THƯỢNG HỘI ĐỒNG: “MỘT CÁCH THỨC MỚI ĐỂ TRỞ THÀNH GIÁO HỘI”
Trong cuộc gặp áp chót với giới truyền thông tại Văn phòng Báo chí Vatican, ngày 27/10/2023, những phát biểu của Thầy Alois của Taizé, Cha Radcliffe và Mẹ Angelini, những người đã đồng hành cùng đại hội bằng những bài suy niệm của các ngài, làm nổi bật sự kiện “tiến trình hiệp hành đang dẫn chúng ta đến một cách thức mới để trở thành Giáo hội”, đưa “Giáo hội vào một quá trình hoán cải” với “phong cách học hỏi cùng nhau”. Cha Radcliffe cũng lưu ý rằng các linh mục không cần phải lo sợ khi vấn đề giáo sĩ trị được nhấn mạnh ở Thượng hội đồng, vì còn nhiều vẻ đẹp của đời sống linh mục cần phải được nhấn mạnh nữa.
“Chúng ta đừng mệt mỏi khi không ngừng cầu nguyện cho hòa bình”: chính với những lời này mà Đức Hồng y Mario Grech , tổng thư ký Thượng hội đồng Giám mục, đã khai mạc buổi làm việc của Thượng hội đồng vào sáng thứ Sáu, khi nhắc lại “hôm nay là ngày giữ chay và cầu nguyện cho hòa bình”. Đức Hồng y đang đề cập đến thời gian cầu nguyện được tổ chức vào tối thứ Sáu tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Paolo Ruffini: hướng tới việc bỏ phiếu “Báo cáo tổng hợp”
320 thành viên đã có mặt tại phiên họp chung vào sáng thứ Sáu do những dấn thân đồng thời tại Giáo triều Rôma và các cuộc họp khác, Paolo Ruffini giải thích trong báo cáo của mình về công việc của Thượng hội đồng. Sau lời cầu nguyện, trước cuộc thảo luận trong các nhóm nhỏ và các tham luận tự do – dành riêng cho việc thu thập các câu hỏi, gợi ý và đề xuất liên quan đến giai đoạn tiếp theo của tiến trình hiệp hành vốn sẽ đồng hành cùng chúng tôi cho đến tháng 10 năm sau – một số thông tin đã được cung cấp về bản dự thảo cuối cùng của báo cáo tổng hợp.
Thứ Năm, khi kết thúc cuộc thảo luận về dự thảo báo cáo đầu tiên, vị tổng trưởng giải thích, 1125 sửa đổi tập thể đã được thu thập từ các nhóm và 126 sửa đổi cá nhân. “Tất cả đã và sẽ được xem xét. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với những người đã gửi chúng. Công việc tiếp nhận vẫn đang được tiến hành. Các biên tập viên và chuyên gia – những người được Đại hội hoan nghênh – đang làm việc, ngay cả trong đêm, để chuẩn bị phiên bản cập nhật của văn bản”.
Paolo Ruffini giải thích rằng “ý định trước tiên là đón nhận những sửa đổi được chấp nhận rộng rãi, để chúng có thể tìm thấy vị trí của mình trong việc cập nhật văn bản.” Sau khi chấp nhận những sửa đổi do các nhóm nhỏ cung cấp, bản văn sẽ được xem xét tại cuộc họp của Ủy ban Báo cáo Tổng hợp.
Vị tổng trưởng nêu rõ, theo điều 33 § 2 của Hướng dẫn cử hành các Đại hội Thượng hội đồng, Ủy ban sẽ được yêu cầu phê chuẩn văn bản theo đa số tuyệt đối. “Sau đó, từ tối thứ Sáu đến sáng thứ Bảy, phiên bản cuối cùng của văn bản sẽ được chuẩn bị và do đó, phiên họp chung theo lịch sẽ không diễn ra vào sáng thứ Bảy. Các thành viên sẽ có văn bản vào giữa buổi sáng. Các phiên bản chính thức sẽ bằng tiếng Anh và tiếng Ý”.
“Bằng cách này,” Paolo Ruffini nhấn mạnh, “chúng tôi đã cố gắng cho mọi người đủ thời gian để có thể đọc trước báo cáo tổng hợp ở phiên bản cuối cùng của nó, để có thể chuẩn bị tốt hơn cho cuộc bỏ phiếu vào buổi chiều. Bản văn được cung cấp cho các thành viên phải được coi là bí mật tuyệt đối và không được phổ biến dưới bất kỳ hình thức nào”.
Chiều thứ Bảy, phiên họp chung sẽ bắt đầu lúc 3 giờ 30 chiều và sẽ bắt đầu bằng việc đọc toàn bộ báo cáo tổng hợp. Sau phần đọc này sẽ là bỏ phiếu điện tử, vốn cho phép bỏ phiếu kín cho từng đoạn văn bản. Dựa trên điều 35 § 3 của Hướng dẫn cử hành các Đại hội Thượng Hội đồng, không công nhận bỏ phiếu trắng. Theo § 4 của cùng điều 35 của Hướng dẫn, các đoạn riêng lẻ được coi là chấp thuận bởi đa số 2/3 số thành viên có mặt trong cuộc bỏ phiếu.
Paolo Ruffini cũng thông báo rằng những bài suy niệm của Cha Timothy Radcliffe trong khóa tĩnh tâm tại Sacrofano – người có mặt tại cuộc họp báo – được tập hợp thành một cuốn sách có sẵn bằng tiếng Ý và tiếng Anh và đã được phân phát cho các thành viên Thượng hội đồng. Và, theo ý muốn rõ ràng của Đức Thánh Cha, một cuốn sách khác (có sẵn bằng bốn thứ tiếng: Ý, Anh, Pháp và Tây Ban Nha), vốn tập hợp bốn bức thư mà Cha Radcliffe gửi cho Dòng Đa Minh trong những năm ngài là Bề trên Tổng quyền, đã được trao cho các thành viên của Thượng Hội đồng.
Vào Chúa Nhật 29/10, Thánh Lễ kết thúc Thượng hội đồng sẽ diễn ra vào lúc 10 giờ sáng tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.
Sheila Pires: để có sự tham gia lớn hơn của thượng hội đồng
Thư ký của Ủy ban Thông tin sau đó đã trình bày khuôn khổ và nội dung của các bài tham luận trong các nhóm nhỏ, tất cả đều tập trung vào giai đoạn sẽ diễn ra sau khi kết thúc thượng hội đồng tiếp theo, sau tháng 10 năm 2024. Quả thế, chủ đề của ngày là về chia sẻ ý tưởng và đề xuất về các phương pháp phải theo và các giai đoạn của giai đoạn tiếp theo của tiến trình hiệp hành, trước khóa họp thứ hai vào năm tới.
Nhiều tham dự viên đề nghị rằng thời gian của Đại hội tiếp theo là ba tuần chứ không phải bốn. Và rằng sẽ có nhiều thời gian hơn cho việc suy nghĩ cá nhân và suy niệm, điều này cũng sẽ cho phép tham gia tốt hơn vào các bài tham luận trong Đại hội. Cũng được yêu cầu tổ chức các cuộc họp nhóm nhiều hơn.
Cũng được đề xuất thêm rằng bản tóm tắt ngắn gọn của văn kiện tổng hợp phải được viết bằng ngôn ngữ dễ hiểu hơn đối với mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Tiếp đến, tầm quan trọng của việc đưa “các cuộc đối thoại trong Thánh Thần vào các cộng đồng, để tránh nguy cơ các cuộc thảo luận bị tách rời khỏi đời sống cụ thể của Dân Chúa” đã được nhấn mạnh. Hơn nữa, “có đề nghị là cần có sự tham gia của các cộng đồng địa phương ở mọi cấp độ, đi theo con đường hiệp hành”. Cuối cùng, Sheila Pires kết luận, “các đề xuất đã được đưa ra để áp dụng tính hiệp hành và đồng trách nhiệm, bằng cách tận dụng tốt các khả năng đã được giáo luật đưa ra, để bao hàm giới trẻ, phụ nữ và các phó tế”.
Mẹ Angelini: tại Thượng hội đồng với kinh nghiệm Biển Đức
Mẹ Maria Ignazia Angelini, tu sĩ Dòng Biển Đức của đan viện Viboldone, là trợ lý tinh thần của Thượng hội đồng. Sơ tâm sự, một vai trò “rất phù hợp với tôi, bằng cách tham gia lắng nghe, cầu nguyện và tương tác với các thành viên của Thượng hội đồng, trong những khoảng nghỉ khác nhau giữa các nhóm nhỏ, từ kinh nghiệm về lối sống đan tu trong Giáo hội, một kinh nghiệm bên lề từ lúc bắt đầu nhưng với một trách vụ ngôn sứ, và tôi nghĩ đến Thánh Biển Đức”.
Mẹ Angelini nói tiếp : thật là ý nghĩa khi “có thể thể hiện sự vô nghĩa tuyệt đối của tôi trong sợi dây ý nghĩa liên tục này trong lịch sử Giáo hội, ẩn sâu trong gốc rễ của những vấn đề được đề cập, một gốc rễ được thể hiện trong tầm nhìn đan tu về đời sống của Giáo hội trong việc nghiên cứu Thánh Kinh, cầu nguyện và mối quan hệ huynh đệ, vốn trở nên hiếu khách”.
Từ quan điểm này, Sơ một lần nữa nhấn mạnh tính chất “cách mạng” của Thượng hội đồng, “một sự thay đổi nhịp điệu trong đời sống Giáo hội, theo nghĩa bao gồm sự hiện diện”, với “một tia cởi mở trong khả năng lắng nghe những khác biệt, khả năng nhìn vào thực tế, trong một thời điểm phức tạp của lịch sử, khó hiểu, vốn đòi hỏi ở đức tin một tầm nhìn từ viễn cảnh cao nhất, trong đó sự hiện diện của Thiên Chúa trở thành nhục thể.”
“Thánh Kinh cho chúng ta những tiêu chuẩn sâu sắc và sáng suốt để giải thích những thời điểm lịch sử khủng khiếp như vậy”, Mẹ Angelini nói tiếp và đồng thời ca ngợi cách thức “có tính đổi mới sâu sắc” trong đó các hồng y, giám mục, thần học gia và giáo dân đã quy tụ lại, với tất cả những khác biệt của họ, để cầu nguyện và lắng nghe nhau. Sơ kết luận: “Điều quan trọng là phải xem chúng ta tiến về phía trước như thế nào từ trải nghiệm này”.
Cha Radcliffe: với phong cách học hỏi cùng nhau
Cha Timothy Peter Joseph Radcliffe, một tu sĩ Đa Minh đến từ tu viện Oxford của Anh, sau đó đã phát biểu. Ngài cũng tham gia Thượng hội đồng với tư cách là trợ lý tinh thần. Ngài nói: Tính hiệp hành là một phần trong cách thức tồn tại của Dòng ngài, được thành lập cách đây 800 năm, nơi các quyết định được cùng nhau đưa ra. Vì đây là Thượng hội đồng thứ tư của ngài, nên ngài lưu ý rằng Thượng hội đồng này thực sự khác biệt so với các Thượng hội đồng khác. “Tôi nghĩ rằng việc nhìn thấy các hồng y, các phụ nữ trẻ đến từ Châu Mỹ Latinh và Châu Á ngồi lại với nhau để nói chuyện đã mang lại sự biến đổi về mặt kinh nghiệm của mọi người và cách họ trở thành Giáo hội”.
Tuy nhiên, ngài bảo đảm, “chắc chắn đây vẫn là một Thượng hội đồng Giám mục, bởi vì nó cho thấy rất rõ ràng ý nghĩa của việc trở thành các đại diện của giám mục đoàn, không phải với tư cách là những cá nhân đơn độc, mà là như các giám mục đắm mình trong cuộc trò chuyện của dân mình” bằng cách “nghe, nói, học hỏi cùng nhau.”
Cha Radcliffe cũng nói về những thay đổi mà nhiều người đang mong đợi đối với tương lai của Giáo hội: “Điều đó có nghĩa là họ có lẽ không tìm kiếm điều đúng đắn, bởi vì chúng ta đang quy tụ để xác định làm thế nào trở thành Giáo hội theo một cách thức mới, thay vì đưa ra những quyết định cụ thể; làm thế nào chúng ta có thể trở thành một Giáo hội biết lắng nghe và các thành viên của Giáo hội lắng nghe xuyên qua các nền văn hóa, và lắng nghe truyền thống theo dòng thời gian. Chúng ta đang học cách cùng nhau đưa ra quyết định, lắng nghe nhau: chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một quá trình học hỏi, vì vậy sẽ có những trở ngại và sai lầm, và điều đó không nghiêm trọng, vì chúng ta đang trên hành trình”.
Thật vậy, ngài nhấn mạnh, “quá trình học hỏi như vậy ngày nay có tầm quan trọng đặc biệt. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bạo lực, nơi sự giao tiếp giữa con người bị phá vỡ, chẳng hạn như ở Trung Đông, Ucraina và nhiều nơi ở Châu Phi, cũng như ở chính các nước của chúng ta, ở Anh và Hoa Kỳ, nơi chúng ta đang chứng kiến một sự phân cực, và bằng cách này hay cách khác, chúng ta phải học cách nói chuyện và lắng nghe lẫn nhau.” Do đó, hy vọng rằng Thượng hội đồng này sẽ không chỉ “hữu ích trong việc chữa lành vết thương của Giáo hội mà còn cho nhân loại”.
Thầy Alois: một cách thức mới để trở thành Giáo hội
Thầy Alois, bề trên cộng đoàn Taizé từ năm 2005, sau khi Thầy Roger qua đời (vào ngày 3 tháng 12 thầy sẽ nhường chỗ cho Thầy Matthieu) – người đang tham gia Thượng hội đồng với tư cách là “khách mời đặc biệt” – bắt đầu bằng việc trích dẫn một câu nói được một mục sư Cải cách tâm sự với Thầy, người đang có mặt trong hội trường với tư cách là đại biểu huynh đệ: “Thượng hội đồng này là một kinh nghiệm sâu sắc về sự hiệp thông”. Những lời lẽ quan trọng chứng thực rằng Thượng hội đồng đã thực sự “mở ra cho tất cả các Kitô hữu và thế giới”.
Về vấn đề này, Thầy Alois nhắc lại buổi cầu nguyện đại kết diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 30 tháng 9 với sự hiện diện của đại diện các Giáo hội và cộng đồng Kitô giáo khác nhau. Thầy nói : “Đó là một hình ảnh về những gì chúng ta hiện đang trải qua trong đối thoại đại kết , đó là một thời cơ (kairos), một sự mở đầu, một thời điểm cho phép chúng ta tiến tới trong đối thoại đại kết thiêng liêng” bắt đầu từ nhận thức rằng “tất cả chúng ta đều được rửa tội trong Chúa Kitô” và “chúng ta là một phần của một thân thể”. Ngài nói thêm, điều này “được thể hiện rõ ràng trong suốt Thượng hội đồng”, đặc biệt trong việc lắng nghe, sự đơn sơ, mong muốn đối thoại, niềm vui được ở bên nhau. Thầy mong muốn : “Tôi thực sự hy vọng rằng phong cách này có thể lan rộng đến nhiều nơi trên thế giới, bởi vì tiến trình hiệp hành đang dẫn chúng ta đến một cách thức mới để trở thành Giáo hội”.
Phương pháp Thượng hội đồng không gây sợ hãi
Trước câu hỏi đầu tiên của các nhà báo – những người đã hỏi ngài rằng, một cách nào đó, vì những cuốn sách của ngài về truyền thông mà Đức Thánh Cha Phanxicô đánh giá rất cao, liệu ngài có tự coi mình là một trong những “người xây dựng” Thượng hội đồng này hay không – Cha Radcliffe trả lời rằng ngài không có vai trò đặc biệt nào để đóng, nhưng đã tham gia vào cuộc đối thoại chung. Tiếp đến, khi được hỏi về khả năng của Thượng hội đồng trong việc đưa Giáo hội vào một giai đoạn mới bất chấp sự hoài nghi của một số người, Thầy Alois nhắc lại rằng thầy đánh giá cao công việc của những tuần này một sự tiến triển nào đó trong cuộc đối thoại giữa những người thuộc các nền văn hóa khác nhau vốn tìm cách hiểu nhau. Thầy chắc chắn rằng Thượng hội đồng đã thực hiện một sự biến đổi trong tâm hồn họ theo “con đường mà tất cả chúng ta phải cùng nhau đi”.
Cha Radcliffe lặp lại lời Thầy khi nói rằng nhiều người sợ phương pháp của Thượng hội đồng vì họ không hiểu nó, sợ rằng cuộc tranh luận của Thượng hội đồng có bản chất chính trị và gây ra sự ly giáo, đang khi chính điều ngược lại đang xảy ra. Ngài lưu ý: “Thượng hội đồng là một sự kiện của cầu nguyện và đức tin”.
Khi được về những gợi ý thực tế nào mà ngài sẽ đưa ra cho một cha sở để thực hiện tiến trình hiệp hành của Thượng hội đồng này, Cha Radcliffe cho biết chủ đề thường xuyên của Thượng hội đồng là phê bình chủ nghĩa giáo sĩ trị; tuy nhiên, điều này không nên khiến các linh mục lo sợ…, nhưng đúng hơn Giáo hội cũng cần tìm ra một phương tiện để chia sẻ tất cả những khía cạnh tích cực của chức linh mục giáo phận, vẻ đẹp và tình huynh đệ của nó, bằng cách nâng đỡ công việc của những người loan báo Tin Mừng, chứ không chỉ là vấn đề giáo sĩ trị. Cần có một cái nhìn tích cực nữa, và các linh mục sẽ rất hài lòng về tiến trình hiệp hành này, bắt đầu từ giáo xứ của mình bằng cách tổ chức các buổi cầu nguyện chung….
Khi được hỏi về các diễn giải chính trị có thể có của Thượng hội đồng, Cha Radcliffe nhấn mạnh rằng ngài không nghĩ rằng một cuộc xung đột ý thức hệ nảy sinh từ các cuộc tranh luận. Điều nổi bật, đó là sự khác biệt về văn hóa. Và vẻ đẹp của đạo Công giáo là chào đón mọi người từ khắp nơi trên thế giới, bởi vì các nền văn hóa có sự đa dạng đẹp đẽ vốn làm phong phú thêm. Điều có thể là mối quan tâm đối với một môi trường văn hóa này lại không phải là mối quan tâm đối với những người sống ở nơi khác. Do đó, học cách tôn trọng mối quan tâm của người khác là một vấn đề quan trọng hơn nhiều so với các vấn đề ý thức hệ vốn không được đề cập tại Thượng hội đồng.
Về vấn đề này, Thầy Alois nhận xét, chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng có nhiều nỗi sợ hãi và lo lắng. Cám dỗ khép kín chính mình nơi các ý thức hệ vẫn tồn tại, nhưng trong Giáo hội, chúng ta thực sự có thể đi ngược dòng, vượt qua các biên giới. Chúng ta thấy điều này, với những người trẻ ở Taizé, những người muốn hiểu biết hơn, tôn trọng hơn. Ngài kết luận: Trong Giáo hội, chúng ta phải tìm ra một cách rõ ràng hơn nữa để trải nghiệm vẻ đẹp của sự đa dạng.
Trả lời câu hỏi về việc tiếp nhận người đồng tính vào chủng viện, Cha Radcliffe nhấn mạnh rằng vấn đề không phải là sự loại trừ, mà thực tế là một số người đã coi đồng tính luyến ái là “một yếu tố trung tâm của căn tính của họ”, điều này làm dấy lên nghi ngờ về khả năng làm linh mục của họ. Sau đó, khi được hỏi về những thành quả mà Thượng hội đồng có thể mang lại, ngài nhắc lại rằng đó không chỉ là một hoạt động đối thoại mà trên hết là chia sẻ, đánh giá cao sự cởi mở của mọi người “đối với cuộc sống và kinh nghiệm của những người đến từ những nơi khác nhau”. Đồng quan điểm, Thầy bề trên cộng đoàn Taizé nhấn mạnh rằng phương pháp lắng nghe “đã có kết quả”, ngay cả khi phải mất thời gian để thấy được thành quả của những gì đã gieo, và Thầy đánh giá cao thực tế là “trong đại hội này, không gian lắng nghe này được đưa ra theo một phương pháp Tin Mừng sâu sắc.”
Trả lời câu hỏi về giới trẻ, Mẹ Angelini nói rằng việc không tham gia vào các nhóm nhỏ – được định nghĩa là một thời điểm hiệu quả mà người ta có thể trải nghiệm “bước chuyển từ ‘tôi’ đến ‘chúng ta’” – quan điểm của Sơ là một phần, nhưng Sơ giải thích rằng Giáo hội cần phải tìm một ngôn ngữ thích hợp, đặc biệt là trong thế giới kỹ thuật số và truyền thông bằng các phương tiện truyền thông mới, nhưng cả ngôn ngữ phụng vụ, vốn hoàn toàn lỗi thời đối với các thế hệ mới. Và chính về điểm này mà một nhu cầu hoán cải đã nảy sinh trong Thượng hội đồng. Theo nghĩa này, sự hiện diện của các sư huynh Taizé trong buổi cầu nguyện đại kết ngày 30 tháng 9 là một khoảnh khắc mạnh mẽ.
“Mọi thứ bây giờ phụ thuộc vào khả năng của các thành viên Thượng hội đồng trong việc đưa những trường hợp này đến các Giáo hội địa phương”, bằng cách xác định những nơi lắng nghe lẫn nhau để mang vấn đề lớn này về sự vắng mặt của người trẻ trong đời sống Giáo hội. Mẹ Angelini tiếp tục, “nếu nhu cầu như vậy được thể hiện trong Thượng hội đồng, thì bây giờ cần phải đóng vai trò trung gian và cầu nguyện để có những nơi mà người trẻ cảm thấy được kêu gọi, được thu hút và tham gia vào một quá trình hoán cải của Giáo hội, chứ không chỉ đối thoại cá nhân, bởi vì họ cần kể những câu chuyện của mình và cũng phải được bao hàm trong các con đường phân định, đọc lịch sử, các quyết định ở cấp độ thực tế trong các Giáo hội địa phương”.
Sau một câu hỏi, Paolo Ruffini nhắc lại rằng không thể bỏ phiếu trắng trong quá trình bỏ phiếu và đề cập đến những đề xuất mà mỗi nhóm được mời gọi thảo luận. Trên thực tế, con đường phải đi từ nay đến đại hội tiếp theo là rõ ràng và một sự phân định về sau trong các giáo phận là điều cần thiết. Điều đáng chú ý là câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để dân Chúa – những người sống ở những nơi rất khác nhau, có thể là nơi chiến tranh hoặc đau khổ – tham gia vào cuộc hành trình mà họ được bao hàm. Tuy nhiên, ông kết luận, các ý kiến phải đến được ủy ban vào tối nay, nơi sẽ xử lý chúng, để biến chúng thành của mình hoặc đưa ra đề xuất. Cha Radcliffe can thiệp để nói thêm rằng “đây là lần đầu tiên những người không phải giám mục có quyền bầu cử”.
Trước câu hỏi về tầm quan trọng của việc chữa lành vết thương của nhân loại, Cha Radcliffe trả lời rằng cần phải “chìa tay ra cho những người bị thương, chăm sóc họ”. Ngài cũng đề cập đến kinh nghiệm của Luca Casarini, tham dự viên Thượng hội đồng, người tham gia giải cứu những người di cư trên biển. Ngài kết luận : “Chăm sóc người lân cận của chúng ta cho phép chúng ta chữa lành vết thương của người khác, cũng như điều rất quan trọng là lắng nghe tiếng nói của những người bị thương, điều đó cho phép chúng ta giúp đỡ họ trong việc chữa lành.”
Về mối quan hệ trực tiếp có thể có giữa suy tư của Thượng Hội đồng và thông cáo sáng nay liên quan đến Cha Rupnik – với quyết định của Đức Giáo hoàng về việc bãi bỏ thời hiệu để cho phép tổ chức một phiên tòa – Tổng trưởng Ruffini tuyên bố: “Tôi không tin rằng có một mối quan hệ với những gì Thượng hội đồng đã nói nhiều lần và những gì Giáo hội đã và đang làm trong nhiều năm để giải quyết tai họa lạm dụng và tạo ra một con đường sám hối, vốn chưa bắt đầu ngày nay, và để thực hiện các tiêu chuẩn mới đã được tán thành.” Tuy nhiên, ông Ruffini nói thêm,Thượng hội đồng không giải quyết các trường hợp cá nhân, và đồng thời ông nhắc lại tầm quan trọng của công việc của Đức Thánh Cha Phanxicô trong cuộc chiến chống lạm dụng.
Tý Linh
(theo Vatican News)
Tags: Phanxicô-I, synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG