TÌM HIỂU ĐẠI CƯƠNG VỀ XÃ HỘI HỌC (2)
Bài 6 : VĂN HÓA VÀ THAY ĐỔI VĂN HÓA
- Khái niệm Văn hóa
Các nhà xã hội học định nghĩa văn hóa như là những giá trị, niềm tin, lối ứng xử và những đồ vật vốn làm nên lối sống của một dân tộc.
Văn hóa bao hàm những gì chúng ta nghĩ, chúng ta hành động thế nào, và chúng ta sở hữu gì. Nhưng xét như là di sản xã hội của chúng ta, văn hóa cũng là một chiếc cầu nối về quá khứ cũng như là một hướng dẫn viên đến tương lai.
Quả thế, khi người ta du hành giữa các xã hội hay thậm chí trong chính xã hội của mình, thì họ có thể cảm nghiệm cú sốc văn hóa, một sự mất phương hướng bản thân vốn có thể đến từ việc gặp gỡ một lối sống không tương tự.
Không có nét văn hóa nào vốn là “tự nhiên” đối với nhân loại, cho dù hầu hết dân chúng trên thế giới nhìn lối sống của mình theo cách đó. Điều tự nhiên đối với loài người chúng ta là khả năng tạo nên văn hóa trong cuộc sống tập thể của chúng ta. Mỗi hình thức sống khác – từ những con kiến cho đến những con ngựa vằn – đều hoạt động theo những cách đồng nhất, đặc thù chủng loại. Hầu hết các sinh vật đều được dẫn dắt bởi bản năng, tức sự lập trình sinh học mà các động vật không có kiểm soát gì. Một ít động vật – đặc biệt là loài tinh tinh và các động vật linh trưởng cùng họ – có khả năng văn hóa giới hạn, như các nhà nghiên cứu đã ghi nhận bằng việc quan sát chúng sử dụng dụng cụ và dạy những kỹ năng đơn giản cho con của mình. Nhưng năng lực sáng tạo của con người vượt xa năng lực của bất kỳ hình thức sự sống nào khác; tóm lại, chỉ duy con người mới dựa vào văn hóa hơn là bản năng để đảm bảo sự sống còn của nòi giống của mình (Harris, 1987).
Các nhà xã hội học phân biệt giữa văn hóa phi vật thể, là những tác phẩm không sờ thấy được của xã hội loài người, và văn hóa vật thể, là những sản phẩm có thể sờ thấy được của xã hội loại người.
Về mặt xã hội học, văn hóa được xem xét theo nghĩa rộng nhất có thể, liên quan đến mọi thứ vốn là thành phần của một lối sống của con người. Cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa đối với chúng ta xuyên qua văn hóa. Nếp sống của chúng ta không được xác định bởi bản năng, hay sức mạnh sinh học, vốn đúng phần lớn cho các loài khác. Chúng ta là loài duy nhất mà sự sống còn phụ thuộc vào những gì chúng ta học hỏi xuyên qua văn hóa, hơn là bởi những gì chúng ta được ban cho cách tự nhiên xuyên qua sinh vật học.
- Những thành phần của Văn hóa
2.1. Những biểu tượng
Một biểu tượng là bất cứ điều gì mang một ý nghĩa riêng biệt nào đó được nhìn nhận bởi những người cùng chia sẻ một nền văn hóa. Những biểu tượng, thường được cho là như vậy, là những phương tiện qua đó chúng ta tạo nên ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Cách tổng thể, những biểu tượng thay đổi cách rộng rãi và ngay cả trong một xã hội nhất định.
Cú sốc văn hóa là một tiến trình hai chiều: nó là điều gì mà người du hành cảm nghiệm khi gặp gỡ dân chúng mà lối sống của họ không tương tự, và nó cũng là điều mà người du hành gây ra nơi người khác bằng cách hành động theo những cách mà có thể rõ ràng xúc phạm họ. Chẳng hạn, bởi vì những người Bắc Mỹ xem chó là những con vật đáng yêu trong gia đình, nên người du hành đến những vùng phía bắc của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa có thể kinh hoàng khi nhận thấy người dân đang nướng thịt chó như là những bữa ăn vào mùa đông. Mặt khác, một người Bắc Mỹ mà gọi món hăm-bơ-gơ ở một nhà hàng ở Ấn Độ sẽ gây nên sự xúc phạm đối với người theo đạo Hinđu, vốn xem bò cái là thánh thiêng và như thế không sẵn để dùng cho việc tiêu thụ của con người.
Những biểu tượng văn hóa cũng thay đổi qua thời gian. Quần jeans xanh được tạo ra cách đây trên hơn một thế kỷ như là y phục cứng và rẻ cho những người lao động chân tay. Trong bầu khí chính trị tự do của thập niên 1960, hiện tượng giai cấp công nhân này đã biến quần jeans thành phổ biến trong số các sinh viên giàu có – nhiều người trong số họ đã mặc chúng cách đơn giản để trông “khác biệt” hay để đồng cảm với người lao động. Một thập niên sau, “quần jeans hiệu” đã nổi lên như là biểu tượng địa vị xã hội đắt giá vốn chuyển tải nhanh chóng một sứ điệp khác biệt. Ngày nay, mỗi ngày quần jeans vẫn tiếp tục phổ biến, đơn giản như là y phục tiện lợi.
Nói tóm lại, những biểu tượng cho phép người ta tạo nên ý nghĩa cho cuộc sống của mình, và nếu không có chúng, thì cuộc sống con người sẽ vô nghĩa. Vận dụng các biểu tượng cách đúng đắn cho phép chúng ta sẵn sàng lôi cuốn người khác vào trong chính hệ thống văn hóa của chúng ta. Tuy nhiên, trong một thế giới đa dạng văn hóa, việc sử dụng các biểu tượng có thể gây ra sự bối rối và thậm chí là xung đột.
2.2. Ngôn ngữ
Ngôn ngữ là một hệ thống những biểu tượng vốn cho phép các thành viên của một xã hội giao tiếp với nhau. Tiến trình qua đó văn hóa ngang qua, xuyên qua ngôn ngữ, từ thế hệ này đến thế hệ khác là hình thức truyền đạt văn hóa quan trọng nhất của chúng ta. Ngôn ngữ được bén rễ trong truyền thống văn hóa truyền khẩu. Ngôn ngữ là cái nối kết chúng ta với quá khứ văn hóa và với việc sản sinh những ý tưởng cho tương lai.
2.3. Các giá trị và niềm tin
Các giá trị được định nghĩa như là những tiêu chuẩn qua đó con người đánh giá sự khao khát, sự tốt lành và vẻ đẹp; chúng là những nguyên tắc đại cương vốn làm cơ sở cho các niềm tin, các tuyên bố đặc thù mà người ta cho là đích thực. Niềm tin được học biết xuyên qua việc xã hội hóa và giúp hình thành cách chúng ta nhận thức môi trường xung quanh của chúng ta như thế nào và nhân cách của chúng ta phát triển ra làm sao. Quả thực, chúng cung cấp vốn văn hóa qua đó chúng ta lượng giá những khả năng tương lai của chúng ta.
2.4. Các giá trị
Trong một xã hội có đặc điểm là sự đa dạng văn hóa và sự thay đổi xã hội nhanh chóng, thì những giá trị văn hóa có thể là không trước sau như một và thậm chí là mâu thuẫn.
2.5. Các chuẩn mực
Các chuẩn mực được định nghĩa như là những quy luật hướng dẫn lối hành xử. Chúng có thể là cấm đoán, tức truyền những gì chúng ta không nên làm, hoặc có thể là đề ra chỉ thị, tức tuyên bố những gì chúng ta nên làm. Chúng có thể thay đổi qua thời gian, như được minh họa bởi những chuẩn mực liên quan đến hành xử tính dục. Một số chuẩn mực là nhằm áp dụng cho mọi hoàn cảnh và mọi người, trong khi một số khác áp dụng chỉ cho một số người và thay đổi tùy theo hoàn cảnh.
- Biến đổi văn hóa
Việc biến đổi văn hóa là liên lỉ, và sự biến đổi ở một miền thường được liên kết với sự biến đổi ở những miền khác.
Những sự liên kết hệ thống rộng rãi này được mô tả trong khái niệm hội nhập văn hóa nhưng người ta cũng nhìn nhận rằng một số yếu tố văn hóa biến đổi nhanh hơn những yếu tố khác vốn để lại một sự thiếu chắc chắn được gọi là sự chậm biến văn hóa.
Sự biến đổi văn hóa được chuyển động qua ba nguyên nhân khác nhau: sự phát minh, sự khám phá và sự truyền bá.
Chủ nghĩa vị chủng và tính tương đối văn hóa
Chủ nghĩa vị chủng là thói quen phán đoán nền văn hóa khác bằng những tiêu chuẩn của nền văn hóa của mình. Nó tạo nên một sự đánh giá thiên lệch về những thực hành không tương tự. Những sự đánh giá về những biến đổi văn hóa trong việc duy trì không gian cá nhân hay những thói quen ở phòng tắm là những minh họa cho khái niệm này. Chủ nghĩa tương đối văn hóa là thói quen phán đoán một nền văn hóa bằng chính những tiêu chuẩn của mình. Vấn đề về sự nhạy cảm văn hóa liên quan đến những cuộc mạo hiểm kinh doanh quốc tế là buồn cười, nhưng có một số thói quen văn hóa vốn gây phiền toái cách sâu xa, như việc lao động trẻ em ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Điều này gợi ý rằng có lẽ có một số tiêu chuẩn phổ quát mà chúng ta có thể xác định là cần thiết hơn là chấp nhận bất cứ hành xử nào trong khung cảnh của tính tương đối văn hóa.
BÀI 7. ĐỊA VỊ XÃ HỘI VÀ CÁC VAI TRÒ XÃ HỘI
- Địa vị xã hội
Thông thường chúng ta nghĩ về “địa vị” của một người có liên quan đến ảnh hưởng, sự giàu sang và danh tiếng. Tuy nhiên, các nhà xã hội học sử dụng thuật ngữ “địa vị” liên quan đến bất kỳ vị trí nào của đủ loại ví trí được xác định về mặt xã hội, trong một nhóm rộng lớn hay xã hội, từ vị trí thấp nhất đến vị trí cao nhất. Trong xã hội của chúng ta, một người có thể giữ địa vị tổng thống của Hiệp Chủng Quốc (Hoa Kỳ), người hái trái cây, con trai hay con gái, người chơi vĩ cầm, thanh thiếu niên, chuyên viên nha khoa hay người láng giềng. Một người có thể giữ đồng thời một số những địa vị.
Địa vị được gán cho và do đạt được
Các nhà xã hội học nhìn một số địa vị như là được gán cho và những địa vị khác như là do đạt được. Một địa vị được gán cho là “được chỉ định cho” một người bởi xã hội mà không để ý đến những tài năng hay những đặc điểm duy nhất của một người. Nói chung, sự chỉ định này diễn ra lúc chào đời; như thế, nền tảng chủng tộc, giới tính và tuổi tác của một người, tất cả đều được xem như là những địa vị được gán cho. Cho dầu những đặc điểm này có nguồn gốc sinh học, nhưng chúng có ý nghĩa chính bởi vì những ý nghĩa xã hội mà chúng có trong nền văn hóa của chúng ta. Những người theo thuyết quan điểm xung đột đặc biệt quan tâm đến những địa vị được gán cho, bởi vì chúng thường trao ban những đặc quyền đặc lợi hay phản ánh địa vị hội viên của một người trong một nhóm thấp hơn.
Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta có thể làm không nhiều để thay đổi địa vị được gán cho. Nhưng chúng ta có thể cố gắng thay đổi những sự cưỡng ép truyền thống được gắn liền với những địa vị như thế. Chẳng hạn, nhóm Gray Panthers (Báo xám) – một nhóm hoạt động chính trị được thành lập vào năm 1971 để hoạt động vì quyền lợi của người già – đã cố gắng sửa đổi những rập khuôn (thành kiến) tiêu cực và hạn hẹp về người già. Như là một kết quả của công việc của họ và của những nhóm khác bênh đỡ các công dân cao tuổi, địa vị được gán cho của “công dân cao tuổi” không còn khó khăn nữa đối với hàng triệu người già.
Không giống như các địa vị được gán cho, một địa vị do đạt được đến với chúng ta cách rộng rãi xuyên qua những nỗ lực của chúng ta. Cả “ông chủ tịch ngân hàng” lẫn “người gác tù” đều là những địa vị do đạt được, cũng như “luật sư”, “nghệ sĩ dương cầm” và “công nhân xã hội”. Bạn phải làm gì đó để giành được một địa vị do đạt được – đi học, học một kỹ năng, thiết lập một tình bạn, hay phát minh ra một sản phẩm mới. Địa vị được gán cho của chúng ta ảnh hưởng nhiều đến địa vị do đạt được của chúng ta. Chẳng hạn, việc là nam giới làm giảm khả năng rằng một người sẽ xem xét việc trở thành một người chăm sóc trẻ.
Địa vị chính yếu
Mỗi người giữ nhiều địa vị khác nhau và đôi khi xung đột; một số người có thể bao hàm những vị trí (địa vị) xã hội cao hơn và một số gồm những vị trí (địa vị) thấp hơn. Vậy, làm thế nào người khác nhìn vị trí (địa vị) xã hội bao quát của một người? Theo nhà xã hội học Everett Hughes (1945), các xã hội bàn về những mâu thuẫn như thế bằng việc đồng ý rằng một số địa vị thì quan trọng hơn một số khác. Một địa vị xã hội chính yếu là một địa vị mà vượt trội các địa vị khác và do đó quyết định vị trí tổng quan của một người trong xã hội. Chẳng hạn, Arthur Ashe, chết vì bệnh AIDS năm 1993, đã có một sự nghiệp nổi bật như là siêu sao quần vợt, nhưng vào cuối đời, địa vị xã hội của ông như là nhân vật nổi tiếng với bệnh AIDS hẳn đã có nhiểu ảnh hưởng hơn đến các địa vị xã hội của ông như là vận động viên nghỉ hưu, một tác giả, và một nhà hoạt động chính trị. Xuyên qua thế giới, nhiều người, do những bất lực, nhận ra rằng địa vị của họ như là “bất lực” sẽ đón nhận gánh nặng quá sức, và làm cho lu mờ đi khả năng hiện tại thực hiện cách thành công trong việc làm có ý nghĩa.
Xã hội của chúng ta dành nhiều tầm quan trọng cho chủng tộc và giới tính đến nỗi chúng thường chi phối cuộc sống của chúng ta. Những địa vị được gán cho này thường ảnh hưởng đến địa vị do đạt được. Malcolm X (1925-1965), nhà hoạt động người Mỹ gốc Châu Phi, một luật sư hùng hồn và gây tranh cãi của quyền lực da Đen và niềm tự hào da Đen vào đầu thập niên 1960, đã nhớ lại rằng những cảm xúc và các viễn cảnh của ông đã thay đổi cách bi thảm khi ông ta học lớp 8. Thầy giáo tiếng Anh của ông, một người đàn ông da trắng, đã khuyến cáo ông rằng mục tiêu trở thành một luật sư của ông như là “không có mục tiêu hiện thực nào đối với một người da đen” và khuyến khích ông, thay vào đó, trở thành một thợ mộc. Malcolm X đã nhận thấy rằng địa vị của ông như là một người da Đen (địa vị được gán cho) đã là một trở ngại cho giấc mơ trở thành luật sư của mình (địa vị do đạt được). Ở Hiệp Chủng Quốc, những địa vị được gán cho như chủng tộc và giới tính có thể được vận hành như là những địa vị chính yếu vốn tác động đến tiềm năng của một người đạt được một địa vị nghề nghiệp và xã hội mà mình mong ước.
- Các vai trò xã hội
Các vai trò xã hội là gì? Xuyên qua cuộc sống của chúng ta, chúng ta đạt được những gì mà các nhà xã hội học gọi là các vai trò xã hội. Một vai trò xã hội là một tập hợp những mong đợi đối với những người giữ một vị trí hay địa vị xã hội nhất định. Như thế, ở Hiệp Chủng Quốc, chúng ta mong đợi rằng những người lái xe taxi sẽ biết cách đi khắp thành phố, rằng những người tiếp tân sẽ là đáng tin cậy khi thông báo những thông tin điện thoại, và cảnh sát sẽ hành động nếu họ thấy một công dân đang bị đe dọa. Với mỗi địa vị xã hội đặc biệt – hoặc là được gán cho hay do đạt được – thì những mong đợi riêng biệt sẽ đến. Tuy nhiên, sự thực thi hiện tại sẽ thay đổi tùy theo cá nhân. Một thư ký có thể đảm nhận những trách nhiệm hành chánh mở rộng, trong khi người khác có thể tập trung vào những bổn phận văn phòng.
Các vai trò là một thành phần có ý nghĩa của cấu trúc xã hội. Được nhìn từ quan điểm chức năng, các vai trò đóng góp vào sự ổn định của một xã hội bằng cách làm cho các thành viên có khả năng thấy trước hành xử của những người khác và lấy làm mẫu cho hành động của mình cách đúng đắn. Thế nhưng, các vai trò xã hội cũng có thể là hỏng chức năng, bằng cách hạn chế những tương tác và những mối tương quan của dân chúng. Nếu chúng ta nhìn một người chỉ như là một « cảnh sát » hay một « giám sát viên », thì sẽ là khó khăn để tương quan với người đó như là một người bạn hay láng giềng.
Sự xung đột vai trò
Hãy hình dung hoàn cảnh tế nhị của một phụ nữ đã làm việc trong 10 năm trên một dây chuyền lắp ráp trong một nhà máy điện và gần đây đã được bổ nhiệm làm giám sát viên của một đơn vị mà chị đã làm việc. Người phụ nữ này được mong đợi tương quan với những người bạn bè và các đồng nghiệp của mình như thế nào ? Phải chăng chị vẫn đi ra ngoài ăn trưa với họ, như chị đã từng làm hầu như hằng ngày trong nhiều năm ? Phải chăng trách nhiệm của chị là đề nghị sa thải một người bạn già vốn không thể theo kịp những đòi hỏi của dây chuyền lắp ráp ?
Xung đột vai trò xảy ra khi những mong đợi bất khả tương thích nổi lên từ hai hay nhiều hơn địa vị xã hội được cùng một người giữ. Hoàn thành những vai trò gắn liền với một địa vị có thể trực tiếp vi phạm những vai trò gắn liền với một địa vị thứ hai. Trong ví dụ trên đây, chị giám sát viên mới được tiến cử sẽ hầu như có thể cảm nghiệm một sự xung đột sâu xa giữa các vai trò xã hội và nghề nghiệp của mình. Những xung đột vai trò đòi hỏi những chọn lựa đạo đức quan trọng. Vì thế, chị giám sát viên mới sẽ phải gặp khó khăn quyết định về lòng trung thành bao nhiêu mà mình mang ơn đối với bạn bè của mình và chị phải mang ơn bao nhiêu với ông chủ của mình.
Một loại khác của xung đột vai trò diễn ra khi các cá nhân đảm nhận những nghề nghiệp vốn không phổ biến giữa dân chúng với địa vị được gán cho của họ. Các giáo viên nam trường mầm non và các nữ cảnh sát đều cảm nghiệm được loại xung đột vai trò này. Trong trường hợp các nữ cảnh sát, họ phải cố gắng hòa giải vai trò ở nơi làm việc của họ trong việc thực thi pháp luật với cái nhìn của xã hội về vai trò của phụ nữ. Và trong khi nữ cảnh sát gặp phải sự quấy rối tình dục, như các phụ nữ gặp phải qua lực lượng lao động, thì họ cũng phải đương đầu với « luật thinh lặng », một chuẩn mực không chính thức vốn ngăn ngừa họ làm cho các đồng nghiệp của mình bị liên lụy trong hành vi sai trái.
Sự căng thẳng vai trò
Sự xung đột vai trò mô tả hoàn cảnh của một người đương đầu với thách đố giữ hai địa vị xã hội cách đồng thời. Tuy nhiên, ngay chỉ một địa vị không thôi cũng có thể gây nên những vấn đề. Các nhà xã hội học sử dụng thuật ngữ « sự căng thẳng vai trò » để mô tả hoàn cảnh mà xảy ra khi cùng một địa vị xã hội bó buộc cả những đòi hỏi gây xung đột và những mong đợi.
Trong cuộc thí nghiệm tại nhà tù, nhà tâm lý học xã hội Philip Zimbado đã bất ngờ cảm nghiệm được sự căng thẳng vai trò. Thoạt đầu, ông đã thấy chính mình chỉ như một giáo sư đại học đang hướng dẫn một cuộc thí nghiệm tưởng tượng trong đó các sinh viên đã đóng những vai trò hoặc là người giữ tù hoặc là bạn tù. Tuy nhiên, ông đã sớm nhận thấy rằng với tư cách là một giáo sư, ông cũng được mong chờ chăm sóc sức khỏe của các sinh viên, hoặc ít nhất không gây nguy hiểm cho họ. Cuối cùng ông đã giải quyết sự căng thẳng vai trò bằng cách đưa ra kết luận khó khăn là kết thúc buổi thí nghiệm. Hai mươi lăm năm sau, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông vẫn suy nghĩ về thách đố của sự căng thẳng vai trò mà ông đã đương đầu.
Bài 8. SỰ BẤT BÌNH ĐẲNG XÃ HỘI
Các nhà xã hội học nhìn xem xã hội như là một hệ thống phân tầng vốn được đặt cơ sở trên một phẩm trật quyền bính (khả năng hướng dẫn lối hành xử của một ai khác), trên đặc quyền (danh dự và sự kính trọng), và trên uy thế (sự thu nhập, sự giàu sang và của cải), vốn dẫn đến những kiểu mẫu bất bình đẳng xã hội. Sự bất bình đẳng liên quan đến việc ai kiếm được gì, họ kiếm được nó như thế nào, và tại sao họ kiếm được nó. Sự bất bình đẳng xã hội thường gắn liền với chủng tộc, phái tính, và giai cấp, với những người da trắng, đàn ông, những người có trình độ giáo dục cao hơn, và những người có mức thu nhập cao hơn nằm ở đỉnh cao của phẩm trật.
Sự bất bình đẳng xã hội là gì?
Sự bất bình đẳng xã hội được đặc trưng bởi sự tồn tại của những cơ hội và những phần thưởng bất bình đẳng cho những vị trí và địa vị xã hội khác nhau trong một nhóm hay xã hội. Nó bao hàm những kiểu mẫu được cơ cấu và tái diễn luôn về những sự phân phối bất bình đẳng hàng hóa, của cải, những cơ hội, những phần thưởng, và những sự trừng phạt. Chẳng hạn, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc được hiểu như là một hiện tượng qua đó việc tiếp cận các quyền lợi và tài nguyên được phân phối cách không công bằng xuyên qua các dòng dõi chủng tộc. Ngược lại, “đặc quyền da trắng” là một khái niệm được khải triển bởi nhà khoa học xã hội Peggy McIntosh, để quy chiếu đến vô số cách thức trong đó, đặc biệt, người da trắng được hưởng lợi từ sự bất bình đẳng chủng tộc.
Có hai cách thức chính để lượng giá sự bất bình đẳng xã hội: sự bất bình đẳng về điều kiện, và sự bất bình đẳng về cơ hội.
Sự bất bình đẳng về điều kiện liên quan đến sự phân phối bất bình đẳng việc thu nhập, của cải và hàng hóa vật chất. Chẳng hạn, nơi ăn chốn ở là một sự bất bình đẳng về điều kiện với người vô gia cư và những ai sống trong những dự án cung cấp nơi ăn chốn ở nằm ở đáy của phẩm trật trong khi những người sống trong những biệt thự hàng triệu đôla nằm ở đỉnh cao (của phẩm trật). Một ví dụ khác nằm ở mức các cộng đồng toàn thể, nơi mà một số người thì nghèo khổ, không ổn định, và bị quấy rầy bởi bạo lực, trong khi những người khác được đầu tư bằng kinh doanh và quản trị đến độ họ phát đạt và cung cấp những điều kiện an toàn, bảo đảm, và hạnh phúc cho các cư dân của họ.
Sự bất bình đẳng về cơ hội liên quan đến sự phân phối bất bình đẳng “các cơ hội sống” xuyên qua các cá nhân. Điều này được phản ảnh trong những thước đo như trình độ giáo dục, tình trạng sức khỏe, và sự đối xử bởi hệ thống công lý tội phạm. Chẳng hạn, những cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng các giáo sư cao đẳng và đại học có khả năng phớt lờ các emails từ các phụ nữ và người da màu hơn việc họ phớt lờ từ người da trắng, vốn ưu đãi cho những kết quả giáo dục của người da trắng bằng việc tập trung cho họ một lượng thiên lệch những sự giúp đỡ cố vấn.
Sự phân biệt kỳ thị ở bình diện cá nhân, cộng đồng và thể chế là một phần lớn của tiến trình sinh ra những bất bình đẳng xã hội về chủng tộc, giai cấp, phái tính và tính dục. Chẳng hạn, một cách có hệ thống phụ nữ được trả lương ít hơn đàn ông khi làm cùng một công việc, và các nhà xã hội học đã chứng minh cách chắc chắn rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc được gắn liền cố hữu vào chính việc thành lập xã hội của chúng ta, và hiện diện trong mọi thể chế xã hội của chúng ta.
Hai lý thuyết chính về sự bất bình đẳng xã hội
Trong xã hội học, có hai quan điểm chính về sự bất bình đẳng xã hội. Một quan điểm đứng về phía lý thuyết chức năng và quan điểm kia đứng về phía lý thuyết xung đột.
Các lý thuyết gia chức năng tin rằng sự bất bình đẳng là không thể tránh khỏi và thỏa đáng và đóng một chức năng quan trọng trong xã hội. Những vị trí quan trọng trong xã hội đòi hỏi việc huấn luyện nhiều hơn và do đó nên nhận được nhiều phần thưởng hơn. Sự bất bình đẳng xã hội và sự phân tầng xã hội, theo quan điểm này, dẫn đến một chế độ nhân tài được đặt cơ sở trên năng lực.
Mặt khác, các lý thuyết gia xung đột xem sự bất bình đẳng như là kết quả từ các nhóm có quyền lực thống trị ít hơn các nhóm có quyền lực lớn. Họ tin rằng sự bất bình đẳng xã hội ngăn cản và gây trở ngại cho sự tiến bộ xã hội như những kẻ quyền lực đàn áp những người thấp cổ bé họng để duy trì hiện trạng. Trong thế giới ngày nay, công việc thống trị này đạt được chủ yếu qua sức mạnh ý thức hệ – những tư tưởng của chúng ta, các giá trị, niềm tin, quan điểm về thế giới, các chuẩn mực và những mong chờ – xuyên qua một tiến trình được biết đến như là “quyền bá chủ văn hóa”.
Các nhà xã hội học nghiên cứu sự bất bình đẳng xã hội như thế nào?
Về mặt xã hội học, chúng ta có thể nghiên cứu sự bất bình đẳng xã hội như là một vấn đề xã hội vốn bào hàm ba chiều kích: những điều kiện cơ cấu, những ủng hộ ý thức hệ và những cải cách xã hội.
Những điều kiện cơ cấu bao gồm những điều vốn có thể được đo lường cách khách quan và vốn đóng góp vào sự bất bình đẳng xã hội. Các nhà xã hội học nghiên cứu làm thế nào những điều như sự thành đạt giáo dục, sự giàu sang, sự nghèo khổ, các nghề nghiệp và quyền lực dẫn đến sự bất bình đẳng xã hội giữa các cá nhân và các nhóm người.
Những ủng hộ ý thức hệ bao gồm những điều vốn ủng hộ sự bất bình đẳng xã hội hiện diện trong một xã hội. Các nhà xã hội học xem xét làm cách nào các điều như các luật lệ chính thức, các chính sách công cộng và những giá trị trỗi vượt vừa dẫn đến sự bất bình đẳng xã hội vừa giúp duy trì nó. Chẳng hạn, xem xét việc thảo luận này về vai trò mà các từ ngữ và các ý tưởng gắn liền với chúng thể hiện trong tiến trình này.
Các cải cách xã hội là những điều như sự kháng cự có tổ chức, các nhóm phản đối và các phong trào xã hội. Các nhà xã hội học nghiên cứu làm cách nào những cuộc cải cách xã hội này giúp định hình hay thay đổi sự bất bình đẳng xã hội vốn đang tồn tại trong một xã hội, cũng như nguồn gốc của chúng, sự tác động, và những ảnh hưởng dài hạn.
Bài 9. XÃ HỘI HÓA
- Dẫn vào xã hội hóa
Vào mùa hè 2005, viên cảnh sát thám tử Mark Holste đã đi theo một điều tra viên từ Bộ Thiếu Nhi và Gia Đình đến một ngôi nhà ở thành phố Plant, bang Florida. Họ ở đó để nghiên cứu một báo cáo từ người hàng xóm liên quan đến một căn nhà tồi tàn nằm trên đường Old Sydney. Người ta đồn có một cô bé đang nhìn ra từ một trong những cánh cửa sổ bị bể của ngôi nhà. Điều này xem ra kỳ cục bởi vì không ai trong hàng xóm đã từng thấy một đứa bé ở trong hay xung quanh ngôi nhà, mà đã từng được ở ba năm trước bởi một người phụ nữ, bạn trai của bà và hai đứa con trai lớn.
Cô bé bí ẩn nơi cửa sổ là ai?
Bước vào căn nhà, Thám tử Holste và đội của ông đã bị sốc. Đó đã là tình trạng hỗn độn tồi tệ nhất mà họ đã từng thấy, lúc nhúc những gián, đầy những phân và nước tiểu từ cả người lẫn vật cưng, và đầy đồ đạc đổ nát và những tấm màn che cửa sổ xơ xác.
Thám tử Holste đến phòng tiền sảnh và bước vào một căn phòng nhỏ. Đó là nơi ông đã tìm thấy cô bé, với đôi mắt to, đờ đẫn, nhìn chằm chằm vào bóng tối. Một bản tin báo chí về sau đã mô tả cuộc gặp gỡ đầu tiên của viên thám tử với cô bé: “Cô bé nằm trên một chiếc nệm rách nát, nổi mốc nằm dưới sàn nhà. Em co mình lại về một bên … xương sườn và xương đòn của em nhô ra… mái tóc đen của em được bện tết lại, chấy rận bò lúc nhúc. Những vết cắn của côn trùng, những chỗ phát ban và những vết lở loét làm cho da của em lỗ chỗ… Em trần truồng – ngoại trừ miếng tả lót phình ra… Mẹ em nói, tên của em là Danielle. Em gần được bảy tuổi” (DeGregory 2008).
Thám tử Holste lập tức mang cô bé ra khỏi căn nhà. Cô bé được đưa tới một bệnh viện để điều trị y tế và đánh giá. Qua việc xét nghiệm mở rộng, các bác sĩ xác định rằng, dù thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng, nhưng Danielle đã có thể thấy, nghe và phát âm bình thường. Tuy nhiên, cô bé không nhìn vào bất kỳ mắt ai, không biết cách nhai hay nuốt thức ăn cứng, không khóc lóc, không phản ứng lại những kích thích vốn thường gây ra đau đớn, và đã không biết cách tương giao hoặc bằng những lời nói hay những cử chỉ đơn giản như gật đầu “có” hay “không”. Tương tự như vậy, dù những cuộc xét nghiệm cho thấy rằng cô bé không có các bệnh kinh niên hay những chứng dị thường di truyền nào, nhưng cách duy nhất cô bé có thể đứng là với một ai đó giữ tay của em, và em “bước đi sang một bên trên các ngón chân như một con cua vậy” (DeGregory 2008).
Điều gì đã xảy ra cho Danielle? Nói cách đơn giản: bên kia những đòi hỏi cơ bản về sống còn, cô bé đã bị người ta bỏ mặc? Căn cứ vào cuộc điều tra của họ, các nhân viên xã hội đã kết luận rằng cô bé đã bị bỏ rơi hầu như hoàn toàn một mình trong các phòng giống như căn phòng mà cô bé đã được tìm thấy. Không có sự tương tác đều đặn – sự che chở, sự ôm ấp, nói chuyện, những giải thích và chứng minh dành cho hầu hết các trẻ em – thì cô bé đã không học đi hay nói, ăn uống hay tương tác, chơi hay thậm chí hiểu thế giới xung quanh mình. Từ quan điểm xã hội học, Danielle đã không được xã hội hóa.
Xã hội hóa là tiến trình qua đó người ta được dạy trở thành những thành viên thành thạo của một xã hội. Nó mô tả những cách thức mà người ta đi đến chỗ hiểu các chuẩn mực và những mong đợi của xã hội, chấp nhận các niềm tin của xã hội, và ý thức về những giá trị của xã hội. Xã hội hóa không giống như “socializing” (“tham gia hoạt động xã hội”) (tương tác với người khác, giống như gia đình, bạn bè và các đồng nghiệp); nói chính xác, đó mà một tiến trình xã hội học xảy ra xuyên qua việc tham gia vào hoạt động xã hội. Như câu chuyện của Danielle minh họa, thậm chí điều cơ bản nhất của các hoạt động con người là đuợc học biết. Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng ngay cả những nhiệm vụ thể lý như ngồi, đứng và đi đã không tự động phát triển đối với Danielle khi cô bé lớn lên. Và nếu không có sự xã hội hóa, thì Danielle đã không học biết về văn hóa vật thể của xã hội của mình (các đồ vật có thể chạm đến mà một nền văn hóa sử dụng); chẳng hạn, cô bé không thể cầm một chiếc thìa, tung một quả bóng, hay sử dụng một cái ghế để ngồi. Cô bé cũng đã không học biết nền văn hóa phi vật thể của nó, như các niềm tin, các giá trị và các chuẩn mực của nó. Cô bé đã không hiểu biết gì về khái niệm “gia đình”, không biết những mong đợi văn hóa đối với việc sử dụng một nhà vệ sinh để bài tiết, và không có ý thức gì về lòng khiêm tốn. Quan trọng hơn cả, cô bé đã không học biết sử dụng các biểu tượng vốn thay thế ngôn ngữ – qua đó chúng ta học biết chúng ta là ai, cách chúng ta sống phù hợp với người khác, và các thế giới thiên nhiên và xã hội mà chúng ta đang sống.
Các nhà xã hội học đã bị cuốn hút trong một thời gian dài bởi các hoàn cảnh như các hoàn cảnh của Danielle – trong đó một đứa trẻ đón nhận sự nâng đỡ đầy đủ nhân bản để sống còn, nhưng hầu như không có sự tương tác xã hội nào – bởi vì họ nhấn mạnh đến việc chúng ta lệ thuộc vào sự tương tác xã hội dường nào để cung cấp thông tin và những kỹ năng mà chúng ta cần để trở thành một phần xã hội hay thậm chí để phát triển một “bản ngã”.
Sự cần thiết có sự tiếp xúc xã hội ban đầu đã được chứng minh bởi cuộc nghiên cứu của Harry và Margaret Harlow. Từ năm 1957 đến 1963, anh em nhà Harlows đã thực hiện một loạt các thí nghiệm nghiên cứu cách thức loài khỉ nâu (ở Ấn Độ), vốn hành xử giống như con người nhiều, đã chịu ảnh hưởng như thế nào bởi sự cô lập như những đứa bé. Họ đã nghiên cứu những con khỉ được nuôi dưỡng dưới hai loại hoàn cảnh làm mẹ “thay thế”: một bức tượng bằng mắt lưới và dây, hay một “người mẹ” bằng vải bông mềm. Một cách có hệ thống các chú khỉ thích kết bạn với bà mẹ thay thế bằng vải bông mềm (gần giống với một con khỉ nâu) vốn không thể cho chúng ăn, hơn là với một bà mẹ bằng mắt lưới dây mà cung cấp thức ăn qua một ống cho ăn. Điều này đã chứng minh rằng trong khi thức ăn là quan trọng, thì sự an ủi xã hội lại có giá trị lớn lao hơn (Harlow and Harlow 1962; Harlow 1971). Những thí nghiệm về sau thử nghiệm sự cô lập nghiêm nhặt hơn đã cho thấy rằng việc bị tước đi sự tiếp xúc xã hội như thế đã dẫn đến những thách đố sau này trong cuộc sống về mặt ý nghĩa và phát triển.
Trong các phần theo sau, chúng ta sẽ xem xét tầm quan trọng của tiến trình phức tạp của việc xã hội hóa và nó diễn ra như thế nào xuyên qua sự tương tác với nhiều cá nhân, các nhóm người và các thể chế xã hội. Chúng ta sẽ khảo sát làm thế nào việc xã hội hóa là không chỉ quyết định đối với trẻ em khi chúng phát triển, nhưng còn làm thế nào nó là một tiến trình suốt đời qua đó chúng ta trở nên được chuẩn bị cho những môi trường và những mong đợi xã hội mới ở mỗi giai đoạn của cuộc sống chúng ta. Nhưng trước tiên, chúng ta sẽ hướng đến nghiên cứu về sự phát triển bản ngã, tức tiến trình đi đến chỗ nhận ra một ý thức về bản ngã, một “bản ngã” vốn có thể được xã hội hóa sau đó.
- Các lý thuyết về sự phát triển bản ngã
Khi sinh ra, chúng ta có một cấu trúc di truyền và những nét sinh học. Tuy nhiên, chúng ta là ai như là con người sẽ phát triển xuyên qua sự tương tác xã hội. Nhiều học giả, cả trong lãnh vực tâm lý học và xã hội học, đều đã mô tả tiến trình phát triển bản ngã như là điều báo trước cho việc hiểu làm thế nào “bản ngã” đó trở nên được xã hội hóa.
Các quan điểm tâm lý học về sự phát triển bản ngã
Nhà phân tâm học Sigmund Freud (1856-1939) là một trong những nhà khoa học hiện đại có ảnh hưởng nhất truyền bá một lý thuyết về cách thức con người phát triển một ý thức về bản ngã. Ông đã tin rằng nhân cách và sự phát triển tính dục được liên kết với nhau cách chặt chẽ, và ông đã phân chia tiến trình trưởng thành thành các giai đoạn tâm lý tính dục: miệng, hậu môn, dương vật, giai đoạn tiềm tàng và giai đoạn sinh dục. Ông đã cho rằng sự phát triển bản ngã của con người liên kết chặt chẽ với những giai đoạn phát triển đầu tiên, như việc bú sữa mẹ, huấn luyện vệ sinh và ý thức về giới tính (Freud 1905).
Chìa khóa cho lối tiếp cận của Freud đối với sự phát triển của trẻ em là vạch ra những việc đào tạo ước muốn và khoái lạc trong đời sống của đứa trẻ. Đứa trẻ được coi là ở trung tâm của một sự thương lượng khéo léo giữa những xu hướng nội tại, bản năng đối với sự hài lòng (nguyên tắc khoái lạc), và những đòi hỏi ngoại tại, xã hội để dồn nén những xu hướng đó nhằm tuân theo những quy luật và nhưng quy định của nền văn minh (nguyên tắc thực tại). Việc thất bại trong việc giải quyết những căng thẳng và những bế tắc do vết thương lòng của sự phát triển tâm lý tính dục tuổi thơ sẽ có những hậu quả về mặt cảm xúc và tâm lý trong suốt giai đoạn tuổi trưởng thành. Chẳng hạn, theo Freud, việc thất bại trong việc dấn thân cách đúng đắn hay thoát ra khỏi một giai đoạn đặc thù của sự phát triển đứa trẻ sẽ có những hậu quả có thể đoán trước về sau trong cuộc sống. Một người trưởng thành với sự cắm chốt khẩu dục (oral fixation) có thể ham mê ăn uống thái quá hay chè chén say sưa. Một sự cắm chốt hậu môn có thể sinh ra một người quá ưa sạch sẽ (từ đó thuật ngữ “kiềm giữ hậu môn” (“anal retentive”), trong khi một người cắm chốt trong giai đoạn dương vật có thể là người có tình dục lăng nhăng hay thiếu trưởng thành tình cảm.
Kết nối: nghiên cứu xã hội học
Xã hội học hay tâm lý học: đâu là sự khác biệt?
Bạn có thể đang phân vân: nếu các nhà xã hội học và các nhà tâm lý học cả hai đều quan tâm đến con người và hành xử của họ, thì hai môn này khác nhau như thế nào? Họ đồng ý về điều gì, và những ý kiến của họ khác nhau ở đâu? Câu trả lời là phức tạp, nhưng việc phân biệt là quan trọng đối với các học giả trong cả hai lãnh vực.
Xét theo sự khác biệt tổng quát, chúng ta có thể nói rằng trong khi cả hai môn đều quan tâm đến hành xử của con người, thì các nhà tâm lý học lại tập trong vào việc tâm trí ảnh hưởng đến hành xử đó như thế nào, trong khi các nhà xã hội học lại nghiên cứu vai trò của xã hội trong việc hình thành nên cả lối hành xử lẫn tâm trí. Các nhà tâm lý học quan tâm đến sự phát triển tâm trí của con người và cách thức tâm trí của con người xử lý thế giới của mình. Các nhà xã hội học thì thích tập trung hơn vào cách thức các khía cạnh khác nhau của xã hội đóng góp vào mối tương quan của một cá nhân với thế giới. Một cách khác để suy nghĩ về sự khác biệt là ở chỗ các nhà tâm lý học có khuynh hướng hướng nội đến các phẩm chất của các cá nhân (sức khỏe tâm trí, những tiến trình xúc cảm, quá trình nhận thức), trong khi các nhà xã hội học lại có khuynh hướng hướng ngoại đến các phẩm chất của khung cảnh xã hội (các thể chế xã hội, các chuẩn mực văn hóa, những tương tác với người khác) để hiểu lối hành xử của con người.
Émile Durkheim (1958-1917) đã là người đầu tiên thực hiện sự phân biệt này trong nghiên cứu, khi ông gán những sự khác nhau trong tỉ lệ tự tử nơi dân chúng cho các nguyên nhân xã hội (những khác biệt tôn giáo) hơn là cho những nguyên nhân tâm lý (như sự khỏe mạnh tâm trí của họ) (Durkheim 1897). Ngày nay, chúng ta thấy đúng sự phân biệt này. Chẳng hạn, một nhà xã hội học nghiên cứu làm thế nào một đôi bạn đi đến điểm nụ hôn đầu tiên của họ vào một cuộc hẹn hò có thể tập trung sự nghiên cứu của mình về các chuẩn mực văn hóa đối với các kiểu mẫu hẹn hò, xã hội của hoạt động lãng mạn trong lịch sử, hay sự ảnh hưởng của nền tảng xã hội trên việc chọn lựa đối tác lãng mạn. Tiến trình này khác nhau thế nào đối với những người lớn tuổi hơn là đối với các thanh thiếu niên? Một nhà tâm lý học sẽ thích quan tâm hơn đến lịch sử lãng mạn, loại tâm lý hay tiến trình tâm trí của mong muốn tình dục của người ta.
Điểm mà các nhà xã hội học như Durkheim sẽ giải thích cặn kẽ là, một sự phân tích các cá nhân trên bình diện tâm lý học không thể giải thích cách thích đáng tính biến đổi về mặt xã hội của các lối hành xử, chẳng hạn, sự khác biệt trong tỉ lệ tự tử của người Công giáo và người Tin lành, hay sự khác biệt trong hệ thống chữ viết đề ngày tháng giữa các nền văn hóa hay các giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, đôi khi xã hội học và tâm lý học có thể phối hợp theo những cách thức thú vị. Cuốn “The Culture of Narcissism” (1979) của Christopher Lasch đã lập luận rằng nhân cách lo lắng thái quá đã là một sản phẩm của một kiểu Đạo đức Tin lành ban đầu của chủ nghĩa tư bản cạnh tranh, trong khi về sau, chủ nghĩa tư bản tiêu thụ hậu công nghiệp thì dẫn đến những cấu trúc nhân cách tự yêu bản thân thái quá (xã hội “tôi”).
Nhà tâm lý học Erik Erikson (1902-1994) đã đưa ra một lý thuyết về sự phát triển nhân cách phần nào dựa trên công trình nghiên cứu của Freud. Tuy nhiên, Erikson cũng đã quan tâm đến chiều kích xã hội của sơ đồ phát triển trẻ em của Freud (1963). Ông đã ghi nhận rằng mỗi giai đoạn của sự phát triển tâm lý xã hội của trẻ em đều đã được liên kết với việc hình thành các cấu trúc cảm xúc căn bản ở tuổi trưởng thành. Kết quả của giai đoạn khẩu dục sẽ quyết định liệu một người đáng tin cậy hay không đáng tin cậy xét như là một người trưởng thành, kết quả của giai đoạn hậu môn, (sẽ quyết định) liệu họ sẽ là đang tin và quảng đại hay xấu hổ và nghi ngờ; kết quả của giai đoạn sinh dục, (sẽ quyết định) liệu họ sẽ là đầy sáng kiến hay tội lỗi.
Erikson đã giữ lại ý tưởng của Freud rằng các giai đoạn của sự phát triển trẻ em đã là phổ quát, nhưng các nền văn hóa khác nhau đã đảm nhận chúng cách khác nhau. Các kỹ thuật nuôi dạy con trẻ đã thay đổi theo việc đào tạo xã hội trỗi vượt của các xã hội của họ. Vì vậy, chẳng hạn, truyền thống ở Sioux First Nation (Dân tộc đầu tiên của thổ dân Bắc Mỹ ở Great Plains ngày xưa, ctcnd)) đã không cai sữa cho con cái, nhưng cho chúng bú cho đến khi chúng mất đi sự thích thú. Truyền thống này đã tạo nên sự tin cậy giữa đứa con và mẹ của nó, và cuối cùng là sự tin cậy giữa đứa con và nhóm bộ tộc nói chung. Mặt khác, các xã hội công nghiệp hiện đại đã thực hành rất sớm việc cai sữa cho con cái, vốn dẫn đến một cấu trúc đặc điểm khác nhau, ít đáng tin cậy hơn. Con cái phát triển một thái độ sở hữu đối với các sự vật vốn đi theo chúng cho đến tuổi trưởng thành, vì đứa trẻ thì hăng hái kiếm các thứ đồ vật và giữ chặt các thứ đồ vật thay vì kinh nghiệm về sự quảng đại và sự thoải mái khi được giữ. Các xã hội trong đó các cá nhân dựa vào nhiều lẫn nhau và vào nhóm để sống còn trong một môi trường thù nghịch sẽ đảm nhận việc huấn luyện trẻ theo một cách thức khác biệt, và với những kết quả khác nhau, hơn là những xã hội vốn dựa trên chủ nghĩa cá nhân, sự cạnh tranh, sự tự lực và tự kiểm soát (Erikson 1963).
Jean Piaget (1896-1980) là một nhà tâm lý học chuyên về sự phát triển trẻ em, tập trung cách đặc biệt vào vai trò của những sự tương tác xã hội trong sự phát triển của chúng. Ông nhận ra rằng sự phát triển bản ngã tiến triển xuyên qua một sự thương lượng giữa thế giới như nó tồn tại trong tâm trí của một người và thế giới mà tồn tại như nó được cảm nghiệm về mặt xã hội (Piaget 1954). Tất cả ba nhà tư tưởng này đã đóng góp vào sự hiểu biết hiện đại của chúng ta về sự phát triển bản ngã.
Các lý thuyết xã hội học về sự phát triển bản ngã
Một trong những người đóng góp tiên phong cho các quan điểm xã hội học về sự phát triển bản ngã là Charles Cooley (1864-1929). Như chúng ta đã thấy trong chương gần đây nhất, ông đã khẳng định rằng việc hiểu biết bản ngã của con người được xây dựng phần nào bởi nhận thức của họ về cách thức người khác nhìn họ – một tiến trình được gọi là “bản ngã gương soi” (Cooley 1902). Bản ngã hay “ý tưởng bản ngã” thì hoàn toàn xã hội. Nó được dựa trên cách thức chúng ta tưởng tượng chúng ta xuất hiện trước người khác. Sự phóng chiếu này xác định làm cách nào chúng ta cảm thấy về chính chúng ta và chúng ta cảm nhận chúng ta là ai. Sự phát triển của một bản ngã do đó bao hàm ba yếu tố trong sự phân tích của Cooley: “sự tưởng tượng về sự xuất hiện của chúng ta trước người khác; sự tưởng tượng về sự phán xét của người ấy về sự xuất hiện đó, và chừng mực nào đó về việc cảm nhận bản ngã, như là sự tự hào hay mất thể diện”.
Về sau, George Herbert Mead (1863-1931) đã tiến hành một lối tiếp cận xã hội học chi tiết hơn về bản ngã. Ông đồng ý rằng bản ngã, xét như là căn tính riêng biệt của một người, chỉ được phát triển xuyên qua sự tương tác xã hội. Ông ghi nhận thêm rằng thành phần quyết định của bản ngã là khả năng của nó suy tư về mình, khả năng của nó trở thành “một đối tượng cho chính nó” (Mead 1934). Trên cơ sở này, ông phân chia bản ngã thành hai thành phần hay “giai đoạn”, cái “I” và cái “me”. Cái “me” đại diện cho phần của bản ngã trong đó người ta nhận ra “tập hợp các thái độ có tổ chức” của những người khác đối với bản ngã. Đó là chúng ta là ai trong mắt của người khác: các vai trò của chúng ta, “các tính cách” của chúng ta, những nhân cách công chúng của chúng ta. Mặt khác, cái “I” đại diện cho phần của bản ngã vốn hành động theo sáng kiến của nó hay đáp lại các thái độ có tổ chức của người khác. Đó là phần mới lạ, tự nhiên, bất khả đoán trước của bản ngã: phần của bản ngã vốn thể hiện khả năng thay đổi hay hành động chưa xác định. Bản ngã luôn được hiểu trong một tiến trình xã hội trong đó người ta chuyển qua lại giữa hai giai đoạn có thể phân biệt, cái “I” và cái “me”, như người ta làm trung gian giữa những hoạt động cá nhân của mình và những câu trả lời cá nhân đối với những hoàn cảnh xã hội khác nhau và những thái độ của cộng đồng.
Việc chuyển qua lại này là điều kiện của việc chúng ta có khả năng thuộc về xã hội. Đó không phải là một khả năng mà chúng ta được sinh ra với (Mead 1934). Chẳng hạn, trường hợp của Danielle minh họa những gì diễn ra khi sự tương tác xã hội vắng mặt từ kinh nghiệm ban đầu: cô bé không có khả năng nhìn chính mình như người khác nhìn cô bé. Theo quan điểm của Mead, cô bé đã không có “bản ngã”. Không có những người khác, hay không có xã hội, thì bản ngã không thể tồn tại: “Không thể quan niệm về một bản ngã nảy sinh bên ngoài kinh nghiệm xã hội” (Mead 1934).
Làm thế nào chúng ta đi từ là trẻ sơ sinh đến là người với “bản ngã”? Mead đã khai triển một lý thuyết xã hội học đặc thù về con đường phát triển mà tất cả mọi người đều trải qua, mà ông đã phân chia thành những giai đoạn gia tăng khả năng đóng vai trò: bốn giai đoạn của việc xã hội hóa con trẻ. Trong suốt giai đoạn chuẩn bị, các trẻ em chỉ có khả năng bắt chước: chúng không có khả năng tưởng tượng làm cách nào những người khác nhìn xem sự vật. Chúng bắt chước các hành động của những người mà chúng tương tác cách đều đặn, như mẹ và cha của chúng. Cuộc nói chuyện non nớt của một đứa trẻ là một sự phản ánh về sự thiếu khả năng của nó trong việc làm một đối tượng của chính nó qua đó nó có thể tiếp cận chính mình. Điều này được theo sau bởi giai đoạn đóng vai, mà trong suốt giai đoạn này các con trẻ bắt đầu bắt chước và mang lấy những vai trò mà một người khác có thể có. Như thế, các con trẻ có thể thử theo quan điểm của một bậc phụ huynh bằng cách diễn lối hành xử “trưởng thành”, như đóng “ăn mặc bảnh bao” và diễn vai người mẹ, hay nói chuyện trên chiếc điện thoại đồ chơi theo cách mà chúng thấy cha chúng làm. Tuy nhiên, chúng vẫn không thể mang lấy các vai trò theo một cách thức thích hợp và mạch lạc. Đóng vai là rất hay thay đổi và chóng qua, và các trẻ em chuyển ra vào các vai cách dễ dàng.
Trong suốt giai đoạn trò chơi, các con trẻ học biết xem xét một vài vai trò đặc thù đồng thời và làm thế nào các vai đó tương tác với nhau. Chúng học hiểu biết các sự tương tác bao gồm những người khác nhau với những mục đích khác nhau. Chúng hiểu rằng đóng vai trong mỗi hoàn cảnh bao gồm việc theo sau một bộ những quy tắc và những mong đợi thích hợp. Chẳng hạn, một đứa trẻ ở giai đoạn này có thể ý thức về những trách nhiệm khác nhau của những người ở trong một nhà hàng vốn cùng nhau chuẩn bị một kinh nghiệm bữa ăn dễ chịu (ai đó xếp chỗ cho bạn, người khác nhận phần gọi món của bạn, người khác nữa nấu thức ăn, trong khi một người khác rửa những chiếc đĩa bẩn).
Mead dùng ví dụ trò chơi bóng chày. Vào một thời điểm trong đời sống của những đứa trẻ, chúng đơn giản không thể chơi một trò chơi có tổ chức như môn bóng chày. Chúng không “hiểu được” rằng khi chúng đánh trúng quả bóng chúng cần chạy, hay sau lượt của chúng một người khác đến lượt đánh. Đối với bóng chày, để tiến hành, các cầu thủ không chỉ phải biết các điều lệ của trò chơi là gì, và vai trò cụ thể của họ trong trò chơi là thế nào (người đánh, người bắt, vị trí đầu tiên, etc.), nhưng đồng thời còn vai trò của mỗi cầu thủ khác trên sân. Các cầu thủ phải có thể đoán trước những hành động của những người khác và điều chỉnh hay định hướng lối hành xử của họ cách phù hợp.
Cuối cùng, các trẻ em phát triển, hiểu và học biết ý tưởng về người khác được tổng quát hóa, những mong đợi hành xử chung của toàn xã hội. Qua giai đoạn phát triển này, một cá nhân có khả năng tiếp thu làm thế nào mình được nhìn, không chỉ từ quan điểm của những người cụ thể, nhưng từ quan điểm của người khác được tổng quát hóa hay “cộng đồng có tổ chức”. Việc có thể hướng dẫn các hành động của mình theo những thái độ của người khác được tổng quát hóa sẽ cung cấp cơ sở của việc có “bản ngã” theo ý nghĩa xã hội học. Khả năng này xác định những điều kiện tư tưởng, ngôn ngữ và của chính xã hội như việc tổ chức những tiến trình và các hoạt động cộng tác phức tạp.
————————
Võ Xuân Tiến chuyển ngữ từ tập tài liệu English for Sociology của Trường Đại học Khoa học Huế, Phân khoa Xã hội học.
(xem phần 1 ở đây)
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- SỨ THẦN TÒA THÁNH TẠI PARIS NÓI VỀ LÝ DO TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KHÔNG ĐẾN PARIS