THƯ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II GỞI CÁC GIA ĐÌNH

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 18th, 2019. Posted in Gia đình

Nhân kỷ niệm 25 năm bức thư này ra đời (2/2/1994-2019), chúng tôi đã xin phép cha Phaolô Đậu Văn Hồng, giáo phận Kon Tum, đăng bản dịch này để phục vụ việc học hỏi và nghiên cứu. Chúng con xin cám ơn Cha đã cho phép.

BTT ĐCV Huế

NHỮNG CHỈ DẪN TRA CỨU

———–

GIỚI THIỆU   3

LỜI NGỎ (số 1) 9

CON NGƯỜI, ĐƯỜNG LỘ CỦA GIÁO HỘI (số 2) 10

NĂM GIA ĐÌNH (số 3) 12

CẦU NGUYỆN (số 4) 13

TÌNH YÊU VÀ NIỀM ÂN CẦN  

ĐỐI VỚI TẤT CẢ MỌI GIA ĐÌNH (số 5) 15

PHẦN MỘT:

NỀN VĂN MINH TÌNH YÊU

(số 6-17)

“NGÀI ĐÃ TẠO DỰNG LOÀI NGƯỜI CÓ NAM CÓ NỮ” (số 6) 19

GIAO ƯỚC PHU THÊ (số 7) 21

CẢ HAI NÊN MỘT (số 8) 25

HỆ TỘC CỦA CON NGƯỜI (số 9) 28

THIỆN ÍCH CHUNG CỦA  HÔN NHÂN VÀ CỦA GIA ĐÌNH (số 10) 32

HIẾN THÂN VÔ VỊ LỢI (số 11) 36

LÀM CHA LÀM MẸ CÓ TRÁCH NHIỆM (số 12) 42

HAI NỀN VĂN MINH (số 13) 49

TÌNH YÊU VỐN ĐÒI HỎI (số 14) 54

GIỚI RĂN THỨ TƯ:   “NGƯỜI HÃY THẢO KÍNH CHA MẸ” (số 15) 60

GIÁO DỤC (số 16) 66

GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI (số 17) 74

PHẦN HAI:

ĐẤNG LÀ PHU QUÂN ĐANG Ở VỚI ANH EM

(số 18-23)

TẠI CANA XỨ GALILÊA (số 18) 80

LÀM MẸ CỦA MỐI TÌNH KIỀU DIỄM (số 19) 95

CUỘC SINH HẠ VÀ CƠN HIỂM NGUY (số 20) 103

“…ANH EM ĐÃ TIẾP RƯỚC THẦY” (số 21) 106

“ĐỂ CON NGƯỜI NỘI TÂM (số 22) 110

ĐƯỢC NÊN MẠNH MẼ TRONG ANH EM” (số 23) 110


GIỚI THIỆU

THƯ GỬI CÁC GIA ĐÌNH CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG

MỘT LỜI MỜI GỌI CHỨA CHAN TÂM TÌNH

            Thoạt đầu, khi đọc lần thứ nhất, và cứ thế cho đến khi kết thúc, người ta nhận thấy “Thư gửi các Gia đình” của Đức Gioan Phaolô II là một văn bản mang cung giọng rất đặc biệt, không giống như trong các văn kiện bình thương của Huấn Quyền: đó là một cung giọng dạt dào tâm tình và cảm xúc.

            Hơn nữa, đây là lần đầu tiên mà một vị Giáo Hoàng ngỏ lời trực tiếp với các gia đình như thế chứ không qua trung gian của các giám mục, các thần học  gia và các mục tử nói chung.

            Cung giọng là của một vị mục tử đi thăm mục vụ trong các gia đình và dừng lại để cầu nguyện với các gia đình, để cùng các gia đình đọc kinh Lạy Cha, để minh họa những điểm quan trọng nhất trong lĩnh vực đức tin và những giá trị chủ yếu trong đời sống Kitô hữu. “Trên tất cả, Bức Thư gửi các gia đình muốn là một lời cầu nguyện ngỏ với Đức Kitô để cho Đức Kitô ở lại nơi mỗi một gia đình phàm nhân; là một lời kêu cứu ngỏ với Người, ngang qua tiểu gia đình gồm cha mẹ và con cái, để Người cư ngụ trong đại gia đình các dân tộc, ngỏ hầu cùng với Người chúng ta tất cả có thể thốt lên rằng: “Lạy Cha chúng con!”. Việc cầu nguyện phải trở thành yếu tố chủ động của năm Gia Đình trong Giáo Hội: gia đình cầu nguyện, cầu nguyện cho gia đình, cầu nguyện với gia đình” (số 4).

          Phần nhập đề gợi xướng đề tài nền tảng vốn rất thiết thân với vị Giáo Hoàng đương kim: con người là đường lộ của Giáo Hội. “Trong số vô vàn vô số những đường lộ ấy, gia đình là một đường lộ số một và là đường lộ quan trọng nhất: đó là một đường lộ chung, nhưng lại vẫn rất riêng, tuyệt nhiên có một không hai, cũng như mỗi người là độc nhất vô nhị”. (số 2).

          Năm Quốc Tế Gia Đình do Liên Hiệp Quốc công bố là cơ hội được “vui mừng chào chúc”, vì ấy là một đề tài khẩn cấp rất thiết cốt đối với Huấn Quyền của Đức Thánh Cha vốn rất nhạy cảm trước những thách đố và những cạm bẩy hiện đang được giăng mắc cho gia đình.

 

Phần một

          Sau năm đoạn đầu dành cho dẫn nhập, từ đoạn số 6 đến đoạn số 17, Bức Thư khai triển những chủ đề cơ bản của giáo lý và của học thuyết luân lý về gia đình. Những gợi nhắc về giáo lý cũng được trình bày với cùng một cung giọng đầy tình mục tử của Chúa  và chứa chan tâm sự. Mẫu mực và nền tảng của gia đình được trình bày như là gắn liền, trong Thánh Kinh, với chương trình của Thiên Chúa và với “một sự tương tự với Thiên Chúa”, sự tương tự này chính là nền tảng cho gia đình hiểu như là cộng đoàn trong đó con người chung sống với nhau, như là cộng đoàn gồm những ngôi vị liên kết với nhau trong tình yêu”  (số 6). Mẫu mực nguyên thủy của gia đình do sự kiện trên đây phải truy tìm ở nơi mầu nhiệm đời sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa và phải quy về mầu nhiệm ấy.

          Những gợi nhắc về Sách Sáng Thế (1,27) (“Ngài đã tạo dựng con người có nam và có nữ”), về đoạn văn Mátthêu19,6 (“Bởi thế họ không còn là hai nhưng là một huyết nhục duy nhất. Ấy vậy! Điều gì Thiên Chúa liên kết loài người không được phân ly!”) khơi dậy những suy tư đau xót khi đối diện với xã hội hiện nay và với những luật pháp của xã hội này, những suy tư mà Đức Thánh Cha không đẩy mạnh một cách sáng tỏ bởi vì Ngài đứng ở trên bình diện tích cực: gia đình ở đây gắn liền với Ba Ngôi Thiên Chúa, với tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội, với sự bổ khuyết lẫn nhau giữa nam và nữ là dấu chỉ của mầu nhiệm siêu việt không thể chạm tới; và Đức Thánh Cha còn quả quyết  thêm rằng “tính bất khả phân ly  của hôn nhân” là “nền móng cho sự thiện chung của gia đình” (số 7).

          Một câu nói trơ trọi nêu lên một vấn đề trong những vấn đề mang tính báo động nhất có thể nhận ra vào cuối thiên niên  kỷ thứ hai này: “trong các gia đình ngày nay sự sống nhân linh quả là ít ỏi” (số 10)

Tuy không trực tiếp nêu đích danh việc ngừa thai, phá thai, triệt sản và những chương trình tảo thanh (drastiques) trong kế hoạch hóa gia đình hiện đang được đẩy mạnh trên thế giới, Đức Giáo Hoàng diễn đạt lời ngài dưới đạng một huấn dụ thấm đượm ưu phiền nhưng tích cực và dưới dạng một khích lệ đầy tình cha và kiên quyết, với điểm nổi bật là lòng trung thành đối với kế hoạch của Thiên Chúa.

“Giáo Hội giảng dạy sự thật luân lý về việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm, đồng thời bảo vệ sự thật ấy trước những quan niệm và những khuynh hướng lầm lạc lan tràn hiện nay. Tại sao Giáo Hội làm việc này? Chả lẽ Giáo Hội không nắm bắt quan niệm của những người, trong lĩnh vực này, khuyên Giáo Hội tỏ ra uyển chuyển và tìm cách thuyết phục Giáo Hội bằng những áp lực xiên xẹo, thậm chí bằng những đe dọa sao? Thật vậy, người ta thường quở trách Huấn Quyền Giáo Hội là nay đã lỗi thời, là đang khép kín đối với những yêu cầu của trí tuệ trong thời đại tân tiến, là đang can dự vào một số hoạt động có hại cho nhân loại và, hơn nữa cho chính Giáo Hội. Người ta cho rằng nếu cứ khư khư bảo thủ những lập trường của mình, Giáo Hội cuối cùng cũng đánh mất tính chất đại chúng và các tín hữu rồi sẽ rời xa Giáo Hội” (12). Đức Giáo Hoàng trả lời: “Thế nhưng làm sao có thể chấp nhận rằng Giáo Hội, và đặc biệt hàng giám mục trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng lại vô cảm đối với những vấn đề hết sức nghiêm trọng và hết sức hiện đại như thế được?” (số 12)

Sau khi đã nêu những nguyên do làm nền cho lập trường của Giáo Hội trong địa hạt luân lý, Đức Giáo Hoàng đổi sang cung giọng giáo huấn mà không ngụ ý bút chiến, ngài nhắc nhở như sau: “Vào giây phút thực hiện hành vi vợ chồng, người nam và người nữ được mời gọi cũng cố một cách có trách nhiệm sự trao hiến hỗ tương mà hai người đã tự mình cam kết trong khế ước hôn nhân. Tự hiến hoàn toàn cho người khác, nếu hiểu cho chặt chẽ, vốn bao hàm thái độ đón mở trong tiềm thể với việc truyền sinh: chính vì thế mà hôn nhân được mời gọi thể hiện chính mình trọn vẹn hơn nữa trong gia đình. Đã hẳn – Đức Giáo Hoàng còn xác định rõ ràng hơn – sự trao hiến hỗ tương giữa người nam và người nữ không chỉ nhằm mục đích duy nhất là sinh đẻ con cái, bởi vì tự nó sự trao hiến ấy là hiệp thông tình yêu và sự sống. Cần phải luôn luôn bảo tồn nguyên vẹn chân lý mật thiết của sự trao hiến ấy” (số 12).

Và Đức Thánh Cha kết thúc đoạn văn tế nhị này bằng một lời khích lệ; “để kết thúc phần suy tư của chúng ta về đề tài hết mực quan trong và tế nhị này, Tôi muốn ngỏ lời đặc biệt khích lệ anh chị em, phải, trước hết anh chị em là những vợ chồng mà tôi yêu quý và cũng ngỏ lời khích lệ tất cả những ai giúp đỡ anh chị em hiểu và đem ra áp dụng giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân, về việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm. Cách riêng tôi nghĩ đến các vị mục tử, đông đảo các nhà bác học, các triết gia, các văn sĩ và quảng cáo gia vốn không chịu khuất phục trước làn sóng khuôn mình theo nền văn hóa chủ động hiện đại nhưng can đảm và sẵn sàng để “đi ngược dòng” (số 12).

Các đoạn số 11 và 12 nhằm mô tả tình yêu phu thê và trách nhiệm truyền sinh của vợ chồng là 2 đoạn đặc sắc nhất về quan điểm nhân học của Đức Giáo Hoàng. Chúng như gợi nhắc nguồn hứng khởi dạt dào và nồng ấm về đạo giáo của Đức Giáo Hoàng khi ngài bình giảng những chương đầu của sách Sáng Thế với đôi lúc một ngôn ngữ còn đậm đà và giản dị hơn nữa.

Từ đoạn số 13 đến đoạn số 17, Bức Thư bàn tới những đề tài về tu đức và khổ chế gia đình, sau khi đã dẫn nhập vào cái gọi là nền văn minh tình yêu mà gia đình là vòng nôi đầu tiên: sự tôn kính hỗ tương và tình yêu, việc giáo dục, sự tăng trưởng thiêng liêng và bước đường dấn thân vào xã hội của các ngôi vị trong khuôn khổ gia đình, tất cả những yếu tố này được trình bày với một cung giọng thuyết giáo đượm nhuần suy niệm và chiêm ngắm.

Phần hai

Phần ba của bức thư có thể được định nghĩa như là một cuộc đào tạo mang tính chất hướng dẫn thiêng liêng (linh hướng) cho các gia đình, một bộ môn “Ái thần”(Philothée) mới dành cho đời sống thường nhật của các gia đình, đặt nền tảng trên nền xác quyết và trên sự kiện của Chúa hiện diện – song hành – cùng với gia đình. Gợi nhắc Cana ở Galilea, gợi nhắc sự hiện diện của Đấng Phu Quân là Đức Giêsu  trong Giáo Hội tại gia, chú giải thư gửi tín hữu Ephêxô và “mầu nhiệm lớn lao” của tình yêu Đức Kitô Phu Quân dành cho Giáo Hội Hiền Thê thể hiện một cách bí tích trong Hôn Nhân, và còn gợi nhắc sách Diễm Ca nữa: “cô em ơi, người yêu của tôi, em làm cho tôi phải hồn bay phách lạc rồi đó, em mới chỉ đưa mắt nhìn tôi có một lần mà tôi đã phải hồn bay phách lạc rồi đó” (Dc 4,9), thêm vào đó là Đức Maria: tất cả như thể làm tuôn trào một dòng suối linh đạo nồng thắm, chuyên chở theo những yếu tố của “huyền nhiệm gia đình”.

Như vẫn quen thuộc đối với các bài viết của Đức Gioan Phaolô II, Bức Thư kết thúc bằng một sự nêu dẫn về chủ trương duy lý hiện đại, là chủ trương không còn khả năng đón nhận mầu nhiệm, và bằng một sự gợi nhắc về đề tài khởi đầu: “Chính nhờ gia đình mà lịch sử con người và lịch sử của sự cứu độ của nhân loại được trải dài và lan rộng” (số 23).

Đức Thánh Cha kết thúc với một tâm sự và với việc công bố một niềm xác tín; “Qua những trang thư này, tôi đã tìm cách chứng minh rằng gia đình đang ở vào nơi tâm điểm của cuộc đối đầu hệ trọng giữa thiện và dữ, giữa sự sống và sự chết, giữa tình yêu và những gì đối chọi lại tình yêu. Chính gia đình đã được ký thác trách vụ để trước tiên đấu tranh nhằm giải thoát những lực lượng của sự thiện mà nguồn mạch nằm ở nơi Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc con người” (số 23).

  (Trích dịch từ báo L’Osservatore Romano,

Số 8 ngày 22 – 2 – 1994, tr 1-2).

 

 1994

NĂM GIA ĐÌNH

  

THƯ CỦA

ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

GỞI CÁC GIA ĐÌNH

Các gia đình thân mến,

  1. Nhân dịp cử hành Năm Gia Đình, Tôi sung sướng gõ cửa nhà các gia đình anh chị em, bởi vì Tôi vẫn hằng mong muốn được có cơ hội ngỏ lời chào thăm một cách ưu ái và ngỏ lời đàm đạo với anh chị em. Hôm nay ước nguyện của Tôi được thực hiện bằng Bức Thư này, lấy kiểu nói trong Thông Điệp Redemptor hominis làm điểm khởi hành, thông điệp mà Tôi đã công bố ngay lúc khởi đầu thừa tác vụ kế nhiệm thánh Phêrô của Tôi. Lúc ấy Tôi đã viết: con người là đường lộ của Giáo Hội (1).  

Qua kiểu nói này, trước hết Tôi muốn gợi nhắc những nẻo đường vô kể trên đó con người đã lần bước, Tôi cũng đồng thời muốn nhấn mạnh ước muốn thâm sâu của Giáo Hội là đồng hành với con người trong cuộc hành trình lần bước trên những nẻo đường của con người lúc sống ở trần thế. Giáo Hội thông chia những niềm vui và hy vọng, những nỗi buồn và lo âu trong cuộc hành trình thường nhật của con người, với niềm thâm tín rằng chính Đức Kitô đã sai gửi Giáo Hội đến khắp mọi nẻo đường ấy: chính Người đã trao phó con người cho Giáo Hội, đã trao phó con người như là đường lộ cho sứ mệnh và cho thừa tác vụ của Giáo Hội.

CON NGƯỜI, ĐƯỜNG LỘ CỦA GIÁO HỘI

  1. Trong vô vàn vô số những đường lộ ấy, gia đình là đường lộ số một và là đường lộ quan trọng nhất. Đó là một đường lộ chung nhưng lại vẫn rất riêng, tuyệt nhiên có một không hai, cũng như mỗi người là độc nhất vô nhị; là một đường lộ mà con người không thể né tránh. Thật vậy, cứ bình thường thì con người đi vào đời từ giữa lòng một gia đình, bởi thế có thể nói rằng nguyên chỉ sự kiện hiện hữu như một con người thôi thì cũng hoàn toàn do tự nơi gia đình rồi. Thiếu vắng gia đình, ở bên trong con người đang vào đời sẽ hình thành một tình tràng hụt hẫng canh cánh và đau xót mà chắc hẳn về sau sẽ đè nặng lên toàn bộ đời sống người ấy. Với một niềm ân cần ưu ái, Giáo Hội hướng về những người phải sống một tình huống như thế bởi lẽ Giáo Hội hiểu rõ đâu là vai trò cơ bản mà gia đình được mời gọi chu toàn. Ngoài ra Giáo Hội cũng hiểu rằng cứ bình thường con người rời bỏ gia đình để đến lượt mình, trong một hạt nhân gia đình mới nữa, thể hiện ơn gọi riêng của mình. Ngay cả khi con người lựa chọn sống đơn chiếc, phải nói rằng gia đình vẫn luôn là chân trời hiện hữu của con người, là cộng đoàn cơ bản làm nơi bám víu và tựa nương cho toàn thể những quan hệ chăng chịt của con người, từ những quan hệ trực tiếp nhất, những quan hệ cận kề nhất đến những quan hệ xa cách nhất. Chúng ta cũng chẳng nói tới “gia đình nhân loại” khi đề cập tới toàn thể những con người đang sống trên thế giới đó sao?

            Nguồn gốc gia đình nằm ở ngay trong tình yêu của Đấng Tạo Hóa đối với thế giới thụ tạo, như đã được diễn tả, “ngay từ thoạt đầu”, trong sách Sáng Thế (st 1,1). Điều này được Đức Giêsu xác nhận một cách trọn vẹn trong Tin Mừng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban tặng Con Một của Ngài” (Ga 3,16). Con Một, đồng bản thể với Chúa Cha, “Thiên Chúa sinh bởi Thiên Chúa. Ánh sáng sinh bởi ánh sáng”, đã đi vào lịch sử nhân loại qua con đường gia đình: “Nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã một cách nào đó kết hiệp nên một với từng con người. Người đã lao động bằng đôi tay con người, đã yêu bằng quả tim phàm nhân. Sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một con người giữa những con người, giống với chúng ta mọi bề, ngoại trừ tội lỗi” (3). Nếu Đức Kitô “tỏ lộ toàn vẹn con người cho con người” như thế (4), thì trước hết Người thực hiện công việc ấy nhờ gia đình trong đó Người đã lựa chọn được sinh ra và lớn lên. Chúng ta được biết Đắng Cứu Thế đã sống ẩn dật ở Nagiaret trong phần lớn cuộc đời, “tùng phục” Đức Maria Mẹ Người và bác phó mộc Giuse với tư cách là “Con loài người”. Thái độ “vâng phục” hiếu thảo này phải chăng là biểu hiện ban đầu của thái độ vâng phục “cho đến chết” đối với Cha Người (Pl 2,8) là thái độ nhờ đó Người đã cứu chuộc thế gian?

            Nhờ vậy, là thần thiêng, mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời có một mối tương quan chặt chẽ với gia đình phàm nhân. Mối tương quan ấy không phải chỉ có với một gia đình Nagiaret mà thôi, nhưng một cách nào đó với hết thảy mọi gia đình theo như có thể loại suy từ những gì Công Đồng Vanticanô II nói khi đề cập tới Con Thiên Chúa, Đấng nhờ mầu nhiệm Nhập Thể “đã một cách nào đó kết hiệp nên một với hết mọi người” (5). Nối bước theo Đức Kitô “đã đến” trong thế gian “để phục vụ” (Mt 20,28), Giáo Hội nhìn nhận rằng phục vụ gia đình là một trong những phần vụ cốt yếu của mình. Hiểu như thế con người và, cùng một lúc, gia đình chính là “đường lộ của Giáo Hội”.

NĂM GIA ĐÌNH

  1. Chính vì những lý do trên đây mà Giáo Hội vui mừng chào chúc sáng kiến của Liên Hiệp Quốc nhằm lấy năm 1994 làm Năm Quốc Tế Gia Đình. Qua sáng kiến cuả Liên hiệp Quốc, chúng ta thấy nổi bật sự kiện này: vấn đề gia đình là vấn đề cơ bản đối với các Quốc Gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Nếu Giáo Hội muốn tham gia vào một sáng kiến như thế, đó là bởi vì chính Giáo Hội đã được Đức Kitô sai đến “khắp hết các quốc gia” [Mt 28, 19]. Hơn nữa đây không phải là lần đầu tiên Giáo Hội lấy sáng kiến quốc tế của Liên Hiệp Quốc làm của mình. Chỉ cần nhắc lại, chẳng hạn, Năm Giới Trẻ 1985 là đủ thấy điều đó. Bằng phương cách này, Giáo Hội còn làm cho mình nên hiện diện với thế giới, thể hiện mục tiêu vốn thiết thân đối với Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và vốn đã gợi hứng cho Hiến Chế Công Đồng Gaudium et Spes.

Vào ngày lễ Thánh Gia năm 1993, trong khắp cả cộng đoàn Giáo Hội đã khai mạc “Năm Gia Đình”, một giai đoạn ý nghĩa trên lộ trình chuẩn bị mừng Đại Lễ Hồng Phúc là năm 2000, năm đánh dấu sự kết thúc thiên niên kỷ thứ hai và sự mở đầu thiên niên kỷ thứ 3 kể từ khi Đức Kitô sinh ra. Năm nay phải là năm đưa trí óc và con tim chúng ta quay về với Nagiaret, nơi mà ngày 26 tháng 12 vừa qua một thánh lễ trọng thể đã được chủ tọa do vị Khâm Sứ Giáo Hoàng để chính thức khai mào năm gia đình.

Trong suốt cả năm nay, cần phải tái khám phá những chứng từ yêu thương và ân cần của Giáo Hội đối với gia đình, tình yêu thương và niềm ân cần vốn đã được tỏ lộ ngay từ những buổi đầu của Kitô giáo trong khi mà gia đình, một cách thật có ý nghĩa, vốn được coi như là “Giáo Hội tại gia”. Ngày nay, chúng ta vẫn thường dùng lại thành ngữ “Giáo Hội tại gia”  mà Công Đồng đã coi như là thành ngữ của Công Đồng (6) và chúng ta vẫn mong ước sao cho nội dung của thành ngữ vẫn luôn luôn sống động và hiện đại. Niềm mong ước này không hề bị xóa mờ cho dầu chúng ta đang ngày càng nhận thức những điều kiện sinh tồn mới của các gia đình trong thế giới hiện nay. Chính vì thế, đầu đề của hiến Chế Mục vụ Gaudium et spes mà Công Đồng đã chọn lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, nhằm nêu dẫn những phận vụ của Giáo Hội trong hoàn cảnh hiện nay: “đề cao phẩm giá của hôn nhân và gia đình” (7). Sau Công Đồng, Tông Huấn Familiaris consortio năm 1981 được kể là một nguồn tham chiếu quan trọng thêm nữa. Văn kiện này đề cập tới một kinh nghiệm sâu rộng và phức tạp liên quan tới gia đình: trải qua nhiều dân tộc và nhiều xứ sở khác nhau, gia đình vẫn mãi mãi và khắp mọi nơi là “đường lộ của Giáo Hội”. Hiểu như thế gia đình ngày càng là đường lộ của Giáo Hội ở những nơi mà gia đình phải chịu những cuộc khủng hoảng nội tại hoặc phải đương đầu với những ảnh hưởng văn hóa, xã hội và kinh tế vốn tác hại và làm suy thoái mối liên kết nội tại của gia đình, cho dầu chúng không là những trở ngại cho chính sự hình thành và đào luyện của gia đình.

CẦU NGUYỆN

  1. Qua bức thư này, tôi muốn ngỏ lời không phải với gia đình “trong trừu tượng”, nhưng với từng gia đình cụ thể ở khắp mọi miền trên trái đất, trên bất cứ kinh tuyến và vĩ tuyến nào, thuộc bất cứ nền văn hóa và lịch sử dị biệt cũng như phức tạp nào. Nếu “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian” (Ga 13,16), nếu Đức Kitô “đã yêu thương cho đến cùng” mọi người và mỗi người (Ga 13,11), thì chính nhờ tình yêu ấy mà Tôi dám ngỏ sứ điệp này tới từng gia đình, “tế bào” sống còn của “gia đình” nhân loại lớn rộng và phổ quát. Sự đón nhận phổ quát dành cho mọi người với tư cách là anh em chị em với nhau bắt nguồn từ nơi Chúa Cha, Đấng Tạo Dựng vũ trụ và nơi Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng Cứu Chuộc nhân loại, các Ngài kêu mời đem hết mọi người vào trong kinh nguyện với những lời mở đầu thật cảm động là “Lạy Cha chúng con”.

            Cầu nguyện làm cho Con Thiên Chúa cư ngụ giữa chúng ta: “Ở đâu có hai ba người tụ họp nhau lại nhân danh Thầy, ở đó có Thầy hiện diện” (Mt 18,20). Trên tất cả, Bức Thư gửi các gia đình muốn là một lời cầu nguyện ngỏ với Đức Kitô để cho Đức Kitô ở lại nơi mỗi một gia đình phàm nhân; là một lời kêu cứu ngỏ với Người, ngang qua tiểu gia đình gồm cha mẹ và con cái, để cùng với Người chúng ta tất cả có thể thực sự thốt lên rằng: Lạy Cha chúng con!”. Việc cầu nguyện phải trở thành yếu tố chủ động của Năm Gia Đình trong Giáo Hội; gia đình cầu nguyện, cầu nguyện cho gia đình, cầu nguyện với gia đình.

            Điều đáng lưu ý là, ngay trong cầu nguyện và nhờ cầu nguyện con người khám phá ra nhân cách đích thực của mình, bằng một cách vừa đơn giản vừa sâu xa hơn bao giờ hết; trong cầu nguyện, cái “tôi” nhân linh nắm bắt dễ dàng hơn chiều kích thâm sâu của phẩm vị làm người của mình. Đối với gia đình cũng vậy, gia đình vốn không chỉ là “tế bào” cơ bản của xã hội nhưng còn sở hữu một diện mạo đặc thù nữa. Mỗi khi các phần tử trong gia đình cùng gặp nhau trong lời khẩn cầu: “Lạy Cha chúng con!” là mỗi lần diện mạo đặc thù của gia đình được xác nhận một cách sơ đẳng và nền tảng, và đồng thời được nên vững chắc. Cầu nguyện tăng cường sự bền vững và mối liên kết thiêng liêng của gia đình, góp phần làm cho gia đình được thông phần vào “sức mạnh” của Thiên Chúa. Trong nghi lễ hôn phối, khi đọc lời “chúc lành” long trọng cho “đôi tân hôn”, chủ tế kêu cầu Chúa cho họ như sau: “Xin Người tuôn đổ ơn Thánh Thần cho họ, để nhờ tình yêu Người tràn lan trong lòng họ, họ mãi mãi trung thành với giao ước hôn nhân” (8). Chính từ “sự tuôn đổ Thần Khí” ấy mà sức mạnh bên trong các gia đình được nảy sinh, cũng như chính từ đó mà các gia đình mới có được quyền lực khả dĩ liên kết các gia đình trong tình yêu và trong chân lý.

TÌNH YÊU VÀ NIỀM ÂN CẦN

ĐỐI VỚI TẤT CẢ MỌI GIA ĐÌNH

  1. Ước chi Năm Gia Đình trở thành một năm mà các “Giáo Hội tại gia” và toàn thể Dân Chúa cầu nguyện chung với nhau và cầu nguyện không ngừng! Ước chi ý hướng cầu nguyện cũng bao gồm cả những gia đình đang gặp khó khăn hoặc nguy khốn, những gia đình rời rã hoặc phân ly, những gia đình đang rơi vào những tình huống mà Tông huấn Familiaris consortio đánh giá là “bất bình thường” (9)! Ước chi tất cả mọi gia đình đều cảm nghiệm được tình yêu và niềm ân cần của các anh chị em đang dồn cho mình.

            Ước chi trong Năm Gia Đình trước hết có chứng từ cầu nguyện đầy khích lệ của những gia đình đang thể hiện ơn gọi sống làm người và làm Kitô hữu trong mối dây hiệp thông gia đình! Những gia đình như vậy thật đông đảo trong khắp các quốc gia, khắp các giáo phận. Chúng ta cũng có thể có lý khi lấy các gia đình này làm “quy tắc” cho dầu chúng ta không quên chú trọng tới rất nhiều “tình huống bất bình thường”. Kinh nghiệm vẫn cho thấy vai trò của một gia đình sống đúng với chuẩn mực luân lý thật quan trọng dường nào để cho con người hạ sinh nơi gia đình đó và thụ huấn nơi gia đình đó có thể không ngần ngại mà chấp nhận đi theo con đường sự thiện, là con đường vốn luôn được khắc ghi trong tâm hồn người ấy. Có nhiều tổ chức được nâng đỡ bằng những phương tiện rất hùng hậu xem ra đang nhắm bênh vực sự suy thoái của các gia đình. Đôi khi dường như người ta còn tìm hết mọi phương thế để đưa những tình huống kỳ thực là “bất bình thường” ra trình bày như thể đó là những tình huống “bình thường” và hấp dẫn, bằng cách tạo cho những tình huống ấy một dáng vẻ bên ngoài đầy sức quyến rũ. Thật ra, những tình huống này đi ngược lại với “chân lý và tình yêu” là những quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, và bởi đó những tình huống ấy chính là nguyên nhân dẫn đến những dằng co và những chia rẽ trong các gia đình, kèm theo nhiều hậu quả trầm trọng, đặc biệt cho con cái: lương tâm luân lý bị lu mờ, điều tốt và điều xinh đẹp bị lệch lạc và tự do phải nhường chỗ cho một tình trạng nô lệ thực sự. Đứng trước tất cả những yếu tố này, những lời Thánh Tông Đồ Phaolô nói về tự do mà Đức Kitô đã dùng để giải thoát chúng ta và về ách nô lệ do tội lỗi gây nên (x. Gl 5.1) không thể không mặc một chiều kích hiện đại đặc biệt và không thôi thúc chúng ta.

            Như thế chúng ta hiểu được Năm Gia Đình thật phù hợp và thậm chí thật cần thiết trong Giáo Hội; chứng từ của tất cả những gia đình đang hằng ngày sống ơn gọi của mình thật là đều không thể thiếu; cuộc cầu nguyện vĩ đại của cá gia đình thật cấp bách, một cuộc cầu nguyện ngày càng thắm đượm và lan rộng trên khắp thế giới, trong đó người ta bày tỏ tâm tình tạ ơn và tình yêu trong chân lý, về “sự tuôn đổ ơn thánh Thần” (10), về sự hiện diện của Đức Kitô ở giữa cha mẹ và con cái, một Đức Kitô là Đấng Cứu Thế và là Phu Quân “đã yêu chúng ta cho đến cùng” (x. Ga 13,1). Chúng ta thâm tín rằng tình yêu ấy lớn lao hơn tất cả mọi sự (x. 1Cr 13,13) và chúng ta tin rằng tình yêu ấy đủ sức vượt lên trên và thắng lướt tất cả những gì không phải là tình yêu.

            Ước chi năm nay, lời cầu nguyện của Giáo Hội, lời cầu nguyện của gia đình, là “Giáo Hội tại gia”, không ngừng nguyện bay lên cao! Ước chi lời cầu nguyện ấy trước hết đạt thấu Thiên Chúa và rồi đạt thấu mọi người, để cho loài người không còn chuốc lấy nghi hoặc, để cho những ai đang chao đảo vì sự mỏng manh của thân phận làm người không bị ngã quỵ trước vẻ thu hút lọc lừa của những điều thiện chỉ là thiện ở bề ngoài, như những điều thiện vẫn được đề xướng mỗi lúc có cám dỗ!

            Tại Cana xứ Galilêa, nơi Đức Giêsu đã được mời tham dự bữa tiệc cưới, Mẹ Người cũng đồng thời có mặt đã ngỏ lời với những người giúp việc như sau: “Hễ Người dạy bảo gì thì hãy làm theo như vậy” (Ga 2,5). Với chúng ta là những người đang bước vào Năm Gia Đình, Đức Maria cũng ngỏ những lời ấy. Điều mà Đức Kitô dạy bảo chúng ta vào thời gian đặc biệt của lịch sử này, đó là một lời thống thiết mời gọi chúng ta bắt tay vào cuộc cầu nguyện vĩ đại với các gia đình và cho các gia đình. Qua cuộc cầu nguyện này, Đức Mẹ Nữ Trinh mời chúng ta kết hiệp với những tâm tình của Con Mẹ là Đấng hằng yêu thương hết mọi gia đình. Tình yêu này Người đã tỏ bày lúc Người khai mào sứ mệnh cứu chuộc, đúng vào lúc Người khai mào sứ mệnh cứu chuộc, đúng vào lúc Người hiện diện ở Cana xứ Galilê, một sự hiện diện có sức thánh hóa, một sự hiện diện mãi mãi tiếp nối.

            Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình trên khắp thế giới, nhờ Người, với Người và trong Người. Chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa Cha bởi vì “chính từ nơi Ngài mà bất cứ ai làm cha, trên trời và dưới đất, đều vay mượn tước hiệu của Ngài” (Ep 3, 15)!

 

PHẦN MỘT

NỀN VĂN MINH TÌNH YÊU

“NGÀI ĐÃ TẠO DỰNG LOÀI NGƯỜI CÓ NAM CÓ NỮ”

  1. Vũ trụ mênh mông với muôn vàn sắc thái, thế giới của mọi sự và mọi hữu thể có sự sống, tất cả đều được ghi khắc trong tình Cha của Thiên Chúa và đều bắt nguồn từ đó (x. Ep 3,14-16). Hẳn nhiên vũ trụ ấy và thế giới ấy được khắc ghi ở đó theo một loại tiêu chuẩn loại suy nhờ đó chúng ta có thể phân biệt, ngay từ phần mở đầu của sách Sáng Thế, thế nào là thực tại làm cha và làm mẹ, và bởi đó thể nào là thực tại gia đình phàm nhân. Chìa khóa chú giải nằm ở nơi nguyên tắc “hình ảnh” và “sự tương đồng” đối với Thiên Chúa. Là nguyên tắc mà bản văn Thánh Kinh nêu bật một cách rõ rệt (St 1, 26). Thiên Chúa tạo dựng bằng sức mạnh của Lời Ngài: “hãy có!” (chẳng hạn St 1, 3). Điều đáng ghi nhận là trong trường hợp tạo dựng người nam, lời của Chúa được bổ khuyết bằng những lời này nữa: “chúng ta hãy tác thành con người theo hình ảnh chúng ta, tương tự với chúng ta” (St 1, 26). Trước khi tạo dựng con người, dường như Đấng tạo Hóa quay về bên trong chính mình để tìm kiếm mẫu mực và hứng khởi cho việc tạo dựng ấy trong mầu nhiệm của Hữu Thể Người, và Hữu Thể ấy, vốn đã có, được tỏ lộ một cách nào đó như là Thiên Chúa ở số nhiều, “Chúng Tôi”. Từ mầu nhiệm này nảy sinh hữu thể nhân linh, do thể thức tạo dựng: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, Ngài đã tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Ngài đã tạo dựng loài người có nam và có nữ”. (St 1, 27).

            Thiên Chúa nói với các hữu thể mới, đồng thời chúc lành cho chúng: “Các ngươi hãy sinh sôi nảy nở, hãy gia tăng con số, hãy phủ đầy trái đất và hãy cai quản trái đất” (St 1,28). Sách Sáng Thế dùng những thành ngữ đã từng được sử dụng trong mạch văn nói về việc tạo dựng những sinh vật khác. “Hãy gia tăng con số”, thế nhưng ý nghĩa loại suy của các thành ngữ thật rỏ ràng. Phải chăng đó là sự loại suy về vấn đề sinh sản, về phụ tính và mẫu tính, phải đem đọc dưới ánh sáng của toàn bộ mạch văn? Ngoài con người ra không có sinh vật nào đã được tạo dựng “theo hình ảnh của Thiên Chúa, tương tự như Ngài”. Mặc dầu về mặt sinh học vốn tương tự như những tính chất của các sinh vật khác trong thiên nhiên, phụ tính và mẫu tính của con người còn sở hữu ở nơi chính chúng, một cách thiết yếu và độc quyền, một sự “tương tự” với Thiên Chúa, sự tương tự này chính là nền tảng cho gia đình hiểu như là cộng đồng gồm những ngôi vị liên kết với nhau trong tình yêu (communio personarum).

            Dưới ánh sáng Tân Ước, có thể dễ dàng nhận ra rằng mẫu mực nguyên thủy của gia đình phải được truy tìm ở nơi chính Thiên Chúa, trong mầu nhiệm sự sống Ba Ngôi. Cái “Chúng Tôi” của Thiên Chúa phải là mẫu mực vĩnh cửu cho cái “chúng tôi” của loài người, và trước hết cho cái chúng tôi được kết thành do người nam và người nữ, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, tương tự với Ngài. Chân lý về con người chứa đựng nơi những lời lẽ trong sách Sáng Thế cũng đồng thời tương ứng với những kinh nghiệm của nhân loại. Ngay từ “buổi đầu”, con người được tạo dựng là nam và nữ; cuộc sống tập thể của con người – trong những cộng đoàn nhỏ cũng như trong toàn xã hội – luôn mang dấu ấn của tính chất nhị phân nguyên thủy. Chính từ nơi tính chất nhị phân này mà xuất phát tính chất “phái mạnh” hoặc “phái yếu” của các cá nhân, và cũng chính từ nơi tính chất ấy mà mỗi một cộng đoàn có được đặc điểm của mình cũng như sự phong phú của mình trong việc bổ khuyết lẫn nhau. Câu “Ngài đã tạo dựng loài người có nam và có nữ” trong sách Sáng Thế (St 1,27) dường như là để quy về chính tính chất nhị phân ấy. Đây cũng chính là lời khẳng định đầu tiên về sự bình đẳng phẩm giá giữa người nam và người nữ: cả hai cũng đều là những ngôi vị ngang nhau. Sự cấu thành người nam và người nữ, cùng với phẩm chất đặc loại bắt nguồn từ đó, ngay từ “buổi đầu” đã thiết lập nên những đặc tính cho sự thiện chung của nhân loại trong mọi chiều kích và nơi mọi môi trường sống. Đối với sự thiện chung này, cả hai, nam lẫn nữ, đều mang phần đóng góp riêng của mình nhờ đó mà ngay tận cội rễ của tình trạng loài người chung sống liên đới và huynh đệ có được tính chất hiệp thông và tính chất bổ khuyết lẫn nhau.

GIAO ƯỚC PHU THÊ

  1. Gia đình từ trước đến nay vẫn luôn luôn được nhìn nhận như là biểu hiện sơ đẳng và cơ bản cho tính xã hội của con người. Xét trong chất thể, quan niệm này đã không thay đổi, ngay cả ngày nay. Tuy nhiên, thời nay, khi nói về gia đình, về cấu tố làm nên cộng đoàn cơ bản nhỏ nhất của nhân loại, người ta vẫn ưa nêu bật những gì trong gia đình là do cá nhân người nam hoặc người nữ mang lại. Thật vậy, gia đình là một cộng đoàn ngôi vị, đối với ngôi vị này phương cách đích thực để cùng hiện hữu và sống chung với nhau chính là sự hiệp thông, communio personarum. Ở đây cũng vậy, dầu vẫn bảo tồn nguyên vẹn tính siêu việt tuyệt đối của Tạo Hóa trong tương quan với tạo vật, người ta vẫn có được sự quy chiếu mang tính chất mẫu mực về cái “Chúng Tôi” của Thiên Chúa. Duy chỉ các ngôi vị mới có khả năng hiện hữu “trong hiệp thông”. Gia đình hình thành từ mối hiệp thông vợ chồng, mà Công Đông Vanticanô II gọi là “giao ước” trong đó người nam và người nữ “tự hiến cho nhau và đón nhận lẫn nhau” (11).

            Sách Sáng Thế mở cửa cho chúng ta vào chân lý nói trên khi tham chiếu vào việc thiết lập gia đình bằng hôn nhân và quả quyết rằng “người nam rời bỏ cha mẹ mình để gắn bó với vợ, và cả hai trở thành một huyết nhục duy nhất” (St 2, 24). Trong Tin Mừng, khi đả kích những người biệt phái, Đức Kitô cũng dùng lại những lời lẽ như thế và thêm rằng: “Bởi đó, họ không còn là hai nhưng là một huyết nhục duy nhất. Ấy vậy! Điều gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly” (Mt 19, 6). Người mạc khải thêm nữa về nội dung mang tính chuẩn mực của một sự kiện vốn có “ngay từ buổi đầu” (Mt 19, 8) và hiện vẫn mãi duy trì nội dung ấy nơi chính nó. Nếu Đấng là Thầy xác quyết điều ấy “lúc này”, thì cốt để nhằm mục đích làm sao cho, một khi bước vào Giao Ước mới, tính bất khả phân ly của hôn nhân, được sáng tỏ và không chút mập mờ với tư cách là nền móng cho sự thiện chung của gia đình.

            Khi chúng ta cùng với Thánh Tông Đồ quỳ gối trước Chúa Cha, Đấng là nguồn mạch cho mọi tước hiệu làm cha và làm mẹ (x. Ep 3, 14-15), chúng ta ý thức rằng sự kiện làm cha làm mẹ là cả một biến cố mà nhờ đó, như đã được thiết lập nhờ khế ước hôn nhân, gia đình được thể hiện “theo nghĩa trọn vẹn và chuyên biệt của từ ngữ” (12). Mẫu tính nhất thiết giả định phụ tính và ngược lại, phụ tính nhất thiết giả định mẫu tính: đó là thành quả do tính chất nhị phân mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho con người “ngay từ khởi nguyên”.

            Tôi đã nhắc đến hai khái niệm tương cận nhưng không đồng nhất: khái niệm “hiệp thông” (communion) và khái niệm “cộng đồng” (communauté). “Hiệp thông” liên quan tới tương quan ngôi vị giữa ngôi thứ nhất với ngôi thứ hai (je-tu); “cộng đồng” thì ngược lại vượt lên trên lược đồ ấy để nhắm hướng một “xã hội” (société), một “chúng ta”. Như thế, là cộng đồng ngôi vị, gia đình là “xã hội” đầu tiên của con người. Gia đình thành hình vào lúc mà khế ước hôn nhân được thực thi, khế ước mở đường cho hai vợ chồng bước vào một mối hiệp thông tình yêu và sự sống bền lâu, khế ước được bổ khuyết một cách tròn đầy và đặc loại bằng việc hạ sinh con cái vào đời: mối “hiệp thông” vợ chồng làm cho “cộng đồng” gia đình được hiện hữu. “Cộng đồng” gia đình mật thiết thấm nhuần tất cả những gì cấu tạo nên yếu tính riêng biệt của “hiệp thông”. Thử hỏi, trong các tương quan trần thế, còn có mối hiệp thông nào khác có thể sánh ví với mối hiệp thông có được giữa một người mẹ với con mình, đứa con mà người mẹ đã cưu mang trước trong dạ mình rồi mới hạ sinh vào đời?

            Trong gia đình được cấu thành như thế, chúng ta nhận rõ được một thể thống nhất mới, trong đó tương quan “hiệp thông” giữa cha mẹ được chu toàn một cách tròn đầy. Kinh nghiệm minh chứng rằng sự chu toàn này còn là một bổn phận và một thách đố. Bổn phận ràng buộc hai vợ chồng với nhau và đưa giao ước thuở đầu của họ vào hiện thực: phải làm sao để con cái họ sinh hạ – thách đố là chổ này – tăng cường cho sự bền vững của giao ước ấy, nghĩa là làm cho mối hiệp thông lứa đôi giữa cha và mẹ được thêm phong phú và sâu rộng. Nếu không tạo được điều ấy, cần phải tự hỏi xem có phải lòng ích kỷ, vốn ẩn núp ngay trong tình yêu của người nam và người nữ do bởi sự nghiêng chiều về điều dữ, đã mạnh hơn tình yêu ấy hay chăng. Các cặp vợ chồng phải nhận ra được điều này. Ngay từ đầu, họ phải quy hướng tâm hồn và tư tưởng về với Thiên Chúa, “Đấng là nguồn mạch của bất cứ tước hiệu làm cha nào”, để cho phụ tính của họ và mẫu tính của họ kín múc sức mạnh nơi nguồn mạch này hầu có thể không ngừng canh tân trong tình yêu.

Phụ tính và mẫu tính tự chúng lại là một sự củng cố đặc biệt cho tình yêu, giúp khám phá ra chiều kích lớn rộng và sâu xa nguyên thủy của tình yêu. Thế nhưng đây không phải là chuyện đương nhiên. Đúng hơn đây là một phần vụ được giao phó cho cả hai, cả vợ lẫn chồng. Trong đời sống của cả hai, tính chất làm cha làm mẹ tạo thành một chiều kích “mới mẻ” và phong phú, đáng khâm phục đến độ hễ nhắc đến là phải “quỳ gối” để suy niệm.

Kinh nghiệm nêu dẫn rằng tình yêu nhân linh vốn tự bản chất qui hướng về phụ tính và mẫu tính lại một đôi khi gặp phải khủng hoảng sâu rộng và do đó bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Trong trường hợp này, phải làm sao đừng coi thường việc chạy đến xin giúp đỡ nơi những vị cố vấn về hôn nhân và gia đình, và qua trung gian các vị này cũng có thể yêu cầu thêm chẳng hạn sự trợ giúp của các tâm lý gia và các nhà tâm bệnh trị liệu. Dầu sao, người ta vẫn không thể nào bỏ qua giá trị trường tồn của những lời Thánh Tông Đồ đã nói: “Tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, Đấng là nguồn mạch của tất cả mọi tước vị làm cha trên trời và dưới đất”. Hôn nhân, đặc biệt hôn nhân đã cử hành như bí tích, là một sự giao kết giữa những ngôi vị trong tình yêu. Và tình yêu chỉ có thể được tô đậm và được gìn giữ nguyên vẹn nhờ Tình Yêu, Tình Yêu vốn “tuôn tràn trong tâm hồn chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần mà Ngài đã ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Phải chăng việc cầu nguyện trong Năm Gia Đình cần phải tập trung vào điểm trọng yếu và quyết liệt ấy: sợi dây năng động, sự chuyển tiếp từ tình yêu lứa đôi sang truyền sinh và bởi đó sang tính chất làm cha và làm mẹ? Có phải chăng chính vì điểm này mà trong khi cử hành phụng vụ bí tích hôn nhân cần phải cầu xin cho có được “sự tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần”?

Thánh Tông Đồ quỳ gối trước mặt Chúa Cha và khẩn cầu Ngài “đoái thương trang bị quyền lực cho anh em bằng Thần Khí của Ngài để con người nội tâm được nên mạnh mẽ trong anh em” (Ep 3, 16). “Sức mạnh của con người nội tâm” thật cần thiết cho cuộc sống gia đình, đặc biệt trong những thời điểm gay cấn, nghĩa là trong những lúc mà mặc dầu đã được bày tỏ qua nghi thức phụng vụ với những lời lẽ trao đổi cho nhau nói lên sự ưng thuận và lời “hứa trung thành mãi cho đến trọn đời”, tình yêu đang được mời gọi để thắng vượt mọi thử thách cam go.

CẢ HAI NÊN MỘT

  1. Chỉ những con người xét như là “ngôi vị” mới có đủ tầm cỡ để tuyên xướng những lời ấy; chỉ những “ngôi vị” mới có khả năng sống “hiệp thông” bằng cách đặt nền tảng trên sự lựa chọn lẫn nhau vốn là và phải là hoàn toàn ý thức và tự do. Khi nói về người nam rời bỏ cha mẹ để gắn bó với vợ mình (x.St 2, 24), sách Sáng Thế nêu bật sự lựa chọn ý thức và tự do từ đó mới có sự hình thành hôn nhân, mới làm cho người con trai nên chồng và người con gái nên vợ. Làm sao có thể hiểu được sự lựa chọn hỗ tương này cho thỏa đáng nếu như trước mắt người ta không có được chân lý trọn vẹn về ngôi vị, nghĩa là về hữu thể có lý trí và tự do? Công Đồng Vaticanô II nói về sự tương tự giữa con người với Thiên Chúa bằng những từ ngữ thiết tưởng ý nhị hơn bao giờ hết. Công Đồng chẳng những nại tới hình ảnh Thiên Chúa và sự tương đồng với Thiên Chúa mà mọi hữu thể nhân linh đều đã tự mình sở hữu, Công Đồng còn đặc biệt nại tới “một sự tương đồng nào đó giữa mối dây hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa với mối dây hiệp nhất của con cái Thiên Chúa trong chân lý và tình yêu”.(13).

            Lời phát biểu hết sức dồi dào ý nghĩa của Công Đồng trước hết xác quyết tất cả những gì ấn định căn tính thâm sâu của mỗi một người nam và mỗi một người nữ. Căn tính này hệ tại khả năng sống trong chân lý và trong tình yêu; hơn hế nữa, căn tính ấy hệ tại nhu cầu chân lý và tình yêu, vốn là chiều kích cấu tạo nên đời sống con người. Nhu cầu chân lý và tình yêu mở lối cho con người đến với Thiên Chúa cũng như đến với các tạo vật; nhu cầu ấy mở lối cho con người đến với những người khác, đến đời sống “hiệp thông” và đặc biệt đến hôn nhân và gia đình. Theo những lời lẽ trong Công Đồng hiểu một cách nào đó, “sự hiệp thông” giữa những ngôi vị con người bắt nguồn từ mầu nhiệm “Chúng Tôi” của Ba Ngôi và như vậy cả “sự hiệp thông vợ chồng” cũng vậy, cũng gắn liền với mầu nhiệm ấy. Hình thành do tình yêu của người nam và người nữ, gia đình vốn tự nền tảng phát xuất từ mầu nhiệm Thiên Chúa. Điều này tương ứng với yếu tính thâm sâu nhất của con người nam và nữ, với phẩm giá bẩm sinh và chính danh của họ trong tư cách những ngôi vị.

            Trong hôn nhân, người nam và người nữ kết hợp chặt chẽ với nhau đến độ, theo kiểu nói của Sách Sáng Thế, trở thành “một huyết nhục duy nhất” (St 2, 24). Vốn là nam và là nữ do cấu tạo thể lý và vốn khác biệt nhau về mặt cơ thể, cả hai chủ thể nhân linh cùng chia sẽ đồng đều khả năng sống “trong chân lý và trong tình yêu”. Là đặc tính của hữu thể nhân linh với tư cách ngôi vị, khả năng này mang một chiều kích vừa thiêng liêng vừa thể chất. Cũng là qua con đường thân xác mà người nam và người nữ được chuẩn bị để tạo thành một “mối hiệp thông ngôi vị” trong hôn nhân. Một khi, do bởi giao ước phu thê, hai người kết hợp vơi nhau đến độ trở thành “một huyết nhục duy nhất” (St 2, 24), sự kết hợp của họ phải được thực hiện “trong chân lý và trong tình yêu”, nhờ đó mới nêu bật được tính chất trưởng thành của những con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống với Ngài.

            Phát xuất từ sự kết hợp ấy, gia đình đón nhận tính chất bền vững nội tại từ giao ước giữa hai vợ chồng mà Đức Kitô đã nâng lên hàng bí tích. Gia đình tìm được bản chất cộng đồng hay đúng hơn tính chất “hiệp thông” ở nơi mối hiệp thông cơ bản của hai vợ chồng, mối hiệp thông này được nối dài nơi con cái. “anh chị có sẵn sàng yêu thương đón nhận con cái Chúa sẽ ban và giáo dục chúng…không?” là câu hỏi của chủ lễ trong nghi thức hôn nhân (14). Câu trả lời của đôi bạn diển tả sự thật thâm sâu của tình yêu nối kết hai người nên một. Sự nối kết hai người nên một này thay vì nhốt kín hai người lại nơi chính họ thì lại mở lối cho họ vào một đời sống mới, một ngôi vị mới. Với tư cách là cha mẹ, hai người sẽ có khả năng ban tặng sự sống cho một hửu thể tương tự như họ, chẳng những là “thịt bởi thịt họ, xương bởi xương họ” (x. St 2, 23), nhưng là theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa, nghĩa là ngôi vị.

            Khi đặt câu hỏi “Anh chị có sẵn sàng không?”, Giáo Hội nhắc cho đôi tân hôn rằng họ đang ở trước quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Họ được mời gọi trở thành cha mẹ, nghĩa là được mời gọi cộng tác với Đấng Tạo Hóa để ban tặng sự sống. Cộng tác với Thiên Chúa để mời gọi những hửu thể nhân linh mới đi vào sự sống, điều đó có nghĩa là góp phần lưu truyền hình ảnh của Thiên Chúa và sự tương tự với Thiên Chúa mà bất cứ ai “do một người nữ sinh ra” cũng đều phản chiếu.

HỆ TỘC CỦA CON NGƯỜI

  1. Nhờ sự hiệp thông ngôi vị thực hiện trong hôn nhân, người nam và người nữ thành lập một gia đình. Gắn liền với gia đình là hệ tộc của bất cứ ai làm người: hệ tộc của một con người. Phụ tính và mẫu tính của con người bám rể trong phạm vi sinh học và đồng thời vượt lên trên phạm vi sinh học. “Quỳ gối trước mặt Chúa Cha Đấng là nguồn mạch của bất cứ tước hiệu làm cha (và làm mẹ) nào trên trời dưới đất”, Thánh Tông Đồ như thể đem đặt trước mắt chúng ta toàn thể thế giới sinh vật, từ những hữu thể thiêng liêng trên trời cho đến những hữu thể thể xác dưới đất. Mọi công cuộc truyền sinh đều tìm được mẫu mực nguồn cội của mình ở nơi phụ tính của Thiên Chúa. Dầu vậy, trong trường hợp con người, chiều kích giống Thiên Chúa “mang tính hoàn vũ” ấy không đủ để xác định một cách thỏa đáng quan hệ làm cha và làm mẹ. Khi một con người mới sinh ra do sự kết hợp vợ chồng giữa hai người, khi ấy con người mang lại cho thế giới, cùng với mình, một hình ảnh đặc thù của Thiên Chúa và một sự tương tự đặc thù với chính Thiên Chúa: trong phạm vi sinh học của sự lưu truyền nòi giống đã có khắc ghi hệ tộc của con người rồi (dans la biologie de la génération est inscrite la généalogie de la personne).

            Khi quả quyết rằng, với tư cách cha mẹ, hai vợ chồng là những cộng tác viên của Thiên Chúa Tạo Hóa trong công trình thụ thai và truyền sinh một hữu thể nhân linh mới (15), chúng tôi không chỉ nại tới các quy luật của sinh học: đúng hơn chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong phụ tính của con người, có chính Thiên Chúa hiện diện ở đó theo một thể thức khác với bất cứ thể thức nào “trên trần thế”. Quả vậy, “hình ảnh” ấy và sự “tương tự” ấy mà chỉ hữu thể nhân linh mới sở hữu thì chỉ có thể phát xuất từ công cuộc sáng tạo. Truyền sinh là nối tiếp công trình sáng tạo. (16)

            Bởi thế, khi một con người mới được thụ thai và hạ sinh, cha mẹ đứng trước một “mầu nhiệm lớn lao” (Ep 5, 32). Cũng cùng một cách thức như cha mẹ mình, hữu thể mới, chính mình, cũng được mời gọi để hiện hữu với tư cách ngôi vị: hữu thể mới được mời gọi vào sự sống “trong chân lý và trong tình yêu”. Lời mời gọi này không chỉ liên quan tới những gì ở trong thời gian, nhưng, trong Thiên Chúa, đó còn là một lời mời gọi mở lối vào vĩnh cửu. Ấy chính là chiều kích của hệ tộc con người mà Đức Kitô đã mạc khải một cách dứt khoát, bằng cách chiếu dọi ánh sáng Tin Mừng lên sự sống và sự chết của con người, và bởi đó trên ý nghĩa của gia đình nhân linh.

            Như lời Công Đồng khẳng định, con người “là tạo vật duy nhất trên mặt đất mà Thiên Chúa muốn dựng nên như là cứu cánh chứ không như là phương tiện” (seule créature que Dieu a voulue pour elle-même) (17). Tiến trình hình thành của con người không chỉ đáp ứng những quy luật của sinh học, nó còn trực tiếp đáp ứng ý định sáng tạo của Thiên Chúa, nghĩa là ý định liên quan đến hệ tộc của những con cái nam nữ trong các gia đình nhân linh. Ngay từ đầu con người đã “nằm trong ý định” của Thiên Chúa và hễ mỗi lần có con người thụ thai và có con người sinh hạ thì đều có “ý định” của Thiên Chúa như là hữu thể giống như Thiên Chúa, như là ngôi vị. Con người ấy, mỗi một con người, được Thiên Chúa tạo dựng “như là cứu cánh” (“pour lui-même”). Điều này liên quan đến mọi hữu thể nhân linh, kể cả những hữu thể sinh ra trong bệnh hoạn hoặc tật nguyền. Trong cấu tạo bản thân của mỗi người đều in hằn ý định của Thiên Chúa, Đấng muốn rằng, hiểu theo một nghĩa nào đó, cùng đích của con người phải là chính con người. Thiên Chúa giao con người lại cho con người, đồng thời ký thác con người cho trách nhiệm của gia đình và của xã hội. Trước một hữu thể nhân linh mới, cha mẹ vốn ý thức một cách tròn đầy hoặc sẽ phải ý thức một cách tròn đầy về sự kiện nầy là: hữu thể này “nằm trong ý định Thiên Chúa” như là “cứu cánh của chính mình”.

            Lối diễn đạt tổng hợp này thật phong phú và thật sâu sắc. Kể từ giây phút thụ thai, rồi từ khi sinh hạ, hữu thể mới được quy hướng để biểu lộ nhân tính của mình một cách viên mãn, để “tự nhận mình” (18) là ngôi vị. Điều này ứng dựng một cách tuyệt đối cho tất cả mọi người, kể cả những người bệnh mãn tính và những kẻ khuyết tật. Ơn gọi cơ bản của hữu thể mới là “làm người”: “làm người” theo mức độ hồng ân mình lãnh nhận. Trước hết theo mức độ của “nén bạc” chung là chính nhân tính rồi chỉ sau đó mới theo mức độ của những nén khác. Hiểu như thế, con người “nằm trong ý định” của Thiên Chúa như là “cứu cánh cho chính mình”. Dầu vậy, trong kế hoạch của Thiên Chúa, ơn gọi của con người vượt lên trên những giới hạn thời gian. Ơn gọi ấy bắt gặp ý định của Chúa Cha như đã được mạc khải nơi Ngôi Lời nhập thể: Thiên Chúa muốn trải rộng cho con người được thông phần vào chính đời sống thần linh của Ngài. Đức Kitô nói: “Thầy đến để cho loài người được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).

            Vận mệnh tối hậu của con người phải chăng không thể hòa hợp được với lời khẳng định cho rằng Thiên Chúa muốn tạo dựng con người là “vì chính con người”? Nếu con người được tạo dựng để chung hưởng sự sống thần linh, con người có còn thật sự hiện hữu “vì chính mình” nữa không? Đây là cả một vấn nạn mấu chốt mang tầm quan trọng lớn lao lúc khỏi đầu cũng như khi kết liểu cuộc đời con người ở trân thế; vấn nạn này quan trọng cho suốt cả dòng đời con người. Khi đặt định cho con người được chung hưởng sự sống thần linh, Thiên Chúa có thể bị lầm tưởng là đã dứt khoát tách con người ra khỏi sự sống “vì chính mình” (19). Đâu là mối tương quan vốn có giữa sự sống của một con người với sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi? Thánh Augustinô trả lời cho chúng ta bằng những lời lẽ nổi danh này: “Tâm hồn chúng con không thể an nhàn được cho đến khi nó nghỉ ngơi trong Chúa (20). “con tim không an nhàn” chứng tỏ rằng không hề có mâu thuẫn giữa cứu cánh này và cứu cánh kia, nhưng ngược lại có một mối liên kết, một sự điều phối, một sự thống nhất sâu xa. Vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa, do bởi chính hệ tộc của mình, con người khi thông phần vào Sự Sống của Thiên Chúa thì cũng hiện hữu “vì chính minh” và tự thể hiện chính mình. Nội dung của sự thể hiện chính mình, đó là có được tràn trề Sự Sống trong Thiên Chúa, sự sống đã được đề cập nơi môi miệng Đức Kitô (x. Ga 6, 37-40), Đấng đã cứu chuộc chúng ta cốt để đưa chúng ta vào trong Sự Sống (x. Mc 10, 45).

            Vợ chồng ước muốn có con cái vì chính chúng: họ nhìn thấy nơi con cái sự thăng hoa tình yêu hỗ tương của họ. Họ ước muốn có con cái cho gia đình, coi đó là một món quà rất quý giá (21). Đây là ước muốn có thể hiểu được trong một mức độ nào đó. Dầu vậy, trong tình yêu phu thê cũng như trong tình yêu phụ mẫu cần phải khắchộ  sự thật về con người vốn đã được Công Đồng diễn tả một cách tổng hợp và chuẩn xác khi Công Đồng khẳng định rằng: Thiên Chúa “muốn tạo dựng con người vì chính con người”. Để được như vậy, ý muốn của cha mẹ cần phải ăn khớp với ý muốn của Thiên Chúa; hiểu như thế, cha mẹ phải mong ước thụ tạo nhân linh mới như chính Đấng Tạo Hóa mong ước; nghĩa là “vì chính thụ tạo ấy”. Ý muốn của con người thì luôn luôn và không tránh khỏi lệ thuộc vào định luật của thời gian và tình trạng mỏng manh. Ý muốn của Thiên Chúa, ngược lại, mang tính chất vĩnh cửu. Trong sách Ngôn Sứ Giêrêmia, người ta đọc thấy rằng: “Trước khi ngươi thành hình trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi; khi ngươi chưa ra khỏi dạ mẹ thì Ta đã thánh hiến ngươi rồi” (Gr 1, 5). Như vậy, hệ tộc của con người trước hết gắn liền với cõi vĩnh hằng của Thiên Chúa và chỉ sau đó mới gắn liền với phụ tính và mẫu tính nhân linh vốn được thể hiện trong thời gian. Ngay lúc thụ thai con người đã được đặt định để đi vào vĩnh cửu trong Thiên Chúa rồi.

 

THIỆN ÍCH CHUNG CỦA HÔN NHÂN VÀ

CỦA GIA ĐÌNH

 

  1. Sự ưng thuận trong nghi lễ hôn phối hệ tại chỗ hướng đến tình trạng chuẩn xác và ổn định của thiện ích vốn là chung cho hôn nhân và cho gia đình. “Tôi nhận….làm vợ (làm chồng) và hứa sẽ mãi chung thuỷ với em (anh) khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời tôi” (22). Hôn nhân là mối hiệp thông độc nhất giữa những ngôi vị. Đặt nền tảng trên mối hiệp thông này, gia đình được mời gọi trở thành một cộng đồng ngôi vị. “Trước mặt Thiên Chúa và dưới sự chứng kiến của Giáo Hội”, đôi tân hôn bước vào một chặng đường dấn thân như lời chủ tế nhắc nhở họ khi họ trao đổi cho nhau những lời ưng thuận (23). Những người tham dự lễ nghi làm chứng cho cuộc dấn thân này, một cách nào đó họ đại diện cho Giáo Hội và cho xã hội, là những môi trường sống của gia đình mới.

            Những lời ưng thuận trong nghi lễ hôn phối xác định những yếu tố cấu tạo nên thiện ích chung của đôi bạn và của gia đình. Trước hết, thiện ích chung của hai vợ chồng: tình yêu, lòng chung thuỷ, sự tôn trọng, thời hạn cho đến chết của sự kết hợp, “mọi ngày trong suốt cuộc đời”. Vốn cùng một lúc là thiện ích của mỗi bên, thiện ích chung của hai người sau đó phải trở thành thiện ích của con cái. Do tự bản chất, thiện ích chung vừa kết hợp các ngôi vị  lại với nhau vừa đảm bảo cho thiện ích đích thực của mỗi ngôi vị. Nếu Giáo Hội, hoặc ngoài ra cả Nhà Nước nữa, chấp nhận sự ưng thuận của đôi bạn theo đúng với những từ ngữ đã nêu dẫn trên đây thì bởi vì những điều ấy đã được “ghi khắc trong lòng họ” (Rm 2, 15). Chính đôi bạn trao đổi lẫn nhau lời ưng thuận kết hôn bằng cách thề hứa, nghĩa là bằng cách xác quyết trước mặt Thiên Chúa rằng sự ưng thuận của họ là chân thật. Với tư cách đã rửa tội, trong Giáo Hội, họ là những thừa tác viên của bí tích hôn nhân. Thánh Phao-lô dạy rằng việc họ cam kết và dấn thân cho nhau là cả một “mầu nhiệm lớn lao” (Ep 5, 33).

            Như thế, những lời ưng thuận nói lên các yếu tố cấu tạo nên thiện ích chung của đôi bạn và những lời ấy chỉ dẫn cho thấy đâu là thiện ích chung mà gia đình tương lai phải có. Để nêu lên cho rõ, Giáo Hội hỏi họ xem họ đã chuẩn bị tinh thần Kitô giáo cho những con cái mà Chúa sẽ ban hay chưa. Câu hỏi này nại tới thiện ích chung của hạt nhân gia đình trong tương lai, đồng thời chú trọng đến hệ tộc của các ngôi vị vốn đã khắc ghi trong chính sự cấu tạo của hôn nhân và gia đình. Câu hỏi về vấn đề con cái và về việc giáo dục con cái gắn kết một cách chặt chẽ với sự ưng thuận phu thê, với lời yêu thương, với sự tôn trọng vợ chồng, với lòng chung thuỷ cho đến chết. Việc đón nhận và giáo dục con cái, vốn là hai trong số những cùng đích chính của gia đình, đều lệ thuộc vào cách thức mà người ta giữ lời cam kết.
            Làm cha và làm mẹ là một phận vụ thuộc bản chất chẳng những thể lý mà còn thiêng liêng; bởi vì hệ tộc của con người, trong khi khởi sự từ đời đời trong Thiên Chúa và chắc hẳn phải đưa dẫn tới Ngài, lại phải đi qua phụ tính và mẫu tính.

            Là năm mà các gia đình sẽ cầu nguyện một cách đặc biệt, Năm Gia Đình phải làm cho mỗi gia đình ý thức được tất cả những điều trên đây một cách mới mẻ và sâu rộng. Những đề tài Thánh Kinh khả dĩ nuôi dưỡng việc cầu nguyện của họ thật dồi dào biết mấy! Thế nhưng cần phải đem nối vào những lời Thánh Kinh lời bộc bạch tự thân của những ai là vợ chồng và là cha mẹ, cũng như lời bộc bạch của những người làm con làm cháu. Do hệ tộc của từng người, mối hiệp thông phu thê trở thành hiệp thông các thế hệ (commution des générations). Sự kết hợp bí tích giữa hai người, được đóng ấn trong giao ước ký kết trước mặt Thiên Chúa, sẽ trường tồn và nên kiên vững trong sự nối tiếp các thế hệ. Sự kết hợp phải trở thành hiệp nhất trong cầu nguyện. Nhưng để cho sự kết hợp ấy có thể toả chiếu một cách dạt dào ý nghĩa trong Năm Gia Đình này, thiết tưởng cầu nguyện phải thành thói quen bén rễ trong đời sống thường nhật của mỗi gia đình.

Cầu nguyện là tạ ơn, ca ngợi Thiên Chúa, xin  ơn tha thứ, van lơn và kêu nài. Hoặc bằng hình thức này hoặc bằng hình thức khác trong số các hình thức trên, gia đình có nhiều điều để nói với Chúa trong kinh nguyện. Gia đình cũng có nhiều điều để nói với loài người, trước tiên phải kể đến sự hiệp thông giữa những ngôi vị mà các mối dây gia đình kết hợp lại với nhau.

​            Tác giả thánh vịnh tự hỏi: “con người là chi mà Chúa cần nhớ đến” (Tv 8, 5). Cầu nguyện là nơi mà bằng cách thức đơn giản nhất người ta tưởng niệm Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và là Cha. Và rồi không phải chỉ có con người là tưởng nhớ Thiên Chúa và tưởng nhớ đến mức ấy, nhưng đúng hơn phải nói rằng: chính Thiên Chúa tưởng nhớ con người. Chính vì thế mà kinh nghiệm của cộng đồng gia đình có thể trở thành cơ hội nhắc nhở những kỷ niệm chung trong tương quan hỗ tương, bởi vì gia đình là cộng đồng bao gồm các thế hệ. Tất cả mọi người đều phải cầu nguyện cho những người còn sống, cả cho những người đã khuất, và phải cầu nguyện cho từng người một, trong tương quan với thiện ích mà gia đình tạo nên cho người ấy cũng như trong tương quan với thiện ích mà người ấy mang lại cho gia đình. Cầu nguyện mang lại  thiện ích chung cho gia đình. Hơn thế nữa, cầu nguyện làm nảy sinh thiện ích ấy ngày càng mới mẻ hơn. Trong kinh nguyện, gia đình tự nhận ra mình là “chúng tôi” ở số nhiều trong đó mỗi người là ngôi thứ nhất (“je”) hoặc ngôi thứ hai (“tu”); mỗi người đối với người kia là lần lượt chồng hoặc vợ, cha hoặc mẹ, con trai hoặc con gái, anh em hoặc chị em, ông hoặc cháu.

​            Những gia đình mà Tôi trao gửi Bức Thư này có sống được như vậy không? Chắc hẳn nhiều gia đình đang sống như vậy; thế nhưng vào thời buổi chúng ta, xem ra người ta có khuynh hướng thu hẹp vòng nôi gia đình lại thành hai thế hệ mà thôi. Nguyên nhân thường thường là do những kích thước hạn chế của những nhà cửa trong tầm sử dụng, nhất là nơi những thành phố lớn. Nhưng cũng có nguyên nhân khác không họa hiếm, đó là niềm xác tín cho rằng nhiều thế hệ chung sống với nhau thì sẽ gây chướng ngại cho tình thân mật và sẽ làm cho cuộc sống trở nên quá khó khăn. Phải chăng đó là chính là tình trạng yếu nhược đáng kể? Trong các gia đình ngày nay sự sống nhân linh quả là ít ỏi. Chỉ còn rất ít người để cùng nhau tạo lập và chia sẻ thiện ích chung; thế mà tự bản chất thiện ích chung đòi phải được tạo lập và chia sẻ với những người khác, “bonum est diffusivum sui”, “thiện ích đòi phải được chuyển trao” (24). Thiện ích càng là chung thì đồng thời lại càng riêng nữa: là của mỗi người, là của chúng ta. Ấy chính là lập luận nội tại của cuộc sống trong thiện ích, trong chân lý và trong đức ái. Nếu con người biết đón nhận và tuân theo lập luận ấy, cuộc sống con người sẽ thật sự trở thành “quà tặng vô vị lợi”.

HIẾN THÂN VÔ VỊ LỢI

  1. ​Sau khi quả quyết con người là thọ tạo duy nhất trên mặt đất được Thiên Chúa muốn tạo dựng như là cứu cánh cho chính mình, Công Đồng lập tức thêm rằng “con người chỉ có thể nhận ra mình trọn vẹn nhờ tự hiến chính mình một cách vô vị lợi” (25). Mệnh đề này không hề mâu thuẫn như người ta có thể lầm tưởng. Đúng hơn đó là nghịch lý quan trọng và kỳ diệu của cuộc đời con người: một cuộc đời được mời gọi phục vụ chân lý trong tình yêu. Tình yêu dẫn con người đến chỗ tự thể hiện chính mình qua việc tự hiến chính mình một cách vô vị lợi. Yêu có nghĩa là cho và nhận những gì mình không thể tậu được cũng không thể bán được mà chỉ có thể thỏa thuận cả hai phía một cách tự do.

​            Sự dâng hiến bản thân tự bản chất đòi phải mang chiều kích lâu bền và bất khả vãn hồi. Hôn nhân sở dĩ mang đặc tính bất khả phân ly thì trước hết do nơi yếu tính của việc dâng hiến này: hiến dâng ngôi vị cho ngôi vị. Trong việc dâng hiến hỗ tương tính chất phu thê của tình yêu được tỏ lộ. Khi bày tỏ sự ưng thuận trong nghi thức hôn nhân, đôi bạn gọi tên nhau: “Tôi…nhận em… làm vợ (chồng) và hứa sẽ mãi chung thủy với em (anh)… mọi ngày trong suốt đời tôi”. Một sự hiến dâng như thế có sức nối kết mạnh hơn nhiều và sâu đậm hơn nhiều so với tất cả những gì có thể “đoạt được” bằng bất cứ cách nào và với bất cứ giá nào. Quỳ gối trước mặt Chúa Cha, Đấng là nguồn mạch của mọi tước hiệu làm cha và làm mẹ, các bậc cha mẹ tương lai thế nào cũng tự ý thức được rằng mình đã “được cứu chuộc”. Quả vậy, họ đã được cứu gỡ bằng một giá rất đắt, giá của cuộc chiến hiến thân vô vị lợi chưa từng có, giá máu của Đức Kitô; nhờ bí tích, họ thông phần vào máu của Người. Đỉnh cao phụng vụ của lễ nghi hôn phối là Bí Tích Thánh Thể – “thân mình trao nộp” và “đổ máu ra” làm của lễ – một cách nào đó đã được biểu hiện trong sự ưng thuận của đôi bạn.

            ​Một khi, trong hôn nhân, người nam và người nữ tự hiến cho nhau và đón nhận lẫn nhau trong sự kết hợp nên “một huyết nhục duy nhất”, diễn tiến chặt chẽ (logique) của việc hiến dâng vô vị lợi bắt đầu xen lẫn vào đời họ. Không có diễn tiến chặt chẽ này, hôn nhân sẽ chỉ là trống rỗng, trong khi đó, vốn xây nền trên cùng diễn tiến lập luận này, sự hiệp thông các ngôi vị rồi sẽ là hiệp thông cha mẹ. Khi hai vợ chồng lưu truyền sự sống cho con họ, một ngôi-vị-nhân-linh-mới chen chân vào trong quĩ đạo của tập hợp các ngôi vị là “chúng tôi”, một ngôi vị mà họ sẽ gọi bằng một tên mới: “Con trai chúng tôi là…; con gái chúng tôi là…”. “Nhờ Chúa mà tôi đã đạt được một con người” (St 4, 1), đây là lời của Eva người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử, có ý nghĩa diễn đạt điều này: một hữu thể nhân linh cha mẹ, anh em, chị em trước đó đã mong đợi trong chín tháng nay “xuất hiện”. Từ thụ thai cho đến trong dạ mẹ, rồi ở cữ, sinh đẻ, tất cả tiến trình này nhằm để tạo một khoảng không gian thích ứng cho thọ tạo mới có thể xuất hiện như là “quà tặng”, bởi vì đó chính là phẩm tính của thọ tạo mới ngay từ đầu.

Một hữu thể yếu ớt và không chút tự vệ, lệ thuộc vào cha mẹ, trông cậy và hoàn toàn phó thác nơi những chăm sóc của cha mẹ, chả lẽ dùng một phẩm tính khác để gán cho hữu thể ấy? Trẻ sơ sinh tự hiến cho cha mẹ do bởi chính sự kiện chào đời. Sự hiện hữu của em đã là một tặng phẩm, tặng phẩm đầu tiên mà Đấng Tạo Hóa dành cho thọ tạo.

​            Nơi em bé sơ sinh thiện ích chung của gia đình được thể hiện. Cũng như thiện ích chung của vợ chồng thành toàn nơi tình yêu phu thê, sẵn sàng cho và nhận sự sống mới, cũng vậy thiện ích chung của gia đình được thể hiện do cùng một tình yêu  phu thê ấy nau được cụ thể hóa nơi em bé sơ sinh. Trong hệ tộc của một con người đồng thời có hệ tộc để mãi mãi  ghi nhớ, cho dầu công việc lưu ký chỉ là hậu quả xã hội của sự kiện “đã có một con người chào đời”.

​            Thế nhưng có thật sự hữu-thể-nhân-linh-mới là tặng phẩm đối với cha mẹ không? Là tặng phẩm đối với xã hội không? Cứ bề ngoài dường như chúng ta không nhận ra điều đó. Một con người sinh ra nhiều khi chỉ được xem  như là một dữ liệu thống kê, được ghi lại như biết bao dữ liệu  khác trong những cuốn sổ liệt kê dân số. Dĩ nhiên, đối với cha mẹ, một đứa  con sinh ra đồng nghĩa với những vất vả trước mắt, những gánh nặng kinh tế thêm vào, những ràng buộc khác nữa trong thực tế: có biết bao nguyên do như thế thôi thúc nơi cha mẹ mối cám dỗ đừng mong ước có con nữa (26). Trong một số môi trường xã hội và văn hóa, mối cám dỗ này phải nói rất trầm trọng. Như thế đứa con không phải là tặng phẩm sao? Hay là nó có mặt là chỉ lấy bớt chớ chẳng hiến tặng gì? Đó là một vấn nạn phiền toái mà con người ngày nay khó lòng vượt thoát. Đứa con đến chiếm mất chỗ, trong khi mà trên thế giới này không gian dường như ngày càng quý hiếm hơn. Thế nhưng có thật là nó không mang lại gì cho gia đình và cho xã hội không? Chẳng lẽ nó không là một “thành phần” trong thiện ích chung mà nếu thiếu các cộng đoàn nhân loại sẽ suy thoái và thậm chí có thể tan biến sao? Phủ nhận nó sao được? Đứa con tự hiến chính mình cho anh em, chị em, cho cha mẹ và toàn bộ gia đình. Cuộc đời của nó trở thành một tặng phẩm cho chính các tác giả của sự sống, các vị này không thể không đảm nhận sự hiện diện của đứa con vào trong thiện ích chung của họ và thiện ích chung của cộng đồng  gia đình. Đây chính là một chân lý vẫn mãi hiển nhiên trong tính chất đơn giản và sâu sắc của nó, cho dẫu cấu trúc tâm lý của một số người có thể phức tạp hoặc đôi lúc bệnh hoạn. Thiện ích chung của toàn thể xã hội nằm ở nơi con người vì, như chúng ta đã gợi chắc, con người là “đường lộ của Giáo Hội” (27). Trên tất cả, con người là “vinh quang của Thiên Chúa”: “Gloria Dei vivens homo”, “vinh quang của Thiên Chúa là chính con người đang sống”, theo như kiểu nói thời danh của Thánh Irênêô (28), mà chúng ta có thể dịch là: “Vinh quang của Thiên Chúa, đó là con người có sự sống” (c’est que I’homme vive). Có thể nói ở đây chúng ta đang đứng trước một định nghĩa cao cả nhất về con người: vinh quang của Thiên Chúa là thiện ích chung của tất cả những gì hiện hữu; đó là thiện ích chung của dòng giống loài người.

​            Đúng vậy, con người là thiện ích chung: thiện ích chung của gia đình và của nhân loại, của các tập thể đó đây và của vô vàn cơ của xã hội. Dẫu vậy vẫn cần có sự phân biệt ý nhị về cấp độ và về thể loại: chẳng hạn, con người, là thiện ích chung của dân tộc mà mình là thành phần hay của Nhà Nước mà mình là công dân: thế nhưng đối với gia đình của mình, con người là thiện ích chung một cách cụ thể hơn nhiều, một cách vô cùng độc nhất vô nhị: con người là thiện ích chung chẳng những với tư cách là thành phần của đám đông nhân loại nhưng còn với tư cách là “con người cá vị này”. Thiên Chúa Tạo Hóa mời gọi con người đi vào hiện hữu “vì chính con người” và, một khi vào đời, con người bắt đầu trong gia đình mình “một cuộc mạo hiểm vĩ đại”, mạo hiểm về sự sống. Trong bất cứ trường hợp nào, “con người cá vị này” vẫn có quyền khẳng định chính mình. Chính phẩm giá này sẽ ấn định vị thế của con người giữa những người khác và trước tiên trong gia đình. Bởi vì, hơn tất cả mọi thực thể nhân linh khác, gia đình là môi trường mà con người có thể hiện hữu “vì chính mình” qua việc tự hiến một cách vô vị lợi. Chính vì thế mà gia đình vẫn mãi là một định chế xã hội mà người ta không thể và không được quyền thay thế: gia đình là “thánh điện của sự sống” (29).

​            Một con người sinh ra,”một hữu thể nhân linh chào đời” (x.Ga 16, 21), đó là dấu chỉ mầu nhiệm vượt qua (signe pascal). Theo thánh sử Gioan, trước khi chịu khổ nạn và chịu chết, Đức Giêsu tự mình nói điều này với môn đệ, Người so sánh nỗi buồn do cuộc ra đi của Người gây nên với một người phụ nữ đau đớn sinh con: “Người phụ nữ khi sắp sinh con thì lấy làm buồn phiền (nghĩa là đau đớn vì giờ của nàng đã đến; nhưng sau khi đã hạ sinh con rồi nàng không còn nhớ đến những nỗi đau nữa mà chỉ vui mừng vì một con người đã chào đời “ (Ga 16, 21). “Giờ” tử nạn của Đức Kitô (x. Ga 13, 1) ở đây được so sánh với “giờ” của người phụ nữ trong cơn đau sinh nở; việc sinh hạ một con-người-mới được so sánh với cuộc chiến thắng của sự sống trên sự chết mà Đức Kitô phục sinh đã dành được. Từ những so sánh này mà nhiều suy tư được khơi dậy. Cũng như sự phục sinh của Đức Kitô là cuộc tỏ hiện Sự Sống bên kia ngưỡng cửa tử thần thì, cũng vậy, sự sinh hạ một con người cũng là cuộc tỏ hiện đời sống, một đời sống luôn được đặt định, nhờ Đức Kitô, để tiến đến “Sự Sống viên mãn” ở nơi chính Thiên Chúa: “Thầy đã đến để cho chúng ta được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Chính ở đây mà chúng ta nhận thấy thành ngữ “Gloria Dei vivens homo” của Thánh Irênêô được mạc khải về ý nghĩa đích thực với giá trị sâu xa của nó.

​            Những điều Tin Mừng đề cập về sự hiến thân mà nếu không có con người không thể “nhận ra trọn vẹn chính mình” thì chính là chân lý giúp hiểu được “sự hiến thân vô vị lợi” ấy đâm rễ sâu tới mức nào trong ân huệ của Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và là Đấng cứu chuộc, trong “ơn Chúa Thánh Thần” mà chủ lễ cầu xin Thiên Chúa tuôn đổ trên đôi bạn lúc cử hành lễ nghi hôn phối. Nếu không có “sự tuôn đổ” này, thực khó mà hiểu nỗi thế nào là tự hiến và khó mà thực hiện được điều ấy như là ơn gọi của con người. Thế nhưng không ít người hiểu được điều ấy! Rất nhiều người nam và người nữ đón nhận chân lý ấy và đạt tới chỗ nhận thức rằng chỉ trong chân lý ấy họ mới gặp được “Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14, 16).Thiếu chân lý ấy, đời sống của vợ chồng và của gia đình không thể nào đạt tới ý nghĩa nhân bản trọn vẹn.

​            Đó chính là lý do tại sao Giáo Hội không bao giờ biết nhàm chán khi giảng dạy chân lý ấy và làm chứng cho chân lý ấy. Trong khi vẫn cứ nêu bằng chứng về một mối cảm thông từ mẫu đối với những tình huống khủng hoảng và phức tạp mà các gia đình không thể tránh khỏi cũng như đối với tình trạng mong manh của con người về mặt luân lý, Giáo Hội không khỏi xác tín rằng mình phải tuyệt đối chung thủy với chân lý về tình yêu nhân linh; nếu xử sự khác đi, Giáo Hội chẳng khác nào tự phản bội chính mình. Rời xa chân lý cứu độ này thì thật ra tựa như khép kín “đôi mắt tâm hồn” (Ep 1,18) mà đáng lẽ phải luôn rộng mở trước ánh sáng được Tin Mừng dọi chiếu trên những thăng trầm của nhân loại (x.2Tm 1, 10). Đứng trước rất nhiều chống đối mà Giáo Hội gặp phải từ phía những người ủng hộ cho một nền văn minh lệch lạc về tiến bộ, cần phải canh tân một cách nghiêm túc và cần phải không ngừng bảo đảm cho có được ý thức về việc hiến thân vô vị lợi mà nhờ đó con người “nhận ra chính mình” (30). Gia đình luôn biểu lộ một chiều kích mới nơi thiện ích dành cho loài người, và chính vì thế gia đình tạo ra một trách nhiệm mới. Chúng ta đang nói đến trách nhiệm đối với thiện ích vừa chung vừa riêng trong đó có thiện ích của con người, thiện ích của mỗi một thành phần trong cộng đồng gia đình. Chắc hẳn đó là một thiện ích “cam go” nhưng cũng là một thiện ích kỳ diệu.

 LÀM CHA LÀM MẸ CÓ TRÁCH NHIỆM

12        Trong phần  khai triển Bức Thư gởi các Gia đình này, đã đến lúc cần phải gợi ra hai vấn đề vốn dính liền với nhau. Một vấn đề, tổng quát hơn, liên quan đến nền văn minh tình yêu; và một vấn đề nữa, chuyên biệt hơn,  nhắm tới việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm.

            Chúng ta đã nói rằng hôn nhân kéo theo một trách nhiệm đặc biệt đối với thiện ích chung, trước hết thiện ích của vợ chồng rồi sau đó thiện ích của gia đình. Thiện ích ấy được cấu thành do con người, do giá trị của con người và do tất cả những gì mang lại tầm vóc cho phẩm giá con người. Con người mang nơi mình phẩm giá làm người. Tuy nhiên, trong khuôn khổ hôn nhân và gia đình, trách nhiệm ấy còn đòi phải “nhập cuộc” hơn nữa, vì nhiều nguyên do. Không phải vô cớ mà Hiến Chế mục vụ Gaudium et spes đề cập tới việc “đề cao phẩm giá của hôn nhân và gia đình”. Công Đồng coi công việc “đề cao” này như là một phận vụ thuộc về Giáo Hội cũng như thuộc về Nhà Nước; thế nhưng, trong tất cả mọi nền văn hóa, công việc này trước tiên vẫn là bổn phận của những con người một khi đã liên kết với nhau trong hôn nhân làm thành một gia đình nhất định. “Làm cha làm mẹ có trách nhiệm” là kiểu nói ám chỉ hoạt động cụ thể nhằm thi hành bổn phận này, là bổn phận mặc lấy rất nhiều đặc điểm mới trong thế giới ngày nay.

            Một cách đặc biệt, kiểu nói “làm cha mẹ có trách nhiệm” trực tiếp tương ứng với thời gian mà người nam và người nữ nhờ kết hợp với nhau thành “một huyết nhục duy nhất” có khả năng trở thành cha mẹ. Đó là một thời gian phong phú và đặc biệt giàu ý nghĩa xét về những tương quan liên vị của họ cũng như xét về công việc phục vụ mà họ mang lại cho sự sống; họ có thể trở thành cha mẹ bằng cách chuyển thông sự sống cho một hữu- thể-nhân-linh-mới. Không thể nào vận dụng sự khéo léo để tách rời hai chiều kích của mối dây liên kết vợ chồng, là kết hợp và truyền sinh, mà lại không làm tổn hại chân lý sâu thẳm của chính hành vi vợ chồng (31).

            Giáo huấn thường hằng của Giáo Hội là như thế; và những “dấu chỉ thời đại” mà ngày nay chúng ta đang mục kích lại tạo thêm cho chúng ta những lý do mới để lặp lại giáo huấn ấy một cách nhấn mạnh hơn. Vốn quan tâm đến những điều khẩn thiết mục vụ trong thời đại mình, thánh Phao-lô đã rõ rệt và quyết liệt yêu cầu phải “nhấn mạnh khi thời cơ thuận tiện cũng như lúc gặp nghịch cảnh”  (x. 2Tm 4,2) chớ đừng để cho mình ra hốt hoảng vì sự kiện “người ta không chịu đựng nổi đạo lý lành mạnh nữa” (x. Tm 4, 3). Lời của thánh nhân thật gần gũi đối với những ai, vốn hiểu một cách sâu xa những gì xảy ra cho thời đại chúng ta, hiện đang mong mỏi Giáo Hội chẳng những đừng bỏ rơi “đạo lý lành mạnh” nhưng còn loan báo đạo lý ấy với một nghị lực đổi mới, đồng thời tìm ra trong các “dấu chỉ thời đại” hiện nay những lý do quan phòng để đào sâu đạo lý ấy hơn nữa.

            Trong số những lý do quan phòng vừa đề cặp, có nhiều lý do nằm trong lãnh vực của các bộ môn khoa học vốn, từ một gốc chung là nhân học, đã phát triển thành nhiều ngành chuyên biệt khác nhau, chẳng hạn sinh học, tâm lý học, xã hội học và nhiều nhánh nhỏ sau này nữa. Một cách nào đó tất cả các bộ môn này đều xoay quanh y học, một bộ môn vừa là khoa học vừa là nghệ thuật (ars medica), nhắm phục vụ đời sống và sức khỏe cho con người. Nhưng những lý do được gợi ra ở đây đặc biệt phát xuất từ kinh nghiệm của con người vốn đa dạng và vốn hiểu theo một nghĩa nào đó, đi trước và tiếp nối chính khoa học.

            Các đôi vợ chồng nhờ kinh nghiệm riêng mà học biết đâu là ý nghĩa của việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm; họ cũng học điều ấy nhờ vào kinh nghiệm của những đôi lứa khác vốn sống trong những hoàn cảnh tương tự, và nhờ đó họ cởi mở hơn đối với những dữ liệu của các bộ môn khoa học. Có thể nói rằng các “nhà bác học” một cách nào đó tiếp nhận được giáo huấn từ phía các “vợ chồng”, để tới lượt mình có đủ tầm cỡ mà giảng dạy cho các đôi vợ chồng một cách có thế giá hơn về ý nghĩa của việc sinh sản có trách nhiệm và về những phương pháp để thực hành việc sinh sản có trách nhiệm.

            Đề tài này đã được bàn luận rộng rãi trong các văn kiện Công Đồng. Trong Thông Điệp Humanae Vitae, trong những “kiến nghị” của Thượng Hội Đồng Giám Mục 1980, trong Tông Huấn Familiaris consortio và trong những tham luận  trên cùng một cấp độ, cho đến Huấn thị Donum vitae của Thánh Bộ Giáo Lý đức tin, Giáo Hội giảng dạy sự thật luân lý về việc làm cha mẹ có trách nhiệm đồng thời bảo vệ sự thật ấy trước những quan niệm và khuynh hướng lầm lạc lan tràn hiện nay. Tại sao Giáo Hội làm việc này? Chả lẽ Giáo Hội không nắm bắt nổi quan điểm của những người, trong lĩnh vực này, khuyên Giáo Hội tỏ ra uyển chuyển và tìm cách thuyết phục Giáo Hội bằng những áp lực xiên xẹo, thậm chí bằng những đe dọa sao? Thật vậy, người ta thường quở trách Huấn Quyền Giáo Hội là nay đã lỗi thời và đang khép kín đối với những yêu cầu của trí tuệ trong thời đại tân tiến, đang can dự vào một hoạt động có hại cho nhân loại và hơn nữa cho chính Giáo Hội. Người ta cho rằng nếu cứ khư khư bảo thủ những lập trường của mình, Giáo Hội cuối cùng sẽ đánh mất tính chất đại chúng và các tín hữu rồi sẽ rời xa Giáo Hội.

            Thế nhưng làm sao có thể chấp nhận rằng Giáo Hội, và đặc biệt hàng giám mục trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng lại vô cảm đối với những vấn đề hết sức nghiêm trọng và hết sức hiện đại như thế được? Đức Phaolô VI thật ra đã cảm nghiệm được những vấn đề nầy, những vấn đề sống còn đến độ đã thúc đẩy ngài ban hành Thông Điệp Humanae Vitae. Nền móng tựa nương của giáo thuyết Giáo Hội về việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm phải nói là vô cùng rộng lớn và vững chắc. Công Đồng chứng tỏ điều này trước tiên trong giáo huấn của Công Đồng về con người khi quả quyết rằng con người là “tạo vật duy nhất trên mặt đất mà Thiên Chúa muốn tạo dựng như là cứu cánh cho chính mình” (32); và sở dĩ như thế là bởi vì con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa, đã được cứu chuộc nhờ Con Một Chúa làm người vì chúng ta và để cứu độ chúng ta.

Đặc biệt chú tâm đến vấn đề con người và vấn đề ơn gọi con người, Công Đồng tuyên bố rằng chỉ có thể hiểu và cắt nghĩa một cách trọn vẹn sự kết hợp vợ chồng, “una caro” “một huyết nhục duy nhất” theo từ ngữ Thánh Kinh, bằng cách nại tới những giá trị của “ngôi vị” và của “sự dâng hiến”. Là nam hoặc nữ, mỗi người chỉ thể hiện trọn vẹn chính mình bằng cách hiến thân vô vị lợi và, đối với những người sống đời vợ chồng, chính giây phút kết hợp phu thê là cơ hội đặc loại nhất để họ có được kinh nghiệm tự hiến. Đây chính là lúc người nam và người nữ, trong “sự thật” về nam tính và nữ tính của mình, trở thành quà tặng cho nhau. Toàn bộ đời sống trong hôn nhân là một cuộc trao hiến; thế nhưng điều này trở thành hiển nhiên một cách đặc biệt khi hai vợ chồng tự hiến cho nhau trong tình yêu và thực hiện cuộc gặp gỡ làm cho hai người nên “một huyết nhục duy nhất” ấy (St 2, 24).
            Lúc bấy giờ họ sống trong một thời khắc vốn chất chứa một trách nhiệm đặc biệt, nhất là do bởi sự kiện hành vi vợ chồng gắn liền với khả năng truyền sinh. Trong thời khắc ấy, hai vợ chồng có thể trở thành cha và mẹ, đưa vào cuộc một sự sống nhân linh mới đang trên đà hình thành để rồi sau đó sẽ triển nở trong dạ người vợ. Nếu người nữ là người đầu tiên biết được nàng đã thành mẹ thì người nam vốn đã kết hôn nên “một xác thân” với nàng cũng sẽ đến lượt chàng, theo lời nàng, biết được chàng đã thành cha. Cả hai có trách nhiệm làm cha làm mẹ trong tiềm thể và sau đó trong hiện thể. Người nam không được quyền làm ngơ hoặc không tiếp nhận hậu quả của một quyết định vốn đã là quyết định của chính chàng. Chàng không được quyền lẩn trốn với những lời lẽ như: “tôi đâu có biết”, “tôi đâu có muốn”, “tại cô muốn đó chớ”. Trong mọi trường hợp sự kết hợp vợ chồng nhất thiết bao hàm trách nhiệm của người nam và của người nữ, trách nhiệm trong tiềm thể trước khi trở thành hiện thể do hoàn cảnh đưa đến. Điều này đáng kể nhất là đối với người nam bởi lẽ, mặc dầu cũng là tác nhân đã khai mào diễn tiến truyền sinh, người nam vẫn cách biệt với diễn tiến ấy về mặt sinh lý, vì mầm sống triển nở trong dạ người nữ. Chả lẽ người nam lại có thể không đếm xỉa chút nào đến điều ấy sao? Đối diện với chính hai người, cũng như trước mặt những người khác, cả hai vợ chồng, nam và nữ, đều phải cùng nhau đảm nhận trách nhiệm về sự sống mới mà họ đã khơi dậy.
            Điều trên đây cũng là kết luận đã được chính các khoa học nhân văn chấp nhận. Thiết tưởng còn cần phải đào sâu hơn và phải phân tích ý nghĩa của hành vi vợ chồng dưới ánh sáng của những giá trị đã nêu dẫn về “ngôi vị” và về “hiến dâng”. Giáo Hội thực thi việc làm này bằng giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II.

 Vào giây phút thực hiện hành vi vợ chồng, người nam và người nữ được mời gọi củng cố một cách có trách nhiệm sự trao hiến hỗ tương mà hai người đã tự mình cam kết trong khế ước hôn nhân. Tự hiến hoàn toàn cho người khác, nếu hiểu cho chặt chẽ, vốn bao hàm thái độ đón mở trong tiềm thể đối với việc truyền sinh; chính vì thế mà hôn nhân được mời gọi thể hiện chính mình trọn vẹn hơn nữa trong gia đình. Đã hẳn, sự trao hiến hỗ tương giữa người nam và người nữ không chỉ nhắm mục đích duy nhất là sinh đẻ con cái, bởi vì tự nó sự trao hiến đã là hiệp thông tình yêu và sự sống. Cần phải luôn luôn bảo tồn nguyên vẹn chân lý mật thiết của sự trao hiến ấy. “Mật thiết” ở đây không đồng nghĩa với “chủ quan”. Đúng hơn nó ám chỉ sự hoà điệu cơ bản với chân lý khách quan của người nam và người nữ tự hiến cho nhau. Không bao giờ được quyền coi con người như là phương tiện để đạt mục đích, và nhất là như một mối nguồn đê “hưởng lạc”. Chính con người mới là và phải là cùng đích của mọi hành vi. Chỉ như thế thì hành động mới đáp ứng được phẩm giá đích thực của con người.

Để kết thúc phần suy tư của chúng ta về đề tài hết mực quan trọng và tế nhị này. Tôi muốn ngỏ lời đặc biệt khích lệ anh chị em, phải, trước hết anh chị em là những vợ chồng mà Tôi yêu quý, và cùng ngỏ lời khích lệ tất cả những ai giúp đỡ anh chị em hiểu và đem ra áp dụng giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân, về việc làm cha làm mẹ có trách nhiệm. Cách riêng Tôi nghĩ đến các vị mục tử, đông đảo các nhà bác học, các thần học gia, các triết gia, các văn sĩ và quảng cáo gia vốn không chịu khuất phục trước làn sóng khuôn mình theo nền văn hoá chủ động  hiện đại nhưng can đảm và sẵn sàng để “đi ngược dòng”. Lời khích lệ này ngoài ra cũng được ngỏ với một tập thể ngày càng gia tăng con số gồm những chuyên gia, những y bác sĩ và những nhà giáo dục, vốn là những tông đồ giáo dân thực thụ đã coi việc đề cao phẩm giá hôn nhân và gia đình như là một phận vụ quan trọng của đời mình. Nhân danh Giáo Hội, Tôi xin gởi đến tất cả mọi người trong quí vị những lời cám ơn của Tôi! Không có những con người như quí vị, thử hỏi các linh mục, các giám mục cà cả Vị Kế Nhiệm thánh Phêrô nào làm được gì? Tôi đã xác tín về điều này càng lúc càng mãnh liệt hơn kể từ những năm đầu đời linh mục của Tôi, khi mà Tôi đã bắt đầu tiếp đón hối nhân để chia sẽ những mối lo, những nỗi sợ và những niềm hy vọng của nhiều người làm vợ làm chồng; Tôi đã gặp những trường hợp thật gay cấn vì chống đối và vì từ khước, nhưng cũng đã gặp rất nhiều người có tinh thần trách nhiệm và quảng đại đến độ gây ấn tượng! Trong khi tôi viết bức thư này, tất cả những người vợ chồng ấy đang hiện diện nơi tâm trí Tôi, Tôi quý mến họ và Tôi mang theo họ vào kinh nghiệm của Tôi

HAI NỀN VĂN MINH

  1. Các gia đình thân mến,vấn đề làm cha mẹ có trách nhiệm được lồng vào trong toàn bộ vấn đề gọi là “nền văn minh tình yêu” mà giờ đây Tôi muốn đề cập với anh chị em. Từ những gì đã được trình bày cho tới đây, có thể rõ ràng đi tới hệ luận này là gia đình nằm ở nới nền tảng của cái mà Đức Phaolô VI đã gọi là “nền văn minh tình yêu” (33), một thành ngữ kể từ lúc đó đã được đưa vào trong giáo huấn của Giáo Hội và từ nay đã trở thành quen thuộc. Ngày nay thật khó mà gợi nhắc một bài tham luận nào của Giáo Hội hoặc về Giáo Hội mà lại không đả động tới nền văn minh tình yêu. Thành ngữ được dính kết với truyền thống “Giáo Hội tại gia” trong Kitô giáo vào thời buổi đầu, nhưng cũng được qui gán một cách thích hợp cho thời đại hiện nay. Xét theo nguyên ngữ, từ ngữ “văn minh” phát xuất từ “civis”, nghĩa là “công dân”, và nêu bật chiều kích chính trị trong cuộc sống của mỗi một cá nhân. Dầu vậy nghĩa sâu xa nhất của từ “văn minh” không chỉ là nghĩa chính trị, đúng hơn nghĩa của nó là thuần túy “nhân bản”. Văn minh thuộc về lịch sử của con người, bởi vì văn minh tương ứng với những nhu cầu thiêng liêng và luân lý của con người: được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa, con người đã lãnh nhận thế giới từ đôi tay của Đấng Tạo Hóa với sứ mệnh uốn nắn thế giới theo hình ảnh của mình và giống với mình. Chính từ chỗ phận vụ này được chu toàn mà nảy sinh nền văn minh vốn, xét cho cùng, chẳng là gì khác hơn là “sự nhân hóa thế giới”.

            Như vậy, một cách nào đó, văn minh có cũng một nghĩa với “văn hóa”. Bởi thế, cũng có thể nói tới “văn hóa tình yêu” mặc dầu tốt hơn nên dừng lại ở thành ngữ vốn từ nay đã trở thành quen thuộc. Theo nghĩa hiện đại của từ ngữ,văn minh tình yêu bắt nguồn từ một đoạn trong Hiến Chế Công Đồng Gaudium et spes: “Đức Kitô {…} vén mở trọn vẹn con người cho con người và giúp con người khám phá ra sự cao cả của ơn gọi mình” (34). Do đó có thể nói rằng văn minh tình yêu múc nguồn hưng thịnh từ nơi mạc khải của Thiên Chúa, Đấng là “tình yêu” như lời của Gioan (Ga 4,8.16), và văn minh tình yêu đã được thánh Phaolô mô tả một cách chuẩn xác qua bài thánh thi ngợi ca đức ái trong Thư thứ nhất gởi các tin hữu Côrintô ( 1Cr 13,1-13). Nền văn minh này mật thiết gắn liền với tình yêu “tuôn tràn trong tâm hồn chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần đã được ban cho chúng ta” (Rm 5,5), nó phát triển nhờ nền văn hóa thường tồn mà ám dụ cây nho và ngành nho đề cập tới một cách thật gợi cảm: “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. Ngành nào nơi Thầy không sinh trái thì Ngài vứt bỏ, còn ngành nào sinh trái thì Ngài cắt tỉa, để nó sinh thêm nhiều trái hơn” (Ga 15,1-2). 

​            Dưới ánh sáng của những bản văn Tân Ước này và của những bản văn khác nữa, có thể hiểu được điều mà người ta gọi là “văn minh tình yêu” và cũng có thể hiểu được tại sao gia đình lại được hội nhập một cách hữu cơ vào trong nền văn minh ấy. Nếu “đường lộ số một của Giáo Hội” là gia đình, cần phải thêm rằng văn minh tình yêu cũng vậy, “cũng là đường lộ của Giáo Hội”, cũng tiến tới trong thế giới và kêu mời các gia đình, các định chế xã hội, quốc gia và quốc tế khác hãy cất bước trên đường lộ ấy, hẳn nhiên là đường lộ dành cho các gia đình và do bởi các gia đình. Thật ra, vì nhiều lý do, gia đình lệ thuộc vào nền văn minh tình yêu vì chính trong đó mà gia đình tìm được những lý do để hiện hữu với tư cách là gia đình, đồng thời, gia đình là trung tâm và là con tim của nền văn minh tình yêu.

​            Dầu vậy, vẫn không thể có tình yêu đích thực nếu không có ý thức rằng “Thiên Chúa là tình yêu” và rằng con người là tạo vật duy nhất trên mặt đất này được Thiên Chúa mời gọi hiện hữu “như là cùng đích của chính mình”. Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống với Thiên Chúa, con người chỉ có thể “tự nhận ra mình” một cách trọn vẹn nhờ tự hiến vô vị lợi mà thôi. Nếu không có một quan niệm như thế về con người, về ngôi vị và về “hiệp thông ngôi vị” trong gia đình, không thể có văn minh tình yêu; ngược lại, nếu không có văn minh tình yêu, không thể có được một quan niệm như thế về ngôi vị và về hiệp thông ngôi vị. Gia đình làm thành “tế bào” cơ bản của xã hội. Thế nhưng người ta cần đến Đức Kitô – là “cây nho” để cho “các ngành nho” hút nhựa sống — để cho tế bào này khỏi bị đe dọa vuột mất gốc rễ văn hóa vốn có thể xuất phát từ bên trong cũng như từ bên ngoài. Quả vậy, nếu một đàng có “văn minh tình yêu” thì đàng khác vẫn tồn tại khả năng của một hiện tượng “phản văn hóa” mang tính chất hủy diệt, theo như sự xác nhận ngày nay của rất nhiều khuynh hướng và hoàn cảnh hiện có.

​            Nào ai dám phủ nhận thời đại chúng ta đang là một thời đại khủng hoảng nghiêm trọng mà hình thức biểu hiện đầu tiên là một “cuộc khủng hoảng chân lý” sâu xa? Khủng hoảng chân lý trước hết có nghĩa là khủng hoảng về những khái niệm. Những từ ngữ “tình yêu”, “tự do”, “cho không” và cả những từ ngữ như “ngôi vị”, “nhân quyền” có còn diễn tả được điều mà thật sự bản chất chúng ám chỉ nữa không ? Chính vì lý do này mà Thông Điệp “Ánh rạng ngời chân lý” (Veritatis Splendor) đã được nhận ra là nghĩa lý và vô cùng quan trọng cho Giáo Hội và cho thế giới, nhất là ở Tây Phương. Chỉ khi nào chân lý về tự do và về hiệp thông ngôi vị trong hôn nhân và gia đình tìm gặp ánh rạng ngời của nó, khi ấy cuộc kiến tạo nền văn minh tình yêu mới thực sự tiến tới và khi ấy người ta mới có thể có tinh thần xây dựng mà nói – như Công Đồng – về việc “đề cao phẩm giá hôn nhân và gia đình” (35).

​            Tại sao “Ánh rạng ngời chân lý” lại quan trọng đến như thế? Trước hết nó quan trọng là do bởi sự khác biệt: sự phát triển của nền văn minh đương thời gắn liền với sự tiến bộ khoa học và kỹ thuật thường thường đạt được theo hướng một chiều và bởi đó mang đặc tính thuần túy duy nghiệm. Như mọi người biết, chủ trương duy nghiệm sản sinh những hoa trái gồm khuynh hướng bất khả tri (agnosticisme) trong các lĩnh vực lý thuyết và khuynh hướng  duy lợi ích trong các lĩnh vực luân lý và thực hành. Vào thời đại chúng ta, một cách nào đó, lịch sử đang trùng lặp, thuyết duy lợi ích dẫn đến một nền văn minh sản xuất và hưởng thụ, một nền văn minh của các “sự vật” chớ không phải của các “ngôi vị”, một nền văn minh trong đó những ngôi vị bị sử dụng như thể người ta sử dụng những sự vật. Trong khuôn khổ của nền văn minh hưởng thụ, người nữ có thể trở thành đồ vật đối với người nam, con cái trở thành sự vướng vít đối với cha mẹ, gia đình trở thành một định chế cồng kềnh đối với tự do của các thành phần tạo nên nó. Để xác tin về điều này, chỉ cần xem xét một số chương trình giáo dục phái tính được đưa vào trong các nhà trường thường thường bất chấp ý kiến trái ngược và thậm chí bất chấp những phản đối của rất nhiều phụ huynh: hoặc chỉ cần xem xét những khuynh hướng ủng hộ phá thai vốn tìm cách tự che dấu chính mình một cách vô ích dưới chiêu bài “quyền lựa chọn” (“pro choice”) về phía hai vợ chồng, và đặc biệt về phía người vợ. Đó chỉ mới là hai ví dụ trong số những trường hợp có thể gợi ra.

​            Trong một tình huống văn hóa như thế, hiển nhiên gia đình sẽ chỉ cảm thấy mình bị đe dọa, bởi vì bị tấn công tới tận nền móng. Tất cả những gì đối nghịch với văn minh tình yêu thì cũng đối nghịch với chân lý toàn vẹn về con người và trở thành một mối đe dọa cho con người: những điều ấy không cho phép con người nhận ra chính mình và cảm thấy được an toàn với tư cách làm chồng làm vợ, làm cha mẹ, làm con. Chiêu bài “tình dục an toàn” do nền “văn minh kỹ thuật” truyền bá, thật ra, xét theo quan điểm của tất cả những gì là cốt yếu đối với con người, triệt để không an toàn một chút nào cả, thậm chí còn nguy hại một cách trầm trọng nữa. Quả vậy, trong trường hợp này, con người rơi vào hiểm họa. Hiểm họa nào ? Đó là đánh mất chân lý về chính gia đình, thêm vào đó còn có hiểm họa đánh mất tự do và, bởi đó, đánh mất cả tình yêu nữa. Đức Giêsu nói: “Anh em sẽ nhận biết chân lý và chân lý sẽ giải thoát anh em” (Ga 8, 32): nghĩa là chân lý và chỉ có chân lý mới chuẩn bị cho anh em đi vào một tình yêu mà người ta có thể gọi là “cao đẹp”.

​            Gia đình hiện nay cũng  như gia đình thuộc mọi thời đại đang truy tắm “tình yêu cao đẹp”. Một tình yêu không “cao đẹp”, nghĩa là bị giản lược vào sự thỏa mãn dục vọng (x. 1Ga 2,16) hay vào việc người nam người nữ “sử dụng” nhau sẽ làm cho ngôi vị trở thành nô lệ cho những yếu đuối của mình. Vào thời đại chúng ta, phải chăng có một số chương trình đang dẫn đến một tình trạng nô lệ như thế? Đó là những chương trình “xài xể” những yếu đuối của con người, làm cho con người ngày càng yếu nhược và mất tự vệ.

​            Văn minh tình yêu mời gọi nếm cảm niềm vui: trong số các niềm vui, đó là niềm vui vì một con người đã đi vào đời (x. Ga 16, 21) và bởi đó, đối với vợ chồng, là niềm vui được làm cha làm mẹ. Văn minh tình yêu có nghĩa là “đặt niềm vui của mình vào trong chân lý” (x.1Cr 13,6). Thế nhưng văn minh mà khơi nguồn từ một não trạng tiêu dùng và phản truyền sinh thì không phải và không bao giờ có thể là văn minh tình yêu. Nếu đối với văn minh tình yêu gia đình quan trọng đến như thế, đó là bởi vì trong gia đình đã được thiết lập những mối liên hệ chặt chẽ và thắm thiết giữa các ngôi vị và các thế hệ với nhau. Dầu vậy gia đình vẫn có thể bị tổn thương và gia đình rất dễ vấp phải những yếu tố có nguy cơ làm suy yếu hoặc thậm chí phá hoại sự đoàn kết và bền vững của gia đình. Do bởi những chướng ngại ấy, các gia đình không còn làm chứng cho nền văn minh tình yêu nữa và thậm chí có thể trở thành nguồn phủ nhận, trở thành một thứ phản chứng. Một gia đình đã tan tành đến lượt mình lại có thể tăng cường cho một hình thức “phản-văn-minh” bằng cách phá hủy tình yêu trong nhiều lĩnh vực nó được bày tỏ, tạo những âm hưởng không thể tránh khỏi trên toàn bộ đời sống xã hội.

TÌNH YÊU VỐN ĐÒI HỎI

14.​       Tình yêu mà Thánh Tông Đồ Phaolô đã dành cho cả một bài thánh thi ca ngợi trong Thư Thứ Nhất gửi các tín hữu Côrintô – tình yêu “nhẫn nại”, “phục vụ”, “chịu đựng mọi sự” (1Cr 13,4.7) – chắc chắn là một tình yêu đòi hỏi. Đó chính là yếu tố tạo nên vẽ đẹp của tình yêu, ngay trong sự kiện mang tính chất đòi hỏi, bởi vì nhờ đó mà tình yêu kiến tạo sự thiện đích thực cho con người và làm cho sự thiện ấy chiếu tỏa trên tha nhân. Thật ra, đúng như lời Thánh Tôma, sự thiện tự bản chất “đòi phải được thông chuyển” (36). Tình yêu là chân thật khi tình yêu tạo thiện ích cho các ngôi vị và cho các cộng đồng, khi tình yêu tạo thiện ích và trao tặng thiện ích cho tha nhân. Chỉ người nào biết khe khắt đối với chính mình nhân danh tình yêu mới có thể  yêu cầu tình yêu nơi người khác được như thế. Bởi lẽ tình yêu thì đòi hỏi. Tình yêu vốn đòi hỏi trong tất cả mọi tình huống nhân linh; tình yêu càng đòi hỏi hơn nữa đối với ai đó đón nhận Tin Mừng. Đó phải chăng là điều Đức Kitô công bố khi truyền đạt giới răn “của Người”? Loài người hôm nay cần phải khám phá ra tình yêu đòi hỏi bởi vì nền tảng thật sự vững chắc của gia đình là nằm ở nơi đó, một nền tảng mang lại cho gia đình khả năng “chịu đựng mọi sự”. Theo Thánh Tông Đồ, tình yêu sẽ không đủ sức “chịu đựng mọi sự”  nếu nó lùi bước trước những “căm hờn”, nếu nó “khoe khoang”, nếu nó “kênh kiệu kiêu kỳ”, nếu nó chỉ biết làm điều khiếm nhã” (x. 1Cr 13, 4-5). Thánh Phaolô dạy rằng tình yêu thực thụ thì khác chớ không như thế: “Tình yêu tin cậy nơi mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự”. (1Cr 13, 7). Chính tình-yêu-này mới “đủ sức chịu đựng mọi sự”. Quyền năng của Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc loài người và Cứu Độ thế giới sẽ tác động nơi đó.

​            Nhờ suy niệm chương 13 trong Thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, chúng ta bước vào con đường sẽ dẫn chúng ta đến chỗ thấu hiểu một cách cận kề nhất và sâu sát nhất ý nghĩa đích thực của nền văn minh tình yêu. Không có bản văn Thánh Kinh nào diễn tả được chân lý nầy một cách đơn giản và sâu xa cho bằng bài thánh thi ca ngợi tình yêu ấy.

​            Những nguy hiểm tác hại đến tình yêu cũng chính là một mối đe dọa với nền văn minh tình yêu, bởi vì những nguy hiểm ấy tạo thuận lợi cho những gì có thể chống lại nền văn minh tình yêu một cách hiệu nghiệm. Ở đây trước hết phải nghĩ tới tình trạng ích kỷ. Không những ích kỷ xã hội, chẳng hạn tình trạng ích kỷ của một giới lớp hay của một quốc gia (chủ nghĩa duy quốc gia), lòng ích kỷ dưới mọi hình thức đều trực tiếp và triệt để chống lại nền văn minh tình yêu. Điều này phải chăng có nghĩa là tình yêu  chỉ được định nghĩa như là “phản-ích-kỷ” mà thôi? Nếu thế thì chúng ta chỉ có một định nghĩa quá nghèo nàn và cuối cùng quá tiêu cực, cho dầu để thể hiện tình yêu và nền văn minh tình yêu, thật sự cần phải vượt qua nhiều hình thức ích kỷ khác nhau.

Đúng hơn phải nói đến khuynh hướng “vị tha” (altruisme) vốn là phản đề của vị kỷ (égoïsme). Thế nhưng quan niệm về tình yêu mà Thánh Phaolô đã khai triển lại càng phong phú hơn và đầy đủ hơn. Bài thánh thi ca ngợi đức ái trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô vẫn còn được coi như là magna charta, là “đại hiến chương” của nền văn minh tình yêu. Bài thánh thi ít đề cập tới những biểu hiện rời rạc (của thái độ vị kỉ hoặc vị tha) hơn là đề cập tới việc chân thành đón nhận quan niệm coi con người như là ngôi vị sẽ “tự nhận ra mình” nhờ tự hiến một cách vô vị lợi. Đã là dâng hiến thì dĩ nhiên là dâng hiến  “cho người khác”: đó là chiều kích quan trọng nhất của nền văn minh tình yêu.

            Chúng ta đang đi vào trung tâm của chân lý Tin Mừng về tự do. Con người tự thể hiện chính mình nhờ hành xử tự do trong chân lý. Không được hiểu tự do như là khả năng làm bất cứ điều gì; tự do ám chỉ tự hiến. Hơn nữa, tự do có nghĩa là: kỷ luật nội tại cho việc trao hiến. Trong khái niệm trao hiến không chỉ tiềm tàng sáng kiến tự do của chủ thể nhưng còn chất chứa chiều kích bổn phận. Tất cả những điều này được thực hiện trong sự “hiệp thông ngôi vị”. Như thế chúng ta đang ở vào giữa lòng mỗi gia đình.

            Chúng ta cũng đang đứng trước một luận đề đối kháng giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa ngôi vị. Tình yêu và văn minh tình yêu có quan hệ với chủ nghĩa ngôi vị. Bởi vì chủ nghĩa cá nhân đe doạ nền văn minh tình yêu hay sao? Chìa khoá giải đáp nằm ở nơi thành ngữ của công đồng: “tự hiến vô vị lợi”. Chủ nghĩa cá nhân giả thiết việc sử dụng tự do trong đó chủ thể muốn làm gì thì làm, tự mình “định nghĩa” lấy “chân lý” về những gì vừa lòng mình hay ích lợi cho mình. Chủ thể ấy không chấp nhận để cho người khác “muốn” hay đòi hỏi nơi mình điều gì nhân danh chân lý khách quan. Chủ thể ấy không muốn “cho” người khác những gì là chân lý, không muốn trở thành “quà tặng vô vị lợi”. Chủ nghĩa cá nhân như vậy vẫn là qui ngã và vị kỷ. Luận đề đối kháng với chủ nghĩa ngôi vị chẳng những xuất hiện trên địa hạt lý thuyết nhưng còn trên địa hạt “ethos” (luân lý thực hành). “Ethos” của chủ nghĩa ngôi vị thì vị tha: nó nâng con người đến chổ lấy mình làm quà tặng cho người khác và đến chổ tìm gặp niềm vui trong việc tự hiến chính mình. Đó là niềm vui mà Đúc Kitô nói đến (x. Ga 15,11; 16, 20.22).

            Như vậy các xã hội nhân linh, và giữa lòng các xã hội ấy là các gia đình vốn thường sống trong một bối cảnh đấu tranh giữa một bên là văn minh tình yêu với một bên là các phản đề, tất thảy đều phải kiếm tìm nền tảng ổn định cho mình trong một nhãn quan chuẩn xác về con người và về những gì ấn định “sự thể hiện” trọn vẹn của nhân tính con người. Chiêu bài “tự do yêu thương” đi ngược với văn minh tình yêu một cách không thể chối cãi; càng nguy hiểm hơn nữa là bởi vì chiêu bài này thường được đề nghị như là cách thức phiên dịch một tình cảm “chân thật” trong khi thực ra nó huỷ diệt tình yêu. Có biết bao gia đình đã bị đổ vỡ vì cái “tự do yêu thương” này”! Trong hoàn cảnh nào cũng cứ chiều theo sự thúc bách tình cảm “chân thật” nhân danh một thứ “tự do” yêu thương vượt khỏi mọi cưỡng bức thì thật ra chăng khác nào biến con người thành nô lệ cho những bản năng nhân linh mà Thánh Tôma gọi là những “dục vọng của tâm hồn” (37). Cái gọi là “tự do yêu thương” khai thác những yếu đuối của con người bằng cách  dành cho những yếu đuối này một mức độ kính trọng nào đó, được giúp đở thêm nhờ sự quyến rũ, và được dư luận như thể đồng tình. Từ đó, người ta tìm cách “trấn an” lương tâm bằng cách tạo ra một “lối bào chữa luân lý” (“alibi moral”). Thế nhưng người ta không chú trọng cho đủ đến tất cả những hậu quả xuất phát từ đó, đặc biệt khi mà ngoài người bạn đường ra những đứa con phải trả giá bằng cảnh không cha không mẹ và bị kết án cam chịu cảnh côi cút trong khi cha mẹ vẫn còn sống.
            Ai cũng biết rằng nơi nền tảng của chủ trương luân lý duy lợi ích tiềm tàng cuộc truy tìm liên lỉ để đạt được “tối đa” hạnh phúc, nhưng là “hạnh phúc” duy lợi ích, chỉ được hiểu như là lạc thú, như là thoả mãn tức thời vì lợi ích hoàn toàn riêng tư của cá nhân, nằm ngoài hoặc ngược hẳn với những đòi buộc khách quan của sự thiện chân thật.

            Được xây nền trên một thứ tự do quay theo chiều hướng cá nhân chủ nghĩa, nghĩa là một thứ tự do vô trách nhiệm, kế hoạch của khuynh hướng duy lợi ích chính là luận đề đối kháng của tình yêu, mặc dầu một cách chung chung người ta như thể nhận ra ở đó biểu hiện của văn minh loài người. Khi một khái niệm như thế về tự do được chấp nhận trong xã hội, để rồi thoải mái hùa theo các thứ hình thức yếu đuối của con người, nó sẽ chẳng mấy chốc tự tỏ lộ mình như là một mối đe doạ có hệ thống và trường kỳ đối với gia đình. Về vấn đề này, chúng ta có thể nêu dẫn rất nhiều hậu quả tai hại, khả dĩ có thể không ít những hậu quả trong số này vẫn còn bị chôn vùi trong tâm hồn những con người nam và nữ như là những vết thương đau xót và rỉ máu.

Tình yêu vợ chồng và cha mẹ có khả năng chữa những vết thương này, nếu những cạm bẫy chúng ta vừa nêu không tước đoạt mất của tình yêu ấy sức mạnh truyền sinh, là sức mạnh vốn tạo nhiều ơn ích và vốn giàu hiệu năng cứu độ đối với các cộng đồng nhân loại. Khả năng cứu chữa này tuỳ thuộc vào ơn tha thứ và hoà giải của Thiên Chúa vốn cung cấp năng lực thiêng liêng cần thiết để không ngừng bắt đầu lại. Chính vì thế các phần tử trong gia đình cần phải gặp gỡ Đức Kitô trong Giáo Hội nhờ vào bí tích kỳ diệu là bí tích thống hối và hoà giải.

Bởi thế, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc cầu nguyện với các gia đình và cho các gia đình, nhất là cho những gia đình đang có nguy cơ chia rẽ. Cần phải cầu nguyện cho các vợ chồng biết yêu quý ơn gọi của mình, ngay cả khi lối đi trở thành cam go hay chỉ gồm toàn những khúc đường chật chội và dốc dác tưởng chừng không thể nào vượt qua; cần phải cầu nguyện cho họ để, ngay cả trong những hoàn cảnh như thế, họ vẫn luôn trung thành với giao ước giữa họ và Thiên Chúa.
“Gia đình là đường lộ của Giáo Hội”. Ước muốn của chúng tôi trong Bức Thư này là nói lên niềm xác tín của chúng tôi và đồng thời loan báo đường lộ ấy là đường lộ, nhờ đời sống vợ chồng và gia đình, dẫn đến Nước Trời (x. Mt 7,14). Điều quan trọng là “mối hiệp thông ngôi vị” trong gia đình phải là một sự chuẩn bị để tiến đến mầu nhiệm “các thánh thông công”. Đó chính là lý do tại sao Giáo Hội tuyên xưng và loan báo một tình yêu “có sức chịu đựng mọi sự” (1Cr 13,7), cùng với Thánh Phaolô coi tình yêu ấy như là nhân đức “cao cả nhất” (1Cr 13,13). Thánh Tông Đồ không vạch ranh giới cho một ai cả. Yêu là ơn gọi của tất cả mọi người, ơn gọi của các vợ chồng và các gia đình. Thật ra, trong Giáo Hội, mọi người đều được mời gọi như nhau để nên thánh và nên trọn hảo (x. Mt 5,48) (38).

GIỚI RĂN THỨ TƯ:

“NGƯƠI HÃY THẢO KÍNH CHA MẸ”

  1. Giới răn thứ tư trong Thập Giới liên quan đến gia đình, đến mối dây liên kết nội tại của gia đình và, có thể nói, đến tình liên đới của gia đình nữa.

            Trong hình thức phát biểu của giới răn, vấn đề gia đình không phải là rõ ràng minh bạch. Tuy nhiên, trong thực tế, đúng là vấn đề của gia đình ở đây. Để diễn tả mối hiệp thông giữa các thế hệ với nhau, Nhà Lập Pháp thần thiêng đã không tìm được từ ngữ nào thích hợp hơn hai chữ thảo kính: “Hãy thảo kính…” (Xh 20, 12). Chúng ta đang gặp thêm một công thức nữa để diễn tả cái gọi là gia đình. Công thức này không tuyên dương gia đình “một cách giả tạo”, nhưng làm nổi bật diện mạo của gia đình và những quyền lợi phát xuất từ gia đình. Gia đình là một cộng đồng gồm những tương quan liên vị đặc biệt thắm thiết giữa các vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa thế hệ này với thế hệ kia. Đó là một cộng đồng cần đuọc bảo vệ một cách đặc biệt. Và Thiên Chúa không tìm đuọc cách bảo hành nào hơn là lời này: “hãy thảo kính”.

            “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ ngươi để cho những ngày đời dương thế mà Chúa là Thiên Chúa ban cho ngươi đuợc bền lâu” (Xh 20,12). Giới răn này đi liền sau ba mệnh lệnh cơ bản nhắm tới quan hệ giữa con người là dân Ít-ra-en với Thiên Chúa: “Schema, Israel…”, “Nghe này, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa Thiên Chúa của chúng ta là Chúa duy nhất” (Đnl 6,4). “Ngươi chớ thờ lạy các thần minh khác trước mặt ta” (Xh 20,3). Đây là giới răn đầu tiên và là giới răn trọng nhất, giới răn yêu mến Thiên Chúa “trên hết mọi sự”: phải yêu ngài “hết lòng, hết tâm hồn và hết sức ngươi” (Đnl 6,5; Mt 22,37). Điều nghĩa lý là giới răn thứ tư nằm ngay trong bối cảnh này: “Hãy thảo kính cha mẹ ngươi”, bởi vì, theo một nghĩa nào đó, các vị ấy đối với ngươi là những người đại diện của Chúa, những người đã ban tặng sự sống cho ngươi, đã dẫn ngươi vào trong cõi nhân linh, vào trong một dòng dõi, một quốc gia, một nền văn hoá. Sau Thiên Chúa, các vị ấy là những ân nhân đệ nhất của ngươi. Nếu chỉ một mình Thiên Chúa là tốt lành, nếu Ngài là chính Sự Thiện thì cha mẹ ngươi cũng được thông phần một cách độc nhất vô nhị vào trong sự tốt lành tối thượng ấy. Bởi đó, ngươi hãy thảo kính cha mẹ ngươi! Ở đây có một sự tương cận loại suy nào đó với phượng tự nhất thiết phải dành cho Thiên Chúa.

            Giới răn thứ tư được nối kết một cách chặt chẽ với giới răn yêu thương. Giữa “hãy thảo kính” với “hãy yêu” mối dây liên kết mang chiều kích sâu xa. Tự yếu tính, danh dự gắn liền với nhân đức công bằng thế nhưng nhán đức công bằng, đến lượt nó, lại không thể nào được thực thi trọn vẹn nếu không nại tới tình yêu, tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với người thân cận. Và thử hỏi ai là người thân cận hơn cả nếu không phải là những thành phần trong gia đình, là cha mẹ và con cái?

            Những tương quan liên vị được giới răn thứ tư nêu lên có phải thuộc loại một chiều không? Có phải nó chỉ hối thúc thảo kính cha mẹ mà thôi không? Nếu hiểu theo mặt chữ thì đúng vậy. Thế nhưng một cách gián tiếp chúng ta cũng có thể nói đến “danh dự” nhất thiết phải dành cho con cái từ phía cha mẹ chúng. “Hãy thảo kính” có nghĩa là: hãy nhìn nhận! Nghĩa là ngươi hãy để cho mình được dẫn dắt bởi một thái độ nhìn nhận chân thành đối với ngôi vị, trước hết đối với ngôi vị cha ngươi và ngôi vị mẹ ngươi rồi sau đó đối với ngôi vị của những thành phần khác trong gia đình. Tôn kính là một thái độ thiết yếu vô vị lợi. Có thể nói đó là một “món quà vô vị lợi” của một ngôi vị dành cho ngôi vị” và, theo nghĩa ấy, tôn kính rồi cũng bắt gặp tình yêu. Nếu giới răn thứ tư đòi phải tôn kính cha mẹ mình, sự đòi buộc ấy cũng là nhằm đến thiện ích của gia đình. Và, vì cùng một lẽ ấy, giới răn thứ tư cũng qui trách những đòi buộc cho chính các cha mẹ. Dường như mệnh lệnh thần thiêng nhắc nhở cho cha mẹ như thế này: Hỡi các cha mẹ, hãy hành động thế nào để cho cách xử sự của các ông bà xứng đáng được hưởng vinh dự (và tình yêu) mà con cái dành cho các ông bà! Đừng để cho đòi buộc phải tôn kính các ông bà lại phải rơi vào “khoảng trống luân lý”. Xét cho cùng, chúng ta đang đề cập tới một sự kính trọng hỗ tương. Giới răn “thảo kính cha mẹ ngươi” nhắc bảo một cách gián tiếp với cha mẹ rằng: hãy kính trọng con trai con gái ông bà. Chúng đáng được như thế bởi vì chúng hiện hữu, bởi vì chúng đang ở trong hiện trạng này: chúng đáng được kính trọng ngay từ lúc mới thụ thai. Như thế, vì diễn tả những mối liên hệ mật thiết trong gia đình, giới răn này nêu bật nền móng của mối liên kết nội tại trong gia đình.

            Giới răn tiếp tục như sau: để cho những ngày đời trên dương thế mà Chúa là Thiên Chúa ngươi ban cho ngươi được bền lâu”. Hai chữ “để cho” có thể tạo ấn tượng về một sự tính toán “duy lợi ích”: thảo kính trong tương quan với sự trường thọ mai ngày. Chúng tôi cho rằng  không vì thế mà tầm vóc cốt yêu của mệnh lệnh “hãy thảo kính” bị giảm sút, mệnh lệnh này vốn tự bản chất rất gần gũi với một thái độ vô vị lợi. Thảo kính ở đây không bao giờ có nghĩa là “hãy tiên liệu những lợi điểm”. Tuy nhiên khó mà tránh khỏi thừa nhận rằng thái độ tôn trọng hỗ tương hiện có giữa các thành phần trong cộng đồng gia đình cũng đem lại rất nhiều điều lợi. “Danh dự” chắc chắn là hữu ích, cũng như mọi điều thiện đích thực đều “ích lợi”.

            Gia đình trước hết thể hiện thiện ích của “hữu thể cùng chung sống”, thiện ích trên tất cả gắn liền với hôn nhân (bởi đó hôn nhân mang tính bất khả phân ly) và với cộng đồng gia đình. Cũng còn có thể định nghĩa thiện ích này như là thiện ích của chủ thể. Mỗi con người thực ra là một chủ thể và đây cũng là một trường hợp của gia đình, bởi vì gia đình được tạo thành do những con người và những con người này, hiệp nhất với nhau bằng một mối dây hiệp thông chặt chẽ, lại tạo thành một chủ thể cộng đồng duy nhất. Và gia đình còn là chủ thể hơn bất cứ định chế xã hội nào khác: hơn dân tộc, hơn Nhà Nước, hơn xã hội và hơn những tổ chức quôc tế. Các định chế này, cách riêng các quốc gia, nói cho cùng chỉ sở đắc tư cách chủ thể trong mức độ chúng lãnh nhận được tư cách ấy từ nơi những con người cá biệt và những gia đình. Những nhận định này có phải chỉ mang tính chất “lý thuyết” và chỉ được phát biểu nhằm mục đích “tuyên dương” gia đình trước dư luận quần chúng hay không? Thưa không, đúng hơn phải nói đây là một cách thức nữa để diễn tả thế nào là gia đình. Và đây cũng là điều rút ra từ giới răn thứ tư.

            Đây là một sự thật đáng được lưu ý và đào sâu; sự thật này thật ra làm nổi bật tầm quan trọng của giới răn đồng thời nhắm vào quan niệm hiện đại về nhân quyền. Mọi ấn định do cơ chế đều phải nại tới ngôn ngữ pháp lý. Ở đây, ngược lại, Thiên Chúa nói: “Hãy thảo kính”. Tất cả mọi “quyền lợi của con người” nói cho cùng sẽ vẫn chỉ là mỏng manh và vô hiệu nếu ngay từ khởi điểm không có mệnh lệnh “hãy thảo kính” này”. Tự chúng mà thôi thì những quyền lợi chưa đủ.

            Như thế nếu có lặp đi lặp lại điều này thì cũng không là phóng đại, đó là đời sống của các dân tộc, các Nhà Nước, các tổ chức quốc tế nhất thiết “đi qua” gia đình và có “nền tảng” là giới răn thứ tư trong Thập Giới. Thời đại chúng ta đang sống, cho dẫu có vô số tuyên ngôn thuộc lãnh vực luật pháp đã được ban bố, vẫn có nhiều nguy cơ mắc phải tai hoạ “vong thân”, là hệ quả do những tiền đề “duy lý” theo đó con người sẽ là người “hơn” nếu “chỉ” là người. Thật dễ dàng để nhận ra rằng thời đại chúng ta đang bị đe doạ bởi tình trạng vong thân nầy, đó là làm biến chất tất cả những gì, bằng cách này cách khác, tạo nên sự viên mãn phong phú của con người. Chinh nơi điểm này mà có sự can thiệp của gia đình. Quả vậy, sự khẳng định ngôi vị, trong một mức độ rộng rãi, gắn liến với gia đình và bởi đó, gắn liền với giới răn thứ tư. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, gia đình là trường học đầu tiên dạy về việc nên người trong hết mọi khía cạnh. Hãy nên người! Ấy là hiệu lệnh được truyền tụng cho gia đình; làm người với tư cách là con dân của quê hương, với tư cách là công dân của Nhà Nước và, theo kiểu nói ngày nay, là công dân của thế giới. Đấng đã ban tặng giới răn thứ tư cho nhân loại là một Thiên Chúa “đầy lòng ưu ái” đối với con người (philanthropos, nói theo kiểu người Hi Lạp). Đấng tạo dựng vũ trụ là Thiên Chúa của tình yêu và của sự sống. Ngài muốn con người được sống và sống dồi dào, như Đức Kitô công bố (x. Ga 10,10), và trước tiên là sống nhờ vào gia đình.

            Ở đây chúng ta lại càng thấy rõ rằng “nền văn minh tình yêu” liên kết một cách chặt chẽ với gia đình. Đối với nhiều người, văn minh tình yêu vẫn còn hoàn toàn là không tưởng. Thật ra người ta cho rằng không thể kỳ vọng vào tình yêu của một ai cả: phải hiểu rằng đây là một lựa chọn tự do mà người ta có quyền chấp nhận hoặc từ chối.

            Tất cả những điều vừa rồi đều có phần đúng. Thế nhưng còn có sự kiện này, đó là Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta giới răn tình yêu, cũng như Thiên Chúa đã truyền lệnh trên núi Xinai rằng: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ ngươi”. Như thế tình yêu đâu phải là không tưởng; tình yêu được ban cho con người như là một hành động cần phải hoàn thành với sự trợ giúp của ân sủng thần thiêng. Tình yêu được giao phó cho người nam và người nữ, trong bí tích hôn nhân, như nguyên lý đệ nhất trong “bổn phận” của họ, và đối với họ tình yêu trở thành nền móng cho cuộc dấn thân hỗ tương của họ, trước hết với tư cách vợ chồng, sau đó với tư cách cha mẹ. Trong nghi thức cử hành bí tích, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau đồng thời tuyên bố mình sẵn sàng đón nhận và giáo dục con cái. Đó chính là yếu tố then chốt của nền văn minh nhân loại vốn không thể được định nghĩa cách nào khác hơn là “văn minh tình yêu”.

Gia đình là biểu hiện và là nguồn cội của tình yêu này. Thế mạnh chủ yếu của văn minh tình yêu phải qua gia đình mới có và văn minh tình yêu tìm gặp “nền móng xã hội” của nó nơi gia đình.

            Theo dòng truyền thống Kitô giáo, các Nghị phụ trong Giáo Hội đã nói về gia đình như là “Giáo Hội tại gia”, là “Giáo Hội thu nhỏ”. Và như thế họ cho rằng văn minh tình yêu chính là khả năng tổ chức đời sống và sự hợp quần cho con người. “Ở chung với nhau” với tư cách là gia đình, người này hiện hữu cho người kia, tạo nên một khoảng không gian cộng đồng để cho người cụ thể “này” tự khẳng định. Đôi khi những con người ở đậy lại là những con người vốn phải chịu khuyết tật thể lý hoặc tâm linh, mà xã hội tự xưng mình là “tiến bộ” lại muốn tước bỏ đi cho rảnh. Chính gia đình cũng có thể trở nên tương tự với loại xã hội này. Gia đình sẽ thật sự trở nên như thế khi gia đình coi như của nợ để rồi gạt bỏ những người già lão, những người xấu số vì dị hình hoặc vì bị bệnh tật dồn ép. Người ta hành động như thế là bởi vì thiếu niềm tin vào Đấng Thiên Chúa mà vì Ngài và cho Ngài “mọi người đều sống” (Lc 20,38), và nơi Ngài mọi người đều được mời gọi đạt tới tầm viên mãn sự sống.

            Đúng thế, nền văn minh tình yêu là khả thi khả hữu chớ chẳng phải là không tưởng. Thế nhưng nền văn minh ấy chỉ khả thi khả hữu nếu người ta liên lỉ và hăng say quay về với “Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, nguồn mạch của tất cả mọi tước vị làm cha (và làm mẹ) trên thế giới” (x. Ep 3,14-15), nguồn mạch của mọi gia đình nhân linh.

GIÁO DỤC

  1. Giáo dục hệ tại điều gì? Để trả lời câu hỏi nầy, cần phải nhắc lại hai chân lý then chốt; chân lý thứ nhất, đó là con người được mời gọi sống trong sự thật và tình yêu; chân lý thứ hai, đó là đã là người ai cũng chỉ thể hiện được chính mình bằng cách biến mình thành quà tặng vô vị lợi. Điều này ứng dụng cả cho người giáo dục lẫn cho người thọ giáo. Như thế, giáo dục tạo thành một trình tự duy nhất trong đó sự hiệp thông hỗ tương giữa các ngôi vị rất dồi dào ý nghĩa. Nhà giáo dục là người “sinh thành” hiểu theo nghĩa thiêng liêng của từ ngữ. Trong viễn tượng này, giáo dục có thể được coi như là một hoạt động tông đồ thực thụ. Giáo dục chính là công việc chẳng những thiết lập mối quan hệ sâu xa giữa nhà giáo dục với người thọ giáo nhưng còn làm cho cả hai thông phần vào sự thật và tình yêu và như vậy nhắm tới cùng đích tối hậu mà mỗi một người đều được mời gọi từ phía Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần.

            Làm cha làm mẹ giả thiết phải có sự chung sống và phải có hoạt động tương tác của những chủ thể tự lập. Đây là điều đặc biệt hiển nhiên khi một người mẹ cưu mang một hữu thể nhân linh mới. Những tháng đầu hiện diện trong dạ mẹ tạo một mối liên kết đặc biệt vốn đã mặc giá trị giáo dục rồi. Ngay từ giai đoạn mang thai, người mẹ chẳng những ấn định cấu trúc cho cơ thể của người con, nhưng một cách gián tiếp còn ấn định toàn thể nhân tính cho người con nữa. Cho dầu trình tự đang đề cập vốn được định hướng từ mẹ sang con, chúng ta không được bỏ quên tầm ảnh hưởng mà đứa con sắp chào đời có thể gây nên trên mẹ nó. Người cha thì không dự phần trực tiếp vào ảnh hưởng hổ tương ấy, ảnh hưởng này sẽ biểu lộ tỏ tường sau khi đứa bé sinh ra. Tuy nhiên người cha phải dấn thân một cách có trách nhiệm đề mang lại sự chú tâm và nâng đỡ trong thời kỳ thai nghén và nếu có thể trong lúc sinh nở nữa.

Đối với “nền văn minh tình yêu”, đều cốt yếu là người nam phải cảm nhận chức năng làm mẹ của người nữ, vợ mình, như là một món quà; thật ra điều này ảnh hưởng không nhỏ trên toàn bộ trình tự giáo dục. Rất nhiều điều sẽ tuỳ thuộc vào chỗ người nam có sẵn sàng hay không để nhận lấy phần vụ đúng mức của mình trong giai đoạn đầu của việc tặng ban nhân tính để nhất thiết liên đới với vợ mình trong chức năng làm mẹ với tư cách là chồng và là cha.

            Như thế thoạt tiên giáo dục là việc “tự do trao tặng” nhân tính hai cha mẹ thực hiện: hai người cùng nhau chuyển thông nhân tính trưởng thành của nhau cho hài nhi và hài nhi đến lượt mình, lại trao tặng cho hai người sự mới mẻ và sự tươi trẻ về nhân tính mà hài nhi mang đến trong thế giới. Điều này cũng nghiệm đúng cả trong những trường hợp mà em bé phải cam chịu những khuyết tật tâm linh hoặc thể lý, và ngay cả trong những trường hợp này, tình huống của các em lại càng có thể mang lại cho công việc giáo dục một cường độ khác thường hơn.

            Trong khi cử hành bí tích hôn nhân, Giáo Hội đã hỏi một cách hữu ý rằng: “Anh chị có sẵn sàng yêu thương và đón nhận con cái mà Thiên Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Giáo Hội không?” (39). Trong giáo dục, tình yêu phu thê được diễn tả như là tình yêu đích thực giữa cha mẹ. Vốn từ điểm khởi hành của gia đình được tỏ bày dưới hình thức tình yêu phu thê, “mối hiệp thông ngôi vị” sẽ thành toàn và nên phong phú khi lan trải đến con cái bằng công việc giáo dục. Sự phong phú trong tiềm thể của bất cứ con người nào sinh ra và lớn lên trong gia đình phải được cảm nhận làm sao để không bị thoái hoá hoặc thất thoát, nhưng ngược lại triển nở trong một nhân tính ngày càng chín muồi hơn. Đây lại là một sự tương tác năng động nữa làm cho phía các cha mẹ đóng vai giáo dục cũng được thọ giáo trong một mức độ nào đó. Là những vị thầy dạy cho con cái mình về những vấn đề con người, các cha mẹ lại nhờ vào con cái mà tự mình cũng thực tập nữa. Chính ở điểm này mà chúng ta thấy nổi bật cấu trúc hữu cơ của gia đình và thấy hiện rỏ ý nghĩa cơ bản của giới răn thứ tư.
            Qua công việc giáo dục, cái “chúng tôi” của cha mẹ, của chồng và vợ, được nối dài sang cái “chúng tôi” của gia đình, cái chúng tôi này lại tháp nhập vào các thế hệ đi trước và mở ra cho một sự nới rộng lần hồi. Về phương diện này, cha mẹ của hai cha mẹ đóng một vai trò đặc biệt cho hai cha mẹ, và về phía con cái của con cái cũng vậy. Nếu khi ban tặng sự sống cha mẹ dự phần vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa thì nhờ công việc giáo dục họ thông phần vào nền sư phạm của Ngài với tư cách vừa là cha vừa là mẹ. Theo thánh Phaolô, phụ tính của Thiên Chúa là nguồn cội và là mẫu mực của tất cả mọi tước vị làm cha làm mẹ trong vũ trụ này (x. Ep 3, 14-15), đặc biệt làm cha làm mẹ con người. Về phần sư phạm của Thiên Chúa, chúng ta đã được giáo huấn một cách tràn đầy nhờ Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha, Đáng một khi nhập thể đã mạc khải cho con người chiều kích đích thực và toàn vẹn của nhân tính con người là được làm con Thiên Chúa. Như thế Ngôi Lời cũng đã đồng thời vén mở cho chúng ta thấy đâu là chiều hướng đích thực cho việc giáo dục con người. Nhờ Đức Kitô, mọi nền giáo dục, trong gia đình hay ở nơi khác, đều đi vào trong chiều kích cứu độ của nền sư phạm thần thiêng được quy gán cho những con người và những gia đình và dồn lên chóp đỉnh là mầu nhiệm vượt qua gồm cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Vốn luôn đồng thời nhắm giáo dục sao cho đạt tới sự viên mãn nhân tính, bước đường giáo dục Kitô giáo nào cũng khởi đi từ “tâm điểm” là ơn cứu chuộc của Chúa chúng ta.

Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và chủ yếu của con cái mình và họ cũng có một ưu thế cơ bản trong lĩnh vực này: họ là những nhà giáo dục bởi vì là cha mẹ. Họ chia sẻ sứ mệnh giáo dục của họ với những người khác và những định chế khác, như Giáo Hội và Nhà Nước; trong mọi trường hợp, phải làm sao để áp dụng cho đúng mức nguyên tắc bổ trợ (principe de subsidiarité). Dựa theo nguyên tắc này, mang lại cho cha mẹ một sự trợ giúp  là điều chính đáng và thậm chí là một bổn phận, cho dầu vẫn phải tôn trọng lằn mức nội tại và không thể vượt qua đã được vạch ra do ưu thế của cha mẹ xét về quyền lợi và do những khả năng cụ thể của họ. Như vậy, nguyên tắc bổ trợ là cốt để giúp cho tình yêu của cha mẹ bằng cách cùng góp phần vào thiện ích của hạt nhân gia đình. Thật ra, cha mẹ không đủ tầm cỡ để đơn phương đáp ứng tất cả những đòi buộc của trình tự giáo dục trong toàn bộ, đặc biệt trong những gì liên quan đến đức dục và đến ngành hội nhập xã hội là ngành rộng lớn. Sự bổ trợ do đó làm cho tình cha và tình mẹ được trọn vẹn và tăng cường cho tính chất cơ bản của tình cha tình mẹ, bởi lẽ tất cả những người khác tham gia vào trình tự giáo dục đều chỉ có thể hành động nhân danh cha mẹ và sự ưng thuận của cha mẹ và thậm chí trong một mức độ nào đó, vì họ đã được chính cha mẹ giao phó trọng trách này.

            Lộ trình giáo dục còn dẫn đến giai đoạn tự động rèn luyện, giai đoạn người ta đạt tới khi con người nhờ một trình độ tương xứng về trưởng thành tâm lý và thể lý bắt đầu “tự giáo dục chính mình”. Theo dòng thời gian, tự động rèn luyện sẽ giúp vượt lên trên những mục tiêu đã đạt được trước đây trong trình tự giáo dục, mặc dù vẫn phải tiếp tục đâm rễ trong đó. Cậu thiếu niên gặp gỡ những con người mới và những môi trường mới, đặc biệt các giáo viên và các bạn đồng lớp, những người này sẽ tạo cho cuộc đời cậu một tầm ảnh hưởng có thể mang tính chất giáo dục hoặc phản giáo dục. Vào giai đoạn này, trong một mức độ nào đó, cậu tách mình ra khỏi nền giáo dục đã lãnh nhận trong gia đình, và một đôi khi giữ một thái độ phê phán đối với cha mẹ. Thế nhưng, dầu sao chăng nữa, trình tự tự động rèn luyện không thể không nhận chịu ảnh hưởng giáo dục do gia đình và nhà trường đã tạo nên cho em nhỏ và trên cậu trai hoặc cô gái. Ngay cả khi biến đổi mình và chọn cho mình một định hướng riêng, người trẻ vẫn tiếp tục gắn liền một cách mật thiết  với những cội rễ hiện sinh của mình.

            Trong bối cảnh này, giới răn thứ tư “ngươi hãy thảo kính cha mẹ” (Xh 20, 12) tỏ lộ tầm vóc của nó một cách mới mẻ hơn nữa và tầm vóc này, một cách hữu cơ, gắn liền với toàn bộ trình tự giáo dục. Phụ tính và mẫu tính, những yếu tố đầu tiên và cơ bản của việc trao tặng nhân tính, mở ra trước mặt cha mẹ và con cái những viễn tượng vừa mới vừa sâu rộng hơn. Sinh hạ theo xác thịt có nghĩa là khởi đầu toàn bộ trình tự giáo dục cho một “thế hệ” khác có cấp trật và phức tạp. Giới răn trong Thập Giới truyền khiến con cái phải thảo kính cha mẹ mình. Thế nhưng, như đã nói trên đây, cũng một giới răn này quy gán cho cha mẹ một bổn phận hầu như “đối xứng”. Cả cha mẹ cũng phải “kính trọng” con cái mình, cho dù chúng nhỏ hay lớn, và thái độ này rất cần thiết trong suốt lộ trình giáo dục, kể cả giai đoạn học đường. “Nguyên tắc kính trọng” nghĩa là nhìn nhận và coi trọng con người như là con người, là điều kiện cơ bản cho mọi trình tự giáo dục đúng nghĩa.

            Trong địa hạt giáo dục, Giáo Hội có một vai trò đặc loại cần phải chu toàn. Dưới ánh sáng của truyền thống và của Huấn Quyền công đồng, có thể nói mạnh dạn rằng không chỉ có vấn đề giao cho Giáo Hội việc giáo dục con người về tôn giáo và về luân lý, nhưng còn có vấn đề thăng tiến toàn bộ trình tự giáo dục con người, “cùng với” Giáo Hội. Gia đình được mời gọi đảm trách phần vụ giáo dục của mình trong Giáo Hội, nhờ đó mà tham dự vào đời sống và vào sứ mệnh của Giáo Hội. Giáo Hội mong muốn giáo dục trên tất cả qua gia đình, vốn được Giáo Hội trang bị nhờ bí tích hôn nhân, với “ơn trạng sủng” (grâce d’état) phát xuất từ đó và với đặc sủng loại biệt vốn là đặc trưng của mỗi một cộng đồng gia đình.

            Một trong những địa hạt trong đó gia đình vốn bất khả thay thế chăc hẳn là địa hạt giáo dục tôn giáo, nhờ đó mà Giáo Hội có thể phát triển thành “Giáo Hội tại gia”. Giáo dục tôn giáo và dạy giáo lý cho con cái là những công việc đưa gia đình vào trong Giáo Hội với tư cách là một chủ thể đích thực trong hoạt động phúc âm hoá và hoạt động tông đồ. Chúng ta đang đứng trước một quyền lợi mật thiết gắn liền với nguyên tắc tự do tôn giáo. Các gia đình và một cách cụ thể các bậc cha mẹ được quyền tự do lựa chọn cho con cái mình một mẫu mực giáo dục tôn giáo và luân lý nhất định, tương ứng với những niềm xác tín của mình. Thế nhưng, ngay cả khi họ giao những trách vụ ấy cho những định chế Giáo Hội hoặc cho những nhà trường do một  pháp nhân tôn giáo điều hành, sự hiện diện mang tính giáo dục của họ vẫn nhất thiết phải bền bỉ và tích cực.

            Trong giáo dục, cũng không được coi thường một vấn đề thiết yếu là vấn đề phân định ơn gọi, và trong khuôn khổ này, cách riêng vấn đề chuẩn bị cho đời sống vợ chồng. Giáo Hội đã dàn trải nhiều nổ lực và nhiều sáng kiến thích đáng để chuẩn bị cho hôn nhân, chẳng hạn bằng hình thức những khoá trao đổi tổ chức cho những người đính hôn. Tất cả những điều ấy đều đáng giá và cần thiết. Thế nhưng không được quên rằng việc chuẩn bị cho đời sống lứa đôi trong tương lai trên tất cả là một trách vụ của gia đình. Chắc hẳn, chỉ những gia đình trưởng thành về mặt thiêng liêng mới có thể thi hành trách nhiệm này một cách xứng hợp mà thôi. Bởi thế thiết tưởng nên nhấn mạnh sự cần thiết của một tình liên đới chặt chẽ giữa các gia đình, có thể biểu lộ bằng nhiều hình thức tổ chức khác nhau, như những hiệp hội gia đình nhằm lợi ích cho các gia đình. Định chế gia đình được tăng cường sức mạnh nhờ tình liên đới này, vì chẳng những nhờ đó mà những con người xích lại gần nhau nhưng cả các cộng đoàn nữa để rồi từ đó cùng cầu nguyện chung với nhau và, với sự góp sức của mọi người, cùng truy tìm những giải đáp cho các vấn nạn cốt yếu vẫn trồi hiện trong đời sống. Đây phải chăng là một mô hình quý giá cho hoạt tông đồ gia đình thực hiện bởi các gia đình? Như vậy điều quan trọng là các gia đình phải tìm cách nối lại với nhau bằng những sợi dây tương thân tương trợ. Ngoài ra, nhờ như vậy mà họ có được sự trao đổi về những dịch vụ giáo dục: các bậc cha mẹ được đào luyện nhờ những cha mẹ khác, con cái nhờ con cái. Bằng cách  ấy một truyền thống giáo dục đặc thù được tạo lập, trong đó nổi bật hẳn lên nét đặc trưng của gia đình là “Giáo Hội tại gia”.

            Tin Mừng về tình yêu là nguồn mạch khôn vơi của tất cả những gì làm nên lương thực nuôi sống gia đình nhân linh với tư cách là “hiệp thông ngôi vị”. Toàn bộ trình tự giáo dục lấy tình yêu làm sức nâng đỡ và làm ý nghĩa tối hậu cho mình bởi vì tình yêu là hoa quả viên mãn của việc hai vợ chồng tự hiến cho nhau. Do bởi những nổ lực, những khổ đau và những phiền muộn thường đi kèm với công việc giáo dục con người, tình yêu không ngừng gặp thử thách. Để thắng vượt điều nầy, cần có một nguồn sức mạnh thiêng liêng chỉ tìm được ở nơi Đấng “đã yêu thương cho đến cùng” (Ga 13, 1). Như vậy công việc giáo dục tìm đuọc vị trí trọn vẹn cho mình trong viễn tượng của “nền văn minh tình yêu”; giáo dục tuỳ thuộc vào văn minh và, trong một mức độ rộng rãi, góp phần vào việc kiến tạo văn minh.

            Trong Năm Gia Đình này, Giáo Hội tin tưởng và kiên tâm cầu nguyện với ý hướng nài xin cho công trình giáo dục của con người, ngõ hầu các gia đình bền tâm vững chí trong trách vụ giáo dục với lòng can đảm, sự tin cậy và niềm hy vọng, mặc dầu những khó khăn đôi lúc nghiêm trọng đến độ dường như không thể vượt qua. Giáo Hội cầu xin cho sự trổi vượt của những năng lực “văn minh tình yêu”, là những năng lực tuôn ra từ nguồn mạch tình yêu của Thiên Chúa; những năng lực mà Giáo Hội không ngừng vận dụng cho thiện ích của toàn thể gia đình nhân loại.

GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

  1. Gia đình là một cộng đồng ngôi vị, là tế bào của xã hội nhỏ nhất và xét như thế, gia đình là một định chế cơ bản cho đời sống của bất cứ xã hội nào.

         Với tư cách là định chế, gia đình mong chờ gì ở nơi xã hội? Trước hết gia đình mong chờ được nhìn nhận trong căn tính của mình và được thừa nhận trong tư cách chủ thể xã hội. Bản chất chủ thể này vốn gắn liền với căn tính đặc thù của hôn nhân và gia đình. Vốn là nền tảng của định chế gia đình, hôn nhân hệ tại việc ký kết một giao ước theo đó “một người nam cùng với một người nữ làm thành một cộng đoàn sống chung trọn đời, cộng đoàn này do bởi tính chất tự nhiên được cắt đặt để nhắm tới thiện ích của hai người phối ngẫu cũng như nhắm tới việc truyền sinh và giáo dục con cái” (40). Chỉ một sự kết hợp như thế mới được công nhận và được xác quyết như là “hôn nhân” giữa lòng xã hội. Ngược lại, những sự kết hợp khác, vốn không đáp ứng đủ những điều kiện nêu trên, thì không được công nhận và xác quyết, cho dẫu ngày nay, về phương tiện này, hiện đang lan tràn nhiều khuynh hướng rất nguy hiểm cho tương lai của gia đình và của xã hội.

          Không một xã hội nhân linh nào được quyền liều mình lựa chọn thái độ khoan nhượng trong những vấn đề nền tảng liên quan tới yếu tính của hôn nhân và gia đình! Một thái dộ khoan nhượng về mặt luân lý như thế chỉ tổ gây tổn hại  cho những đòi buộc chính tông của nền hòa bình và mối hiệp thông giữa những con người với nhau. Bởi thế chúng ta hiểu tại sao Giáo Hội lại mạnh mẽ bênh vực căn tính của gia đình và tại sao Giáo Hội lại hối thúc các định chế có thẩm quyền, đặc biệt những người có trách nhiệm về đời sống chính trị, cũng như các tổ chức quốc tế, đừng chùn bước trước mối cám dỗ về một tính chất hiện đại hời hợt và sai lệch.

          Với tư cách là cộng đồng sự sống và tình yêu, gia đình là thực thể xã hội có cội rễ vững chắc và, một cách hết sức riêng biệt, là một xã hội tối thượng, cho dầu có bị quy định về nhiều phương diện. Từ chỗ khẳng định tính chất tối thượng của định chế gia đình và từ chỗ nhận ra vô số những điều kiện chi phối gia đình, chúng ta được đưa dẫn đển chỗ nói về những quyền lợi của gia đình. Về vấn đề này, năm 1983, Tòa Thánh đã công bố Bản Hiến Chương gồm những Quyền của Gia Đình hiện đang duy trì đầy đủ tính chất hiện đại của nó.

          Những quyền của gia đình liên kết một cách chặt chẽ với những quyền của con người. Thật ra, nếu gia đình là hiệp thông ngôi vị, sự triển nở của gia đình, một cách nghĩa lý, sẽ tùy thuộc vào việc áp dụng chuẩn xác quyền  của những con người cấu tạo nên gia đình. Một số quyền trong số những quyền này trực tiếp liên quan tới gia đình, tỉ như quyền của cha mẹ về việc sinh sản có trách nhiệm và việc giáo dục con cái; một số khác, ngược lại, liên quan tới nòng cốt gia đình nhưng chỉ gián tiếp mà thôi; trong số những quyền này, có hai quyền mang một  tầm quan trọng đặc biệt, đó là quyền sở hữu, đặc biệt sở hữu mà người ta gọi là sở hữu gia đình, và quyền lao động.

            Tuy vậy, những quyền của gia đình không phải chỉ thuần túy là tổng số toán học của những quyền của con người, xét rằng gia đình còn là gì đó vượt lên trên tổng số của những thành phần tách biệt nhau. Gia đình là cộng đồng cha mẹ và con cái, đôi khi là cộng đồng bao gồm nhiều thế hệ. Do bởi sự kiện này, phẩm vị chủ thể gia đình, như được thực hiện theo kế hoạch của Thiên Chúa, sẽ thiết lập và đòi hỏi những quyền đặc thù và loại biệt. Khởi đi từ những nguyên tắc luân lý đã phát biểu, Bản Hiến Chương những quyền của Gia đình củng cố sự hiện hữu của định chế gia đình trong cấp trật xã hội và pháp lý của “đại” xã hội: của dân tộc, của Nhà nước, của các cộng đồng quốc tế. Mỗi một “đại” xã hội này đều nhận sự chi phối ít là gián tiếp bởi sự hiện hữu của gia đình; chính vì thế việc xác định các bổn phận và các quyền lợi của “đại” xã hội đối với gia đình là một vấn đề vô cùng quan trọng và thiết yếu.

          Thoạt tiên, người ta nhận ra một mối dây hầu như hữu cơ liên kết gia đình với dân tộc. Dĩ nhiên, không theo nghĩa đen. Tuy nhiên có những tập thể chủng tộc mặc dầu không được coi như là những dân tộc thực thụ nhưng trong một mức độ nào đó, vẫn đạt tới chỗ ngang hàng với “đại” xã hội. Trong cả giả thuyết này lẫn giả thuyết kia, mối liên kết giữa gia đình với tập thể chủng tộc hoặc dân tộc trước hết cậy dựa vào sự tham gia văn hóa. Theo một nghĩa nào đó, cha mẹ sinh con thì cũng sinh cho dân tộc, với mục đích làm cho con cái mình trở nên thành phần của dân tộc và thông phần vào di sản lịch sử và văn hóa của dân tộc. Ngay lúc khởi đầu, căn tính gia đình trong một mức độ nào đó phát triển theo hình ảnh của căn tính dân tộc mà gia đình thuộc về.

          Khi thông phần vào di sản văn hóa dân tộc, gia đình góp phần vào tính chất tối thượng loại biệt vốn phát sinh từ văn hóa và ngôn ngữ của dân tộc. Tôi đã đề cập tới vấn đề này nhân dịp Đại Hội của UNESCO ở Paris năm 1980, và Tôi đã nhiều lần quay lại vấn đề này, do bởi tầm quan trọng không thể chối cãi của nó. Nhờ vào văn hóa và ngôn ngữ, chẳng những mỗi quốc gia nhưng từng gia đình tìm được tính chất tối thượng thiêng liêng của mình. Nếu không như thế sẽ khó mà giải thích được rất nhiều những biến cố lịch sử của các dân tộc, đặc biệt ở Âu châu; những biến cố cũ và mới, may mắn và đau xót, chiến thắng và thất bại, là những biến cố cho thấy, một cách hữu cơ, gia đình kết hợp biết mấy với dân tộc và dân tộc kết hợp biết mấy với gia đình.

          Mối liên kết giữa gia đình với Nhà Nước có phần giống nhưng cũng có phần khác. Thật ra, Nhà nước khác với dân tộc ở chỗ cấu trúc của nó ít mang “tính chất gia đình” hơn, bởi vì nó được tổ chức trong sự tương ứng với một hệ thống chính trị và mang “tính chất bàn giấy” nhiều hơn. Dầu vậy, ngay cả hệ thống Nhà nước hiểu theo một nghĩa nào đó cũng sở đắc một “linh hồn”, trong mức độ  nó đáp ứng bản chất “cộng đồng chính trị” của nó là cộng đồng được phối trí một cách pháp lý cho thiện ích chung (41). Gia đình sở dĩ liên kết với Nhà Nước là chính vì nguyên tắc bổ trợ (Principe de subsidiarité). Thật vậy, gia đình là một thực thể xã hội không sẵn có hết mọi phương tiện cần thiết để thực hiện những cùng đích đặc thù của nó, nhất là trong những lĩnh vực đức dục và giáo dục. Bởi thế Nhà Nước được kêu gọi can thiệp theo nguyên tắc đã nêu: nơi nào mà gia đình có thể tự mình đủ sức, thiết tưởng nên để cho gia đình hành động một cách tự lập: Nhà Nước mà can thiệp thái quá thì chẳng những tỏ ra thiếu tôn trọng nhưng còn là gây thiệt hại, bởi lẽ can thiệp như thế chính là xâm phạm một cách trắng trợn những quyền của gia đình: chỉ nơi nào gia đình thực sự không tự mình đủ sức thì Nhà Nước có quyền và bổn phận can thiệp.

          Ngoài lĩnh vực giáo dục và đức dục trên mọi cấp độ này ra, sự trợ giúp của Nhà Nước, bất cứ lúc nào cũng không được loại trừ sáng kiến của cá nhân, còn được biểu lộ chẳng hạn qua những định chế nhằm bảo vệ mạng sống và sức khỏe công dân và, cách riêng qua những biện pháp dự phòng liên quan tới lĩnh vực công ăn việc làm. Hiện nay nạn thất nghiệp đang là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với đời sống gia đình và đang là mối quan tâm của tất cả mọi xã hội. Nó tạo nên một thách đố cho nền chính trị của các Quốc Gia và là một vấn đề cần được học thuyết xã hội của Giáo Hội để tâm suy nghĩ. Bởi thế, hơn bao giờ hết, điều cần thiết và cấp bách là phải mang lại phương dược cứu chữa bằng những giải pháp can trường, đồng thời biết đưa mắt hướng nhìn, ngay cả bên kia những biên giới quốc gia, về phía đông đảo những gia đình vì không có công ăn việc làm mà phải rơi vào một tình huống cơ cực bi thảm (42).

          Đề cập tới công ăn việc làm trong tương quan với gia đình, thiết tưởng nên nhấn mạnh tầm quan trọng và sức mạnh của việc làm dành cho phụ nữ trong tổ ấm của họ: (43) việc làm này cần được nhận định và đánh giá tối đa. Sau khi đã hạ sinh con vào đời, nuôi nấng nó, chăm sóc nó và lo cho nó được giáo dục, đặc biệt trong những năm đầu, người phụ nữ cảm thấy “trách vụ” này cao cả đến độ không e ngại so sánh với bất cứ việc làm nào khác trong lãnh vực nghề nghiệp. Điều này phải được quả quyết một cách sáng rõ, cũng như mọi quyền khác gắn liền với việc làm đều phải được bảo vệ. Vai trò làm mẹ, với tất cả những cực nhọc mà nó bao hàm, cần phải được nhìn nhận là có giá trị ngay cả về mặt kinh tế tương đương với những giá trị việc làm khác được thi hành nhằm đảm bảo sự sống cho gia đình trong một giai đoạn tế nhị như thế.

Quả thật không nên tiết giảm bất cứ nổ lực nào nhằm làm cho gia đình được nhìn nhận như là xã hội hàng đầu và “tối thượng” theo một nghĩa nào đó. “Tính chất tối tượng” của gia đình là thiết yếu cho thiện ích xã hội. Một dân tộc thực sự tối thượng và có sức mạnh thiêng liêng thì luôn bao gồm những gia đình vững chắc, những gia đình ý thức ơn gọi và sứ mệnh của mình trong lịch sử. Vị trí của gia đình là ở trung tâm của tất cả những vấn đề ấy và tất cả những phận vụ ấy: đẩy lùi gia đình xuống một vai trò hạ cấp hoặc thứ yếu, tách gia đình ra khỏi vị thế xứng hợp trong xã hội thì có nghĩa là gây một tổn thất nghiêm trọng cho sự tăng trưởng đích thực của toàn bộ cơ thể xã hội.

 

PHẦN HAI

ĐẤNG LÀ PHU QUÂN ĐANG Ở VỚI ANH EM

TẠI CANA XỨ GALILÊA

 

  1. Một ngày kia, trước mặt các tông đồ của Gioan, Đức Giêsu nói về một vụ mời dự tiệc cưới và về sự có mặt của phu quân giữa những người được mời: “Đấng là Phu Quân đang ở với anh em” (Mt 9, 15). Qua đó, người có ý ám chỉ rằng hình ảnh Thiên Chúa Phu Quân vốn đã chất chứa trong Cựu Ước nay được thể hiện trọn vẹn nơi Người, để rồi mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm của Thiên Chúa như là mầu nhiệm tình yêu.

            Như vậy, khi tự gán cho mình phẩm vị “phu quân”, Đức Kitô vén mở yếu tính của Thiên Chúa và xác quyết tình yêu bao la của Người đối với phàm nhân. Nhưng qua việc lựa chọn hình ảnh này, Người cũng gán tiếp đưa ra ánh sáng bản chất đích thực của tình yêu phu thê. Thật ra, khi nại tới hình ảnh này để nói về Thiên Chúa, Đức Giêsu minh chứng rằng phụ tính (tình cha) và tình yêu của Thiên Chúa được phản chiếu với một mức độ đáng kể nơi tình yêu của người nam và người nữ kết hợp nên một với nhau trong hôn nhân. Chính vì lý do này mà, vào buổi đầu sứ vụ, Đức Giêsu có mặt tai Cana xứ Galilea, nhằm mục đích tham dự một bữa tiệc cưới, cùng với Đức Maria và các môn đệ tiên khởi (x.Ga 2,1-11). Qua đó, người ngụ ý minh chứng rằng chân lý về gia đình đã được ghi khắc trong Mạc Khải của Thiên Chúa và trong lịch sử cứu độ. Trong Cựu Ước, đặc biệt nơi Ngôn Sứ, người ta gặp được những lời rất mỹ miều về tình yêu của Thiên Chúa; một tình yêu tràn đầy nỗi niềm quan tâm tựa như tình yêu của người mẹ đối với con mình, dịu dàng êm ái tựa như tình yêu của người chồng đối với vợ mình, nhưng cũng rất ghen tuông; đó trước hết không phải là một tình yêu nhằm trừng phạt nhưng nhằm tha thứ; một tình yêu nghiêng mình xuống trên con người như người cha xử sự với đứa con đi hoang của mình, nâng con người dậy và cho con người được thông phần vào sự sống thần linh. Một tình yêu gây ngỡ ngàng: đó là cả một điều lạ chưa từng được biết đến lúc ấy trong khắp cả thế giới dân ngoại.

            Tại Cana xứ Galilêa, Đức Giêsu như thể là thông tín viên của chân lý Thiên Chúa về hôn nhân, của chân lý làm nơi cậy dựa cho gia đình phàm nhân, của chân lý giúp gia đình tìm gặp sức mạnh cần thiết để đương đầu với mọi thử thách của cuộc sống. Đức Giêsu loan báo chân lý này bằng sự thực hiện “dấu lạ” đầu tiên của Người: nước hóa thành rượu.

            Người còn loan báo chân lý về hôn nhân bằng cách nói với người biệt phái và bằng cách giải thích rằng tình yêu vốn phát xuất từ Thiên Chúa, một tình yêu hiền dịu và phu thê, là nguồn mạch của những đòi buộc sâu xa và triệt để. Môsê đã ít khắt khe hơn: Môsê đã cho phép người ta được phép ly hôn. Trong một cuộc đối chất sôi nổi, khi những người biệt phái nại tới Môsê, Đức Giêsu trả lời một cách dứt khoát: “thoạt đầu thì không như thế” (Mt 19, 8). Rồi Ngài nhắc nhở rằng Đấng đã tạo dựng con người vốn đã tạo dựng con người có nam và có nữ và Đấng ấy đã sắp đặt như sau: “người đàn ông rời bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai trở thành một huyết nhục mà thôi” (St 2, 24). Một cách mạch lạc về mặt luân lý, Đức Kitô kết luận: “bởi đó họ không còn là hai nhưng là một xác thân duy nhất. Này nhé! Thiên Chúa mà đã kết hợp thì loài người không được phân ly đâu” (Mt 19, 6). Để đáp lại lời bắt bẻ của người biệt phái khi họ mượn uy thế của lề luật Môsê, Người trả lời: “Chính vì lòng dạ các ngươi chai cứng mà Môsê đã cho phép rẫy vợ, thế nhưng thoạt đầu thì không như thế”. (Mt 19, 8).

            Đức Giêsu nại tới “buổi thoạt đầu”, tìm lại ở nơi tận nguồn cội công trình tạo dựng để nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa trong đó có cội rễ của gia đình và, qua trung gian gia đình, cội rễ của toàn thể lịch sử nhân loại. Thực thể tự nhiên của hôn nhân, do ý muốn của Đức Kitô, trở thành bí tich thực thụ của Giao Ước Mới, được ghi dấu ấn bằng máu của Đức Kitô Cứu Chuộc. Hỡi các vợ chồng và các gia đình, hãy ghi nhớ rằng anh em đã được “mua lại” bằng một giá vô song. (x. 1Cr 6, 20)!
            Dầu vậy, xét theo phía con người, khó có thể đón nhận và sống chân lý kỳ diệu này. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Môsê đã nhượng bộ trước những yêu sách của các người đồng hương bởi vì chính các tông đồ, sau khi nghe những lời Thầy nói, đã cãi lại: “nếu người nam đối với người phị nữ mà phải chấp nhận một điều kiện như thế thì tốt hơn đừng kết hôn làm chi” (Mt 19, 10)! Tuy nhiên, vì thiện ích của người nam và người nữ, của gia đình và toàn thể xã hội, Đức Giêsu xác quyết sự đòi buộc mà Thiên Chúa đã đặt định ngay từ thoạt đầu. Đồng thời Người cũng lợi dụng cơ hội để khẳng định giá trị của sự lựa chọn không kết hôn vì Nước Trời: sự lựa chọn này cho phép “sinh sản” cho dẫu bằng cách khác. Sự lựa chọn này là khởi điểm của đời tận hiến, của những Đan Viện và những Hội Dòng bên Đông Phương và cả bên Tây Phương, cũng như kỉ luật sống bậc độc thân linh mục, theo như truyền thống của Giáo Hội la tinh. Do đó, “tốt hơn hết đừng kết hôn làm chi” là điều không đúng, thế nhưng tình yêu vì nước Trời cũng có thể là động lực thúc đẩy đừng kết hôn (x. Mt 29, 12).

Dầu sao, kết hôn vẫn là ơn gọi bình thường của con người, con người vốn được đại đa số dân Chúa lựa chọn. Chính trong gia đình mà hình thành những viên đá sống động của toà nhà thiêng liêng được Thánh Tông Đồ Phêrô nói đến (x. 1Pr 2, 5). Thân xác của các vợ chồng là chỗ cư ngụ của Chúa Thánh Thần (x. 1Cr 6,19). Bởi vì lưu truyền sự sống thần linh giả thiết phải lưu truyền sự sống phàm nhân, cho nên từ nơi hôn nhân chẳng những sinh hạ những người con của loài người nhưng do bởi bí tích rửa tội, còn sinh hạ những người con làm dưỡng tử của Thiên Chúa, những người con sống một đời sống mới lãnh nhận từ Đức Kitô nhờ Thần Khí Người.

Bằng cách ấy, anh chị em thân mến, những người làm vợ làm chồng và làm cha mẹ thân mến, Đấng là Phu Quân đang ở với anh chị em. Anh chị em biết Người là Mục Từ Nhân Lành và anh chị em nhận ra âm giọng của Người. Anh chị em biết Người phải đấu tranh để đưa anh chị em tới các đồng cỏ cho anh chị em tìm gặp ở đó sự sống và sự sống dồi dào, Người phải đối đầu với những con sói hung dữ, luôn chờ chực để vồ lấy chiên của Người: từng người chồng và người vợ, từng cậu con trai và cô con gái, từng thành phần trong các gia đình anh chị em. Anh chị em biết rằng, là Mục Tử Nhân Lành, Người sẵn sàng hiến mạng sống Người cho đàn chiên (x. Ga 10, 11). Người dẫn anh chị em đi không phải qua những nẻo đường quanh co và đầy cạm bẫy của rất nhiều ý thức hệ hiện đại; Người lập lại chân lý toàn vẹn cho thế giới ngày nay, tựa như khi xưa Người đã ngỏ lời với những người biệt phải hoặc đã loan báo cho các Tông Đồ, và sau đó các Tông Đồ đã tiếp tục loan báo trong thế giới, công bố chân lý ấy cho những người thời ấy, là Do Thái và Hi Lạp. Các môn đệ đã ý thức rỏ rệt rằng Đức Kitô đã đổi mới mọi sự; rằng con người đã trở thành “tạo vật mới”; không còn là Do Thái hay Hi Lạp, không còn là nô lệ hay người tự do, không còn là đàn ông hay đàn bà, nhưng là “một” trong Người (x. Gl 3,28), đã được mặc lấy phẩm giá của dưỡng tử Thiên Chúa. Ngày lễ Hiện Xuống, con người này đã lãnh nhận Thần Khí an ủi, Thần Khí sự thật; và cứ thế mà đã khởi đầu một đoàn dân mới của Thiên Chúa là Giáo Hội, một hình thức tiền hưởng trời mới và đất mới. (X. Kh 21, 1).

            Lúc đầu có phần sợ sệt về vấn đề hôn nhân, các Tông Đồ về sau đã trở nên can đảm. Họ đã hiểu được rằng hôn nhân và gia đình quả thực là ơn gọi phát xuất từ chính Thiên Chúa, là một dịch vụ tông đồ; tông đồ giáo dân. Họ phục vụ cho sự biến đổi trái đất và cho việc canh tân thế giới, canh tân công trình tạo dựng và toàn thể nhân loại.

Các gia đình thân mến, các gia đình anh chị em cũng phải tỏ ra can đảm, luôn sẳn sàng làm chứng cho niềm hy vọng ở trong các anh chị em (x. 1Pr 3, 15), bởi vì niềm hy vọng đã bén rễ trong lòng anh chị em do Vị Mục Tử Nhân Lành và nhờ Tin Mừng. Các gia đình anh chị em phải sẳn sàng bước theo Đức Ki tô đến những đồng cỏ mang lại sự sống mà chính Người đã dọn sẳn cho anh chị em nhờ mầu nhiệm vượt qua là cái chết và sự phục sinh của Người.

            Các gia đình anh chị em đừng sợ phải mạo hiểm và liều lĩnh! Sức mạnh thần linh mạnh hơn những khó khăn của các gia đình anh chị em nhiều. Hiệu năng của bí tích Hoà Giải mà các Nghị Phụ Giáo Hội gọi là “bí tích Rửa Tội thứ hai” thì lớn mạnh hơn vô kể so với sự dữ đang hoành hành trong thế giới. Bí Tích Thêm Sức, với tác dụng làm triển nở ân sủng của Bí Tích Rửa Tội, tạo một năng lực thần linh kiên cố hơn nhiều so với tình trạng sa đoạ hiện nay trong thế giới. Đặc biệt, phải nói rằng quyền lực của Bí Tích Thánh Thể thì cao cả đến độ không thể sánh ví.

            Thánh Thể là một bí tích thật sự diệu kỳ. Trong bí tích này, Đức Kitô đã để lại chính Người cho chúng ta ngõ hầu chúng ta được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10): sự sống vốn ở trong Người mà Người  đã chuyển ban cho chúng ta bằng cách trao tặng Thần Khí của Người khi ngày thứ ba Người sống lại. Thật vậy, sự sống từ Người đã đến, sự sống ấy là để cho chúng ta. Sự sống ấy là để cho anh chị em, hỡi các vợ chồng, các cha mẹ và các gia đình thân mến! Chẳng phải người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bối cảnh gia đình, vào bữa Tiệc Ly đó sao? Mỗi khi anh chị em cùng ngồi ăn với nhau và mỗi khi anh chị em liên kết làm một với nhau, Đức Ki tô ở gần anh chị em đó. Và, hơn thế nữa, Người là Đấng Emmanuen, Thiên Chúa ở với chung ta, mỗi lần anh chị em tiến gần đến Bàn Tiệc Thánh Thể. Có thể xảy ra điều tương tự như ở Emmau, là người ta chỉ nhận ra Người khi “bẻ bánh” (x. Lc 24, 35). Cũng có thể xảy ra là Người đứng ngoài cửa và gõ cửa, chờ chúng ta mở cho để có thể vào và dùng bữa với chúng ta (x. Kh 3,20). Bữa Tiệc Ly và những lời tuyên đọc lúc ấy duy trì tất cả những gì là quyền năng và khôn ngoan của hi lễ Thập Giá. Không còn quyền năng nào khác cũng không còn khôn ngoan nào khác để nhờ đó chúng ta có thể được cứu thoát và để nhờ đó chúng ta có thể góp phần cứu độ người khác. Không còn quyền năng nào khác cũng không còn khôn ngoan nào khác để nhờ đó anh chị em, những người làm cha làm mẹ, có thể giáo dục con cái anh chị em và cả tự giáo dục anh chị em nữa. Bí Tích Thánh Thể có quyền năng giáo dục, đó là điều đã được xác nhận qua nhiều thế hệ và nhiều thế kỷ.

            Vị Mục Tử Nhân Lành ở với chúng ta khắp mọi nơi. Như xưa kia Người đã có mặt ở Cana xứ Galilêa, với tính cách là Phu Quân giữa đôi bạn phu thê lúc ấy đang hiến thân cho nhau trọn đời, cũng vậy, ngày nay Vị Mục Tử Nhân Lành cũng có mặt với chúng ta với tính cách là  nguyên do để hy vọng, là sức mạnh của các tâm hồn, là nguồn mạch phát xuất mọi niềm hăng say ngày càng mới mẻ và là dấu chỉ sự chiến thắng của “nền văn minh tình yêu”. Đức Giêsu Mục Tử Nhân Lành lặp lại với chúng ta rằng: Anh chị em đừng sợ, Thầy đang ở với anh chị em. “Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28, 20). Một sức mạnh như thế do đâu mà có? Do đâu mà có sự quả quyết chắc chắn rằng Thầy ở với chúng con, cho dầu họ đã giết chết Thầy, hỡi con cái Thiên Chúa, và cho dầu Thầy đã chết như bất cứ hữu thể nhân linh nào khác? Do đâu mà có sự quả quyết chắc chắn nầy? Tác giả Tin Mừng mách bảo: “Người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Thế đó, chính Thầy, Thầy yêu thương chúng con, Thầy là Đấng Đầu Tiên và là Đấng Cuối Hết, là Đấng Hằng Sống; Thầy xưa kia đã chết nhưng bây giờ sống mãi (x. Kh 1, 17-18).

MẦU NHIỆM LỚN LAO

  1. Thánh Phaolô tóm tắt vấn đề đời sống gia đình trong thành ngữ “mầu nhiệm lớn lao” (x. Ep 5, 32). Cho dầu điều này vốn có cội rễ trong sách Sáng Thế và trong toàn bộ truyền thống Cựu Ước, khi thánh nhân viết về “mầu nhiệm lớn lao” này trong Thư gởi các tín hữu Êphêxô, thánh nhân trình bày một cách tổ chức mới, cách tổ chức này về sau sẽ được khai triển trong Huấn Quyền Giáo Hội.

            Giáo Hội tuyên xưng rằng, xét như là bí tích giao ước giữa hai vợ chồng, hôn nhân là một “mầu nhiệm lớn lao”, bởi vì ở nơi bí tích này tình yêu phu thê của Đức Kitô đối với Giáo Hội được tỏ bày. Thánh Phaolô viết: “Hỡi những người làm chồng hãy yêu vợ mình như Đức Kitô đã yêu Giáo Hội; Người đã vì Giáo Hội mà giao nộp chính mình, ngõ hầu thánh hoá Giáo Hội bằng cách thanh tẩy Giáo Hội bằng việc tắm nước với lời đọc kèm theo” (Ep 5, 25-26). Ở đây thánh Phaolô nói đến bí tích Rửa Tội vốn được thư gửi tín hữu Rôma đề cập khá sâu rộng, bằng cách trình bày bí tích này như là sự thông phần vào cái chết của Đức Ki tô để chia sẻ sự sống của Người (x. Rm 6, 3-4). Do bí tích này, người tín hữu sinh ra như một con người mới, bởi vì bí tích Rửa Tội có khả năng chuyển ban một sự sống mới, sự sống của chính Thiên Chúa. Mầu nhiệm thần nhân của Thiên Chúa làm người một cách nào đó được gồm tóm trong biến cố thanh tẩy. Thánh Irênêô sau này sẽ phát biểu, và rất nhiều Nghị Phụ thuộc Giáo Hội Đông Phương và Tây Phương cũng  phát biểu tương tự: “Đức Kitô Giêsu Chúa chúng ta, Con Thiên Chúa Tối Cao, trở thành Con loài người để cho con người đến lượt mình trở thành Con Thiên Chúa” (44).

            Như thế Phu Quân ở đây chính là Thiên Chúa đã làm người. Trong Cựu Ước, Đức Chúa tự tỏ mình như là Phu Quân vừa dịu dàng vừa đòi hỏi, hay ghen tuông nhưng chung thuỷ. Tất cả những hình thức phản bội, đào thoát và bái ngẫu của Ítraen, như các Ngôn Sứ đã mô tả một cách bi thảm và sống sượng, cũng không dập tắt nổi tình yêu của Đấng Thiên Chúa Phu Quân là Đấng “yêu thương cho đến cùng” (x. Ga 13, 1).

            Mối hiệp thông phu thê giữa Thiên Chúa và dân Ngài được xác quyết và hoàn thành nơi Đức Kitô, trong Tân Ước. Đức Kitô hứa chắc với chúng ta rằng Đấng là Phu Quân ở với chúng ta (x. Mt 9, 15). Người ở với chúng ta tất cả, Người ở với Giáo Hội. Giáo Hội trở thành hiền thê: hiền thê của Đức Kitô. Người hiền thê này, như được nói đến trong Thư gởi tín hữu Êphêxô, vốn hiện diện nơi hết thảy những ai đã được rửa tội và người hiền thê này tựa như một thiếu nữ trang điểm để cho Phu Quân ngắm nhìn. Người “đã yêu Giáo Hội”; Người đã vì Giáo Hội mà tự giao nộp chính mình….; bởi vì Người muốn đưa Giáo Hội đến hiện diện trước mặt Người trong tư thế vô cùng rạng rỡ, không vết nhơ, không nhăn nheo hoặc đạI  loại như thế, nhưng thánh thiện và không vương nhiễm tì vết” (Ep 5, 25.27). Tình “yêu cho đến cùng” mà Phu Quân đã dành cho Giáo Hội là một tình yêu luôn mãi thánh thiện một cách mới mẻ nơi các thành phần của Giáo Hội, cho dẫu Giáo Hội vẫn không ngừng là một Giáo Hội bao gồm những tội nhân. Cả các tội nhân, “những người thu thuế và gái điếm”, cũng được mời gọi nên thánh, như chính Đức Kitô đã xác nhận trong Tin Mừng (x. Mt 22, 31). Tất cả mọi người đều được mời gọi trở thành Giáo Hội vinh thắng, thánh thiện và không vương nhiễm tì vết. Đức Chúa nói: “các ngươi hãy nên thánh bởi vì Ta là thánh” (Lv 11, 44; x. Pr 1, 16).

            Đó chính là chiều kích cao cả nhất của “mầu nhiệm lớn lao”, là sự ám chỉ sâu xa nhất của quà tặng bí tích trong Giáo Hội, là ý nghĩa thâm sâu của Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thánh Thể. Đó là những hoa trái của tình yêu vốn là tình yêu cho đến cùng của Đấng là Phu Quân, tình yêu tràn lan không ngừng nghỉ, nhằm giúp cho con người được ngày càng tham gia vào sự sống thần linh.

            Sau khi nói: “Hỡi những người làm chồng, hãy yêu vợ mình” (Ep 5, 25) thánh Phaolô lập tức nói thêm một cách còn mạnh mẽ hơn nhiều: ” Cũng vậy, những người làm chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ thì cũng phải yêu chính mình. Bởi lẽ chưa có ai ghét bỏ thân xác mình bao giờ; nhưng ngược lại người ta nuôi dưỡng thân xác mình và chăm sóc thân xác kỹ càng. Đó là điều mà chính Đức Kitô đã làm cho Giáo Hội: chúng ta lại không phải là những chi thể của Thân Xác Người sao?” (Ep 5, 28-30) rồi ngài khuyên bảo các vợ chồng với những lời nầy: “Hãy tùng phục lẫn nhau trong sự kính sợ Đức Kitô” (Ep 5, 21).

            Đó chắc chắn là một cách thức diễn đạt mới của chân lý vĩnh cửu về hôn nhân và về gia đình dưới ánh sáng Tân Ước. Đức Kitô đã mạc khải chân lý ấy trong Tin Mừng, bằng sự hiện diện của Người ở Cana xứ Galilêa, bằng hy tế của Người trên thập giá và bằng những bí tích của Giáo Hội Người. Như thế, các đôi vợ chồng tìm gặp ở nơi Đức Kitô một nguồn tham chiếu cho tình yêu phu thê của họ. Thánh Phaolô khi nói về Đức Kitô Phu Quân của Giáo Hội cũng nại tới tình yêu phu thê một cách loại suy; thánh nhân phăng lên tận sách Sáng Thế: ” Người nam sẽ bỏ mẹ cha để gắn bó với vợ mình, và cả hai trở thành một huyết nhục duy nhất” (St 2, 24). Đây chính là “mầu nhiệm lớn lao” của tình yêu vĩnh cửu vốn đã có trong công trình tạo dựng, được mạc khải trong Đức Kitô và được giao phó cho Giáo Hội, Thánh Tông Đồ lặp lại: “mầu nhiệm này thật tầm cỡ; tôi muốn nói rằng cũng một mầu nhiệm ấy được áp dụng cho Đức Kitô và Giáo Hội” (Ep 5, 22). Như vậy, người ta không thể hiểu Giáo Hội như là Nhiệm Thể Đức Kitô, như là dấu chỉ của giao ước giữa con người với Thiên Chúa trong Đức Kitô, như là bí tích cứu độ phổ quát, nếu người ta không nại tới “mầu nhiệm lớn lao”, trong tương quan với công trình tạo dựng con người có nam và có nữ, và với ơn gợi của hai phía hướng đến tình yêu lứa đôi, hướng đến trách nhiệm làm cha và làm mẹ. “Mầu nhiệm lớn lao”, là Giáo Hội và nhân loại trong Đức Kitô, sẽ không hiện hữu nếu không có “mầu nhiệm lớn lao” được tỏ lộ trong sự kiện ”nên một huyết nhục duy nhất” (x. St 2, 24; Ep 5, 31-32), nghĩa là trong thực tại hôn nhân và gia đình.

            Chính gia đình là mầu nhiệm lớn lao của Thiên Chúa. Với tư cách là “Giáo Hội tại gia”, gia đình là hiền thê của Đức Kitô. Giáo Hội hoàn vũ và, trong Giáo Hội hoàn vũ, mỗi Giáo Hội đặc thù nếu được tỏ lộ như là hiền thê của Đức Kitô thì một cách trực tiếp hơn cả là được tỏ lộ nơi “Giáo Hội tại gia” và nơi tình yêu được thể hiện trong đó: tình yêu vợ chồng, tình yêu cha mẹ, tình yêu anh em, tình yêu của một cộng đồng ngôi vị và một cộng đồng gồm nhiều thế hệ. Nếu không có Đấng là Phu Quân và nếu không có tình yêu của Đấng đã đi bước trước và đã yêu cho đến cùng, thử hỏi chúng ta có quan niệm nổi tình yêu nhân linh sẽ dẫn tới đâu không? Chỉ bằng cách can dự vào tình yêu kia và “mầu nhiệm lớn lao” kia thì các vợ chồng mới có thể yêu “cho đến cùng”: hoặc họ trở thành những người thông chia tình yêu ấy, hoặc họ không thể hiểu cặn kẽ thế nào là tình yêu và những đòi buộc của tình yêu là triệt để đến mức nào. Chẳng còn phải nghi ngờ gì nữa, đó rất có thể là một mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với họ.

            Giáo huấn của thư gởi tín hữu Êphêxô quả thật gây ngỡ ngàng vì mang lại cả một chiều sâu và một uy lực luân lý. Khi gọi hôn nhân, và một cách gián tiếp gia đình, là “mầu nhiệm lớn lao” trong sự qui chiếu về Đức Kitô và Giáo Hội, Thánh Tông Đồ Phaolô lại có thể một lần nữa nói lại điều Ngài đã nói trước đây với những người làm chồng: “mỗi một người chồng hãy yêu vợ như yêu chính mình”. Tiếp đó Ngài nói thêm: “còn vợ thì phải biết tôn trọng chồng mình” (Ep 5, 33). Tôn trọng bởi vì nàng yêu và nàng biết mình được yêu. Chính do nơi tình yêu này mà hai vợ chồng trở thành quà tặng cho nhau. Trong tình yêu có hàm chứa sự nhìn nhận phẩm giá ngôi vị của người khác và nhìn nhận tính chất độc nhất vô nhị của người khác; quả vậy, với tư cách là hữu thể nhân linh, mỗi người đều đã được Thiên Chúa chọn lựa vì chính mỗi người (45) trong số các tạo vật trên mặt đất; tuy nhiên, bằng một hành vi có ý thức và có trách nhiệm, mỗi người biến chính mình thành quà tặng tự nguyện cho người kia và cho những đứa con được Chúa đón nhận. Thánh Phaolô tiếp tục nói lời khuyên nhủ, móc nối những lời này một cách nghĩa lý với giới răn thứ tư: “Hỡi những người con, các bạn hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa: đó là điều phải lẽ. ’Ngươi hãy thảo kính cha mẹ’, giới răn đệ nhất là như thế đó và kèm theo giới răn này là một lời hứa: ’để cho đời bạn được yên hàn và để cho bạn sống trường thọ trên dương thế này’. Còn các vị, những người làm cha làm mẹ, các vị đừng dồn con cái đến chỗ cuồng nộ nhưng trong khi giáo dục chúng, các vị hãy dùng những hình thức sửa dạy và răn đe là những hình thức khởi hứng từ Chúa” (Ep 6, 1-4). Như vậy, Thánh Tông Đồ đọc thấy nơi giới răn thứ tư bước đường cam kết nhất thiết hàm chứa trong sự kính trọng hỗ tương giữa chồng với vợ, giữa cha mẹ với con cái, và do đó nhìn nhận ở nơi giới răn này nguyên lý của mối dây liên kết gia đình.

            Tổng luận tuyệt vời của thánh Phaolô về vấn đề “mầu nhiệm lớn lao”, theo một nghĩa nào đó, có thể được coi là bản tóm, là “summa” của giáo huấn về Thiên Chúa và về con người, mà Đức Kitô đã đưa tới chỗ hoàn thành. Tiếc thay, với sự phát triển của khuynh hướng duy lý hiện đại, tư tưởng Tây Phương dần dà đã rời xa giáo huấn này. Nhà triết học vốn đã phát biểu nguyên lý “cogito, ergo sum”, “tôi suy tư, bởi đó có tôi đây”, cũng đã in sâu tính chất nhị nguyên vào trong quan niệm hiện đại về con người làm cho quan niệm này tách hẳn khỏi giáo huấn nói trên. Khuynh hướng duy lý chủ trương tạo sự đối kháng nơi con người, một cách triệt để, giữa tinh thần và thân xác, giữa thân xác và tinh thần. Trong khi đó, ngược lại, con người là một ngôi vị trong sự thống nhất giữa thân xác và tinh thần (46). Thân xác không bao giờ có thể giản lược thành vật chất thuần tuý; đó là một thân xác “tinh thần hoá”, cũng như tinh thần vốn đã kết hiệp thâm sâu với thân xác đến độ có thể được gọi là tinh thần “nhập thể”. Nguồn mạch phong phú nhất để từ đó mà hiểu biết thân xác, đó là Ngôi Lời hoá nên xác phàm. Đức Kitô vén mở con người cho con người (47). Theo một nghĩa nào đó, lời khẳng định này của Công Đồng Vaticanô II chính là câu trả lời của Giáo Hội, như đã được mong chờ từ bấy lâu nay, trước những vẫn đề mà khuynh hướng duy lý hiện đại đặt ra.

            Câu trả lời này mang một tầm quan trọng cơ bản cho sự hiểu biết về gia đình, đặc biệt trong bối cảnh của nền văn minh hiện đại vốn, như chúng ta đã nói, xem như đã rất nhiều dịp từ chối trở thành nền “văn minh tình yêu”. Vào thời buổi hiện nay, tiến bộ trong lãnh vực nhận thức về thế giới vật chất cũng như nhận thức về tâm lý con người phải nói là rất đáng kể; thế nhưng trong những gì liên quan đến chiều kích thâm sâu nhất của mình là chiều kích siêu hình, con người ngày nay trong đại đa số vẫn còn là một hữu thể xa lạ đối với chính mình; và, bởi thế, cả gia đình cũng vẫn còn là một thực tại chưa được nhận biết. Sở dĩ điều này xảy ra là do bởi đã có hiện tượng rời xa “mầu nhiệm lớn lao” mà thánh Tông Đồ đề cập.
            Sự tách lìa tinh thần và thân xác trong con người đã dẫn tới hậu quả là tăng thêm kiên cố cho khuynh hướng coi thân xác con người không phải dựa theo những phạm trù liên quan tới sự tương tự đặc loại của con người với Thiên Chúa, nhưng dựa theo những phạm trù liên quan tới sự tương đồng của con người với những cơ thể khác hiện diện trong thiên nhiên, một thân xác mà con người sử dụng như là vật liệu cho sinh hoạt của mình nhằm sản xuất những mặt hàng tiêu dùng. Thế nhưng ai ai cũng tức khắc hiểu được rằng đem những tiêu chuẩn như thế mà áp dụng cho con người thì trong thực tế thế nào cũng che dấu những mối nguy nghiêm trọng. Một khi thân thể con người, với quan niệm coi nó như là hoàn toàn độc lập đối với tinh thần và tư duy, bị sử dụng như là vật liệu (matériel) ngang hàng với cơ thể của loài vật – đó chính là điều xảy ra, chẳng hạn, trong những thủ thuật trên những phôi phai mới chớm và trên những bào thai đã lâu ngày tháng – người ta không tránh khỏi rơi vào một tình trạng lạc hướng khủng khiếp về mặt luân lý.

            Trước  một viễn tượng nhân học như thế, gia đình nhân linh phải đi tới chổ sống kinh nghiệm của một chủ thuyết Manikêô kiểu mới, theo đó thân xác và tinh thần được đặt vào thế đối kháng lẫn nhau một cách triệt để: thân xác chỉ sống như công cụ chứ không sống cho chính mình. Như thế, con người không còn sống như là ngôi vị và như là chủ thể nữa. Cho dầu những ý hướng và những lời tuyên bố vốn là khác, con người chỉ trở thành vật dụng (objet) nữa mà thôi. Trong chiều hướng này, chẳng hạn, nền văn minh tân-Manikêô đưa tới chỗ coi tính dục con người như một lãnh thổ để áp dụng những thủ thuật và để khai thác hơn là như thực tại gây sự ngạc nhiên nguyên thuỷ, sự ngạc nhiên vào buổi sáng tạo dựng đã thúc đẩy Ađam phải thốt lên khi nhìn thấy Eva: “Đây là xương của xương tôi và là thịt của thịt tôi” (St 2,23). Đó là sự ngạc nhiên mà người ta nhận ra tiếng vang dội trong sách Diễm Ca với những lời này: ” Cô em ơi, người yêu của tôi ơi, em làm cho tôi phải hồn bay phách lạc rồi đó, em chỉ mới đưa mắt nhìn tôi có một lần mà tôi đã phải hồn bay phách lạc rồi đó” (Dc 4,9). Một số quan niệm hiện đại làm sao mà hiểu nổi được cho sâu sát về vấn đề phái tính nam và nữ mà Mạc Khải Thiên Chúa đã cống hiến! Mạc Khải giúp cho ta khám phá trong tính dục con người một nguồn phong phú của ngôi vị, một ngôi vị chỉ thật sự được đề cao trong gia đình, một ngôi vị vẫn còn biểu lộ ơn gọi thâm sâu của mình trong sự trinh khiết và trong bậc sống độc thân vì Nước Trời.

            Khuynh hướng duy lý hiện đại không thể chịu đựng mầu nhiệm. Khuynh hướng này không chấp nhận mầu nhiệm của con người, nam và nữ, và cũng không muốn công nhận rằng sự thật tròn đầy về con người đã được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô. Một cách đặc biệt, khuynh hướng này tỏ ra bất khoan nhượng đối với “mầu nhiệm lớn lao” được loan báo trong thư gửi tín hữu Êphêxô và chiến đấu chống lại mầu nhiệm này một cách triệt để. Nếu như, trong một bối cảnh hữu thần một cách mơ hồ, khuynh hướng duy lý vẫn chấp nhận rằng có thể có và cũng có thể cần đến một Hữu Thể tối cao hoặc thần thiêng, thì một cách kiên quyết, khuynh hướng ấy nhất định bác bỏ khái niệm về một Thiên Chúa làm người để cứu độ con người. Đối với chủ nghĩa duy lý, không thể quan niệm nổi Thiên Chúa là Đấng Cứu Chuộc, lại càng  không thể quan niệm Ngài là “Phu Quân”, là nguồn mạch nguyên thuỷ và độc nhất của tình yêu phu thê nhân linh. Chủ nghĩa duy lý cắt nghĩa công trình tạo dựng và ý nghĩa của cuộc sống con người một cách triệt để khác. Thế nhưng, nếu như con người thiếu mất viễn tượng về một Thiên Chúa yêu thương con người và một Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô, mời gọi con người sống trong Ngài và với Ngài, nếu như khả năng tham gia vào “mầu nhiệm lớn lao” không được mở ra cho con người, thử hỏi con người còn lại gì nếu không phải là duy nhất chiều kích nhất thời của cuộc sống? Chỉ còn lại đời sống nhất thời làm lãnh thổ đấu tranh để sinh tồn, để gắng gượng chạy theo lợi nhuận, và trước hết là lợi nhuận kinh tế.

Khởi đầu từ nơi công trình tạo dựng và nơi công trình cứu chuộc, vốn được Đức Kitô Phu Quân làm bảo chứng, “mầu nhiệm lớn lao” cũng là bí tích tình yêu và sự sống hiện đã mất hết những cội rễ sâu xa nhất của mình trong não trạng của con người thời đại. Mầu nhiệm này bị đe doạ trong chúng ta và quanh chúng ta. Ước chi Năm Gia Đình, được cử hành trong Giáo Hội, sẽ trở nên một cơ hội thuận tiện cho các đôi vợ chồng để họ tái khám phá và tái khẳng định mầu nhiệm một cách mạnh mẽ, can đảm và hăng say!

LÀM MẸ CỦA MỐI TÌNH KIỀU DIỄM

  1. Câu chuyện về “mối tình kiều diễm” khởi đầu với biến cố Truyền Tin, với những lời lẽ tuyệt vời mà Sứ Thần đã ngỏ với Đức Maria, người thanh thiếu nữ được kêu gọi làm Mẹ Con Thiên Chúa. Do tiếng thưa “vâng” của Đức Maria, Đấng vốn là “Thiên Chúa sinh bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng sinh bởi Ánh Sáng” nay trở nên Con loài người; Đức Maria là Mẹ Người và dầu vậy vẫn tiếp tục là Trinh Nữ “không hề biết đến người nam” (x. Lc 1,34). Với tư cách là Mẹ và Trinh Nữ, Đức Maria trở thành Mẹ của mối tình kiều diễm. Chân lý này đã được mạc khải do những lời của Tổng Lãnh Sứ Thần Gabrien, thế nhưng ý nghĩa trọn vẹn của chân lý này sẽ được xác quyết và được đào sâu một cách lần hồi trong cuộc nối gót của Đức Maria theo Con của Ngài trên bước đường hành hương đức tín (48).

Người “Mẹ của mối tình kiều diễm” đã được một chàng trai tiếp nhận, người này theo truyền thống Itraen, đã là chồng nàng ở cõi thế, đó là Giuse thuộc dòng tộc Đavit. Đáng ra chàng phải có quyền coi kẻ đính hôn với chàng như là vợ và là mẹ của các con chàng. Thế nhưng, bằng sự đề xướng của chính Ngài, Thiên Chúa can thiệp vào trong giao ước phu thê này: “Này Giuse, Con Đavit, đừng ngần ngại đưa Maria vợ chàng về nhà chàng: bởi vì sự đã thành hình trong dạ nàng là do nơi Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20).  Giuse biết rồi, chính mắt Giuse nhìn thấy rằng Maria đã cưu mang một sự sống mới mà không phải do chàng và vì là người công chính, trung thành với Luật cũ vốn trong trường hợp này buộc phải ly dị, Giuse muốn hủy hôn nhân của chàng một cách nhân ái (x Mt 1,19). Sứ thần cho Giuse biết làm như vậy là không phù hợp với ơn gọi của chàng và thậm chí còn đi ngược lại với tình yêu phu thê vốn nối kết chàng với Maria. Tình yêu phu thê song phương này, để có thể là “mối tình kiều diễm” một cách tròn đầy, đòi buộc Giuse phải tiếp nhận Maria và tiếp nhận Con của nàng về dưới mái nhà chàng ở Nagiaret. Giuse vâng phục sứ điệp thần thiêng và hành động như đã được chỉ thị (x.Mt 1,24 ). Cũng chính nhờ Giuse mà mầu nhiệm Nhập Thể và, cùng với Giuse, mầu nhiệm Thánh Gia đã được ghi khắc một cách sâu đậm vào trong tình yêu lứa đôi giữa người nam và người nữ và, một cách gián tiếp, vào trong hệ tộc của mỗi một gia đình phàm nhân. Điều mà sau này thánh Phaolô gọi là “mầu nhiệm lớn lao” được biểu hiện một cách cao cả nhất ở nơi Thánh Gia. Bằng cách ấy, gia đình thật sự được đặt vào nơi trung tâm của Giao Ước Mới.

Cũng có thể nói được rằng câu chuyện về “mối tình kiều diễm” đã khởi đầu, theo một nghĩa nào đó, với cặp vợ chồng đầu tiên của loài người, với Adam và Eva. Mối cám dỗ mà họ đã thua cuộc và nguyên tội hậu quả của sự thua cuộc ấy đã không tước bỏ hoàn toàn nơi họ khả năng sống “mối tình kiều diễm”. Chúng ta hiểu điều này khi lần giở, chẳng hạn, Sách Tôbia và đọc thấy rằng để diễn tả mối dây liên kết hai người với nhau, hai vợ chồng Tôbia và Sara đã nại tới các tổ phụ mình là Ađam và Eva (x.Tb 8,6). Trong Tân Ước, thánh Phaolô cũng làm chứng về điều này khi nói về Đức Kitô không đến để lên án Ađam thứ nhất và Eva thứ nhất nhưng để cứu chuộc họ: người đến để làm mới lại những gì, nơi con người, là quà tặng của Thiên Chúa, tất cả những gì nơi con người là muôn thủa tốt lành và xinh đẹp, tất cả những gì làm nên cấu trúc nền tảng cho “mối tình kiều diễm”. Lịch sử của “mối tình kiều diễm”, theo một nghĩa nào đó, cũng là lịch sử cứu độ con người.

“Mối tình kiều diễm” luôn luôn bắt nguồn từ cuộc tự động mạc khải của con người. Trong công trình tạo dựng, Eva tự tỏ lộ mình cho Adam, cũng như Adam tự tỏ lộ mình cho Eva. Theo dòng lịch sử, những người vợ trẻ tự tỏ lộ mình cho chồng, các đôi tân hôn nói với nhau: “Chúng ta sẽ cùng nhau bước đi trên lối đường sự sống”. Như thế gia đình khởi đầu với tính cách là mối dây liên kết giữa hai người và, do nơi bi tích, với tính cách là cộng đoàn mới trong Đức Kitô. Để thực sự là diễm lệ, tình yêu phải là một hồng ân Thiên Chúa ban tặng, được Chúa Thánh Thần ghép vào trong tim của những con người và không ngừng được nuôi dưỡng trong họ (x. Rm 5,5). Vốn ý thức rõ rệt về điều ấy, trong lúc cử hành bí tích hôn nhân, Giáo Hội cầu xin Chúa Thánh Thần xuống trong tâm hồn những con người. Để cho “tình yêu diễm lệ” thực sự hiện hữu, nghĩa là trở thành sự trao hiến giữa ngôi vị với ngôi vị, tình yêu phải xuất phát từ chính Đấng là tặng phẩm và nguồn mạch của mọi ơn huệ.

Đó chính là trường hợp của Maria và Giuse trong Tin Mừng: hai người, nơi ngưỡng cửa Tân Ước, đã lại sống kinh nghiệm về “mối tình kiều diễm” được mô tả trong sách Diễm Ca. Giuse suy nghĩ và nói với Maria: “Cô em bé nhỏ của tôi, người tình của tôi” (x. Dc 4,9 ). Maria, Mẹ Thiên Chúa, mang thai bởi Chúa Thánh Thần, Đấng là nguồn xuất phát “mối tình kiều diễm”, một mối tình đã được Tin Mừng sắp xếp một cách tinh vi vào trong bối cảnh “mẫu nhiệm lớn lao”.

Khi chúng ta nói về “tình yêu diễm lệ”, chúng ta cũng vì đó mà nói về vẻ đẹp: vẻ đẹp của tình yêu và vẻ đẹp về con người, vì nhờ Chúa Thánh Thần, con người có đủ khả năng sống một tình yêu như thế. Chúng ta nói về vẻ đẹp của người nam và vẻ đẹp của người nữ, về vẻ đẹp của họ như là anh em chị em với nhau, như là đã đính hôn với nhau, như là vợ chồng, Tin Mừng chẳng những soi sáng mầu nhiệm về “mối tình kiều diễm”, Tin Mừng còn đồng thời soi sáng mầu nhiệm không kém thẳm sâu là mầu nhiệm về “vẻ đẹp”, cũng phát xuất từ Thiên Chúa như tình yêu. Họ từ Thiên Chúa mà đến, người nam và người nữ, những con người được mời gọi trở thành quà tặng cho nhau. Từ quà tặng nguyên thủy của Thần Khí “Đấng ban tặng sự sống” nảy sinh quà tặng lẫn nhau trong thân phận làm chồng hoặc làm vợ, cũng như quà tặng làm anh em hoặc chị em.

Mầu nhiệm Nhập Thể như thể xác quyết tất cả những điều trên đây và mầu nhiệm Nhập Thế, trong lịch sử loài người, đã trở thành nguồn mạch phát sinh một vẻ đẹp mới, đã là nguồn khởi hứng của rất nhiều kiệt tác nghệ thuật. Sau vụ cấm chỉ rõ rệt không được diễn đạt Thiên Chúa vô hình bằng hình ảnh (x. Đnl 4,15-20 ), kỷ nguyên Kitô Giáo ngược lại đã khởi động phong trào dùng nghệ thuật phô diễn Thiên Chúa làm người, phô diễn Đức Maria Mẹ Người và Giuse, phô diễn các thánh thuộc Cựu Ước cũng như thuộc Tân Ước và, cách chung, thuộc toàn thể công trình tạo dựng đã được Đức Kitô cứu chuộc, như thể kỷ nguyên Kitô Giáo khai mào một tương quan mới với lãnh vực văn hóa và nghệ thuật.

Có thể nói rằng bộ luật mới của nghệ thuật, vì chú trọng đến chiều kích thâm sâu của con người và đến tương lai của con người, sẽ bắt đầu với mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô để múc lấy nguồn hứng khởi nơi những mầu nhiệm cuộc đời của Đức Kitô: sự sinh hạ ở Bêlem, đời sống ẩn dật ở Nagiarét, sứ vụ công khai, Gôn-go-tha, sự Phục Sinh, cuộc trở lại trong vinh quang. Giáo Hội ý thức rằng sự hiện diện của Giáo Hội trong thế giới hiện đại và cách riêng sự đóng góp mà Giáo Hôi mang lại để đề cao phẩm giá hôn nhân và gia đình là những sự kiện mật thiết gắn liền với sự phát triển văn hóa: Giáo Hội đang để tâm tới lãnh vực này một cách hợp tình hợp lý. Rõ ràng chính vì lý do này mà Giáo Hội hết mực chú tâm theo dõi những đường hướng của phương tiện truyền thông xã hội, ngành này vốn có trách nhiệm huấn luyện (former) đại chúng chớ không phải chỉ thông tin cho đại chúng (informer ) mà thôi (49). Rất cảnh tỉnh trước tầm ảnh hưởng lớn lao và sâu rộng của những phương tiện này, Giáo Hội không thôi tác động trên những nhà  chuyên môn trong lãnh vực truyền thông để họ đề phòng những mối nguy tráo trở chân lý. Thật vậy, đâu là phần chân lý có thể có được trong phim ảnh, các buổi trình diễn, trong những chương trình truyền thanh và truyền hình với vai trò chủ động của hình ảnh khiêu dâm (pornographie) và của bạo lực ? làm việc ấy thì có phải là phục vụ tốt đẹp cho chân lý về con người hay không ? Đây là một số thắc mắc mà các nhà nghiên cứu chuyên môn về những phương tiện truyền thông cũng như các vị hữu trách khác nhau trong ngành soạn thảo và kinh doanh những sản phẩm của họ không thể nào lẫn tránh.

Nhờ một công việc suy tư mang tính phê bình như thế, nền văn minh của chúng ta, cho dầu có mang lại rất nhiều khía cạnh tích cực trên bình diện vật chất cũng như trên bình diện văn hóa, đáng lẽ phải nhận thức được rằng, dưới nhiều phương diện, mình đúng là một nền văn minh bệnh hoạn dẫn đến rất nhiều thoái hóa nơi con người. Tại sao điều này đã xảy ra ? Lý do nằm ở nơi sự kiện này là xã hội chúng ta đã tự tách mình ra khỏi chân lý toàn vẹn về con người, ra khỏi chân lý về những gì vốn làm cho những người nam và người nữ nên những ngôi vị. Bởi thế, xã hội chúng ta không còn khả năng hiểu được cho chuẩn xác đâu mới thực sự là trao hiến liên vị trong hôn nhân, đâu là tình yêu có trách nhiệm nhằm phục vụ tính cách làm cha làm mẹ, đâu là tầm mức cao cả đích thực của việc truyền sinh và việc giáo dục. Từ đó, chúng ta đâu có quá lời khi quả quyết rằng, nếu không tuân theo những nguyên tắc lành mạnh về luân lý, các phương tiện truyền thông (medias) sẽ không phục vụ cho chân lý trong chiều kích thiết yếu của chân lý? Thảm trạng là như thế này: những phương tiện hiện đại trong ngành truyền thông xã hội phải lụy phục mối cám dỗ uốn nắn sứ điệp sao cho khéo léo, bằng cách làm sai lệch chân lý về con người. Con người không phải là những gì mà ngành quảng cáo rêu rao, cũng không phải là những gì được trình bày trong các phương tiện truyền thông hiện đại. Con người hơn như thế nhiều, xét như là một thể thống nhất tâm-sinh-lý, như là một tập hợp vô cùng khắng khít giữa linh hồn và thể xác, như là một ngôi vị. Con người hơn như thế nhiều bởi vì con người được kêu gọi sống có tình yêu, một tình yêu sẽ đưa con người với tư cách là nam và là nữ vào trong chiều kích của “mầu nhiệm lớn lao ”.

Đức Maria là người đầu tiên đã đạt tới chiều kích này và cũng đã dẫn cả chồng mình là Giuse vào nơi ấy. Do vậy, họ trở thành những mẫu mực đầu tiên cho “mối tình kiều diễm” mà Giáo Hội không ngừng cầu xin ơn trên ban cho giới trẻ. Các vợ chồng và các gia đình cũng thế, cũng không biết mệt mỏi để cầu xin theo cùng một ý hướng! Không thể nào chúng ta không nghĩ tới đông đảo những người hành hương, trẻ có già có, đang chạy đến trong những thánh điện dâng kính Đức Maria và đang gắn chặt ánh mắt vào nơi dung nhan của Mẹ Thiên Chúa, nơi dung nhan của những thành phần Thánh Gia, nơi đó có phản chiếu toàn bộ những vẻ đẹp của tình yêu được Thiên Chúa ban cho con người!

Trong bài Diễn Từ trên núi, Đức Kitô qui chiếu về giới răn thứ sáu và công bố điều này: “Anh em đã nghe điều dạy bảo trước đây rằng: Ngươi chớ ngoại tình. Phần Tôi thì Tôi nói cho anh em hay: Ai nhìn một người nữ để thèm muốn một người nữ thì tự trong lòng đã phạm tội với người ấy rồi” (Mt 5,27-28 ). So với Thập Giới vốn nhằm mục đích bảo vệ tính bền vững của hôn nhân và gia đình, những lời này ghi dấu một bước tiến rất xa lên phía trước. Đức Giêsu phăng ngược lên tận nguồn cội của tội ngoại tình: nguồn cội này nằm ở nơi lòng người và biểu lộ ra bằng một cách nhìn và một cách suy nghĩ với sự chi phối của vật dục (concupiscence). Do vật dục, con người có khuynh hướng biến một hữu thể nhân linh khác thành sở hữu của mình, trong khi hữu thể không là của con người nhưng thuộc về Thiên Chúa. Tuy ngỏ lời với những người đương thời, Đức Kitô cố ý nói cho hết mọi người thuộc mọi thời đại và mọi thế hệ: đặc biệt Người nói cho thế hệ chúng ta, một thế hệ sống dưới cờ hiệu của nền văn minh chạy theo tiêu dùng và hưởng lạc.

Tại sao trong bài Diễn Từ trên núi Đức Kitô đã phát biểu một cách mạnh mẽ và gắt gao đến như thế ?  Không còn cách trả lời nào sáng tỏ hơn: đó là Đức Kitô muốn tạo bảo đảm cho sự thánh thiện của hôn nhân và của gia đình, Người muốn bảo vệ chân lý toàn vẹn về ngôi vị nhân linh và về phẩm giá con người.

Chỉ dưới ánh sáng của chân lý này mà gia đình mới có thể hoàn toàn là sự “mạc khải” lớn lao, là cuộc khám phá đệ nhất về tha nhân: vợ chồng khám phá ra nhau rồi sau đó khám phá ra từng người con, trai hoặc gái, sinh ra do sự kết hợp giữa họ với nhau. Lời cam kết rằng “sẽ mãi mãi chung thủy khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, sẽ yêu nhau và tôn trọng nhau mọi ngày cho đến trọn đời”, chỉ là khả thi trong tầm vóc của “mối tình kiều diễm”. Nếu khởi đi từ những gì chứa đựng trong nền văn hóa quần chúng hiện đại, con người ngày nay không thể nào thực tập được tình yêu như vừa đề cập. Trên tất cả, chỉ có thể luyện tập sống “mối tình kiều diễm” bằng cách cầu nguyện. Thật vậy, nói theo kiểu thánh Phaolô, cầu nguyện luôn luôn gồm có một sự vùi lấp nào đó ở bên trong, với Đức Kitô, trong Thiên Chúa: “Đời sống của anh em từ nay đã được ẩn dấu với Đức Kitô, trong Thiên Chúa” (Cl 3,3). Chỉ trong một cuộc vùi lấp như thế thì Chúa Thánh Thần, nguồn mạch của “mối tình kiều diễm”, mới hành động. Chúa Thành Thần tuôn đổ tình yêu ấy chẳng những trong lòng Maria và Giuse nhưng  còn trong lòng của những vợ chồng sẵn sàng lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa (x.Lc 8,15). Tương lai của bất cứ tổ ấm gia đình nào cũng tùy thuộc vào “mối tình kiều diễm” ấy, tình yêu hỗ tương giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái, tình yêu giữa hết mọi thế hệ, tình yêu là nguồn là cội .

CUỘC SINH HẠ VÀ CƠN HIỂM NGUY

  1. Trình thuật ngắn gọn về thời thơ ấu của Đức Giêsu, một cách dạt dào ý nghĩa, kể lại cho chúng ta hầu như cùng một lúc cuộc sinh hạ của Người và cơn hiểm nguy mà Người phải tức khắc đối đầu. Thánh Luca thuật lại những lời tuyên sấm cất lên từ miệng cụ già Simêon khi Hài Nhi Giêsu được dâng cho Chúa trong đền thờ, bốn mươi ngày sau khi sinh. Thánh Luca nói tới “ánh sáng”, tới “điểm mâu thuẫn”; rồi cụ nói với Đức Maria lời tuyên báo này: “Phần chị, một lưỡi gươm sẽ đâm thủng tâm hồn chị” (x. Lc 2, 32-35). Matthêu, ngược lại, nấn ná hơi lâu nơi cạm bẫy mà Hêrôđê đã gài ra cho Đức Giêsu: được thông tri do các đạo sĩ từ phương Đông đến để chiêm ngắm vị vua mới chắc hẳn vừa hạ sinh (x. Mt 2, 2). Hêrôđê đã cảm thấy quyền bính mình bị đe doạ và, sau khi các đạo sĩ ra đi, ông truyền lệnh giết tất cả các trẻ nhỏ dưới hai tuổi tại Bêlem và nơi những vùng phụ cận, Đức Giêsu thoát khỏi tay Hêrôđê nhờ một sự can thiệp thần thiêng đặc biệt và nhờ niềm ân cần phụ tử của Giuse; Giuse mang con trẻ và Mẹ Người sang Ai Cập và ở lại đó cho đến khi Hêrôđê lìa đời. Sau đó họ trở về Nagiaret là thành phố sinh trưởng của họ, ở đó Thánh Gia bắt đầu một giai đoạn sống ẩn dật lâu dài, dệt bằng sự thi hành đều đặn những bổn phận thường nhật một cách trung thành và quảng đại (x. Mt 2, 1-23; Lc 2, 39-53).
               Ngay sau khi sinh hạ, Đức Giêsu đã phải đương đầu với những đe doạ như một lời tuyên sấm hùng hồn. Mới chỉ là Hài Nhi thì Người đã là “điểm mâu thuẫn” rồi. Có một dấu chỉ khác cũng không kém hùng hồn về tính chất tuyên sấm, đó là thảm trạng của những trẻ nhỏ vô tội ở Bêlem, bị giết hại theo lệnh của Hêrôđê và, theo phụng vụ xưa kia của Giáo Hội, được trở thành những người thông dự vào cuộc hạ sinh và khổ nạn cứu chuộc của Đức Kitô (50). Qua cuộc “khổ nạn” các em phải chịu, những trẻ nhỏ này hoàn tất “những gì còn thiếu nơi những khổ đau Đức Kitô đã gánh lấy, vì thân thể Người là Giáo Hội” (Cl 1,24).

            Trong Tin Mừng về thời thơ ấu, công cuộc loan báo về sự sống, vừa mới được thực hiện một cách kỳ diệu trong biến cố sinh nhật của Đấng Cứu Chuộc thì lập tức phải đối đầu với mối hiểm hoạ đối chọi sự sống, sự sống vốn chứa đựng một cách toàn vẹn mầu nhiệm Nhập Thể và thực tại thần nhân của Đức Kitô, Ngôi Lời đã hoá nên xác phàm (x. Ga 1,14), Thiên Chúa đã làm người. Các Giáo Phụ thường gợi nhắc mầu nhiệm siêu tuyệt này: “Thiên Chúa đã làm người, để cho chúng ta được trở thành những thần minh” (51). Chân lý đức tin này cũng đồng thời là chân lý về hữu thể nhân linh. Chân lý này nêu rõ mức độ trầm trọng của bất cứ mưu toan hãm hại nào nhằm chống lại sự sống của đứa bé trong dạ mẹ. Ở đây rõ ràng chúng ta đang gặp những bước đi đối nghịch hoàn toàn (antipodes) với “mối tình kiều diễm”. Vì thế, nếu chỉ chạy theo lạc thú mà thôi người ta sẽ đi đến chỗ giết chết tình yêu, giết chết hoa trái của tình yêu. Đối với nền văn hoá chủ trương lạc thú, “hoa trái được chúc phúc trong dạ nàng” (Lc 1,42) một cách nào đó lại trở thành “hoa trái bị chúc dữ”.

            Về vấn đề này, làm sao chúng ta có thể làm thinh, không nhắc lại những xử trí lệch lạc mà, trong nhiều quốc gia, cái gọi là Nhà Nước nắm quyền (I’Etat de droit) đang mắc phải?

Trong những gì liên hệ đến sự sống, luật Thiên Chúa không mơ hồ nhưng dứt khoát. Thiên Chúa truyền dạy: “ngươi chớ giết người” (Xh 20,13). Bởi đó không một nhà lập pháp phàm nhân nào lại có thể quả quyết: bạn được phép giết, bạn có quyền giết, bạn nên giết mới phải. Đáng tiếc thay, trong lịch sử thời đại chúng ta, điều này xảy ra sau khi một số lực lượng chính trị lên nắm quyền bính, cho dầu dưới dạng dân chủ: những lực lượng này đã thiết lập những điều luật trái ngược quyền lợi của mỗi một người đối với sự sống, nhân danh những nguyên cớ vừa mạo nhận vừa lừa lọc như thăng tiến giống nòi, dân số hay những nguyên cớ khác. Có một hiện tượng khác không kém nghiêm trọng, nhất là bởi vì đã tạo được một sự đồng tình rộng rãi hay một sự chấp thuận về phía dư luận quần chúng: đó là hiện tượng về những điều khoản hiến pháp không tôn trọng quyền sống ngay khi mới thụ thai. Làm sao mà về phương diện luân lý lại có thể chấp nhận được những điều luật cho phép giết người khi mà con người ấy dầu chưa sinh hạ nhưng đã sống trong dạ mẹ? Như thế quyền sống trở thành đặc quyền chỉ dành riêng cho người lớn để rồi những người lớn cứ mặc sức vận dụng những diễn đàn quốc hội mà đưa đẩy những dự phóng của mình đến cùng và đeo đuổi những lợi ích bản thân của mình.

            Chúng ta đang đối đầu với một hiếm hoạ vĩ đại đối chọi lại sự sống, chẳng những của các cá nhân, nhưng còn của cả toàn bộ nền văn minh. Nền văn minh này, do một số khía cạnh, đã trở thành một “nền văn minh gieo rắc sự chết”: đây là lời khẳng định ngày càng được củng cố và rất đáng phải để tâm. Như vậy, cuộc sinh hạ của Đức Kitô đi liền với mối đe doạ bị tước đoạt mạng sống phải chăng là một biến cố mang chiều kích tuyên sấm? Đúng thế, ngay cả sự sống của Đấng vừa làm Con Thiên Chúa vừa làm Con loài người cũng đã bị đe doạ; sự sống ấy đã gặp hiểm nguy ngay từ buổi đầu và đã chỉ thoát khỏi cái chết nhờ phép lạ.

            Dầu vậy, trong những thập niên vừa qua, người ta ghi nhận một vài triệu chứng phấn khích cho thấy có sự thức tỉnh nơi các lương tâm; điều này được xét thấy chẳng những trong địa hạt tư tưởng mà cả trong dư luận quần chúng. Người ta đọc thấy có một ý thức mới đang trên đà phát triển nhằm tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai, nhất là nơi những người trẻ: những phong trào bênh vực sự sống (pro life) ngày càng lan rộng. Đây chính là nắm men hy vọng cho tương lai của gia đình và của toàn thể nhân loại.

“…ANH EM ĐÃ TIẾP RƯỚC THẦY”

22.​       Hỡi các vợ chồng và các gia đình trên khắp thế giới. Đức Phu Quân đang ở với anh chị em! Đó là điều đầu tiên mà Vị Giáo Hoàng của anh chị em muốn nói lên trong năm mà Liên Hiệp Quốc và Giáo Hội dành cho gia đình này. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã tặng ban Con Một Ngài, để cho bất cứ ai tin nơi Ngài thì không bị diệt vong nhưng có được sự sống vĩnh cửu. Bởi lẽ Thiên Chúa đã không sai gửi Con Ngài đến thế gian để xét xử thế gian, nhưng để cho thế gian nhờ Người mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17): “sự gì sinh bởi Thần Khí thì là Thần Khí… Anh em phải từ trên mà sinh ra” (Ga 3, 67). Anh em phải “sinh bởi nước và Thánh Thần” (Ga 3.5). Hẳn chính anh chị em, hởi những bậc làm cha làm mẹ yêu dấu, là những chứng nhân đệ nhất và là những thừa tác viên đệ nhất của cuộc tái sinh bởi Thánh Thần. Hỡi anh chị em là những người sinh sản con cái cho quê hương trần thế, anh chị em đừng quên rằng anh chị em cũng đồng thời sản sinh chúng cho Thiên Chúa. Thiên Chúa mong ước con cái anh chị em sinh ra bởi Chúa Thánh Thần: Ngài muốn chúng được nên những dưỡng tử của Ngài trong Con Một, Đấng ban cho chúng ta “quyền trở thành con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Công trình cứu độ tiếp diễn trong thế giới và được thể hiện nhờ Giáo Hội. Tất cả mọi điều ấy đều là thành quả của Con Thiên Chúa, của Đức Phu Quân thần thiêng, Đấng đã chuyển trao Vương Quyền của Cha cho chúng ta và nhắc nhở với chúng ta là môn đệ của Người rằng: “Nước Thiên Chúa đang ở giữa anh em” (Lc 17,21).

​            Đức tin của chúng ta nói với chúng ta rằng Đức Giêsu Kitô, Đấng “ngự bên hữu Chúa Cha”, sẽ đến xét xử kẻ sống và người chết. Đằng khác, Thánh Gioan tác giả Tin Mừng trấn an chúng ta rằng Người đã được sai đến thế gian “không phải để xét xử thế gian nhưng để thế gian nhờ Người mà được cứu độ” (Ga 3,17). Như thế, cuộc phán xét hệ tại chỗ nào? Đức Kitô đích thân đưa ra câu trả lời: “ Phán xét là như thế này: ánh sáng đã đến trong thế gian…Người nào thực thi chân lý thì đến với ánh sáng để cho mọi người có thể nhận ra tỏ tường rằng những công việc của họ đã hoàn thành trong Thiên Chúa” (Ga 3,19,21). Đó chính là điều đã được nhắc nhở gần đây trong Thông Điệp Veritatis splendor (52). Như vậy Đức Kitô làm quan án xét xử sao? Chính những hành vi bạn sẽ xét xử họ với tư cách là cha là mẹ, là con trai là con gái. Mỗi một người trong chúng ta sẽ được xét xử khởi từ những giới răn, kể cả những giới răn mà chúng ta nhắc nhở trong Thư nầy : giới răn thứ tư, thứ năm, thứ sáu và thứ chin. Thế nhưng trên hết mỗi người sẽ được xét xử về tình yêu vốn mang lại ý nghĩa cho các giới răn và vốn là tổng luận của các giới răn. Thánh Gioan Thánh Giá đã viết: “khi cuộc đời xế bóng, chúng ta sẽ được xét xử về tình yêu” (53). Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc và Đức Phu Quân của nhân loại, “đã sinh ra và đã đến trong thế gian là chỉ để là chứng cho chân lý. Kẻ nào đứng về phía chân lý thì lắng nghe tiếng Người” (x. Ga 18,37 ). Chính Người sẽ là quan án, nhưng với cách thức mà Người đã tự mình nêu dẫn khi nói về cuộc phán xử cuối cùng (x. Mt 25,31-36 ). Cuộc phán xử của Người sẽ là phán xử về tình yêu, một cuộc phán xử sẽ củng cố một cách vĩnh viễn cho chân lý này là Đức Phu Quân đã ở với chúng ta dẫu có thể chúng ta đã không hay biết.

​            Vị quan án chính là Đức Phu Quân của Giáo Hội và của nhân loại. Chính vì thế Người xét xử với những lời này: “Hãy đến đây, hởi những người đã được Cha Thầy chúc phúc…, bởi vì Thầy đói anh em đã cho Thầy ăn, Thầy khát anh em đã cho Thầy uống, Thầy là khách lạ anh em đã tiếp rước Thầy. Thầy trần truồng anh em đã cho quần áo mặc” (Mt 25,34- 36). Bản liệt kê này hẳn nhiên còn có thể nối dài thêm nữa và chúng ta có thể nhận ra ở đó một con số vô tận những vấn đề liên quan cả đến đời sống vợ chồng và gia đình. Chẳng hạn chúng ta có thể tìm gặp ở đó những kiểu nói đại loại như sau: “Thầy chỉ mới là đứa bé chưa hạ sinh thì anh em đã đón nhận Thầy, cho Thầy được chào đời; Thầy là em nhỏ bị bỏ rơi anh em đã cho Thầy nhập vào gia đình anh em; Thầy là em bé mồ côi anh em đã nhận Thầy và nuôi nấng Thầy như là con của anh em”. Và còn nữa: “ Có những bà mẹ phải do dự và nhận chịu những áp lực không phù hợp cũng  như không đúng lúc, anh em đã giúp cho họ biết chấp nhận con họ đang trong bào thai và hạ sinh con vào đời; anh em đã giúp đỡ những gia đình đông con, những gia đình gặp khó khăn, trong việc giữ gìn và nuôi nấng con cái mà Thiên Chúa đã ban tặng cho họ”. Chúng ta có thể cứ tiếp tục như thế, với một bản liệt kê dài và đa dạng gồm đủ mọi thứ điều thiện luân lý và nhân linh thật sự, trong đó tình yêu được biểu lộ. Ấy là mùa gặt lớn nhất mà Đấng Cứu Chuộc thế giới, Đấng mà Chúa Cha đã giao quyền xét xử, sẽ đến để gặt hái: mùa gặt ân lộc và thành quả tốt đẹp, đã ươm mầm và được sinh ra của Đấng Phu Quân trong Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng hoạt động trong thế giới và trong Giáo Hội. Chúng ta hãy vì thế mà tạ ơn Đấng là Tác Giả của mọi điều thiện.

​            Tuy nhiên chúng ta cũng phải biết rằng trong lời phán quết tối hậu mà Thánh Mát-thêu tác giả Tin Mừng thuật lại, còn  có một bản liệt kê khác, nghiêm trọng và đáng sợ: “Hãy xa khỏi Thầy…, bởi vì Thầy đói mà anh em đã không cho Thầy ăn, Thầy khát mà anh em đã không cho Thầy uống, Thầy là khách lạ mà anh em đã không tiếp rước Thầy, Thây trần truồng mà anh em đã không cho quần áo mặc” (Mt 25,41-43). Và trong bản liệt kê này cũng vậy, có lẽ cũng gặp thấy ở đó những hành vi ứng xử khác mà cả trong đó Đức Giêsu cũng luôn bị coi như là con người bị khinh miệt. Thế đấy, Người tự động hoá với người vợ hay người chồng bị ruông rẫy, với đứa con đã là bảo thai mà bị từ chối: “anh em đã không tiếp rước Thầy!” Cuộc phân xử này cũng vậy, cũng đang đếm bước trên nẻo đường lịch sử các gia đình chúng ta: đang đếm bước trên nẻo đường của những dân tộc và của nhân loại. Lời quở trách “anh em đã không tiếp rước Thầy” của Đức Kitô cũng liên quan đến các định chế xã hội, các chính quyền và các tổ chức quốc tế.

​            Pascal đã viết rằng “Đức Giêsu sẽ phải hấp hối cho đến tận thế” (54). Cơn hấp hối ở Giêt-sê-ma-ni và cơn hấp hối ở Golgotha là đỉnh cao tột bực của cuộc biểu hiện tình yêu. Trong cả hai trường hợp điều được tỏ hiện là Đức Phu Quân, Đấng ở với chúng ta, Đấng ngày càng yêu chúng ta một cách mới mẻ, Đấng “yêu cho đến cùng” (x. Ga 13,1). Tình yêu vốn ở trong Người và vốn đi từ Người cho đến tận những biên giới của các lịch sử cá nhân hoặc gia đình là tình yêu vượt lên trên những biên giới của lịch sử nhân loại.

​            Anh chị em thân mến, vào chặng cuối của những suy tư này, khi nghĩ tới tất cả những gì sẽ được công bố trong Năm Gia Đình từ khắp các diễn đàn, Tôi muốn cùng anh chị em hâm nóng lại lời tuyên xưng mà Phêrô đã ngỏ với Đức Kitô: Lạy Chúa, Lời Chúa sẽ không bao giờ trôi qua (x Mc 13,31 )! Một vị Giáo Hoàng có thể cầu chúc gì cho anh chị em đây khi kết thúc cuộc suy niệm lâu dài về Năm Gia Đình này? Xin cầu chúc anh chị em tất cả tìm gặp được chính mình trong các lời cưu mang “thần khi và sự sống” ấy (x. Ga 6,63 ).

“ĐỂ CON NGƯỜI NỘI TÂM

ĐƯỢC NÊN MẠNH MẼ TRONG ANH EM”

  1. Tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha Đấng là nguồn mạch của mọi tước vị làm cha làm mẹ: “Nguyện xin Người đoái thương…trang bị anh em bằng quyền năng của Thần Khí Người để con người nội tâm được nên mạnh mẽ trong anh em” (Ep 3,16). Tôi rất vui lòng trở lại với những lời này của Thánh Tông Đồ mà tôi đã trưng dẫn trong phần đầu Bức Thư. Những lời này, theo một nghĩa nào đó, là những lời mấu chốt. Gia đình và tước vị làm cha làm mẹ đều song hành với nhau. Đồng thời, gia đình là môi trường nhân linh đầu tiên trong đó hình thành “con người nội tâm” mà Thánh Tông Đồ đề cập. Việc củng cố sức mạnh cho con người nội tâm thì do nơi ân huệ của Chúa Cha và của Chúa Con trong Chúa Thánh Thần.

Năm Gia Đình đặt ra trước mặt chúng ta và trong Giáo hội một trách vụ bao la, cũng tương tự như trách vụ gắn liền với gia đình hàng năm và hàng ngày nhưng, trong bối cảnh của Năm nay, còn mang thêm một ý nghĩa và một tầm quan trọng đặc biệt. Chúng tôi đã khai mạc Năm Gia Đình ở Na-gia-rét, vào ngày đại lễ Thánh Gia; suốt cả Năm nay, chúng tôi mong ước thực hiện một chuyến hành hương đến tận nơi ân phúc ấy là nơi đã trở thành đền thờ Thánh Gia trong lịch sử nhân loại. Chúng tôi mong ước thực hiện chuyến hành hương này trong khi tìm lại ý thức về di sản chân lý liên quan tới gia đình, là di sản, ngay từ buổi đầu, đã làm thành một trong những kho tàng của Giáo Hội. Đó là kho tàng được góp nhặt từ truyền thống phong phú của Cựu Ước và được diễn đạt một cách  viên mãn và một cách ám dụ trong mầu nhiệm Thánh Gia, nhờ gia đình thánh này mà Đấng Phu Quân thần thiêng thực thi công trình cứu chuộc cho tất cả mọi gia đình. Chính khởi đi từ đó mà Đức Giêsu công bố “tin mừng về gia đình”. Mọi thế hệ môn đồ của Đức Ki-tô  đều kín múc nơi kho tàng chân lý này, mở đầu là các Tông Đồ mà nền giáo huấn đã được chúng ta sử dụng rộng rãi trong Thư này.

            Vào thời chúng ta, kho tàng này đã được khai thác triệt để trong các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II (55); có những phân tích lý thú cũng đã được khai triển trong nhiều bài diễn văn mà Đức Piô XII dành cho các vợ chồng (56), trong thông điệp Humanae vitae của Đức Phao-lô VI, trong những bài tham luận vào dịp Thượng Hội Đồng Giám Mục dành cho gia đình (1980) và trong Tông Huấn Familiaris consortio. Sở dĩ Tôi nhắc lại ở đây, đó là để nhấn mạnh tầm mức rộng lớn và phong phú của kho tàng chân lý Kitô giáo về gia đình. Dầu sao, chỉ chứng từ thành văn mà thôi thì chưa đủ. Những chứng từ sống động còn quan trọng hơn nhiều. Đức Phao-lô VI giúp ghi nhận rằng “con người đương thời ưa nghe những chứng nhân hơn là những bậc thầy, hoặc giả nếu họ nghe các bậc thầy, đó là bởi vì các vị này là những chứng nhân” (57). Trên tất cả, kho tàng gia đình trong Giáo Hội được giao phó cho các chứng nhân, cho những người làm cha làm mẹ, làm con trai con gái, những con người này nhờ gia đình của mình đã tìm gặp nẻo đường ơn gọi nhân linh và Ki-tô hữu, đã tìm gặp chiều kích của “con người nội tâm” (Ep 3, 16) mà Thánh Tông Đồ đề cập, nhờ đó đã đạt tới tầm mức thánh thiện. Thánh Gia là gia đình đầu tiên trong số rất nhiều những gia đình thánh thiện khác. Công Đồng đã nhắc nhở rằng sự thánh thiện là ơn gọi phổ quát của những người đã lãnh nhận bí tích rửa tội (58). Thời đại chúng ta cũng như trong quá khứ, không thiếu những những chứng nhân cho “Tin Mừng về gia đình”, cho dầu họ không được biết đến hoặc không được Giáo Hội chính thức tôn phong. Năm Gia Đình là một cơ hội thuận tiện để ý thức rõ rệt hơn về sự hiện hữu của họ và về con số đông đảo của họ.

            Chính nhờ gia đình mà lịch sử của con người và lịch sử cứu độ của nhân loại được trải dài và lan rộng. Qua những trang thư này, Tôi đã tìm cách chứng minh rằng gia đình đang ở vào nơi trung tâm điểm của cuộc đối đầu hệ trọng giữa thiện và dữ, giữa sự sống và sự chết, giữa tình yêu và những gì đối chọi lại tình yêu. Chính gia đình đã được ký thác trách vụ để trước tiên đấu tranh nhằm giải thoát những lực lượng của sự thiện mà nguồn mạch nằm ở nơi Đức Ki-tô Đấng Cứu Chuộc con người. Cần phải làm sao để cho mỗi một tổ ấm biến những lực lượng ấy thành của riêng mình ngõ hầu, theo kiểu nói được dùng nhân dịp mừng thiên niên kỷ Ki-tô giáo ở Ba Lan, gia đình được “nên vững mạnh nhờ sức mạnh của Thiên Chúa” (“forte de Dieu”) (59). Ấy chính là lý do tại sao Bức Thư này đã có ý vay mượn cảm hứng từ nơi những lời khuyên nhủ của các Tông Đồ mà chúng tôi tìm gặp trong các văn bản của Thánh Phao-lô (x. 1Cr 7, 1-40; Ep 5, 21-6,9; Cl 3,25), và trong các thư của thánh Phê-rô và thánh Gioan (x. 1Pr 3,1-7; Ga 2,12-17). Cho dầu có sự khác biệt về bối cảnh lịch sử và văn hoá, giữa tình huống của các Kitô hữu và các gia đình vào thời ấy với tình huống ngày nay những tương đồng thật không thể chối cãi!

            Bởi đó Tôi gióng tiếng kêu mời anh chị em; một lời kêu mời mà Tôi đặc biệt ngỏ với anh chị em, hỡi những người làm chồng và làm vợ quý mến, hỡi những người làm cha làm mẹ, làm con trai con gái thân thương. Đây là một lời kêu mời gởi đến tất cả các Giáo Hội đặc thù, để cho các Giáo Hội đặc thù vẫn mãi hiệp nhất trong nền giáo huấn của chân lý tông truyền; xin gởi đến các chư huynh của Tôi trong hàng giám mục, các linh mục, các gia đình dòng tu và những người tận hiến, những phong trào và hiệp hội tín hữu giáo dân; xin gởi đến các anh em mà tôi được nối kết làm một nhờ cùng một đức tin vào Chúa Giêsu Ki-tô, cho dầu chúng tôi chưa tiến tới chỗ cảm nghiệm được mối hiệp thông trọn vẹn như Đấng Cứu Độ mong ước (60); xin gởi đến tất cả những người cùng chia sẻ niềm vui của Abraham và, cũng như chúng tôi, đang thuộc về cộng đoàn đông đảo gồm những con người tin vào một Thiên Chúa duy nhất (61); xun gởi đến những ai đang thừa kế những truyền thống linhh đạo và tu đức khác với chúng tôi; xin gởi đến mọi người nam và nữ thành tâm thiện chí.

            Nguyện xin Đức Ki-tô, Đấng “hôm qua, hôm nay và mãi mãi” vẫn là một (Dt 13,8) ở với chúng ta trong khi chúng ta quỳ gối trước mặt Chúa Cha là nguồn mạch phát xuất mọi tước vị làm cha làm mẹ và mọi gia đình nhân linh (x. Ep 3,14-15). Và, với chính những lời cầu nguyện mà Người ngỏ với Chúa Cha và Người đã dạy cho chúng ta, nguyện xin Người một lần nữa tặng ban cho chúng ta chứng từ tình yêu đã thúc đẩy Người đến chỗ “yêu cho đến cùng” (Ga 13,1).

            Với uy lực phát xuất từ chân lý của Người, Tôi ngỏ lời với con người thời đại để con người thời đại hiểu được tầm vóc cao cả của những sự thiện là hôn nhân, gia đình và sự sống; Tôi cũng mong ước con người thời đại hiểu được mối nguy lớn lao gây nên bởi thái độ từ chối tôn trọng những thực tại vừa nêu và bởi tình trạng thiếu quan tâm đối với những giá trị tột cùng vốn tạo nền tảng cho gia đình và cho phẩm giá của hữu thể nhân linh.

Nguyện xin Chúa Giêsu lại dạy bảo chúng ta thêm nữa về tất cả những điều ấy với quyền năng và sự khôn ngoan của Thập Giá, để cho nhân loại đừng thua cuộc trước mối cám dỗ của “cha tổ dối trá” (Ga 8,44) vốn không ngừng thúc giục nhân loại bước theo những nẻo đường rộng rãi và thênh thang, xem ra dễ dàng và thích thú, nhưng kỳ thực lại chứa đầy những cạm bẫy và hiểm nguy! Nguyện xin cho chúng ta được ơn luôn mãi nối bước theo Đấng là “Đường, Chân Lý và Sự Sống” (Ga 14,6)!

            Anh chị em thân mến, trong năm dạt dào ân phúc thần thiêng đặc biệt này, trách vụ của các gia đình Ki-tô giáo và mối bận tâm truyền giáo của Giáo Hội là như thế đó. Ước chi Thánh Gia, ảnh tượng và mẫu mực của mọi gia đình phàm nhân, hằng giúp đỡ mỗi người cất bước tiến tới trong tinh thần Nagiaret; ước chi Thánh Gia giúp đỡ từng gia đình một biết khơi sâu sứ mệnh  của mình trong xã hội và trong Giáo Hội bằng cách lắng nghe Lời Chúa, bằng cách cầu nguyện và chia sẻ cuộc sống trong tình huynh đệ! Nguyện xin Đức Maria, Mẹ của mối tình kiều diễm và nguyện xin thánh Giuse, Vị Bảo Vệ của Đấng Cứu Chuộc, luôn sát cánh với tất cả mọi người bằng sự che chở không ngơi của Ngài!

            Với những tâm tình trên đây, Tôi chúc lành cho từng gia đình một nhân danh Ba Ngôi Cực Thánh, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

            Ban hành tại Rôma, gần đền thờ Phê-rô, ngày 2 tháng 2 năm 1994, nhân dịp lễ Dâng Chúa trong Đền Thờ, vào năm thứ mười sáu trong chức vụ Giáo Hoàng của Tôi.

 

Joannes Paulus pp. II

—————————————

CHÚ THÍCH

(1) Tđ Redemptor hominis (4-3-979) số 14: AAS 71 (1979), tr. 284-285.

(2) Cđ Vat II, Hiến Chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et spes, MV, số 1.

(3) Nt, 23

(4) Nt

(5) Nt

(6) Hiến Chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et spes, MV, phần II, chương I.

(7)

(8) Rituale Romanum, Ordo celebrandi matrimonium, số 74, bản mẫu ấn hành lần thứ hai, 1991, tr. 6.

(9) Tông Huấn Familiaris consortio (22-11-1981), số 78-84: AAS 74 (1982), tr. 180-186.

(10) Rituale Romanum, Ordo celebrandi matrimonium, số 74, ấn hành như đã dẫn, tr. 26.

(11) Hiến chế mục vụ về Giái Hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et spes, MV, số 48.

(12) Tông Huấn Familiaris consortio (22-11-1981), số 69: AAS 74 (1982), tr.165.

(13) Hiến Chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et spes, MV, số 24.

(14) Rituale Romanum, Ordo celebrandi matrimonium, số 60, ấn hành như đã dẫn, tr. 17.

(15) Tông Huấn Familiaris consortio (22-11-1981), số 28; AAS 74 (1982), tr. 114.

(16) Piô XII, Tđ Humanl generis (12-6-1995): AAS 42 (1950), tr 574.

(17) Hiến chế mục vụ về Giái Hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et spes, MV, số 24.

(18) Nt

(19) Nt

(20) Confessions, I, 1; CCL, 27, 1

(21) Cđ Vat II, Hiến Chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et spes, MV, số 50.

(22) Rituale Romanum, Ordo celebrandi matrimonium, số 6, ấn hành như đã dẫn, tr. 17.

(23) Nt, số 61, ấn hành như đã dẫn, tr. 17.

(24) Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận thần học, I, p.5, a.4, ad2.

(25) Hiến Chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et spes, MV, số 24

(26) Tđ Sollicitudo rei socialis (30-12-1987), số 25: AAS 80 (1988), tr. 543-544.

(27) Tđ Redemptor hominis (4-3-1979), số 14: AS 71 (1979 thế giới ngày nay, Gaudium et spes, MV, số 71.

(33) bài giảng nhân cử hành nghi lễ bế mạc Năm Thánh (25-12-1975); AAS 68 (1976), tr.145.

(34) Hiến chế mục vụ về Giái Hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et spes, MV, số 22.

(35) nt, số 47.

(36) Tổng Luận thần học, I, p.5, a.4, ad2.

(37) Nt, I-II, q.22.

(38) Cđ Vat II. Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, Lumen gentium, GH, số 11, 40-41.

(39) Rituale Romanum, Ordo celebrandi matrimonium, số 6, ấn hành như đã dẫn, tr. 17.

(40) Bộ Giáo Luật, khoản 1055, triệt 1; sách Giáo Lý của Giáo Hội công giáo, số 1601.

(41) Hiến Chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et spes, MV, số 74

(42) Tđ Centesimus annus (01-5-1991), số 57: AAS 83 (1991), tr. 862 – 863.

(43) Tđ Laborem exercens (14-9-1981), số 10: AAS 73 (1981) tr. 625-629.

(44) Thánh Irênêô, Adversus haereses III, 10,2: PG Incarnatione Verbi, số 54; PG 25, 1991-1992; Thánh Augustinô, Sermon 185,3: PL 38,999; Sermon 194, 3, 3; PL 3, 1016.

(45) Cđ Vat II, Hiến Chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et spes, MV, số 24.

(46) “Corpore et anima unus” theo kiểu nói hứng khỏi của Công Đồng: nt, số 14.

(47) Nt, số 22.

(48) Cđ Vat II. Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, Lumen gentium, GH, số 11, 56-59.

(49) Ủy ban Giáo Hoàng về Truyền Thông xã hội, Huấn thị mục vụ Aetatis novae (22-2-1992), số 7.

(50) Trong phụng vụ ngày lễ kính các Thánh anh Hài, bắt nguồn từ thế kỷ V, Giáo Hội ngỏ với các Thánh Anh Hài những lời lẽ của nhà thơ Pruđenxiô (quãng 405), nhà thơ này ca ngợi các thánh vô tội là “những bông hoa tử đạo mà ngay từ khi cuộc đời mới chớm nở lúc ban mai kẻ bách hại Đức Kitô đã cắt lìa khỏi cành, tựa như cơn lốc cuốn trôi mất những bông hồng chưa hé nụ”.

(51) Thánh Athanaxiô, De Incarnationne Verbi, số 54: PG 25, 191 – 192.

(52) Veritatis splendor (6-8-1993), số 84).

(53) Ngọn lửa tình yêu nồng thắm (La vive Flamme d’amour).

(54) Pascal. Pensées, số 553 (éd. Br).

(55) x. cách riêng Hiến Chế mục vụ Gaudium et spes, MV, 47-52.

(56) Cần phải dành một sự chú ý đặc biệt vào Bài Diễn Văn dành cho các tham dự viên Hội Nghị Đoàn Kết Công Giáo Ý về Obstéttrique (29-10-1951) trong Discorsi e Radiomessaggi, XIII, tr. 333-353.

(57) Diễn văn ngỏ với các thành viên thuộc “Ủy ban Giáo Dân” (2-10-1974) : AAS 66 (1974), tr. 568.

(58) Cđ Vat II. Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, Lumen gentium, GH, số 40

(59) Hồng Y Stefan Wysxynski, Rodzina Bogiem silna, Bài giảng tại Jasna Góra. 26-8-1961.

(60) Cđ Vat II. Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, Lumen gentium, GH, số 15.

(61) nt, số 16.

 

MẪU GƯƠNG NA-DA-RET

Na-da-rét là trường học để ta khởi sự tìm hiểu về cuộc đời Chúa Giêsu. Đó là trường học về Tin Mừng. Nơi đây, trước tiên ta học quan sát, lắng nghe, suy niệm và thấu triệt ý nghĩa vừa sâu xa, vừa huyền diệu của việc Con Thiên Chúa tỏ hiện một cách đơn sơ, khiêm tốn và dễ thương. Âm thầm ta còn học  để bắt chước Chúa dần dần nữa. Nơi đây ta học được chính phương pháp làm cho ta hiểu Chúa Ki-tô là Đấng nào. Nơi đây ta khám phá ra sự cần thiết phải quan sát khung cảnh Chúa đã cư ngụ ở giữa chúng ta: nơi chốn, thời gian, phong tục, ngôn ngữ, lề thói, tôn giáo, là tất cả những gì Chúa Giêsu đã dùng để tự mạc khải mình ra cho thế gian. Nơi đây, mọi sự đều nói lên, đều có ý nghĩa. Nơi đây, trong trường học này, ta hiểu được cần phải  có một kỷ luật thiêng liêng nếu ta muốn theo giáo huấn của Tin Mừng và muốn trở nên môn đệ của Đức Ki-tô . Ôi, thật tôi muốn trở lại làm con trẻ để đến học nơi ngôi trường Na-da-rét khiêm nhu nhưng cao cả này! Thật tôi ước muốn được ở gần bên Đức Maria để học lại khoa học đích thực về đời sống và hiểu biết các chân lý cao cả của Chúa!

 

….Một vài bài học vắn tắt của Na-da-rét:

Bài học về thinh lặng:

Chớ gì trong chúng ta lại tái phát lòng mến mộ sự trầm lặng. Đó là điều kiện tuyệt vời và cần thiết cho tâm hồn, đang lúc chúng ta phải sống giữa bao tiếng ồn ào, náo động và kêu gào trong cuộc sống hiện đại ầm ĩ quá kích động này. Ôi sự trầm lặng của Nadaret, xin dạy cho chúng tôi biết lắng lòng lại, biết sống nội tâm, sẵn sàng nghe những gợi hứng tốt lành, những lời lẽ của các bậc thầy đích thực. Xin dạy cho chúng tôi biết sự cần thiết và giá trị của các công việc chuẩn bị, nghiên cứu và suy niệm, của đời sống tự chủ và nội tâm, của sự cầu nguyện mà chỉ mình Thiên Chúa nhìn thấy trong nơi kín đáo.

Bài học về đời sống gia đình:

Chớ gì Nadaret dạy cho chúng tôi hiểu gia đình là gì, sự hiệp thông trong tình yêu, vẻ cao đẹp khắc khổ và đơn sơ, tính cách thánh thiện và bất khả xâm phạm của gia đình. Ta hãy học lấy ở Nadaret để biết rằng việc đào luyện mà ta nhận được nơi gia đình vừa dịu dàng, vừa không tài nào thay thế được. Hãy học cho biết đâu là vai trò căn bản của gia đình trên bình diện xã hội.

Bài học về lao động

Nadaret là nhà của con bác thợ mộc. Chính ở đây tôi muốn hiểu biết và ca tụng quy luật khắt khe, nhưng có tính cứu chuộc, vốn buộc con người phải lao động. Nơi đây tôi muốn nhắc nhở rằng lao động không thể là cùng đích cho chính nó, nhưng tính tự do và tính cao cả của lao động, không kể giá trị kinh tế của nó, sở dĩ có được là do nơi những giá trị cùng đích của chính nó.

(Trích bài giảng của Đức Phao-lô VI ngày 05.01.1964)

 

Bản dịch các tài liệu trên đây là của Linh mục Phaolô Đậu Văn Hồng, giáo phận Kon Tum.

tải file ở đây:

ThuGuiGiaDinh (03)

http://xuanbichvietnam.net/trangchu/wp-content/uploads/2019/12/ThuGuiGiaDinh-03.doc

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30