TĨNH TÂM NĂM ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: BÀI 4: LỜI GIẢNG XUẤT PHÁT TỪ ĐỜI SỐNG CHỨNG TÁ
Từ ngày 26-31/10/2020, quý Thầy Đại Chủng viện Huế bước vào cuộc tĩnh tâm năm hằng năm. Năm nay, cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P., giảng tĩnh tâm cho các Thầy với chủ đề “Vài thách đố của đời linh mục”. Chúng tôi xin lần lượt đăng lại các bài giảng rất thực tiễn của ngài. Dưới đây là bài giảng thứ tư:
Bài IV : Lời giảng xuất phát từ đời sống chứng tá
1. Bầu khí thời đại
Đức Gioan Phaolô II từng nói : Con người ngày nay cần chứng nhân hơn thầy dạy, và nếu có cần đến thầy dạy thì đồng thời cũng phải là chứng nhân {Xc. Tông huấn Dạy Giáo lý. . . } . Nhận định ấy có lẽ khá bình thường đối với chúng ta, những người sống trong thế giới quan Đông phương, với mẫu gương là những nhà hiền triết, vừa có kiến thức sâu xa vừa có đời sống gương mẫu. Cha ông chúng ta cũng nói : Lời nói như gió lung lay, gương lành như tay lôi kéo. Tuy nhiên, trong thế giới Tây phương, từ gốc rễ sâu xa của tinh thần Hy Lạp, người ta đã quen với hình ảnh triết gia, những người hiểu biết nhiều; còn việc sống hay không là chuyện của cá nhân. Hơn nữa, có lẽ lời phát biểu ấy nằm trong bối cảnh tình hình của Giáo Hội, nơi mà cũng có không ít những lời giảng không xuất từ cuộc sống nhưng từ tri thức.
Trong thế giới hiện nay, một sự khủng hoảng ngôn ngữ : ngôn ngữ quảng cáo, ngôn ngữ chính trị, ngôn ngữ thương mại, ngôn ngữ lễ giáo . . . làm cho bản chất của ngôn ngữ như một phương tiện bộc lộ bản thân và cảm thông với tha nhân không còn nhiều nữa. Người ta “Nói dzậy mà không phải dzậy”. Người ta đồng ý và chấp nhận với nhau rằng những kiểu nói không đúng sự thật ấy là chuyện bình thường. Khủng hoảng ngôn ngữ là khi mà chẳng mấy ai còn tin vào ngôn ngữ. Điều đó chắc chắn liên hệ sâu xa tới lời loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.
Người linh mục là người, dù muốn hay không, vẫn “phải nói” với cộng đoàn, và điều thúc bách trước mắt là phải nói cho hay. Linh mục là người có “cái miệng to hơn cái tai”; là người thường xuyên phải nói, xuất hiện chỗ nào thì phải nói chỗ ấy. Hằng ngày phải nói, hằng tuần phải nói; trách nhiệm ấy nhiều làm cho người linh mục chỉ còn “đủ thì giờ” để tìm ý tưởng, tìm ngôn từ, để nói cho hay, còn chuyện sống điều mình nói đành để lại đó, chuyện tính sau. Cảm giác ấy lâu dần thành quen, làm sao để nói cho hay, tìm tòi dữ liệu để nói, thú vị với điều mình nói. Ban đầu, người linh mục mới còn một chút áy náy vì mình nói mà chưa làm, nhưng rồi cũng quen dần, điều phải nói ta cứ nói, thậm chí kết án người khác trong lời nói mà không ngờ rằng điều đó thật ra cũng là kết án chính mình {mình cũng chẳng hơn gì}. Thế giới của lời nói, lời giảng trở thành một qũi đạo độc lập, song với với đời sống thường ngày, chẳng liên hệ gì đến đời sống thường ngày của chính mình. Trách nhiệm phải nói thúc bách liên tục khiến ta không còn đủ thời giờ dừng chân để nối một chút điều mình nói với cuộc sống thật của bản thân.
Chúng ta thấy không ít những lời nhận định rằng : nếu người linh mục sống được 50 % điều mình nói, chắc là Giáo Hội đã khác lắm rồi ! Quả thật, người giáo dân chẳng thể hiểu hết những khó khăn của đời linh mục. Nhưng thực chất của vấn đề, có lẽ không phải là do sự hiểu lầm của người giáo dân đối với linh mục mà phải công nhận rằng tư cách của một số linh mục không phải đáng kính trọng. Chúng ta có thể thấy, rất nhiều điều, khi linh mục đứng ở vai trò của cha xứ, thì đòi buộc giáo dân một cách mạnh kẽ, thậm chí kết án giáo dân; nhưng khi chính vị linh mục ấy, đứng ở vai trò của một người bình thường trong cộng đoàn, chẳng hạn trong những buổi họp các linh mục với nhau, thì lại ứng xử hoàn toàn ngược lại; chẳng hạn ngồi lên hàng ghế trên trong những buổi hội họp, chẳng hạn đến trễ trong những buổi họp, chẳng hạn nói chuyện khi có người đang phải trình bày một vấn đề chung . . . . Chẳng hạn các linh mục cũng chẳng yêu thương và tha thứ cho nhau, chẳng hạn các linh mục cũng gian dối trong lãnh vực tiền bạc, cũng bị mờ mắt vì quà cáp, chơi với người giầu, kết án con chiên như thể đó một người không thuộc trách nhiệm của mình . . . .
Mặt khác, căn bệnh chủ quan cũng là một thứ bệnh đặc trưng của người linh mục; bệnh của những người càng ngày càng ít khả năng lắng nghe, càng ngày càng mất khả năng học được những bài học mới từ trong sách vở, trong báo chí, trong chính những biến cố xẩy ra chung quanh và trong cả những “con chiên” của mình. Bệnh chủ quan có lẽ không là gì khác hơn con đẻ của tình trạng nói nhiều hơn nghe, dạy nhiều hơn học.
Nói mà không làm, đó là phản chứng {Xc. Mt 21,28-32}, đó là gương mù {Mt 18, }. . . Phản chứng hoặc gương mù, có một tác dụng hết sức tai hại, chẳng những nó làm cho lời nói không có hiệu quả, nhưng còn làm tiêu tan giá trị đích thực của nội dung lời nói; phản chứng là một sự đánh lừa bị lột mặt nạ; là sự “phá sản” của nội dung sứ điệp.
2. Lời chứng của linh mục
Thành quả thực sự của một linh mục chăm lo mục vụ giáo xứ để lại cho người giáo dân không phải là những bài giảng hay, không phải là những buổi lễ long trọng, không phải là những thành tích tổ chức lễ lạc trong một thời điểm nào đó. . . Chính chúng ta cũng từng được nghe những bài giảng hay rồi đã quên đi mất; chính chúng ta cũng từng được tham dự những buổi lễ, những tổ chức, những phong trào những chẳng để lại ấn dấu nào trên hành trình đức Tin của mình.
Thật sư, thành quả đích thực nơi một giáo xứ chính là một truyền thống, một não trạng : truyền thống học hỏi, truyền thống cầu nguyện, truyền thống làm tông đồ, truyền thống bác ái yêu thương trong giáo xứ. . . hoặc một não trạng : trân trọng cuộc sống trần gian, sống đạo gắn liền với trách nhiệm trong gia đình và xã hội . . . Những điều để lại như thế không thể có được khi mà linh mục chỉ nói mà không làm, giảng và không sống. Chỉ khi chính linh mục đã thực sự thấm nhuần những giá trị ấy thì mới có thể trở nên một chứng nhân đích thực cho Tin Mừng.
Hơn nữa, Kitô giáo không phải là một giáo thuyết nhưng là sự sống, sự sống có khả năng tăng trưởng, khả năng hấp thu dưỡng chất của cuộc đời để trổ sinh hoa trái. Nước Trời không phải là giáo lý những là men có khả năng biến đổi hũ bột trần gian; là muối để ướp cho mặn cuộc đời. Anh em là muối . . . Anh em là ánh sáng trần gian . . . Chúng ta có thể nhận thấy tính chất men, tính chất muối ấy trong cuộc đời một linh mục thánh thiện. Mặc dù có bị một số người chống đối, nhưng nói chung linh mục thánh thiện vẫn được sự kính trọng và được đón nhận trong công việc của mình.
3. Đối diện thông thoáng với Chúa và với anh em
Chúng ta có thể nhận ra sự so le giữa lời nói và việc làm của người khác môt cách khá dễ dàng, để nhận ra điều ấy nơi chính bản thân mình thì thật sự là một điều hết sức khó khăn. Ngay cả một tên tội phạm rành rành trước pháp luật hoặc trước lương tri của xã hội cũng vẫn có thể chê trách người khác, vẫn tự hào về một cách thế sống của chính mình. Chính não trạng của mỗi người là điểm qui chiếu của thứ “chân lý” chủ quan ấy, mà não trạng thì chẳng mấy ai tự nhận mình là quá cấp tiến hay lạc hậu. Một ông 50 tuổi có thể thấy ông 60 tuổi là quá già và anh 40 tuổi là quá non; thì anh 40 tuổi cũng lại thấy y như vậy đối với những lớp tuổi trên hoặc dưới mình.
Nhiều khi người ta chỉ mở mắt một lần khi nhắm mắt, nghĩa là sau khi chết. Hoặc là người ta chỉ thực sự mở mắt, thấy rõ về bản thân mình khi rơi vào một tình huống bi đát nào đó. Có nhiều tội phạm chỉ khóc và hối hận khi bị xử án. Thật sự vấn đề chính yếu không phải là việc người ta đã đánh lừa người khác, nhưng là người ta đã tự đánh lừa chính mình. Cái nguy hiểm nhất của bệnh giả mình là chính người ta chẳng nhận ra mình giả hình mà lại cứ tưởng rằng mình thực sự thánh thiện.
Điều đó cho thấy nguồn gốc sâu xa của tình trạng chủ quan, tình trạng nói và làm khi đi đôi với nhau, tình trạng phản chứng, đó là thái độ trốn tránh chính bản thân mình, tự lừa dối chính mình. Triết gia Platon đã từng nói : tình thân hữu với chính mình là điều khó nhất.
Khi người linh mục thực sự đối diện với Chúa sẽ nhận ra con người thật của mình. Đối diện với một Đấng yêu thương vô điều kiện, người linh mục có khả năng nhận định lại vấn đề một cách chính xác hơn; gặp gỡ trong tình yêu đích thực, người ta sẽ gạt bỏ được nỗi sợ bị chê, nỗi sợ không được chấp nhận để có thể chìm sâu đến tận căn của vấn đề; gạt bỏ được những ảo tưởng về bản thân mình, dám chân nhận những thiếu sót của bản thân.
Cũng vậy, khi đối diện một cách thông thoáng với anh em, khi có được những người bạn chân thật có khả năng “mày tao”, có khả năng “chửi” vào mình một cách chân thành và xây dựng, người linh mục cũng có thể có nhiều cơ may để thoát khỏi chiếc mặt nạ danh giá và chân nhận bản thân mình nhiều hơn.
Linh mục cũng là người và cũng đầy dẫy những yếu đuối thuộc về thân phận con người. Tuy nhiên, phản chứng là thái độ hết sức nguy hiểm. Không nhận chân được tình trạng của mình, không thể tiến bộ nhưng càng ngày càng tệ hại hơn trong chiều hướng phản chứng. Ngược lại, nhận ra bản thân mình, người linh mục có nhiều cơ may, nếu không phải là những “đầu máy” mạnh mẽ lôi kéo người giáo dân sống đức Tin, thì ít nhất cũng là người đồng hành, cùng hiểu và giúp nhau thăng tiến chứ không phải là người mà đời sống của mình phá hoại chính lời giảng của mình.
* Tác vụ Lời
Đọc Ga 15, 26 – 16,4a
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- BÀI HÁT: CÚI LẠY CHÚA TÔI
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 1
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: GẶP GỠ CHÚA GIÊSU NƠI ANH CHỊ EM CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: MANG ÁNH SÁNG TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG CỦA CHÚA CHO THẾ GIỚI
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II SAU LỄ GIÁNG SINH: HÃY TRỞ THÀNH SỨ GIẢ CỦA NIỀM HY VỌNG
- MỞ CỬA THÁNH CỦA VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHAOLÔ NGOẠI THÀNH: NIỀM VUI VÀ HY VỌNG CHO NĂM THÁNH
- ĐCV HUẾ: HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG NGÀY ĐẦU NĂM MỚI 2025
- CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG VÀ CÁC NĂM THÁNH: VIỆC MỞ CỬA THÁNH TRONG LỊCH SỬ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: THIÊN CHÚA CHỌN SINH RA CHO CHÚNG TA