TĨNH TÂM LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN VINH: BÀI 5: NHỮNG THÁCH ĐỐ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA VỀ ĐỨC TIN HÔM NAY
Dưới đây là bài giảng tĩnh tâm năm của cha Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss, cho linh mục đoàn giáo phận Vinh, diễn ra từ 30/12/2013 đến 4/1/2014.
BÀI 5
Những thách đố và trách nhiệm của chúng ta về đức tin hôm nay
Năm Đức Tin vừa khép lại, nhưng việc sống và truyền bá đức tin vẫn luôn mở rộng và khẩn trương, vì “ánh sáng đức tin không chỉ soi chiếu đời sống nội bộ của Hội Thánh hoặc chỉ để xây dựng thành đô vĩnh cửu trong thế giới mai sau, mà còn giúp chúng ta xây dựng xã hội hiện nay nhằm hướng tới một tương lai hi vọng”[1]. Đường hướng mục vụ của Giáo Hội Việt Nam là Tân Phúc Âm hóa để truyền đạt Đức Tin Kitô giáo. Trong bối cảnh đó, chúng ta cùng suy gẫm về những thách đố và trách nhiệm của chúng ta về Đức Tin hôm nay.
ĐHY Ivan Dias, đặc sứ của ĐTC nhắc nhở tại Lavang: “Chúng ta phải tự vấn lương tâm – trong tư cách cộng đồng Giáo Hội cũng như trong tư cách cá nhân – chúng ta có thể sống đức tin thế nào cho tốt hơn và có thể thực hành khá hơn sứ mệnh chúng ta đã nhận lãnh từ Chúa chúng ta[2]. Huấn lệnh này ngày nay rất khẩn trương và nghiêm khắc hạch hỏi lương tâm chúng ta, khi chúng ta nghĩ đến 94% người Việt Nam chưa biết Chúa Giêsu.”[3]
1. Cám dỗ của giáo thuyết trừu tượng
Đối mặt với cơn cám dỗ giản lược Đức Tin vào những ý niệm trừu tượng, chúng ta phải tỉnh thức trong giáo huấn, trong thực hành mục vụ, và trong sự đối đầu với những sự dữ xã hội cần phải uốn nắn. Thập giá Chúa Kitô dạy chúng ta rằng đức tin không thể bị giản lược vào bất cứ hệ thống triết lý hay chính trị, bất cứ ý thức hệ, hay bất cứ “tinh thần thời đại” nào. Chúng ta được mời gọi làm chứng tá không phải cho một cái gì trừu tượng, nhưng cho một Con Người cụ thể, là Đức Giêsu – Con Thiên Chúa làm người. Do đó, chúng ta phải cảnh giác chống lại một liên minh rộng lớn những thứ thay thế Chúa Giêsu và các công việc cứu độ của Ngài. Chúng ta phải có nhiệt huyết của Phêrô, người đã lướt thắng nỗi sợ hãi của mình nhờ Chúa Thánh Thần, để có thể đứng vững trước các thủ lãnh Dothái mà nói “Không có ơn cứu độ nơi một ai khác, vì không có danh nào khác dưới gầm trời được ban cho loài người, mà nhờ danh đó chúng ta được cứu độ”[4].
Huấn quyền đã mạnh mẽ nói đến những mối nguy hiểm giảm trừ Chúa Kitô và giáo huấn của Ngài ở cấp độ trừu tượng và chỉ dừng lại ở thế giới này thôi. Đồng thời Huấn quyền cũng đã khuyến cáo lối đọc chọn lọc giảm trừ giáo huấn của Giáo Hội nhằm biện minh cho những đối nghịch với sự canh tân đổi mới của Công Đồng Vaticanô II. Giáo Hội đã thực hiện một sự cảnh tỉnh lớn lao bằng cách chỉ rõ mối nguy hiểm của một Phúc Âm không có Chúa Kitô.
Trong tinh thần ấy, chúng ta hãy nhìn sâu hơn vào chính tâm hồn chúng ta, xem xét chính đời sống đức tin cá nhân của chúng ta, giáo huấn và sứ vụ của chúng ta. Mỗi ngày chúng ta tự hỏi xem Chúa Kitô chết và sống lại có là trọng tâm của tất cả những gì chúng ta nói và làm không? Lắm khi vô tình, chúng ta có thể che khuất phần nào Chúa Kitô và việc cứu độ của Ngài. Chẳng hạn các bài giảng của chúng ta có thể hùng hồn, đầy những tư tưởng đẹp đẽ và những khuyên răn phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, nhưng lại thiếu chứng tá của con tim được biến đổi mỗi ngày của chúng ta nhờ giao tiếp với Chúa Kitô. Quả thế, chúng ta có thể hiểu tường tận và lặp đi lặp lại giáo huấn của Giáo Hội, nhưng lại thiếu gắn bó mật thiết với Giáo Hội. Chúng ta luôn nói về một cái gì, nhưng lại ít nói về Đấng ở trong nội tâm sâu thẳm của chúng ta và làm nên bản chất đích thực sứ vụ của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô.
Hãy can đảm xin Mẹ Maria cứu chúng ta khỏi rơi vào nguy hiểm giản lược đức tin vào những giáo thuyết trừu tượng. Khi chăm nhìn Con đang chết, Mẹ hiểu rằng chính Ngài là Đấng Cứu Độ, chứ không phải ai khác. Mẹ có được điều này từ mối liên hệ yêu thương mãnh liệt của Mẹ đối với Chúa Giêsu. Mẹ đã nắm bắt sự thật về quyền năng của Con Mẹ đang hấp hối chết, chỉ vì đức tin dũng mạnh đã biến đổi tình yêu từ mẫu của Mẹ thành sự kết hiệp trọn vẹn với cái chết cứu độ của Con Mẹ. Và Mẹ làm phát sinh trong chúng ta một hiểu biết và kết hiệp cá nhân sâu xa với Con Mẹ. Mẹ hiện diện với chúng ta khi chúng ta cầu nguyện, giúp đỡ chúng ta nhận biết và đụng chạm đến Con Mẹ. Mẹ đứng với chúng ta khi chúng ta rao giảng về Con Mẹ, giúp chúng ta công bố mầu nhiệm tình yêu cứu độ của Ngài cho những người chúng ta phục vụ. Mẹ ở với chúng ta khi chúng ta truyền đạt một giáo huấn của Giáo Hội, bắt nguồn từ sự khôn ngoan của Chúa, được mạc khải nơi Thập giá và sự Phục sinh của Chúa Kitô. Mẹ khích lệ chúng ta mở rộng lòng cho Chúa Thánh Thần, Đấng cho chúng ta có khả năng nói cách xác tín về Chúa Giêsu và công việc cứu độ của Ngài, đến độ có thể nói như Đức Phaolô VI: “Tôi không bao giờ có thể thôi nói về Chúa Kitô: Ngài là sự thật và là sự sống của chúng ta… Ngài là bánh, là nguồn nước hằng sống của chúng ta, Ngài làm dịu cơn đói và thỏa mãn cơn khát của chúng ta. Ngài là Chủ Chiên, là Lãnh Đạo, là Lý Tưởng, là Đấng Trợ Lực, là Anh của chúng ta”[5].
Nhờ đó, chúng ta không bao giờ do dự nói về Chúa Giêsu và các việc cứu thế của Ngài, cũng như về những gì Chúa đòi hỏi các người đi theo Ngài. Quả thế, cái chết của Chúa Kitô trên thập giá khiến chúng ta có thể từ bỏ tội lỗi, chết cho tội và chỗi dậy với Ngài. Việc hoán cải đời sống là một phần căn bản của việc nhận biết Chúa Kitô. Là linh mục, chúng ta phải hoán cải trước ai hết. Các Giáo phụ nêu rõ cho các tân tòng hiểu rằng điều kiện trước tiên để đi vào Cộng đoàn Tín Hữu chính là sự biến đổi đời sống này, qua đó các công việc của bóng tối bị loại bỏ. Các ngài không chỉ đơn giản trao ban cho các thành phần tương lai của Giáo Hội những luật lệ mới để sống, nhưng đúng hơn một lối sống mới khiến Lời Chúa có thể thấm nhập trí óc và con tim của họ. Sự hoán cải này không chỉ đơn giản là sự chấp nhận những ý tưởng và quan điểm mới, song đúng hơn là những đòi hỏi Tin Mừng đã thực sự ảnh hưởng đến cách sống cuộc đời mình.
Chúng ta phải can đảm rao giảng một Phúc Âm nguyên vẹn, không thỏa hiệp, không bớt xén, vì cái chết của Chúa Kitô có giá trị là một cái chết thực sự cho tội. Có thể chúng ta giảng hết bài này đến bài khác, nhưng chẳng bao giờ thúc đẩy lương tâm giáo dân mình hoán cải, vì chưa có cái chết thực sự cho tội nơi chúng ta. Lắm khi các đòi hỏi luân lý không được nhắc đến, bị bỏ lơ trong thinh lặng. Thật đáng tiếc là sự thinh lặng được coi như đồng lõa với nền văn hóa sự chết của thế gian. Chúng ta cần kiểm điểm xem mình sẽ phải trả lời cho Chúa và quyền năng cứu độ của Ngài thế nào, nhất là trong việc cổ võ và xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống. Dĩ nhiên các đòi hỏi luân lý của đời sống công giáo không đứng riêng một mình. Chúng không phải là phần phụ thêm vào bản chất đức tin, nhưng phải là hình thức cụ thể của đức tin chúng ta. Những đòi hỏi này phát xuất từ đức tin và việc thờ phượng. Các chân lý và thực tại mà chúng ta nắm giữ bằng đức tin và cử hành bằng phượng tự phải được biểu lộ trong các biến cố lớn nhỏ của cuộc sống thường ngày: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”[6]. Nếu không có sự hoán cải luân lý đích thực, đức tin chỉ là những tư tưởng đẹp đẽ và trừu tượng mà thôi.
Đức tin vào Đấng Chịu Đóng Đinh mạnh mẽ đòi hỏi chúng ta phải trình bày thật đầy đủ giáo huấn của Giáo Hội, phải can đảm nói “Không” với thế gian, mà không sợ bị chê là “quá tiêu cực” hay “lạc hậu”. Những đòi hỏi luân lý không chỉ đơn giản là những kết luận của một hệ thống đạo đức, song là câu trả lời cần thiết của chúng ta với Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh. Chính Chúa Giêsu mà chúng ta phải rao giảng ngày này qua ngày khác, và ao ước thấy Danh Ngài vang dội qua mọi thời đại, đến tận cùng trái đất. Xin Mẹ Maria trở nên gương mẫu đức tin cho chúng ta. Xin cho chúng ta cũng được Chúa Thánh Thần phủ bóng như Mẹ, nhờ đó Chúa Kitô và Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh thực sự sống trong chúng ta[7].
2. Những thách đố về đức tin trong thế giới hôm nay
Chúng ta sống và đụng chạm sự vô tín hôm nay của thế giới, một thế giới thường thích tối tăm và xa tránh ánh sáng chân lý. Một số người vẫn chế nhạo đức tin của Giáo Hội, đức tin tuôn ra từ thập giá Chúa Kitô. Một số nữa tìm cách loại bỏ sự điên rồ của thập giá khỏi lời rao giảng của Giáo Hội. Số khác chỉ dán chặt mắt vào những mối bận tâm tức thời trần thế. Những người khác vẫn sống trong tối tăm, vì không có ai rao giảng Phúc Âm cho họ, như thánh Phaolô nói “tin là nhờ nghe, mà nghe thì phải có ai rao giảng cho.”
Thảm kịch đồi Golgotha xưa ngày nay vẫn tiếp diễn. Nhưng Giáo Hội vẫn đứng kề thập giá Chúa Kitô cùng với Mẹ Maria. Mỗi ngày Giáo Hội liên kết chính mình với Hy Tế Chúa Kitô và đổi mới chính mình trong tình yêu cứu độ của Ngài. Đức tin sống động của Giáo Hội vào Chúa Kitô và các việc cứu độ của Ngài phải chọc thủng tối tăm của vô tín trong thế giới hôm nay. Giáo Hội đứng kề thập giá Chúa Kitô như ánh sáng trong tối tăm. Nhờ ân sủng, Giáo Hội nỗ lực đẩy lùi ranh giới của tội lỗi và vô tín, đồng thời làm cho con người hôm nay sống như con cái ánh sáng, được cứu chuộc nhờ máu của Chúa Kitô.
Chúng ta cũng đang sống và rao giảng Tin Mừng trong thời đại của chủ nghĩa hoài nghi. Dân chúng muốn tin vào một cái gì hay một người nào đó, nhưng họ được dạy từ chối hay bỏ lửng niềm tin. Trong việc huấn luyện tri thức, người ta dạy thực hành phương pháp hoài nghi, nhấn mạnh rằng mọi thứ phải được chứng minh theo kiểu khoa học. Chân lý của cái không thể đo lường, quan sát hay kiểm chứng được bị đặt dưới một hệ thống hoài nghi. Chúng ta tán dương những kỹ năng tri thức cần thiết cho nghệ thuật, khoa học, xã hội, văn hóa và cả kinh tế chính trị, nhưng chúng ta phải loại trừ đòi hỏi của chủ nghĩa hoài nghi muốn nó là lời nói cuối cùng. Chúng ta phải phản đối khi nó xâm phạm niềm tin của Giáo Hội và tự phụ đi tìm câu trả lời mà chẳng bao giờ nó tìm thấy. Chúng ta phải phản đối chủ nghĩa hoài nghi vì nó làm tha hóa và đẩy xa dân chúng hôm nay khỏi ân sủng sự sống, sự thật và ơn cứu độ.
Chúng ta cũng đang sống trong một thời đại mà kỹ thuật đang làm bừng sáng viễn ảnh tương lai của con người: Phương tiện vận chuyển đưa chúng ta từ nơi này đến nơi khác cách nhanh chóng; các sản phẩm y khoa mang lại nhiều kết quả diệu kỳ cho sức khỏe; kỹ thuật cống hiến nhiều tiện nghi cho cuộc sống, nhất là các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Nhưng nhiều người đặt lòng tin cậy không đúng chỗ vào kỹ thuật. Lắm khi người ta theo đuổi kỹ thuật mà không hề quan tâm đến sự sống và phẩm giá con người. Họ coi trọng cái hữu dụng hơn cái tốt và cái đúng. Chúng ta phải coi chừng mối nguy hiểm của kỹ thuật, khi nó trở nên rào cản đức tin và đóng lòng lại với Thiên Chúa Tạo Hóa, Đấng gìn giữ và cứu chuộc thế giới.
Là linh mục và chủ chăn, chúng ta phải quan tâm đặc biệt đến tình trạng làm tha hoá giới trẻ. Họ lớn lên trong một thế giới hoài nghi và thù nghịch tôn giáo, có ít cơ hội trau dồi và tuyên xưng đức tin. Vì thiếu niềm tin, lắm khi họ cảm thấy vô dụng. Cuộc đời họ xem ra ảm đạm và vô nghĩa. Họ là nạn nhân của một xã hội chẳng cho họ cái gì đáng tin tưởng. Họ chẳng thực sự tin tưởng vào một ai, và cũng chẳng tin tưởng vào chính họ. Họ mất phương hướng tương lai, và vì thế lao mình vào hưởng thụ, nghiện ngập và trụy lạc giới tính. Chúng ta phải đồng hành với giới trẻ, hiện diện với gia đình của họ, lắm khi bị đổ vở vì ích kỷ và ly dị. Chúng ta phải chỉ cho họ thấy họ được yêu thương, quan trọng và hữu ích. Giới trẻ phải được đích thân mời gọi đứng với Giáo Hội bên cạnh Mẹ Maria gần thập giá và xác tín rằng Chúa Giêsu yêu thương họ, tin tưởng họ và đã hiến mạng sống cho họ. Ngày Đại Hội Thế Giới Giới Trẻ với ĐTC là một đáp ứng tuyệt vời. Thật đáng cảm phục và tán dương Ngày Giới Trẻ được tổ chức luôn phiên hàng năm của 10 giáo phận Giáo Tỉnh Miền Bắc chúng ta.
3. Trách nhiệm của chúng ta
Lẽ nào chúng ta không nghe Chúa Kitô hỏi “Liệu khi Con Người đến có còn tìm thấy niềm tin trên mặt đất nữa chăng?”[8]. Ngài sẽ tìm thấy bóng tối của vô tín hay một cộng đồng đức tin “tỉnh thức cầu nguyện và chúc tụng, lòng đầy hân hoan”? Vấn nạn này phải hằng ngày choán lấy tâm trí chúng ta và nằm ở đàng sau mọi việc chúng ta nói hay làm. Vâng, mọi người phải có thể nhìn vào cuộc sống của chúng ta và tìm được ở đó niềm tin sâu xa nhất. Chúng ta mắc nợ đức tin ấy với Chúa Cứu Thế, với Giáo Hội và với đoàn chiên. Chúng ta đã được căn dặn trong ngày thụ phong linh mục: “Hãy tin điều con đọc, giảng điều con tin và đem ra thực hành điều con giảng”.
Chúng ta phải trông nom đức tin của những ai cùng chúng ta phục vụ, đặc biệt của các chủng sinh, nam nữ tu sĩ, giáo lý viên, Hội đồng mục vụ và các đoàn thể công giáo tiến hành. Chúng ta phải giúp họ có một đức tin sống động, phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội. Chúng ta phải khích lệ họ “nếm thử và nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao”[9]. Họ không thể chu toàn tốt ơn gọi của họ, nếu đức tin của họ không mạnh mẽ can trường. Chúng ta có trách nhiệm chăm sóc mục vụ bất cứ ai ở trong nhiệm sở của chúng ta, họ có quyền được nghe sự thật và bước đi trong ánh sáng đức tin. Nhiệm vụ chúng ta là phải qui tụ họ lại với Giáo Hội cùng Mẹ Maria dưới chân thập giá. Chỉ ở đó và nhờ đức tin, mọi người mới khám phá được sức mạnh để sống và chết cho Chúa.
Chúng ta cũng phải mở rộng sứ vụ tiên tri của chúng ta cho mọi người: vừa sống và loan báo niềm tin vào tình yêu nồng cháy của Chúa Giêsu, vừa tố cáo thói giả hình, bất công, áp bức, dù có khi phải trả giá đắt của thập giá và cái chết. Tuy sứ vụ tiên tri là một nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm, linh mục chúng ta phải đóng vai trò chỉnh sửa những lối sống nghịch lại đức tin, ở trong Giáo Hội cũng như ở ngoài Xã Hội. Dĩ nhiên chỉ khi nào đức tin của chúng ta vào Chúa và sự sống đời đời đủ mạnh để giúp chúng ta sống được cái đức dũng này: “Phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang không ham, nghèo hèn không thay đổi lòng, bạo lực không khuất phục được), vì đã có Chúa làm gia nghiệp.
Muốn được thế, chúng ta phải để Kế hoạch của Chúa là tiên quyết trong cuộc đời mình; phải lắng nghe và để Lời Chúa biến đổi mãnh liệt như Mẹ Maria. Mẹ qủa đã hoàn toàn sẵn sàng đón nhận các kế hoạch của Chúa. Hai đặc điểm của cuộc đời Mẹ làm nổi bật sự sẵn sàng của Mẹ đối với Chúa: Trước hết là sự khó nghèo giản dị của Mẹ. Mẹ chẳng có gì, ngoại trừ Chúa Giêsu. Và Mẹ đã trao ban Ngài cho chúng ta. Đặc điểm thứ hai của cuộc đời Mẹ Maria đã làm cho Mẹ trở nên sẵn sàng hơn cho Chúa, chính là đức đồng trinh của Mẹ. Đức đồng trinh của Mẹ biểu lộ mạnh mẽ sự tận hiến của Mẹ cho Chúa. Sự sẵn sàng của Mẹ cho Chúa và các kế hoạch của Chúa được biểu lộ rõ nét nhất dưới chân Thập giá. Mẹ đứng đó, hiện diện với Con Mẹ khi Ngài chu toàn chương trình của Chúa Cha. Mẹ có mặt, bất chấp khổ đau và nhạo cười từ mọi phía chung quanh Mẹ. Sự hiện diện của Mẹ bên cạnh Đấng Chịu Đóng Đinh hoàn tất sự tận hiến của Mẹ.
Đức tin của Mẹ phải là khuôn mẫu cho đức tin của chúng ta. Chúng ta không có được tính cảm thụ trọn vẹn đối với Lời Chúa như Mẹ, nhưng là những người đã lãnh nhận chức thánh, chúng ta phải tín cẩn lắng nghe Lời Chúa, vì lợi ích của đoàn chiên và vì ơn cứu độ của chúng ta. Là linh mục triều, chúng ta năng dễ bị cám dỗ bớt xén thời giờ cầu nguyện lặng lẽ trong phòng riêng hay trước Chúa Giêsu Thánh Thể, với lý do quá bận công việc mục vụ. Nhưng chúng ta chỉ thực sự tìm được sức mạnh trong cầu nguyện để phục vụ tốt đoàn chiên. Quả thế, muốn nói với người khác về Chúa, trước hết chúng ta phải nói với Chúa trong cầu nguyện. Chúa Giêsu trong Nhà Tạm vẫn mời gọi và hằng chờ đợi chúng ta[10]. Đáng buồn thay nếu chúng ta không làm được cho việc cử hành Thánh Lễ thành trung tâm và chóp đỉnh đời sống tông đồ của mình. Qua cầu nguyện và nhận lãnh các Bí tích, chúng ta nỗ lực đào sâu tính cảm thụ của mình đối với Lời Chúa; đồng thời hướng đời sống chúng ta khỏi quá dính bén của cải, lạc thú và vinh dự thế gian, không để bị giàu sang và ân huệ của xã hội bắt lấy, để rồi một ngày nào đó sẽ phải trở về tay không, như Mẹ Maria đã mô tả trong kinh Magnificat[11]. Đó là một thách đố lớn cho chúng ta trong thời đại này. Chúng ta dễ phàn nàn về sự “đối kháng gia tăng” của giáo dân. Nhưng chúng ta cũng phải xem xét đức tuân phục của chính mình đối với Lãnh đạo Giáo Hội và giáo huấn của Giáo Hội. Có lẽ đến lúc chúng ta cũng phải qùy gối xuống trong sự chấp nhận trọn vẹn những gì Giáo Hội dạy, và tự nhắc nhở: “Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi”[12]. Đức tin của chúng ta chỉ có thể được nên hoàn hảo trong cầu nguyện, trong hiệp thông với Chúa Giêsu và với Giáo Hội.
Sự cách biệt giàu nghèo mỗi ngày mỗi lớn. Nhiều người nghèo phải ở trong những khu ổ chuột, chẳng có gì ăn, áo quần thì xoàng xỉnh rách nát làm đau lòng chúng ta. Nhưng không chỉ có nghèo nàn thể xác. Còn tệ hơn sự nghèo khó của thân xác, là sự nghèo khó của tinh thần, là bị bần cùng hóa về mặt thiêng liêng. Người thiếu bánh ăn làm chúng ta suy nghĩ, nhưng còn đáng suy nghĩ hơn về người thiếu Bánh Sự Sống. Không áo che thân là tàn phá nhân phẩm, sự tàn phá còn đau đớn hơn nữa khi sống và chết mà không được biết Chúa Kitô và đi theo Ngài. Bao nhiêu người trong xã hội chúng ta không biết đến Chúa Kitô, mà cũng chẳng biết đến Giáo Hội của Ngài. Họ thức tỉnh lương tâm chúng ta là những người có trách nhiệm xây dựng Thân Thể Chúa Kitô bằng một tiếng kêu đáng sợ.
Sứ vụ phục vụ người bị bần cùng hóa thiêng liêng này của chúng ta được mô tả là “công trình thiêng liêng của lòng nhân hậu thương xót”: hoán cải tội nhân, dạy dỗ người dốt nát, cố vấn cho người hoài nghi, nâng đỡ người buồn sầu, nhẫn nại chịu đựng kẻ lầm lạc, tha thứ những lăng mạ, cầu nguyện cho người sống kẻ chết. Chúng ta học được lòng nhân hậu này từ thập giá Chúa Giêsu cùng với Mẹ Maria. Một khi đã tiến sâu vào lịch sử cứu độ, Mẹ thấm nhuần và làm vang vọng những giáo lý quan trọng về Đức Tin. Mẹ thúc đẩy tín hữu đến với Con Mẹ, với Hy Tế của Ngài và với tình yêu của Chúa Cha. Chúng ta cố gắng mỗi ngày bắt chước Mẹ và tiếp tục tiến bộ trong đức tin, trong niềm hy vọng và đức ái, tìm kiếm và thực thi Ý Chúa trong mọi sự. Vì thế, việc tông đồ của chúng ta là trao ban Chúa Kitô, làm cho Ngài được sinh ra và lớn lên trong tâm hồn tín hữu. Mẹ Maria là mẫu gương của tình mẫu tử ban sức sống cho những ai liên kết với sứ vụ tông đồ của Giáo Hội cho mọi thế hệ nhân loại[13].
4. Các đối tượng đặc biệt của trách nhiệm chúng ta
Là linh mục, chúng ta có trách nhiệm đặc biệt đối với những đối tượng này:
Trước hết là giới trẻ hôm nay: Làm sao tiếp cận được cách tốt nhất với giới trẻ của chúng ta. Họ tuôn ra các thành phố và đô thị để học hành và làm việc kiếm sống trong đủ mọi ngành nghề. Họ mang theo nhiều tài năng và nghị lực, với rất nhiều thiện chí. Nhưng rất nhiều người trong họ không được đào luyện và nuôi dưỡng về đức tin, rất nhiều người trong họ không phát triển được một đời sống cầu nguyện, và họ thực sự nghèo nàn về mặt thiêng liêng. Họ trải nghiệm một nội tâm trống rỗng, bất chấp ảnh hưởng lớn họ thực thi và những lợi lộc vật chất họ thụ hưởng! Đời sống luân lý lại quá dư thừa sai phạm, với những tệ nạn xã hội thời đại.
Chăm sóc giới trẻ và tất cả những ai có nhu cầu thiêng liêng là trách nhiệm lớn lao của chúng ta. Giáo dân giáo phận Vinh chúng ta đa số sống về nông ngư nghiệp. Giới trẻ dần dần bỏ nông thôn di dân ra thành phố làm ăn. Nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là làm sao giữ liên lạc và đồng hành thiêng liêng được với họ. Những nỗ lực liên kết với giáo dân Vinh di dân làm việc, học hành khắp nơi là những nỗ lực dưỡng giáo và truyền giáo đúng hướng rất đáng trên trọng. ĐTC khích lệ các vị tưyên uý nhiệt thành đáp ứng các nhu cầu của họ và phát triển cuộc sống thiêng liêng cho họ. Di cư bởi bất cứ lý do gì cũng bao gồm các lo âu, vấn đề và nguy hiểm, vì họ bị bẻ gẫy với các nguồn gốc lịch sử văn hóa và cả gia đình nữa. Do đó, phải giúp họ duy trì đức tin và là chứng nhân trong các xã hội họ sinh sống[14].
Nhiệm vụ thứ hai quan trọng hơn và xem ra vượt quá tầm tay của chúng ta là làm sao gợi hứng và thúc đẩy phát triển nhiều ngành công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho dân hầu thăng tiến cuộc sống giáo dân, về mặt nhân bản cũng như thiêng liêng, mở ra với sứ mệnh truyền giáo. ĐTC Phanxicô cho rằng những cột trụ của giáo dục là “chuyển giao kiến thức, chuyển giao phương pháp và chuyển giao các giá trị. Qua các phương thế này, đức Tin được thông truyền. Nhà giáo dục phải có đủ khả năng giảng dạy và phải xem xét kỹ lưỡng làm thế nào loan báo về Chúa Giêsu Kitô cho một thế hệ đang chuyển biến”[15].
Tiếp đến là những Nicôđêmô thời đại: Trong Phúc Âm, chúng ta gặp những người tranh luận với Chúa Giêsu về mầu nhiệm Nước Trời. Ngày nay chúng ta cũng gặp những người như thế ở bất cứ đâu mà sứ vụ đưa chúng ta đến. Họ là những người thuộc Tôn giáo bạn, những người thờ kính ông bà tổ tiên, những người không theo tôn giáo nào, cả những người vô thần, lý thuyết hay thực hành. Chúng ta gặp những Nicôđêmô thời đại đó đến với chúng ta, có khi trong âm thầm, gần như bí mật, để đặt câu hỏi, để nói lên những mối nghi ngờ, để tìm cách tiếp cận Giáo Hội, và tìm kiếm Chúa. Chúng ta không thể lờ đi mà không nói với họ về Chúa Kitô. Dù đón tiếp họ với nhẫn nại và yêu thương, chúng ta phải nói cho họ hay rằng cuối cùng chỉ có thể đạt tới Chúa bằng một bước nhảy vọt của đức tin tín thác. Chúng ta cầu nguyện và nỗ lực làm cho các cuộc gặp gỡ ấy sinh hoa kết quả, những Nicôđêmô thời đại ấy sẽ sẵn sàng đến gần Chúa, Đấng đã thí mạng vì tất cả mọi người và họ sẽ trở lại với Chúa. Đừng sợ những kẻ bạo lực bách hại, những người chống đối Chúa và tìm mọi cách làm cho người khác chối bỏ Chúa hay không được tự do tôn thờ Chúa: một Saolô bách hại Đạo sẽ trở nên người truyền Đạo và chết vì cái Đạo mà mình muốn tiêu diệt; rất lắm người chỉ vô thần trên lý thuyết và trong tập thể vì sự nghiệp hay miếng cơm manh áo, khi thực sự va chạm với cái chết và sự chóng qua của đời này và tiếng nói lương tâm được thức tỉnh, họ sẽ cần đến chúng ta đưa họ về với Chúa. Nhiều kẻ bách hại Đạo đã được ơn trở lại khi chứng kiến chứng tá Đức Tin của các thánh tử đạo.
Sau nữa là những người thanh niên giàu có tân thời: Cũng thế, nhiều khi chúng ta cũng gặp những chàng thanh niên giàu có tân thời. Họ có nhiều nguồn tài nguyên; lắm khi mang nhiều thiện chí đối với Giáo Hội. Có lẽ nghề nghiệp, địa vị xã hội hay quyền lực của họ không lấp đầy được lòng họ. Họ muốn có được sự sống đời đời, nhưng không dám từ bỏ mọi thứ họ đang gắn bó. Chúng ta không mang lại cho họ lợi ích gì nếu không nói với họ về kho tàng của ơn thánh Chúa, luôn sẵn sàng trao ban cho họ nơi các Bí Tích của Giáo Hội. Chúng ta không mang lại cho họ lợi ích nào, khi để họ ra đi mà không được biến đổi gì cả.
Sau cùng là những con chiên lạc: Chúng ta cũng gặp những người tội lỗi, nhưng đôi khi chúng ta ngần ngại chỉnh sửa và khiển trách, vì chúng ta ý thức về tội lỗi của chính mình. Chúng ta chưa phục vụ các tội nhân đúng mức, khi vì những yếu đuối và nhát đảm của mình, chúng ta thất bại trong việc khuyên ngăn họ đừng phạm tội. Nỗ lực nhằm hoán cải người có tội chỉ thực sự sinh hoa kết quả khi chúng ta hướng về thập giá và cải thiện đời sống của chính mình, nhất là đối với những con chiên lạc do trách nhiệm và tội lỗi, hay gương xấu của chúng ta mà họ lìa bỏ Giáo Hội, có khi xa cả Chúa. Chúng ta phải đền tội và ra sức đi tìm kiếm những con chiên lạc này về lại cho Chúa và Giáo Hội.
Sứ vụ hoán cải tội nhân, giáo hóa người dốt nát, khuyên bảo người hoài nghi… nhất thiết đòi hỏi chúng ta phải sống rất mật thiết với Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh. Muốn hoán cải người khác, mà chính mình không hoán cải, không phải là một con người cầu nguyện, hay không khắc ghi trong lòng các mầu nhiệm của Chúa Giêsu, thì nhất thiết chúng ta sẽ bị thất bại. Đó chỉ là “thanh la inh ỏi và não bạt rền vang mà thôi”[16]. Nếu không có tâm hồn cầu nguyện, chúng ta chẳng bao giờ hy vọng thuyết phục được những người nghe. Chúng ta phải nói về một tình yêu mà chính chúng ta đã trải nghiệm, thì chúng ta mới giúp được người khác trải nghiệm tình yêu sâu xa của Chúa Giêsu.
5. Sứ mệnh truyền giáo
Thế giới đang cần được tân Phúc Âm hoá. Công Đồng Vatican II mở rộng tầm nhìn của chúng ta ra với Nước Thiên Chúa, lớn hơn là Giáo Hội mà chúng ta thường quan niệm, và thúc đẩy chúng ta truyền giáo, đặc biệt trong Ad Gentes, đến với muôn dân. ĐTC Biển Đức XVI dùng hình ảnh ngôi nhà chung của mọi dân tộc để diễn tả Nước Thiên Chúa này trong ý hướng truyền giáo như sau: “Trong một xã hội đa sắc tộc càng ngày càng kinh nghiệm những hình thức cô độc và dửng dưng đầy quan ngại, các kitô hữu phải học biết đề nghị những dấu chỉ hy vọng và trở nên những người anh em đại đồng, bằng việc vun trồng những lý tưởng lớn lao biến đổi lịch sử, và không ảo tưởng sai lạc hay sợ hãi vô ích, dấn thân biến hành tinh này thành ngôi nhà chung của mọi dân tộc.”[17]
Hoạt động tryền giáo không chỉ là một chức năng hay phận vụ của Giáo Hội, nhưng “tự bản chất Giáo Hội là truyền giáo”[18]. ĐTC Phanxicô thúc đẩy “đi ra ngoại ô”. Sứ vụ của chúng ta trong thế giới là đi vào các đô thị và làng mạc, trang trại, vùng sâu vùng xa, miền xuôi miền ngược, nghĩa là bất cứ nơi đâu dân chúng đang sinh sống, để mang Tin Mừng cho họ. Chúng ta nghiêng mình kính phục và tri ân các nhà truyền giáo ngoại quốc đã mang Tin Mừng cho tổ tiên chúng ta trước đây. Các ngài không cùng tiếng nói, không cùng văn hóa, không cùng cách sống, lại trải qua bao nhiêu gian khó và cấm cách, thế mà các ngài đến được những nơi và cải đạo được những người mà chính chúng ta ngày nay không tới được, không tiếp cận được, dù chúng ta cùng ngôn ngữ, cùng văn hóa, cùng giống nòi, lại nhiều phương tiện hơn, và được nhiều dễ dàng hơn. Phải chăng vì chúng ta chưa có Chúa đủ trong lòng? Phải chăng vì chúng ta quá ham dưỡng giáo và chưa nhiệt thành đủ cho truyền giáo? Thánh Phaolô nói: “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”[19].
Truyền giáo không chỉ nhắm tới lương dân hầu đưa người ngoài vào trong Giáo Hội, mà còn nhằm thăng tiến người ở trong Giáo Hội, nhằm làm cho Phúc Âm thấm nhuần đời sống người tín hữu, đời sống và mọi hoạt động của Giáo Hội và xã hội: phải có đủ nội lực và sức sống mới tiếp sức cho kẻ khác được. Trong nỗ lực này, lời khuyên của thánh Phaolô cho môn đệ Timôthêô vẫn luôn còn là thời sự và nặng ý nghĩa cho chúng ta hôm nay: “Anh hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, … mà sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường.”[20] Từ đó, chúng ta có cụm từ tái Phúc Âm hóa[21] và có thể liên kết với bất cứ phạm trù nào, ví dụ tái Phúc Âm hóa Phụng vụ, tái Phúc Âm hóa nhân sự, tái Phúc Âm hóa cơ cấu, tái Phúc Âm hóa cộng đoàn, tái Phúc Âm hóa giảng thuyết v.v… Và chính việc tái Phúc Âm hóa này làm cho chúng ta có đủ nội lực và khả năng thực hiện công cuộc truyền giáo hiệu quả, như thánh Phaolô quả quyết “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” khiến “tôi có thể làm đuợc mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.”[22] Quả thế, chính khi chúng ta nỗ lực truyền giáo thì đời sống và sứ vụ của mình tìm được nguồn năng lực mới, như ĐTC Biển Đức nói trong Sứ điệp truyền giáo 2011: “việc không ngừng loan báo Tin Mừng cũng tái tạo sức sống cho Hội Thánh, sự nhiệt tình và tinh thần tông đồ của Hội Thánh; nó giúp đổi mới các phương pháp mục vụ của Hội Thánh để có thể luôn phù hợp hơn với các hoàn cảnh mới – cả những hoàn cảnh đòi hỏi một cuộc tân Phúc Âm hóa – và được sinh động hóa bằng nhiệt tình truyền giáo.”[23]
Sức mạnh để làm việc truyền giáo đến từ Chúa Giêsu và Thần Khí của Ngài, nhưng chúng ta học cách thức phục vụ từ nơi Mẹ Maria. Khi đã nhận lãnh Tin Mừng từ thiên sứ, Mẹ vội vã ra đi đến với bà Ysave. Mẹ muốn giúp đỡ người chị họ đang mang thai trong tuổi già. Nhưng việc phục vụ yêu thương chính của Mẹ là mang Tin Mừng đến cho bà chị họ. Điều Mẹ đã mang đến cho bà Ysave và Gioan Tẩy Giả, không chỉ đơn giản là thông tin về Chúa, song là chính Chúa Nhập Thể trong dạ Mẹ. Mẹ dạy chúng ta biết làm thế nào để mang tình yêu bao la của Chúa Giêsu cho những người chúng ta gặp. Mẹ là gương mẫu tuyệt vời cho hoạt động truyền giáo của chúng ta.
Nhưng Mẹ Maria đã dạy gì cho chúng ta trong sứ vụ truyền giáo? Trước hết, hoạt động truyền giáo là thực sự khẩn thiết. Như Mẹ, chúng ta phải mang đến cho dân chúng trong mọi điều kiện sống, không chỉ một sứ điệp an ủi, nhưng là chính Chúa. Chúng ta phải vội vã lên đường, ý thức sâu xa về nhu cầu của dân chúng là phải được tái sinh bởi nước và Thánh Thần. Chúng ta không thể nấn ná, chậm chạp… Chúng ta không được do dự mang Chúa Kitô vào các nền văn hóa, xã hội vì sợ làm phiền người ta. Tình yêu của Chúa Kitô không bị giới hạn trong các biên giới văn hóa, xã hội. Tình yêu của Chúa Kitô hướng tới mỗi con người và mỗi nền văn hóa, xã hội. Nhưng trong việc hội nhập văn hóa, chúng ta phải chú trọng tới tinh thần, chứ không dừng lại ở hình thức chắp vá bên ngoài. Tuy nhiên, chúng ta không được áp đặt văn hóa của chúng ta trên vùng đất chúng ta được sai đến. Ngôn ngữ và phong tục thay đổi, nhưng sứ điệp Phúc Âm luôn luôn là một. Đó là sứ điệp tình yêu khôn lường của Chúa Kitô được mạc khải và truyền thông qua thập giá. Chúa Kitô đã chết cho tất cả mọi người. Mỗi nền văn hóa và mỗi con người đều được biến đổi và thăng tiến nhờ gặp gỡ Chúa Kitô. Nhưng sự biến đổi đó phải được thực hiện thế nào để cái gì là tốt, là cao thượng, là thích hợp với nhân phẩm đều được tôn trọng và bảo tồn.
Thứ hai, chúng ta phải mang Chúa đến cho người khác với tình yêu, sự dịu dàng và khiêm tốn như Mẹ Maria. Với niềm vui, Mẹ đã mang Chúa đến cho bà Ysave và con bà; với khiêm tốn, Mẹ đã tỏ ra quan tâm đến các nhu cầu của người chị họ. Mẹ mang Chúa đến không phải để vinh danh những đặc ân của Mẹ, nhưng để tình yêu của Chúa được tỏa chiếu qua người khác. Cũng vậy, chúng ta phải mang Chúa đến cho mọi người trong khiêm tốn chứ không áp đặt. Trong khi chống lại áp bức, bất công và tìm xoa dịu đau khổ, chúng ta phải bảo đảm rằng Phúc Âm mà chúng ta mang đến không bị giới hạn nơi vài chương trình từ thiện và hoạt động xã hội. Tình yêu của Chúa không thể bị giới hạn như thế.
Thứ ba, phải quan tâm đặc biệt những người chuyên lo việc truyền giáo. Quan trọng biết bao trách nhiệm cống hiến sự nâng đỡ và khích lệ thường xuyên cho họ. Họ phải chăm chú biết bao khi mang Chúa đi cho người khác! Họ phải cẩn thận biết bao khi bảo vệ Lời Hằng Sống và bảo đảm rằng Lời được mang đi nguyên vẹn đến cho những ai khao khát Chúa. Ơn gọi đó ngày nay phải chịu nhiều thách đố và cần được chúng ta trợ lực biết bao! Chúng ta cần nghĩ đến và quan tâm hơn đến các tu sĩ nam nữ, các thành viên Hội Đồng Mục Vụ, các thiện nguyện giáo dân, các giáo lý viên, các chủng sinh, tu sinh… Quả thế, sứ vụ này rất cần đến thời giờ, nghị lực và tài nguyên. Bất cứ cái gì chúng ta làm đều phải hướng đến công cuộc truyền giáo. Mẹ Maria dạy các nhà truyền giáo trước hết phải sống mật thiết với Chúa Giêsu, đặc biệt là phải được chuẩn bị đứng với Ngài nơi thập giá. Không có Chúa Kitô và Chúa Kitô Chịu Đóng Định, chúng ta không thể làm được gì hết. Lịch sử của các thánh tử đạo chỉ rõ điều này. Chúng ta được kêu gọi mang Chúa Kitô tới bất cứ đâu mà chúng ta có thể tới: trường học, cơ quan, phòng thí nghiệm, nhà máy, chợ búa, siêu thị, đồng áng, chung cư, gia đình… để mời gọi mọi người đón nhận Chúa Giêsu.
Tự bản chất, Giáo Hội là truyền giáo. Và do đó, căn tính và bản chất của linh mục là truyền giáo. Chúng ta đang bảo tồn và phát huy bản chất của mình hay đã bị biến chất? Có một sự thiếu quân bình trong sứ vụ linh mục của chúng ta là chúng ta dồn nỗ lực và tài nguyên quá nhiều cho hoạt động dưỡng giáo (tuy cũng rất cần thiết), nhưng chưa đầu tư bao nhiêu hay chưa đầu tư đủ cho hoạt động truyền giáo. Công Đồng Vaticanô II đem lại một sự hiểu biết mới và mở ra một viễn ảnh bao quát hơn về Nước Thiên Chúa, đúng với ý định cứu độ yêu thương của Chúa Cha, Đấng “đã yêu thương thế gian đến độ trao ban Con Một của Ngài cho thế gian được sống”[24], và cũng đúng với đường lối của Chúa Giêsu: “Thầy còn nhiều chiên khác chưa thuộc về đàn này cần được qui tụ về”. Đường lối của Chúa Giêsu có tính cách bao gồm, chứ không hề loại trừ ai.
Được kêu gọi tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu, chúng ta phải huy động hơn nữa tài nguyên tinh thần, thiêng liêng cũng như vật chất cho hoạt động truyền giáo. Càng động viên giáo dân dấn thân vào việc truyền giáo, công cuộc dưỡng giáo càng trở nên mạnh mẽ, phong phú và hữu hiệu, vì không ai có thể cho cái mình không có. Càng rút về để củng cố pháo đài thì càng yếu. Trái lại, càng mở rộng giới tuyến ra bốn chung quanh, ảnh hưởng và sức mạnh càng lớn và pháo đài càng được an toàn. Chúng ta có thể lấy hình ảnh đó để so sánh việc truyền giáo và dưỡng giáo của chúng ta. Hãy mời gọi mỗi gia đình giáo dân nhận một gia đình không công giáo để cầu nguyện, thăm viếng, chia sẻ tình người và tình Chúa cho họ, như Giáo Hội Đại Hàn đã làm. Cuộc truyền giáo bằng cuộc sống chứng tá và hành động yêu thương đó sẽ làm cho người giáo dân càng ngày càng trở nên kitô hữu tốt hơn, và chắc chắn công cuộc truyền giáo sẽ hữu hiệu hơn.
Con xin được kết thúc với lời cầu nguyện của ĐGH Clêmentê XI: “Lạy Chúa, con tin, nhưng xin cho đức tin của con được kiên vững hơn; con trông cậy, nhưng xin cho niềm cậy trông của con được tín thác hơn; con yêu mến, nhưng xin cho tình yêu mến của con được nồng nàn hơn; con ăn năn, nhưng xin cho lòng ăn năn của con được sâu sắc hơn. Lạy Chúa, con dâng cho Chúa tư tưởng của con, xin cho chúng được hướng về Chúa; lời nói của con, xin cho chúng nên lời của Chúa; việc làm của con, xin cho chúng được đẹp lòng Chúa; những gánh nặng của con, xin cho chúng được mang vác cho Chúa. Amen”[25].
[1] ĐGH Phanxicô, Lumen fidei, số 51.
[2] Mt 28, 19-20.
[3] Trích bài giảng của ĐHY Ivan Dias, đặc sứ của ĐTC Biển Đức tại Lavang ngày 6/1/2011.
[4] Cv 4,12.
[5] Bài giảng tại Manila ngày 29.11.1970.
[6] Gc 2,17.
[7] x. 1 Cr 1,23.
[8] Lc 18,8.
[9] Tv 34,8.
[10] x. Mt 11,28.
[11] x. Lc 1,52.
[12] Ga 7,16.
[13] x. Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân số 65.
[14] Xem diễn từ buổi tiếp kiến ngày 20/11/2013 của ĐTC do Linh Tiến Khải, RadioVaticana 20.11.2013.
[15] ĐTC Phanxicô nói với Đại Hội lần 82 của Liên Hiệp Bề trên Tổng quyền tại Rơma ngày 27-29/11/2013 http://www.hdgmvietnam.org/tiep-cac-be-tren-tong-quyen-duc-thanh-cha-thong-bao-nam-2015-la-%E2%80%9Cnam-doi-song-thanh-hien%E2%80%9D/5605.57.7.aspx
[16] 1 Cr 13,1.
[17] x. Zenit.org Rôma này 25/3/2010.
[18] Ad Gentes 2.
[19] 1 Cr 9,16.
[20] 2 Tm 4,2-4.
[21] Trong các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II có 49 lần cụm từ tái Phúc Âm hóa được sử dụng.
[22] 2Cr 5,14; Phil 4:13.
[23] Sứ điệp Truyên giáo 2011 của ĐGH Biển Đức XVI.
[24] Ga 3,16.
[25] Lời nguyện của ĐGH Clêmentê XI.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT
- NGHỀ NÀO HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI?
- TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI QUAY TRỞ LẠI VỚI LỊCH SỬ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC ?
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- BAN BÁC ÁI HỘI DÒNG KHIẾT TÂM ĐỨC MẸ TRAO HỌC BỔNG CHO 57 HỌC SINH – SINH VIÊN CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
- NGUỒN GỐC LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ VÀ LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG BẮT ĐẦU GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG
- TẠI SAO CHA MATTHIEU JASSERON, NGÔI SAO TIKTOK, THÔNG BÁO “RÚT” KHỎI CHỨC LINH MỤC ?
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: NHIỀU ĐÓNG GÓP VỀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC NHAU CỦA GIÁO HỘI
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CÁC TÂN HỒNG Y
- BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ CÁC NHÂN VIÊN MỤC VỤ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI GIÁO HỘI BỈ: “KHÔNG CÓ CHÚA THÁNH THẦN, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KITÔ GIÁO XẢY ĐẾN CẢ”
- AD EXTRA, LÀM THẾ NÀO BIẾT TIN TỨC VÀ SUY TƯ VỀ SỨ MẠNG Ở CHÂU Á MỘT CÁCH SÂU XA HƠN
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾP TỤC HƯỚNG VỀ NGƯỜI DÂN VIỆT NAM ĐANG ĐAU KHỔ VÌ BÃO LŨ
- CUỘC GẶP GỠ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, NHỮNG NGƯỜI SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN, CHỦNG SINH VÀ GIÁO LÝ VIÊN
- ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI TRỞ THÀNH VÀ LAN TỎA HƯƠNG THƠM CỦA TIN MỪNG