩ đến các con dường nào, nhất là vào những thời điểm khó khăn, và cha gần gũi các con biết bao qua lời cầu nguyện. Các con cũng hãy cầu nguyện cho cha, để cha có thể thực hiện tốt công việc phục vụ của cha, bao lâu Chúa còn muốn. Cha phó thác hành trình chuẩn bị cho thiên chức linh mục của các con cho sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria, ngôi nhà của Mẹ đã là một trường học sự thiện và ân sủng. Xin Thiên Chúa toàn năng, là Cha, Con và Thánh Thần, chúc lành cho tất cả các con.
Vatican, ngày 18 tháng Mười năm 2010.
Cha của các con trong Chúa
BENEDICTUS XVI, Mục tử của các mục tử
Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp
Tags: Bênêđíctô XVI
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG