TỈNH TÂM CỦA GIÁO TRIỀU: BÀI 9. SỰ YÊN NGHỈ MUÔN ĐỜI
Nhà giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng, Cha Roberto Pasolini, OFM Cap, đưa ra bài suy tư thứ chín trong cuộc Linh thao năm 2025 của Giáo triều Rôma, tập trung vào chủ đề: “Sự yên nghỉ muôn đời”. Dưới đây là bài tóm tắt:
Sự sống vĩnh cửu là một ân ban đã có trong hiện tại, nhưng chúng ta thường gặp khó trong việc hiểu một khía cạnh cơ bản của nó: sự yên nghỉ. Từ khi còn nhỏ, chúng ta trở nên quen thuộc với lời cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho họ được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên những người ấy. Xin cho họ được an nghỉ. Amen”.
Ý tưởng về vĩnh cửu dựa trên sự nghỉ yên muôn đời có thể xem ra làm thất vọng, như thể đời sống kết thúc trong một giấc ngủ bất tận. Nhưng nhận thức này phát xuất từ một sự hiểu lầm sâu sắc: chúng ta thấy yên nghỉ chỉ như là tình trạng thiếu hoạt động, trái lại, trong cái nhìn Kinh Thánh, nó là một trạng thái tròn đầy và viên mãn.
Chính Thiên Chúa đã trải qua sự yên nghỉ khi Đức Giêsu, sau khi chịu đóng đinh, được đặt nằm trong ngôi mộ. Khoảnh khắc này không phải là một sự đình trệ vô ích, nhưng là sự hoàn tất một công việc, như một bài giảng cổ xưa vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh ghi lại: “Thiên Chúa đã chết trong thân xác và đã xuống âm phủ để làm rung chuyển vương quốc của sự chết”.
Đức Kitô yên nghỉ, nhưng Ngài vẫn hành động một cách huyền nhiệm, giải phóng các tù nhân của âm phủ. Điều này dạy chúng ta rằng sự nghỉ ngơi không có nghĩa là trở nên vô dụng, nhưng đúng hơn là ôm lấy thời gian với lòng tin tưởng, mà không chạy theo những hoạt động vội vã và vô nghĩa.
Ngày nay, nghỉ ngơi là một thứ xa xỉ bị lãng quên. Chúng ta sống trong một xã hội đòi hỏi chúng ta phải luôn hoạt động, kết nối, sản xuất. Tuy nhiên, những cơ hội càng gia tăng, thì chúng ta càng tìm được ít sự nghỉ ngơi. Dụ ngôn về người đầy tớ, sau khi làm việc, không mong chờ một phần thưởng nào ngoài việc chấp nhận rằng mình đã làm những gì được gọi để làm, dạy cho chúng ta một bí mật quan trọng. Chừng nào chúng ta còn sống với nỗi ám ảnh về kết quả, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm được sự nghỉ ngơi. Chỉ những ai bình thản chấp nhận những giới hạn của mình thì sau cùng mới có thể nghỉ ngơi trong an bình.
Nghỉ ngơi thực sự không phải là tình trạng thiếu hoạt động, nhưng là sự tự do. Đó là trạng thái mà chúng ta không còn phải chứng tỏ bất cứ điều gì bởi vì chúng ta để cho tình yêu của Thiên Chúa ôm trọn lấy mình. Đó chính là sự bình an nội tâm cho phép chúng ta nói rằng: “Bất cứ ai đã vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa, thì cũng đã nghỉ sau khi làm xong công việc của mình, như Thiên Chúa đã nghỉ sau khi làm xong công việc của Người” (Hr 4, 10).
Sống trọn vẹn sự nghỉ ngơi nghĩa là tôi luyện cho sự sống vĩnh cửu, học sống mà không sợ hãi, buông bỏ những cái dư thừa, và tin rằng Thiên Chúa đã làm việc trong chúng ta rồi.
Sự nghỉ ngơi đích thực chính là sự bình an nội tâm; nó không được đo lường bởi những kết quả, nhưng bởi khả năng nắm lấy những gì mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta. Đó không phải là một sự trốn thoát, nhưng là cách để học sống mãnh liệt hơn, mà không băn khoăn lo lắng. Đó không phải là sự thụ động, nhưng là niềm tin chủ động làm cho chúng ta trở nên tự do để yêu thương.
“Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi” (1Ga 4, 18). Sau cùng, sự sống vĩnh cửu không phải là mục tiêu xa vời nhưng là một thực tại đã lớn lên trong chúng ta. Ngay từ bây giờ, chúng ta được kêu gọi để sống sự sống đó.
—————————————-
Cồ Ngọc Hải dịch
(nguồn: vatican news)
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV KÊU GỌI HÒA BÌNH VÀ GIẢI TRỪ VŨ TRANG TRÊN THẾ GIỚI
- HABEMUS PAPAM
- GIỮA SỰ TRANG NGHIÊM VÀ LONG TRỌNG, MẬT NGHỊ BẮT ĐẦU
- KHÓI ĐEN ĐẦU TIÊN XUẤT HIỆN TỪ ỐNG KHÓI NHÀ NGUYỆN SISTINE
- THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO VIỆC BẦU CHỌN GIÁO HOÀNG : « CẦU NGUYỆN LÀ THÁI ĐỘ DUY NHẤT THÍCH HỢP »
- MẬT NGHỊ: ĐỨC GIÁO HOÀNG ĐƯỢC BẦU NHƯ THẾ NÀO?
- “EXTRA OMNES!”, “XIN MỌI NGƯỜI RA NGOÀI!”
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN THỨ 12 TẬP TRUNG VÀO NHỮNG PHẨM CHẤT CẦN THIẾT CHO MỘT GIÁO HOÀNG TƯƠNG LAI
- CÁC HỒNG Y TIẾP TỤC SUY NGHĨ VÀ PHÁC HỌA HÌNH ẢNH VỀ MỘT « GIÁO HOÀNG MỤC TỬ »
- ĐỨC GIÁO HOÀNG QUYẾT ĐỊNH TÔNG HIỆU CỦA MÌNH NHƯ THẾ NÀO?
- TẤT CẢ 133 HỒNG Y ĐÃ ĐẾN RÔMA KHI CÁC HỒNG Y TỔ CHỨC PHIÊN HỌP CHUNG LẦN THỨ MƯỜI
- ĐHY MAMBERTI: ĐỨC PHANXICÔ TRUNG THÀNH VỚI SỨ MẠNG CỦA MÌNH BẰNG TẤT CẢ SỨC MẠNH
- CHIẾC XE CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG: MÓN QUÀ CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ DÀNH CHO GAZA
- “TẠI MẬT NGHỊ, CHÚA QUAN PHÒNG CŨNG CAN THIỆP QUA CHÍNH TRỊ”
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI ĐÁNH THỨC THẾ GIỚI
- ĐỨC HỒNG Y PAROLIN, KIẾN TRÚC SƯ CỦA SỰ CÂN BẰNG ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA VATICAN
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 9 : CÁC HỒNG Y THẢO LUẬN VỀ NHU CẦU HY VỌNG TRONG NĂM THÁNH NÀY
- ĐHY GUGEROTTI NHẮC NHỚ KHO TÀNG THIÊNG LIÊNG CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 8 : CÁC HỒNG Y THẢO LUẬN VỀ LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ SỨ MẠNG
- KỶ NIỆM 400 NĂM THÀNH LẬP TU HỘI TRUYỀN GIÁO, “MỘT ĐỘNG LỰC MỚI”