TÌNH CHÚA VẪN MÃI TÍN TRUNG SAU 28 NĂM

Written by xbvn on Tháng Bảy 16th, 2022. Posted in Linh mục, Lm. Trần Mạnh Hùng, Ơn gọi, Tâm linh, Việt Nam

Cách đây 28 năm, tôi được Giám mục phụ tá của TGP Melbourne, Đức cha Peter Connor, truyền chức linh mục cho tôi tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, thuộc giáo xứ Maidstone, Tiểu bang Victoria. Đó là một kỷ niệm tuyệt vời và là một niềm vui lớn lao mà tôi sẽ không bao giờ quên.

Hành trình tiến đến thiên chức linh mục là một thử thách lớn nhất trong cuộc đời tôi.[1] Nó giống như leo lên một ngọn núi cao nhất với nhiều vách núi cheo leo và những khúc quanh bất ngờ. Đôi khi nó giống như ngõ cụt và không có lối thoát, tuy nhiên, Chúa đã giải cứu tôi khỏi tất cả những biến cố nguy hiểm này và cho phép tôi được định cư tại Úc, nơi tôi có thể bắt đầu một cuộc sống mới và có thể tiếp tục theo đuổi ơn gọi làm linh mục, mà tôi đã cảm nhận được từ một tiếng gọi sau lắng trong tâm hồn từ năm 1979 tại Việt Nam. Cho nên sau khi đã trải qua biết bao thử thách, tôi giờ đây xác tín rằng: “Đối với Thiên Chúa thì không có điều gì mà Ngài không thể thực hiện được. Ngài có thể làm được tất cả, nếu chúng ta biết phó thác và đặt trọn niềm tin ở nơi Ngài.” (Xem Luca 1:37).

 

Nhân dịp tôi kỷ niệm giáp 28 năm (16/07/1994 – 16/07/2022) ngày thụ phong linh mục, tôi muốn chia sẻ với tất cả quý vị độc giả một kinh nghiệm thiêng liêng đã xảy ra đối với tôi tại nhà nguyện của Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế tại thị trấn Mayfield, Thành phố Newcastle vào năm 1987, khi ấy tôi đang làm Nhà Tập. Vì nếu không có kinh nghiệm tâm linh này, tôi sẽ không có can đảm để tiếp tục hành trình ơn gọi làm linh mục và trong thực tế, tôi cũng sẽ không có mặt ở đây hôm nay[2] để kỷ niệm ngày đặc biệt này.

Trong thời gian làm Nhà Tập[3], mỗi thứ Sáu, tôi phải gặp cha Giám Tập của mình trong khoảng một tiếng đồng hồ, để tôi có thể trao đổi và thảo luận với ngài về mọi thứ đã diễn ra như thế nào trong cuộc sống của tôi, đặc biệt là về đời sống tâm linh và ơn gọi của mình. Tôi được ngài yêu cầu suy ngẫm về ba lời khấn mà tôi sẽ khấn vào cuối năm Nhà Tập. Thời gian làm Nhà Tập thông thường kéo dài trong vòng 12 tháng.

Ba lời khấn này bao gồm: lời khấn khó nghèo, lời khấn sống khiết tịnh và lời khấn vâng phục. Tôi nói với cha Giám Tập rằng: Điều mà tôi thấy khó nhất là lời khấn khiết tịnh, vì tôi cảm thấy mình không thể đáp ứng được kỳ vọng của nó.
Sau khi nghe tôi trình bày như thế, cha Giám Tập nhìn tôi với ánh mắt trìu mến và đầy sự thông cảm. Ngài ồn tồn nói với tôi  rằng: “Con hãy cầu nguyện về điều đó và để xem Chúa sẽ nói gì với con”.

Sau khi rời văn phòng của cha Giám Tập, tôi liền đi lên Nhà Nguyện và tôi đã ngồi cầu nguyện tại đây một mình. Tôi mở hết cõi lòng của mình ra với Chúa và tôi đã thành thật tâm sự với Chúa. Tôi nói với Ngài về cảm giác lo âu và sợ hãi của tôi lúc đó, đặc biệt là về sự cam kết của tôi trong tương lai với tư cách là một sĩ tử (thành viên) của nhà Dòng Chúa Cứu Thế. Tôi cảm thấy rằng, mình không thể giữ được những lời khấn này cách trọn vẹn, đặc biệt là lời khấn khiết tịnh.

Tôi cảm thấy rất âu lo và muốn từ bỏ ý định đi tu để trở thành linh mục, vì qủa tình đi tu thật sự là khó, và không dễ dàng như một số người đã tưởng.[4] Trong khi tôi đang cảm thấy tuyệt vọng và không biết mình phải làm gì và phải ứng xử ra sao. Thì chính trong tình trạng như thế, tôi đã nghe thấy lời của bài thánh ca: HÃY ĐẾN NHƯ CHÍNH BẠN,[5] do Sơ Deirdre Brown sáng tác. Lời của bài thánh ca này đã vang dội trong tâm trí tôi, đặc biệt là những câu sau đây trong bài hát đó:

“Hãy đến với tư cách là chính con, đó là điều Cha muốn.

Hãy đến như con đang là, và cảm thấy mình như sống ở trong nhà.

Gần với trái tim Cha, được yêu thương và được tha thứ.

Hãy đến với tư cách là chính con, tại sao con phải đứng một mình?

Ta đến để kêu gọi những người tội lỗi, chứ không chỉ những người công chính.

Ta đến để mang lại hòa bình, chứ không phải để lên án.

Mỗi lần con không thể sống đúng như lời mình đã hứa,

Tại sao con nghĩ rằng Cha sẽ yêu con ít hơn?”

Tôi không thể tin những gì tôi đã nghe được, nó có vẻ quá tốt hơn cả là sự thật. Làm sao THIÊN CHÚA có thể yêu thương tôi đến thế? Và ngay cả mỗi lần khi tôi không sống theo như lời mình đã hứa với Ngài, thì Chúa vẫn yêu thương tôi như chính tôi vậy.

Nghe những lời trong bài thánh ca tuyệt vời ấy hiện lên rõ ràng trong tâm trí tôi, tôi đã khóc thót tim và không thể kềm chế được nỗi xúc động mạnh. Tôi khóc vì cảm thấy mình thực sự hạnh phúc và qúa may mắn. Tôi biết Thiên Chúa đang nói trực tiếp với tôi qua những lời này, vì Ngài muốn tôi biết rằng sẽ không có gì thay đổi được tình yêu mà Ngài dành cho tôi, ngay cả khi tôi không giữ lời hứa của mình. Tôi rất hạnh phúc và tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn bởi những gì tôi đã cảm nghiệm được trong giây phút linh thiêng ấy. Cuối cùng, tôi đến gặp cha Giám Tập. Tôi chia sẻ với ngài về những gì đã xảy ra đối với tôi vào buổi chiều hôm đó tại ngôi nhà nguyện. Rồi tôi thân thưa với ngài: “Nếu Chúa muốn con dấn thân và tiếp tục hành trình ơn gọi của mình, dù con trăm phần không xứng đáng, và biết rằng thỉnh thoảng con có thể thất bại. Nhưng nhờ tin tưởng vào tình yêu và ân sủng của Chúa, con sẽ can đảm tuyên khấn, sau khi hoàn tất chương trình Nhà Tập.

Cha Giám Tập tươi cười nhìn tôi, ngài ôm lấy tôi như nghĩa cử của một người cha chào đón đứa con hoang đàng trở về.

Hôm nay, khi kỷ niệm 28 năm, ngày tôi lãnh nhận sứ vụ linh mục, tôi có thể thành thật nói với quý ông bà và anh chị em và các bạn hữu thân thương một điều mà tôi luôn thâm tín, rằng Chúa đã làm tất cả mọi sự trong cuộc đời tôi, bất cứ điều gì tôi thành đạt cho đến giây phút hiện tại, đó là bởi ân sủng của Chúa đã ban cho tôi. Chính Ngài đã ban cho tôi khả năng và ý chí để có thể vượt qua mọi trở ngại và đạt tới mục đích của đời mình.

Tất cả những gì tôi đang có và ngay cả sự sống của tôi là hoàn toàn đến từ Thiên Chúa. Nhiều lúc tôi vẫn cảm thấy rằng mình không xứng đáng để trở thành người môn đệ của Chúa và cho sứ mạng mà Chúa đã trao phó cho tôi.

Tôi muốn kết thúc bài suy niệm này bằng cách chia sẻ với quý vị một câu chuyện mà tôi thấy rất có ý nghĩa đối với tôi. Quả thực, nó giống như câu chuyện của chính cuộc đời tôi. Đó là câu chuyện của Cây Đàn Vĩ Cầm cũ kỹ mà không ai muốn đấu giá.[6]

Giống như chúng ta, cây đàn vĩ cầm cũ kỹ cũng có được cơ may thứ hai. Hơn nữa, nó còn là hình ảnh câu chuyện của bạn, của tôi và của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta nữa. Tôi hy vọng câu chuyện ấy sẽ gây một tác động nào đó trong tâm hồn của mỗi người, giúp chúng ta biết bày tỏ niềm tri ân và tấm lòng yêu mến của mình đối với Thiên Chúa.

             Cây vĩ cầm bị nứt bể rồi được dán lại. Người bán đấu giá nghĩ rằng chẳng nên phí thì giờ chăm chút cho nó làm gì. Nhưng ông ta vẫn tươi cười cầm nó lên và rao bán: Nào, thưa quí vị, ai sẽ bắt đầu trả giá đầu tiên đây? Một đồng, một đồng, rồi tới hai đồng, chỉ có hai đồng thôi sao? Ai sẽ trả nó ba đồng đây? À, một người trả ba đồng, rồi hai người trả ba đồng, không còn ai nữa sao?

Bỗng nhiên từ cuối phòng, một người đàn ông tóc đã điểm bạc bước lên cầm lấy cây đàn, ông rút chiếc khăn tay từ trong tuí ra và chậm rãi lau bụi cho chiếc đàn cũ kỹ, rồi siết lại những sợi dây đàn lỏng, rồi căng dây đàn cho đúng âm điệu của nó. Sau đó, ông xin phép được chơi thử một bản nhạc. Ông tấu lên một khúc nhạc thật êm dịu, khoan thai, và giờ đây tiếng nhạc của cây đàn vĩ cầm vang lên những dòng âm thanh thật réo rắt, du dương đưa hồn người nghe vào cõi mộng. Sau một hồi lâu, tiếng nhạc ấy dừng lại, người bán đấu giá nói:

           Tôi sẽ ra giá bao nhiêu cho chiếc đàn vĩ cầm cũ kỹ này đây?

           Đoạn ông vừa cầm cây đàn lên vừa nói:

           Một ngàn đồng và ai sẽ tăng lên 2000? Hai ngàn rồi! Có ai chịu tăng lên ba ngàn không? Một người chịu giá 3.000, hai người chịu giá 3.000$, và còn nữa!!!

           Cây đàn vĩ cầm trước đó chỉ đáng giá có hai ba đồng bạc, nhưng cũng chẳng có ai đoái hoài thèm đụng đến nó.

           Điều gì đã làm cho giá trị của nó thay đổi, đám đông tự hỏi?

           Chính nhờ đôi tay của vị nhạc sư thiện nghệ đụng đến.

 Bức hoạ của cây đàn vĩ cầm (violin)

Bởi lẽ đó, rất may mắn trong dịp lễ thụ phong linh mục của tôi, cách đây 28 năm về trước (vào ngày 16 tháng 7 năm 1994), tôi đã mua được bức hoạ này tại một cửa tiệm bán tranh tại thành phố Melbourne, sau đó tôi đã cho lộng khung và treo trên tường. Kể từ thời điểm đó cho đến nay, tôi luôn mang theo bức tranh này mỗi khi tôi di chuyển chỗ ở. Nó trở nên như một báu vật đối với tôi, vì nó nhắc nhở cho tôi câu chuyện trên.

Tôi cảm thấy đời mình chẳng khác nào như cây đàn vĩ cầm bị nứt bể, chẳng mấy ai đoái hoài nhìn đến, nó vô dụng và vô giá trị, nhưng Chúa đã yêu thương tôi, Ngài đưa tay chạm đến tôi, như vị nhạc sĩ tài ba lão thành kia đã chạm đến cây đàn vĩ cầm và từ đó đã biến đổi giá trị của nó. Có lẽ, cuộc đời của tôi cũng giống như vậy. Cho nên, tôi khao khát được làm cây đàn vĩ cầm nứt bể trong tay vị nhạc sĩ tài ba là Chúa Giêsu, để ngài dùng cuộc đời tôi tấu lên những bản tình ca bất hủ, mang lại nguồn vui, niềm hoan lạc và sự hứng khởi cho người nghe.

Hôm nay nhân dịp kỷ niệm giáp 28 năm, ngày tôi lãnh nhận sứ vụ linh mục, tôi chân thành cầu chúc cho tất cả quý vị và bạn hữu thân thương, luôn nhận thức được giá trị chân thực của chính mình. Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết tận dụng những tài năng và các cơ hội mà Chúa ban để yêu mến Chúa và hết lòng phục vụ tha nhân. Qua đó, mỗi chúng ta sẽ trở thành người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

T.P Perth, Tiểu bang Tây Úc

Thứ 7, ngày 16 tháng 7 năm 2022.

Tác giả: Lm Phêrô Trần Mạnh Hùng.

———————————————————-

[1] . Xem Video “Hành trình vượt biển tìm tự do và tiến đến ơn thiên triệu của một linh mục Việt Nam.” Trình bày bởi Phương Thảo

Vietcatholic.net phổ biến vào ngày 8 tháng 7 năm 2022. Xem Video trên YouTube:  https://www.youtube.com/watch?v=hZlSVzPtH9U

[2] . Thánh lễ kỷ niệm 28 năm, ngày thụ phong linh mục đã được cha Hùng chủ tế tại nhà nguyện cư xá sinh viên Thánh Thomas More tại Thành phố Perth vào lúc 17h30 chiều thứ 7, ngày 16 tháng 7 năm 2022.

[3] . Đối với các Nhà Dòng trực thuộc Toà Thánh Rôma, Nhà Tập là thời gian mà các Tập sinh được huấn luyện về đời sống tu đức trong vòng từ 12 tháng, trước khi được phép khấn tạm. Thời gian này là một trong những giai đoạn thử thách lớn đối với các Tập sinh. Nó được ví như là thời gian “vàng cần thử lửa”. Nếu không phải là “vàng thiệt” thì sẽ bị loại ra ngoài.

[4] . Nếu có ai nói: “Tu là cõi phúc” thì tôi xin đề nghị quý vị ấy nên trải qua đời tu, rồi sẽ biết!

[5] . Come as You are. Composed by Sr. Deirdre Brown.

[6] . Quý vị có thể xem bài viết của tôi bằng tiếng Anh tại đây: The old violin nobody wanted.

Posted on July 12, 2022 by Fr Peter Hung Tran, STD. https://theasianfishermen.asia/2022/07/12/the-old-violin-nobody-wanted/  (Accessed on Friday, July 15, 2022).

 

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30