TIN MỪNG CHO NGƯỜI TỘI LỖI
Suy niệm Tin Mừng CN 11 TN C, Lc 7, 36-50
Hôm nay, Chúa đến dùng bữa tại nhà một người Pharisieu tên là Simon. Người Pharisiêu có bao giờ đồng tình với Chúa điều gì đâu nhưng có ai dám thắc mắc tại sao Chúa nhận lời mời của người ấy. Tôi tin rằng chỉ có Chúa biết người này có ý hướng ngay lành hay không. Và Chúa muốn dùng cơ hội dùng bữa này để mạc khải cho cả những kẻ chống đối Ngài một Tin Vui: Chính Ngài là Thiên Chúa và Thiên Chúa có quyền tha tội.
Chúa Giê-su đến và ông Simon bỏ qua tục lệ lịch sự tối thiểu là ôm hôn, rửa chân, xức dầu thơm cho khách. Cách tiếp đón hời hợt của ông Simon cho thấy ông mời Chúa đến không vì Chúa, nhưng vì mình nhiều hơn: cho những người theo Chúa biết rằng ông là một tên Pharisiêu tiến bộ, biết điều. Ông mỵ dân đối với những người theo Chúa để giảm đi những cái nhìn không mấy tốt đẹp về người Pharisiêu. Thực ra, cái căn cốt giả dối vẫn luôn là giả dối. Đã vậy, câu chuyện trong bữa ăn cũng không mấy thiện cảm khi có người đàn bà tội lỗi xuất hiện. Đối với ông và nhiều người, thì chị ấy là “một người tội lỗi” công khai, và hẳn nhiên là bị mọi người xếp vào hạng bị xua trừ.
Chị ấy đến quỳ dưới chân Chúa, khóc lóc. Chị rửa chân Chúa bằng nước mắt trào tràn lên chân Chúa và xỏa tóc thề mà lau. Chị hôn chân Chúa. Chị còn lấy dầu thơm đựng trong bình bạch ngọc quí giá mà xức lên chân Chúa. Chúa không biết chị ấy là người nhơ nhớp và phải tránh cho xa sao? Sao Chúa vẫn để yên cho người tội lỗi biểu tỏ những cử chỉ trìu mến, đúng như tục lệ tiếp khách: ôm hôn quí mến, rửa chân trân trọng và xức dầu thơm thân tình?
Trả lời cho thắc mắc của ông Simon Pharisieu, Chúa nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn? Ông Si-mon đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn. (c 41-43).
Thế là Chúa Giê-su đã mở dần cho ông ấy biết về “Thiên Chúa là Ông Chủ Nợ giàu có và cũng giàu có lòng nhân từ, khoan dung, tha thứ” để dẫn đến việc giới thiệu cho ông biết về vai trò của mình. “Tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít. Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi”. Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”. (c 47-50)
Rõ ràng Tin Mừng hôm nay là Thông Điệp Vui Mừng gửi đến những người tội lỗi: Đức Giê-su là Thiên Chúa, có quyền tha tội. Người Simon Pharisieu tội lỗi chưa công khai cứ tưởng mình là đạo đức kia, và cả chị phụ nữ tội lỗi tày trời khét tiếng đều đón nhận Tin Mừng nầy. Nhưng ai khiêm tốn nhận mình có tội, yêu mến, thành tâm trở về với Chúa, thì được thứ tha. Yêu mến nhiều, được tha thứ nhiều.
Trong đời sống xã hội, và cả trong Hội Thánh nữa, chúng ta vẫn còn nhiều cái nhìn của Pharisieu đến mức đáng sợ: nhìn mình là đạo đức, nhìn người khác là tội lỗi xấu xa! Chưa biết con người ấy thế nào, chỉ cần nghe cái tên, tên thường gọi, bút danh…không đàng hoàng, cũng đủ để lại trong chúng ta những thành kiến, cũng vừa đủ để chúng ta tìm cách lánh cho xa, hay vội vàng đuổi xua cho khuất mắt… Ai mà dám hiểu tốt lành cho những cái tên thường gọi như: “gái làng chơi giữa ban ngày, ả giang hồ cuối xóm, con đĩ già gầy rọm, đám xướng ca vô loài, tên du côn du đảng, gã sở khanh trác táng, bà già mất nết lẳng lơ….”
Có một tác giả thơ chọn bút danh là Hồ Giang A, đôi khi lại ký dưới bài thơ của mình là “ả giang hồ”, đã kể lại việc anh ấy gửi một bài thơ ký tên tác giả “ả giang hồ” và gửi đến website Giáo Phận, đã bị một bà Sơ “mới lớn” trong BBT từ chối qua email “xin tác giả đổi bút danh, thì bài mới đăng được!”. Không cần biết nội dung bài thơ thế nào, thì cái tên ‘ả giang hồ” cũng đủ tiêu chuẩn để loại bỏ sao? Thật đáng tiếc! Rõ ràng chúng ta cũng đang đối xử với nhau theo tiêu chuẩn “chức vụ, áo mão, ngai ghế” quá nhiều mà đành quên đoạn Tin Mừng dành cho người tội lỗi hôm nay.
Có nhiều người đang nhìn thấy một thực trạng: các cửa nhà Chùa hầu như mở cửa cả ngày cho thiện nam tín nữ đến viếng, cho cả các em sinh viên đến tìm chỗ thanh vắng mà học hành, cho cả những người chưa chắc đàng hoàng đến dạo chơi – biết đâu, họ tìm được một chữ Ngộ. Ngược lại, được mấy khuôn viên nhà thờ và cửa nhà thờ mở cửa suốt ngày cho người tội lỗi đến “khóc lóc cho thỏa niềm đau, đến kêu gào lòng Chúa thương xót, đến tìm được niềm vui bình an tha thứ…”. Phải đóng cửa vì sợ trộm cắp hay sợ vô phép nơi tôn nghiêm chăng? Cuối cùng “nhà Chúa” lại “vắng như Chùa Bà Đanh”.
Chúa Giê-su vẫn không bao giờ đóng cửa lòng mình như các ông Pharisiêu đấy chứ.
Chúa Giê-su ban quyền tha thứ cho các linh mục qua việc cử hành Bí Tích Hòa Giải. Các Ngài không phải chỉ chờ ai đến xưng tội thì giải tội, còn ai không đến thì thôi. Nhưng ngược lại, đã có nhiều linh mục coi xứ rất chú tâm đến đoạn “Tin Mừng cho Người Tội Lỗi” hôm nay và nhiệt tình ủng hộ các hội đoàn Legio, Lòng Chúa Thương Xót, Phan Sinh…mời gọi những người tội lỗi vững Tin vào lòng Chúa thương xót vì “ Ta đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất”. (Lc 19, 1-10). Đồng thời, tạo điều kiện để họ tự do, can đảm sám hối, đến với Chúa và quyết tâm làm lại cuộc đời mới trong Chúa.
Đã hơn 10 năm nay, anh T ở GX tôi, mặc cảm vì tội, xa lánh mọi người công giáo, xa lánh cả nhà thờ, không dự lễ, không lãnh các bí tích. Nay nhờ ơn Chúa thôi thúc, anh bằng lòng đến gặp Cha xứ và xin xưng tội. Anh em Legio đứng chờ lần xưng tội gần 1 giờ. Mồ hôi anh tuôn ướt đẫm cả áo. Nước mắt anh đầm đìa cả tòa giải tội. Ai dám biết anh xưng tội gì mà lâu thế! Xa xa nhìn vào, mọi người bỗng mừng vui rơi lệ khi thấy anh đã xưng tội xong: cha giải tội đứng lên, bắt tay anh, rồi ôm anh hồi lâu….anh khóc hạnh phúc! Vào nhà thờ, anh quỳ lâu hơn nửa tiếng nữa. Mọi người chờ anh ra để chúc mừng. Bước ra, anh khóc sung sướng và nói: “Lần xưng tội đáng nhớ nhất trong đời tôi. Chỉ biết nói là con cảm ơn Chúa đã yêu con”.
Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con biết mình là kẻ có tội và biết kẻ có tội là địa chỉ tìm kiếm của Chúa, để chúng con được can đảm đến với Chúa, quyết lòng trở về với tình yêu Chúa. A men.
PM. Cao Huy Hoàng, 13-6-2013
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C: HÃY GIỮ LÒNG MÌNH NHẸ NHÀNG VÀ TỈNH THỨC ĐỂ ĐÓN CHÚA ĐẾN
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA KITÔ VUA: ĐỨC GIÊSU LÀ ‘VUA’ CỦA TÔI KHÔNG?
- QUAN TÂM
- ÁI MỘ NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI
- SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH A: NGÔI LỜI TỎ TÌNH THIÊN CHÚA
- CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH: NGƯỜI LẠ
- CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH : THEO ĐỊNH HƯỚNG CỦA CHỦ CHIÊN
- MUỐI VÀ ÁNH SÁNG
- BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NGƯỜI LÒNG NGAY
- THIÊN CHÚA GIÁNG SINH TRONG MỘT GIA ĐÌNH
- THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA
- CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG, C: ĐẤNG PHẢI ĐẾN, ĐÃ ĐẾN
- CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG A: LỜI CẢNH TỈNH KHẨN THIẾT
- CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG A: MÙA YÊU THƯƠNG
- CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C: TÔN VINH ĐẦNG “BỊ ĐÓNG ĐINH THẬP GIÁ” LÀ VUA
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 34 TN C
- CHÚA NHẬT 33 TN C, LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM: THÁNH VỊNH ĐÁP CA 125
- CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C : THEO CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 33 TN C