TĨNH TÂM NĂM ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: BÀI 5: XÁC TÍN VÀO MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI

Written by xbvn on Tháng Mười Một 1st, 2020. Posted in Linh mục, Tâm linh, Đại Chủng Viện Huế

Từ ngày 26-31/10/2020, quý Thầy Đại Chủng viện Huế bước vào cuộc tĩnh tâm năm hằng năm. Năm nay, cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P., giảng tĩnh tâm cho các Thầy với chủ đề “Vài thách đố của đời linh mục”. Chúng tôi xin lần lượt đăng lại các bài giảng rất thực tiễn của ngài. Dưới đây là bài giảng thứ năm:

Bài V : Xác tín vào mầu nhiệm Nước Trời

1. Những “giấc mơ” của thế giới

Con người ngày hôm nay có rất nhiều khát vọng. Xưa kia, xã hội không dễ dàng mở ra những con người để vượt thoát số phận, và con vua thì lại làm vua, con sãi chùa lại quét lá đa. Ngày nay thì khác, xã hội, một cách tích cực, mở đường cho những ai muốn thăng tiến; và một cách tiêu cực, vẫn luôn mời mọc, dẫn dụ con người bằng nhiều mơ ước hưởng thụ. Người ta không còn có thể an phận như xưa. Người bạn trẻ thường có những ước mơ : một cuộc sống sung túc; một tình yêu chân thật; một sự bình yên không trắc trở; một sự thành đạt về danh vọng . . .

Thế nhưng, thời đại ngày hôm nay mọi sự đều tiến mau, quá mau ! Những bước tiến bộ ấy giúp thăng tiến cuộc sống con người nói chung, nhưng đồng thời cũng để lại một sự xao xuyến sâu xa, một sự bất an đeo đuổi hành trình con người trong mọi hoàn cảnh. Những bước tiến bộ của xã hội con người có tác dụng thách đố và phá đổ hết công trình vững vàng của con người : căn nhà cũ tôi trở thành lỗi thời, tài năng của tôi bị người khác đe doạ vượt qua, vị thế của tôi có thể mất, công việc của tôi cũng được đặt trong một sự cạnh tranh khốc liệt . . . . Do đó, con người thời đại này không còn yên ổn với quá khứ nhưng luôn bị thúc bách hướng tới tương lai. Thời nay, việc đi tìm nguồn gốc không phải là điều thúc bách như là nỗ lực hình thành tương lai. Tương lai trở thành thách đố căn bản.

Cuộc đời vốn đã không đơn giản : mơ ước của con người cũng thường trở thành ảo vọng vô vọng; ngay cả khi đạt được mơ ước, người ta lại thấy hụt hẫng vì giấc mơ và thực tế không hoàn toàn giống nhau. . .  Thế nhưng, trong bầu không khí thị trường ngay nay, cuộc đời ấy lại càng không đơn giản; khao khát thăng tiến trở thành một cuộc cạnh tranh, đấu tranh. Để thực hiện ước mơ của mình, trong những hoàn cảnh khắt nghiệt, người ta thường phải làm tất cả, không trừ cả những phương cách bất chính. Nhiều khi những phương cách ấy lại trở thành như qui luật bình thường của của cuộc sống.   

Ngày nay, mấy ai có thể chống lại trước cám dỗ của qui luật thị trường ? Mấy ai biết tự lượng sức mình, tự tìm thấy bình yên trong hoàn cảnh của mình ? Khao khát thăng tiến là cần thiết; nhưng có lẽ, trước bao nhiêu xao xuyến và đổ vỡ, con người cũng cần biết “an vui trong số phận”; nghĩa là trong khi tìm cách thăng tiến, vẫn giữ được sự bình an trong tâm hồn mình.

Quả thật trần gian chưa phải là Nước Trời, và con người vẫn luôn có nguy cơ trượt từ một thứ thế gian theo nghĩa tốt, theo nghĩa là cuộc sống Chúa ban cho, để rơi vào một thứ thế gian của satan. Trần gian vẫn mời mọc những giấc mơ đẹp, kèm theo đó là những qui luật sống, qui luật đấu tranh của satan.  Qui luật thế gian ấy nhiều khi còn xâm lấn vào cả trong những “lãnh địa thiêng liêng” của Nước Trời : trong điều hành giáo xứ, trong cơ chế của giáo phận, trong ơn gọi, trong tác vụ linh mục, trong sứ vụ mục vụ  . . .

 2. Tin vào mầu nhiệm Nước Trời

Thiên Chúa trân trọng ước vọng của con người; nhưng Thiên Chúa không thiết lập một vương quốc trần thế; “Nước Ta không thuộc về thế gian”. Thiên Chúa thoả mãn ước vọng của con người bằng cách thiết lập Nước Trời; một trời mới đất mới, một thế giới hoà bình, một tình yêu đại đồng, một lòng quảng đại để chấp nhận nhau vô điều kiện.

Tin vào Chúa Giêsu cũng là tin tưởng vào Nước Trời mà Chúa Giêsu loan báo. Khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu công bố Hiến chương Nước Trời {Mt 5-7}, nơi đó, Chúa Giêsu hiện diện giữa ước mơ của con người, và chính Thiên Chúa thực hiện ước mơ của con người, theo những tiêu chuẩn khác với con người thường làm.

“Nước Trời đã gần đến”, điều đó không có nghĩa là mai mốt hay vài năm nữa Nước Trời sẽ đến; nhưng ý nghĩa chân chính của lời giảng “Nước Thiên Chúa đã đến gần”, nghĩa là Nước Trời đã có mặt rồi và đang hướng tới chỗ thành toàn. Cùng với sự hiện diện của Chúa Giêsu, Nước Trời đã bắt đầu. Trong tác vụ của Giáo Hội, Nước Trời đang lớn lên; Hiến chương Nước Trời đang trở thành qui luật của thế giới nhân loại.

           Hiến chương Nước Trời làm nên hạt, nên men, nên muối, nên ánh sáng. . .  . để biến đổi trần gian. Nước Trời đã có mặt ở trần gian nơi bản thân Chúa Giêsu; nhưng Nước Trời giống như kho báu, giống như ngọc đẹp, người Kitô hữu cần phải đổi tất cả những phương thức trần gian để chiếm hữu lấy Nước Trời.

Trong hành trình tiến về Nước Trời, người Kitô hữu có thể yếu đuối, sa ngã, nhưng không bao giờ được thất vọng, không bao giờ buông bỏ ngọn cờ Nước Trời dù có ngã xuống bùn rồi.

Cám dỗ của Nước thế gian, của qui luật sống theo thế gian, của những cách ứng xử có vẻ như mang lại thành công trước mắt. . . đó là một cám dỗ nguy hiểm; đó là cám dỗ của Satan đối với đức Giêsu {trình thuật cám dỗ} và dĩ nhiên cũng là cám dỗ đối với môn đệ đức Giêsu. Người mục tử cũng thường bị cuốn theo cám dỗ muốn thiết lập ngay trật tự trong giáo xứ, giải quyết ngay những trục trặc bằng biện pháp của sức mạnh : đòi hỏi người khác thay vì tha thứ; người linh mục cũng không thoát khỏi cám dỗ thờ phượng Chúa bằng nghi lễ, bố thí để thoả mãn danh vọng, trả thù người khác bằng những cách tinh tế nhất. . .

Tin vào Đức Giêsu nghĩa là tin vào cuộc chiến thắng của Ngài đối với thế gian :  “Hãy vững tin, Thầy đã thắng thế gian” {Ga }; nghĩa là tin rằng những qui luật Nước Trời, cụ thể là Bài Giảng Trên núi sẽ là qui luật chiến thắng để xây dựngnên Nước Trời.

3. Thể hiện lòng trông cậy

Nước Trời đã gần đến, điều ấy không phải là một lời kêu gọi từ bỏ thế gian và chuẩn bị để bước vào Thiên đàng; nhưng đò lời “lời kêu gọi của lòng trông cậy”, nghĩa là Tin rằng Nước Trời đã có mặt và đang thể hiện “tính tất thắng” của Nước Trời, nhờ cuộc chiến thắng tử thần của Đức Giêsu. Nước Trời đã gần đến, đó là dám chấp nhận qui luật Nước Trời cho dù trước mắt có bị thế gian ghét bỏ. Nước Trời đã gần đến, nghĩa là tin rằng những men, những muối của Nước Trời có khả năng biến đổi cuộc sống trần gian, làm dậy men bộ mặt trái đất.

Đường hướng Cánh Chung của Công đồng Vatican II nhất thiết gắn liền với thái độ của lòng trông cậy; không phải chỉ như một niềm tin sẽ được lên thiên đàng, nhưng còn là bước đi từng bước trên hành trình trần gian cùng với Chúa Giêsu và mọi chi tiết trong hành trình cuộc sống ấy đều thông hiệp với cuộc tử nạn và Phục Sinh của đức Giêsu để ươm mầm Nước Trời.

Thái độ của lòng trông cậy cũng bao hàm một khả năng đọc được những dấu hiệu của Nước Trời trong cuộc sống hiện tại. Dấu chỉ thời đại của chúng ta bao giờ cũng gắn liền với “dấu chỉ Giôna”, nghĩa là gắn liền với tình yêu lớn lao của cuộc Tử nạn và  mầm sống Phục Sinh của Đức Giêsu. Với nhãn quan của Thánh Thần, người Kitô hữu không bi quan như thể Nước Trời của Đức Giêsu không làm được gì; không thất vọng như thể Nước Trời đang thua cuộc; không “bán than” {than thở} chỉ vì những sự việc đã không diễn ra theo ý của mình. Ngược lại, với nhãn quan của Thánh Thần, người Kitô hữu có khả năng đọc dấu chỉ thời đại trong niềm xác tín vào chiến thắng của Nước Trời và trong những dấu chỉ hy vọng vẫn đang tỏ hiện trên hành trình cuộc đời của mình.

Nước Trời bước vào cuộc “cạnh tranh kinh tế thị trường” với nước thế gian. Người Kitô hữu chân chính không phải lo tìm nước thế gian đồng thời cố gắng giữ lấy một vài giới răn của tôn giáo; nhưng chính yếu là tìm sự phong phú của Nước Trời chứ không phải những giấc mơ của thế gian. “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa”.

 

* Tác vụ Lời

Đọc Mt 13, 44-46

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31