THƯỢNG HỘI ĐỒNG : TÍNH CHẤT GIÁM MỤC CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG KHÔNG BỊ TỔN HẠI BỞI SỰ HIỆN DIỆN CỦA GIÁO DÂN VÀ TU SĨ
Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư ngày 25 tháng 10, Chủ tịch Ủy ban Thông tin Paolo Ruffini thông báo rằng các thành viên của Đại hội đã nhận được văn bản của văn kiện tổng hợp cuối cùng: sự hiện diện của các tu sĩ và giáo dân không làm thay đổi bản chất của Đại hội, vốn là và vẫn là Thượng hội đồng Giám mục, nhưng nhắc nhở chúng ta rằng Thượng hội đồng không phải là một sự kiện biệt lập. Nó là một phần không thể thiếu của sự phân định.
Bản văn của Thư gửi Dân Thiên Chúa đã được phân phát cho các tham dự viên Thượng hội đồng vào thứ Tư, ngày 25 tháng 10, trong phiên họp chung lần thứ 17 của khóa họp đầu tiên của Đại hội đồng thông thường lần thứ 16 của Thượng Hội đồng Giám mục, với 348 người hiện diện. Văn bản của Văn kiện tổng hợp cuối cùng, sẽ được đọc vào sáng thứ Bảy ngày 28 tháng 10 và được biểu quyết vào buổi chiều, cũng đã được trình bày và phân phát vào sáng thứ Tư. Điều này đã được công bố bởi Paolo Ruffini, Tổng trưởng Bộ Truyền thông và chủ tịch Ủy ban Thông tin, và Sheila Pires, thư ký của cùng Ủy ban, trong cuộc họp với các nhà báo.
Sheila Pires: Thư gửi Dân Thiên Chúa
Bức Thư gửi Dân Thiên Chúa, “được sửa đổi theo những gợi ý của Đại hội thông qua những tham luận bằng miệng và bằng văn bản” kể từ đầu tuần, đã được trao cho các thành viên Thượng Hội đồng, được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau. Dự án này sẽ được đưa ra biểu quyết vào buổi chiều trong ngày khai mạc Đại hội lần thứ 18. Như Đức Hồng y Grech đã nói khi bắt đầu buổi làm việc sáng nay, đó là một “văn bản đơn giản”, nhằm mục đích kể lại “kinh nghiệm tích cực” đã diễn ra tại Thượng hội đồng. Sheila Pires nói tiếp, ban đầu, “người ta thậm chí còn cân nhắc việc phê duyệt nó bằng cách hoan hô, để có thêm thời gian thảo luận về văn kiện tổng hợp”.
Paolo Ruffini: quy trình văn kiện tổng hợp
Tiếp đến, Paolo Ruffini giải thích rằng văn kiện tổng hợp cuối cùng của khóa họp đầu tiên này của Thượng hội đồng cũng đã được trình bày và phân phát. Văn bản dài 40 trang này được phân phối bằng tiếng Ý và tiếng Anh, cùng với các bản dịch sang các ngôn ngữ khác. Và “cuộc thảo luận và bỏ phiếu về tài liệu sẽ diễn ra như thế nào cũng đã được giải thích.” Hơn nữa, chủ tịch Ủy ban Thông tin nói thêm, “đây cũng là một cơ hội để tái khẳng định bản chất và thẩm quyền của Đại hội, bao gồm cả sự hiện diện của các thành viên không phải là giám mục. Đó là một Đại hội tư vấn. Sự tham gia của những người không phải giám mục được Tông hiến Episcopalis communio dự kiến. Giai đoạn đại hội mà chúng ta thấy mình trong đó không phải là một khởi đầu mới, mà là một giai đoạn phân định bổ sung trong khuôn khổ tiến trình hiệp hành do Episcopalis communio dự kiến. Tính chất giám mục của Đại hội không bị tổn hại bởi sự hiện diện của các thành viên không được trao “chức vụ” giám mục. Sự hiện diện của họ không làm thay đổi bản chất của Đại hội, vốn là và vẫn là Thượng hội đồng Giám mục. Sự hiện diện của họ được biện minh theo tính lôgic của chứng từ: họ nhắc nhở mọi người rằng Đại hội này không phải là một sự kiện biệt lập, mà là một phần không thể thiếu và là một giai đoạn cần thiết của tiến trình hiệp hành, kéo dài và đào sâu ở cấp độ toàn thể Giáo hội việc lắng nghe và phân định trong Giáo hội được khởi xướng bởi Đức Thánh Cha vào ngày 10 tháng 10 năm 2021”.
Buổi làm việc buổi chiều
“Vào buổi chiều, trong phiên họp chung, sau khi bỏ phiếu về Bức Thư, cuộc thảo luận về văn bản của văn kiện cuối cùng sẽ bắt đầu, cả thông qua các tham luận trong hội trường lẫn thông qua thảo luận trong các nhóm hạn chế. Chỉ những thành viên, tức là những người có quyền bỏ phiếu, mới có thể phát biểu”. Ông nói thêm: “Cuộc thảo luận sẽ tiếp tục vào sáng thứ Năm trong các nhóm nhỏ và vào buổi chiều tại phiên họp chung, dự kiến ban đầu là thu thập các đề xuất về các phương pháp và giai đoạn của giai đoạn tiếp theo của tiến trình hiệp hành”. “Để có thêm không gian thảo luận, người ta đã quyết định lên kế hoạch cho một phiên họp chung bổ sung, sẽ được tổ chức vào sáng thứ Sáu, một ngày ban đầu được dành để nghỉ ngơi. Phiên họp sáng thứ Sáu sẽ được dành riêng để thu thập các đề xuất về giai đoạn tiếp theo của tiến trình hiệp hành trước khóa họp năm tới”.
Vị Tổng trưởng giải thích: Quyết định “dự kiến phiên họp bổ sung này đã được đưa ra biểu quyết”. “Mỗi nhóm và mỗi thành viên sẽ có thể gửi đề xuất loại bỏ, bổ sung hoặc thay thế các đoạn trong báo cáo, với những gì được gọi là “các phương thức”.” Đặc biệt, “các phương thức” của mỗi nhóm phải được sự chấp thuận lần lượt từng phương thức bởi đa số tuyệt đối các thành viên hiện diện có quyền biểu quyết”. Ngoài “các phương thức” tập thể, các thành viên luôn có thể gửi một “phương thức” cá nhân, không được trình bày trong các nhóm nhỏ hoặc thậm chí không được các nhóm nhỏ chấp thuận. Văn bản cuối cùng của báo cáo tổng hợp của Đại hội sẽ được đọc vào sáng thứ Bảy và bỏ phiếu vào buổi chiều cùng ngày.
Đức Hồng y Prevost: kinh nghiệm của Châu Mỹ Latinh
Đức Hồng y người Mỹ Robert Francis Prevost, Tổng trưởng Bộ Giám mục và chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, tổng giám mục-giám mục danh dự của Chiclayo ở Peru, về phần mình đã nhắc lại kinh nghiệm của mình trong Dòng Thánh Augustinô, chắc chắn rằng nhân vật này và đời sống thánh hiến có nhiều điều để cống hiến cho Giáo hội. Thánh Augustinô, nổi tiếng với những giáo huấn của ngài về các vấn đề thần học liên quan đến sự quân bình và nhu cầu hiểu đức tin và lý trí trong việc tìm kiếm Thiên Chúa, hợp nhất trái tim và tâm trí mà không tách rời chúng, đã dạy tầm quan trọng của việc lắng nghe Lời Chúa . Đức Hồng Y Prevost giải thích, tại giáo phận Peru nơi ngài làm giám mục trong 9 năm trước khi được Đức Giáo hoàng triệu tập đến Rôma, các đại hội theo phong cách hiệp hành đã được triệu tập, với đại diện của các phong trào, giáo xứ, đời sống thánh hiến, linh mục, để cùng nhau tìm kiếm kiểu Giáo hội đáp ứng nhu cầu chăm sóc người nghèo và người ở vùng sâu vùng xa. Theo nghĩa này, phong cách hiệp hành nhằm thúc đẩy đời sống Giáo hội đã được biết đến rộng rãi ở Châu Mỹ Latinh. Liên quan đến Thượng hội đồng hiện tại, Đức Hồng y nhắc lại tầm quan trọng của việc học cách lắng nghe mọi người, đối thoại với sự tin tưởng, luôn tìm kiếm sự thật và cố gắng hiểu những gì Chúa yêu cầu nơi Giáo hội. Ngài nói thêm, điều tự nhiên là có những khó khăn, như trong bất kỳ trải nghiệm nào của con người, nhưng Thượng hội đồng “dạy chúng ta ngày càng tin tưởng vào Thiên Chúa, cùng nhau làm việc và cố gắng tìm ra các giải pháp để đáp ứng thực tế và nhu cầu của thế giới ngày nay.”
Đức Hồng y Nzapalainga: nhân danh hòa bình
Đức Hồng y Dieudonné Nzapalainga, tu sĩ thuộc Dòng Chúa Thánh Thần, tổng giám mục Bangui, Cộng hòa Trung Phi, và là thành viên Hội đồng thông thường của Ban thư ký Thượng hội đồng, đã nhấn mạnh, trong thời điểm bị giằng xé bởi xung đột này, rằng ngài đến từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, vốn đã hoành hành “khi chúng tôi cùng nhau bắt đầu cuộc hành trình hiệp hành, cả những người theo đạo Tin lành và Công giáo. Cùng nhau, chúng tôi đến nói chuyện với những người nổi dậy, cầu xin họ hạ vũ khí vì lợi ích của đất nước chúng tôi“, nhân danh hòa bình. Đức Hồng y cũng nhắc lại khoảnh khắc Đức Phanxicô mở Cửa Thánh của Nhà thờ Chính tòa Bangui: “một khoảnh khắc vô cùng xúc động trong nước, nhờ đó mà tất cả chúng tôi, đặc biệt là những người nổi loạn, hiểu được con đường phải đi và sự đóng góp mà mỗi người được kêu gọi mang lại“.
Trong tình hình thế giới hiện nay, Đức Hồng y nói tiếp, “chúng tôi ở đây để chia sẻ với anh chị em nỗi đau của nhiều người”. Ngài lưu ý, trong Thượng hội đồng, “sự thinh lặng, nơi Chúa Thánh Thần vang vọng, và việc khiêm tốn lắng nghe những người ở trước mặt chúng tôi là điều cơ bản”. Chỉ bằng cách này “chúng tôi mới có thể khám phá vẻ đẹp của người khác, chỉ bằng cách tạo ra sự thinh lặng thì chúng tôi mới có thể tiếp nhận được sự phong phú của họ”. Và chính từ sự phong phú lẫn nhau này mà “giấc mơ về Giáo hội ngày mai phải như thế nào” có thể hình thành.
Đức Giám mục Timothy Broglio: quân đội muốn hòa bình
Đức Tổng Giám mục Timothy Broglio, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, bắt đầu bằng việc gợi lên kinh nghiệm của ngài trong việc phục vụ ngoại giao của Tòa thánh, điều đã cho phép ngài trải nghiệm “những biểu hiện rất sống động của Giáo hội” và “kín múc trong các truyền thống của các quốc gia khác nhau” – trước khi gợi lên mười lăm năm thừa tác vụ mục vụ của ngài trong quân đội Mỹ. Ngài lưu ý rằng Thượng hội đồng cũng là một trải nghiệm lắng nghe và đối thoại giữa những người thuộc các thực tại khác nhau. Và “nếu chúng ta lắng nghe nhiều hơn, chúng ta có thể có một thế giới cởi mở hơn với người lân cận của chúng ta và tôn trọng phẩm giá con người hơn”. Nhắc lại kinh nghiệm gần đây của mình, Đức Giám mục Broglio quả quyết rằng “những người lính có khát khao hòa bình lớn nhất, họ biết chiến tranh là gì và nó phải trả giá như thế nào”. Theo nghĩa này, bầu không khí lắng nghe và đối thoại được trải nghiệm tại Thượng hội đồng “thực sự có thể là một tấm gương cho thế giới”.
Nora Kofognetera Nonterah: sự khôn ngoan của phụ nữ châu Phi
Tiếp đến, nhà thần học và giáo sư đại học người Ghana đã phát biểu với tư cách là chứng nhân cho tiến trình hiệp hành đối với Châu Phi. Bà là một trong những người đến từ các đại hội lục địa mà không có “chức vụ” giám mục. Bà nói: “Tôi cảm thấy được lắng nghe với tư cách là một giáo dân, một phụ nữ và một phụ nữ châu Phi trong một Giáo hội mà trong quá khứ thường không trao tiếng nói và không thể làm phong phú chính mình bằng sự khôn ngoan của phụ nữ châu Phi”. Bà nói tiếp : “Tôi đến Thượng hội đồng với niềm hy vọng, với những niềm vui, nỗi buồn, những lo lắng và cả sự kiên cường của phụ nữ và giáo dân châu Phi, vốn không thể ngồi vào bàn nơi đưa ra những quyết định quan trọng” . Bà tin chắc rằng tính hiệp hành là cách tốt nhất để sống Giáo hội và qua đó Giáo hội có thể thực sự làm chứng cho Tin Mừng. “Tôi tin rằng phụ nữ Châu Phi có thể dạy cho Giáo hội cách trở thành mẹ của tất cả mọi người,” bà bạo dạn nói, trước khi nói thêm rằng “chúng ta chỉ có thể có một Giáo hội hiệp hành nếu có một sự đào tạo tâm linh đích thực, biểu dương những khác biệt của chúng ta và không che giấu chúng”. Cổ vũ một nền văn hóa đồng trách nhiệm về thần học, giáo luật và lãnh đạo “phải trở thành một thực hành của Giáo hội trong thế giới ngày nay, với phép rửa tội là điểm khởi đầu, với hy vọng rằng tính hiệp hành sẽ giúp chúng ta khám phá ra sự cần thiết của vai trò của phụ nữ trong quản trị và trong các cơ cấu của Giáo hội ở mọi cấp độ” và ưu tiên giáo dục phụ nữ và giới trẻ. Để kết luận, nhà thần học này nhắc lại sự khôn ngoan của phụ nữ Châu Phi khi trích dẫn một bài hát Châu Phi có câu: “Chính một người phụ nữ đã sinh ra người anh hùng này”. Bà tự hỏi : vậy làm sao có thể bỏ lại người phụ nữ đã sinh ra người này?
Thượng hội đồng là một kinh nghiệm thiêng liêng
Trong cuộc trao đổi với các nhà báo, Đức cha Prévost đã trả lời câu hỏi đầu tiên về các vụ lạm dụng bằng cách nói rằng chúng đã được thảo luận trong các nhóm hạn chế hơn. Sheila Pires nói thêm rằng công việc này đã cho thấy các Hội đồng Giám mục đã thành lập các văn phòng như thế nào để giải quyết vấn đề này, đồng thời xác định rằng mô hình này đã khuyến khích các Hội đồng Giám mục chưa có văn phòng. Nora Kofognetera Nonterah cũng nhấn mạnh nỗi sợ hãi của nạn nhân và trẻ em khi lên tiếng. Do đó, tính hiệp hành phải bắt đầu từ các gia đình Kitô giáo. Bà nói : “Khi các gia đình trở thành các giáo hội tại gia hiệp hành, thì tính hiệp hành sẽ hoàn thành công việc của nó”.
Một câu hỏi được đặt ra cho Đức cha Prévost liên quan đến khả năng mở ra cho giáo dân tham gia vào các cuộc tham vấn về việc bổ nhiệm các Giám mục. Tổng trưởng Bộ Giám mục trả lời rằng tiến trình này vẫn kín đáo, nhưng những hướng dẫn đã được đưa ra để bao gồm cả giáo dân và tu sĩ trong các thủ tục xem xét. Trả lời câu hỏi về những chia rẽ có thể được biểu lộ trong Thượng hội đồng, Đức Hồng y Prevost thích đề cập đến “những khác biệt về quan điểm” và “sự lắng nghe một cách tôn trọng” hơn. Theo ngài, điều này là khá bình thường do sự đa dạng của những người tham gia. Đức cha Timothy Broglio khẳng định: “Luôn luôn có việc tìm kiếm sự hiệp nhất, vốn không phải là sự đồng nhất”, đồng thời tin rằng cần khuyến khích sự tham gia nhiều hơn trong tương lai. Về phần mình, Đức Hồng y Nzapalinga nói thêm rằng sự khác biệt không phải là một điều bất lợi mà là một nguồn phong phú, và những quan điểm khác nhau không đồng nghĩa với sự thù địch, mà cần được xem xét.
Đối với câu hỏi về việc xem xét lại các cơ cấu của Giáo hội, Đức cha Prévost nhắc lại rằng Giáo hội có nhiều chiều kích, đồng thời nêu rõ rằng Thượng hội đồng này không liên quan đến chiều kích thể chế, mà là các chiều kích đặc sủng, thiêng liêng, nhân bản và tương quan. Đức cha Broglio sau đó được hỏi liệu các Giám mục Mỹ đã khuyến khích việc tham gia Thượng hội đồng hay không. Về vấn đề này, ngài cho biết ngài sẵn sàng lắng nghe “những ý tưởng hay để khuyến khích sự tham gia rộng rãi hơn”.
Đối với một câu hỏi khác về sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào việc quản trị Giáo hội, Đức cha Prevost trả lời rằng câu hỏi này đang được giải quyết tốt, “tất cả chúng ta đều nhận thức được tầm quan trọng và truyền thống lâu đời của Giáo hội, nhưng có lẽ chúng ta cần xem xét một sự hiểu biết mới về sự lãnh đạo, quyền lực, quyền bính và sự phục vụ trong Giáo hội từ những viễn cảnh khác nhau mà người nữ và người nam có thể mang lại”. Ngài nói tiếp : “Một trong những điều đã trở nên rõ ràng, trong tháng này cũng như trong giai đoạn trước đó, là sự kiện rằng việc phụ nữ được công nhận một cách nào đó trong xã hội – một phụ nữ có thể làm tổng thống, đóng nhiều vai trò lãnh đạo trên thế giới – không có nghĩa là điều này nhất thiết dẫn đến sự song song được phản chiếu trong Giáo hội”.
Bởi vì có những phạm trù khác nhau trong đời sống Giáo hội và phải khác nhau, một số vấn đề này sẽ tiếp tục được đặt ra; một cuộc suy tư đang được tiến hành, “nhưng chúng ta không thể nói một cách đơn giản rằng ở giai đoạn này chúng ta sẽ thay đổi truyền thống của Giáo hội đã tồn tại suốt hai nghìn năm” về vấn đề này. Đức Cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ kết luận: trong khi đó, trong Giáo hội, phụ nữ tiếp tục đảm nhận những trách nhiệm mới. Khi được hỏi về người LGBT, Đức Giám mục Broglio nói về sự hòa nhập. Cuối cùng, về thánh lễ truyền thống, ngài cho thấy rằng Giáo hội đủ rộng lớn để đón nhận tất cả mọi người.
Tý Linh
(theo Vatican News)
Tags: nữ giới, Phanxicô-I, synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS