TĨNH TÂM NĂM ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: BÀI 3: AM HIỂU VÀ CẢM THÔNG ĐƯỢC NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI KITÔ HỮU
Từ ngày 26-31/10/2020, quý Thầy Đại Chủng viện Huế bước vào cuộc tĩnh tâm năm hằng năm. Năm nay, cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P., giảng tĩnh tâm cho các Thầy với chủ đề “Vài thách đố của đời linh mục”. Chúng tôi xin lần lượt đăng lại các bài giảng rất thực tiễn của ngài. Dưới đây là bài giảng thứ ba:
Bài III : Am hiểu và cảm thông được những khó khăn trong đời sống người Kitô hữu
1. Bầu khí thời đại
Trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ II, có một số linh mục Pháp bị bắt làm tù binh trong các trại của lính Đức, một số linh mục khác thì lẩn trốn trong môi trường các người thợ; chính kinh nghiệm sống sát với những người dân như thế đã làm nẩy sinh một ý thức sâu sắc về tình trạng rời xa đời sống đức tin của những người lao động. Kinh nghiệm ấy, nối tiếp những kinh nghiệm của các phong trào Công giáo Tiến hành từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, làm nẩy sinh một phong trào mạnh mẽ phát triển mau lẹ, phong trào linh mục thợ mà cuốn tiểu thuyết “Các Thánh xuống Hoả Ngục” {Les saints vont en enfer, 1952} Gilbert Cesbron của nhà văn mô tả một cách thú vị.
Kinh nghiệm ấy, mặc dù có nhiều va vấp và đức Pio XII đã ra lệnh {1954} rút các linh mục trở về nhiệm sở cũ; nhưng dẫu sao cũng gióng lên nhu cầu hiểu được cuộc sống, chia sẻ những khó khăn của cuộc sống con người nhiều hơn.
Sau Công Đồng Vatican II mà tinh thần là mở cửa, am hiểu cuộc đời, thì ở Việt Nam, trong chương trình huấn luyện các tu sĩ, chủng sinh cũng thêm vào chương trình thực tập. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, hình như việc thực tập chỉ để trau dồi kinh nghiệm cho khả năng của người tu sĩ chủng sinh hơn là để hiểu hơn, cảm thông hơn những khó khăn, khúc mắt tế nhị trong cuộc sống thật của con người. Kinh nghiệm của Giáo Hội “mở cửa” để đón nhận những vui buồn trong cuộc sống hằng ngày hình như đã không được đào sâu cho đủ.
“Vui Mừng và Hy Vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngay nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” {MV 1}
Bằng chứng là quan tâm của các linh mục về hội đoàn cho thấy các giáo xứ hầu như chỉ có “hội đoàn đạo đức”, nghĩa là cùng lo việc nhà thờ chứ không đẩy mạnh cách sống Tin Mừng giữa lòng xã hội. Ở Việt Nam hầu như không có Công giáo Tiến hành thực sự. Linh đạo của người giáo dân có “tính trần thế”[1], linh đạo ấy đã không được các linh mục hướng dẫn, nên có tình trạng chia lìa giữa đời sống tin và sinh hoạt thường ngày; và công đồng Vatican II coi sự chia lìa này là một những vấn đề nghiêm trọng nhất như chúng ta đã nói.
Nhất là người linh mục rất dễ rơi vào thái độ không còn biết cảm thông và dần dần trở thành một nhà quản trị hơn là mục tử. Tư cách của người linh mục thường khiến người giáo dân sợ hãi, hoặc kính như viễn chi. Ít người có đủ can đảm để chia sẻ những khó khăn trong đời sống gia đình, xã hội với linh mục. Chính vì không nghe được, không cảm được hoàn cảnh của người tín hữu, các linh mục rất dễ la mắng, thích tổ chức trật tự, rợp ràng cho mọi sinh hoạt. . . và những người có ưu tư, có tâm sự, có hoàn cảnh khác biệt… thường bị loại ra . . .
2. Tìm lại ý nghĩa giá trị của trần thế
Thật ra, xương sống của lịch sử ơn cứu độ chính là cuộc sống thật của con người. Chính vì nhận ra những trục trặc, những đau khổ, những tai hoạ trong cuộc sống mà các thánh ký đã suy tư, đã nhận được ánh sáng linh hứng của Thần Khí để viết nên 11 chương đầu của sách Sáng Thế. Những chân lý mặc khải về tội lỗi, về lời hứa cứu độ, không phải là những chân lý “từ trời rớt xuống”, nhưng là những chân lý được nẩy sinh từ ưu tư về cuộc sống, những chân lý được Thiên Chúa soi chiếu cho cuộc sống thật của con người. Lịch sử ơn cứu độ không là gì khác hơn chính lịch sử trần thế của Dân Israel được Thiên Chúa can dự và hướng dẫn. Lịch sử ơn cứu độ chính là những giải pháp cho từng hoàn cảnh lịch sử thực tế, những giải pháp được Thiên Chúa soi dẫn và được đáp lại với lòng trung tín.
Trong lịch sử Giáo Hội, chúng ta hiểu rằng chính những quan niệm siêu thoát kiểu Platon và Plotin, được thánh Au Tinh triển khai, đã khiến cho Giáo Hội, trong một thời gian dài, chỉ biết đến những chuyện thiêng liêng và kết án cuộc sống trần thế nói chung.
Hiện nay, rất nhiều giáo hữu và linh mục vẫn còn lầm lẫn, trong lý thuyết hoặc trong thực hành ý nghĩa của trào lưu trần tục hoá với thái độ duy thế tục. Trào lưu trần tục hoá {sécularisation} được Công Đồng Vatican II chuẩn nhận với tính cách độc lập hợp pháp[2]; trào lưu này có thể là một cách thức nhận biết Thiên Chúa, khác với trào lưu duy thế tục {sécularisme} muốn loại trừ hoàn toàn Thiên Chúa. Chính sự lầm lẫn này khiến cho linh mục ít quan tâm đến những vấn đề hằng ngày, vấn đề cơm áo gạo tiền của người giáo dân và lời giảng cũng dễ trở thành những đòi hỏi có tính luân lý, nghĩa là chụp trên đầu người tín hữu những đòi hỏi không thể sống được; chứ không phải đồng hành, nghĩa là khởi đi từ sự cảm thông với tình trạng khó khăn, va vấp thật sự của từng con người để từ đó nâng đỡ họ tiến lên.
Ngay trong thông điệp đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng của mình, thông điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người, đức Gioan Phaolô II đã khẳng định :
“Con người, đó là con đường đầu tiên mà Giáo Hội phải đi qua khi làm tròn sứ mệnh của mình : con người đó là con đường đầu tiên và con đường căn bản của Giáo Hội, con đường do chính đức Kitô vạch ra, con ường mãi mãi đi xuyên qua mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc” [3].
Đướng hướng đó không ngừng được lặp lại, trong giáo huấn của đức Gioan Phaolô II. Chúng ta đọc thấy trong Thông Điệp Bách Chu Niên của ngài trong chương VI, chương “Con người là con đường của Giáo Hội” những lời khẳng định rằng Giáo Hội chẳng những quan tâm đến con người nói chung, nhưng còn phải quan tâm đến giá trị độc đáo của mỗi con người, quan tâm đến từ hoàn cảnh cụ thể của mỗi con người :
“Do đó, Giáo Hội không thể từ bỏ con người, vì mỗi con người đều nằm trong mầu nhiệm cứu chuộc và qua mầu nhiệm này, Đức Kitô đã mãi mãi liên kết với từng người. Do đó, Giáo Hội không thể từ bỏ con người, và “con người” là con đường đầu tiên Giáo Hội phải đi qua để chu toàn sứ vụ của mình {…}, con đường này đã được chính Đức Kitô vạch ra, đó là con đường nhất thiết đi qua mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm cứu chuộc. Đó là nguyên tắc và là nguyên tắc độc nhất gợi lên giáo thuyết của Giáo Hội về xã hội. Nếu Giáo hội đã dần dần triển khai giáo thuyết đó một cách có hệ thống, đặc biệt kể từ thời điểm mà chúng ta đang kỷ niệm, chính là do học thuyết phóng phú đó của Giáo Hội đã nhắm đến con người trong thực tế cụ thể của họ là tội lỗi và công chính”[4]
Cuối cùng, trong đường hướng Công Công đồng Vatican II, chúng ta biết Giáo Hội tìm cách hiểu lại ý nghĩa thực tại Cánh Chung, và điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cách sống đời sống đức Tin của người Kitô hữu.
Khác với Nhất Lãm và Phaolô, Tin Mừng Gioan không nói đến “Triều đại Thiên Chúa” (Trừ ở Ga 3,3-5.) và cũng chẳng nói tới sự “Quang lâm của Con Người” từ đám mây trời. Thực tại cánh chung theo Gioan không còn qui chiếu vào một thời điểm [tận thế] hay khung cảnh cánh chung [trời mới đất mới, vũ trụ thay đổi] mà là những thực tại “bây giờ” (Gioan dùng rất nhiều từ “giờ đây”; Xc. Ga 3, 16-21, 35-36; 5, 24-25; 6, 46-47; 9, 39-41; 12, 31.44.46.). Sự sống vĩnh cữu cũng như sự xét xử thế gian đang diễn ở đây và lúc này, khi người ta chấp nhận hay từ khước tin vào Đức Kitô:
“Thật Tôi bảo các ông: ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi vị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống. Thật tôi bảo các ông: giờ đã đến – và chính lúc này đây – giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống” [Ga 5, 24-25].
“Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian. Giờ đây, thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài” [Ga 12, 31]
Như thế, trong Tân Ước, người ta đã thấy nhiều yếu tố nêu lên sự hiện diện của thực tại cánh chung giữa lòng lịch sử. Phán xét, Phục sinh, đời sống vĩnh cửu, sự hòa giải con người với nhau, đời sống thân mật với Thiên Chúa… đó là những yếu tố của một tạo thành mới đã khởi đầu ngay trần gian này. Tất cả tạo thành chỉ còn chờ đợi “Ngày của Chúa”, không phải như một thời điểm chấm dứt tất cả mọi sự, nhưng như một sự biến đổi để hoàn tất và mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho tất cả lịch sử nhân loại cũng như cho tất cả sự tiến hóa của vũ trụ.
Trong chiều hướng ấy, Hiến chế tín lý về Giáo Hội khẳng định:
“Như thế, thời đại cuối cùng đã đến với chúng ta rồi vậy [Xc. 1 Cr 10,11}… chúng ta, những người đang sống trong thời đại sau hết này” [1 Cr 10,11].). Việc canh tân thế giới được thiết lập một cách bất khả phục hồi và thực sự đã bắt đầu một cách nào đó ngay từ bây giờ, vì Giáo Hội trên mặt đất đã được trang điểm bằng sự thánh thiện đích thực, tuy chưa hoàn hảo. Dù vậy, cho tới khi có trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị [Xc. 2 P 3,13], Giáo Hội lữ hành mang khuôn mặt chóng qua của thời này, qua các bí tích và định chế là những điều thuộc thời đại này. Và Giáo Hội vẫn sống giữa các thụ sinh tới này còn rên siết và quằn quại trong cơn đau đớn lúc sinh con, và mong đợi con cái Thiên Chúa xuất hiện [Xc. Rm 8, 19-22]” [MV 48c]
Hiến chế Mục vụ góp phần làm sáng lên khẳng định này khi xác định đường lối mở cửa của Giáo Hội để đón nhận lấy những ưu tư trăn trở của nhân loại [xc. MV 1]. Giáo Hội nhìn nhận những giá trị tích cực của cuộc sống và cũng nhận ra trách nhiệm, theo mệnh lệnh của Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần, để kiện toàn những giá trị nhân bản, hướng về Ngày của Chúa:
“Thực vậy, sau khi đã theo mệnh lệnh Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần phổ biến trên trái đất tất cả các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ và tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt đẹp do bản tính và hoạt động con người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng được thanh tẩy khỏi tì ố, được chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô giao hoàn lại Chúa Cha vương quốc vĩnh vữu và đại đồng: “Vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và ân phúc, vương quốc công bình, yêu thương và hòa bình” [Kinh tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua]. Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa đến” [MV 39c].
Như thế, Nước Trời đã có mặt, nhưng ở dạng “hạt”, dạng “men”, đó chính là những giá trị Tin Mừng, những giá trị được công bố, chẳng hạn, trong Bài giảng Trên Núi [Mt 5,1 – 7,29]. Những thái độ hiền từ, xót thương, thứ tha, trân trọng những người bé mọn… không phải chỉ là những phương cách chịu vậy để đổi lấy nước Thiên đàng mai sau, nhưng trước tiên chính là những hạt men cần được gieo vãi, cần được vun trồng, cần được vùi vào đấu bột trần gian để biến đổi bộ mặt trần gian và làm cho trần gian được trở thành Nước Thiên Chúa:
Như thế, sống trong Giáo Hội, người Kitô hữu luôn là người tha thiết với Nước Trời và, ngược với quan niệm trước đây, chính niềm tha thiết này thúc đẩy người Kitô hữu tích cực tham dự vào lịch sử, tích cực xây dựng cuộc sống để chuẩn bị cho Nước Trời mau đến:
“Chúng ta được cảnh giác là lời lãi cả thế gian mà chính mình hư mất nào ích lợi gì. Nhưng sự trông đợi trời mới đất mới không được làm suy giảm, trái lại phải kích thích nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà Thân Thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một vài hình ảnh của thời đại mới. Bởi vậy, tuy phải phân biệt rõ rệt những tiến bộ trần thế với sự bành trướng Vương Quyền Chúa Kitô, nhưng những tiến bộ này trở thành quan trọng đối với Nước Thiên Chúa tùy theo mức độ chúng có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội lòai người cho tốt đẹp hơn” [MV 39b].
3. Thái độ người mục tử
Cha Timothy Radcliffe, nguyên bề trên Tổng Quyền Dòng Đa Minh, trong bài nói chuyện tại Hội nghị Quốc Gia về Giới Linh Mục tại Trường Học Digby Stuart, Roehampton, Anh quốc, ngày 17-9-2002 nói rằng :
“Theo Cựu Ước, sự thánh thiện được hiểu như là sự tách biệt thiên chức ấy ra khỏi tất cả những gì là ô uế và bất toàn. Vị thượng tế không được đến gần thây chết, còn nếu anh muốn không cho địch thủ trở thành vị thượng tế thì anh chỉ việc khôn khéo tiến đến và cắn đứt tai của y! Thế nhưng, trong thư Do Thái, chúng ta còn khám phá nhãn quan về sự thánh thiện này được đảo ngược hoàn toàn. Sự thánh thiện của Đức Kitô được biểu tỏ trong việc Người ôm ấp tất cả chúng ta, và trong đó có cả những bất toàn tội lỗi của con người chúng ta nữa. Sự thánh thiện của Người biểu lộ không phải ở cõi xa vời nào đó, nhưng mà rất gần gũi chúng ta biết dường nào. Sau hết, đỉnh cao nơi tác vụ thánh thiêng của Người chính là khi Người ôm trọn cả cái chết, vốn là cái ô uế nhất, để rồi chính Người đã trở thành một thây chết. Vì vậy, bên ngoài cổng thành Đức Giêsu cũng chịu khổ đau hầu thánh hóa dân chúng bằng máu Người. “Vì thế chúng ta hãy đến với Người bên ngoài lều trại và mang lấy mọi sỉ nhục Người đã lãnh chịu” (Dt 12,12).
Từ ý hướng đó, cha kể cảm nhận của mình về một biến cố ồn ào trong lịch sử, cái chết của hồng y Danielou :
“Hồi tôi còn là sinh viên ở Paris, đức Hồng y Danielou đã gục chết ngay trên cầu thang khi ngài đang trên đường đến thăm một cô gái điếm. Thế là báo chí đồn thổi khắp nơi những lời lẽ nói cạnh nói khoé dưới sự tò mò của dân chúng. Tuy nhiên theo như tôi nhận thấy, ngài đúng là một vị vừa thánh thiện vừa là một linh mục tốt lành làm sao. Một cách nào đó, có lẽ đấy mới chính là chỗ tốt nhất cho đức Hồng y đó chết”.
Rồi trong bài nói chuyện thứ hai, cha cho thấy nỗi đau của đời linh mục, nỗi đau của một vị thế trung gian, vừa trung thành với giáo huấn của Giáo Hội mà mình là người đại diện, vừa dám can đảm đặt mình vào những hoàn cảnh khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua của người tín hữu mà mình được trao phó trách nhiệm :
“Chúng ta được gọi mời để công bố tin vui và giáo huấn của Giáo Hội. Tuy vậy, có thể chúng ta nhận thấy rõ những gì mà chúng ta hướng dẫn thì hình như quá ư là xa vời với những gì mà giáo dân của chúng ta trải nghiệm, chúng xem ra khó hiểu và chẳng thực tế chút nào. Có lúc đôi mắt của họ xem ra đờ đẫn chẳng có một chút gì là sinh động cả.
Tình trạng này rõ nhất khi chúng ta hướng dẫn về luân lý, đặc biệt là về vấn đề tính dục.{…}
Ở đây tôi không có ý chúng ta cần phải đặt lại tính xác thực trong lời giảng dạy của chúng ta, tôi chỉ muốn nêu vấn nạn tại sao những lời chúng ta giảng dạy lại khó hiểu đối với họ đến thế. Có thể chúng ta yêu mến những lời giáo huấn luân lý Giáo Hội và còn xác tín nữa là đằng khác, nhưng tại sao chúng ta vẫn cảm thấy nản lòng nản chí vì nhận thấy có một hố thẳm quá lớn giữa một cái nhìn luân lý mà chúng ta được mời gọi rao giảng và cuộc sống thực tại của những người mà chúng ta đang sống với và sống cho đó. Nào, bây giờ chúng ta hãy cùng nhau đối diện với vấn nạn này. Nếu chúng ta thành tâm thực sự, thì có lẽ phần lớn chúng ta phải thú nhận rằng chúng ta cũng chẳng có khá hơn họ là bao khi chúng ta đặt mình vào trong hoàn cảnh của họ. Phần tôi, tôi chắc chắn rằng, tôi cũng như thế thôi, và còn tuyệt chiêu nữa là đằng khác !”
Thật sự công việc loan báo Tin Mừng không phải chỉ đơn giản, một chiều, nghĩa là công bố những gì mình học được, mình biết được trong giáo huấn của Chúa và của Giáo Hội, nhưng còn phải biết lắng nghe những phản hồi, những tình hưống bi thương của thực tế cuộc sống. Chỉ trong nỗi đau đó mà người mục tử mới có thể đồng hành của dân Chúa trên hành trình tiến đến Nước Trời.
Chính vì thế mà hướng dẫn của người mục tử ngày nay, cũng như trong vấn đề đào tạo nói chung, không thể chỉ là áp dụng nhưng luật lệ chung của tập thể, nhưng chính là đồng hành, nghĩa là khởi đi từ chính trình trạng cụ thể của mỗi con người để từng bước nâng đỡ và hướng dẫn họ. Việc này dĩ nhiên là khó, nhất là trong một giáo xứ quá đông con chiên, nhưng nếu không có chút nào nỗ lực đồng hành, nếu không tỉnh thức với trách nhiệm ấy, thì sứ vụ linh mục cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng lý thuyết suông.
* Tác vụ Lời Chúa
Đọc Ga 4,5-42
——-
[1] Xc. Vatican II, GH, chương IV Giáo dân, số 31 b : “tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân {. . .} . Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tình thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hoá thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin, cậy, mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo thánh ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ”.
[2] Xc. Vatican II, MV 36 : “Nếu sự độc lập của các thực tại trần thế có nghĩa là các tạo vật và các xã hội đều có những định luật và những giá trị riêng mà con người phải khám phá dần dần, sử dụng và điều hoà, thì đòi hỏi một sự độc lập như thế là một việc hoàn toàn chính đáng; đó là điều không những người đương thời đòi hỏi mà con phù hợp với ý muốn của Tạo Hoá {. . .} Hơn nữa, những ai kiên nhẫn và khiếm tốn cố gắng nghiên cứu sâu xa những bí ẩn của sự vật, mặc dù không ý thức, những vẫn được bàn tay Chúa hướng dẫn, vì Ngài là Đấng bảo trì muôn loài và khiến chúng hiện hữu theo bản tính riêng của mỗi loài”.
[3] Gioan Phaolô II, Thông điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người, 4-3-1979, số 14.
[4] Gioan Phalô II, thông điệp Bách Chu Niên,01-5-1991, số 53.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- SÁCH : ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN VÀ ĐÔI NÉT TÂM LÝ CHIỀU SÂU
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ TƯỞNG NHỚ CÁC HỒNG Y VÀ GIÁM MỤC ĐÃ QUA ĐỜI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 2024: “CÓ BIẾT BAO SỰ THÁNH THIỆN KÍN ẨN TRONG GIÁO HỘI!”
- ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI GIEO HY VỌNG CHO NHỮNG NGƯỜI DỄ BỊ TỔN THƯƠNG NHẤT
- THƯ MỜI THAM DỰ NGÀY HỘI NGỘ XUÂN BÍCH 2024