THƯỢNG HỘI ĐỒNG BẮT ĐẦU GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG

Written by xbvn on Tháng Mười 24th, 2024. Posted in Linh mục, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Thứ Tư 23/10, cuộc họp báo thường lệ tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh tập trung vào những ngày làm việc cuối cùng của Thượng hội đồng. Hơn một nghìn “phương thức” đã được thu thập cho văn bản dự thảo cuối cùng. ĐHY Prevost nhấn mạnh đến các giám mục trong bài tham luận của ngài: khi “chúng ta nói về thẩm quyền của các ngài, về cơ bản chúng ta đang nói về sự phục vụ”.

 “Chúng ta đang ở giai đoạn cuối cùng” của Thượng Hội đồng. Điều này đã được Sheila Pires, thư ký của Ủy ban Thông tin, tuyên bố khi bắt đầu cuộc họp vào Thứ Tư, ngày 23/10/2024, tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, báo cáo về công việc của hội đồng, đã đạt đến giai đoạn cuối cùng trước khi đọc và phê chuẩn tài liệu cuối cùng, dự kiến vào thứ Bảy ngày 26/10. Bà cho biết: “Vào lúc 12g30 trưa hôm nay, hơn một nghìn phương thức” đã được đệ trình về văn bản dự thảo. Giai đoạn đề xuất sửa đổi này “do đó đã kết thúc”.

“Các phương thức” cá nhân và tập thể

Chiều hôm qua và sáng nay, công việc được tiếp tục trong các nhóm nhỏ, để soạn thảo các phương thức, nghĩa là những sửa đổi bản dự thảo tài liệu cuối cùng, và các tham dự viên Thượng hội đồng có thời hạn đến lúc 12g30 trưa hôm nay để trình bày ‘các kiến nghị’ lên Ban Tổng thư ký”. Sheila Pires giải thích, đây là “những kiến nghị tập thể, được các thành viên trong mỗi bàn tán thành với sự đồng thuận với đa số 50 + 1”. Mỗi người “cũng có cơ hội trình bày các đề xuất cá nhân cho Ban Thư ký”. Trong số hơn một nghìn phương thức được đệ trình cho Ban Thư ký Thượng Hội đồng, Sheila Pires chỉ ra, 951 phương thức là tập thể, nghĩa là được đệ trình bởi các nhóm nhỏ, và một trăm phương thức là cá nhân. Bà nói: “Năm ngoái, tổng cộng có khoảng 1.200 kiến ​​ngh đã được đệ trình”.

Thông điệp video gửi giới trẻ và việc canh tân Hội đồng

Trong cuộc họp thông tin, một thông điệp video ngắn của Đức Thánh Cha cũng được trình chiếu, được thực hiện, theo Sheila Pires, bởi một số người trẻ tham gia Thượng Hội đồng. Paolo Ruffini, Tổng trưởng Bộ Truyền thông và Chủ tịch Ủy ban Thông tin, nhắc lại rằng “chiều nay cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra để đổi mới Hội đồng Thường lệ, cơ cấu thường trực của Ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, do Đức Thánh Cha chủ trì. Bất kỳ quyết định quan trọng nào thường được thông qua cơ quan này, cơ quan này đặc biệt có nhiệm vụ chuẩn bị cho Thượng hội đồng tiếp theo”. Paolo Ruffini giải thích, các thành viên của Hội đồng Thường lệ “sẽ nhậm chức vào cuối Đại hội đồng thường lệ, nơi đã bầu ra họ. Họ là thành viên của đại hội đồng thường lệ tiếp theo và nhiệm kỳ của họ chấm dứt khi kết thúc đại hội đồng này”.

Hơn nữa, Paolo Ruffini nói tiếp, “Đức Hồng y Tổng Thư ký Mario Grech hôm qua đã thông báo rằng, liên quan đến chỉ thị hiện tại, một sửa đổi đã được thực hiện – với sự đồng ý của Đức Thánh Cha – để nâng tổng số thành viên lên 17, trong đó 13 thành viên sẽ được bầu chọn trong số các giám mục giáo phận hoặc chuẩn giáo phận, các thành viên của Đại hội đồng này: một từ các Giáo hội Công giáo Đông phương, một từ Châu Đại Dương, hai lần lượt từ Bắc Mỹ, Châu Mỹ Latinh, Châu Âu, Châu Phi và Châu Á. Thêm vào số các giám mục này sẽ là bốn thành viên do Đức Thánh Cha bổ nhiệm và vào thời điểm thích hợp, người đứng đầu thánh bộ của Giáo triều Rôma chịu trách nhiệm về chủ đề của thượng hội đồng tiếp theo”.

Do đó, “các ngày mai, thứ Năm và ngày mốt, thứ Sáu, sẽ được dành cho việc đưa vào các phương thức và cho việc soạn thảo tài liệu cuối cùng bởi những người chịu trách nhiệm về nó. Tất cả các thành viên sẽ gặp nhau vào sáng và chiều Thứ Bảy cho hai phiên họp chung cuối cùng. Vào buổi sáng sẽ có phần đọc tài liệu cuối cùng và vào buổi chiều sẽ có phần phê chuẩn và chào mừng”.

Tuyên bố của Đức Hồng y tân cử Radcliffe

Sau đó, Paolo Ruffini đã thông báo phân phát cho các nhà báo một tuyên bố của Đức Hồng y tân cử Timothy Radcliffe “để trả lời cho những bình luận tiếp theo câu trả lời của Đức Hồng  Ambongo cho một câu hỏi được đưa ra trong cuộc họp báo vào ngày 22 tháng Mười”. Đặc biệt, Đức Hồng y Radcliffe “mong muốn làm sáng tỏ những điểm sau: câu trả lời của Đức Hồng y Ambongo không đề cập đến bài báo đăng trên Osservatore Romano, mà đề cập đến bài viết của Phil Lawler trên Catholic Culture ngày 17 tháng Mười. Đây là bài báo mà Đức Hồng Y đã cho tôi xem trên điện thoại của ngài và chúng tôi đã nói chuyện với nhau”. Hơn nữa, Đức Hồng Y nói tiếp tục (điểm thứ hai): “Việc Lawler đọc bài báo Osservatore Romano đã giải thích sai những gì tôi đã viết. Tôi chưa bao giờ viết hoặc gợi ý rằng các quan điểm của Giáo hội Công giáo ở Châu Phi bị ảnh hưởng bởi những cân nhắc về tài chính. Tôi chỉ nhận ra rằng Giáo hội Công giáo ở Châu Phi đang chịu áp lực rất mạnh từ các tôn giáo và giáo hội khác vốn được tài trợ tốt từ các nguồn bên ngoài”. Cuối cùng, thứ ba, Cha Radcliffe kết luận: “Tôi rất biết ơn Đức Hồng y Ambongo vì ngài đã bảo vệ quan điểm của tôi một cách rõ ràng”.

Món quà của Đức Thánh Cha

Để kết luận, phó giám đốc Văn phòng Báo chí Vatican, Cristiane Murray, người điều hành cuộc họp báo, cho biết rằng Đức Thánh Cha đã tặng cho tất cả các tham dự viên Thượng Hội đồng một cuốn sách của linh mục Luis Miguel Castillo Gualda về thánh Augustinô và quan niệm của thánh nhân về giám mục trong dân Chúa, một chủ đề được đề cập nhiều lần trong quá trình Thượng Hội đồng này.

Quyền bính của các giám mục

Tiếp đến diễn ra các bài tham luận của nhiều khách mời khác nhau. Trước hết, Đức Hồng y Robert Francis Prevost, Tổng trưởng Bộ Giám mục, người đặc biệt tập trung vào hình ảnh và vai trò của các mục tử: “Khi chúng ta nói về thẩm quyền của các giám mục, về cơ bản chúng ta đang nói về sự phục vụ”. Được yêu cầu báo cáo về công việc của các mục tử trong giáo phận của họ, Đức Hồng y giải thích rằng, trong các cuộc thảo luận của Đại hội, “nhiều sự chú ý đã được dành một cách chính đáng đến quá trình lựa chọn các giám mục”. Ngài giải thích, trên thực tế, các tiêu chí dẫn đến một sự lựa chọn cụ thể được chứa đựng trong các hướng dẫn dành cho các sứ thần tòa thánh: họ đã có khả năng thu thập thông tin, “bằng cách nói chuyện không chỉ với hàng giáo sĩ giáo phận, mà còn với các tu sĩ và giáo dân để xác định những ứng viên tốt nhất có thể”.

Sửa đổi cơ cấu quyền lực

Về chức năng và vai trò, Đức Hồng y nói rõ rằng các giám mục không nên được coi là bị lỗi thời duy chỉ bởi các khía cạnh quan liêu và quản lý hành chính: “Ngược lại, trên hết, các ngài là những mục tử của dân Thiên Chúa, và chính với điều này và giữa điều này mà các ngài được kêu gọi làm việc với niềm vui”. Tất nhiên, ĐHY thừa nhận, thường có “sự căng thẳng giữa việc làm mục tử và đôi khi làm thẩm phán, chẳng hạn trong vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên”. Dù thế nào đi nữa, “giám mục không thể chểnh mảng các hoạt động mục vụ và phải học biết người dân của mình, chẳng hạn bằng cách dành thời gian ngồi lại với các hội đồng giáo xứ để hiểu đâu là những nhu cầu và mong muốn của một cộng đồng cụ thể”. Cuối cùng, các giám mục phải tìm cách tiếp cận những người ở bên lề Giáo hội hoặc những người ở xa Giáo hội: “Tất cả mọi người, tất cả mọi người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại trong Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon, nhấn mạnh rằng “nhiệm vụ của chúng ta là mở rộng lều của chúng ta và nói rõ rằng mọi người đều được chào đón trong Giáo hội.” Do đó, quyền bính duy nhất là phục vụ, và “vì điều này, chúng tôi cũng phải thay đổi một số cơ cấu quyền lực để làm cho chúng gần gũi hơn với nhu cầu của giáo phận”.

Quá trình tái cơ cấu

Thật vậy, Myriam Wijlens, nữ giáo sư giáo luật tại khoa thần học Công giáo tại Đại học Erfurt, Đức, phát biểu: “Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu chúng tôi, với Thượng hội đồng này, tham gia vào một quá trình thiết lập lại hoặc tái cấu hình, để tối ưu hóa các nhiệm vụ truyền giáo của chúng tôi, dưới ánh sáng của bối cảnh chúng tôi đang sống và các đặc sủng của mỗi người. Chỉ bằng cách này chúng tôi mới có thể xác định được một sứ mạng đáng tin cậy và hiệu quả hơn.” Theo nghĩa này, “thật thú vị khi lưu ý rằng dân Thiên Chúa, ngay từ đầu tiến trình hiệp hành, cũng đã yêu cầu can thiệp vào các cơ cấu giáo luật”. Chẳng hạn, Thượng Hội đồng yêu cầu phải tổ chức “các cuộc họp của giáo hội ở mọi cấp độ: từ yêu cầu biến các hội đồng mục vụ giáo xứ thành thường trực cho đến vai trò của các hội đồng tỉnh toàn thể, bao gồm cả các hội đồng lục địa”.

Và rồi, “rất quan trọng”, bà kết luận và nói thêm rằng “đó là khía cạnh trách nhiệm, sự minh bạch và đánh giá: kể từ năm 2021, Thượng Hội đồng đã củng cố nhận thức rằng các tín hữu hiệp nhất với nhau. Đó là một trách nhiệm hỗ tương, do đó trở thành một viễn cảnh thần học, chứ không chỉ là xã hội: mọi thứ đều được liên kết với các khía cạnh mục vụ, chứ không chỉ với các vấn đề liên quan đến chẳng hạn như việc bảo vệ trẻ vị thành niên hoặc quản lý tài chính tốt”.

Vai trò của các Hội đồng Giám mục

Về thẩm quyền giáo lý của các Hội đồng Giám mục, linh mục người Canada Gilles Routhier, giáo sư tại Khoa Thần học và khoa học Tôn giáo tại Đại học Laval (Quebec), nhắc lại rằng “đó không phải là điều mới mẻ của Thượng hội đồng này, và nhất là không được giải thích nó như một thẩm quyền tuyệt đối”. Chẳng hạn, các Hội đồng Giám mục không thể tuyên bố những tín điều mới. “Đúng hơn, đó là một thẩm quyền được thể hiện trong một số giới hạn, nghĩa là luôn luôn hiệp thông với các Giáo hội khác và với Ngai Tòa Phêrô”. Gilles Routhier nói, nếu chúng ta xem xét thẩm quyền này từ viễn cảnh này, “mọi thứ trở nên đơn giản: điều này có nghĩa là các giám mục được kêu gọi vận dụng Huấn quyền và giảng dạy đức tin đích thực, hội nhập văn hóa nó vào lãnh thổ và dân tộc cụ thể mà họ là chủ chăn.”

Cha Khalil Alwan, chứng tá của tiến trình hiệp hành dành cho các Giáo hội Đông phương và Trung Đông, nhấn mạnh rằng khả năng tham gia lần đầu tiên được trao cho những người không phải giám mục và giáo dân đã được đánh giá rất cao: “Đó là sự thể hiện tốt nhất về cảm thức chung đức tin”. Sự tham gia tích cực của các Giáo hội tự trị (sui iuris) và các đại diện của họ đã giúp khám phá và trải nghiệm vẻ đẹp của sự đa dạng trong sự hiệp nhất của Giáo hội hoàn vũ. Khalil Alwan nói thêm, điều này “đã góp phần xây dựng những cầu nối đối thoại và các mối quan hệ”. Hơn nữa, cảm xúc được khơi dậy bởi sự khích lệ về niềm hy vọng – “vốn không phải là sự lạc quan hời hợt” – đến từ vô số dấu hiệu được Đức Thánh Cha thể hiện đối với tất cả những người đang trải qua tình trạng đau đớn do cuộc xung đột ở Trung Đông: “Thư gửi người Công giáo Trung Đông, ngày 7 tháng 10; lễ phong thánh cho 11 vị tử đạo ở Damas; thường xuyên quan tâm đến đời sống và đau khổ của các Kitô hữu Đông phương; thông điệp yêu cầu cộng đồng quốc tế cam kết ngừng bắn”.

Những căng thẳng và phân cực

Sau đó, như thường lệ, không gian được dành cho các câu hỏi của các nhà báo. Đức Hồng Y Prévost được hỏi Thượng Hội đồng có thể đóng góp đến mức độ nào trong việc giảm bớt căng thẳng và phân cực. Ngài trả lời : “Tôi tin rằng những gì chúng ta đang trải qua trong Giáo hội là sự phản ánh những gì chúng ta đang sống trong xã hội ngày nay”. Một số vấn đề vốn “là một phần của bức tranh lớn hơn” đã được giao cho các nhóm nghiên cứu và “chúng tôi không thể mong đợi các giải pháp tức thời“. Mặt khác, ngài nói tiếp, “Thượng hội đồng có liên quan đến tâm linh”; đó là một cách mới mẻ để làm mọi việc trong Giáo hội, một cách “ngồi lại để nói chuyện với nhau mà không có bạo lực, không hận thù” và do đó “vượt qua những căng thẳng có thể tồn tại trong Giáo hội hoặc bên ngoài Giáo hội”.

Chức năng của các Hội đồng Giám mục

Khi được hỏi về khả năng các Hội đồng Giám mục thiết lập trên lãnh thổ của mình một học thuyết không phù hợp với Huấn quyền, Đức Hồng y trước tiên nhấn mạnh một số khác biệt trong các bản dịch của Tài liệu làm việc, bởi vì “trong tiếng Anh, có vẻ như gợi ý rằng các Hội đồng Giám mục có một thẩm quyền giáo lý đặc thù, mà không xác định nó là gì, đang khi trong tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha, đó là vấn đề về một “thẩm quyền nào đó””. Về điểm này, “đã có một cuộc tranh luận lớn trong Thượng Hội đồng”, và cuối cùng các giám mục được kêu gọi “giảng dạy”. Trả lời khả năng một số Hội đồng Giám mục quyết định đề cập một tài liệu theo một cách nào đó – liên quan đến vấn đề trong đó Tuyên ngôn Fiducia supplicans đã được trích dẫn – Đức Hồng y Prevost làm rõ rằng các giám mục của Hội đồng Giám mục đã tính đến một hoàn cảnh văn hóa cụ thể, ở Châu Phi , vốn “không cho phép áp dụng tài liệu này”, chẳng hạn như hình phạt tử hình được quy định cho những người sống trong các mối quan hệ đồng giới.

Chúng ta ở trong những thế giới hoàn toàn khác nhau, và những khác biệt này là do sự kiện rằng các Hội đồng Giám mục phải có một thẩm quyền nào đó để nói làm thế nào họ sẽ vận dụng điều gì đó trong thực tại nơi họ đang sống”. Về vấn đề này, Myriam Wijlens đã phát biểu bằng cách nhấn mạnh rằng “trong giáo luật, có nguyên tắc theo đó một Giám mục hoặc một Hội đồng Giám mục có thể nói “cảm ơn, nhưng điều đó không có tác dụng đối với lãnh thổ của chúng tôi””.

Tính hiệp hành và quyền tối thượng

Khi được hỏi về những xung đột có thể xảy ra giữa tính hiệp hành và nguyên tắc về quyền tối thượng, Đức Hồng y Prevost nhắc lại rằng “tính hiệp hành không có nghĩa là chúng ta trở thành một hội đồng dân chủ thực thi quyền bính trong Giáo hội; quyền tối thượng thuộc về Thánh Phêrô và người kế nhiệm ngài, là Đức Giáo hoàng, người cho phép Giáo hội tiếp tục sống hiệp thông một cách rất cụ thể”. Sau đó, ĐHY nhớ lại một giai thoại được nghe tại Thượng Hội đồng: “Các tu sĩ Phật giáo đến Rôma để gặp Đức Thánh Cha đã thú nhận rằng họ hơi ghen tị vì không nơi nào khác trên thế giới có kinh nghiệm về một cộng đồng toàn cầu được thành lập trên nguyên tắc hiệp nhất”. Chắc chắn, ĐHY nói thêm, “chúng ta phải cẩn thận: Đức Giáo Hoàng có thẩm quyền đối với toàn thể Giáo hội, nhưng ngài đã nói rõ rằng thừa tác vụ của ngài là phục vụ người khác và ngài tin rằng cách tiếp cận việc thực thi sự phục vụ trong Giáo hội, nếu đó là hiệp hành, sẽ cho phép những người lãnh đạo người khác hiểu rõ làm thế nào thực thi quyền bính đó. Do đó, tính hiệp hành, tuy có tác động lớn, nhưng không làm mất đi quyền tối thượng”.

Về vấn đề này, Gilles Routhier đã chỉ ra rằng “văn bản của một Bộ, nếu không được Đức Giáo hoàng cho phép dưới một hình thức cụ thể, sẽ thuộc về Bộ, chứ không thuộc về Huấn quyền”, đến độ có thể “đây không phải là Huấn quyền bị đặt vấn đề.” Hơn nữa, “có những đặc điểm – các Giáo hội Đông phương là những chứng nhân cho điều này – nhưng cần phải duy trì sự hiệp nhất trong đa dạng”. Gilles Routhier  nói tiếp, thông thường,  “các công đồng đã được triệu tập vì điều đó, và Thượng Hội đồng đang nghiên cứu về điều này: nếu chúng ta biết cách đối thoại và lắng nghe, thì chúng ta có thể vượt qua được sự chia rẽ, nếu chúng ta vẫn ở trong sự đồng nhất, chúng ta có nguy cơ bị chia cắt”.

Một nghị lực mới

Trả lời câu hỏi về vai trò của các giám mục ở Amazon, mà trong một số trường hợp dường như không nâng đỡ công việc của giáo dân trong việc mục vụ xã hội, Đức cha Prevost trả lời rằng “Thượng hội đồng khuyến khích tất cả các giám mục đáp ứng các nhu cầu cụ thể của mỗi vùng“. Về sự cần thiết của các Hội đồng Giám mục – đặc biệt là của Canada, được trích dẫn trong câu hỏi – quan tâm đến khía cạnh mục vụ, và mức độ mà Thượng hội đồng có thể làm cho tiếng nói của các giám mục được lắng nghe nhiều hơn, Gilles Routhier tuyên bố rằng “nếu Hội đồng Giám mục Hội nghị phải đón nhận một nghị lực mới, thì đó là để loan báo Tin Mừng được hội nhập văn hóa vào đời sống Kitô hữu. Nếu không có khả năng này, thì HĐGM sẽ không thể loan báo Tin Mừng được, đó không chỉ là vấn đề kỹ thuật”.

Các hội đồng lục địa

Đối với câu hỏi về các hội đồng lục địa và khả năng, từ quan điểm giáo luật, khiến các hội đồng này trở thành bắt buộc, Myriam Wijlens trả lời bằng cách nhấn mạnh sức mạnh của các cấu trúc lục địa châu Á và châu Mỹ, chẳng hạn như so với bối cảnh châu Âu. Sau đó, bà kể lại kinh nghiệm của chính mình, với tư cách là người biên tập tài liệu Praha (“Chúng tôi đã có thể quy tụ 39 Hội đồng Giám mục và viết một tài liệu trong bốn ngày”) và khi, trước Thượng hội đồng, bà đã gặp bốn tham dự viên khác: “Chúng tôi đã chọn Áo là nơi gặp gỡ trung tâm, và chúng tôi lắng nghe nhau, tất cả đều có khả năng bày tỏ nỗi sợ hãi, vết thương và hy vọng của mình.”

Các sứ thần Tòa Thánh

Cuối cùng, liên quan đến cơ chế lựa chọn giám mục, Đức Hồng y Prévost đã làm rõ vai trò cơ bản của Sứ Thần Tòa Thánh, người “xem xét bối cảnh địa phương và xác định ứng cử viên tốt nhất”. Bên cạnh mùi chiên, một tiêu chí “quan trọng nhưng không phải duy nhất” là khả năng lãnh đạo, bởi vì “trong một cộng đồng có thể có những linh mục tốt, nhưng không có người lãnh đạo, thì họ đi lòng vòng”. Ngoài ra, ứng viên phải “muốn sống Tin Mừng để trở thành một phần sứ mạng của Giáo hội: đức tin, đời sống cầu nguyện, ý thức về tinh thần hiệp thông với mọi người thiện chí, là những tiêu chí cơ bản”, “để hiểu ai có thể được xem xét bổ nhiệm giám mục.”

Bầu khí cầu nguyện

Đối với câu hỏi cuối cùng, về phương pháp thượng hội đồng, Tổng trưởng Bộ Truyền thông và chủ tịch Ủy ban Thông tin Thượng hội đồng, Paolo Ruffini, đã nêu rõ rằng nó luôn giống nhau, đó là phương pháp đối thoại trong Thánh Thần: “Có một bầu không khí cầu nguyện , tự do, lắng nghe và tìm kiếm sự đồng thuận. Mọi thứ diễn ra theo cách đơn giản hơn nhiều so với những gì người ta tưởng tượng, ngay cả khi các lập trường khác nhau, nhưng trong bài phát biểu của người kia, chúng tôi vẫn tìm kiếm phần sự thật mà mỗi chúng tôi biết rằng mình không hoàn toàn sở hữu”.

Tý Linh

(theo Roberto Paglialonga và Lorena Leonardi – Vatican News)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31