TÌM HIỂU VỀ KHU ĐẤT ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

Written by xbvn on Tháng Mười Một 4th, 2015. Posted in Huế, Đại Chủng Viện Huế

Ấn tượng đầu tiên khách tới thăm chủng viện Huế thường là về những đường nét cổ kính in đậm dấu thời gian. Có thể nói sắc mầu quá khứ và dấu vết thời gian đã làm nên bản sắc rất riêng, làm nên vẻ đẹp trầm mặc của xứ Huế.

Nhìn những đường nét hoa văn cổ kính, người ta không khỏi chạnh lòng nghĩ về quá khứ vàng son, về nguồn gốc, và rồi chợt tự hỏi vẻ đẹp kia có tự bao giờ. Người viết bài này xin được cùng quí vị lục lọi lại một vài ghi chép xưa để tìm lại dấu tích mảnh đất Đại chủng viện Huế hiện nay.

dcv_mattien

Mặt tiền nhà nguyện chủng viện Huế

Từ tư liệu cổ

Trong Văn khố Hội Thừa Sai Paris, chúng tôi tìm được tài liệu có nhan đề Historique du Grand Séminaire de Hué, mã số 1933/575-586, do linh mục J.B. Roux (Cố Ngôn) viết vào năm 1933, trong đó có đoạn văn như sau[i]:

Un événement important dans la vie du séminaire marque cette année 1888. Le 20 octobre le P. Renauld, nommé aumônier des troupes et curé de la paroisse de Thuận-An, quitte la direction du séminaire et l’établissement lui-même est transféré à Phú-Xuân, sur la rive gauche du fleuve, à quelque six cents mètres en aval de Thợ-Đức. C’est là qu’il est encore aujourdhui. Mgr Caspar avait fait l’acquisition dans ce quartier de plusieurs terrains, appartenant à des familles princières et contigus l’un à l’autre. Il y établit son évêché, la procure, la Ste Enfance et le grand séminaire. Ce dernier occupa un vaste jardin qui avait appartenu jadis à la fille aînée du roi Minh-Mạng, comme en fait foi une inscription retrouvée sur la porte d’entrée.

Đoạn văn trên đây được dịch như sau[ii]:

Một biến cố quan trọng trong cuộc sống của chủng viện đánh dấu năm 1888 này. Ngày 20.10, cha Renauld, được bổ nhiệm làm tuyên úy quân đội và làm cha sở giáo xứ Thuận An, đã thôi điều hành Chủng viện và chính Chủng viện được chuyển đến Phú Xuân, bên tả ngạn của sông Hương, khoảng 600m về phía hạ lưu Thợ Đức. Ngày nay, chủng viện vẫn còn nằm ở đây. Đức cha Caspar đã mua nhiều đất đai trong khu phố này, chúng thuộc về các gia đình hoàng thân và giáp kề với nhau. Tại đây, ngài đã lập tòa giám mục, trụ sở quản lý, Nhà Dục Anh (Sainte Enfance) và Đại Chủng viện. Đại Chủng viện chiếm một khu vườn rộng lớn mà ngày xưa vốn thuộc về trưởng nữ của vua Minh Mạng, như câu văn khắc được tìm thấy trên cổng vào chứng thực.

Đoạn văn cung cấp cho chúng ta một số thông tin quan trọng sau đây:

– Vào năm 1888, Đại chủng viện Huế đã được chuyển từ Thợ Đúc (bản văn tiếng Pháp và bản dịch ghi nhầm thành Thợ Đức) qua Phú Xuân, cũng là vị trí của Đại chủng viện Huế vào năm 1933 và hiện nay.

– Trước đó, Đức cha Caspar đã mua nhiều mảnh đất cận kề nhau thuộc các gia đình hoàng tộc tại vùng Phú Xuân. Mảnh đất với bốn cơ sở lúc đó (Tòa Giám mục, sở quản lí, nhà Dục Anh, Đại chủng viện) rất có thể chính là khu vực từ Dòng thánh Phaolô cho tới Đại chủng viện nằm trên đường Kim Long hiện này.

– Bản văn cho biết Đại chủng viện nằm ở khu vườn vốn thuộc về một công chúa, như câu văn khắc trên cổng chứng thực.

Đến câu văn khắc

Phần cước chú liên quan đến câu văn khắc được ghi như sau: « (caractères chinois) : Texte de l’inscription, qui se lit en sino-annamite : An Thạnh Trưởng công chúa đệ, et signifie : Palais de la princesse fille aînée (nommée) An Thạnh. » Chúng tôi xin được tạm dịch « (chữ Hán) : Câu văn khắc được đọc theo âm Hán-Việt : An Thạnh Trưởng công chúa đệ, nghĩa là : Phủ đệ của Trưởng công chúa An Thạnh ». Thông tin này giúp chúng tôi biết được vị trí vốn có của câu văn khắc hiện vẫn được lưu giữ tại Đại chủng viện Huế.

dcv

Đại chủng viện Huế

dcv_phienda

Phiến đá với câu văn khắc

Nhìn dòng chữ này và đọc thông tin cho biết phiến đá mang dòng chữ vốn nằm trên cổng, chúng tôi liên tưởng tới chiếc cổng rêu phong cổ kính ở số 24 đường Kim Long, nằm không xa cổng Chủng viện Huế, trên đó cũng có phiến đá tương tự với dòng chữ Diên Phước Trưởng công chúa từ môn, tức là Cổng từ đường Trưởng công chúa Diên Phước.

DienPhuoc

Cổng từ đường Trưởng công chúa Diên Phước

Tuy nhiên, bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 210 về dinh thự ở kinh đô, có mục về phủ đệ với qui cách rất cụ thể[iii]:

Gia Long năm thứ 15, chuẩn định: Phàm dựng làm nhà phủ hoàng tử, công chúa, thì chính đường 5 gian 2 chái, tiền đường 7 gian chung quanh mái chồng, hợp làm một tòa, lợp ngói âm dương, bốn chung quanh xây bao quanh bằng tường gạch, mặt trước mặt sau đều mở một cửa vòm, trong cửa xây bình phong.

Chi tiết về « cửa vòm » trên đây, cùng với thông tin từ tài liệu của linh mục J. B. Roux vào năm 1933 về « câu văn khắc trên cổng » khiến chúng tôi nghĩ rằng rất có thể câu văn khắc An Thạnh Trưởng công chúa đệ đã được đặt trên cửa vòm mà chúng ta nhìn thấy xa xa trong bức ảnh chụp dưới đây.

dcv_xua

Chúng tôi thấy cũng cần phải nói thêm rằng bản văn tiếng Pháp dịch Trưởng công chúa thành fille aînée du roi Minh-Mạng là không chính xác. Trưởng công chúa vốn không phải là công chúa lớn nhất, mà là tước thường được vua ban cho các chị em gái của mình. Trưởng công chúa An Thạnh cũng không phải là con gái vua Minh Mạng, mà là con gái vua Thiệu Trị và là chị em gái với Trưởng công chúa Diên Phước với hình ảnh cổng vào từ đường chúng ta thấy ở trên.

Vậy An Thạnh Trưởng công chúa là ai?

Như chúng tôi vừa bàn, An Thạnh Trưởng công chúa là tước được ban cho một trong những người con gái của vua Thiệu Trị. Tên gọi và tước hiệu của người chị em gái của Trưởng công chúa An Thạnh, công chúa Diên Phước, được nhắc tới trong bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ[iv], nhưng bộ sách này lại không nói gì về công chúa An Thạnh.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết rằng Trưởng công chúa An Thạnh tên là Nhàn Yên (嫻燕), là một trong 35 người con gái của vua Thiệu Trị. Người sinh ra công chúa Nhàn Yên là bà lệnh phi Nguyễn Thị Nhậm (令妃阮氏任), quê tại vùng đất nay là tỉnh An Giang, con của Kinh môn Quận công Nguyễn Văn Nhơn, một trong Gia Định ngũ hổ tướng. Xét theo thông lệ các triều đại, tước Trưởng công chúa thường chỉ được vua ban cho các chị em gái của mình, công chúa Nhàn Yên hẳn đã nhận tước Trưởng công chúa sau khi hoàng tử Hồng Nhậm lên ngôi, tức là vua Tự Đức (1848-1883). Ngoài những chi tiết nêu trên, chúng tôi hiện chưa biết gì thêm về Trưởng công chúa An Thạnh. Tài liệu của linh mục J. B. Roux được kể ra trên đây chỉ cho biết Đức Giám mục Caspar đã mua nhiều mảnh đất liền nhau tại khu vực này, và mảnh đất của chủng viện vốn thuộc về một vị Trưởng công chúa. Tài liệu này không cho biết chính xác những mảnh đất này đã được mua vào năm nào, cũng không cho biết Đức Giám mục Caspar đã mua mảnh đất chủng viện trực tiếp từ vị Trưởng công chúa hay qua trung gian.

JBRoux

Phần mộ của linh mục J. B. Roux (Cố Ngôn) tại chủng viện Huế

Chúng tôi đã cố gắng tìm lại một số tư liệu cổ để xem xét về nguồn gốc mảnh đất hiện nay là Đại chủng viện Huế. Sau bao nhiêu biến động của lịch sử, dấu vết còn lại không nhiều, rất nhiều câu hỏi được đặt ra vẫn chưa có được những câu trả lời thỏa đáng. Chúng tôi rất mong được những bậc cao minh chỉ bảo thêm cho.

Vinhsơn Trần Minh Thực, PSS

—————————-

[i] Bản văn được trích từ tài liệu trong trang điện tử http://archives.mepasie.org/bulletin-des-missions-etrangeres/historique-du-grand-sa-c-minaire-de-hua-c-annam, tra cứu ngày 10-9-2015.

[ii] Bản văn được trích từ tài liệu trong trang điện tử http://tonggiaophanhue.net/home/dulieu/tonggiaophanhue/tulieu/lich_su_dai_chung_vien_hue/, truy cập ngày 10-9-2015.

[iii] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch của Ngô Hữu Tạo-Nguyễn Mạnh Duân, nhà xuất bản Thuận Hóa 1993, tập 13, tr. 150.

[iv] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 1, tr. 119.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30