TĨNH TÂM LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN VINH: BÀI 7: LINH MỤC ĐỒNG HÌNH ĐỒNG DẠNG VỚI CHÚA KITÔ MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Written by xbvn on Tháng Một 23rd, 2014. Posted in Linh mục, Lm. Trần Minh Huy, Việt Nam, Vinh

Dưới đây là bài giảng tĩnh tâm năm của cha Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss, cho linh mục đoàn giáo phận Vinh, diễn ra từ 30/12/2013 đến 4/1/2014.

BÀI 7 

LINH MỤC ĐỒNG HÌNH ĐỒNG DẠNG  VỚI CHÚA KITÔ MỤC TỬ NHÂN LÀNH 

            1. Đời Sống Nội Tâm

Là người của Thiên Chúa, trước hết, anh em linh mục chúng ta phải nên giống Chúa Giêsu là con người cầu nguyện và có đời sống nội tâm sâu xa. Các trình thuật Tin Mừng khắc họa Chúa Giêsu là con người cầu nguyện. Ngài là con người của đám đông, nhưng cũng là con người ‘lên núi’ nữa. Ngài gắn bó với dân chúng, nhưng cũng trải qua những khoảng thời gian một mình cầu nguyện lâu giờ và hiệp thông với Chúa Cha. Sự gắn bó của Ngài với dân chúng là một cái gì trào ra từ sự hiệp thông của Ngài với Chúa Cha. Khi Ngài nhận thấy các tông đồ quá bận rộn đến đỗi thậm chí không có thời giờ để ăn uống, Ngài đã truyền cho các ông tách khỏi đám đông, lên thuyền và ra đi đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.[1]

Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng chính gương mẫu của Ngài, nên họ xin: “Thưa Thầy, xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện.”[2]Ngài cầu nguyện khi Ngài được dân chúng nồng nhiệt ngưỡng mộ, như sau biến cố hóa bánh ra nhiều,[3] và khi Ngài vui mừng đón bảy mươi hai môn đệ trở về,[4] Ngài cầu nguyện khi Ngài buồn sầu và cô đơn ở vườn Giếtsêmani,[5] Ngài cầu nguyện trên Thập Giá tại đồi Canvê,[6] Ngài cầu nguyện cả khi Ngài trút hơi thở cuối cùng, phó thác chính mình trong tay Cha.[7]

Phải sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, anh em linh mục chúng ta phải vun xới đời sống nội tâm, với một cuộc sống cầu nguyện, có khả năng chiêm niệm trong hành động: yêu mến cầu nguyện, dành ưu tiên cho giờ cầu nguyện hằng ngày, sắp xếp ngày sống sao cho có thể dành cho Chúa một thời gian chất luợng. Chính đời sống cầu nguyện sẽ làm cho chúng ta luôn ở lại trong Chúa Giêsu như cành nho ở lại trong thân nho.[8] Sự ở lại này là bí quyết giúp chúng ta sống một đời sống tâm linh sinh động và phong phú. Chính nhờ đời sống cầu nguyện này mà chúng ta trở nên nhạy cảm hơn đối với Chúa Thánh Thần, trở nên ngoan ngoãn hơn trước những gợi ý và thúc đẩy của Ngài, đồng thời qui phục hoàn toàn con người mình theo Thánh Ý Thiên Chúa.    

Nhiều giáo dân ngày nay rất trông mong anh em linh mục chúng ta cung cấp cho họ sự hướng dẫn tinh thần, dẫn dắt họ bước đi trên nẻo đường của cầu nguyện và của Thánh Thần. Đây cũng là một nhu cầu mục vụ thiết yếu, chúng ta phải đáp ứng cơn đói khát thiêng liêng này của giáo dân, nếu không muốn họ bị kéo lôi đến một chỗ khác để kiếm tìm sự hướng dẫn. Bộ Giáo sĩ dạy: “Chỉ có người mục tử cầu nguyện mới có thể chỉ bảo cho người ta biết cách cầu nguyện, và mới có thể đem ơn Chúa xuống cho những người mà mình chịu trách nhiệm săn sóc mục vụ… Chỉ có linh mục biết sống hằng ngày kinh nghiệm hoán cải và biết quan hệ thân mật với Chúa Kitô mới có thể thúc đẩy những bước tiến đáng kể trong công cuộc Phúc âm hóa đích thực và mới mẻ.”[9]Còn thánh Gioan Thánh Giá nói trong Ngọn Lửa Sống của Tình Yêu: “Linh mục không thể lãnh đạo và hướng dẫn người khác nếu chính bản thân linh mục lại xa lạ với những nẻo đường và những cách làm việc của Chúa Thánh Thần. Và nếu bản thân linh mục là người thiếu năng lực biện phân, thì ngài phá hỏng công cuộc của Chúa Thánh Thần nơi những tâm hồn mà linh mục dẫn dắt.”[10]

2. Lòng Nhân Ái 

Là hiện thân của Chúa Kitô, anh em linh mục chúng ta phải có lòng nhân ái như Ngài. Khi đọc và suy gẫm Tin Mừng, chúng ta dễ có ấn tượng sâu đậm về lòng nhân ái của Chúa Giêsu. Ngài ôm các em bé vào lòng, chúc lành cho chúng, nhắc nhớ rằng Nuớc Thiên Chúa thuộc về những người giống như chúng.[11] Ngài có các bạn hữu ở Bêtania mà Ngài yêu mến và năng ghé thăm, Ngài có một tương giao thân tình nồng nhiệt với họ. Ngài đã cảm thương bạn hữu mình đến độ sa nước mắt, như điều đã xảy ra bên mồ Ladarô.[12] Ngài cũng nếm cảm nỗi đói khát, cô đơn và buồn sầu. Ngài là Thiên Chúa và là con người trọn vẹn, và thần tính của Ngài không hề làm nhân tính của Ngài bị sút giảm đi chút nào. Lòng nhân ái của Chúa Kitô được nhìn thấy rõ rệt nhất nơi tấm lòng trắc ẩn của Ngài. 

Trắc ẩn không chỉ là thương hại người ta, mà đúng hơn, trắc ẩn là cảm nếm nỗi đau khổ nơi người ta, cùng chịu đau khổ với người ta và tìm cách giúp họ như việc Chúa Giêsu đã làm khi cảm nhận cơn đói mệt của đám đông đi theo Ngài trong hoang địa.[13] Trái tim trắc ẩn của Ngài đã hoàn toàn đồng cảm với và mang lấy gánh buồn đau của người góa phụ đang khóc thuơng vì mất đứa con trai duy nhất của mình.[14] Người góa phụ này đã không xin Chúa Giêsu làm phép lạ, mà chính Ngài quyết định làm thế. Phải chăng Ngài nhìn thấy trước nơi người góa phụ ấy hình ảnh chính Mẹ yêu dấu của Ngài, khi Mẹ sẽ đón nhận vào vòng tay Mẹ tấm thi thể tan nát của chính Ngài sau này? Ngài cảm nhận được lòng thống hối của người đàn bà tội lỗi đang sa nước mắt rửa chân Ngài và lấy tóc nàng mà lau như dấu chứng của một trái tim chứa chan lòng mến. Lòng trắc ẩn của Ngài đã thúc đẩy Ngài đi đến gặp gỡ và ngay cả đụng chạm đến những người phung hủi mà xã hội loại trừ và liệt vào hạng ô uế không thể đụng chạm đến được.[15]

Lòng nhân ái của Chúa Giêsu đã làm cho Ngài có thể đi vào trong mối quan hệ cá nhân với tất cả mọi người: những người đau ốm và những người khốn khổ, những người nghèo hèn và những người bị áp bức, những người tội lỗi cũng như những người thánh thiện. Mặc dù tiếp xúc với đám đông quần chúng, Ngài vẫn không bao giờ quên các cá nhân và nhu cầu của họ: Ngài dừng lại với anh chàng ăn xin mù Bartimê;[16] bị cả một đám đông chen lấn xô đẩy, nhưng Ngài vẫn cảm nhận được đức tin của người phụ nữ đang cố kín đáo chạm đến mép áo Ngài để được chữa lành chứng bệnh băng huyết của chị.[17] Ngài đã cảm kích bởi lòng quảng đại của bà góa nghèo dâng cúng hai đồng bạc, tức trọn số tiền mà bà đang có để sống, vào hòm tiền của Đền Thờ.[18]

Để nên giống Chúa Kitô, anh em linh mục chúng ta phải có lòng nhân ái và trắc ẩn như Ngài, phải biết cảm xúc với người ta, vì người ta và trong người ta, nhất là những người đau khổ trong thân xác cũng như trong tâm hồn, phải cảm nhận “những vui mừng và hy vọng, những ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là những người nghèo và những người đau khổ…”[19]Chúng ta không thể vô cảm, vô can, hay lãnh đạm đối với bao nỗi đau buồn và bao nỗ lực đấu tranh của những người mà chúng ta có bổn phận phục vụ: Niềm vui và nỗi khổ của họ phải có một âm vang trong cõi lòng chúng ta. (Con xin mở một ngoặc đơn nhỏ: Sự đoàn kết, liên đới của hàng Giáo phẩm và giáo sĩ Vinh với giáo dân bị bạo hành trong những tháng ngày qua đem lại niềm an ủi, tin tưởng và trợ lực tinh thần, không những cho người bị nạn mà còn cho mọi người nghe biết, thật rất đáng trân trọng và cảm phục. Có thể nói những điểm nóng vừa qua là một “phép thử” cho giáo phận Vinh, và giáo phận Vinh là phép thử cho các giáo phận khác của Giáo Hội Công giáo Việt Nam. Xin Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với chúng ta và ban cho chúng ta sự khôn ngoan của con rắn, cùng sự đơn sơ của con bồ câu).

Chúng ta được gọi nên giống Chúa Kitô để trở thành người Samaritanô Nhân Hậu, hình ảnh của chính Chúa Giêsu và Giáo Hội mà ĐTC Phanxicô ví là “bệnh viện dã chiến”: dùng các bí tích mà băng bó chữa lành và đưa vào quán trọ săn sóc là đưa vào Giáo Hội, bởi vì “dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu thuộc về Tin Mừng khổ lụy. Nó vạch ra cho chúng ta thấy mối tương quan giữa chúng ta và những anh chị em đau khổ xung quanh đời mình phải như thế nào.”[20]ĐTC Phanxicô nêu gương thương cảm và đồng cảm với người nghèo khó, rủi ro tai nạn, tù tội, rõ nét khi ngài ôm hôn người khuyết tật, người có khuôn mặt bị biến dạng vì bệnh tật vào lòng và ngay cả khi ở giữa đám đông ngài vẫn có thể hiện diện một cách trọn vẹn với từng người. Một phụ nữ viết thư cho Ngài trình bày tình trạng tuyệt vọng vì bị người tình bỏ rơi và buộc phá thai, Ngài đích thân gọi điện thoại nâng đỡ không phá thai và hứa nếu không tìm được linh mục nào thì ngài sẽ rửa tội cho đứa bé. Mới đây ngài ăn sinh nhật lần thứ 77 của ngài với 4 người nghèo vô gia cư.

Nhờ cuộc sống độc thân, anh em linh mục chúng ta hoàn toàn có tự do để yêu thương, quan tâm và chăm sóc mọi người. Chúng ta là của mọi người, và mọi người có quyền đòi hỏi chúng ta không được thuộc về riêng một ai cả. Đức Chân Phi7ớc Gioan-Phaolô II nói: “Linh mục được mời gọi bắt chước gương Chúa Kitô và mang trọn tấm lòng đồng cảm của Ngài đến cho những người ốm đau tật nguyền… Linh mục không giống được với Chúa Kitô ở chỗ linh mục không có quyền năng làm phép lạ chữa lành các anh chị em đau yếu, nhưng linh mục có thể đem lại cho họ sự an ủi về mặt luân lý và tâm linh, nâng đỡ họ trong cơn thử thách và ngay cả có thể giúp họ mau chóng bình phục hơn.”[21]Có thể chúng ta không xóa tan được nỗi thống khổ của tha nhân, nhưng chính sự hiện diện của chúng ta trong nỗi thống khổ của họ sẽ đem lại cho họ niềm hy vọng và sự chữa lành.

Chúng ta không chỉ thực thi sứ vụ phục vụ những người bệnh tật và đau khổ, mà ngược lại đồng thời chúng ta cũng nhận được sự nâng đỡ lớn lao từ nơi họ; chúng ta không chỉ hướng dẫn và chăm sóc họ mà còn được họ chăm sóc và hướng dẫn: Sự hy sinh và lòng kiên nhẫn chịu đựng của họ là một nguồn nghị lực nâng đỡ chúng ta; sứ vụ đối với những người bệnh tật, đau khổ, nghèo túng… có sức khích lệ tinh thần chúng ta và làm cho chúng ta giàu tính người hơn và trở nên giống Chúa Kitô hơn.

3. Nhạy bén với các thay đổi xã hội

            Để dẫn dắt đoàn chiên sống giữa một thế giới đang thay đổi và tiếp tục thay đổi đến chóng mặt, anh em linh mục chúng ta phải là người bắt nhịp hài hòa với tình hình hiện nay của thế giới và đất nước, phải luôn sẵn sàng và bén nhạy để đọc được các thời triệu, chấp nhận các mới mẻ của những đổi thay, và can đảm thích nghi chính mình cách khôn ngoan sáng suốt với những bước chân của Chúa Thánh Thần, Đấng hằng làm cho mọi sự nên mới.[22]   

Sự nhạy cảm này giúp chúng ta hiểu rõ hơn các nhu cầu của dân chúng, nhận thức được những vấn nạn không lời của họ, đáp ứng các thỉnh nguyện, chia sẻ những hy vọng, những trông đợi, những niềm vui và những gánh nặng của họ.[23] Trong bài diễn văn bế mạc Công Đồng Vatican II năm 1965, Đức Phaolô VI tuyên bố: “Có lẽ chưa bao giờ như tại Công đồng này, Giáo Hội đã cảm thấy nhu cầu phải hiểu biết, đến gần, thông cảm, thấm nhập, phục vụ và Phúc Âm hóa xã hội bao quanh mình. Giáo Hội đã không chỉ lo lắng suy nghĩ về chính mình, nhưng Giáo Hội cũng quan tâm nhiều tới con người… Một làn sóng mến yêu dâng lên ngập Công đồng, lan tràn trên thế giới của con người hiện đại. Các giá trị của nó không những được nhìn nhận mà còn được quý mến, các nỗ lực của nó được thanh lọc và được chúc lành.”  

Tông huấn Lời Chúa[24] nhắc nhở rằng việc mục vụ của Giáo Hội phải cho thấy rõ Thiên Chúa lắng nghe những nhu cầu và tiếng kêu của con người như thế nào để mang lại cho con người hạnh phúc vĩnh cửu trọn vẹn.[25] ĐTC Biển Đức XVI kêu gọi tình liên đới của mọi người trước những thiên tai xảy ra dồn dập trên khắp thế giới: “Tâm trí Cha đặc biệt hướng về những dân tộc lúc nầy đang chịu những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng, gây ra những thương vong về người, và thiệt hại về tài sản, khiến nhiều người trở thành vô gia cư. Cha cầu xin Chúa cho các nạn nhân và Cha bày tỏ sự gần gũi tinh thần với tất cả những ai đang chịu những tình huống khốn khó nầy. Cha cầu xin Thiên Chúa an ủi họ trong những đau khổ và nâng đỡ họ trong những cơn khốn khó.[26] 

ĐTC Phanxicô còn đi xa hơn nữa là đích thân đi tới với các nạn nhân chết chìm trên biển hay chết khát trong sa mạc vì đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngài dạy rằng Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến mau mắn chạy tới nơi nào có thương tích để chữa lành. Lòng thương xót là chủ đề lặp đi lặp lại của ngài và ngài xác quyết rằng Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt để ban ơn tha thứ và chờ đón sự trở về của con người, nên  Giáo hội cũng luôn mong đợi con người với cánh tay rộng mở. Ngài an ủi người dân Philippines vừa gánh chịu sự tàn phá của của cơn bão Haiyan: “Chúng ta tự hỏi tại sao những điều này lại xảy ra mà không giải thích được. Trong những lúc đau khổ này, đừng bao giớ mệt mỏi với việc hỏi tại sao, bởi vì anh chị em sẽ khiến Thiên Chúa chạnh lòng thương”[27]. Ngài đề nghị mọi người đón nhận nền “văn hóa gặp gỡ” để gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ mọi người, kể cả những người không có đức tin.

Khi nhậm chức Tổng Giám Mục Manila, Philippines, Đức Cha Luis Antonio Tagle nói về phương pháp truyền giáo mới hướng đến sự biến đổi não trạng: “Mặc lấy tư tưởng và cách nhìn của Thiên Chúa, chúng ta thấy được sự khác biệt: Một em bé, nhất là còn trong bụng mẹ, không được xem là một gánh nặng nhưng là một tặng phẩm. Giới trẻ không phải là vấn đề nhưng là triển vọng. Phụ nữ không phải là món hàng mà là con người. Người lao động chân tay không phải là cái máy nhưng là đối tác; và người nghèo không phải là phiền toái mà là kho báu, và mọi thụ tạo không phải là đối tượng để thao túng, nhưng là dấu chỉ tình yêu vô biên của Thiên Chúa.”[28] Và mới đây, một trong những phát biểu đầu tiên trước công chúng, qua đài phát thanh Vatican, với tư cách là người được ĐTC Biển Đức XVI chọn làm Hồng Y, ngài kêu gọi Giáo Hội nói ít hơn và lắng nghe người dân nhiều hơn: “Tôi nhận thấy đau khổ của người dân và những câu hỏi khó do họ nêu lên là lời mời gọi trước hết phải liên đới với họ, chứ đừng giả vờ rằng chúng ta có sẵn hết các giải pháp.[29]

Hơn ai hết, anh em linh mục chúng ta phải nhạy cảm để suy nghĩ với đầu óc của Chúa Giêsu, nhìn sự việc với con mắt của Chúa Giêsu, hành động với sức mạnh của Chúa Giêsu, phán đoán với sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, sử dụng biện pháp với lòng nhân hậu của Chúa Giêsu, yêu thương với con tim của Chúa Giêsu, đào tạo với sư phạm của Chúa Giêsu, nhẫn nại với sự nhẫn nại của Chúa Giêsu, tha thứ với lòng thương xót của Chúa Giêsu. Tắt một lời là làm sao để giáo dân phải luôn nhận ra được nơi anh em linh mục chúng ta “tiếng nói của Chúa Chiên Nhân Lành.[30] Có thế thì chúng ta mới sống trọn vẹn và thành công trong đời sống và sứ vụ linh mục của mình, như lòng Chúa và Giáo Hội mong muốn. Thánh Phaolô đã nói rõ đường lối đó: “Thiên Chúa là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó.”[31] Vì vậy, Công Đồng Vaticanô II thúc bách các môn đệ Chúa Kitô không ngừng hoàn thiện các hiểu biết về những sự của Thiên Chúa và những sự của con người, ngõ hầu đi vào đối thoại cách thích đáng với những người đương thời.  

Sự nhạy bén này sẽ gợi ý và hướng dẫn những đổi thay trí não và con tim hướng tới cuộc trở lại liên lỉ với Chúa và với tha nhân, nhất là khi bản thân gặp phải những thương tổn bất công, bằng việc “cho qua đi và để Chúa liệu” vì Ngài thay đổi công việc chứ không thay đổi ý định. Đặt Chúa vào giữa thì mọi sự sẽ đến cùng nhau, với cái nhìn tích cực (thấy khía cạnh tốt của những gì xảy đến), với lòng cảm thông (Chúa có kế hoạch của Ngài, có lẽ tha nhân không muốn thế, nhưng Chúa bắt phải làm thế), biết ơn Chúa và tha nhân (nhờ đó mà ta được biến đổi và lớn lên).[32] 

Luật của sự sống và sinh trưởng là thay đổi, và mỗi chặng đường sinh trưởng của con người đều được ghi dấu bằng những thay đổi quyết định, từ lúc được sinh ra cho đến lúc chết đi, trải qua tích cực cũng như tiêu cực: “Mai nam, trưa nắng, chiều nồm; trời còn luân chuyển huống mồm thế gian.” Chúa luôn đổi mới lời mời gọi của Ngài, xuyên qua Phúc Âm, các dấu chỉ thời đại, các biến cố thăng trầm của cuộc sống mỗi ngày, thì những người theo Chúa cũng phải đổi mới sự đáp trả của mình sao cho tương xứng. Mọi việc Chúa Kitô làm đều mang dấu ấn của thay đổi, thay đổi từ cũ sang mới, từ điều được trông đợi đến điều bất ngờ: Ngài ngồi ăn với người tội lỗi, nói chuyện với người đàn bà Samaria, vượt quá luật ngày Sabát, yêu thương kẻ thù, và hy sinh mạng sống vì người khác. Mọi hành động ấy đều là những thay đổi. Qua những thay đổi ấy, Hội Thánh được sinh ra, và hôm nay cũng qua những thay đổi như thế mà Hội Thánh tồn tại, tiếp tục sống và hoạt động cho phần rỗi nhân loại. Trong chiều hướng này, anh em linh mục chúng ta được mời gọi trở thành những con người phục vụ khiêm tốn trong bất cứ cái gì, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, và bất cứ thế nào mà dân chúng cần đến và Giáo Hội sai chúng ta đi.

4. Tinh Thần Phục Vụ

Mọi linh mục đều khao khát nên giống Thầy Chí Thánh của mình, Đấng “đã đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.”[33] Ở Á Châu và nhất là tại Việt Nam, linh mục vẫn còn được dân chúng khá trọng vọng và vẫn còn có một số uy lực nào đó: Xã hội cũng thường dành cho linh mục một sự nể nang, và giáo dân nói chung thường cung phụng linh mục. Vì vậy, anh em linh mục chúng ta cần điều chỉnh và sửa đổi nhãn quan của mình trong khía cạnh này. Bộ Giáo Sĩ nhắc nhở: “Linh mục có một uy thế giữa các tín hữu, và tại vài nơi, linh mục còn có những thẩm quyền dân sự nữa. Tuy nhiên, linh mục cần ý thức rằng uy thế đó phải gắn liền với lòng khiêm nhường và phải được sử dụng đúng đắn để thúc đẩy công cuộc cứu rỗi các linh hồn, trong khi không ngừng xác tín rằng chính Chúa Kitô mới là thủ lĩnh đích thực của dân Thiên Chúa.”[34]

ĐTC Phanxicô đã làm gương khi tự đi lấy hành lý và thanh toán tiền phòng, cả trong các cuộc tông du tự xách cặp của mình. Để nên giống Chúa Giêsu, linh mục phải là người chăn chiên tốt lành sẵn sàng thí mạng sống mình vì đàn chiên.[35] Và sau khi đã chu toàn tất cả những gì được kỳ vọng nơi mình, linh mục phải biết tự nhận chính mình như một “tôi tớ vô dụng” chỉ làm những gì có bổn phận phải làm.[36] Linh mục được trao tác vụ không phải cho chính bản thân linh mục, nhưng cho cộng đoàn tín hữu, đặc biệt đối với linh mục giáo phận. Linh mục được trao tác vụ không phải để làm ông chủ sai khiến cộng đoàn, nhưng là để cống hiến cho cộng đoàn sự phục vụ vô vị lợi: “Tìm gặp Chúa Kitô nơi người khác, trong tình yêu ưu tiên đối với người nghèo, nơi họ, con mắt đức tin của chúng ta khám phá ra Chúa Giêsu và khám phá ra một tình yêu bao dung đối với tội nhân.”[37]

Tinh thần phục vụ của người tôi tớ sẽ làm cho linh mục biết vui tươi chấp nhận và dốc sức chu toàn những công việc bổn phận được giao phó cho mình, dù đó là những công việc vinh dự hay thấp hèn đến đâu đi nữa, dù đó là những công việc gắn liền với tên tuổi hay chỉ âm thầm trong bóng tối và không được ai biết đến. Tinh thần phục vụ của người tôi tớ sẽ cắt xén khỏi linh mục những dấu vết bội phản thuộc căn chứng sùng bái sự nghiệp phổ biến trong giới giáo sĩ trẻ ngày nay, một căn chứng có thể làm lệch lạc và thậm chí phá hỏng sứ vụ của mình: nhiều công trình giá trị của tiền nhân bị phá bỏ để xây dựng cái mới, có khi kém hơn, cả về chất lượng cả về giá trị văn hóa và mỹ thuật, chỉ vì muốn để lại dấu tích sự nghiệp của mình. Thật đáng tiếc! 

Tại một trong những học viện dành cho các sinh viên linh mục ở Rôma, chân dung của các cựu sinh viên đã trở thành Giám mục và Hồng y được treo nhan nhãn dọc các hành lang và cầu thang của tòa nhà. Gần đây, các vị hữu trách thức thời đã quyết định tháo gỡ các khung ảnh ấy, bởi vì theo báo cáo cho biết, nhiều linh mục sinh viên mới vào trường đã có cảm nghĩ mãnh liệt rằng mình cũng phải phấn đấu để đạt đến những “tầm cao ấy”! “Các sinh viên phải hiểu rõ rằng tiêu điểm phấn đấu cho cuộc sống không phải là để đạt quyền cao chức trọng và thu vén danh dự, nhưng là tận hiến chính mình cho Thiên Chúa và cho sứ vụ mục vụ. Các sinh viên phải được đào tạo cách riêng về tinh thần vâng phục của linh mục, về tinh thần khó nghèo và từ bỏ, để họ có thể đảm nhận một cuộc sống theo khuôn mẫu của Chúa Kitô Khổ Nạn, để họ có thể sẵn sàng từ bỏ cả những gì mình đáng được hưởng, nhưng tự xét thấy là không phù hợp.” 

Thật vậy, trong tâm tư của nhiều ứng viên linh mục và gia đình, nhất là tại các nước kém và đang phát triển như Phi châu và cả Việt Nam nữa, chức linh mục được như một thăng tiến xã hội và một nấc thang để bước lên, trong khi đúng hơn phải quan niệm chức linh mục là một nấc thang để bước xuống, noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu từ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa bước xuống làm người, và còn tự hạ làm tôi tớ phục vụ mọi người để mang ơn cứu độ cho mọi người.

5. Sứ mệnh làm Thầy Dạy  

Là thầy dạy Lời Chúa, nhân danh Chúa Kitô và nhân danh Giáo Hội, linh mục sẽ không dạy những cao trào hay lý thuyết tạm bợ và chóng qua nào đó. Sứ mạng và sứ điệp là của Chúa Kitô, linh mục chỉ là sứ giả của Ngài. Giáo Hội đặt Lời cứu độ trên môi miệng linh mục để người rao giảng Tin Mừng, giải thích cho dân sứ điệp mà chính Giáo Hội là cơ quan gìn giữ. Giáo Hội trao cho linh mục bài sai mà chính Giáo Hội đã nhận lãnh từ Chúa Kitô. Linh mục sẽ không rao giảng về chính mình hay về những ý tưởng riêng của mình,[38] nhưng là rao giảng một Tin Mừng mà cả linh mục lẫn Giáo Hội đều không phải là chủ nhân tuyệt đối và do đó không thể uốn ép Tin Mừng ấy tùy theo ý muốn của mình, mà phải chuyển giao Tin Mừng ấy một cách tuyệt đối trung thành.[39] Thật vậy, việc rao giảng Lời Chúa là bổn phận trọng yếu của linh mục. Sắc lệnh đào tạo linh mục dạy: “Trong tư cách là những cộng tác viên của Giám mục, bổn phận đầu tiên của linh mục là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho mọi người để xây dựng và phát triển Dân Thiên Chúa.”[40]

Nhưng muốn cho việc rao giảng này có tác dụng, thì nó phải được đặt điểm tựa trên đời sống cầu nguyện, và linh mục tiên vàn phải là con người cầu nguyện trước khi là con người rao giảng: Phải nói với Chúa và có Chúa đã, rồi mới có thể nói về Chúa và trao Chúa cho người khác, vì không ai có thể cho cái mình không có. Linh mục không phải là chủ nhân, nhưng là tôi tớ của Lời Chúa, không đọc Lời cách máy móc nhưng là lắng nghe Lời. Thật vậy, “tâm nguyện, lắng nghe và đáp trả là hình thức cao nhất của cuộc tương phùng giữa Lời Chúa và cuộc sống mỗi người.” Vì thế, ĐTC Phanxicô nói trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng rằng: “Bất cứ ai muốn giảng, trước hết phải sẵn sàng để được đánh động bởi Lời Chúa và làm cho Lời ấy nhập thể trong cuộc sống cụ thể của mình[41]. Không thể phủ nhận sự kiện rằng “có một mối tương quan thiết yếu giữa đời sống cầu nguyện cá nhân và việc rao giảng… Việc rao giảng hữu hiệu là một hoa trái khác của việc cầu nguyện cá nhân.”[42]

Đức Thánh Cha Phaolô VI đã diễn tả một cách sắc bén trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng như sau: “Con người thời nay thích lắng nghe các chứng nhân hơn là nghe những thầy dạy, và nếu họ lắng nghe những thầy dạy thì bởi vì những thầy dạy ấy là các chứng nhân.”[43] Bộ Giáo dục Công giáo cũng khẳng định: “Nhà giáo dục sống đời sống đức tin sống động sẽ dạy bằng chính con người mình nhiều hơn là bằng những gì mình nói.” Quả đúng như Ca dao Việt Nam chúng ta dạy: “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo.”

Trong cuộc gặp gỡ các chủng sinh và tập sinh, khi nói về tính chân thật, ĐTC Phanxicô nhìn các nhà đào tạo và nói: “Trước tiên đây là một trách nhiệm của người lớn, của các nhà đào tạo. Chính các bạn, những nhà đào tạo đang hiện diện nơi đây, phải nêu gương về sự chân thực cho người trẻ. Chúng ta muốn có những người trẻ chân thực không? Chúng ta hãy trở nên chân thực! Bằng không, Chúa sẽ nói với chúng ta điều Người đã nói cho Dân Chúa về những người Pharisiêu: “Những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm thì đừng làm theo[44]. Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng thêm: “Ngay cả trong thời đại này, người ta thích nghe các nhân chứng: họ “khao khát sự xác thực … và đòi phải nói về một Thiên Chúa mà chính mình biết và quen thuộc với, như thể thấy Đấng vô hình[45].

Chúa Giêsu dạy các tông đồ và chúng ta ra đi rao giảng và làm cho người ta trở thành môn đệ của Chúa. Thư thánh Phaolô gửi cho Titô đoạn 2 là tất cả những gì nói về việc làm môn đệ của Chúa, tức là học sống theo con đường mà Chúa muốn chúng ta sống, được hướng dẫn nhờ các gương lành trong Giáo Hội. Làm môn đệ là đi theo Thầy Chí Thánh Giêsu và học cách sống theo sự khôn ngoan của Lời Ngài. Khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên, thì kế hoạch là dành nhiều thời gian ở cùng Ngài[46] và học nơi Ngài. Chúa Kitô gọi họ tuân theo, đi theo và học hỏi từ nơi Ngài. Vào cuối sứ vụ trần thế của Ngài, Chúa Giêsu đã gặp các môn đệ ấy và bảo họ dành thời gian còn lại để đi khắp thế gian và dạy cho những ai muốn đi theo và vâng lời Ngài biết làm thế nào để trở nên những học trò hay môn đệ Ngài trong suốt cuộc đời của họ[47]. Khi Thánh Phaolô cho Titô những mục tiêu rõ ràng để ông dạy cho mọi hạng người là tỏ cho họ thấy làm thế nào để “tôn vinh giáo lý của Chúa”. Cuộc sống của họ, nếu phản ánh những phẩm chất này, sẽ trở thành một lời chứng mạnh mẽ cho Thiên Chúa trong một thế giới “quanh co và gian tà”.

Chúng ta lắng nghe như thánh Phaolô đang nói với mình: “Phần anh, hãy dạy những gì phù hợp với giáo lý lành mạnh. Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành. Như vậy, họ sẽ dạy cho người vợ trẻ biết yêu chồng, thương con, biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà, phục tùng chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị người ta xúc phạm. Anh cũng hãy khuyên các thanh niên phải giữ chừng mực trong mọi sự. Chính anh hãy làm gương về mặt đức hạnh. Khi anh giảng dạy thì đạo lý phải tinh tuyền, thái độ phải đàng hoàng, lời lẽ phải lành mạnh, không ai bắt bẻ được, khiến đối phương phải bẽ mặt, vì không thể nói xấu chúng ta được điều gì. Các tôi tớ phải phục tùng chủ mình trong mọi sự, làm đẹp lòng chủ và đừng cãi lại, đừng ăn cắp, nhưng tỏ lòng trung tín hoàn toàn; như vậy là họ làm cho đạo lý của Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, được rạng rỡ mọi bề.  Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa cao cả và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện. Đó là những điều anh phải nói, phải khuyên, phải sửa dạy với tất cả uy quyền. Chớ gì đừng có ai coi thường anh[48].

Nhưng công việc dạy sống theo Lời Chúa này là công việc của muôn đời và của muôn người, vì đó là bản chất của người tín hữu, một mình anh em linh mục chúng ta sẽ không tài nào làm hết được, nên chúng ta phải huy động toàn bộ các thành phần Dân Chúa mà chúng ta có trách nhiệm chăn dắt vào cuộc tham gia, nhất là các tu sĩ, chủng sinh và các cán bộ tông đồ giáo dân nòng cốt trong giáo xứ như Ban hành giáo, giáo lý viên, gia trưởng, hiền mẫu… Cần phải đoàn ngũ hóa giáo dân, chớ để ai không tham gia một hội đoàn nào, rồi thông qua các hội đoàn ấy mà dạy giáo lý, học hỏi chia sẻ Lời Chúa, phân chia các công tác mục vụ, phụng vụ, bác ái từ thiện, thăm viếng người già cả neo đơn, người bệnh tật, tai nạn rủi ro. Đặc biệt chăm lo đào tạo các huynh trưởng, trang bị cho họ kiến thức và kỹ năng giáo lý, cũng như chuyên môn của từng hội đoàn để họ làm việc hiệu quả. Áp dụng nguyên lý bổ trợ để tạo uy tín cho những người đứng đầu để họ làm việc.

Để công cuộc này luôn được tiếp nối hữu hiệu, cần theo tiến trình đào tạo và chuẩn bị nhân sự bốn bước này:

– Dạy cho người ta biết làm;

– Khi người ta biết làm rồi thì giúp họ làm;

– Khi người ta làm được rồi thì hãy để cho họ làm;

– Và khi người ta đã tự mình làm tốt được rồi thì mình rút lui đàng sau, chỉ giữ vai trò cố vấn khích lệ, đôn đốc chung, đã hoàn thành việc chuẩn bị người thay thế.  

Chúng ta cùng cầu nguyện để các nỗ lực của chúng ta ngày càng đưa được nhiều linh hồn về với Chúa và Danh Chúa được cả sáng hơn. Con xin mượn lời Thánh Thi lễ Mục Tử để kết thúc bài suy niệm này:

Đây linh mục, những con người thánh hiến

Suốt cuộc đời làm chủ tế trung kiên

Đem tình thương người mục tử nhân hiền

Dâng trọn vẹn cho đoàn chiên chẳng tiếc.

Hồng ân Chúa, những hồng ân đặc biệt

Lãnh nhận rồi phân phát cả cho dân

Thắt đai lưng như đầy tớ chuyên cần

Chờ đợi chủ tay cầm đèn sáng rực.

Không mỏi mệt nhưng kiên trì tỉnh thức

Suốt đêm trường hay mãi tới canh khuya

Miễn làm sao kịp khi Chủ trở về

Mở ngay cửa nghêng đón Người vội vã.

Vinh tụng Chúa Cha vua trời cao cả

Cùng Chúa Con đấng chuộc tội cứu đời

Và Thánh Thần lửa yêu mến sáng soi

Hằng hiển trị bây giờ và mãi mãi[49]. Amen.

 

 


[1] x. Mc 6,11. 

[2] Lc 11,1.

[3] x. Mc 14,23

[4]  x. Lc 10,21

[5] x. Mc 14,32

[6] x. Mt 27,36

[7] x. Lc 23,46. 

[8] x. Ga 1,:5.

[9] Thánh Bộ Giáo Sĩ, Linh Mục và Thiên Niên Kỷ Thứ Ba: Thầy Dạy Lời Chúa, Thừa Tác Viên Bí Tích và Người Lãnh Đạo Cộng Đoàn, Ch.3, số 2.

[10] Thánh Gioan Thánh Giá, Ngọn Lửa Sống của Tình Yêu, đoạn 3, 45. 

[11] x. Mc 10,14.

[12] x. Ga 11,35.

[13] x. Mc 6,35.

[14] x. Lc 7,11.

[15] x. Mc 1,41. 

[16] x. Mc 10,46.

[17] x. Mc 5,30.

[18] x. Lc 21,2. 

[19] Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 1. 

[20] JP II, Tông Thư Salvifici Doloris, số 30. 

[21] JP II, Triều yếu ngày 14/8/1990. 

[22] x. Kh 21,5

[23] x. Vui Mừng và Hy Vọng số 1.

[24] Tông huấn Lời Chúa (Verbum Domini) của ĐTC Biển Đức XVI ký ngày 30/9/2010 và công bố chính thức ngày 11/11/2010, là kết quả của THĐGMTG lần thứ XII năm 2008.

[25] x. Verbum Domini số 22-23.

[26] Zenit 16/8/2010.

[30] Trích lời ĐTC Biển Đức XVI trong Vatican City, 14 /4/ 2010 (VIS).

[31] 2 Cr 1,3-4.

[32] Xem Tiến trình Bốn bước Tâm lý và thiêng liêng để giữ tâm hồn bằng an thanh thản trước những đau khổ và thiệt hại bất công: 1. coi như người ta vô ý; 2. xem họ là nạn nhân của ác tâm của chính họ mà ta phải thương hại, có khi coi thường và coi khinh, khiến nỗi đau và tâm lý của ta được bù đắp, được giải quyết; 3. Chúa biết hết mọi sự, kể cả từng sợi tóc rụng xuống, thế mà Ngài vẫn để thế là vì Ngài nhắm tới cái tốt nhất cho ta, dù hiện tại ta không thể hiểu, hãy tạ ơn Chúa vì tin vào lòng tốt của Ngài; 4. Nghĩ rằng người làm ta đau khổ bằng lòng làm dụng cụ Chúa dùng để làm ích cho ta, nên đáng ta phải biết ơn. Từ nỗi oán hận đến lòng biết ơn, vấn đề đã được giải quyết và lòng ta bằng an.

[33] Mt 10,28.

[34] Bộ Giáo sĩ, Linh Mục Và Thiên Niên Kỷ Thứ Ba…, ch.4, số 3. 

[35] x. Ga 10,11.

[36] x. Lc 17,10.

[37] x. Mt 25, 40; Pastores Dabo Vobis, số 49. 

[38] x. Tông huấn Verbum Doini số 59-60 về nội dung và phẩm chất của bài giảng.

[39] x. Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, số 15. 

[40] Optatam totius số 4.

[41] Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 150.

[42] Thánh Bộ Giáo Sĩ, Linh Mục Và Thiên Niên Kỷ Thứ Ba…, Ch.2, số 1. 

[43] Paul VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng,  ban hành ngày 8/12/1995, số 41.

[44] Trích diễn từ của ĐTC Phanxicô với các chủng sinh và tập sinh ngày 6/7/2013 – http://www.vietcatholic.net/News/Html/113268.htm

[45] Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng số 150.

[46] Mc 3,14.

[47] Mt 28,19-20.

[48] Tt 2,1-15.

[49] Thánh Thi Kinh Sáng Thánh Mục Tử.

 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31