THƯỢNG HỘI ĐỒNG, CON ĐƯỜNG ĐỔI MỚI TRONG GIÁO HỘI
ĐHY Matteo Zuppi, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, Đức cha Manuel Nin Güell, giám mục tông tòa cho người Công giáo theo nghi thức Byzantine ở Hy Lạp, cha Timothy Radcliffe và Nữ tu Nathalie Becquart, phó thư ký của Ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, đã tham gia cuộc họp báo hằng ngày vào thứ Hai 21/10/2024 về tiến độ công việc của Thượng hội đồng. Nội dung của dự thảo Văn kiện cuối cùng đã được trình bày cho các tham dự viên.
Buổi họp báo ngày 21/10/2024
Văn bản của dự thảo Tài liệu cuối cùng đã được trao vào thứ Hai ngày 21 tháng 10, cho tất cả các tham dự viên Thượng hội đồng và do đó, “chúng ta đã đến một thời điểm cơ bản”, ông Paolo Ruffini, Tổng trưởng Bộ Truyền thông và Chủ tịch Ủy ban Thông tin Thượng Hội đồng, tuyên bố trong cuộc họp báo trước các nhà báo tại Văn phòng báo chí Tòa Thánh. Trước tiên, ông cho biết : “Chiều thứ sáu, các cuộc họp nhóm nghiên cứu đã diễn ra với các thành viên của Thượng hội đồng về các chủ đề được giao phó cho họ”. Và sáng nay, “trước thời điểm đích thân đọc bản văn, đã có một cuộc trao đổi ngẫu hứng từ Đức Hồng y Víctor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, về nhóm 5”. Paolo Ruffini đã đọc toàn bộ văn bản, đồng thời nói thêm “rằng Đức Thánh Cha đã có mặt sáng nay tại phiên họp chung và khi kết thúc phần tham luận của Đức Hồng y Fernández, đã có những tràng pháo tay từ những người có mặt”.
Những khoảnh khắc cầu nguyện và các sáng kiến của Thượng Hội đồng
Paolo Ruffini cũng muốn chia sẻ niềm vui mà tất cả các thành viên Thượng Hội đồng vẫn mang trong lòng về buổi cử hành do Đức Thánh Cha chủ trì ngày hôm qua tại quảng trường Thánh Phêrô, dịp lễ tuyên phong 14 vị thánh mới: “Một sự kiện quan trọng cũng bởi vì nó diễn ra vào Ngày Thế giới Truyền giáo và là tâm điểm của cuộc hành trình hiệp hành của chúng tôi”. Ông nói tiếp, và chiều hôm qua, “một khoảnh khắc cầu nguyện đã quy tụ trực tuyến các nhà truyền giáo kỹ thuật số đã tham gia vào con đường của Giáo hội lắng nghe”, mà một không gian cũng được dành riêng trong Tài liệu làm việc. Để kết luận, Paolo Ruffini nhắc lại rằng vào thứ Sáu ngày 25 tháng 10 lúc 5 giờ chiều, tại Dinh San Calisto, sự kiện “Thượng hội đồng về Thể thao” – được tổ chức bởi Athletica Vaticana với Bộ Văn hóa và Giáo dục – nơi đã đăng ký nhiều nghị phụ và nghị mẫu. Ông giải thích: “Đây là không gian để đối thoại với các vận động viên tỵ nạn, Paralympic và Olympic, để thảo luận về các chủ đề hòa bình và phục vụ lẫn nhau”.
Trình bày dự thảo tài liệu cuối cùng
Sheila Pires, thư ký của Ủy ban Thông tin, đã điểm lại buổi sáng Thượng Hội đồng hôm nay, nhắc lại rằng “chúng ta đang ở tuần cuối cùng của Thượng Hội đồng về tính hiệp hành này”. Sheila Pires giải thích, ngày này được mở đầu bằng việc cử hành thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Trong bài giảng, “Đức Hồng y Grech nhấn mạnh rằng Thượng Hội đồng phải được coi là một điểm xuất phát mới, nhằm công bố Lời Chúa cho tất cả mọi người”. Sau đó, phiên họp chung – 351 người có mặt trong phòng – “bắt đầu với bài suy niệm của cha Radcliffe, tập trung vào chủ đề tự do và trách nhiệm.” Sau bài suy niệm, bản dự thảo tài liệu cuối cùng đã được trình bày, chính xác “với tinh thần tự do cần thiết để đi trên con đường thẳng cuối cùng của con đường hiệp hành“.
Chính Đức Hồng y Hollerich đã trình bày bản dự thảo tài liệu cuối cùng, gọi nó là “văn bản tạm thời, điều này có nghĩa là nó đòi hỏi tính bảo mật: không phải vì thiếu minh bạch, nhưng để duy trì một môi trường cởi mở và thanh thản cho cuộc thảo luận”. Sheila Pires giải thích: “Tất cả các tham dự viên đều nhận được một bản sao của văn bản, vốn là kết quả của quá trình hợp tác”. “Bản gốc bằng tiếng Ý, với các bản dịch sang các ngôn ngữ khác của Thượng Hội đồng, nhưng đã có việc nhấn mạnh rằng phiên bản tiếng Ý là bản quy chiếu để so sánh. Tài liệu cuối cùng không chỉ là kết quả của các cuộc thảo luận trong hội trường, mà nó còn được truyền cảm hứng từ một hành trình phong phú và kết hợp tất cả các công việc được thực hiện trong nhiều năm trong các giai đoạn khác nhau của tiến trình hiệp hành”, thư ký của Ủy ban Thông tin nhấn mạnh. “Các tường trình viên đặc biệt và các chuyên gia đã cố gắng lắng nghe cẩn thận những gì được nói và đã xem xét các báo cáo của các nhóm hạn chế.” Hơn nữa, “sự đóng góp của các nhà thần học rất có ý nghĩa đối với cả Tài liệu lẫn Diễn đàn”. Chính trong tinh thần này mà Đại hội THĐ đã “hoan hô tất cả những người đã đóng góp cho văn kiện này”. Sheila Pires nói thêm: “Người ta cũng nhắc lại rằng tài liệu tìm thấy sự thống nhất của nó trong Tin Mừng về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu”, đồng thời nói rõ rằng “Mẹ Angelini và Cha Radcliffe đã được cảm ơn vì những suy niệm đầy cảm hứng của họ, vốn đã hướng dẫn công việc của Thượng Hội đồng và việc soạn thảo của Tài liệu cuối cùng”.
Công việc của buổi chiều
Sheila Pires giải thích: “Chiều nay, các tham dự viên sẽ tập trung thành những nhóm nhỏ để trao đổi ân huệ thực sự, như Đức Hồng Y Grech đã nói, để chia sẻ những thách thức, ước mơ, những năng động nội tâm và những động lực mới sinh ra từ việc đọc văn bản. Đó là một cách mới mẻ để sống cuộc tĩnh tâm, có lẽ không như cách thông thường. Vì vậy, đây sẽ là một ngày dành riêng cho việc cầu nguyện, suy niệm và chia sẻ bản thảo tài liệu cuối cùng”. Cuối cùng, bà kết luận : “Ngày mai và ngày mốt (Thứ Ba và Thứ Tư) các thành viên sẽ tập trung vào việc khai triển phần “các con đường””. Buổi sáng kết thúc bằng lời cầu nguyện cho linh mục Dòng Tên Marcelo Pérez, người bị sát hại ngày hôm qua tại bang Chiapas của Mexico, ngay sau thánh lễ tại giáo xứ của ngài ở Cuxtitali, một khu phố ở San Cristóbal de Las Casas.
Tìm kiếm những gì hiệp nhất
Tham gia cuộc gặp gỡ này trước báo chí có Đức Hồng y Matteo Zuppi, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, Cha Timothy Peter Joseph Radcliffe, trợ lý tinh thần của Thượng Hội đồng, người sẽ nhận mũ hồng y vào ngày 7 tháng 12, Nữ tu Nathalie Becquart, phó thư ký của Ban Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, và Đức cha Manuel Nin Güell, Giám mục Tông tòa cho người Công giáo theo nghi thức Byzantine ở Hy Lạp. Trong bài phát biểu của mình, Đức Hồng y Zuppi đầu tiên nghĩ đến thành phố Bologna, trụ sở của tổng giáo phận mà ngài là chủ chăn, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi lũ lụt xảy ra trong những ngày gần đây và buộc hàng trăm người phải rời bỏ nhà cửa, và trong khi một thanh niên bị nước lũ cuốn trôi, Đức Hồng y muốn thể hiện sự gần gũi của mình trước những đau khổ to lớn mà người dân đang phải trải qua.
Sau đó, ngài tập trung vào kinh nghiệm đối thoại trong hội trường Phaolô VI, một cuộc đối thoại “không phải là công cụ mà là nền tảng của chính Giáo hội”. Điều này được chứng minh qua những chiếc bàn xung quanh người ta ngồi nói chuyện với nhau, lắng nghe nhau, gặp gỡ nhau, trong một chiều hướng tâm linh luôn luôn, không chỉ để suy niệm và suy tư – do Cha Timothy Radcliffe và Mẹ Maria Ignazia Angelini đề xuất – mà còn vì thực tế là mọi sự đều được trải nghiệm trong một chiều kích rộng rãi, phổ quát, bởi vì tại Thượng Hội đồng có toàn thể Giáo hội và toàn thế giới.
Chẳng hạn, Đức Hồng y Zuppi cho biết ngài rất ấn tượng với bài phát biểu của Đức cha Paul Simick, Đại diện Tông Tòa của Nepal. Trong thế giới ngày nay, đối mặt với khó khăn gặp gỡ nhau, tại Thượng Hội đồng, “chúng tôi tìm kiếm những gì hiệp nhất chúng tôi”, chia sẻ những cảm xúc nhạy cảm khác nhau, cũng tùy thuộc vào lịch sử của mỗi người. Đức Hồng Y nói thêm: “Đó là một sự phong phú lớn lao, một dấu hiệu hiệp thông tuyệt vời trong một thế giới mà việc nói ra những ý tưởng của riêng mình dường như là một sự bỏ rơi hoặc một sự từ bỏ”. Đối với Đức Hồng y Zuppi, chính việc soạn thảo tài liệu cuối cùng của Thượng Hội đồng, có vẻ tốn nhiều công sức, lại là một dấu hiệu tuyệt vời về phương pháp, bởi vì Giáo hội đang sống một điều gì đó mà thế giới có thể hy vọng sống, vì “chúng ta đang ở trong cùng một ngôi nhà”, trong đó chúng ta khao khát tìm được “tình huynh đệ hiệp nhất”. “Tôi nghĩ rằng đó là một kinh nghiệm tuyệt vời trong đó chúng tôi nói về mọi thứ,” Đức Hồng y nói và đồng thời “cho rằng ngay cả sự truyền thông sáng nay của Đức Hồng y Fernández cũng là kết quả của một hành trình trong đó không có sự kiểm duyệt các chủ đề, đó là điều quan trọng để tiến tới. Tôi nghĩ đó là một phương pháp tuyệt vời cho tất cả mọi người, trong một thế giới nơi có nhiều điều được ám chỉ hoặc kêu gào”, “một trải nghiệm đẹp đẽ về tinh thần và nhân văn”.
Những cách thức mới để trở thành Giáo hội
Cha Radcliffe đã dừng lại ở con đường đổi mới mà Giáo hội đang dấn thân, một con đường sẽ xuất hiện trong tài liệu cuối cùng, trong đó các quyết định không được tìm kiếm, các chức danh sẽ không được đưa ra. Đối mặt với sự tan rã của xã hội, với chiến tranh, với giai đoạn khó khăn mà thế giới đang trải qua, Giáo hội có ơn gọi đặc biệt là trở thành dấu chỉ của Chúa Kitô, của hòa bình và hiệp thông với Chúa Kitô, và qua Thượng Hội đồng này, một một cách hình dung mới về Giáo hội đang hình thành. Đối với Cha, tài liệu cuối cùng sẽ đưa ra những hình ảnh, giống như Chúa Giêsu đưa ra các dụ ngôn để loan báo Nước Trời. “Thách thức của tài liệu này là làm thế nào chúng ta có thể ở cùng nhau theo những cách khác nhau, và điều này sẽ rõ ràng qua những hình ảnh hơn là qua những tuyên bố,” ngài nêu rõ và đồng thời đề cập đến việc Đức Giáo hoàng đã rửa chân cho các tù nhân, cũng như một linh mục người Mỹ, nổi tiếng ở miền bắc Pakistan, mục tử giữa dân chúng, với mùi chiên của mình. Những hình ảnh cho phép hiểu Tin Mừng có thể chạm đến và đổi mới Giáo hội như thế nào. Cha Radcliffe nhấn mạnh rằng chính như thế mà cần phải đọc tài liệu cuối cùng của Thượng Hội đồng, bằng cách tìm kiếm những cách thức mới để trở thành Giáo hội, cho phép chúng ta hiệp thông “với nhau và với Chúa Kitô”.
Kinh nghiệm chia sẻ với đại biểu huynh đệ
Nữ tu Nathalie Becquart, phó tổng thư ký của Thượng Hội đồng, tham gia vào ủy ban đại kết, đã chia sẻ bầu không khí huynh đệ với các đại biểu huynh đệ. Sơ nhấn mạnh: “Thượng hội đồng mang lại cho chúng ta một hình ảnh mới về Giáo hội,” giống như hình ảnh Đức Giáo hoàng có mặt tại các bàn lắng nghe mang lại, hoặc hình ảnh nổi lên trong buổi cầu nguyện đại kết, khi “tất cả chúng ta cùng nhau cầu nguyện để tưởng nhớ cuộc tử đạo của Thánh Phêrô”, vốn mở ra một giai đoạn mới cho các mối quan hệ đại kết và sự hiệp nhất Kitô hữu, bởi vì trong Thượng Hội đồng này có một cách hiểu mới về việc thực thi quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng và tính hợp đoàn của các giám mục và của toàn thể dân Thiên Chúa. “Tôi bị ấn tượng bởi sự khác biệt so với năm ngoái”, nữ tu Nathalie Becquart nói về công việc trong hội trường, “có rất nhiều chất lượng của việc lắng nghe và tham gia”. Sơ nói tiếp, phụ nữ thực thi một loại quyền bính thông qua sự tham luận và đóng góp của họ; có nhiều phụ nữ đại diện cho các nhóm hơn. “Đây là những bước nhỏ,” nữ tu Becquart nói tiếp và đồng thời tái khẳng định, như Đức Hồng y Fernández đã nói, rằng, từng bước một, phụ nữ sẽ có thể đảm nhận một số vai trò trong Giáo hội.
Người Công giáo Đông phương ở Hy Lạp
Đức cha Manuel Nin Güell, giám mục tông tòa của người Công giáo theo nghi lễ Byzantine ở Hy Lạp, người đang lãnh đạo một cộng đồng nhỏ – được hình thành cách đây 100 năm, sau cuộc chiến Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người tỵ nạn Hy Lạp đã đến Athens – gồm hai giáo xứ: một là Nhà thờ chính tòa Athens, giáo xứ kia cách khoảng 500 km về phía bắc, gần Thessalonica, ở Yannitsa. Có bảy linh mục: hai người Hy Lạp, một người Slovakia, một người Chaldean, có nhiều nguồn gốc sắc tộc khác nhau. Ba cộng đồng của giáo phận là các tín hữu Hy Lạp, các tín hữu Ucraina, đã đến đây 28 năm trước khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Ucraina, và những người khác mới đến sau chiến tranh, và các tín hữu Chaldean, tức là các Kitô hữu Iraq theo truyền thống đông Syria. Giáo phận cũng có một Caritas làm việc với Chính thống giáo và Hồi giáo, cũng như một tổ chức dành cho các bệnh nhân tự kỷ. Chuẩn Giáo phận này là một Giáo hội sui iuris, trong truyền thống Công giáo. Không phải ai cũng nhận thức được điều này, Đức Cha nhấn mạnh, và Thượng Hội đồng là một cơ hội để học biết nhau, biết về Giáo hội Công giáo Đông phương và vai trò của các Giáo hội Công giáo Đông phương, vốn có cùng phụng vụ, cùng thần học, cùng một nền linh đạo, cùng các kỷ luật giáo luật như các Giáo hội anh em Chính thống giáo của chúng ta, và với họ, chúng tôi muốn có một cuộc đối thoại đại kết, để trở thành những cầu nối.
Câu hỏi của nhà báo
Hòa bình, trách nhiệm của giáo dân trong các tiến trình hiệp hành và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội là những chủ đề chính được đề cập trong phần dành riêng cho các câu hỏi của các nhà báo. Về hòa bình, Đức Hồng y Zuppi bắt đầu bằng cách nói rằng “Thượng Hội đồng đã tiếp cận nó một cách rõ ràng và như một tầm nhìn: sứ mạng của tôi” – liên quan đến chuyến thăm gần đây của ngài tới Moscow, với tư cách là đặc phái viên của Đức Thánh Cha, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ucraina – “được sinh ra chính xác bởi vì Giáo hội, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rất nhiều lần, là một bệnh viện dã chiến, cả về tinh thần lẫn vật chất, và do đó phải có mặt ở nơi đâu người ta đang đau khổ và thiếu thốn”.
Một tính hiệp hành được sống một cách cụ thể
Một số nhà báo đã bày tỏ lo ngại rằng một khi đại hội kết thúc, những trở ngại hoặc khó khăn có thể vẫn còn trong các tiến trình hiệp hành trong các giáo phận của họ. Nhưng trên thực tế, Sơ Becquart nói, “cần phải nhớ rằng trong thực tế luôn có sáng kiến tự do của giáo dân, như được quy định trong giáo luật”. Thật vậy, Sơ giải thích, khi nhắc lại bài suy niệm buổi sáng của Cha Radcliffe, “tất cả đều được mời đóng góp vào quá trình này theo đặc sủng riêng của họ”. Hơn nữa, “chúng ta được mời gọi tin rằng mọi người đều có thể thay đổi, ngay cả những người ngày nay có lẽ vẫn còn miễn cưỡng hơn trong việc chấp nhận con đường của Thượng Hội đồng”. Và, trích dẫn chứng từ của một Giám mục người Mỹ, ngài nhấn mạnh rằng đối với nhiều người, “trải nghiệm trong những tuần này đang thay đổi cách họ nhìn về Giáo hội, nhờ vào tác động của Chúa Thánh Thần”. Vì vậy, “mọi người đều có trách nhiệm, mỗi người đều có khả năng tìm ra một phương thế đối thoại và phân định”.
“Trong các phiên họp của Đại hội, chúng tôi đã thấy những người trực tiếp sống tính hiệp hành cuối cùng đã chấp nhận nó như thế nào,” Sơ kết luận và trích dẫn ví dụ về cuộc họp trù bị năm ngoái, trong đó nhiều cha sở, những người đến với sự hoài nghi, đã nhiệt tình rời đi và thay đổi. Theo nghĩa này, Nữ tu Nathalie Becquart nói thêm khi đề cập đến công việc của nhóm 5, có tính chất đặc biệt là giải quyết một chủ đề (phó tế nữ) không trực tiếp là chủ đề của Thượng hội đồng, “tính hiệp hành đang được thực hiện trong mỗi nhóm làm việc”.
Vai trò của phụ nữ
Phần cuối của phần trình bày tập trung chính vào vai trò của phụ nữ. Về điểm này, Cha Radcliffe nhấn mạnh rằng người ta không nên chỉ tập trung vào các chức bí tích, mà phải xem xét “các vị trí cao hơn mà nhiều phụ nữ trở thành Tiến sĩ Giáo hội đã đạt được trong suốt nhiều thế kỷ lịch sử”. Ngài chỉ ra rằng: “Nếu chúng ta không ghi nhớ rằng các bí tích và giáo huấn của Giáo hội là nền tảng, khi đo lường mọi thứ bằng thước đo của việc truyền chức, thì chúng ta có nguy cơ chỉ trượt về những vị trí rất giáo sĩ”. Đức cha Güell nói thêm: “Đúng là khi đọc các bản văn của các Giáo phụ, chúng ta có thể thấy có bao nhiêu “danh ngôn” thuộc về các giáo mẫu sa mạc, với chiều sâu thần học, nhân bản và tâm lý đáng chú ý: chúng ta hãy tránh cám dỗ nhấn mạnh vai trò của phụ nữ thông qua chủ nghĩa giáo sĩ trị”. Những lời này đã được lặp lại bởi nữ tu Beqcuart, người đã nhấn mạnh tầm quan trọng của viễn cảnh trong đó Giáo hội được nhìn nhận. “Ngày nay, phụ nữ đã nắm giữ các vị trí cấp cao, là chủ tịch của các trường đại học Công giáo, các tổ chức như Caritas hoặc các bộ phận của các hội đồng giám mục”. Vì vậy, “có nhiều cách để thăng tiến sự lãnh đạo của phụ nữ, hãy nghĩ đến nhiều giám mục bổ nhiệm phụ nữ làm tổng đại biểu giáo phận, với khả năng đóng góp vào việc quản lý tổ chức”.
Hoán cải não trạng là cần thiết
Khi đề cập đến chủ đề này, Đức Hồng y Zuppi nói thêm, “chúng tôi có cảm giác rằng việc thực hành, ngày nay và không chỉ trong lịch sử tư tưởng Kitô giáo và Công giáo, còn đi xa hơn những gì chúng tôi tin tưởng”. Tiếp đến, sơ Nathalie Becquart nói tiếp, cũng phải nói rằng “vẫn còn những trở ngại, khó khăn, nhất là ở cấp độ văn hóa và xã hội. Bởi vì Giáo hội là một phần của xã hội. Chẳng hạn, tôi ghi nhận điều này khi nói chuyện với các giám mục hoặc đại sứ Anh giáo. Nếu một người đàn ông phát biểu trong một hội nghị ngoại giao, thì bài phát biểu này sẽ được tính đến, nếu một phụ nữ phát biểu, thì việc xem xét sẽ ít hơn: đó thường là một điều gì đó vô thức”. “Tuy nhiên, điều này thuyết phục tôi về một thực tế rằng một sự hoán cải não trạng thực sự là cần thiết, và điều này cần có thời gian: bởi vì chúng ta kế thừa não trạng không chỉ của Giáo hội, mà còn của xã hội nơi chúng ta đang sống”.
Cuối cùng, trước nỗi sợ hãi được cha Timothy Radcliffe gợi lên trong bài suy niệm buổi sáng liên quan đến sự thất vọng mà một số người có thể cảm thấy vào thời điểm phê chuẩn tài liệu cuối cùng, nhà thần học Dòng Đa Minh đã mời gọi “vượt qua khó khăn trong việc hiểu bản chất thực sự của Thượng Hội đồng”, mà – như Đức Thánh Cha đã nói nhiều lần – “không phải là một quốc hội, nhưng là một nơi lắng nghe trong sự hiệp thông”.
Tý Linh
(theo Tiziana Campisi và Roberto Paglialonga – Vatican News)
Tags: nữ giới, Phanxicô-I, synode, Văn hóa, Đối-thoại-liên-tôn
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC