TĨNH TÂM NĂM ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: BÀI 7: ĐỨC ÁI KITÔ GIÁO

Written by xbvn on Tháng Mười Một 1st, 2020. Posted in Linh mục, Tâm linh, Đại Chủng Viện Huế

Từ ngày 26-31/10/2020, quý Thầy Đại Chủng viện Huế bước vào cuộc tĩnh tâm năm hằng năm. Năm nay, cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P., giảng tĩnh tâm cho các Thầy với chủ đề “Vài thách đố của đời linh mục”. Chúng tôi xin lần lượt đăng lại các bài giảng rất thực tiễn của ngài. Dưới đây là bài giảng thứ bảy:

Bài VII : Đức ái Kitô giáo

1. Cám dỗ của thời đại

Xã hội văn minh cũng là xã hội tiêu chuẩn hoá mọi sự. Cách ăn, lời chào, phong thái của một con người muốn hội nhập vào đời sống hiện đại luôn phải rập khuôn vào những tiêu chuẩn xã hội. Xã hội tiêu chuẩn hoá ấy dần dần sẽ làm cho con người ta đánh mất đi bản sắc cá nhân cũng như tạo nên một tiêu chuẩn để đánh giá con người. Sự chân thật “hai lúa” không còn chỗ đứng trong xã hội hiện đại; và người ta cũng không để ý đến cái tâm, cái lòng của con người nữa mà chỉ nhận xét con người qua phong thái phong lưu.

Cũng thế, xã hội  hiện đại cũng là xã hội đòi hỏi hiệu năng. Sự chân thành của con người hoặc thiện chí, hoặc ý ngay lành không còn là những yếu tố quan trọng.

Những điều đó đưa đến nguyên tắc “thuận mua vừa bán” trong mọi lãnh vực, kể cả trong nguyên tắc điều hành trong những lãnh vực có tính chất “tình nghĩa” hoặc thiêng liêng. Giống như vấn đề giáo dục, vai trò của người thầy giáo, muốn cho có hiệu năng, cần phải có nguyên tắc và là những nguyên tắc thực tế : chẳng hạn lương bổng của thầy gíao phải đủ sống  . . .; nhưng cũng chính vì thế mà khó có thể bảo vệ được tinh thần “tôn sự trọng đạo”. Người thầy giáo cần phải, buộc phải thi hành đúng những quy định của nhà trường, của bộ Giáo dục và được quyền lãnh nhận đồng lương tương xứng để lo cho gia đình. Điều đó không còn có thể xây dựng một tình nghĩa tặng không, một tâm tình tri ân; một thái độ tôn sư trọng đạo . . .

           Cũng thế, trong tổ chức của Giáo Hội, dần dần người ta đi đến việc quản trị được tiêu chuẩn hoá và bị đòi hỏi phải đạt được những hiệu năng trước mắt. Điều đó cũng làm cho ơn gọi và sứ vụ của người linh mục càng ngày càng ít dính dáng đến thái độ hy sinh vì đoàn chiên. Khi người ta vạch ra một đường ranh giới của sự công bằng, thì trục công bằng ấy trở thành tiểu chuẩn thu hút và mọi nỗ lực, mọi lựa chọn của người trong cuộc chỉ còn là những vể tinh quay chung quanh; sức mạnh cửa đức ái cũng bị quy định theo nguyên lý công bằng, thuận mua vừa bán.

           Những điều đó không thể không tác động đến tinh thần yêu thương Kitô giáo mà lý tưởng không thể là gì khác hơn : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu” {Ga 15,15}.

2. Thách đố của tình yêu

Đứng trước lời mời gọi của tình yêu, con người có hai giải pháp : một là dấn thân, chọn lấy người mình yêu hơn hết, nghĩa là lập gia đình và hết mình lo lắng, sống chết với những người của mình; giải pháp khác là, như người ta vẫn hiểu, “mở rộng con tim”, mở rộng tâm hồn để đón nhận mọi người, phục vụ mọi người, không có một gia đình riêng cho bản thân mình.

Dĩ nhiên là đường lối nào cũng tốt, tùy vào ơn Chúa gọi đối với mỗi người. Nhưng sâu xa hơn, phải thấy được rằng đường nào cũng có nguy cơ phản lại lời mời gọi của tình yêu chân chính.

– Một đàng là đi vào đời sống hôn nhân để rồi có nguy cơ cứ dần dần giới hạn tâm hồn trong thế giới nhỏ bé của gia đình, chăm chút cho những người thân mà không còn đủ quảng đại với những người khác. Con tim bị đóng khung trong những người “của mình” và không còn dám chia sẻ hết tình với những người đau khổ chung quanh, không còn nhạy bén để biết hiệp thông.

+ Đàng khác thì chọn đời tu, không có gia đình riêng để rồi có nguy cơ rơi vào sống thái độ dửng dưng, không dám dấn thân, không liên đới trách nhiệm, và cũng chẳng biết hoặc ít khi có khả năng đau nỗi đau của bất cứ ai, không dám sống trong sự liên luỵ  với bất cứ ai.

– Một đàng là một thứ tình yêu giới hạn, tình yêu có nhiều nguy cơ loại trừ một số người khác và biến hoá thành một thứ tự yêu mình một cách ích kỷ; thứ tình yêu thường đưa đến chuyện ghen tương, hoặc là bất công đối với người khác để vun đắp cho những người thân của mình. Thứ tình yêu ấy làm cho con cái, lập gia đình riêng và trở nên bất hiếu hoặc vô trách nhiệm với cha mẹ của mình. 

+ Đàng khác lại là thứ tình yêu nửa vời, tình yêu lửng lơ; rồi dần dần biến thành tâm hồn lạnh lùng, thành thái độ nguyên tắc, thành cung cách quản trị chứ không phải thái độ mục tử; và rồi cứ “hồn nhiên” trước đau khổ của người khác, cứ “thanh thản” trước những khó khăn của con người, cứ dễ dàng đòi hỏi, lên án người khác. Thứ tình yêu chung chung này bình thường cũng sẽ đi đến chỗ lựa chọn cho mình một giới hạn vừa với con tim nhỏ bé của mình : cộng đoàn của mình, dòng tu của mình, giáo xứ của mình, hay một người thân của mình. . .

Âu thì chẳng qua đó cũng là mâu thuẫn nội tại trong chính tình yêu thương của con người, mâu thuẫn do trái tim nhỏ bé và yếu ớt của con người; mâu thuẫn vì con người giới hạn mà lại muốn tấp tểnh, hí hửng đi vào khung trời bao la của tình yêu.

Như thế, ta hiểu tại sao một người tín hữu bình thường thì quí mến hết mọi đoàn thể trong giáo xứ; nhưng quí là quí vậy, chứ cũng chẳng thể thấu nổi những khó khăn, những vui buồn của một công tác phục vụ. Đó là tình yêu dửng dưng. Thế nhưng, vì nhiệt thành và muốn dấn thân nhiều hơn, thể hiện trách nhiệm của mình nhiều hơn vào giáo xứ, thế là anh/chị vào một hội đoàn, và bắt đầu nhìn hội đoàn khác với một con mắt đố kỵ. Đó lại là tình yêu loại trừ. Cũng giống hệt như thế, một tín hữu giáo dân luôn quí mến tất cả mọi linh mục tu sĩ, mọi dòng tu, mọi linh đạo. Nhưng khi dấn thân vào một dòng tu, thì anh/chị ta lại bắt đầu nhìn dòng tu khác với một con mắt không còn đầy thiện cảm như xưa.

Ta có thể thấy thái độ của ông Gioan là một thái độ hết sức thường tình, xuất phát từ con tim nhỏ bé và giới hạn của con người.

“Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” [Mc 9,38]

Thái độ cục bộ hẹp hòi ấy không phải là thái độ của những kẻ tầm thường, của những tên vô lại, nhưng là thái độ của những con người ưu tú nhất : Giosuê, người môn đệ thân tín của Mô sê và sau này lãnh đạo Dân Chúa, đã muốn Mô sê ngăn cản En-đát và Mê-đác phát ngôn; và Gioan, người môn đệ Chúa yêu và sau này trở thành vị Tông đồ của tình yêu, đã ngăn cấm “những người không theo chúng ta”.

3. Con đường yêu thương Kitô giáo

Giới hạn của tình yêu là tình yêu không giới hạn, người ta vẫn nói như thế; yêu thương là cho đi, và cho đi đến mức trọn vẹn là cho đi chính bản thân, cho đi chính mạng sống của mình, Tin Mừng đức Giêsu kêu gọi như thế. Tình yêu luôn luôn phải là rộng mở, tình yêu chân chính luôn phải làm cho trái tim con người càng rộng mở và càng yêu thương nhiều hơn… Đó là lý tưởng của tình yêu. Thánh Phêrô khuyên bảo những người đảm nhận trách vụ mục tử rằng :

“Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã trao phó cho anh em : lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành ‘tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng  hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. . .” [1 Pr 5, 4].

Đức thánh cha Gioan Phaolô II có lần nói trong một sứ điệp truyền giáo rằng : tình yêu, đức Tin và sự sống càng chia sẻ thì càng lớn mạnh.

Vâng, những điều thánh Phêrô nói thật lý tưởng, những điều đức Thánh Cha nói thật đúng, nhưng đúng với nguyên tắc, và đó là lý tưởng “còn khuya” người linh mục mới đạt tới hoàn toàn. Qui luật tự nhiên và bi đát của cuộc sống, tính chất giới hạn tự nhiên và giằng co của con tim con người khiến cho hành trình của đời linh mục luôn luôn là leo dốc, hành trình lội nước ngược, hành trình diệu vợi. Hơn nữa, hành trình của người linh mục trong thế cheo leo như vậy lại luôn luôn là hành trình chưa hoàn thành mà lại không cho phép mình an tâm thanh thản.

Thật ra, tình yêu thương là của Chúa, không phải đương nhiên của con người ! Trái tim nhỏ bé của con người không xứng tầm với tình yêu thương đích thực, cho nên cuộc sống con người cũng xẩy ra biết bao nhiêu trục trặc, biết bao nhiêu tội ác từ chính những tâm hồn đòi yêu thương theo trái tim hạn hẹp của mình.

Tình yêu thương là quà tặng thần linh của Thiên Chúa yêu thương mà con người còn phải “học hỏi” nhiều để có thể sống, phải thay đổi nhiều để tập tễnh đi vào con đường yêu thương từng bước nhỏ. Đối người người Kitô hữu, con đường để đi đến với tha nhân là “con đường vòng” : qua đức Kitô để đến với anh chị em của mình. Trong khi mà con đường đến thẳng với tha nhân bị chi phối của xã hội văn minh, bị chi phối bởi qui luật thuận mua vừa bán thì người linh mục, hơn lúc nào hết, lại càng phải tinh ý để gìn giữ nét tinh tuyền của tình đức Kitô.

Kitô giáo là tôn giáo của tình yêu. Tình yêu ấy không phải chỉ là một tình cảm vui buồn, thích thú hay hờn giận,… nhưng đặt nền tảng trên nền tảng siêu hình của hữu thể người, phản ảnh và thông dự vào chính tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là thứ tình yêu vừa “bảo đảm” được tính ngôi vị, lại vừa hiệp nhất trọn vẹn trong một bản tính chung. Đóng góp đặc sắc của truyền thống Do Thái Kitô giáo chính là mối tương giao ngã vị, được thanh lọc tinh tuyền và được nâng lên tới tầm mức siêu hình. Tình yêu Kitô giáo không phải chỉ là một tình cảm trong mỗi người, hay một đức tính nhằm hoàn thiện bản thân, nhưng thiết yếu nhằm thiết lập thông hiệp với ai-khác trên bình diện ngã vị, hợp nhất với ai-khác trong một cộng đồng ngã vị. Chính ngã vị như cánh cửa duy nhất để con người có thể đi vào sự hiệp nhất chân chính với tha nhân và với Chúa; bởi vì con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, và điều được khẳng định trong sách Sáng Thế được sáng tỏ trong mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi mà Tân Ước mới là ánh sáng chân lý toàn vẹn. Ba Ngôi (ngã vị) không bao giờ làm mất đi “bản tính” Một Chúa duy nhất; ngược lại, một bản tính Thiên Chúa duy nhất cũng chẳng bao giờ phá hủy nét độc đáo riêng biệt của Ba Ngôi.

3.1. Đạo “sống-với-ai”

Trước tiên, ta thấy ý nghĩa sống-với-ai là ý nghĩa xuyên suốt trong tinh thần Kinh Thánh và đạo lý Giáo Hội. Ta có thể tóm tắt ý nghĩa sống-với ấy trong hai đoạn văn tiêu biểu: 

1) Ý nghĩa căn bản của phẩm giá con người trong Kinh Thánh : “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”. (St 1,27)

Ý nghĩa nền tảng của đoạn Kinh Thánh này cho thấy vận mạng con người chỉ có thể hoàn thành trọn vẹn khi sống hiệp thông với Chúa và với nhau :

Tiếp nối công trình đào sâu chủ đề “imago Dei” khởi đi từ Công đồng Vatican II, trong các trang sâu đây, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế muốn tái xác nhận cái chân lý về việc con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để có thể hưởng nhận việc hiệp thông cá nhân với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và hiệp thông với nhau trong các Ngài, cũng như để nhân danh Thiên Chúa thực thi trách nhiệm quản lý thế giới tạo vật. Trong ánh sáng chân lý này, trần gian xuất hiện không phải như một thứ gì to lớn nhưng vô nghĩa, mà là một nơi chốn được tạo dựng nhằm vào việc hiệp thông nhân vị“.

2) Trong Tin Mừng Gioan, chữ “như” có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, ý nghĩa căn bản, ý nghĩa thần học của từ “như” phải được hiểu, không phải chỉ là một sự tương tự trong so sánh, nhưng có nghĩa là “nền tảng”, “nguồn gốc”, “phát sinh”. Chẳng hạn :

“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.(…) Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.  (Ga 15,9.12)

Ở đây, không phải là tình yêu của Chúa Giêsu đối với các môn đệ dựa theo khuôn mẫu tình yêu của Chúa Cha với Đức Giêsu; và cũng không phải là tình yêu của con môn đệ với nhau dựa theo khuôn mẫu của tình yêu Chúa Chúa Giêsu với môn đệ. Nhưng tình yêu của Chúa Cha đổ tràn trên đức Giêsu chính là “nền tảng”, “nguồn gốc”, “phát sinh” ra tình yêu của Đức Giêsu với môn đệ; và tình yêu của Chúa Giêsu với các môn đệ là “nền tảng”, “nguồn gốc”, “phát sinh” ra tình yêu của các môn đệ với nhau. 

3.2.  Tình yêu Kitô giáo thiết lập một “cộng đồng ngôi vị”

Một ngã vị hướng tới một ngã vị khác để thiết lập nên một cộng đồng ngôi vị. Nếu chúng ta trở về với một cộng đồng nền tảng là đời sống gia đình, một khuôn mẫu duy nhất trong các cộng đoàn nhân loại có được một phẩm tính riêng biệt : đó là một cộng đoàn các ngôi vị. Nơi gia đình, chúng ta sẽ nhận ra được bóng dáng của ơn cứu độ của Thiên Chúa. Gia đình thiết yếu là một cộng đồng ngôi vị. Tông Huấn đời sống gia đình viết :

 “Gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là một cộng đồng các ngôi vị …”. 

Ta có thể hiểu một “cộng đồng ngôi vị” là nơi mỗi thành viên không chỉ đóng góp tài năng, tiền bạc, đức độ,…nhưng là đóng góp chính “cái tôi toàn vẹn của mình”, cũng như đón nhận toàn vẹn cái tôi của ai khác. Ý nghĩa này cho ta thấy một sự khác biệt sâu xa giữa gia đình với các thứ cộng đồng hay cộng đoàn khác. Nơi xí nghiệp chẳng hạn, ta không đóng góp cái tôi toàn vẹn và người khác cũng không đón nhận toàn vẹn cái tôi của ta. Nơi đó người ta chỉ đóng góp công sức, tài năng…để nhận lại những gì lợi ích cho cái tôi riêng của mình; đó chỉ là những “cộng đồng chức năng”…

Trên trần gian này, chỉ có duy nhất gia đình mới có được phẩm tính của một “cộng đồng ngôi vị”. Khế ước hôn nhân là một khế ước mà hai người “trao thân gửi phận” cho nhau, để liên đới với nhau một cách trọn vẹn. Thật vậy, trong gia đình, các thành viên hiện diện cho nhau với toàn vẹn cái tôi của mình; được chấp nhận và chấp nhận người khác với toàn vẹn cái tôi ấy. Mối liên kết ở mức độ “cái tôi“ vừa làm cho các thành viên có được một “quê hương” để sống trọn vẹn bản thân mình, lại vừa có trách nhiệm trọn vẹn với cả điều tốt và điều xấu nơi cha mẹ, anh chị em của mình; và đây là chính là nguyên tắc của đời sống yêu thương đích thực : 

Tình yêu thương vợ chồng bao gồm một toàn thể tính trong đó có đủ mọi yêu tố cấu tạo nên ngôi vị...”.

Trong cộng đồng ngôi vị ấy, ý nghĩa của sự tôn trọng phẩm giá mới sáng lên rõ nét và chân thật nhất. Tôn trọng là thái độ cơ bản để thiết lập tha nhân như một nhân vị và như một chủ thể đủ tư cách để đi vào cuộc đối thoại, cuộc chơi bình đẳng trong kiếp nhân sinh. Điều quan trọng là, trong gia đình, ngã vị như một nhân vị căn bản ấy được trao tặng và được chấp nhận theo luật “cho không”. Nguyên lý căn bản của cộng đồng ngôi vị là sự tặng không; vì ngôi vị là điều không thể đánh giá, nên không thể trao đổi. Thái độ tôn trọng, khả năng trao tặng và lãnh nhận cái tôi của nhau như thế chắc chắn không phải là kết quả của một bài toán đánh giá “nhân cách”, mà chính là sự chân nhận thứ phẩm giá “bên dưới” nhân cách, đó là chân nhận ngã vị. 

Các tương quan giữa những phần tử trong cộng đồng gia đình được phát triển dưới sự thúc đẩy và hướng dẫn của luật “cho không” bằng cách kính trọng và vun trồng nơi mọi người cũng như nơi mỗi người cái phẩm giá con người như tước hiệu duy nhất có giá trị, trở nên sự tiếp đón nồng nhiệt, gặp gỡ và đối thoại sẵn sàng vô vị lợi, quảng đại phục vụ và tương trợ sâu xa”.

Dưới ánh sáng của tình yêu ấy, ta có thể thấy tình yêu Kitô giáo xây dựng nên một “cộng đồng ngôi vị”, nơi đó mỗi cá nhân “đóng góp” vào cộng đồng chính bản thân mình và đón nhận bản thân của ai khác; nơi đó, mỗi người chấp nhận đi vào cuộc phiêu lưu sống-với ai khác trên một hành trình đầy biến động thăng trầm của lịch sử. Nói cách khác, tình yêu Kitô giáo đặt nền vững chắc trên sự thông hiệp “bản thân và cuộc đời”, gần giống như một thứ “trao thân gửi phận” cho nhau (trao tặng bản thân và đồng hành trọn cả cuộc đời). Vì thế, ta có thể thấy “công thức yêu” Kitô giáo được diễn tả trong giao ước hôn nhân : tôi nhận anh/em làm chồng/vợ, và hứa giữ lòng chung thủy…”. 

Hơn nữa, kinh nghiệm về tha nhân trong đời sống gia đình mang những phẩm tính căn bản của vấn đề tha nhân : đó là một sự trân trọng phẩm giá của mỗi người. Sự trân trọng này làm nên cội nguồn của thái độ đối thoại, tương trợ, chia sẻ, phục vụ…theo quy luật “cho không”. Khi sinh ra, con người đi vào đời với những kinh nghiệm đầu tiên về tha nhân qua đời sống gia đình. Những kinh nghiệm đầu tiên có thể dài ngắn tùy hoàn cảnh mỗi người, nhưng cũng tạo nên được một “ánh chớp” lóe sáng soi chiếu hành trình kiếp nhân sinh. Chính kinh nghiệm về tha nhân trong đời sống gia đình trở nên mẫu mực của mọi tương quan tha-ngã trong đời sống con người. Theo ngôn ngữ của tông huấn, kinh nghiệm ấy như “việc thực tập căn bản”, như “gương mẫu và là một khích lệ” cho các tương quan xã hội :

Như vậy, phát huy sự hiệp thông đích thực giữa những ngôi vị có trách nhiệm trong gia đình trở thành một việc thực tập căn bản và không thể thay thế được cho đời sống xã hội, một gương mẫu và là một khích lệ cho các tương quan cộng đồng mở rộng, được đánh dấu bằng các đức tính : kính trọng, cộng bằng, ý thức đối thoại, tình yêu“.

Như thế, chính những ý nghĩa nhân bản trong đời sống gia đình là lý tưởng cho xã hội chứ không phải ngược lại. Người Kitô hữu không được biến gia đình thành một thứ xí nghiệp nhỏ, với quy luật trao đổi sòng phẳng; ngược lại, cần mở rộng những tương quan nhân bản của gia đình đến các tương quan xã hội mỗi ngày mỗi rộng lớn và vững chắc hơn. Cũng thế, tình yêu Kitô giáo có khả năng thanh luyện và nâng cấp tình yêu con người, và người Kitô hữu cần khám phá tình yêu của Thiên Chúa trên hành trình sống yêu thương giữa con người với nhau.

Do đó, tình yêu “sống với ai” trong tinh thần Kitô giáo nhằm xây dựng nên một “cộng đồng ngôi vị”. Bí tích Rửa tội, là giao ước nền tảng của đời sống đức tin, diễn tả một thực tại nền tảng, Chúa ban Con Một của Ngài để chết/Phục Sinh cho con người, và người tín hữu thì chết đi cho con người cũ để sống cuộc đời như một con người mới. Giao ước ấy khiến cho hai bên “thuộc về nhau”. Ta cũng thấy lối giải thích về “ơn cứu chuộc” hiện nay đã vượt qua lối trình bày biểu tượng của Kinh Thánh và cách lý giải “đền thay” của thánh Anselme, cũng như nền thần học Kinh viện thời Trung Cổ. Thiên Chúa cứu độ con người là “hòa giải”, tái lập lại “tình thân” giữa con người với Chúa và con người với nhau, con người trở nên con của Chúa, được “đồng thừa tự với đức Kitô”… Ta có thể diễn tả thực tại cứu độ ấy là một “cộng đồng ngôi vị”, trong đó các ngôi vị “thuộc về nhau”.  

* Tình thương Kitô giáo xây dựng nên một sự hiệp thông “móng nền” chứ không phải chỉ là sự ăn khớp “kèo cột”; tương tự như anh em với nhau, dù có khác tính tính tình, cãi vã nhau thường xuyên, nhưng vẫn còn thông hiệp trong “móng nền”, một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Trong khi tình nghĩa chúng ta với bạn bè, với “người ngoài” thì thiết yếu phải xây dựng trên sự ăn khớp của tính tình, của phương thức làm việc…mà thiếu nhưng yếu tố ấy thì “cộng đồng chức năng” sẽ sụp đổ.

Con đường yêu thương của người Kitô là con đường vòng : muốn tha thứ thì trước tiên phải đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa trong đức Kitô; Muốn chăn dắt con chiên thì phải yêu mến Chúa Giêsu và từ đó tìm thấy lý tưởng cao vời của đời mục tử; muốn sống chân thật với tha nhân thì phải đối diện với Thiên Chúa, Đấng thấu suốt cõi lòng để có thể buông bỏ được những chiếc mặt nạ giả tạo; muốn phục vụ tha nhân thì hãy để cho đức Giêsu phục vụ mình và  ra đi bằng chính động lực phục vụ đến cùng của đức Giêsu; muốn xót thương người thì hãy nhận ra lòng thương xót của đức Giêsu . . .

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” {Ga 15}. Không có cách nào khác, mọi kitô hữu, đặc biệt là người mục tử, được kêu gọi yêu thương như đức Kitô. “Như thầy đã yêu thương”, điều đó vừa có nghĩa là lời mời gọi vươn lên đến lý tưởng hy sinh mạng sống; vừa có nghĩa là yêu thương bằng chính tình yêu của đức Giêsu tác động trong bản thân mình.

Tạm Kết

Điều căn bản nhất của người mục tử là yêu thương cuộc đời, yêu thương con người và nhất là yêu thương con chiên của mình. Tình yêu thương ở đây không phải là một thái độ luân lý, nhưng bắt nguồn từ một căn bản : thuộc về nhau trong Đức Kitô. Điều quan trọng nhất không phải là nguyên lý luân lý, nghĩa là yêu thương như một đòi buộc của Thiên Chúa; nhưng bắt nguồn từ một thực tại cứu độ : chúng ta được nối kết với nhau và những người thuộc về nhau trong ơn cứu độ. Mầu nhiệm cứu độ được cử hành, được nuôi dưỡng, được nhắc nhủ mãi trong sinh hoạt giáo xứ, trong Phụng Vụ Kitô giáo phải là nguồn mạch để không ngừng thể hiện thực tại cứu độ : chúng ta thuộc về Đức Kitô và nhờ đó, chúng ta được thuộc về nhau.

* Tác vụ Lời

Đọc 15, 1-17

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31