THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA GỞI CHO CÁC ĐÔI VỢ CHỒNG NHÂN DỊP NĂM « GIA ĐÌNH AMORIS LAETITIA » : HÃY SỐNG ƠN GỌI CỦA CÁC BẠN CÁCH MÃNH LIỆT
« Hãy sống ơn gọi của các bạn cách mãnh liệt. Đừng để cái nhìn buồn bã làm tối tăm khuôn mặt của các bạn. Người phối ngẫu của các bạn cần nụ cười của các bạn. Con cái của các bạn cần ánh mắt khích lệ của các bạn. Các mục tử và các gia đình khác cần sự hiện diện và niềm vui của các bạn: niềm vui đến từ Chúa! » Đức Phanxicô đưa ra lời khích lệ như thế trong Thư gởi cho các đôi vợ chồng nhân dịp Năm « Gia đình Amoris Laetitia », và đồng thời nhắc nhở rằng « nhiều thách đố không thể cướp đi niềm vui của những ai biết rằng họ đang bước đi với Chúa ».
Qủa thế, qua thư này, Đức Thánh Cha mời gọi các đôi bạn biết xây dựng hôn nhân và gia đình của mình nhờ ân sủng của bí tích Hôn Phối và trong niềm tin tưởng vào Chúa, « Đấng đang sống và hiện diện trong mỗi khoảnh khắc của cuộc sống của các bạn », và sống những bổn phận trong hôn nhân và gia đình, trong xã hội và Giáo hội dưới ánh sáng của đức tin này, dù có nhiều thách thức và khó khăn. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha mời gọi hãy nhận ra nơi những khó khăn là những cơ hội, bởi vì « đôi khi chính những khó khăn rút ra từ chúng ta những nguồn lực mà thậm chí chúng ta không nghĩ rằng mình có ». Hay « việc sống chung sẽ không phải là một việc đền tội nhưng trái lại là một nơi nương tựa giữa bão tố. »
Abraham, gương mẫu đức tin trong việc rời bỏ quê hương để sống cho Chúa và tha nhân, thánh Giuse, mẫu gương của « sự can đảm sáng tạo », và nhất là Lời Chúa, đã được Đức Thánh Cha đề ra như là ánh sáng và mẫu gương cho các đôi vợ chồng sống trung thành với ơn gọi hôn nhân của mình.
Qua thư này, với cung giọng của một người cha và người bạn, Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự gần gũi đầy yêu thương đối với các gia đình, với những lời khuyên rất cụ thể, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay do đại dịch gây nên. « Đừng ngừng tìm kiếm sự giúp đỡ để các cuộc xung đột có thể được vượt qua bằng cách này hay cách khác và đừng gây thêm đau khổ nữa giữa các bạn và con cái các bạn. », Đức Thánh Cha kêu gọi.
Dưới đây là toàn văn Thư của Đức Thánh Cha :
Các đôi vợ chồng thân mến,
Nhân dịp Năm « Gia đình Amoris laetitia », tôi hướng đến các bạn để bày tỏ tất cả tình cảm và sự gần gũi của tôi với các bạn vào thời điểm rất đặc biệt mà chúng ta đang sống. Tôi luôn nghĩ đến các gia đình trong lời cầu nguyện của tôi, nhưng còn hơn nữa trong thời gian đại dịch vốn đã đặt mọi người trước thử thách gay go, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất. Thời điểm mà chúng ta đang trải qua thúc đẩy tôi đến gần cách khiêm tốn và trìu mến và đồng thời đón tiếp mỗi người, mỗi đôi vợ chồng và mỗi gia đình, trong những hoàn cảnh của các bạn.
Khung cảnh đặc biệt này mời gọi chúng ta sống những lời mà Chúa đã kêu gọi Abraham rời bỏ quê hương và nhà cha mình để đến một vùng đất vô danh mà Ngài đã chỉ cho ông (x. Stk 12, 1). Chúng ta cũng thế, hơn bao giờ hết, chúng ta đã trải qua sự bấp bênh, sự cô đơn, sự mất mát người thân yêu, và chúng ta bị đẩy ra khỏi sự an toàn của chúng ta, « vùng tiện nghi » của chúng ta, cách làm của chúng ta, tham vọng của chúng ta, để quan tâm không chỉ lợi ích của gia đình chúng ta nhưng còn lợi ích của xã hội, vốn cũng tùy thuộc vào các hành xử cá nhân của chúng ta.
Mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa nhào nắn chúng ta, đồng hành với chúng ta và thúc đẩy chúng ta chuyển động với tư cách là những nhân vị và cuối cùng giúp chúng ta « rời bỏ miền đất của mình », thường là với một nỗi sợ hãi nào đó và thậm chí là nỗi sợ hãi về cái xa lạ vô danh. Thế nhưng, nhờ đức tin Kitô giáo của mình, chúng ta biết rằng chúng ta không cô độc vì Thiên Chúa ở trong chúng ta, ở với chúng ta và ở giữa chúng ta : trong gia đình, trong khu phố, nơi làm lao động hay học tập, trong thành phố chúng ta đang sống.
Như Abraham, mỗi đôi vợ chồng đều rời bỏ miền đất của mình từ khi họ nghe tiếng gọi tình yêu hôn nhân và họ quyết định hoàn toàn trao hiến chính mình cho người khác. Cũng thế, việc đính hôn đã ngụ ý việc rời bỏ miền đất của mình, vì nó đòi hỏi cùng nhau đi trên con đường dẫn đến hôn nhân. Những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, những ngày tháng trôi qua, sự xuất hiện của con cái, công việc, bệnh tật, đều là những hoàn cảnh trong đó sự dấn thân người này cho người kia, đối với mỗi người, bao hàm bổn phận từ bỏ tính sự trơ ì của mình, sự xác tín của mình, vùng tiện nghi của mình, và đi ra đến với miền đất mà Thiên Chúa hứa : trở thành hai trong Chúa Kitô, hai trong một. Một cuộc sống duy nhất, một « chúng ta » duy nhất trong sự hiệp thông tình yêu với Chúa Giêsu, Đấng đang sống và hiện diện trong mỗi khoảnh khắc của cuộc sống của các bạn. Thiên Chúa đồng hành với các bạn, Ngài yêu thương các bạn cách vô điều kiện. Các bạn không phải cô độc !
Các đôi vợ chồng thân mến, hãy biết rằng con cái của các bạn – đặc biệt những đứa trẻ nhất – quan sát các bạn cách chăm chú và tìm kiếm nơi các bạn chứng tá của một tình yêu mạnh mẽ và khả tín. « Đối với người trẻ, thật quan trọng biết bao khi chứng kiến tận mắt tình yêu của Chúa Kitô sống động và hiện diện trong tình yêu phu phụ, đang làm chứng qua cuộc sống cụ thể của họ rằng tình yêu mãi mãi là khả thi » ! [1] Con cái luôn là một quà tặng. Chúng thay đổi lịch sử của gia đình. Chúng khao khát tình yêu, sự nhìn nhận, lòng quý trọng và sự tin tưởng. Thiên chức làm cha làm mẹ mời gọi các bạn trở nên những bậc cha mẹ để mang lại cho con cái các bạn niềm vui khám phá ra mình là con cái của Thiên Chúa, con cái của một người Cha mà, từ khoảnh khắc đầu tiên, dịu dàng yêu thương chúng và mỗi ngày nắm lấy tay chúng. Sự khám phá này có thể mang lại cho con cái của các bạn đức tin và khả năng tin tưởng vào Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, nuôi dạy con cái không dễ dàng chút nào. Nhưng chúng ta đừng quên rằng chúng cũng giáo dục chúng ta. Môi trường giáo dục đầu tiên vẫn luôn là gia đình, thông qua những cử chỉ bé nhỏ vốn hùng hồn hơn những lời nói. Giáo dục, trước tiên đó là đồng hành với các tiến trình tăng trưởng, đó là hiện diện bằng nhiều cách để con cái có thể trông cậy vào cha mẹ của chúng mọi lúc. Nhà giáo dục là một người « sinh sản » theo nghĩa thiêng liêng, và nhất là « nhập cuộc » đi vào một mối quan hệ. Với tư cách là người cha và người mẹ, điều quan trọng là thiết lập các mối tương quan với con cái mình từ một thẩm quyền được thủ đắc ngày qua ngày. Chúng cần một sự an toàn giúp chúng tin tưởng vào các bạn, vào vẻ đẹp của cuộc sống của các bạn, vào sự xác tín là chúng không bao giờ cô độc, dù điều gì xảy đến.
Mặt khác, như tôi đã từng nhấn mạnh, ý thức về căn tính và sứ mạng của người giáo dân trong Giáo hội và trong xã hội đã gia tăng. Các bạn có sứ mạng biến đổi xã hội qua sự hiện diện của các bạn trong thế giới lao động và làm sao để các nhu cầu của gia đình được quan tâm. Đôi vợ chồng cũng phải « primerear » [2] – chủ động sáng kiến – trong cộng đoàn giáo xứ và giáo phận bằng những đề xuất và sự sáng tạo của mình, trong việc tìm kiếm sự bổ túc của các đặc sủng và ơn gọi như là một biểu thị của sự hiệp thông Giáo hội ; cách riêng, sự hiệp thông của « các đôi vợ chồng bên cạnh các mục tử, để bước đi cùng với các gia đình khác, để giúp đỡ những người yếu đuối nhất, để loan báo rằng, ngay cả trong những lúc khó khăn, Chúa Kitô vẫn đang hiện diện » [3].
Các đôi vợ chồng thân mến, đó là lý do tại sao tôi khuyến khích các bạn tham gia vào đời sống của Giáo hội, cách riêng vào việc mục vụ gia đình. Quả thế, « việc đồng trách nhiệm đối với sứ mạng mời gọi các đôi vợ chồng và các thừa tác viên chức thánh, cách riêng các Giám mục, cộng tác cách phong nhiêu trong việc chăm sóc và bảo vệ các Giáo hội tại gia » [4]. Các bạn đừng quên rằng gia đình là « tế bào nền tảng của xã hội » (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 66). Hôn nhân thực sự là một dự án xây dựng của « nền văn hóa gặp gỡ » (Thông điệp Fratelli tutti, số 216). Đó là lý do tại sao các gia đình được mời gọi xây cầu nối giữa các thế hệ để truyền tải những giá trị xây dựng nhân loại. Đối mặt với những thách thức hiện nay, một sự sáng tạo mới là cần thiết để diễn tả những giá trị làm nên chúng ta với tư cách là nhân dân trong các xã hội của chúng ta và với tư cách là Dân Thiên Chúa trong Giáo hội.
Ơn gọi hôn nhân là một lời mời gọi cai quản một con thuyền không ổn định – nhưng chắc chắn, nhờ thực tại của bí tích – trên một vùng biển đôi khi biến động. Như các Tông đồ, đã bao nhiêu lần các bạn muốn nói, hay đúng hơn, muốn kêu lên : « Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi ; Thầy chẳng lo gì sao ? » (Mc 4, 38). Các bạn đừng quên rằng qua bí tích Hôn Phối, Chúa Giêsu đang hiện diện trong con thuyền này. Ngài chăm sóc các bạn, Ngài ở với các bạn mọi lúc, qua những thăng trầm khi con thuyền bị sóng nước làm cho chòng chềnh. Trong một đoạn Tin Mừng khác, giữa những khó khăn, các môn đệ đã thấy Chúa Giêsu tiến đến gần trong bão tố và họ đã đón tiếp Ngài vào thuyền. Vì thế, các bạn cũng vậy, khi bão tố hoành hành, hãy để Chúa Giêsu lên thuyền của các bạn, vì khi « Ngài lên thuyền với họ, thì gió lặng » (Mc 6, 51). Điều quan trọng là các bạn phải cùng nhau nhìn vào Chúa Giêsu. Chỉ bằng cách này mà các bạn mới có được sự bình an, các bạn mới vượt qua xung đột và tìm được những giải pháp cho nhiều vấn đề của các bạn. Không vì thế mà chúng sẽ biến mất, nhưng các bạn sẽ có thể nhìn chúng theo cách khác.
Chỉ bằng cách buông mình trong tay Chúa mà các bạn mới có thể sống những gì dường như là bất khả. Nó hệ tại nhận ra sự mong manh của các bạn và sự bất lực mà các bạn cảm thấy khi đối diện với những hoàn cảnh xung quanh mình, với niềm xác tín rằng sức mạnh của Chúa Kitô được biểu lộ trong sự yếu đuối của các bạn (x. 2Cr 12, 9). Chính ở giữa bão tố mà các Tông đồ có thể khám phá ra vương quyền và thần tính của Chúa Giêsu và họ đã học biết tin tưởng vào Ngài.
Dưới ánh sáng của những đoạn Thánh Kinh này, tôi muốn lợi dụng dịp này để suy nghĩ về một số khó khăn và cơ hội mà các gia đình đã trải qua trong giai đoạn đại dịch này. Chẳng hạn, thời gian ở bên nhau dài hơn, đó là cơ hội duy nhất để vun đắp đối thoại trong gia đình. Dĩ nhiên, điều đó đòi hỏi một thực hành cụ thể về sự kiên nhẫn. Thật không dễ dàng để ở bên nhau suốt cả ngày khi chúng ta phải làm việc, học tập, giải trí và nghỉ ngơi trong cùng mái nhà. Đừng để sự mệt mỏi chinh phục các bạn. Ước gì sức mạnh của tình yêu giúp các bạn có khả năng tập trung vào người khác – người phối ngẫu của các bạn, con cái của các bạn – hơn là vào sự mệt mỏi của mình. Các bạn hãy nhớ lại những gì tôi đã viết trong Tông huấn Amoris laetitia, khi lấy lại bài ca về đức ái của thánh Phaolô (x. 1Cr 13, 1-13). Hãy tha thiết nài xin Thánh Gia ban cho ơn này. Hãy đọc lại bài ca ngợi về đức ái này để nó truyền cảm hứng cho những quyết định và hành động của các bạn (x. Rm 8, 15; Gl 4, 6).
Như thế, việc sống chung sẽ không phải là một việc đền tội nhưng trái lại là một nơi nương tựa giữa bão tố. Ước gì mái ấm của các bạn là một nơi đón tiếp và hiểu biết nhau. Hãy giữ gìn trong tâm hồn các bạn lời khuyên mà tôi dành cho các đôi vợ chồng bằng ba từ này: “Xin vui lòng, xin cảm ơn, xin lỗi” [5]. Và khi xung đột xảy đến, “đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hòa” [6]. Đừng xấu hổ khi cùng nhau quỳ gối trước Chúa Giêsu đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể để tìm được giây phút bình an, cũng như một cái nhìn dịu dàng và nhân từ dành cho nhau. Hoặc là nắm lấy tay người kia, khi người ấy hơi tức giận, để nở một nụ cười làm hòa với người ấy. Các bạn có thể đọc kinh ngắn gọn, đọc to cùng nhau, vào buổi tối trước khi đi ngủ, cùng với Chúa Giêsu hiện diện giữa các bạn.
Thế nhưng, đối với một số đôi bạn, việc sống chung mà họ phải bó buộc trong thời gian cách ly là đặc biệt khó khăn. Những vấn đề vốn đã tồn tại ngày càng trở nên tồi tệ hơn, tạo ra những xung đột mà thường trở nên không thể chịu đựng được. Thậm chí nhiều người đã biết đến sự đổ vỡ quan hệ vốn đang trải qua một cuộc khủng hoảng mà họ không thể hay không biết vượt qua. Tôi cũng muốn bày tỏ sự gần gũi và tình cảm của tôi với những người này.
Cắt đứt mối quan hệ hôn nhân tạo ra nhiều đau khổ vì nhiều ảo tưởng tan biến. Sự bất hòa dẫn đến những tranh cãi và những vết thương không dễ chữa lành. Cũng không thể tránh cho con cái nỗi đau đớn khi thấy cha mẹ của mình không còn bên nhau nữa. Thế nhưng, đừng ngừng tìm kiếm sự giúp đỡ để các cuộc xung đột có thể được vượt qua bằng cách này hay cách khác và đừng gây thêm đau khổ nữa giữa các bạn và con cái các bạn. Chúa Giêsu, với lòng thương xót vô bờ bến của Ngài, sẽ soi dẫn cho các bạn cách thức đúng đắn để tiến tới giữa tất cả những khó khăn và sầu khổ này. Đừng ngừng khấn xin Ngài và tìm kiếm nơi Ngài một nơi nương tựa, một ánh sáng cho cuộc hành trình và, nơi cộng đoàn Giáo hội, “một mái ấm ân cần nơi có chỗ cho mỗi người với cuộc sống khó khăn của mình” (Tông huấn Evangelii gaudium, số 47).
Các bạn đừng quên rằng sự tha thứ chữa lành mọi vết thương. Tha thứ cho nhau nảy sinh từ một quyết định nội tâm chín mùi trong cầu nguyện, trong tương quan với Thiên Chúa, như một ân huệ phát xuất từ ân sủng mà Chúa Kitô đổ đầy nơi đôi bạn khi cả hai để cho Ngài hành động, khi họ hướng về Ngài. Chúa Kitô “cư ngụ” trong hôn nhân của các bạn và chờ đợi các bạn mở tâm hồn cho Ngài để nâng đỡ các bạn bằng sức mạnh tình yêu của Ngài, như các môn đệ trên thuyền. Tình yêu nhân loại của chúng ta thật yếu đuối, nó cần sức mạnh của tình yêu trung tín của Chúa Giêsu. Cùng với Ngài các bạn có thể thực sự xây dựng một “ngôi nhà trên đá” (Mt 7, 24).
Về vấn đề này, cho phép tôi ngỏ lời với các bạn trẻ đang chuẩn bị hôn nhân. Nếu, trước đại dịch, các đôi đính hôn phải vất vả dự tính tương lai vì thật khó để tìm được một việc làm ổn định, thì, ngày nay, sự bấp bênh về nghề nghiệp còn lớn hơn nữa. Vì thế, tôi mời gọi các đôi đính hôn đừng nản lòng, nhưng có “sự can đảm sáng tạo” mà thánh Giuse đã có, đấng mà tôi đã muốn tôn vinh nhớ đến trong năm được dành cho ngài. Cũng thế đối với các bạn, khi phải đương đầu với con đường tiến tới hôn nhân, hãy luôn tin tưởng vào Chúa Quan Phòng cho dù các bạn có ít phương tiện, vì “đôi khi chính những khó khăn rút ra từ chúng ta những nguồn lực mà thậm chí chúng ta không nghĩ rằng mình có” (Tông thư Patris corde, số 5). Đừng ngần ngại dựa vào gia đình và bạn bè của các bạn, cộng đoàn Giáo hội, giáo xứ, để sống đời sống hôn nhân và gia đình tương lai của các bạn bằng cách học hỏi từ những người đã trải qua con đường mà các bạn đang bắt đầu.
Trước khi kết thúc, tôi muốn gởi lời chào đặc biệt đến các cụ ông cụ bà mà, trong thời gian cô lập, đã không thể gặp được các cháu của mình và ở với chúng, và đến những người cao tuổi đã chịu sự cô đơn còn nặng nề hơn nữa. Gia đình không thể không cần đến ông bà, họ là ký ức sống động của nhân loại, “ký ức này có thể giúp xây dựng một thế giới nhân bản và ân cần hơn” [7].
Xin thánh Giuse gợi hứng cho tất cả các gia đình sự can đảm sáng tạo vốn rất cần thiết trong sự thay đổi thời đại mà chúng ta đang sống đây, và, trong đời sống hôn nhân của các bạn, xin Đức Trinh Nữ đồng hành với sự cưu mang của “một nền văn hóa gặp gỡ” rất cấp bách để vượt qua những nghịch cảnh và xung đột vốn làm u tối thời đại chúng ta. Nhiều thách đố không thể cướp đi niềm vui của những ai biết rằng họ đang bước đi với Chúa. Hãy sống ơn gọi của các bạn cách mãnh liệt. Đừng để cái nhìn buồn bã làm tối tăm khuôn mặt của các bạn. Người phối ngẫu của các bạn cần nụ cười của các bạn. Con cái của các bạn cần ánh mắt khích lệ của các bạn. Các mục tử và các gia đình khác cần sự hiện diện và niềm vui của các bạn: niềm vui đến từ Chúa!
Tôi thân ái chào các bạn và đồng thời khuyến khích các bạn tiếp tục sống sứ mạng mà Chúa Giêsu đã giao phó cho chúng ta, bằng cách kiên trì trong việc cầu nguyện và “trong việc bẻ bánh” (Cv 2, 42).
Và xin các bạn đừng quên cầu nguyện cho tôi, tôi cầu nguyện mỗi ngày cho các bạn.
Thân ái,
Phanxicô
Rôma, Đền Thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 26 tháng 12 năm 2021, Lễ Thánh Gia.
——————————————————
[1] Sứ điệp video cho các tham dự viên Diễn đàn « Amoris laetitia » (9/6/2021)
[2] X. Tông huấn Evangelii gaudium, số 24.
[3] Sứ điệp video cho các tham dự viên Diễn đàn « Amoris laetitia » (9/6/2021)
[5] Diễn văn cho các gia đình hành hương ở Rôma trong Năm Đức Tin (26 /10/ 2013) ; x. Tông huấn Amoris laetitia, số 133.
[6] Tiếp kiến chung (13 /5/ 2015) x. Tông huấn Amoris laetitia, số 104.
[7] Sứ điệp cho Ngày Thế giới Ông Bà và người cao tuổi lần thứ nhất (25 /7/2021).
———————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Ông Bà, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- CẦU NGUYỆN VÀ BÓNG ĐÁ, BÍ QUYẾT CỦA NỮ TU INAH CANABARRO LUCAS, NGƯỜI LỚN TUỔI NHẤT THẾ GIỚI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: GẶP GỠ CHÚA GIÊSU NƠI ANH CHỊ EM CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: MANG ÁNH SÁNG TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG CỦA CHÚA CHO THẾ GIỚI
- NỮ TU SIMONA BRAMBILLA TRỞ THÀNH NỮ TỔNG TRƯỞNG ĐẦU TIÊN TẠI VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II SAU LỄ GIÁNG SINH: HÃY TRỞ THÀNH SỨ GIẢ CỦA NIỀM HY VỌNG
- ĐHY FILIPE NERI FERRÃO, TÂN CHỦ TỊCH CỦA FABC
- MỞ CỬA THÁNH CỦA VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHAOLÔ NGOẠI THÀNH: NIỀM VUI VÀ HY VỌNG CHO NĂM THÁNH
- CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG VÀ CÁC NĂM THÁNH: VIỆC MỞ CỬA THÁNH TRONG LỊCH SỬ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: THIÊN CHÚA CHỌN SINH RA CHO CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: HỌC KHÁM PHÁ SỰ VĨ ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA TRONG SỰ NHỎ BÉ
- NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÃNH NHẬN ƠN TOÀN XÁ TRONG NĂM THÁNH
- ÂN XÁ NĂM THÁNH, CƠN MƯA LÒNG THƯƠNG XÓT CHO MỌI NGƯỜI
- CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC BÀ CẢ
- ĐỨC PHANXICÔ: NĂM THÁNH LÀ CƠ HỘI KHAI MỞ CÔNG TRƯỜNG TÂM HỒN CỦA CHÚNG TA
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA : THÁNH GIA NADARÉT, MẪU GƯƠNG ĐỐI THOẠI VÀ LẮNG NGHE
- PHÓ CHÁNH ÁN TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO: TÒA GIẢI TỘI, CỬA THÁNH CHO TÂM HỒN
- VĂN PHÒNG PHỦ GIÁO HOÀNG : THÔNG TIN ĐẶT VÉ THAM DỰ CÁC BUỔI TIẾP KIẾN CHUNG VÀ CÁC NGHI LỄ
- MỞ CỬA THÁNH ĐỀN THỜ LATÊRANÔ: “GIEO NIỀM HY VỌNG VÀ XÂY DỰNG TÌNH HUYNH ĐỆ”
- ĐỨC PHANXICÔ MỞ CỬA THÁNH TẠI NHÀ TÙ REBIBBIA: “HÃY BÁM LẤY NIỀM HY VỌNG”