TĨNH TÂM NĂM ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: BÀI 2: GIÁO LÝ ĐỨC TIN GẮN LIỀN VỚI KINH NGHIỆM TÂM LINH

Written by xbvn on Tháng Mười 31st, 2020. Posted in Linh mục, Tâm linh, Đại Chủng Viện Huế

Từ ngày 26-31/10/2020, quý Thầy Đại Chủng viện Huế bước vào cuộc tĩnh tâm năm hằng năm. Năm nay, cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P., giảng tĩnh tâm cho các Thầy với chủ đề “Vài thách đố của đời linh mục”. Chúng tôi xin lần lượt đăng lại các bài giảng rất thực tiễn của ngài. Dưới đây là bài giảng thứ hai:

Bài II : Giáo lý đức Tin gắn liền với kinh nghiệm tâm linh

1. Bầu khí thời đại

Trong lịch sử tư tưởng Tây phương, người ta có thể thấy, từng bước, giá trị của cá nhân con người càng ngày càng lớn hơn[1], kéo theo những đòi hỏi của tự do cá nhân so với những “áp đặt” của tập thể. Trong sự lấn lướt của văn minh Tây phương hiện nay trên toàn thế giới, cũng như trong sự biến chuyển từ xã hội truyền thống đến xã hội hiện đại hoá – công nghiệp hóa tại nước ta hiện nay, người ta có thể dự đoán là tính cách cá nhân ấy có đang có chiều hướng trở nên một khuynh hướng chung của thế giới, dĩ nhiên với ít nhiều biến thái, với ít nhiều thăng trầm[2].

Từ hiện tình ấy, dần dần sẽ không còn một thứ đạo “gia truyền”, đạo “cha truyền con nối” và cũng không thể còn có một áp lực nào khác {kỷ luật giáo xứ, truyền thống họ hàng, dư luận xã hội . . .} có đủ sức mạnh buộc con người sống một điều mà họ không thực sự xác tín. Chúng ta có thể thấy, hiện nay, đã có nhiều lời phàn nàn của giới trẻ về tình trạng “đi lễ đọc kinh cho nhiều” của các bậc cha mẹ, nhưng lại không sống bác ái yêu thương trong gia đình, làng xóm.

Do đó, người ta dự đoán, trong tương lai, chỉ người nào có kinh nghiệm tâm linh mới sống đạo mà thôi. Nhận xét này có lẽ chưa bộc lộ hiển hiện lúc này, ở Việt Nam; nhưng ngay lúc này, ta đã bắt đầu nhận ra những dấu hiệu của một bầu khí khác, sự rạn vỡ của các giáo xứ toàn tòng, một số bạn trẻ rời khỏi những tổ chức sinh hoạt rầm rộ quen thuộc và không còn đọng lại bao nhiêu những nền tảng đạo nghĩa của một đức Tin chân chính. Một số người trẻ hiện nay chẳng còn sợ những kỷ luật của đạo, của cha xứ, và chẳng một mực kính trọng những linh mục không có tư cách mục tử đích thực.

Chiều hướng ấy, trước mắt có thể làm suy giảm số người theo đạo hoặc số người sống đạo thực hành, nhưng thật ra đó cũng là một thách đố để đức Tin Kitô giáo được tinh tuyền hơn, thách đố vượt qua thứ “đạo sinh hoạt”[3]. Cuộc khủng hoảng luôn có thể là một cuộc khủng hoảng để đổi mới và phát triển, nếu chúng ta biết “tận dụng” cơ hội; hay đúng hơn, biết nhận ra tiếng nói của Thánh Thần để có thể chọn lựa cách phản ứng tốt nhất theo ý Chúa.

Mặt khác, trong khi cuộc sống kinh tế phát triển rất nhanh trở thành như một cám dỗ không ngừng đưa tới những chân trời mới của đời sống hưởng thụ, thì nhu cầu chân thực, nhu cầu sâu xa của con người lại chính là chiều kích tâm linh đích thực chứ không phải những sinh hoạt tôn giáo theo kiểu “cùng một loại” như các sinh hoạt khác của xã hội. Đáp ứng nhu cầu này, người linh mục tương lai không phải chỉ lo chuyên chăm các kỹ năng sinh hoạt giảng thuyết hay các sáng tạo những tổ chức phong phú cho giáo xứ mà còn phải có khả năng “giới thiệu” một nguồn mạch tâm linh Kitô giáo đích thực.

Người kitô hữu nói chung và giới giáo sĩ Công giáo nói riêng, thường dùng lý lẽ để thuyết phục người khác. Có thể nói lý lẽ là một thế mạnh của Kitô giáo. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả vấn đề. Một cung cách truyền đạt “thâm cảm”, truyền đạt như một người xác tín và như một triển khai kinh nghiệm tâm linh là điều cần phải bổ túc cho giới giáo sĩ công giáo nói chung. Thật ra, lý lẽ có thể làm người khác câm miệng, nhưng để thuyết phục người khác tâm phục khẩu phục, nhất là để làm dậy lên một sức sống thì lý lẽ không đủ hoặc có thể nói là rất yếu. Có thể dự báo một tinh thần chán lý lẽ  trong tương lai không ?

Điều đó đòi hỏi ở người linh mục tương lai thể hiện một kinh nghiệm tâm linh đích thực, tức một sự gặp gỡ đích thực với Chúa Giêsu chứ không phải chỉ là chăm chú tổ chức sinh hoạt tôn giáo mà thôi. Có lẽ rất nhiều chủng sinh, và nhiều linh mục, mang mối bận tâm chính yếu của đời mình chỉ là xoay sở, tổ chức,  quản trị . . . chứ không phải bận tâm về chính đời sống tâm linh của mình; và người ta nhận thấy một số người khao khát đời sống tâm linh tìm đến với bầu khí của Phật Giáo.

2. Nhu cầu tâm linh của con người

           Có thể nói một cách đơn giản, chiều kích tâm linh chính là chân trời của cuộc sống con người. Khi người ta chỉ nhìn thấy sự vật là sự vật, vấn đề tài chính chỉ là vấn đề tài chính, thì tất cả nỗ lực của ta chỉ ta giải quyết được vấn đề trước mắt. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho người ta thấy rằng không bao giờ con người có thể giải quyết trọn vẹn vấn đề chân thực của con người, vấn đề của mình cũng như vấn đề gia đình mình, tình yêu vợ chồng, tình nghĩa anh chị em. . .  Nói như triết gia Gabriel Marcel, hữu thể là một huyền nhiệm chứ không phải là vấn đề.

           Ngược lại, khi người sống trong chiều kích tâm linh, người ta sẽ nhận ra rằng giới hạn, thậm chí bế tắc của tình trạng hiện tại vẫn được bao bọc trong một thế giới rộng hơn, vẫn có ý nghĩa trong một chiều kích sâu xa hơn : lỗi lầm cho dù nặng nề đến đâu, sự đổ vỡ của tình yêu, sự bất lực của con người, nhất là bất lực về người thân của mình. . . tất cả những bế tắc ấy vẫn có thể hàm chứa niềm hy vọng, vẫn có thể mở ra một khung trời mới, và vẫn có thể được hoá giải trong một sự thật tâm linh.

           Không có chân trời, mọi hình ảnh đều trở nên mặt phẳng, không còn độ sâu và không còn diễn tả được khuôn mặt sống động của “nhân linh ư vạn vật”. Không có chiều kích tâm linh, mọi ứng xử của con người với thế giới chỉ là một bài toán cân đối giữa giữa lợi ích của tôi và sự kiện khách quan; ứng xử một cách “hợp lý” một cách “vật lý”  . . . Cách thức ấy làm cho cuộc đời chỉ còn là những thành công hay thất bại trước mắt, chúng là những sự kiện rời rạc và vụn vặt một cách nhàm chán

            “Xã hội chúng ta hiện nay là một xã hội nỗ lực truyền bá học thuyết vô thần, một xã hội rất khoái từ ngữ “khoa học” để dồn tất cả mọi thứ không khoa học vào bao “mê tín”, một xã hội mà tình trạng văn chương kém cỏi đã trở phổ biến trong mọi cấp giáo dục. . .  Chính xã hội ấy đã tước mất khả năng tâm linh của con người để có thể đối diện với các khủng hoảng  xẩy ra”[4].

           Chiều kích tâm linh là một nhu cầu đích thực của con người; và khi người ta bắt đầu khám phá thấy tính cách giới hạn của thực tại trần gian, thành công hay thất bại cũng chẳng là điều gì lớn lao lắm, thì người ta khao khát được bước vào một thế giới mới, trong đó, cuộc sống con người được nối liền với vĩnh cửu, với một thực tại lớn lao và sâu xa hơn.

3. Gặp gỡ Chúa Giêsu

Kitô giáo, tự bản chất, là một cuộc gặp gỡ với đức Giêsu chứ không phải chỉ là một hệ thống giáo lý. Hơn nữa, cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu là một sự sống, chứ không phải chỉ là một “dị vật” trong quĩ đạo sống, không phải một mảng sinh hoạt có đó, lù lù ra đó, nhưng không hề có “mạch máu” nuôi dưỡng các sinh hoạt khác, cũng chẳng tăng trưởng, chẳng thăng trầm. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu không phải giản lược thành một sinh hoạt bên cạnh các sinh hoạt khác, nhưng phải thực sự là một đời sống, có khả năng lớn lên, thâm nhập vào các lãnh vực khác; tạo nên năng lực, tạo nên ý nghĩa siêu nhiên cho những sinh hoạt khác, soi sáng những quyết định, nhưng lựa chọn trong mọi lãnh vực khác.

Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, trong Thánh Thần của Ngài, trước hết cần được diễn ra trên hành trình đức Cậy; nghĩa là, như dân Ít-ra-en xưa, giúp ta giải quyết các sự việc trên hành trình cuộc sống trong sự trung tín với giải pháp, với lời chỉ dẫn của Thánh Thần Đức Kitô; điều đó không là gì khác hơn việc làm triển nở men Tin Mừng, làm lớn lên hạt giống Tin Mừng trong lòng cuộc sống hiện tại.

Cuộc gặp gỡ đích thực với Chúa Giêsu có thể và cần phải giúp cho người mục tử làm lan toả niềm vui, lay lan niềm hy vọng, thể hiện sức sống tâm linh. . .  khác với lý lẽ và cũng khác với những sinh hoạt tôn giáo rầm rộ hoặc chỉ là hình thức bề ngoài. . .

Tạm Kết

Hãy bắt đầu bằng dâng lên Chúa một chút thiện chí qua việc tuân giữ một “kỷ luật” tâm linh riêng của mình {mỗi ngày tự nguyện {không phải chỉ là giờ giấc phụng vụ chung} chu toàn một việc nào đó {viếng Chúa, Kinh Mân Côi, suy niệm Lời Chúa…}.

Cuộc gặp gỡ bao giờ cũng diễn ra trong qua trình “đắp đổi”, khởi đầu bằng việc dâng tặng cho nhau một chút thiện chí, đáp lại tấm lòng của nhau và mỗi ngày mỗi đắp đổi để thăng tiến hơn . . .

Hãy nhận ra lời nhắc nhở, sự can dự của Chúa trong cuộc sống, trong công tác hằng ngày. Đối với người Kitô hữu, mọi sự diễn ra không phải là chuyện hên xui, không  chỉ là tại lỗi lầm của người này, tại trục trặc của người kia, nhưng là những dấu chỉ để ta biết đáp lại bằng một sự lựa chọn thái độ theo Thần Khí của Đức Kitô; cũng có nghĩa là theo ánh sáng của Tin Mừng đức Giêsu Kitô.

 

* Tác vụ Lời

Đọc Lc 24, 13-35

 

[1] Xc. Alain Laurent, Lịch sử Cá nhân luận, Bộ sách giới thiệu những kiến thức thời đại, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội 1999, Henri Mendras cho rằng “cá nhân luận đã thực hiện được những tiến bộ đến mức nó không còn là một hệ tư tưởng mà là một cách tồn tại chung của mọi người”, lời giới thiệu, trang 3.

[2] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Từ Những biểu hiện về vấn đề đạo đức hiện nay, cần nhìn lại vấn đề bản chất con người. Nguyện san Công Giáo và Dân Tộc số 126, tr. 23-25 : trong xã hội hiện đại “vai trò cá nhân được hình thành và được tôn trọng. Mỗi cá nhân có thể tự “bức phá” những hệ thống phân cấp để lao vào cuộc “chạy đua xạ hội”. Tính thụ động, tính đồng nhất nhóm không còn là yếu tố chính, nhưng tính cá nhân, độc lập càng ngày càng được đề cao. Tinh thần cầu tiến, cung cách làm việc hiệu năng, có chuyên môn cao . . .  dần dần trở thành những yếu tố “cạnh tranh” với tinh thần chỉ đề cao đạo đức cũng như “nề nếp gia phong”.

[3] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Những Căn Bệnh Trầm Kha trong Đời sống đức Tin Công giáo tại Việt Nam, “Đạo” Sinh Hoạt.

[4] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Từ những biểu hiện của tình trạng đạo đức hiện nay, cần trở lại với vấn đề bản chất con người, nguyệt san Công Giáo và Dân Tộc, số126, tr. 33-36.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31