TẠI SAO ĐÔNG TIMOR CÓ ĐẾN GẦN 98% NGƯỜI CÔNG GIÁO?

Written by xbvn on Tháng Chín 11th, 2024. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô được chờ đợi ở Đông Timor, nơi ngài sẽ lưu trú từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 9 năm 2024. Nhà sử học và địa lý Frédéric Durand có cuộc phỏng vấn dài về lịch sử và căn tính của đất nước này, bao gồm phần lớn người Công giáo.

Năm 2002, Đông Timor, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 9, đã chính thức được công nhận là một quốc gia độc lập sau nhiều năm bị Indonesia chiếm đóng. Nhà sử học và địa lý Frédéric Durand giải thích trong một cuộc phỏng vấn dài: Giáo hội Công giáo đóng một vai trò thiết yếu trong việc khẳng định căn tính của đất nước non trẻ này. Là tác giả của nhiều tác phẩm về đảo Timor, đặc biệt cuốn Catholicisme et protestantisme dans l’île de Timor, 1556-2003 – construction d’une identité chrétienne et engagement politique contemporain (Arkuiris, 2004), ông đề cập vị trí của Kitô giáo trong lịch sử đầy biến động của hòn đảo nhỏ Timor.

I.Media: Ngày nay, Đông Timor theo tỷ lệ là đất nước có nhiều người Công giáo nhất trên thế giới – tất nhiên là ngoại trừ Vatican – với hơn 97% dân số tự nhận mình là người Công giáo. Đạo Công giáo đã đến Đông Timor như thế nào?

Frédéric Durand: Công giáo đến trong những lần tiếp xúc đầu tiên của người Timor với các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha vào giữa thế kỷ XVI. Cho dù những cuộc tiếp xúc này có từ năm 1520, nhưng người ta vẫn thường giữ lại năm 1556, năm chứng thực một cộng đồng vài nghìn người Công giáo ở Timor và các đảo xung quanh. Người Bồ Đào Nha đến đây cùng với các linh mục một cách có hệ thống, vì vào thời điểm đó, các chiều kích loan báo Tin Mừng và khám phá những vùng đất mới không thể tách rời.

Nhưng ngay cả trước khi người Bồ Đào Nha đến, người Timor đã có ý thức rất sâu sắc về sự linh thánh được xây dựng trên quan niệm kép nội tại và ngoại tại, nơi tư tưởng phương Tây được chia thành ba – ví dụ như nơi Chúa Ba Ngôi. Điều này giải thích tại sao đạo Công giáo có thể cần thiết ở Timor như là sức mạnh tinh thần bên ngoài, mà không nhất thiết phải mâu thuẫn với sức mạnh tinh thần bên trong, trong trường hợp này là nền tảng thuyết vật linh địa phương. Tuy nhiên, không nhất thiết phải nói đến chủ nghĩa hỗn hợp trong trường hợp này, nhưng đúng hơn nói đến sự chung sống tốt đẹp. Điều này càng đúng hơn vì không có truyền giáo cưỡng bức từ phía người Công giáo.

I.Media: Năm 1975, chỉ có 30% dân số Đông Timor theo Công giáo. Việc người Bồ Đào Nha truyền giáo ở Timor có bị hạn chế nhiều không?

Frédéric Durand: Thời kỳ Bồ Đào Nha (1556-1975) được chia thành hai thời điểm lớn. Đầu tiên là sự xuất hiện của các tu sĩ đầu tiên ở Timor, trong trường hợp này là các tu sĩ dòng Đa Minh. Các tu sĩ này nhanh chóng tham gia vào các vấn đề kinh tế và thương mại, đặc biệt là việc khai thác gỗ đàn hương, vốn là nguồn tài nguyên ban đầu to lớn của hòn đảo. Chúng ta có khá ít tài liệu lưu trữ từ thời kỳ này, một dấu hiệu cho thấy xu hướng thiên về các hoạt động thế tục hơn là truyền giáo cho dân chúng. Cũng phải nói rằng số lượng linh mục được người Bồ Đào Nha cử ra đảo khá thấp.

Sau đó, hàng giáo sĩ này phải đối mặt với một tình huống phức tạp với ba thế lực đang hiện diện: những người Hà Lan theo đạo Tin Lành, những người đã thành lập ở phía tây hòn đảo vào đầu thế kỷ XVII cùng với Công ty Đông Ấn. Phần này của hòn đảo thuộc về Indonesia ngày nay. Các tu sĩ Đa Minh cũng phải đối phó với một nhóm khác, đó là nhóm Topasses: những người Timor lai theo Công giáo này nói tiếng Bồ Đào Nha trong khi tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của quyền lực thực dân. Cuối cùng, có vô số vương quốc địa phương. Việc truyền giáo ở Timor cũng rất phức tạp. Đó là một hòn đảo lớn bằng nước Bỉ, có đặc điểm địa hình khó khăn với các đỉnh cao tới gần 3.000 mét khiến giao thông trước đây thường khó khăn và chậm chạp.

I.Media: Phải chăng việc truyền giáo chậm chạp có nghĩa là đạo Công giáo không tìm được chỗ đứng ở Đông Timor?

Frédéric Durand: Không, vì đối với người Timor, Bồ Đào Nha từ lâu đã là anh cả. Có chính trị nội bộ, các truyền thống vật linh, và có mối quan hệ này với quyền lực bên ngoài, sự trộn lẫn giữa Bồ Đào Nha với tư cách là một cường quốc chính trị và đạo Công giáo là một sức mạnh tinh thần. Đối với người dân địa phương, liên minh với người Bồ Đào Nha này có nghĩa là họ có một căn tính Công giáo. Nhưng vì là một quyền lực bên ngoài, nên điều này không được coi là không phù hợp với việc duy trì các truyền thống tâm linh địa phương, vả lại, việc chiêu dụ tín đồ của các linh mục nhìn chung còn yếu.

I.Media: Từ thế kỷ XVII, Tây Timor bị người Hà Lan chiếm đóng, những người chủ yếu theo đạo Tin lành. Sự tách rời này báo trước sự tách rời của hòn đảo mà chúng ta biết ngày nay. Nhưng phải chăng đã có mầm mống căng thẳng sẽ xuất hiện với Indonesia?

Frédéric Durand: Việc tách Timor không phải là vấn đề tôn giáo. Khi chúng ta nhìn vào khu vực Tây Timor, theo quan điểm niềm tin, nó cũng được chia thành hai khu vực. Phần cực tây của Tây Timor chủ yếu là người theo đạo Tin lành, nhưng phần phía đông, giáp với Đông Timor, chủ yếu là người Công giáo. Điều này loại bỏ mọi nhận thức về một hòn đảo được chia thành hai khối tôn giáo riêng biệt. Hoàn cảnh hiện tại được kế thừa từ các cuộc đàm phán giữa người Bồ Đào Nha và người Hà Lan nhằm phân định biên giới ngăn cách lãnh thổ của họ trên Timor. Quá trình này bắt đầu từ thế kỷ XIX và mãi đến năm 1914 mới hoàn thành.

Lúc đó, người Bồ Đào Nha đã yêu cầu và đạt được từ người Hà Lan việc các vùng lãnh thổ tranh chấp có sự hiện diện của người Bồ Đào Nha xưa có thể vẫn thuộc Công giáo. Tuy nhiên, điều này không được thực hiện mà không có sự mơ hồ nào đó bởi vì chính Hội dòng Lời Chúa, một hội dòng Công giáo có nguồn gốc từ Hà Lan, lúc đó đã được thành lập tại các vùng lãnh thổ này. Hội dòng này có xu hướng ủng hộ chính sách hội nhập với Indonesia trong thời kỳ chiếm đóng của Indonesia. Cuối cùng, vì Indonesia là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, nên các Kitô hữu ở Timor, dù là Tin lành hay Công giáo, đều thấy mình ở vị trí thiểu số trên toàn quốc so với người Hồi giáo, ngay cả khi họ có thể chiếm đa số ở một số khu vực phía đông của quần đảo ít dân cư hơn, chẳng hạn như Quần đảo Sunda Nhỏ hoặc Tây Papua, nơi sau này là đối tượng của các cuộc biểu tình đòi độc lập.

I.Media: Việc người Đông Timor trở lại Công giáo diễn ra chủ yếu vào thế kỷ XX. Điều gì đã đẩy nhanh việc loan báo Tin Mừng cho đất nước một cách thình lình như vậy?

Frédéric Durand: Sự trở lại của đại đa số người dân Đông Timor chủ yếu là do sự nhập cuộc của Indonesia. Trong khi Giáo hội Bồ Đào Nha ở Timor bao dung thuyết vật linh, thì thuyết này lại bị Jakarta cấm, nơi chỉ công nhận các tôn giáo được coi là độc thần – Kitô giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo – cùng với đa số người Hồi giáo.

Đầu những năm 1980, chính phủ Indonesia áp đặt người dân Timor tuyên bố họ thuộc về một trong những tôn giáo này. Lúc đó, họ chủ yếu chọn Công giáo, một sự lựa chọn trước hết có thể được giải thích là do các linh mục Công giáo luôn ủng hộ người dân Timor. Và Công đồng Vatican II đã có tác dụng tích cực: trong khi Indonesia cố gắng áp đặt ngôn ngữ quốc gia của mình là tiếng Bahasa Indonesia, thì Giáo hội Công giáo đã chọn Tetum, chuyển ngữ chính của hòn đảo, làm ngôn ngữ phụng vụ. Tuy nhiên, nếu áp lực của Indonesia chắc chắn đã đẩy nhanh quá trình trở lại Công giáo của người Đông Timor, thì việc trở lại này chắc chắn sẽ diễn ra khá dần dần, như chúng ta thấy đã xảy ra ở các nước khác ở phía Nam, và đặc biệt là các thuộc địa khác của Bồ Đào Nha.

I.Media: Giáo hội Công giáo có tham gia vào việc đánh thức tình cảm dân tộc của người Đông Timor không?

Frédéric Durand: Có lẽ không tham gia trực tiếp vào việc đánh thức, bởi vì ban đầu Giáo hội có liên hệ với thế lực thực dân, nhưng sau đó Giáo hội rõ ràng ủng hộ điều đó. Việc giáo dục của giới tinh hoa Đông Timor nhất thiết phải ngang qua các trường học do Giáo hội quản lý, vì một hiệp định được ký kết giữa Vatican và Bồ Đào Nha đã trao cho họ quyền quản lý giáo dục. Tổng thống đầu tiên của Đông Timor, Francisco Xavier do Amaral, cũng đến chủng viện ở Ma Cao.

Cần lưu ý rằng sự thức tỉnh của chủ nghĩa dân tộc diễn ra rất muộn ở Đông Timor, không giống như các thuộc địa khác của Bồ Đào Nha như Mozambique hay Angola. Trào lưu này xuất hiện vào thời điểm Cách mạng Hoa cẩm chướng năm 1974. Vào thời điểm đó, Giáo hội Công giáo khá bảo thủ, và do đó đứng về phía người Bồ Đào Nha. Nhưng kể từ khi đơn phương tuyên bố độc lập vào năm 1975 và đặc biệt là kể từ cuộc xâm lược của Indonesia vào tháng 12 cùng năm, Giáo hội đã ủng hộ người dân Timor một cách rõ ràng. Đặc biệt đây là trường hợp của Đức cha Martinho da Costa Lopes, giám quản tông tòa của hòn đảo. Chứng kiến ​​những vụ thảm sát và nỗi đau khổ của người dân Timor, ngài thực sự ủng hộ chính nghĩa. Hơn nữa, chính phủ Indonesia vào thời điểm đó đã gây áp lực lên Vatican trong nhiều năm để trục xuất ngài khỏi Timor. Nhưng ngay cả khi trở về Bồ Đào Nha vào năm 1983, ngài vẫn tiếp tục bảo vệ chính nghĩa của Timor cho đến khi qua đời vào năm 1991.

I.Media: Tại sao mối quan hệ giữa Indonesia, một quốc gia Hồi giáo trẻ và rộng lớn, và Tòa Thánh lại tốt đẹp khi cuộc khủng hoảng Timor nổ ra vào năm 1975?

Frédéric Durand: Indonesia là một quốc gia Hồi giáo rộng lớn với thiểu số Công giáo vốn có nguy cơ bị trả thù nếu Vatican phản đối công khai. Tòa Thánh đã ưu tiên duy trì mối quan hệ tốt đẹp.

Về phía Indonesia, các mối quan hệ của nước này là cần thiết, bởi vì đất nước này chắc chắn có đa số người Hồi giáo rõ ràng, đặc biệt là ở Sumatra, Java và Borneo, nhưng phần lớn lãnh thổ của nó chủ yếu bao gồm các Kitô hữu – ví dụ như ở một số đảo của Moluccas, ở Tây Papua hoặc Flores. Hơn nữa, vào năm 1975, đảng độc lập chính của Đông Timor tuyên bố là đảng cộng sản. Nỗi lo sợ lớn nhất là nguy cơ đất nước này trôi dạt theo chủ nghĩa Mác khi biết rằng tổng thống Indonesia lúc bấy giờ, Tướng Suharto, đã lên nắm quyền từ mười năm trước dựa vào sự đàn áp bạo lực cuộc đảo chính được gán cho cộng sản.

I.Media: Việc sáp nhập Đông Timor không được một bộ phận người dân chấp nhận và dẫn đến một cuộc xung đột chết người giữa kẻ xâm lược và người Timor. Vatican đã phản ứng đủ trước thảm kịch ảnh hưởng chủ yếu đến người Công giáo này chưa?

Frédéric Durand: Năm 1975, Vatican thấy mình phải đối mặt với một sự việc đã rồi, bất lực trước Indonesia, một cường quốc địa phương mà không ai muốn chống lại. Cũng cần biết rằng Indonesia đã tuyên truyền rất nhiều về nguy cơ Đông Timor tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Điều này làm dấy lên lo ngại về một “Cuba” mới giữa Indonesia và Australia, vốn có thể liên quan đến việc Đông Timor xích lại gần Trung Quốc.

Úc, quốc gia bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Timor, là quốc gia duy nhất trên thực tế công nhận việc sáp nhập Indonesia. Jakarta cũng được hưởng lợi từ sự ủng hộ mạnh mẽ của người Mỹ, những người rất có thiện cảm với Tướng Suharto, và từ sự trung lập của châu Âu, ngoại trừ Bồ Đào Nha. Nhưng Bồ Đào Nha vào thời điểm đó đang ở ghế phụ của châu Âu và không có đủ quyền lực chính trị để bảo vệ chính nghĩa của Đông Timor một cách hiệu quả. Lisbon bằng lòng thường xuyên tố cáo tình hình, nhưng nó chủ yếu mang tính biểu tượng. Và cuối cùng nhiều người, kể cả Vatican, tin rằng việc sáp nhập sẽ có tác dụng theo thời gian. Có một tiền lệ lịch sử với việc Ấn Độ sáp nhập Goa – một trạm thương mại của Bồ Đào Nha – vào năm 1961 và cuối cùng được Bồ Đào Nha công nhận vào năm 1974.

I.Media: Vatican có cảm thấy buộc phải bảo vệ người Công giáo Indonesia không?

Frédéric Durand: Đúng vậy, đặc biệt là vì ngoài những người Công giáo đến từ phía đông quần đảo, một tỷ lệ đáng kể người Công giáo Indonesia là người Indonesia gốc Hoa. Họ bị nguy hiểm nhiều hơn: thiểu số này từng là đối tượng của các cuộc tàn sát năm 1965-1966 vào thời điểm xảy ra cuộc đảo chính đưa Tướng Suharto lên nắm quyền.

I.Media: Ở Timor, lịch sử tưởng nhớ hành động của một người của Giáo hội, Đức cha Carlos Filipe Ximenes Belo*. Vị giám mục này, người được trao giải Nobel Hòa bình năm 1996, đã đóng vai trò gì?

Frédéric Durand: Khi được bổ nhiệm làm giám quản tông tòa, Đức cha Belo không được người Timor đón nhận nồng nhiệt vì ngài được bổ nhiệm sau khi Đức cha Martinho Da Costa Lopes, người bảo vệ dân chúng, bị lật đổ. Giám mục Belo đã từng học ở Indonesia và được coi là người sẽ giúp Indonesia điều hành các vấn đề tôn giáo của Timor. Nhiều linh mục đã tẩy chay việc xếp đặt ngài.

Nhưng rất nhanh chóng, và có phần trái với mọi mong đợi, Đức cha Belo đã can đảm đưa ra các quan điểm để bảo vệ người dân Đông Timor, bao gồm cả việc phản đối việc truyền giáo cưỡng bức cho những người theo thuyết vật linh do người Indonesia thực hiện. Các linh mục dần dần xích lại gần vị giám mục của họ, ngài bắt đầu cảnh báo Vatican một cách có hệ thống về tình hình, sau đó can thiệp vào trường quốc tế. Điều này hiển nhiên được người dân đánh giá rất cao. Trong thời kỳ này, các nhà thờ Công giáo cũng là những nơi đô thị duy nhất mà người Timor, được quân đội Indonesia giám sát chặt chẽ, có thể gặp nhau mà không gặp quá nhiều rủi ro. Và ở những nơi này, tiếng Tetum đã được nói, điều này đã giúp củng cố tình cảm dân tộc của người dân Đông Timor.

I.Media: Đức cha Belo có bất chấp lời kêu gọi thận trọng từ Rôma không?

Frédéric Durand: Đúng vậy, ngài ấy thậm chí còn viết thư cho Tổng thư ký Liên hợp quốc vào năm 1989 để yêu cầu ông tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết. Liên Hợp Quốc cũng không rõ ràng lắm: vào năm 1975, trong cuộc xâm lược, hội đồng bảo an đã kêu gọi rút quân Indonesia và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết, nhưng sau đó ông tỏ ra dè dặt hơn nhiều.

Dần dần trong những năm tiếp theo, tỷ lệ các nước yêu cầu rút quân ngày càng ít đi. Từ năm 1982, hồ sơ này thậm chí còn bị loại khỏi chương trình nghị sự của Hội đồng Liên Hợp Quốc và được giao phó cho Tổng thư ký, vì có nguy cơ Indonesia sẽ giành được một cuộc bỏ phiếu trái với quyền của người Timor từ phía đông.

I.Media: Sau sự rút lui của người Indonesia và sự độc lập hiệu quả của đất nước, Giáo hội hiện nay đóng vai trò gì?

Frédéric Durand: Lúc đầu, có sự tham gia vào việc cai trị đất nước mới, nhưng Giáo hội nhanh chóng xa rời quyền lực. Sau đó, thường xuyên xảy ra căng thẳng giữa hai đảng chính trị lớn: Freitilin (Mặt trận Cách mạng vì Độc lập Đông Timor), một đảng Marxist rất tích cực tham gia vào việc giải phóng đất nước, và CNRT (Quốc hội Tái thiết Timor), tổ chức xã hội – đảng dân chủ của Xanana Gusmão, Thủ tướng hiện nay. Những sự cạnh tranh này đã đưa đất nước đến cuộc khủng hoảng lớn năm 2006, dẫn đến một cuộc nội chiến. Kể từ cuộc khủng hoảng này, Giáo hội Công giáo đóng vai người đảm bảo hòa bình xã hội và chẳng hạn như yêu cầu các chủ thể chính trị ký một hiệp ước không xâm lược và ứng xử tốt trước mỗi cuộc bầu cử.

I.Media: Người Timor nhìn vào lịch sử truyền giáo của họ như thế nào?

Frédéric Durand: Có một lòng nhiệt thành không nhất thiết phải đặt câu hỏi về lịch sử. Đối với họ, Công giáo là đức tin đích thực do người Bồ Đào Nha mang đến, và ý tưởng hội nhập văn hóa Công giáo vào khuôn khổ văn hóa tâm linh địa phương đã vận hành tốt ở Timor. Người Timor sống theo đạo Công giáo của họ rất tự nhiên, nhưng thách thức hiện nay là thế hệ trẻ. Làm thế nào nó sẽ tiếp tục hay không thực hành như những người lớn tuổi của nó đã làm? Đây sẽ là một trong những chủ đề chính mà Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ phải đề cập đến.

I.Media: Chuyến viếng thăm của ngài diễn ra 35 năm sau chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Gioan Phaolô II, khi đất nước này vẫn còn bị quân đội Indonesia chiếm đóng. Có phải người Timor có ký ức tồi tệ về chuyến thăm này khi vị Giáo hoàng người Ba Lan không công khai ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập?

Frédéric Durand: Thực sự có một chút thất vọng khi Đức Gioan Phaolô II đến Dili bằng máy bay vào năm 1989. Đức Gioan Phaolô II thường hôn đường băng sân bay trong lần đầu tiên ngài đến một đất nước mới. Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng đã dừng chân ở Indonesia và mọi người đều hy vọng rằng ngài sẽ hôn đất. Cuối cùng ngài đã hôn một cây thánh giá trên mặt đất. Tuy nhiên, điều này có thể được hiểu là biểu tượng cho thấy ngài đã ôm lấy nỗi đau của người Timor.

Chuyến đi này rất quan trọng đối với người Timor, vì lần đầu tiên kể từ năm 1975, họ đã có thể thể hiện mong muốn độc lập của mình trên trường quốc tế. Trước đó, đất nước này hoàn toàn bị phong tỏa và hầu như không thể tiếp cận được. Đây là lần đầu tiên các nhà báo không bị giám sát có thể đến Đông Timor.

Tôi nghĩ người Timor hiểu rằng chính nghĩa của họ bị vướng vào một vấn đề chính trị thực tế (realpolitik) và Vatican đã bị phong tỏa. Vụ thảm sát Santa Cruz năm 1991, khiến thế giới hiểu rằng tình hình không nằm dưới sự kiểm soát như Jakarta tuyên bố, là chưa đủ. Giải Nobel Hòa bình được trao cho José Ramos-Horta và Đức cha Belo cũng không đủ. Quả thực, mỗi lần Indonesia bị chỉ trích, tướng Suharto đều tuyên bố đó là vấn đề nội bộ và khẳng định cuộc trưng cầu dân ý tự quyết đã quyết định vấn đề – một cuộc trưng cầu dân ý chưa được Liên hợp quốc công nhận.

Điều giúp phá vỡ thế phong tỏa là cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1998-1999, dẫn đến sự sụp đổ của Tướng Suharto. Indonesia rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn đến mức phải vay nợ quốc tế ồ ạt, đặc biệt là từ Ngân hàng Thế giới. Điều này tạo ra đòn bẩy mong đợi ​​để giải quyết vấn đề Đông Timor, trong khi vùng lãnh thổ này lúc đó vẫn được Liên hợp quốc coi là “thuộc địa của Bồ Đào Nha cần được phi thực dân hóa” và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết vào tháng 8 năm 1999 trong đó người dân đã bỏ phiếu hơn 78% cho độc lập.

————————————-

(*) Đức cha Belo bị Vatican cách chức năm 2002 sau khi bị kết tội lạm dụng trẻ vị thành niên.

———————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Aleteia)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Chín 2024
H B T N S B C
« Th8    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30