TIẾN TRÌNH HIỆP HÀNH ĐƯỢC BẮT ĐẦU CHO CÁC NỮ TU BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN

Written by xbvn on Tháng Tư 30th, 2022. Posted in Ơn gọi, Thế Giới, Tu sĩ, Tý Linh

 Tính dễ bị tổn thương và tính hiệp hành. Đó là hai nền tảng theo đó công việc của Hội nghị khoáng đại lần thứ 22 của Liên hiệp quốc tế các nữ tu Bề trên tổng quyền (UISG) sẽ được khai triển. Hội nghị sẽ diễn ra ở Rôma từ 2-6/5/2022 về chủ đề « Đón nhận tính dễ bị tổn thương trên con đường hiệp hành ». Buổi giới thiệu sự kiện này đã diễn ra hôm 29/4 ở văn phòng báo chí Tòa Thánh.

Việc chọn lựa chủ đề lần này đã được gợi ý bởi kinh nghiệm về tính dễ bị tổn thương đã được sống trong hai năm đại dịch covid và hai tháng chiến tranh ở Ucraina vừa qua, nhưng cả trong bối cảnh chuẩn bị Thượng hội đồng về tính hiệp hành.

Quyền bính và phục vụ

Nữ tu Jolanta Kafka, chủ tịch của UISG, tuyên bố : đại dịch « đã khiến cho sự mong manh của chúng ta còn rõ ràng hơn nữa ». Đời sống tu trì hôm nay dễ bị tổn thương : « Chúng ta đang trải qua một thời điểm khủng hoảng », một tiến trình biến đổi, và cần thiết phải « giải thích lại việc thực thi quyền lãnh đạo, sứ mạng của quyền bính như là phục vụ, trong tinh thần của Tin Mừng và của Thượng hội đồng ».

Vả lại, sự mong manh là “một thực tại mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta » theo quan điểm hiệp hành « khi chúng ta đón nhận tính dễ bị tổn thương, thì chúng ta thoát khỏi đó được củng cố để nâng đỡ nhau ». Điểm chung cho tất cả các gia đình tu trì là nhu cầu « đáp lại tiếng kêu của Thiên Chúa nơi những người nghèo khổ và mong manh », nhưng thường khi, « chúng ta đặt mình bên cạnh những người nghèo khổ trong một vị thế quyền lực » đang khi việc dễ bị tổn thương đòi hỏi sống tương quan và ý thức không được tự mãn. Trong viễn cảnh này, các nữ tu Bề trên tổng quyền muốn chấp nhận lời mời gọi bước đi với nhau, bên cạnh những người xa xôi và bị loại trừ, trong sự phân định và loan báo Tin Mừng, bằng cách đặt Chúa Kitô, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, ở trung tâm.

Sự can đảm

Nhìn nhận tính dễ bị tổn thương của mình đòi hỏi lòng can đảm. Nữ tu Mary Kudiyiruppil, phó thư ký điều hành, xác tín như thế. « Niềm tin vào Thiên Chúa, kinh nguyện, xác tín được Thiên Chúa kêu gọi và sai đi », nói tóm lại, tất cả những điều kiện tiên quyết của đời sống thánh hiến, có lẽ khiến cho việc « tỏ ra dễ bị tổn thương » càng trở nên khó hơn. Tuy nhiên, ngày nay, nếu chúng ta tìn vào các số liệu, thì các dòng tu biết đến tình trạng dễ bị tổn thương này. Sơ nói tiếp :   Đón nhận tính dễ bị tổn thương này không có nghĩa là chịu đựng nó, nhưng là « nhìn nhận » nó và « cảm thấy thoải mái », và điều đó cho phép hiểu làm thế nào, cho dù họ dễ bị tổn thương, các nữ tu hôm nay có thể qua sự hiện diện của mình « duy trì sống động ngọn lửa của hy vọng ».

Hiệp thông và hòa nhập

Vì thế, cần thiết theo đuổi con đường hiệp hành – một thực tại đối với UISG từ khi nó được thành lập vào năm 1965 – và đồng thời ý thức sự mong manh để đáp lại những thách đố hiện đại. Theo nữ tư Franca Zonta, bề trên tổng quyền các nữ tu dòng Đức Maria, bước đi cùng nhau có nghĩa là sống « sự hiệp thông trong các đặc sủng khác nhau, tham gia và chia sẻ các kinh nghiệm, đặt làm của chung các nguồn lực đối với sứ mạng ngày nay đòi hỏi sự hiệp lực, sự bao hàm và hội nhập ». Nữ tu này cũng cảnh báo đối với sự kiện quan niệm « tính hiệp hành » chỉ như một từ ngữ hợp thời : trái lại, đó là một thách thức nhằm mang lại một « sự thay đổi não trạng », một « cách quan niệm mới mẻ về quyền lãnh đạo ». Do đó, tính liên văn hóa đặc trưng của các dòng tu là « một cơ hội to lớn để cảm nghiệm sự kiện rằng ước mơ của Đức Thánh Cha Phanxicô, được diễn tả trong thông điệp Fratelli tutti, là khả thi ».

Một con đường đã được dấn thân

Tất cả các điều đó đã được thể hiện nơi các sáng kiến cụ thể rồi. Nữ tu Pat Murray, thư ký điều hành của UISG, trích dẫn một số sáng kiến : Catholic Care for Children International (CCCI, Người Công giáo chăm sóc trẻ em trên thế giới), được phát động nơi một số nước ở Châu Phi và giờ đây cũng có mặt ở Châu Á, với mục đích cổ võ gia đình chăm sóc các trẻ em hơn là trong các trại mồ côi ; Ủy ban chăm sóc và bảo vệ trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương ; « Sisters Advocating Globally» (Nữ tu bào chữa toàn cầu), một sáng kiến nhằm bảo vệ những người yếu đuối nhất ; nền tảng Laudato Si’ để đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về sự hoán cải sinh thái cá nhân và cộng đoàn ; sự dấn thân đối với các nữ tu cao niên trên thế giới, đặc biệt chú ý đến các hình thức suy giảm nhận thức như bệnh Alzheimer.

Trong tổng số 1900 nữ tu Bề trên tổng quyền, khoảng 700 người sẽ tham dự Hội nghị khoáng đại của UISG. 520 người sẽ có mặt tại khách sạn Ergife ở Rôma nơi sẽ diễn ra Hội nghị. 140 người khác sẽ kết nối từ xa.

Liên hiệp này gồm hơn 1900 bề trên mà các nhà tổng quyền trải rộng trên 97 nước trên thế giới ; cụ thể hơn, 25 nước ở Châu Âu, với 1046 bề trên ; 16 nước ở Á Châu, với 184 bề trên ; 30 nước ở Châu Mỹ, với 479 bề trên ; 22 nước ở Châu Phi, với 166 bề trên ; 4 nước ở Châu Đại Dương, với 28 bề trên. Trong hội nghị khoáng đại, lục địa có nhiều đại diện nhất là Châu Âu. Ở Châu Phi, nước có nhiều đại diện nhất là Cộng hòa dân chủ Công-gô ; ở Châu Á là Ấn Độ ; ở Bắc Mỹ là Hoa Kỳ ; cuối cùng, ở Trung Mỹ và Châu Mỹ Latinh là Mêxicô và Braxin.

Tý Linh

(theo Vatican News)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31