TĨNH TÂM LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN VINH: BÀI 3: TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC
Dưới đây là bài giảng tĩnh tâm năm của cha Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss, cho linh mục đoàn giáo phận Vinh, diễn ra từ 30/12/2013 đến 4/1/2014.
BÀI 3
TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC
1. Lời Chúa mời gọi tái định hướng đời sống và sứ vụ linh mục
Thiên Chúa luôn đổi mới lời mời gọi của Ngài qua từng biến cố của cuộc sống, thì chúng ta cũng phải đổi mới lời đáp trả của mình sao cho phù hợp với lời mời gọi của Chúa trong từng biến cố đó. Sách Khải Huyền vừa nhìn nhận những việc tích cực vừa kêu gọi vượt lên những tiêu cực để chỉnh đốn tái định hướng đời sống cho tốt đẹp:
Ta biết việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn, chịu khổ không mệt mỏi vì danh Ta… Nhưng Ta trách ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu… hãy nhớ xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu…[1]
Ta biết nỗi gian truân, và cảnh nghèo khó của ngươi… Đừng sợ các nỗi đau khổ sắp phải chịu, những gian truân lâm phải… Nhưng hãy trung thành cho đến chết, Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống[2].
Ta biết ngươi ở nơi đặt ngai của Satan. Nhưng ngươi gắn bó với danh Ta và không chối bỏ lòng tin vào Ta… Vậy hãy hối cải, kẻo Ta đến ngay tức khắc và sẽ dùng lưỡi gươm mà giao chiến với ngươi[3].
Ta biết các công việc, đức ái, đức tin, việc phục vụ, lòng kiên nhẫn, và những việc của ngươi bây giờ nhiều hơn trước kia… Ta dò thấu lòng dạ và sẽ tuỳ theo việc mà thưởng phạt mỗi người. Vậy cái gì đang có, hãy nắm chắc cho tới khi Ta đến[4].
Ngươi được tiếng đang sống mà thực ra đã chết. Hãy tỉnh thức và củng cố chút sức còn lại đang suy tàn… Hãy nhớ lại đã nghe và lãnh nhận Lời Chúa thế nào, hãy tuân giữ và hối cải! Nếu không Ta sẽ đến bắt chợt ngươi như kẻ trộm[5].
Này Ta để một cửa mở trước mặt ngươi, không ai có thể đóng lại được, vì ngươi đã giữ lời Ta, kiên nhẫn chịu đựng, không chối bỏ danh Ta, nên Ta cũng giữ gìn ngươi cho khỏi giờ thử thách sắp xảy đến. Hãy nắm chắc cái gì đang có, đừng để ai lấy mất triều thiên dành cho ngươi[6].
Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Ngươi hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta… hãy nhiệt thành và hối cải ăn năn! Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe và mở cửa thì Ta sẽ vào nhà và dùng bữa với người ấy[7].
Xin cho Lời Chúa thực sự soi sáng trí khôn, mời gọi tới đức tin, mở lớn niềm hy vọng, thức tỉnh và đổi mới tình yêu của chúng ta: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”[8]. Chúng ta hãy đặt cuộc sống mình dưới sức mạnh của Lời Chúa và làm cho Lời Chúa phát sinh hiệu quả: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.”[9]
2. Tái định hướng đời sống và sứ vụ linh mục trong viễn ảnh Quyền Bính Đích Thực
Quyền bính của chính Chúa Giêsu đã bị đặt thành vấn đề: “Do quyền bính nào mà ông làm những việc ấy? Ai cho ông quyền đó?”[10]. Quyền bính của các Tông đồ và những người kế vị vẫn tiếp tục bị thách đố. Mọi quyền bính đều phát xuất từ Thiên Chúa. Sứ vụ giảng dạy, thánh hóa và điều khiển Dân Chúa dựa trên thần quyền, được trao phó cho Giáo Hội trong từng thời đại phát triển khác nhau. Và cũng trong từng giai đoạn lịch sử đó, Giáo Hội nhìn nhận nhu cầu phải kiểm điểm và canh tân chính mình, như những nỗ lực mà ĐTC Phanxicô đang tiến hành.
Nhưng việc kiểm điểm đó sẽ không thành công, nếu chỉ đựa vào các chuẩn mực loài người. Mọi quyền bính trong Giáo Hội đều bắt nguồn từ Chúa Giêsu, nên phải quay trở lại với Chúa Giêsu, Đấng cai trị từ Thập giá. Ánh sáng của thập giá Chúa Kitô phải soi sáng mầu nhiệm quyền bính của Giáo Hội. ĐTC Phanxicô đã minh định điều đó vào đầu sứ vụ Giáo Hoàng của ngài: “Cuộc sống chúng ta là đi đường, nếu chúng ta ngừng đi thì có cái gì đó sai rồi, nên phải luôn bước đi với Chúa và dưới ánh sáng của Chúa. Sau đó là Xây dựng Giáo hội với những viên đá sống động, những viên đá được Chúa Thánh Thần xức dầu. Không phải xây trên nền tảng bất kỳ nào, nhưng trên viên đá gốc là chính Chúa. Chúng ta có thể bước đi tùy ý chúng ta, có thể xây dựng nhiều công trình, nhưng nếu chúng ta không tuyên xưng Đức Giêsu-Kitô, thì có điều gì đó không phải rồi… Tôi mong ước chúng ta tất cả có được sự can đảm bước đi cùng Chúa, với Thánh Giá của Chúa, xây dựng Giáo hội trên máu Chúa Kitô đổ ra trên Thánh Giá, và tuyên xưng một vinh quang duy nhất, đó là Đức Kitô bị đóng đinh trên Thánh Giá. Như thế, Giáo hội có thể tiến lên”[11].
Quyền bính Giáo Hội được mạc khải và tuôn đổ xuống từ trên Thập giá không che đậy tội lỗi, nhưng phơi bày tội lỗi hầu chữa trị nó bằng sức mạnh của Chúa. Quyền bính được trao ban cho Giáo Hội là để rao giảng, thanh tẩy, tha tội và qui tụ những ai được tái sinh bởi nước và Thánh Thần quanh bàn tiệc Hy Tế của Chúa[12]. Quyền bính của Giáo Hội phải lớn lên, mạnh mẽ và hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng, kế vị thánh Phêrô mà chính Chúa Kitô bảo đảm sự bền vững. Quyền bính của Giáo Hội Địa phương được diễn tả qua nhiều vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là Giám Mục Bản Quyền. Tất cả quyền bính đều qui về Giám Mục và phát ra từ Giám Mục, đến đỗi “linh mục không thể làm gì mà không có Giám Mục” và “Giám mục không làm gì ngoài Ý Thiên Chúa”[13].
Không được rời khỏi thập giá nếu muốn hiểu và thực hiện tốt quyền bính. Mỗi quyết định phải được thực hiện với Chúa Giêsu chịu đóng đinh ở trước mắt. Thập giá phải là thước đo mức độ tận hiến của chúng ta và cách chúng ta đối xử với người khác. Thập giá phải là dấu hiệu tình yêu đối với Chúa mà chúng ta biểu lộ qua lòng nhiệt thành, sẵn sàng cho đi tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là, trong khi giáo huấn, thánh hóa và dẫn dắt giáo dân, vì chính từ thập giá mà Chúa Giêsu chứng tỏ tình yêu lớn nhất cho chúng ta. ĐTC Phanxicô nói: “Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ, và để thi hành quyền bính này, cả Giáo Hoàng cũng ngày càng phải tiến sâu hơn vào việc phục vụ có tột đỉnh sáng ngời trên Thập Giá”[14].
3. Tái định hướng đời sống và sứ vụ linh mục trong viễn ảnh Vâng Lời Đích Thực
Trong ba lời khuyên Phúc Âm, Vâng Lời là nền tảng và khó nhất, vì nó chạm tới tự do, bản ngã và ý riêng của con người. Nhờ vâng lời triệt để trong mọi sự có liên quan, nguời sống đời độc thân thánh hiến mới có thể giữ được hữu hiệu đức khó nghèo và khiết tịnh. Lời hứa vâng lời khi chịu chức linh mục là sự cam kết công khai long trọng kéo dài suốt đời với Chúa và với Giáo Hội. Đó là tiếng “Xin Vâng” trong mọi sự Chúa và Giáo Hội đòi hỏi, mà chẳng biết trước được cái gì các ngài sẽ yêu cầu. Chúng ta không tự quyết định lấy sứ vụ của mình, song chúng ta được sai đi: Có khi kinh ngạc, có khi hân hoan, có khi lo buồn…, nhưng với tinh thần đức tin siêu nhiên, chúng ta vâng lời, dù có thể được sai tới nơi không muốn, ở với người không ưa, làm việc không thích.
Sự vâng lời đòi hỏi cái gì nhiều hơn là xác định chúng ta ở đâu và làm gì. Sự vâng lời không thể tránh khỏi thập giá: Chết cho chính mình không dễ lắm đâu, vì không phải chỉ trong chốc lát, song trong từng phút giây của cuộc sống mỗi ngày suốt đời. Vâng lời là tham dự đầy đủ vào công cuộc cứu thế Chúa Kitô đã kiện toàn mà chúng ta có nhiệm vụ tiếp tục trong đức tin vâng phục. Hãy dõi bước theo con đường Chúa Kitô đã đi qua, gắn bó thảo hiếu và vâng giữ kỷ luật Giáo Hội, thích nghi với những yêu sách đặc biệt của từng hoàn cảnh cụ thể. ĐTC Biển Đức XVI dạy: Không ai có khả năng chăn dắt đoàn chiên của Chúa, nếu không sống sâu xa và đích thực sự vâng lời Chúa Kitô và Giáo Hội: Sự ngoan ngoãn của Dân Chúa đối với linh mục tùy thuộc sự ngoan ngoãn của linh mục đối với Chúa Kitô. Do đó, phải luôn có sự gặp gỡ cá nhân và liên lỉ với Chúa, hiểu biết Chúa sâu đậm và nên một với ý muốn của Chúa.
Sự vâng lời còn đi xa hơn và ở tại sentire cum Ecclesia. Cảm thông với Giáo Hội là có mối thiện cảm sâu xa và trung thành với giáo huấn, phượng tự và sứ vụ của Giáo Hội, là để truyền thống và quan niệm hiện hành của Giáo Hội thấm sâu và chi phối cuộc sống của chúng ta. Vâng lời đòi hỏi sự sẵn lòng để ra một bên mọi sự vì tình yêu Chúa Kitô và Giáo Hội. Vâng lời như thế dẫn đến một cuộc sống được Chúa Kitô tác động sâu xa mà thánh Phaolô diễn tả: “Không còn phải là tôi sống nữa, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”[15]. Trong sự cảm thông với Giáo Hội đó, chúng ta được mời gọi nói lên sự thật như chúng ta nhận thấy, những ý kiến và thỉnh nguyện tốt nhất đã được cầu nguyện, suy nghĩ chín chắn và luôn sẵn sàng vâng lời, dù có trái ý chúng ta, biết rằng Bề Trên có ơn đoàn sủng, ơn phân định đặc biệt của Chúa Thánh Thần mà chúng ta không có. Đức vâng lời là một sư phạm cho sự qui phục Thánh ý Chúa: Bề Trên là người có kinh nghiệm tìm ý Chúa cho mình, cho những quyết định của mình trên cộng đoàn và mỗi thành viên; Bề trên không chỉ dạy bề dưới tìm ý Chúa, mà còn cùng bề dưới tìm Ý Chúa nữa[16].
Đi cho tới cùng, vâng lời đòi hỏi chúng ta nhượng bộ mọi sự cho Chúa, coi vâng lời như diễn tả trọn vẹn sự lệ thuộc vào Chúa và vào Giáo Hội: trí khôn, con tim, ý muốn, và cả đời sống: Lạy Chúa, con xin dâng tư tưởng của con cho Chúa, để chúng luôn hướng về Chúa; để lời nói của con có Chúa làm đề tài; để việc làm của con phản ánh tình yêu của con cho Chúa; để đau khổ của con được chịu đựng cho vinh danh Chúa hơn. Xin Chúa soi sáng trí khôn con, đốt nóng ý chí con, thanh tẩy trái tim con và thánh hóa linh hồn con. Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy tất cả tự do của con, ký ức của con, trí hiểu của con, trọn vẹn ý muốn của con, tất cả những gì con có và sở hữu. Chúa đã cho con mọi sự và mọi sự là của Chúa, xin hãy sử dụng như ý Chúa muốn. Xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa, và như thế đã đủ cho con.
4. Tái định hướng đời sống và sứ vụ linh mục trong viễn ảnh Chỉ Bảo Huynh Đệ Đích Thực
Chúa Giêsu dạy chỉ bảo huynh đệ trực tiếp với người có lỗi: “Nếu anh em ngươi trót phạm tội, thì hãy đi sửa lỗi nó, riêng ngươi với nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, ngươi đã lợi được người anh em”[17]. Để thực hiện việc chỉ bảo huynh đệ ấy, chúng ta sử dụng Feed-Back, một kỹ thuật cảm thông và giao tế có nghĩa chuyên môn là “gửi trả lại”: một người xin kẻ khác nhận xét về mình, người kia cho nhận xét, và người này trả lời lại về nhận xét đó, ta gọi là Kỹ Thuật Chỉ Bảo Huynh Đệ.
Cuộc đời mỗi người có bốn ô không đều:
1. Phần mù là ô chỉ người khác biết về ta những điều mà ta không biết hay ý thức được.
2. Phần che đậy là ô chỉ ta ý thức và biết về mình, còn người khác không biết được.
3. Phần hiển nhiên là ô người khác biết về ta, và ta cũng biết và ý thức được.
4. Phần vô thức, bí mật và huyền nhiệm cuộc đời là ô người khác không biết về ta, mà ta cũng chẳng ý thức được.
Ta cần được người chỉ cho ta biết điều họ biết về ta mà ta không biết và ta cũng phải nói với người điều ta biết về họ mà họ không biết. Khi được ta xin, người khác sẽ nói cho ta biết phần mù của ta, và ta sẽ trả lời lại, giải thích cho họ về điều họ nói, đồng thời nói cho họ biết phần còn che đậy của ta. Như thế, người và ta sẽ dần dần thu hẹp lại phần mù lẫn phần che đậy, và khai mở biên giới của phần hiển nhiên, để rồi cả đôi bên hiểu biết nhau hơn, cảm thông với nhau hơn, tín nhiệm nhau hơn, thân nhau hơn, thương nhau hơn và cộng tác tích cực với nhau hơn.
Tám điều kiện của người cho Feed-Back
1. Đợi cho người nghe phải sẵn sàng đã mới góp ý.
2. Mô tả một hành vi như quay một cuốn phim, không phê phán.
3. Việc xảy ra không lâu, để người đó còn nhớ rõ mà kiểm chứng.
4. Nói những điều người kia vô tình không ý thức được.
5. Nói những điều có thể sửa đổi được (hiện tượng chứ không phải bản chất).
6. Chỉ nói những điều có thể sửa đổi được, nhưng không bắt buộc người kia phải sửa đổi.
7. Nói để giúp ích cho người kia, chứ không phải nói cho hả giận/ để trả thù.
8. Nói với sự kính trọng và yêu thương, như chia sẻ một mối ưu tư, một cảm tưởng, một phản ứng tự nhiên.
Bốn điều kiện của người nhận Feed-Back
1. Phải xin người khác cho mình Feed-Back.
2. Lắng nghe và kiểm chứng là mình đã hiểu rõ.
3. Đừng mất tinh thần, nếu gặp phải Feed-Back tiêu cực (bị chê, bị chỉ trích).
4. Trả lời cho người cho mình Feed-Back với lòng biết ơn, vì người ta đã bởi lòng bác ái mà cho mình nhận xét, nhất là khi feed-back làm cho mình khó chịu.
Vấn nạn: Người cho nhận xét phải đợi người nhận sẵn sàng đã, nhưng nếu người nhận chưa sẵn sàng (không xin), mà việc cần góp ý ngay thì phải làm sao? – Thưa phải theo gương Chúa Giêsu chủ động đi bước trước: “Ông Simon, tôi có điều này muốn nói với ông. – Xin Thầy cứ nói”.
Muốn xin người góp ý hay muốn góp ý cho người đều phải tế nhị, đừng quá đường đột, bằng cách xin hẹn một cuộc gặp gỡ, một cuộc nói chuyện. Bề dưới có thể chủ động xin giờ hẹn để Bề Trên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng lắng nghe trình bày và góp ý. Bề Trên cũng có thể hẹn trước để bề dưới chuẩn bị tinh thần, nhất là đối với người dễ phản ứng mạnh. Anh em ngang hàng với nhau cũng thế. Tất cả cũng chỉ vì bác ái, muốn điều tốt nhất cho nhau và cho công cuộc đào tạo, được đào tạo và tự đào tạo. Có thể nói rằng nếu anh em linh mục không sẵn lòng chỉ bảo và lắng nghe nhau thì không ai dám làm công việc đó.
Feed-back mang lại cơ hội tốt để giải thích rất nhiều hiểu lầm (x. Chuyện Khổng Tử và Nhan Hồi). Nó giúp ta và tha nhân ý thức được những khía cạnh nhân bản và giao tế của mình rõ hơn để thăng tiến; Gia tăng sự tin cậy, tình bằng hữu và loại trừ sợ hãi, tạo bầu khí bình an và an toàn vốn là đặc tính thiết yếu của một cộng đoàn giáo dục.
Nếu thấy lỗi lầm cụ thể của anh em, trước hết hãy cầu nguyện cho mình và cho anh em được biến đổi, rồi đến nói trực tiếp với người anh em như Chúa dạy, nếu anh em quyết tâm sửa thì thôi, bỏ qua, không nói tới với ai nữa. Nếu người anh em chưa sửa được, hãy nhẫn nại cầu nguyện và khích lệ, vì cái gì cũng cần có thời gian. Khi nói chuyện với các chủng sinh và tập sinh, ĐTC Phanxicô dạy: “Nếu tôi có điều gì chống lại một người anh một người chị, tôi sẽ nói điều đó trước mặt họ, hoặc tôi sẽ nói điều đó cho ai có thể giúp đỡ, nhưng tôi sẽ không nói với người khác để bôi tro trát trấu vào mặt họ. Ngồi lê đôi mách thì thật kinh khủng! Đằng sau việc ngồi lê đôi mách, và ẩn dưới việc ngồi lê đôi mách này là đố kỵ, ghen tuông, tham vọng. Các con hãy nghĩ về điều này”[18].
Nếu gặp một lỗi nghiêm trọng mà người anh em thiếu tinh thần phục thiện và ngoan cố thì để tránh thiệt hại lớn cho cộng đoàn lẫn đương sự, sau khi đã cầu nguyện và trực tiếp làm mọi cách có thể, hãy theo lương tâm, can đảm đích thân kín đáo trình bày với người có thẩm quyền và sẵn sàng chịu trách nhiệm kiểm chứng về điều mình nói, cả khi đương sự có mặt. ĐTC Phanxicô căn dặn: “Hãy nói điều đó với bề trên, với giám mục là những người có thể sửa chữa. Nhưng đừng nói điều đó cho người không thể giúp ích gì”[19].
5. Tái định hướng đời sống và sứ vụ linh mục bằng việc tích cực tham gia thường huấn
a.Yêu sách của Huấn quyền về thường huấn linh mục:
Sắc lệnh Chức Vụ và Đời sống Linh Mục dành trọn chương III, số 69-92, để nói về việc đào tạo thường xuyên này như “một bổn phận và quyền lợi chính đáng của linh mục… và của Hội Thánh”, phù hợp với “mục đích cơ bản của sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng”[20] mà “không ai có thể thay thế được linh mục trong việc canh chừng chính mình”[21].
Pastores Dabo Vobis dành trọn ch. VI, số 70-82, để nói về thường huấn linh mục, như “sự tiếp tục tự nhiên và tuyệt đối cần thiết của tiến trình xây dựng nhân cách của linh mục, vốn đã được khởi sự và phát triển từ trong chủng viện”[22].
Optatam Totius khuyến cáo rằng “việc đào tạo linh mục, nhất là trong bối cảnh của xã hội hiện đại, cần phải được tiếp tục và hoàn thiện hoá sau khi đã hoàn tất chương trình đào tạo trong chủng viện”[23].
Số 100-101 của Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis mô tả việc đào tạo hậu chủng viện rằng “cách riêng trong những năm đầu tiên sau khi chịu chức… để các linh mục mới ra trường có thể được trang bị tốt hơn, ngõ hầu họ có thể gánh vác và hoàn thiện các bổn phận của người tông đồ[24].
Định hướng và chỉ dẩn Đào tạo Linh mục của HĐGMVN dành cả ch. VII nói về Đào tạo sau Đại chủng viện[25].
Ecclesia in Asia mở ra một hướng rộng lớn: “Để phục vụ Hội Thánh như ý Chúa Kitô, các Giám mục và linh mục cần một sự đào tạo chắc chắn và thường xuyên, có thể cung ứng những cơ hội khả dĩ cho một cuộc canh tân thiêng liêng và mục vụ”[26].
Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã thực hiện lời khuyên này sớm nhất, qua cuộc hội thảo số 5 mang tựa đề “đào tạo tiếp tục cho các linh mục Á Châu”[27].
Chỉ Nam về Thừa tác vụ và Đời sống linh mục 1994 của Bộ Giáo sĩ dành cả chương III để bàn về việc huấn luyện thường xuyên các linh mục, trong mọi phương diện tuổi tác, khả năng, hoàn cảnh sống và phận vụ mục vụ[28].
Chỉ Nam hướng dẫn về thừa tác vụ và đời sống linh mục 2013 cũng dành trọn chương III để nói về thường huấn với các đề tài chính: Các nguyên tắc – Việc tổ chức và các phương tiện – Các vị hữu trách – Các lứa tuổi và các hoàn cảnh đặc biệt.
b. Những năm đầu đời linh mục:
Người mới chịu chức dần dần đi vào đời sống linh mục thực sự: Càng sống tư cách linh mục càng trở nên linh mục hơn. Việc chịu chức khép lại giai đoạn được đào tạo và tự đào tạo ở chủng viện, nhưng lại mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn đào tạo thường xuyên kéo dài suốt đời linh mục. “Việc huấn luyện không bao giờ được xem như chấm dứt, cả về phía Giáo Hội trao ban lẫn về phía thừa tác viên nhận lãnh”[29]. Các linh mục trẻ tự trắc nghiệm mình giữa cái học có tính cách lý thuyết hàn lâm trong Chủng viện và sự thực hành trong các thực tại của đời sống sứ vụ của họ[30]. Giai đoạn này nhằm giúp họ chu toàn cách trung thành và vui tươi sứ vụ trong những hoàn cảnh khác nhau, chấp nhận và vượt thắng những chiến đấu và cám dỗ cả bên trong lẫn bên ngoài. Những phương tiện tự nhiên và siêu nhiên sẽ thực sự bảo đảm cho sự thành công và lòng trung thành của linh mục.
Việc thường huấn nhấn mạnh thực hành nhiều hơn; nó sẽ giúp họ trưởng thành trong suy nghĩ, tự mình quyết định và hành động, cũng như trong mọi lãnh vực đời sống. Tự mình điều chỉnh và thăng tiến các mối tương quan hài hoà, quân bình và trưởng thành với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác, nam cũng như nữ, giáo dân và tu sĩ, cả với môi trường sống thiên nhiên. Chỉ Nam 1994 số 74 lưu ý giúp linh mục phát triển nhân cách trưởng thành, về mặt trí thức, cả trong các khoa học tự nhiên và nhân văn, lẫn trong các khoa học thánh, làm chứng đức tin một cách hữu hiệu hơn, có được một đời sống thiêng liêng sâu xa, được nuôi dưỡng bằng tình thân mật với Chúa Giêsu Kitô và tình yêu Giáo Hội, giúp linh mục chu toàn thừa tác vụ mục vụ với nhiệt tình và nhiệt tâm.
Phải khuyến khích một sự huấn luyện đích thực, cầu nguyện, hiệp thông và làm việc mục vụ… Liệu sao cho các văn kiện của huấn quyền được đào sâu chung với nhau, dưới sự hướng dẫn của một nhân vật có thẩm quyền, để đưa tới sự thống nhất giải thích và thống nhất chương trình hành động mục vụ trong giáo phận[31].
c. Những năm cao tuổi linh mục:
Sau nhiều năm thi hành thừa tác vụ, các linh mục cao tuổi cần đến sự hiệp thông và tình bạn của Giám mục để lướt thắng những kinh nghiệm mệt mỏi, thất vọng, cô đơn… để duyệt xét lại chính mình và công việc mình làm hầu tìm lại được những nguồn mạch sâu thẳm của linh đạo linh mục[32]. Các linh mục cao niên tìm “xác nhận lại một cách thư thái và ôn hòa vai trò các ngài còn được mời gọi nắm giữ trong linh mục đoàn… để tự thấy mình còn hữu dụng, như làm cha giải tội kinh nghiệm, linh hướng, chia sẻ kinh nghiệm, khích lệ, đón tiếp, lắng nghe và trấn tĩnh anh em đồng sự”[33].
Các linh mục ở vào một hoàn cảnh suy yếu thể lý hay mệt mỏi tinh thần, cô đơn, thất vọng cần được khích lệ tiếp tục phục vụ Giáo Hội một cách bình thản và can trường, nêu cao chứng từ ghi dấu thánh giá, bằng lòng đón nhận trong hy vọng và niềm vui Vượt Qua[34]. Trách nhiệm của Giám mục và linh mục đoàn là phải tránh sự cô đơn nảy sinh do sự chểnh mảng tình hiệp thông linh mục đối với các anh em đó[35].ĐTC Phanxicô nói rằng những thách thức cuối đời của Mosê, Gioan Tiền Hô và thánh Phaolô đã nhắc nhở về những đền thờ của sự thánh thiện là các nhà hưu dưỡng của các linh mục và các nữ tu già yếu: Mang gánh nặng của sự cô đơn, các linh mục và nữ tu nầy đang chờ đợi Chúa đến gõ cửa trái tim mình và ngài hối thúc đừng lãng quên họ, nhưng hãy năng thăm viếng họ[36].
d. Hoạt động tương tác giữa các thành phần liên hệ:
Lãnh vực thường huấn này có thể mở rộng có hiệu quả hơn nữa nhờ các nguồn lực kiến hiệu này: Các cha giáo Đại Chủng Viện đến thăm các linh mục cựu sinh viên tại môi trường mục vụ để nâng đỡ, thúc đẩy, phối hợp và điều chỉnh cái học lý thuyết ở Chủng viện và cái thực tiễn trong sứ vụ mục vụ giáo xứ. Các linh mục cựu sinh viên lớn tuổi và hưu trí chia sẻ, hướng dẫn, cảnh báo, đào tạo và nâng đỡ đàn em, khi đàn em tới chỗ mình, hoặc khi về thăm chủng viện và Bề trên mời chia sẻ với các em chủng sinh những kinh nghiệm thực tiễn tích cực lẫn tiêu cực của đời sống ơn gọi và mục vụ giáo xứ.
Các chủng sinh trong các kỳ nghỉ dài đến ở với các đàn anh linh mục để học hỏi kinh nghiệm mục vụ và phục vụ các ngài, đồng thời được các ngài bảo ban dạy dỗ và giúp đỡ, vừa tinh thần vừa vật chất cần thiết trong thời gian tu học (con nhớ lại kinh nghiệm này với lòng biết ơn sâu xa các cha đàn anh ngày con còn là chủng sinh gặp nhiều khó khăn về kinh tế).
Không phải ai vào chủng viện đều được làm linh mục tất cả. Các anh em cựu chủng sinh sẽ thẳng thắn nói lên những điều tai nghe mắt thấy và những kiểm chứng dư luận, hầu giúp các anh em linh mục phát huy điều tốt, chỉnh đốn điều chưa tốt, cũng như những đóng góp tích cực và các hoạt động đa dạng của họ. Chính các cựu chủng sinh này là một vốn rất quí của Giáo Hội trong sứ mệnh tông đồ giáo dân. Họ là những người thành đạt trong xã hội dân sự sẽ trở nên những cố vấn chuyên môn và nhà tài trợ về các lãnh vực trần thế cho Giáo Hội.
6. Tái định hướng đời sống và sứ vụ linh mục bằng việc tìm Chúa hơn là công việc của Chúa
Để sống tốt và thành công trong đời sống và sứ vụ linh mục, chúng ta phải luôn luôn đặt Chúa làm trung tâm chứ không phải mình, và tìm Chúa hơn là công việc của Chúa. Quả vậy, sứ vụ tông đồ là cái chung nhất của những ai muốn dấn thân phục vụ tha nhân, muốn đi truyền giáo, muốn xả thân cho người nghèo, nghĩa là nhắm đến phục vụ, tức Công Việc của Chúa. Các cơ cấu Giáo Hội được nhắm tới và được đón nhận như điểm tựa mục vụ, vì chúng giúp ta dấn thân cho sứ vụ tông đồ. Việc hoàn thiện các đức tính nhân bản, thăng tiến các tài năng, nghiệp vụ là những yếu tố giúp việc tông đồ hiệu năng hơn.
Việc đánh giá cao thành tích tông đồ và coi thường người thiếu khả năng khiến một số người bỏ bê đời sống cầu nguyện và nội tâm thiêng liêng để chạy theo tính hiệu quả của công việc. Nếu coi hoạt động tông đồ là động lực tối hậu thì khi không còn hoạt động tông đồ được nữa (do hoàn cảnh, bệnh tật, tuổi tác), các vấn đề tiêu cực sẽ nổi lên, vì sự quá lý tưởng vào việc tông đồ sẽ gặp chán nản và không còn hứng khởi kiên trì theo đuổi sứ vụ ơn gọi. Lúc đó những tiêu cực hay việc rời bỏ đời tu là kết quả đương nhiên của cơn khủng hoảng.
Sự xung đột thường xảy ra giữa các cơ cấu tông đồ nặng tính truyền thống của thế hệ lớn tuổi và lối sống tông đồ sáng tạo của thế hệ mới. Nếu không điều chỉnh hài hoà được thì gánh nặng cơ cấu truyền thống sẽ bị kết thúc bởi khủng hoảng và những cuộc ra đi. Có những người ở lại chỉ vì đối với họ, việc rời bỏ đời tu là một sự sụp đổ hoàn toàn. Trong hoàn cảnh ấy, đức khiết tịnh cũng chỉ được duy trì bởi sự khổ hạnh, một khổ hạnh gắn liền với kỷ luật hơn là với tình yêu tự nguyện và hạnh phúc trọn vẹn cho Thiên Chúa.
Có người chọn giải pháp tiêu cực: đã quá muộn để rời bỏ đời tu, phải cố chịu đựng cuộc sống như định mệnh đã an bài, luôn đau khổ vì tiếc nuối những hoạt động thật ý nghĩa trong quá khứ mà bây giờ không còn nữa. Người khác ở lại vì đời tu mang lại cho họ một cuộc sống đầy đủ, tiện nghi, an toàn, dù rất tầm thường và chấp nhận một số công việc tông đồ ít ỏi mà họ có thể làm. Nếu sứ vụ tông đồ là động lực đời tu mà còn như thế thì người mang động lực có tính cách trần thế khác sẽ thế nào khi gặp khó khăn thử thách? Họ sẽ bỏ cuộc hoặc sẽ sống một đời tu miễn cưỡng, đã không triển nở hạnh phúc, mà còn sẽ có những tiêu cực nguy hại cho bản thân, cho tha nhân, cho Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội, vốn là công trình của Thiên Chúa.
Trái lại, việc dấn thân vì chính Chúa giúp ta nhận biết Chúa là tuyệt đối và có qui chiếu tối hậu nơi Ngài, đến đỗi ngay cả giữa những cơn thử thách lớn lao và ngờ vực của đêm tối đức tin, chúng ta cũng cảm nhận được Chúa Là Tất Cả. Xác tín này cổ vũ dấn thân sống bền đỗ đời sống và sứ vụ ơn gọi trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Nó đem lại bình an, vui tươi và kích hoạt sức mạnh cần thiết để chúng ta sống vui tươi cuộc đời ơn gọi của mình.
Kinh nghiệm này là một ân ban được tăng trưởng nhờ kiên trì cầu nguyện, chiêm niệm và đời sống nội tâm sâu xa. Nó là đá tảng vững chắc trong những thời khắc khó khăn, chán nản, lầm lạc và cả tội lỗi nữa. Nó mời gọi ta sám hối trở về cùng Chúa với lòng nhiệt thành ban đầu. Trong những cơn khủng hoảng tình cảm hay tính dục, kinh nghiệm này là sức vượt lên, vì tin chắc rằng Chúa luôn yêu thương tha thứ cho đến tận cùng, bất chấp tất cả yếu đuối và tội lỗi của chúng ta.
Kinh nghiệm Chúa là Tất Cả là hàn thử biểu cho đời sống và sứ vụ ơn gọi. Nó không được đo lường bởi tính hiệu quả và thành công. Nó soi sáng và kích hoạt mọi hoàn cảnh sống, và là nguồn đặc sủng năng động tông đồ. Cảm nhận kinh nghiệm này giúp chúng ta không bao giờ phải đi tới ngõ cụt là lìa bỏ ơn gọi vì một sự thay đổi công việc hay nhiệm sở, tuổi tác hay bệnh hoạn làm cản trở công việc tông đồ. Chính kinh nghiệm này giải thích thái độ của những người ngày đêm âm thầm phục vụ trong những nơi và công việc tầm thường, khuất ẩn, chẳng ai để ý tới, hoặc thái độ của những người đang dấn thân trong các hoạt động tông đồ đang thành công bất ngờ bị bứng đi, và phải lặng lẽ ra đi như tới một nơi lưu đày.
Kinh nghiệm Chúa là Tất Cả được nuôi dưỡng bởi các lời khuyên Phúc Âm: – Đức khó nghèo giúp lệ thuộc tuyệt đối vào Chúa: Chúa Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo không được mang theo gì cả để họ tín thác vào Thiên Chúa[37]; – Đức vâng lời dạy qui phục ý Chúa qua Bề Trên, là người có kinh nghiệm tìm ý Chúa cho mình cũng như cho bề dưới, và cùng bề dưới tìm Ý Chúa; – Đức khiết tịnh diễn tả một tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa, không chia sẻ cho ai hay cái gì khác[38]. Kinh nghiệm về sự tuyệt đối của Thiên Chúa giúp từ bỏ ý riêng: nhượng bộ ý muốn và kế hoạch riêng cho Chúa, như Trinh nữ Maria trong ngày truyền tin đã qui phục ý muốn và kế hoạch đời Mẹ cho ý muốn và kế hoạch cứu độ của Chúa cho Mẹ và cho cả nhân loại.
Kinh nghiện nền tảng Chúa là Tất Cả phải vừa là điểm khởi đầu vừa là điểm phải đến: Mọi sự đều qua đi, nhưng Thiên Chúa không hề thay đổi. Ai có được Thiên Chúa thì chẳng thiếu gì hết: Một mình Thiên Chúa là đủ. Do đó, phải ưu tiên tìm chính Chúa trong các công việc của Chúa và qui hướng các công việc của Chúa về chính Chúa. Chỉ khi nào vượt lên được chính mình và những thứ kéo ghì mình xuống để vươn lên chính Chúa hơn là công việc của Chúa thì chúng ta mới thực sự có được một đời tu bình an, thành công và hạnh phúc.
Cần có một sự điều hợp giữa chính Chúa và công việc của Chúa trong đời sống linh mục. Nếu chính Chúa là động lực ơn gọi, ta có được bảo đảm cho tính trung thực của đời tu. Nếu công việc tông đồ là động lực, thì phải xem nó có kiên vững và tiến triển hướng về chính Chúa không? Nếu chỉ tìm công việc của Chúa mà quên chính Chúa thì sẽ có nguy cơ đi tới tình huống thiếu động lực đích thực. Như vậy kinh nghiệm Chúa là Tất Cả đã có mặt ngay từ đầu, hoặc đã trỗi lên qua dòng đời dâng hiến với việc thực thi các sứ vụ tông đồ. Việc dấn thân trong sứ vụ, sự nhiệt tình tông đồ, lòng tận tụy truyền giáo có thể là những trung gian quí báu dẫn tới kinh nghiệm “Chỉ một mình Chúa là đủ.” Trái lại, kinh nghiệm Chúa là Tất Cả cho ta ánh sáng, sức mạnh, và nhiệt huyết tông đồ.
Có hai cách thức để đạt tới: hoặc ngay từ đầu đã có kinh nghiệm về chính Chúa, hoặc dần dần tiến lại với chính Chúa qua trung gian sứ vụ tông đồ, tức các công việc của Chúa. Công cuộc đào tạo và tự đào tạo phải đưa mỗi người đến trung tâm của ơn gọi là chính Chúa. Do đó, không được ham công việc của Chúa mà không ở với chính Chúa. Phải luôn tìm Chúa trong mọi công việc của Chúa và qui hướng mọi việc tông đồ về chính Chúa, để khi không thể làm việc của Chúa thì vẫn luôn còn có chính Chúa, và như thế là đủ. Có thể nói đó là đường hướng và nội dung căn bản của đời sống cầu nguyện liên lỉ sâu xa.
Thường ta không đạt được kinh nghiệm Chúa là tất cả ngay từ bước đầu tiên của ơn gọi, nhưng trong suốt hành trình được đào tạo và tự đào tạo, cũng như trong cuộc sống và sứ vụ tông đồ, nó phải được tôi luyện qua các khủng hoảng hay những thách đố lớn. Ta phải nhanh chóng thanh tẩy các động lực ơn gọi và đặt trọng tâm nơi Chúa Giêsu, “Đấng vẫn là một hôm qua, hôm nay và mãi mãi”[39]. Trong thư gửi tín hữu Colossê, thánh Phaolô cho chúng ta tầm nhìn sâu sắc và tổng thể về vai trò trung tâm này của Chúa Giêsu[40]. ĐTC Phanxicô nói: “sự bất tuân phục và sự hoài nghi của chúng ta là những gút mắc chồng chéo trong linh hồn của mỗi người. Những gút mắc này lấy đi sự bình an và thanh thản của chúng ta. Chúng thật nguy hiểm, vì nhiều gút mắc có thể hình thành một mớ càng lúc càng đau đớn và khó tháo gỡ hơn. Tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là dâng hiến cho Chúa trọn thân xác chúng ta với lòng khiêm nhu và can đảm của Mẹ Maria, để Chúa có thể tiếp tục ngự trong tâm hồn chúng ta”[41].
Trong bài giảng thánh lễ ngày 5/12/2013, Ngài khẳng định rằng những lời nói và hành động của một Kitô hữu phải tập trung vào Chúa Giêsu, nếu không thì sẽ là trống rỗng, dẫn đến chia rẽ và điên rồ của tự phụ… Một tín hữu nói lời không bắt rễ từ Chúa Kitô là người tín hữu không có Chúa Kitô. Và việc không có Chúa Kitô này tạo nên chia rẽ giữa chúng ta, chia rẽ trong Giáo Hội. Hãy khiêm nhường xin Chúa giúp đỡ để nói lời bắt nguồn từ Chúa Giêsu Kitô[42].
Sự qui chiếu về Chúa Giêsu phải là tuyệt đối. Dostoievski xác tín: “Tôi tin rằng không có gì đẹp hơn, không có gì sâu xa hơn, không có gì thiện cảm hơn, không có gì hữu lý hơn, không có gì mạnh mẽ hơn, và không có gì hoàn hảo hơn Chúa Kitô”. Thánh Patrice nói: “Chúa Kitô ở với tôi, Chúa Kitô ở trong tôi, Chúa Kitô ở sau lưng tôi, Chúa Kitô ở trước mặt tôi, Chúa Kitô ở bên cạnh tôi, Chúa Kitô đến nắm tay tôi, Chúa Kitô đến an ủi tôi, Chúa Kitô đến bổ sức cho tôi, Chúa Kitô ở dưới chân tôi, Chúa Kitô ở trên đầu tôi, Chúa Kitô ở trong sự bình tâm, Chúa Kitô ở trong hiểm nguy, Chúa Kitô ở trong trái tim của những người yêu mến tôi. Chúa Kitô ở nơi môi miệng của bạn hữu cũng như của người xa lạ.”
Thánh Vinh sơn đệ Phaolô khuyên: “Bạn hãy nhớ rằng chúng ta sống trong Chúa Kitô nhờ cái chết của Chúa Kitô, và chúng ta phải chết trong Chúa Kitô để được sự sống của Chúa Kitô, đời sống chúng ta phải được giấu ẩn trong Chúa Kitô và tràn đầy Chúa Kitô, và để rồi nếu muốn được chết như Chúa Kitô thì phải sống như Chúa Kitô.” Còn thánh Gioan Tiền Hô ước muốn “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải bé đi”, và thánh Phaolô xác tín: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi.” – “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi thì nay vì Đức Kitô tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi”[43].
Cầu mong cho mỗi người chúng ta ngày càng cam kết đi theo chính Chúa Kitô toàn thể, vừa với thập giá khổ nạn vừa với vinh quang Phục sinh, và có thể nói được cùng với thánh Phaolô: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta”[44]. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải luôn cảnh giác, vì trong thực tế, rất lắm lần chúng ta đã để một ai đó hay một cái gì đó tách biệt Chúa Giêsu ra khỏi tình yêu và cuộc đời của chúng ta, cho dù không hề có cái gì tách biệt chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Giêsu: chúng ta có thế nào đi nữa thì Ngài vẫn hằng thương yêu chúng ta, và thương yêu chúng ta cho đến cùng.
Chúng ta sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian mà là thuộc về Thiên Chúa và Giáo Hội, có sứ mệnh tiếp tục công việc của Chúa Kitô, làm cho Ngài được nhận biết và yêu mến, qua việc rao giảng, giáo huấn, cử hành Thánh lễ và các bí tích, hoạt động bác ái và công lý, dưới sự hướng dẫn và tác động của ơn Chúa Thánh Thần. Thánh Gioan căn dặn: “Anh em phải coi chừng để khỏi đánh mất những gì anh em đã làm được, hầu lãnh được đầy đủ phần thưởng”[45]. Amen.
[1] Kh 2, 1-7 Với Ephêsô.
[2] Kh 3,8-11 Với Smiếcna.
[3] Kh 2, 12-17 Với Pécgamô.
[4] Kh 2, 18-39 Với Thyatira.
[5] Kh 3, 1-6 Với Sácđê.
[6] Kh 3, 7-13 Với Philađenphia.
[7] Kh 3, 14-22 Với Laođikia.
[8] Dt 4,12
[9] Is 55,10-11
[10] Mt 21,23.
[11] ĐTC Phanxicô nói trong bài giảng đầu tiên cho 114 vị Hồng Y bầu chọn mình.
[12] x. Mc 16,15-16.
[13] x. Thư thánh Inhaxiô Antiôkia gửi thánh Polycap, Bài đọc 2 Kinh Sách thứ sáu XVII TN.
[14] Trong ngày lễ khai mạc sứ vụ Giáo Hoàng ngày 19/3/2013.
[15] Gl 2,20.
[16] x. Huấn thị Phục vụ Quyền Bính và Vâng Lời của Bộ Tu Sĩ ra năm 2008.
[17] x. Mt.18, 15-17.
[18]ĐTC Phanxicô phát biểu với các chủng sinh và tập sinh tham dự Đại Hội Đời Sống Thánh Hiến tại Rôma ngày 6/7/2013.
[20] PO số 72 và 82.
[21] PO số 87; x. 1 Tm 4, 16.
[22] PDV số 71.
[23] OT số 22.
[24] RFIS số 100.
[25] Định hướng và chỉ dẩn Đào tạo Linh mục tr. 241-272.
[26] EA số 43.
[27] FABC 92e.
[28] Chỉ Nam 1994 số 69-97.
[29] Chỉ Nam 1994 số 73.
[30] Chỉ Nam Linh mục 1994, số 93.
[31] Chỉ Nam 1994 số 77-78.
[32] PDV số 77; Chỉ Nam 1994 số 94.
[33] Chỉ Nam 1994 số 95.
[34] x. Col 1,24; Chỉ Nam số 96-97.
[35] Chỉ Nam 1994 số 97.
[36] Theo Radio Vatican – http://xuanbichvietnam.net/trangchu/duc-thanh-cha-phanxico-cac-linh-muc-va-nu-tu-gia-yeu-trong-cac-nha-huu-duong-den-tho-dich-thuc-cua-su-thanh-thien/
[37] x. G 1,21; 2,10b.
[38] x. 1 Cr 7, 32-35.
[39] Dt 13,8.
[40] x. Cl 1, 15-20.
[41] Trích lời ĐTC Phanxicô nói trong Đêm cánh thức Thánh mẫu tại quảng trường thánh Phêrô ngày 12/10/2013.
[42] VATICAN CITY, December 5 (CNA/EWTN News).
[43] x. Pl 3,7-14.
[44] Rm 8, 35 – 39.
[45] 2 Ga 1, 8.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT
- NGHỀ NÀO HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI?
- TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI QUAY TRỞ LẠI VỚI LỊCH SỬ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC ?
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG BẮT ĐẦU GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG
- TẠI SAO CHA MATTHIEU JASSERON, NGÔI SAO TIKTOK, THÔNG BÁO “RÚT” KHỎI CHỨC LINH MỤC ?
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: NHIỀU ĐÓNG GÓP VỀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC NHAU CỦA GIÁO HỘI
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CÁC TÂN HỒNG Y
- BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ CÁC NHÂN VIÊN MỤC VỤ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI GIÁO HỘI BỈ: “KHÔNG CÓ CHÚA THÁNH THẦN, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KITÔ GIÁO XẢY ĐẾN CẢ”
- AD EXTRA, LÀM THẾ NÀO BIẾT TIN TỨC VÀ SUY TƯ VỀ SỨ MẠNG Ở CHÂU Á MỘT CÁCH SÂU XA HƠN
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾP TỤC HƯỚNG VỀ NGƯỜI DÂN VIỆT NAM ĐANG ĐAU KHỔ VÌ BÃO LŨ
- CUỘC GẶP GỠ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, NHỮNG NGƯỜI SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN, CHỦNG SINH VÀ GIÁO LÝ VIÊN
- ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI TRỞ THÀNH VÀ LAN TỎA HƯƠNG THƠM CỦA TIN MỪNG