TĨNH TÂM LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN VINH: BÀI 4: BÍ TÍCH GIẢI TỘI, PHƯƠNG THẾ TỐI ƯU
Dưới đây là bài giảng tĩnh tâm năm của cha Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss, cho linh mục đoàn giáo phận Vinh, diễn ra từ 30/12/2013 đến 4/1/2014.
BÀI 4
BÍ TÍCH GIẢI TỘI, PHƯƠNG THẾ TỐI ƯU
vượt lên khủng hoảng và tái định hướng đời sống và sứ vụ linh mục
1. Tầm quan trọng và nhu cầu cấp bách của Bí tích Hòa Giải
Tin Mừng cho thấy hình ảnh Chúa Giêsu không ngừng tìm kiếm và cứu vớt những gì lạc mất, đến độ Ngài tự nguyện đến dùng bữa tại nhà Lêvi và Zakêu, dù bị tiếng là giao du với những người tội lỗi và những người thu thuế.[1] Ngay cả trong cơn đau quằn quại trên Thập Giá, Ngài cũng đã giao hòa người trộm lành qua việc bảo đảm thiên đàng cho anh ta.[2] Chúa Kitô đã đến để giải hòa con người với Chúa Cha và với nhau. Ngài là sự giao hòa và là sự bình an, vì “trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã giao hòa thế gian với chính Ngài…”[3] Ngài đến hàn gắn tất cả những gì đổ vỡ, qui tụ tất cả những gì tản mác, hiệp nhất những gì phân rẽ. Ngài đã chịu chết để thu họp tất cả các con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi.[4] Ngài đã mang lấy gánh nặng lỗi lầm của chúng ta và trở thành giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi.[5] Là nhà hòa giải, Chúa Giêsu là nhịp cầu nối kết không chỉ những ai đang chia rẽ nhau, mà nhất là hiệp nhất lại những gì đã phân rẽ bên trong mỗi người.
Cái gì gây phân rẽ giữa người với người? Và phân rẽ ngay bên trong mỗi người? Chính là tội lỗi và sự dữ. Tội lỗi chia cắt và làm con người phân rẽ. Tội lỗi không chỉ làm cho người ta đoạn tuyệt mình khỏi Thiên Chúa, mà còn đoạn tuyệt mình khỏi người khác, đoạn tuyệt với chính mình nữa. Sự xung đột giữa người với người chỉ chấm dứt khi sự xung đột bên trong bản thân mỗi người chấm dứt. Kinh nghiệm bản thân cho biết cõi lòng mình là một bãi chiến trường của những xung đột này: chúng ta muốn tránh sự dữ, nhưng lại sa vào làm mồi cho sự dữ; muốn làm điều tốt, nhưng lại bị kéo lôi bởi điều xấu. Quả thật chúng ta có thể thốt lên như Thánh Phaolô: “Khốn cho tôi! Ai sẽ kéo tôi ra khỏi tấm thân hay chết này? Xin tạ ơn Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta!”[6]
Linh mục vẫn thường nói về những cơ chế của tội lỗi, những cơ chế của bất công, của sự kỳ thị và phân biệt đối xử trên thế giới, nhưng những cơ chế ấy phát xuất từ đâu? Chúng ta dễ quên những cơ sở hạ tầng của tội lỗi bên trong chính mình. Những cơ chế bên ngoài của tội lỗi sẽ chỉ biến mất nếu những cơ chế tội lỗi đồn trú bên trong bản thân mỗi người bị giải thể. Có lẽ tội lớn nhất của thời đại chúng ta chính là việc con người đánh mất cảm thức về tội lỗi. Đây là căn bệnh cần được giúp đỡ chữa trị khẩn cấp. Chúa Giêsu cung ứng cho chúng ta sự chữa trị đó khi Ngài giải hòa chúng ta với chính mình, với nhau, và với Thiên Chúa. Linh mục là thừa tác viên và là sứ giả của sự hòa giải này, để nối lại các nhịp cầu và kiến tạo bình an. Linh mục cũng cần biết nhìn nhận rằng trong sâu thẳm con người mình, linh mục vẫn mang những mầm mống của tội lỗi và ích kỷ, cũng cần được hòa giải ngay cả khi linh mục đem lại sự hòa giải cho người khác.[7]
Mẹ Giáo Hội cung cấp cho chúng ta một phương thế để đón nhận sự hòa giải và niềm bình an ấy: đó là Bí Tích Hòa Giải. Linh mục phải nhìn nhận tội lỗi và sự dữ ở bên trong bản thân và đặt mình qui phục lòng thương xót và sự thiện hảo của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Giáo Hội hết sức nhấn mạnh tầm quan trọng của Bí Tích Hòa Giải. Nhờ bí tích này, linh mục nhận lãnh không chỉ sự thứ tha tội lỗi, mà còn nhận lãnh sức mạnh của ơn Chúa để có thể phá tan những cơ chế tội lỗi bên trong bản thân mình và nơi tha nhân. Thánh Syrilô, Giám Mục Giêrusalem dạy: “Nếu có ai là nô lệ cho tội lỗi, thì nhờ đức tin, người ấy hãy chuẩn bị để được ơn tái sinh làm người tự do và làm nghĩa tử. Một khi đã từ bỏ ách nô lệ xấu xa của tội lỗi mà vui sướng đi theo con đường làm tôi Chúa, người ấy được coi là xứng đáng hưởng gia nghiệp Nước Trời. Qua việc thú tội, anh em hãy cởi bỏ con người cũ đã ra hư hỏng vì những ước muốn lầm lạc, để mặc lấy con người mới đã được canh tân theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên nó. Nhờ đức tin, anh em hãy có những bảo chứng của Thánh Thần, để có thể được đón nhận vào nơi ở muôn đời. Hãy đến gần ấn tích nhiệm mầu để chủ có thể dễ dàng nhận biết anh em. Hãy nhập vào đoàn chiên thánh thiện và hiểu biết của Đức Kitô, để một ngày kia được xếp vào bên hữu Người, anh em đạt được sự sống dành sẵn cho anh em làm gia nghiệp. Quả vậy, những ai cho đến nay vẫn còn dính bén với tội lỗi nặng nề sẽ phải đứng bên tả Người, vì họ đã không đến với ân sủng của Thiên Chúa do Đức Kitô ban cho trong phép rửa tái sinh thiêng liêng của linh hồn… Vậy nếu có ai trong những người hiện diện nơi đây nghĩ rằng mình có thể thử thách ân sủng của Thiên Chúa thì người đó tự lừa dối mình… Hãy có tâm hồn chân thành và không gian dối, vì Thiên Chúa thấu suốt lòng dạ con người. Thời bây giờ là thời xưng thú tội lỗi. Bạn hãy xưng thú các tội mình đã phạm, trong lời nói hay việc làm, ban đêm hay ban ngày. Hãy xưng thú tội lỗi vào thời thuận tiện và hãy đón nhận kho báu trên trời trong ngày cứu độ. Bạn hãy rửa sạch chiếc bình là lòng bạn để nó chứa được ân sủng dồi dào hơn, vì ơn tha tội được ban đồng đều cho mọi người, còn ơn hiệp thông của Thánh Thần thì được ban theo mức độ đức tin của mỗi người… Nếu bạn có bất bình với ai, hãy tha thứ đi. Bạn đến để đón nhận ơn tha tội thì bạn cần phải tha thứ cho kẻ xúc phạm đến bạn”[8].
2. Thừa tác viên và việc cử hành Bí tích Hòa Giải
Linh mục không những phải thực thi vai trò thừa tác viên của Bí Tích Hòa Giải, mà còn phải là người ân cần và đều đặn lãnh nhận bí tích này, để chính linh mục trở nên chứng nhân của lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho tội nhân, thành thật nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình và mở lòng ra đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ và cứu độ. Linh mục phải là một hối nhân mẫu mực thì mới có thể làm một cha giải tội mẫu mực được. ĐTC Phanxicô nói trong buổi tiếp kiến ngày 20/11/2013: “Linh mục chính là khí cụ để tha thứ tội lỗi. Sự tha thứ của Thiên Chúa được trao ban cho chúng ta nơi Giáo Hội, và được thông chuyển cho chúng ta thông qua thừa tác vụ của một người anh em chúng ta. Các linh mục cũng là một con người như chúng ta, các ngài cũng cần sự thương xót, để trở nên một khí cụ đích thực của lòng thương xót, trao ban cho chúng ta tình yêu vô hạn của Chúa Cha. Các linh mục cũng phải xưng tội, các giám mục cũng vậy: Tất cả chúng ta là tội nhân. Đức Thánh Cha cũng xưng tội 15 ngày một lần, bởi vì Đức Thánh Cha cũng là một tội nhân!”[9]. Và Thư Giacôbê thúc giục: “Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực… Nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình”[10].
Trong Tông Huấn Reconciliatio et Paenitentia, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đã trình bày một cách sắc bén như sau: “Đời sống tu đức và mục vụ của linh mục muốn thực sự có chất lượng và sinh động, cần phải là một đời sống lãnh nhận Bí tích Hòa Giải thường xuyên và đầy ý thức. Việc cử hành Bí tích Thánh Thể của linh mục và vai trò của ngài trong các bí tích khác, sự nhiệt tâm mục vụ của ngài, mối quan hệ của ngài đối với các tín hữu, mối hiệp thông của ngài đối với các anh em linh mục khác, sự cộng tác của ngài với Giám mục, đời sống cầu nguyện của ngài, nói tắt một lời là tất cả cuộc sống linh mục của ngài sẽ lụn bại thảm khốc, nếu do cẩu thả hay do một lý do nào khác mà ngài không lãnh nhận Bí tích Hòa Giải một cách đều đặn với lòng tin và lòng sốt mến chân thành. Nếu một linh mục không còn bước đến tòa giải tội nữa hay không còn xưng thú tội lỗi của mình một cách nghiêm túc nữa, thì con người linh mục và sứ vụ linh mục của ngài chẳng mấy chốc sẽ gánh lấy hậu quả thê thảm, và hậu quả này sẽ tác động rõ ràng trên chính cộng đoàn mà ngài phụ trách.”[11]
Khi nói chuyện với các chủng sinh và tập sinh, ĐTC Phanxicô chất vấn: “Có ai ở đây trong căn phòng này không phải là một tội nhân không, ai không có tội? Hãy giơ tay lên nào! Hãy giơ tay lên nào! Không có ai. Không có ai. Từ chỗ này đến tận đằng cuối kia… tất cả! Nhưng tôi mang tội của mình, tội của tôi như thế nào? Cha muốn cho các con một lời khuyên: hãy luôn luôn thẳng thắn với cha giải tội của các con. Hãy nói với ngài mọi sự, đừng sợ hãi… Hãy nói sự thật, đừng che giấu, lấp lửng gì cả, bởi các con đang nói với chính Đức Giêsu trong con người cha giải tội. Và Đức Giêsu biết sự thật, chỉ mình Ngài luôn luôn tha thứ cho các con! Tuy nhiên, Chúa chỉ muốn các con nói với Ngài điều Ngài đã biết. Hãy minh bạch!… Chính Đức Giêsu đang lắng nghe các con. Hãy luôn luôn có sự minh bạch này trước mặt Đức Giêsu nơi cha Giải tội! Tuy nhiên, đây là một ân sủng… Và Chúa ôm các con, hôn các con, nói với các con: Hãy đi và đừng phạm tội nữa!”[12]
Chính ngài, khi được cha Antonio Sparado, chủ bút tạp chí La Civiltà Cattolica của Dòng Tên, hỏi “Jorge Mario Bergoglio là ai?”, ĐTC Phanxicô im lặng nhìn thẳng cha rồi trả lời: “Tôi không biết đâu mới là câu mô tả xứng hợp nhất… Tôi là kẻ có tội. Đây là định nghĩa chính xác nhất, không văn vẻ hoa mỹ, văn chương. Tôi là kẻ tội lỗi”. Ngài tiếp tục tập trung suy nghĩ, như thể câu hỏi bất ngờ và ngài buộc phải suy nghĩ thêm. “Đúng, có lẽ tôi có thể nói thế này tôi có khéo léo một chút, có thể thích ứng với hoàn cảnh, nhưng cũng đúng là tôi có hơi ngây thơ. Đúng, nhưng điều tóm tắt hay hơn cả, điều phát xuất từ bên trong hơn cả, và là điều tôi cảm thấy đúng hơn cả là: tôi là kẻ tội lỗi mà Chúa đã đoái nhìn”. Rồi ngài nhắc lại: “Tôi là kẻ được Chúa đoái nhìn. Tôi luôn cảm nhận khẩu hiệu của tôi Miserando atque Eligendo [được xót thương và tuyển chọn], thật chân thực đối với tôi”.
ĐGH. Phanxicô như thế đó, huống gì là chúng ta. Bản chất của con người là lầm lỗi, bản chất của Thiên Chúa là tha thứ, không có tội gì nặng quá đỗi Thiên Chúa không thể tha thứ được, nếu ta thực sự ăn năn trở về đón nhận ơn tha thứ của Chúa: tội thì tha lỗi thì sửa, mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai… Hãy tin tưởng vào sự biến đổi tốt đẹp trong tương lai, nhờ ơn Chúa, với cố gắng bản thân và sự giúp đỡ của kẻ khác[13]. ĐTC Phanxicô, khi suy niệm Tin Mừng Ga 21,15-19, mô tả thánh Phêrô là một tội nhân, có nhiều khuyết điểm, nhưng tự hạ mình để được Chúa Kitô dẫn dắt tiến lên phía trước. Ngài mời gọi chúng ta noi gương Thánh Phêrô, bằng cách nhận ra lỗi lầm và mở lòng ra cho Chúa, để Chúa dẫn dắt theo con đường ngay chính: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mẫu gương của Thánh Phêrô, một người gặp Chúa thường xuyên và cũng là người được Chúa làm cho thanh sạch và trưởng thành hơn về mặt tâm linh, có thể giúp chúng ta hướng về phía trước. Xin cho điều đó làm cho chúng ta tìm kiếm Chúa và tìm gặp được Chúa, để Chúa tìm thấy chính chúng ta. Chúa luôn luôn ở đó, gần gũi chúng ta, tìm kiếm chúng ta. Nhưng đôi khi chúng ta nhìn theo hướng khác vì chúng ta không muốn nói chuyện với Chúa hoặc không muốn để cho Chúa tìm thấy chúng ta”[14].
Việc cử hành Bí tích Sám Hối luôn là một cử hành phụng vụ, ngay cả với hình thức riêng tư của nó. Thực hành bí tích sám hối là một yếu tố trong đời sống cầu nguyện của cả hai người, người xưng thú lẫn người nghe xưng thú. Linh mục là thừa tác viên thường xuyên của Bí tích Giải Tội. Ngài không chỉ đều đặn thực hành bí tích này, mà còn cố gắng hiểu biết tốt hơn và cử hành nghiêm túc, vì bí tích này cũng là một tập luyện tuyệt vời về nhân đức, đền tội…, là trường tu đức không thể thay thế, là một sự trợ giúp thực sự trên con đường đổi mới và thánh hóa.
Bí tích Hoà giải là yếu tố tái định hướng, thánh hoá và tăng trưởng rất quan trọng, đặc biệt khi không chỉ để xưng tội, song còn để trao đổi với một cha giải tội và linh hướng có kinh nghiệm, nhờ đó mà đạt được sự chữa lành mọi uẩn khúc ngóc ngách tâm hồn và được vui sống bằng an. ĐTC Biền Đức nói: “Bao nhiêu cuộc hoán cải và đời sống thánh thiện thực sự đã bắt đầu trong một tòa giải tội! Linh mục có thể chứng kiến những phép lạ đích thực về sự hoán cải, cảm nhận và chiêm ngắm lòng từ bi của Thiên Chúa. Sự kiện được lắng nghe và đón nhận là một dấu chỉ lòng từ nhân của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài”.
Bí tích Hòa giải là một trong những quà tặng đặc biệt của linh mục cho kẻ khác, nhưng đồng thời nó cũng là khí cụ cho linh mục tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng và bác ái mục tử. Nhắc tới sứ vụ hòa giải hiệu quả phong phú của cha thánh Gioan Maria Vianney, ĐTC Biển Đức XVI nói rằng các linh mục có thể học “không chỉ một niềm tín thác vô tận nơi bí tích sám hối, mà còn một phương pháp đối thoại cứu độ phải được thực hiện trong khi ngồi tòa ”[15].
3. Bí tích Giải tội mang lại ơn tha thứ và bình an
Trong Bí tích Hòa giải, chúng ta có thể nói nhân danh Chúa Cứu Thế và quyền năng của Ngài: “Cha tha tội cho con”. Những lời đó xa hơn một công thức pháp lý, nó khai mở quyền năng của Chúa trên tội lỗi và cái chết. Được trao phó quyền năng này có nghĩa là chúng ta phải nói hết sự thật về thực tại tội lỗi với hối nhân. Đi sâu vào như thế trong đời sống của kẻ khác là một đặc ân đáng sợ. Chúng ta được ban cho ơn giúp hối nhân biết Ý Chúa và làm theo ý Chúa, giúp họ khám phá những phong phú của lòng nhân hậu Chúa trong cái chết và sống lại của Chúa Kitô. Như vậy vai trò giải tội là một nguồn bất tận của niềm vui linh mục.
Một linh mục đã kể lại kinh nghiệm này. Có thể nhiều người trong chúng ta đã trải nghiệm, nhất là các anh em phải coi sóc nhiều giáo xứ, giáo họ với rất đông giáo dân. Ngài kể câu chuyện thật: “Vào các dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, số người xưng tội tăng rất đông. Lần này, tôi đã lên lịch giải tội, dành ra ít giờ rãnh để chuẩn bị lễ. Tôi dừng lại đi ăn cơm và dự định không trở lại nhà thờ nữa cho đến khi dâng lễ đêm. Nhưng có người lại đến và muốn xưng tội, và tôi lại phải ra nhà thờ, tỏ vẻ bực mình cách nào đó, vì dân chúng coi nhẹ điều tôi coi là nhu cầu nghỉ ngơi chính đáng. Tôi hy vọng ngày ấy các hối nhân không để ý đến sự khó chịu của tôi. Và giữa lúc tôi cảm thấy bực mình và khó chịu ấy, một hối nhân không quen đến, tiếng nói như một ông già. Ông đã bỏ các bí tích rất nhiều năm. Tội của ông rất nhiều và nghiêm trọng. Đó là sự trở lại của đứa con hoang đàng. Rất thành thật và khiêm nhường sâu xa, ông đã nói với nước mắt về tình trạng tội lỗi của ông. Ông quên cả kinh Ăn năn tội và đã thay thế vào ‘Xin cha tha tội cho con, con là một tội nhân chết bầm chết diệt’.
Tôi không bao giờ quên được hai ý tưởng tấn công tôi chiều hôm ấy. Trước hết là niềm vui vì quyền năng và sự kỳ diệu được làm linh mục: nhân danh Chúa Giêsu, tôi có thể nói ‘Cha tha tội cho con’, để ban ơn tha thứ và bình an cho người trở về. Thứ hai là cảm nhận lo sợ vì tôi đã tự cho mình lý do chính đáng nghỉ ngơi để không ngồi tòa giải tội: suýt nữa vì sự nghỉ ngơi của tôi mà một linh hồn có thể bị hư mất! Tôi hoan hỉ nhớ lại buỗi chiều hôm ấy, và dốc lòng sẽ không bao giờ viện bất cứ lý do gì để từ chối giải tội khi có người xin xưng tội, nhất là khi được mời đi kẻ liệt: “Đêm đông hay giữa trưa hè, kêu đâu chạy đó chở che cho người, biết đâu lần đó cuối đời, để người chết hụt, ta thời ăn năn.”
Vai trò giải tội quan trọng biết bao cho linh mục chúng ta. Khi chúng ta không còn tìm thấy niềm vui trong việc hòa giải người khác với Chúa thì niềm vui của chức linh mục sẽ tan biến. Một linh mục như thế sẽ bị tha hóa khỏi lý do hiện hữu của mình. Nhưng vị linh mục làm cho mình luôn sẵn sàng quảng đại ban bí tích hòa giải cho kẻ khác sẽ được tiến tới sâu xa hơn trong ý nghĩa và niềm vui của chức linh mục, và đồng thời cảm nhận sâu xa lòng nhân hậu của Chúa trong cuộc đời mình, vì chúng ta vốn là người đầu tiên phải trở lại với Chúa và với anh em.
4. Giá trị của việc xưng tội cá nhân:
ĐTC Biển Đức XVI nhấn mạnh tới sự cần thiết phải mở ra một cuộc “đối thoại cứu độ” cho những ai tìm kiếm ơn tha thứ. Nhắc tới thánh Gioan Maria Vianney, người đã thực thi sứ vụ hòa giải một cách anh hùng và hiệu quả phong phú, Ngài nói rằng các linh mục có thể học “không chỉ một niềm tín thác vô tận nơi bí tích sám hối, mà còn một phương pháp đối thoại cứu độ phải được thực hiện trong khi ngồi tòa”[16]. Cuộc đối thoại giữa hối nhân và cha giải tội làm cho việc cử hành bí tích đáp ứng sít sao hơn với mọi tình huống cụ thể của hối nhân, với các lý do khác nhau sau đây: Nhu cầu hòa giải cá nhân và tái nhập vào tình bằng hữu với Chúa nhờ nhận lại được những ơn đã mất do tội; nhu cầu tìm kiếm sự tiến bộ thiêng liêng; đôi khi cần một sự biện phân thích đáng hơn về ơn gọi; trong nhiều trường hợp, không những cần mà còn khao khát thoát khỏi tình trạng hờ hững thiêng liêng và khủng hoảng đời tu. Nhờ những đặc tính cá nhân đó, hình thức cử hành này liên kết với việc linh hướng. Trong cuộc đối thoại này phải tránh đề cập trực tiếp đến đệ tam nhân. Phải rất cẩn thận và tế nhị trong các câu hỏi để làm sáng tỏ hầu có biện pháp và lời khuyên thích ứng giúp hối nhân thay đổi trở nên tốt. ĐTC Phanxicô nhắc nhở: “Việc hòa giải không được chấm dứt qua cuộc đối thoại với linh mục, mà kết thúc khi Chúa Kitô đem người tín hữu trả lại cho Mẹ Giáo Hội. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Kitô ban ân sủng luôn luôn tin tưởng vào người mẹ này, vì bà bảo vệ, dậy dỗ, và giúp cho chúng ta trưởng thành”[17].
5. Không được xưng tội và giải tội qua điện thoại:
Có một số người gặp khủng hoảng (về các mối tương quan, hôn nhân gia đình, nhất là tình cảm tính dục) gọi điện thoại trình bày việc lương tâm rồi hỏi “con có thể xưng tội luôn được không?” Chắc chắn linh mục đã làm đúng khi trả lời dứt khoát “KHÔNG”. Quả vậy, người ta vừa giới thiệu một ứng dụng mới dành cho iPhone, iPad và iPod Touch: Giải tội, một ứng dụng của Giáo Hội Công giáo Rôma. Chương trình này được Đức cha Kevin Carl Rhoades ký imprimatur, xác nhận tính hợp pháp về giáo luật, cho phép ấn hành “dành cho những ai năng chịu phép Bí tích và những ai muốn ăn năn trở lại.”
Cha Federico Lombardi sj, phát ngôn viên Tòa Thánh nói rõ: “Bí tích Hòa giải đòi phải có cuộc đối thoại cá nhân giữa hối nhân và cha giải tội, đồng thời việc tha tội được thực hiện bởi cha giải tội đang hiện diện và nghe lời xưng tội... Không một ứng dụng công nghệ thông tin nào thay thế được việc xưng tội và giải tội như đã nêu.” Tuy nhiên không loại trừ những tiện ích của công nghệ thông tin giúp cho đời sống thiêng liêng: “Trong một thế giới đang có nhiều người nhờ đến sự giúp đỡ của công nghệ thông tin trong việc đọc và suy nghĩ (như các bản kinh giúp cầu nguyện), giúp chuẩn bị xưng tội, như ngày xưa đã nhờ các bản xét mình, các câu hỏi viết trên giấy để xét mình trước khi xưng tội, dựa theo danh sách các thứ tội,” nhưng chỉ được “coi iPhone như một cẩm nang mục vụ được thực hiện bằng kỹ thuật số, nhằm đem lại một số lợi ích, mà không thay thế được việc cử hành Bí tích.” Như vậy, mọi đồn thổi về việc Tòa Thánh chấp thuận cho cử hành Bí tích Hòa giải qua các phương tiện thông tin hiện đại đã hoàn toàn bị bác bỏ.[18]
6. Giá trị sư phạm của Bí tích Hoà giải
Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 25/3/2011 dành cho 800 tham dự viên khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải Tối Cao tổ chức từ 21/3-11/4/2011, ĐTC Biển Đức XVI nhấn mạnh giá trị sư phạm của Bí tích Giải Tội đối với cha giải tội, cũng như đối với hối nhân:
Đối với Cha Giải Tội, Ngài nói: “Các linh mục thân mến, anh em đừng lơ là trong việc dành thời giờ cho việc ban bí tích giải tội. Chúng ta đừng quên rằng bao nhiêu cuộc hoán cải và bao nhiêu cuộc sống thánh thiện thực sự đã bắt đầu trong một tòa giải tội! Linh mục có thể chứng kiến những phép lạ đích thực về sự hoán cải, cảm nhận và chiêm ngắm lòng từ bi của Thiên Chúa. Việc nhận biết chiều sâu của tâm hồn, kể cả những khía cạnh đen tối, có thể là một thử thách đức tin cho chính linh mục, nhưng cũng có thể nuôi dưỡng nơi linh mục xác tín rằng lời nói cuối cùng trên sự ác của con người và của lịch sử chính là của Thiên Chúa, và lòng từ bi của Ngài có thể đổi mới mọi sự. Cha giải tội có thể học được nơi các hối nhân gương mẫu về đời sống thiêng liêng của họ: sự xét mình nghiêm túc, sự minh bạch trong việc nhận lỗi và ngoan ngoãn đối với giáo huấn của Giáo Hội, cũng như những chỉ dẫn của cha giải tội. Qua việc giải tội, linh mục có thể nhận được những bài học sâu xa về lòng khiêm nhường và đức tin, là lời nhắc nhở mạnh mẽ cho linh mục ý thức căn tính của mình.”
Đối với hối nhân, ĐTC dạy: “Việc xét mình giúp hối nhân chân thành cứu xét cuộc sống của mình, đối chiếu với chân lý Phúc Âm và đánh giá nó không chỉ theo các tiêu chuẩn con người, mà nhất là theo các tiêu chuẩn của Mạc Khải. Sự đối chiếu cuộc sống với các giới răn, các mối phúc thật và nhất là với giới luật yêu thương chính là một trường học lớn của bí tích giải tội. Trong thời đại ồn ào ngày nay, với sự chia trí và cô đơn, cuộc nói chuyện của hối nhân với cha giải tội cũng có thể là một trong những cơ hội, nếu không muốn nói là cơ hội duy nhất, để được thực sự lắng nghe trong chiều sâu. Sự kiện được lắng nghe và đón nhận là một dấu chỉ về sự đón nhận và lòng từ nhân của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài. Sự xưng thú trọn vẹn các tội lỗi cũng dạy hối nhân về sự khiêm tốn, nhìn nhận sự mong manh yếu đuối của mình, và đồng thời ý thức về sự cần ơn tha thứ của Thiên Chúa, xác tín rằng Ơn thánh của Chúa có thể biến cải cuộc sống. Việc lắng nghe những lời nhắn nhủ và khuyên bảo của cha giải tội là điều quan trọng giúp hối nhân phán đoán về hành vi của mình để tiến bước trên đường thiêng liêng và được chữa lành trong nội tâm.”
7. Tâm hồn nhạy bén cần cho Bí tích Hoà Giải
Trong khi ngồi toà, linh mục cần có tâm hồn nhạy cảm để suy nghĩ với đầu óc của Chúa Giêsu, nhìn sự việc với con mắt của Chúa Giêsu, hành động với sức mạnh của Chúa Giêsu, phán đoán với sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, sử dụng biện pháp với lòng nhân hậu của Chúa Giêsu, yêu thương với con tim của Chúa Giêsu, đào tạo với sư phạm của Chúa Giêsu, nhẫn nại với sự nhẫn nại của Chúa Giêsu, tha thứ với lòng độ lượng của Chúa Giêsu. Tắt một lời là làm sao để giáo dân luôn nhận ra được nơi linh mục đang chăn dắt mình “tiếng nói của Chúa Chiên Nhân Lành.”[19] Có thế thì linh mục mới sống trọn vẹn và thành công trong đời sống và sứ vụ linh mục của mình, như lòng Chúa và Giáo Hội mong muốn. Thánh Phaolô đã nói rõ đường lối đó: “Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó.”[20]
ĐTC Phanxicô nói: “Công việc phục vụ của các linh mục trong sứ vụ này phát xuất từ Thiên Chúa, để tha thứ tội lỗi là một việc phục vụ rất tế nhị, hệ tại ở việc trái tim của linh mục có bình an hay không; khi trái tim của linh mục bình an, họ không đối xử tệ với các tín hữu, nhưng với lòng nhân từ, yêu thương và thương xót; họ biết gieo vào trái tim các tín hữu niềm hi vọng, và trên hết, họ hiểu rằng, anh chị em của mình đến tòa giải tội là để tìm kiếm sự tha thứ và họ làm điều đó như biết bao nhiêu người đã đến với Chúa Giê-su để được chữa lành. Vị Linh mục không có tinh thần ấy thì tốt hơn không nên ban bí tích Hòa giải, cho đến khi vị linh mục ấy biết sửa mình… Các linh mục là những người đầy tớ của bí tích này cần phải nhận ra rằng họ cũng cần ơn tha thứ và chữa lành, và do đó, họ phải thực hiện sứ vụ của mình trong khiêm nhường và với lòng thương xót”[21].
Vì vậy, Công Đồng Vaticanô II thúc bách không ngừng hoàn thiện các hiểu biết về những sự của Thiên Chúa và những sự của con người, ngõ hầu đi vào đối thoại cách thích đáng với những người đương thời. Sự nhạy bén này sẽ gợi ý và hướng dẫn những đổi thay trí não và con tim hướng tới cuộc trở lại liên lỉ với Chúa và với tha nhân, với cái nhìn tích cực, lòng cảm thông và biết ơn. Luật của sự sống và sinh trưởng là thay đổi, và mỗi chặng đường sinh trưởng của con người đều được ghi dấu bằng những thay đổi quyết định. Chúa luôn đổi mới lời mời gọi của Ngài, xuyên qua Phúc Âm, các dấu chỉ thời đại, các biến cố thăng trầm của cuộc sống mỗi ngày, thì những người theo Chúa Giêsu cũng phải đổi mới lời đáp trả của mình cho tương xứng. Mọi việc Chúa Kitô làm đều mang dấu ấn của thay đổi, thay đổi từ cũ sang mới, từ điều được trông đợi đến điều bất ngờ: Ngài ngồi ăn với những người tội lỗi, nói chuyện với người đàn bà Samaria, vượt quá luật ngày Sabát, yêu thương kẻ thù, hy sinh mạng sống vì người khác. Mọi hành động ấy đều là những thay đổi. Qua những thay đổi ấy, Hội Thánh được sinh ra, và hôm nay cũng qua những thay đổi như thế mà Hội Thánh còn tồn tại, tiếp tục sống và hoạt động cho phần rỗi nhân loại, ngày một tích cực hơn, thánh thiện hơn và hiệu quả hơn.
Chúng ta cùng nhìn về thánh Gioan Maria Vianney, cha sở thánh họ Ars, nơi mà người hành hương đổ về ngày càng đông, hy vọng được gặp một vị thánh tại toà giải tội. Đã có những phép lạ về ơn hoán cải, như ĐTC Biển Đức XVI nhận định: “bao nhiêu cuộc hoán cải và bao nhiêu cuộc sống thánh thiện thực sự đã bắt đầu từ trong một tòa giải tội!”[22] Những người dân ở Ars là bằng chứng sống động về điều đó. Có thể họ nghĩ ngài là một người hay làm phép lạ, nhưng trên hết họ thấy ngài là cha giải tội, người hướng dẫn lương tâm, vị linh hướng và người an ủi. Cha Vianney chỉ có thể rời tòa giải tội vài giờ trong một ngày. Nơi ấy đã trở thành ơn gọi của ngài trong phần đời còn lại: nhốt mình trong một hộp gỗ chật hẹp, cứ ngồi giờ này qua giờ khác trên chiếc ghế gỗ xù xì để lắng nghe, lắng nghe và lắng nghe những lời xưng thú mọi tội lỗi, tìm kiếm ơn thứ tha và hoà giải, vì nhiệm vụ của linh mục là luôn ở bên hối nhân, cũng như nhiệm vụ bác sĩ là ở bên bệnh nhân.
Nhờ bí tích Giải tội, cha thánh Gioan Maria Vianney đã dành lại khỏi tay ma quỉ biết bao linh hồn cho Chúa, nên nó giận dữ điên cuồng, tấn công tàn bạo, trút lên ngài những đòn ác liệt: nó đánh đập ngài, xô đẩy ngài va vào tường rướm máu, đốt cháy cả giường ngài nằm… nhưng nó vẫn thua, đành thú nhận và thách thức ngài: “Nếu chúng tao tìm được ba thằng như mày thì chúng tao mới chịu thua.” Tiếc là mới chỉ có một Gioan Maria Vianney, nên chúng ta còn phải chịu ma quỷ tấn công nhiều lắm. Xin Mẹ Maria giúp chúng con lãnh nhận và trao ban Bí tích Giải Tội cho nên.
Vượt lên khủng hoảng và tái định hướng đời sống và sứ vụ ơn gọi là giết chết cái chất trần tục quá khứ và lớn lên trong con người tu đích thực, mà tinh thần theo Chúa Kitô là chủ đạo: thay đổi con tim, thay đổi tâm thức, thay đổi lối sống và cuộc sống[23]. Và đó là tiến trình lâu dài của một công cuộc hợp tác với ơn Chúa theo hướng biện chứng pháp. Biện chứng pháp đi từ đối chọi chính đề – phản đề đến hợp đề. Hợp đề ấy sẽ trở thành một chính đề mới đòi hỏi một phản đề mới tương ứng, và sự cọ xát này sẽ phát sinh một hợp đề mới. Từ hợp đề mới này sẽ có một biện chứng pháp mới, và cứ như thế sẽ có sự tiến bộ và trở thành mới luôn.
Phải nhìn vượt qua bên kia những sai lầm thiếu sót, để thấy được lòng nhân hậu và kế hoạch cứu độ của Chúa, Đấng có thể biến cải điều xấu thành điều tốt, có thể rút ra cái tốt từ cái xấu: mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai, vì bản chất con người là lầm lỗi và bản chất Thiên Chúa là tha thứ. Luôn biết ơn Chúa và Giáo Hội về việc đào tạo, về hồng ân thiên chức linh mục, về tình huynh đệ bí tích, về đời sống ơn gọi và sứ vụ. Chúng ta sẽ luôn cố gắng sống tốt, đền đáp những ơn đã lãnh nhận bằng chứng tá đời sống và sứ vụ linh mục của chúng ta để nhiều người được cứu độ và Danh Chúa được vinh sáng hơn.
Con xin mượn lời ĐTC Phanxicô để kết thúc bài suy niệm này: “Tất cả chúng ta có thể nghĩ đến câu chuyện của chúng ta, hành trình của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều có câu chuyện của mình; mỗi người chúng ta cũng có những sai lầm, tội lỗi, những lúc hạnh phúc và những khi đen tối. Ngày hôm nay là dịp tốt để mỗi người nghĩ đến câu chuyện của mình, và nhìn Chúa Giêsu rồi chân thành lặp đi lặp lại trong thinh lặng: ‘Lạy Chúa, xin nhớ đến con! xin nhớ đến con, vì con muốn sống tốt, muốn nên tốt lành, nhưng con yếu đuối, con không thể: con là người tội lỗi’. Lời hứa của Chúa Giêsu với người trộm lành cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao. Lời ấy nói với chúng ta rằng ơn Chúa bao giờ cũng phong phú hơn lời cầu xin. Chúa rất quảng đại, Người luôn ban cho nhiều hơn điều con người cầu xin. Chúa Giêsu chính là trung tâm những nỗi khát mong niềm vui và ơn cứu độ của chúng ta. Nào chúng ta hãy cùng nhau lên đường”[24]. Amen.
Phụ lục: LINH MỤC XÉT MÌNH
Đây là Phụ lục I của Văn kiện Linh mục – Thừa tác viên của lòng thương xót: Các yếu tố để giúp các cha giải tội và linh hướng, thành quả của Năm Linh Mục, do Bộ Giáo Sĩ ban hành ngày 9/3/2011, nhằm giúp các linh mục xét mình.
1.“Vì họ, con xin hiến thánh chính mình, để họ cũng được thánh hiến trong sự thật” (Ga 17,19)
- · Tôi có nghiêm túc nhắm đến sự thánh thiện trong chức linh mục của tôi không?
- Tôi có xác tín rằng sự phong phú của thừa tác vụ linh mục đến từ Thiên Chúa và với ơn Chúa Thánh Thần, đòi tôi phải nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và hiến dâng mạng sống mình vì phần rỗi thế gian không?
2. “Nầy là Mình Thầy” (Mt 26,26)
- Hy tế Thánh Thể có là trung tâm đời sống nội tâm của tôi không? Tôi có chuẩn bị tử tế để dâng Thánh lễ sốt sắng và sau Thánh lễ, có cầm mình để cám ơn không?
- Thánh lễ có là trung tâm qui chiếu trong ngày sống của tôi để ngợi khen và cảm tạ Chúa về các ơn lành Ngài ban, để chạy đến lòng nhân hậu của Chúa và đền tội tôi, cùng tội của mọi người không?
3. “Nhiệt tâm vì nhà Chúa làm tôi hao mòn” (Ga 2,17)
- Tôi có cử hành Thánh lễ đúng các nghi thức luật chữ đỏ đã qui định, với ý hướng trung thực và với các sách Phụng vụ đã được phê chuẩn không?
- Tôi có quan tâm đến Mình Thánh Chúa được cất giữ trong Nhà Tạm và thay mới theo kỳ hạn không? Tôi chăm lo các bình, chén thánh thế nào?
- Tôi có mặc lễ phục cách xứng đáng như Giáo Hội qui định, ý thức mình hành động nhân danh Chúa Kitô là Đầu không?
4. “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15,9)
- Tôi có tìm được niềm vui ở trước Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể, hoặc trong khi tôi nguyện gẫm và thinh lặng tôn thờ không?
- Tôi có trung thành viếng Thánh Thể hằng ngày và coi là kho tàng của tôi có ở trong Nhà Tạm không?
5. “Xin giải thích dụ ngôn cho chúng con” (Mt 13,36)
- Hằng ngày tôi có nguyện gẫm chu đáo bằng cách tìm vượt quá mọi thứ chia trí tách tôi khỏi Chúa không?
- Tôi có tìm ơn soi sáng từ nơi Chúa Cứu Thế mà tôi đang phụng sự không?
- Tôi có chuyên cần suy ngắm Kinh Thánh không?
- Tôi có cầm lòng cầm trí đọc những kinh thường ngày không?
6. “Phải cầu nguyện liên lỉ, không mệt mỏi” (Lc 18,1)
- Hằng ngày, tôi có cử hành Phụng vụ Giờ Kinh cách trọn vẹn, xứng đáng, chăm chỉ và sốt sắng không?
- Tôi có trung thành với cam kết quan trọng của thừa tác vụ mình là cầu nguyện nhân danh toàn thể Giáo Hội không?
7. “Hãy đến và theo Tôi” (Mt 19,21)
- Chúa Giêsu Kitô có phải là tình yêu đích thực của cuộc đời tôi không?
- Tôi có vui vẻ giữ cam kết tình yêu với Chúa trong sự chế dục của bậc độc thân không?
- Tôi có ý thức cắt đứt những ý tưởng và ước muốn, hay những hành động phạm đến đức trong sạch không?
- Tôi có chiều theo những chuyện vãn không thích đáng và đặt mình trong dịp gần có nguy cơ phạm tội lỗi đức khiết tịnh không?
- Tôi có giữ gìn con mắt, thận trọng trong cách đối xử với nhiều hạng người khác nhau không?
- Đời sống tôi có minh chứng cho tín hữu thấy rằng đức trong sạch là một cái gì khả thi, phong phú và hạnh phúc không?
8. “Ông là ai?” (Ga 1,20)
- Trong cư xử hằng ngày, tôi có cảm nhận các yếu tố của sự yếu đuối, mệt mỏi, lười biếng không?
- Các chuyện vãn của tôi có phù hợp với chiều hướng nhân bản và siêu nhiên mà một linh mục phải có không ?
- Tôi có cẩn thận để trong cuộc sống mình không có gì phù phiếm và hời hợt không ?
- Mọi hành động của tôi có đi đôi với điều kiện bậc sống linh mục của tôi không ?
9. “Con Người không nơi tựa đầu” (Mt 8,20)
- Tôi có yêu thích sự nghèo khó kitô giáo không ?
- Tâm hồn tôi có tìm nghỉ ngơi nơi Chúa và siêu thoát nội tâm khỏi mọi thứ khác không ?
- Để phụng sự Chúa tốt hơn, tôi có sẵn lòng bỏ những tiện nghi hiện đại, những kế hoạch cá nhân, những tình cảm chính đáng của tôi không ?
- Tôi có sở hữu những đồ xa xỉ, những chi tiêu không cần thiết và để nỗi lo âu về của cải hưởng thụ chi phối tôi không ?
- Tôi có làm hết sức mình để sống những giây phút nghỉ ngơi trước nhan Chúa, nhớ rằng tôi là linh mục, luôn luôn và khắp nơi là linh mục, cả trong những giây phút này không ?
10. “Vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25).
- Tôi có mắc những tội kiêu ngạo: những khó khăn nội tâm, tính quá nhạy cảm dễ tự ái, dễ bị kích động nóng giận, khó tha thứ, dễ bị chán nản,v.v… không ?
- Tôi có cầu xin Chúa nhân đức khiêm nhường không ?
11. “Tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34).
- Tôi có xác tín rằng khi hành động nhân danh Chúa Kitô là tôi trực tiếp hòa nhập vào Giáo Hội, thân thể Chúa Kitô không ?
- Tôi có thể thành thật nói được rằng tôi yêu mến Giáo Hội, và tôi vui vẻ phụng sự cho sự phát triển của Giáo Hội, các quyền lợi của Giáo Hội, của mỗi thành viên và của cả nhân loại không ?
12. “Anh là Phêrô” (Mt 16,18).
- Thánh Ignace Antioche đã nói “linh mục không làm gì mà không có Giám mục”: Những lời này có nằm ở nền móng sứ vụ linh mục của tôi không ?
- Tôi có ngoan ngoãn đón nhận những lệnh truyền, những lời khuyên hay sự sửa dạy của Đấng Bản Quyền tôi không?
- Tôi có đặc biệt cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, trong sự hiệp thông trọn vẹn với giáo huấn và ý chỉ của Ngài không ?
13. “Hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).
- Tôi có mau mắn cư xử bác ái với anh em linh mục của tôi không ? Hay trái lại, tôi chẳng quan tâm đến họ vì tính ích kỷ, lãnh đạm và vô tâm?
- Tôi có chỉ trích các anh em linh mục của tôi không ?
- Tôi có đến thăm và gần gũi các anh em đang đau khổ về thể lý hay luân lý không ?
- Tôi có sống tình huynh đệ để không ai phải cô đơn không ?
- Tôi có cư xử với tất cả các anh em linh mục cũng như giáo dân với cùng lòng bác ái và nhẫn nại như Chúa Kitô không ?
14. “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
- Tôi có biết cách sâu xa giáo huấn của Giáo Hội, hấp thụ và trung thành truyền đạt lại các giáo huấn đó không ?
- Tôi có ý thức rằng dạy những điều trái ngược với huấn quyền của Giáo Hội, được công bố long trọng hay thông thường, là phạm phải một lạm dụng nghiêm trọng gây thiệt hại cho các linh hồn không ?
15. “Hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).
- Việc rao giảng Lời Chúa đưa tín hữu đến lãnh nhận các bí tích. Tôi có năng xưng tội đều đặn đúng với bậc sống và những sự thánh mà tôi hành xử không?
- Tôi có quảng đại ban Bí tích Hòa giải, sẵn lòng dành một thời gian đặc biệt linh hướng cho các tín hữu không?
- Tôi có chuẩn bị cẩn thận bài giảng và giáo lý, giảng với lòng nhiệt thành và tình yêu Chúa không?
16. “Người gọi những kẻ Người muốn và họ đến với Người” (Mc 3,13).
- Tôi có chú ý phát hiện và tài bồi các mầm non ơn gọi giáo sĩ và tu sĩ không?
- Tôi có lo lắng truyền bá giữa mọi tín hữu một ý thức lớn hơn về ơn gọi nên thánh phổ quát không?
- Tôi có xin tín hữu cầu nguyện cho các ơn gọi và sự thánh hóa hàng giáo sĩ không?
17. “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mt 20,28).
- Trong cuộc sống hằng ngày, tôi có cố gắng tự hiến bằng cách phục vụ tha nhân theo tinh thần Phúc Âm không?
- Tôi có biểu lộ tình yêu của Chúa qua cả các công việc không?
- Tôi có thấy được sự hiện diện của Chúa Kitô và sự chiến thắng của tình yêu trong đau khổ thập giá không?
- Ngày sống của tôi có được đặc trưng bởi tinh thần phục vụ không?
- Tôi có coi việc thực thi quyền bính gắn liền với nhiệm vụ của tôi cũng là một hình thức phục vụ thiết yếu không?
18. “Tôi khát” (Ga 19,28).
- Tôi có cầu nguyện và quảng đại hy sinh thực sự cho các linh hồn Chúa đã ủy thác cho tôi không ?
- Tôi có chu toàn các bổn phận mục tử của tôi không ?
- Tôi có ân cần lo lắng cho linh hồn các tín hữu đã qua đời không ?
19. “Đây là con Bà, đây là Mẹ của con” (Ga 19,26-27).
- Tôi có chạy đến với Đức Trinh Nữ rất thánh, Mẹ của các linh mục, lòng tràn đầy hy vọng, để yêu mến và làm cho Chúa Giêsu, Con Mẹ được yêu mến hơn không ?
- Tôi có vun trồng lòng sùng kính Mẹ Maria, và dành thời gian lần Chuỗi Mân Côi hằng ngày không ?
- Trong cuộc chiến đấu chống lại ma quỷ, ham muốn xác thịt và thế gian, tôi có chạy đến xin Mẹ cầu bàu không ?
20. “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
- Tôi có mau mắn giúp đỡ và ban các bí tích cho những người hấp hối không ?
- Trong nguyện gẫm cá nhân, hay khi dạy giáo lý và rao giảng thường ngày, tôi có quan tâm đến tín lý của Giáo Hội về tứ chung không ?
- Tôi có cầu xin ơn bền đỗ và kêu gọi tín hữu cũng làm như vậy không ?
- Tôi có năng sốt sắng cầu bàu cho các linh hồn đã qua đời không ?
[1] Mt 11,19.
[2] Lc 23,43.
[3] 2 Cr 5,19.
[4] Ga 11,52.
[5] Dt 4,15.
[6] Rm 7,24.
[7] Gc 5, 19-20: Thưa anh em, nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.
[8] Trích bài giáo huấn của thánh Syrilo, GM Gierusalem, bài đọc 2 Kinh Sách thứ Bảy tuần XIII TN.
[9] Buổi triều yết ngày 20/11/2013 –http://vietcatholic.org/News/Html/119161.htm
[10] Gc 5, 16.19-20.
[11] JP II, Reconciliatio et Paenitentia, số 31.
[13] x. 1 Cr 6,11.
[14] Xem bài giảng lễ ngày 17/5/2013 tại Nhà trọ thánh Matta.
[15] Vatican City, Mar 11, 2010 CNA/EWTN News.
[16] Trong cuộc tiếp kiến ngày 11/3/2010.
[17] Trích bài giảng của D0TC Phanxicô ngày 17/9/2013 – http://www.vietcatholic.net/News/Html/116026.htm
[18] http://www.hdgmvietnam.org/co-the-lanh-nhan-bi-tich-hoa-giai-qua-dien-thoai-khong/ 2613.57.7.aspx
[19] Trích lời ĐTC Biển Đức XVI trong Vatican ity, 14 /4/ 2010 (VIS).
[20] 2 Cr 1,3-4.
[21] Buổi triều yết ngày 20/11/2013 –http://vietcatholic.org/News/Html/119161.htm
[22] ĐTC Biển Đức XVI nói với các tham dự viên khóa học về bí tích giải tội do Tòa Ân Giải Tối Cao tổ chức từ 21/3-11/4/2011 tại Rôma.
[23] x. 2 Cr 5,16.
[24] Trích bài giảng bế mạc Năm Đức Tin ngày 24/11/2013 tại quảng trường thánh Phêrô.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BÀI HÁT: CÚI LẠY CHÚA TÔI
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT
- NGHỀ NÀO HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI?
- TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI QUAY TRỞ LẠI VỚI LỊCH SỬ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC ?
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG BẮT ĐẦU GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG
- TẠI SAO CHA MATTHIEU JASSERON, NGÔI SAO TIKTOK, THÔNG BÁO “RÚT” KHỎI CHỨC LINH MỤC ?
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: NHIỀU ĐÓNG GÓP VỀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC NHAU CỦA GIÁO HỘI
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CÁC TÂN HỒNG Y
- BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ CÁC NHÂN VIÊN MỤC VỤ