THỨ TƯ LỄ TRO NĂM A: ĂN CHAY, CẦU NGUYỆN & LÀM VIỆC LÀNH PHÚC ĐỨC THEO SỰ HƯỚNG DẪN CỦA CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ

Written by xbvn on Tháng Hai 26th, 2014. Posted in Năm A, Nguyễn Văn Nội, Tâm linh

 

[Ge 2,12-18; 2 Cr 5,20-6,2; Mt 6,1-6.16-18]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Kết thúc Sứ Điệp Mùa Chay năm 2014, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã kêu gọi: “Anh chị em thân mến, ước gì Mùa Chay này thấy được toàn thể Giáo hội sẵn sàng và mau mắn làm chứng cho những người đang sống trong tình trạng lầm than vật chất, luân lý và tinh thần: làm chứng về Sứ Điệp Tin Mừng, được tóm tắt trong việc loan báo tình thương của Chúa Cha từ bi, sẵn sàng ôm lấy mỗi người trong Chúa Ki-tô.

“Xin Chúa Thánh Linh, – nhờ Ngài ” chúng ta vốn là người nghèo, nhưng có khả năng làm bao nhiêu điều phong phú: như người không có gì cả, nhưng lại sở hữu tất cả” (2 Cr 6,10),- nâng đỡ những quyết tâm trên đây của chúng ta và củng cố trong chúng ta mối quan tâm và trách nhiệm đối với sự lầm than của con người, để chúng ta trở nên từ bi và là những người thực thi lòng từ bi. Với lời cầu chúc ấy, tôi hứa cầu nguyện cho anh chị em, để mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn Giáo Hội tiến bước một cách hiệu quả trong hành trình Mùa Chay, và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em.”

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Ge 2,12-18):  Kêu gọi sám hối

12 Đây là sấm ngôn của Đức Chúa: “Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.” 13 Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ. 14 Biết đâu Người chẳng nghĩ lại và hối tiếc mà để lại phúc lành, hầu anh em có lễ phẩm và lễ tưới rượu dâng lên Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em.

15 Hãy rúc tù và tại Xi-on, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng ;   16 hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê! 17 Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng sự Đức Chúa hãy than khóc và nói rằng: “Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài! Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại! Chẳng lẽ các dân lại được cớ mà nói: Thiên Chúa của chúng ở đâu rồi ?” 18 Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Người. Tai ương chấm dứt và dân được giải thoát.

 2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (2 Cr 5,20-6,2): Thi hành sứ vụ Tông Đồ

5/20 Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. 21 Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.

6/1 Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. 2 Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.

2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Mt 6,1-6.16-18): Bố thí, cầu nguyện  và ăn chay

1 “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

5 “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. 6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

16 “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

III. TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

3.1 Bài đọc 1 (Ge 2,12-18): Ngôn sứ Gio-en nhắc lại sấm ngôn của Đức Chúa: “Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giầu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng họa.”

3.2 Bài đọc 2 (2 Cr 5,20-6,2): Là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô và nhân danh Người, Thánh Phao-lô khuyên dạy các tín hữu Cô-rin-tô và nài xin họ hãy làm hòa với Thiên Chúa. Vì theo Thánh Phao-lô, Thiên Chúa đã biến Đức Giê-su Ki-tô là Đấng chẳng hề biết tội là gì, thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.

3.3 Bài Tin Mừng (Mt 6,1-6.16-18): Đức Giê-su căn dặn các môn đệ phải làm thế nào “khi làm việc lành phúc đức, cầu nguyện và ăn chay“. Làm việc lành phúc đức hay bố thí là nhằm giúp đỡ tha nhân gặp cảnh túng thiếu. Cầu nguyện là để thờ phượng, chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa và xin ơn phần hồn phần xác cho mình và cho người khác. Còn ăn chay là để làm chủ thân xác bằng cách ép nó phải hy sinh, khổ chế để trở nên tinh tuyền hơn. Cả ba việc trên, tự bản chất, đều là những việc rất tốt. Nhưng cả ba việc ấy chỉ tốt lành khi chúng được thực hiện bằng một tinh thần khiêm tốn, vô vị lợi và thật tình sám hối tức tinh thần siêu nhiên theo ngôn ngữ ưa dùng của nhà đạo. Tinh thần siêu nhiên là tinh thần của Thiên Chúa nên thiếu tinh thần siêu nhiên ấy, việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay có thể trở thành những việc khoe khoang, đề cao cá nhân, đạo đức giả hình, chẳng đem lại ơn ích gì cho người thực hiện. Trong bối cảnh Do-thái giáo đang suy tàn thời đầu Công Nguyên, Đức Giê-su đã dạy: người tín hữu phải bố thí và ăn chay cách kín đáo, phải cầu nguyện nơi kín đáo để tránh hư danh.

IV. MỘT VÀI SUY NGHĨ CHO MÙA CHAY 2014

4.1 Suy nghĩ thứ nhất: Từ bố thí cho người nghèo đến đấu tranh chống nghèo đói, bất công: Trong xã hội Do-thái vào thời Đức Giêsu cũng đã có hố ngăn cách giữa người giầu và người nghèo và cũng đã có nhiều bất công xã hội. Nhưng không thể so sánh với thế giới ngày nay, vì hố ngăn cách giầu nghèo và bất công xã hội là một “điểm đen” lớn nhất của thời đại hiện nay. Chúng ta không có gì phải ngạc nhiên khi thấy Giáo hội triển khai giáo huấn Lời Chúa mà nhấn mạnh rất nhiều đến trách nhiệm biến đổi xã hội và thay đổi cơ chế bất công. Vào những năm 30 thời Công nguyên, bố thí tiền của cho người nghèo đói, túng thiếu là một hành vi bác ái được chính Đức Giê-su giảng dạy. Cũng giáo huấn về bố thí ấy, ngày nay Giáo hội dạy chúng ta không chỉ giúp cơm ăn áo mặc cho người nghèo, mà chúng ta phải đứng về phía người nghèo, chống lại nạn nghèo đói, bóc lột, bất công đang làm mất phẩm giá làm người của bao nhiêu con người trong các nước, các dân: “Toàn thể Giáo hội sẵn sàng và mau mắn làm chứng cho những người đang sống trong tình trạng lầm than vật chất, luân lý và tinh thần” (Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô).
4.2 Suy nghĩ thứ hai:
Từ cầu nguyện mang tính cá nhân đến cầu nguyện mang tính toàn cầu: Vào thời Đức Giê-su khi nói đến cầu nguyện người ta nghĩ đến lời cầu nguyện cá nhân hay cộng đoàn kẻ tin. Ngày nay lời cầu nguyện của Ki-tô hữu phải mang chiều tính toàn cầu. Vì lời cầu nguyện của chúng ta phải chứa đựng tâm tư, khát vọng, số phận của hằng triệu, hàng tỷ con người cơm không đủ ăn, nước không đủ uống. Lời cầu nguyện của chúng ta ngày nay không chỉ dừng lại ở ý chỉ và lời cầu xin, mà còn phải bao hàm cả hành động đấu tranh cho người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội, cho hố ngăn cách giữa giầu nghèo nhỏ lại, cho thế giới có công lý và hòa bình, cho phẩm giá con người được tôn trọng.

4.3 Suy nghĩ thứ ba: Từ ăn chay là nhịn ăn nhịn uống đến tự ý từ khước địa vị, quyền bính, danh vọng, lạc thú và nhất là của cải: Trong lãnh vực ăn chay, nếu so sánh hai thời điểm thập niên 30 của thế kỷ thứ I với những năm đầu thế kỷ 21 này cũng có một bước tiến rất dài. Ngày xưa ăn chay chủ yếu là nhịn ăn nhịn uống một hai ngày hoặc dài lắm là 40 ngày của Mùa Chay và là hãm mình ép xác chút đỉnh. Còn ngày nay ăn chay thật sự là dám tự ý khước từ địa vị, quyền bính, danh vọng, lạc thú và nhất là của cải. Vì, như lời Thánh Phao-lô gởi cho Ti-mô-thê mà Đức Gio-an Phao-lô II đã lấy lại: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn ấy, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé (1 Tm 6,10). Bóc lột người khác, thờ ơ trước đau khổ của anh chị em mình, và vi phạm những luật luân lý cơ bản, đó chỉ là vài hậu quả của lòng ham muốn tìm kiếm lợi lộc” (SĐMC 2003, 2).

4.4 Suy nghĩ thứ bốn: Về sự lầm than của con người thời nay và trách nhiệm của các Ki-tô hữu:  Đức Thánh Cha Phan-xi-cô kêu gọi trong “Sứ điệp Mùa Chay 2014”:  “Noi gương Thầy Chí Thánh, các Ki-tô hữu chúng ta được kêu gọi hãy nhìn đến tình cảnh lầm than của anh chị em chúng ta, động chạm đến, gánh lấy và hoạt động cụ thể để thoa dịu những lầm than ấy”.

“Lầm than (miseria) không đồng nghĩa với nghèo (povertà); lầm than là sự nghèo nàn không có lòng tín thác, không có tình liên đới, không có hy vọng. Chúng ta có thể phân biệt ba loại lầm than: lầm than vật chất, lầm than luân lý và lầm than tinh thần”.

“Lầm than vật chất vẫn thường được gọi chung là sự nghèo khổ và đè nặng trên những người sống trong hoàn cảnh không xứng đáng với con người: những người bị thiếu các quyền cơ bản và nhu yếu phẩm như lương thực, nước, những điều kiện vệ sinh, công ăn việc làm, khả năng phát triển và tăng trưởng về văn hóa. Đứng trước lầm than này, Giáo Hội cống hiến dịch vụ của mình, diakonia, để đi gặp gỡ những người túng thiếu và chữa lành nhưng vết thương làm xấu xí khuôn mặt của nhân loại. Nơi những người nghèo và những người rốt cùng, chúng ta nhìn thấy tôn nhan của Chúa Ki-tô; khi yêu thương và giúp đỡ những người nghèo, chúng ta yêu mến và phụng sự Chúa Ki-tô. Sự dấn thân của chúng ta cũng nhắm làm sao để chấm dứt những vụ vi phạm phẩm giá con người trên thế giới, những kỳ thị và lạm dụng là nguồn gốc gây ra lầm than trong bao nhiêu trường hợp. Khi quyền lực, sa hoa và tiền bạc trở thành thần tượng, thì người ta coi chúng quan trọng hơn đòi hỏi phải phân phối công bằng những của cải. Vì thế, các lương tâm cần hoán cải, trở về với công lý, sự bình đẳng, sự điều độ và chia sẻ”.

“Điều không kém phần gây lo âu chính là lầm than luân lý, nó hệ tại trở nên nô lệ cho những tật xấu và tội lỗi. Bao nhiêu gia đình lo âu vì có một trong những phần tử của mình, thường là người trẻ, nghiện ngập rượu, ma túy, cờ bạc và dâm ô! Bao nhiêu người đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thiếu những viễn tượng tương lai và mất hy vọng! Và bao nhiêu người bị bó buộc sống trong lầm than luân lý do những điều kiện xã hội bất công, thiếu công ăn việc làm, khiến họ không còn phẩm giá mang mang cơm bánh về nhà, thiếu bình đẳng trong các quyền giáo dục và sức khỏe. Trong những trường hợp ấy, lầm than luân lý có thể được gọi là một sự bắt đầu tự sát. Hình thức lầm than này cũng là nguyên nhân làm cho nền kinh tế suy sụp, nó luôn gắn liền với lầm than tinh thần mà chúng ta khi chúng ta xa lìa Thiên Chúa và từ khước tình thương của Ngài. Nếu chúng ta cho rằng mình không cần Thiên Chúa, Đấng đang giơ tay cho chúng ta trong Chúa Ki-tô, vì chúng ta nghĩ mình tự mãn, thì chúng ta đang đi vào con đường thất bại. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu vớt và giải thoát chúng ta thực sự”.

“Tin Mừng là thuốc giải độc đích thực chống lại lầm than tinh thần: Ki-tô hữu được mời gọi mang vào mọi môi trường lời loan báo giải thoát, theo đó có sự tha thứ tội lỗi đã phạm, Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta và Ngài yêu thương chúng ta một cách nhưng không, luôn luôn, và chúng ta được dựng nên để hiệp thông và sống vĩnh cửu. Chúa mời gọi chúng ta hãy trở thành những người hân hoan loan báo sứ điệp từ bi và hy vọng ấy! Thật là đẹp khi cảm nghiệm niềm vui loan truyền tin mừng đó, chia sẻ kho tàng đã được ủy thác cho chúng ta, để an ủi những con tim tan vỡ và mang lại hy vọng cho bao nhiêu anh chị em chúng ta đang bị bóng đêm bao phủ. Vấn đề ở đây là đi theo và noi gương Chúa Giê-su, Đấng đã đi đến với người nghèo và tội nhân như một mục tử đi tìm con chiên bị lạc mất, và Ngài đến gặp chúng ta với đầy tình yêu thương. Khi hiệp nhất với Chúa, chúng ta có thể can đảm mở ra những con đường mới để loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người”.

Kết luận:

Ngôn sứ Gio-en kệu gọi Ít-ra-en và chúng ta: “Đừng xe áo, nhưng hãy xé lòng” Xé áo là việc tương đối dễ, nhưng xé lòng mới là việc khó, mới là điều cơ bản. Xé lòng là thay đổi cách nghĩ và cách sống của chúng ta. Lời kêu gọi ấy phải được chúng ta đáp lại trong Mùa Chay 2014 này:

(a) Thay vì đóng khung việc sống đạo của mình trong nhà thờ thì chúng ta mở rộng việc sống đạo ra ngoài xã hội;

(b) Thay vì giới hạn việc sống đạo của mình chỉ có chiều dọc (Thiên Chúa với tôi và tôi với Thiên Chúa) thì chúng ta thêm chiều ngang vào cách sống đạo ấy (tôi với tha nhân);

(c) Thay vì chỉ biết quý trọng người giầu có và người có chức quyền (đời cũng như đạo), thì chúng ta dành tình yêu ưu tiên cho người nghèo;

(d) Thay vì sống thờ ơ, vô trách nhiệm với người xung quanh, thì chúng ta thể hiện rõ “mối quan tâm và trách nhiệm đối với sự lầm than của con người thời nay.” 
IV. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH

[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý:  ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]

 5.1 “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương,”  Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các dân tộc trên thế giới, nhất là cho những người sống theo chủ nghĩa vô thần duy vật và bất tín, để họ sớm nhận ra sai lầm của mình mà trở lại với Thiên Chúa là Chúa Tể vũ trụ vạn vật.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con! 

5.2 “Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi thành phần Hội Thánh, cách riêng cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô và các Hồng Y & Giám Mục, để mọi Ki-tô hữu biết phát huy ân huệ của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.3 “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em.”  Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu thuộc giáo xứ chúng ta, để mọi người biết hoán cải và thay đổi thật sự cách sống đạo của mình theo Mạc Khải của Lời Chúa.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.4 “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho thành viên các Ban Bác Ái Xã Hội và Caritas Việt Nam để họ biết thể hiện lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa trong cách phục vụ người nghèo của mình.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

 

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội. 

[Sài-gòn ngày 26/02/2014]

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31