TĨNH TÂM NĂM ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: BÀI 8: ĐỐI DIỆN VỚI THÁCH ĐỐ CỦA THỜI ĐẠI
Từ ngày 26-31/10/2020, quý Thầy Đại Chủng viện Huế bước vào cuộc tĩnh tâm năm hằng năm. Năm nay, cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P., giảng tĩnh tâm cho các Thầy với chủ đề “Vài thách đố của đời linh mục”. Chúng tôi xin lần lượt đăng lại các bài giảng rất thực tiễn của ngài. Dưới đây là bài giảng thứ tám:
Bài VIII : Đối diện với Thách Đố của thời đại
1. Bệnh trầm kha…
Căn bệnh lớn nhất của nhân loại, của Giáo hội và của Giáo hội Việt Nam chính là chủ nghĩa ưu tuyển. Con người với nhau, từ thời xa xưa hay trong thế giới hiên nay, không thể nào thoát được ám ảnh so sánh hơn thua, thực hiện khát vọng khẳng định mình bằng đường lối so sánh và tìm ý nghĩa của đời mình bằng một bằng sự vượt trội của một thứ quyền lực nào đó. Người ta đã từng muốn chứng minh con người trước đây là động vật ăn trái cây, vốn hiền hoà và sống hoà bình với nhau… nhưng khoa khảo cổ lại cho thấy thực tế không thể chối cãi : lịch sử của con người gắn liền với lịch sử việc chế tạo vũ khí, vũ khí săn bắt và vũ khí chiến tranh giữa con người với nhau…
Khi mà con người muốn xác định bản chất của mình là “động vật có lý trí”, bao hàm ý nghĩa con người là động vật biết dùng lời nói để giải quyết vấn đề sống chung với nhau, thì thật ra đó cũng chỉ là một bước tiến về sự khác biệt trong phương thức chứ không thay đổi được bản chất. Dù văn minh đến đâu, con người vấn sống với nhau bằng thái độ so sánh và cạnh tranh. Đây không phải là vấn đề ở tầng xã hội hoặc tâm lý mà người ta có thể tìm cách sửa đổi bằng việc đưa ra một thế chế không còn có giai cấp nữa…nhưng là căn bệnh trầm kha trong chính bản chất người. Đây là vấn đề “siêu hình” của phận người chứ không phải vấn đề biện chứng của hoàn cảnh. Điều ấy cũng phản ảnh sít sao trong lịch sử ơn cứu độ và trong đời sống Giáo hội.
2. Dáng dấp thế giới hiện đại
Thế giới thật ra là một biển bất công, biển bất công mênh mông và bao trùm mà những nỗ lực tìm công bằng kiểu con người chỉ là một chút “sóng bạc đầu” chảy trào và tan biến mau chóng.
Ở tầm mức thế giới, người ta có thể nhận ra sự đảo ngược lớn, sự đảo ngược giữa “phòng thi” và “phòng khám”. Thế giới có nhiều thứ phòng ban. Nhưng ta cũng có thể phác họa bức tranh thế giới trong hai thứ phòng : phòng thi và phòng khám.
Phòng thi thì tìm kiếm “nửa trên” của nhân loại. Thi sát hạch là cuộc thi lọc lựa những người trên điểm trung bình, đương nhiên cũng là gạt bỏ những thành phần yếu kém dưới trung bình. Cuộc thi tuyển lại còn cao cấp hơn nữa, thi tuyển là chọn những con người ưu tú nhất từ trên xuống mà cả nhiều người trên trung bình, hoặc ưu tú vừa phải cũng phải chịu số phận thi rớt. Nơi phòng thi, mỗi người phải tự mình khẳng định mình, và đảm nhận trách nhiệm về đời mình. Phòng thi đưa xã hội vào trật tự có tính thuyết phục, mỗi người phải ở đúng vị trí của mình, theo đúng như tài năng của mình. Phòng thi khẳng định một sự công bằng, đưa tới xã hội phân công hợp lý. Dĩ nhiên phòng thi bao giờ cũng cần thiết cho sự phát triển xã hội. Nhưng phòng thi cũng là nơi người ta làm toán cuộc đời, làm toán trên số phận con người. Phòng thi đưa con người và tình thế bắt buộc phải dấu đi cái dốt của mình, phải che mắt được giám khảo về khiếm khuyết của mình. Phòng thi luôn đặt con người vào nguy cơ phạm tội, nếu không phải là tội gian dối thì cũng thường lại là tội giả hình.
Phòng khám thì ôm lấy “nửa dưới” của nhân loại. Những người đến phòng khám là những người ít nhiều đã lãnh đủ đòn thù bầm dập của cuộc đời. Phòng khám là nơi gặp gỡ của những người đau yếu, những người kém cỏi, những người thất bại trong phòng thi. Những con người ấy cần tới người khác, cần được hiểu cho bệnh tình riêng biệt của mình. Nơi phòng khám, điều bí ẩn nhất cũng cần được bộc lộ, nơi kín đáo nhất cũng cần được mở ra, những triệu chứng phức tạp nhất cần được trân trọng xem xét. Phòng khám là nơi câu chuyện đời được chia sẻ trong lòng khao khát được hiểu, được đón nhận được cảm thông…
Nếu phòng thi là nơi cần thiết cho sự phát triển xã hội, thì phòng khám lại là nơi cần thiết cho con người được là người chân thật. Con người vốn là sinh vật có bệnh và người sống thật nhất là người dám sống với khuyết điểm của mình. Tự đáy tâm hồn, con người khát khao được sống trong phòng khám; nhưng bài toán xã hội lại bắt con người luôn phải bước vào phòng thi.
Xã hội con người chẳng bao giờ bỏ được phòng thi, nhưng đừng nên đặt tất cả cuộc sống con người vào cuộc thi cử. Ngược lại, điều đúng đắn hơn chính là, phòng thi thì cứ thi, nhưng trước cuộc thi, ngoài phòng thi, và sau cuộc thi, thế giới phải là phòng khám. Không phải ở phòng thi, nhưng là ở phòng khám mà người ta nhận ra được tình thương đẹp của con người với nhau, tình thương nâng đỡ từ chân để mọi người tìm được chỗ đứng thỏa lòng, cho dù là năng lực và đức độ không bằng ai.
Đức Giêsu tuyên bố : “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” (Lc 5,31-32). Sứ mệnh chính yếu của đức Giêsu là thực hiện điều đã được tiên báo trong sách ngôn sứ Isaia : “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”. (Mt 8,17)
Sự so sánh hơn thua, nỗi lo không được đón nhận… đã biến thế giới này thành một phòng thi khắc nghiệt : môn thi tài năng, môn thi địa vị, môn thi sắc đẹp…, và môn khắc nghiệt nhất là môn thi nhân cách…
Con người dường như không thể bỏ đi bệnh “làm toán”. Con người muốn chấm điểm bản thân mình và chấm điểm người khác, thứ chấm điểm chẳng bao giờ công bằng; vì người ta luôn rơi vào tình trạng nhân cách yếu : khoan dung cho mình mà lại đòi hỏi người khác. Khi người ta được lợi trong bài toán bất công, người ta muốn cuộc đời là một phòng thi. Đó là thái độ của người giầu, người ưu tuyển. Chỉ khi người ta rơi vào tình trạng bất lợi, bị vùi dập, bị chà đạp, bị loại bỏ… thì người ta mới dễ nhận ra nỗi khao khát về một “phòng khám bệnh trong cuộc đời”… Đây lại là tâm tình sâu xa của những thân phận nghèo.
Trong cuộc đua của cuộc đời, con người được/bị đặt vào thế cạnh tranh. Cuộc đời không còn là phòng khám, mà hình như cũng không còn là một cuộc thi sát hạch, mà là bầu khí của một cuộc thi tuyển. Sự tiến bộ của người khác luôn hàm chứa nguy cơ bản thân mình bị loại bỏ. Có một diễn viên sáng chói, tôi buộc phải đóng vai phụ; đội bóng mua được một cầu thủ xuất sắc, những cầu thủ khác có nguy cơ phải ngồi ghế dự bị… Công ty nào, tổ chức nào, hiệp hội nào, dòng tu nào, thì cũng luôn cần những con người xuất sắc và xuất sắc hơn nữa, luôn cần những con người tài năng và tài năng hơn nữa… Ở đỉnh cao cuộc đời, luôn là một cuộc chiến không khoan nhượng, cuộc chiến bi đát mà sự sống của người này phải kéo theo cái chết của người khác, sự thăng tiến của người này đòi buộc sự thụt lùi của người khác… Thế giới trên đỉnh cao cuộc đời y hệt cuộc ganh đua của các hoàng tử để được vua cha truyền ngôi…
Trong khi đó, cuộc sống ở đáy cuộc đời lại là một sự chia sẻ sớt chia thông thoáng hơn nhiều. Chị ngã em nâng, lá lành đùm lá rách, tối lửa tắt đèn…, nơi đó sự cảm thông dễ dàng hơn nhiều. Khi sự hiện diện của tha nhân không phải là một sự đe dọa, tha nhân không phải là “địa ngục”, bao nhiêu nét dễ thương và đáng thương, của tha nhân lại tỏ lộ rõ ràng hơn bao giờ hết. Lạ lùng hơn nữa, thái độ cúi xuống những thân phận trần trụi lại thường làm nẩy sinh tâm tình thương cảm. Ở cùng đáy cuộc đời, con người bỗng bừng tỉnh khỏi cơn say thăng tiến để tìm khát vọng yêu thương, khát vọng được chấp nhận như một ơn huệ tặng-không.
Nhưng đừng tưởng lầm Kitô giáo là nơi ve vuốt ủy mị làm tiêu tan sức mạnh vươn lên. Đừng tưởng rằng Kitô giáo là thuốc phiện để quên đi nỗi khổ trước mắt và chạy trốn vào một thế giới giả tưởng. Để lặn được xuống tầng sâu của phòng khám, con người cần có, đúng hơn là cần được củng cố trong tình yêu Thiên Chúa, để có một nhân cách mạnh. Nhân cách mạnh chính là : đòi hỏi mình và khoan dung cho người khác. Ngược lại nhân cách yếu là kẻ khoan dung cho mình mà lại đòi hỏi người khác. Người nhân cách mạnh luôn hiểu ra chính mình đã không trung tín làm lời cho đúng với đồng vốn mà mình được lãnh nhận; đồng thời người nhân cách mạnh cũng luôn nhận ra trách nhiệm của mình nơi gánh nặng lịch sử mà anh chị em của mình phải mang vác…
3. Tầng oan khiên
Con người không ngừng đi tìm một thế giới công bằng hơn. Con người tìm các thể chế chính trị, đặt ra các qui luật xã hội, đề ra nhiều biện pháp trong các tổ chức, thậm chí ngay trong đời sống gia đình hoặc các cộng đoàn tu trì… để cuộc sống con người với nhau thể hiện được một sự công bằng. Thế nhưng, nói cho cùng, xã hội con người đã không bao giờ và cũng sẽ không bao giờ có được một sự công bằng trọn vẹn. Xã hội công bằng là một thứ lý tưởng mà con người khao khát một cách cụ thể và thiết thân trong cuộc sống hằng ngày, nhưng lại không bao giờ đạt đến được. Tất cả những bộ luật của nhân loại, tất cả những cuộc đấu tranh cho công bằng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, thật ra, cũng chỉ là một “chút đường” bỏ vào “bể muối mênh mông của bất công”.
Vấn đề có lẽ không phải chỉ do năng lực yếu kém của các nhà chính trị, các nhà xã hội, cũng không phải chỉ do lòng tham không đáy của con người; không phải chỉ do cơ cấu tổ chức…. Chính xác hơn, bất công là một thực trạng có một bề dày lịch sử lên đến tận ngọn nguồn của đời sống con người :
“Rắn nói với người đàn bà : “Chẳng chết chóc gì đâu ! 5Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” 6 Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình ; ông cũng ăn. 7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng : họ mới kết lá vả làm khố che thân.”( St 3, 4-7)
Bất công là một thực trạng dính dáng cách “phổ quát” đến tận những người ở góc xó của thế giới; bất công vẫn không ngừng lây lan vào mọi lãnh vực, bất công không ngừng phát sinh trong từng bước con người hướng đến tương lai. Khi một em bé được cưu mang và được sinh ra, em bé ấy đã gánh chịu hoặc đã vô tình hưởng thụ nơi bản thân nó biết bao những bất công của cuộc đời, bất công của lịch sử nhân loại, bất công của dân tộc này với dân tộc kia, bất công của môi trường xã hội có từ thời ông bà tổ tiên của cháu bé, bất công của làng xóm, bất công của luật lệ xã hội, bất công ngay trong gia đình… Rồi trên hành trình cuộc đời, mỗi bước đi của em cũng đều hàm chứa những bất công được đan dệt nối tiếp trên những thành quả của bất công đã có từ trước…
Đấu tranh chống bất công nhân danh công bằng, dựa vào luật pháp hay quyền con người, là điều cần làm trước mắt. Nhưng làm sao những cuộc đấu tranh cho công bằng có thể giải quyết được hết bài toán bất công trong cả chiều sâu, chiều rộng của nó ? Dĩ nhiên là chúng ta không bao giờ được coi thường những nỗ lực đấu tranh cho công bằng, hoặc làm giảm nhẹ tầm quan trọng của những cuộc đấu tranh ấy. Nhừng cũng cần nhận diện ra được đại dương của bất công là để không ai được quyền an thân trong hoàn cảnh may mắn nào đó của mình; không ai được quyền bào chữa cho mình khỏi chịu trách nhiệm trước những khổ đau của người khác; không ai được quyền sống theo kiểu “bàn tay sạch”, hoặc “đi cà khêu” giữa cuộc đời; không ai được quyền an ổn với một cuộc sống lành mạnh mà thôi… Một ảo tưởng về sự công bằng cũng đã là một sự bất công. Bởi vì chính ngay “chỗ đứng” mà ta cho là công bằng để đấu tranh, thật ra cũng chẳng công bằng. Suy cho đến ngọn nguồn, thì chỗ đứng nào cũng đã bị nhuốm bùn của bất công. Ảo tưởng nhân danh sự công bằng để đấu tranh với bất công thường là lại mở ra và củng cố những bất công khác một cách tinh vi và khốc liệt hơn, bởi vì người ta đã cố tình quyên đi cái bất trong ngay trong bản thân của chính mình. Do đó, tất cả những thứ cách mạng nhằm “chia đều lợi tức”, cào bằng… đều rơi vào một sự bất công khác.
Không thầy thuốc trần gian nào có thể lần tìm đến cùng gốc rễ của “nhân = bệnh”; không một toà án trần thế nào có thể phanh phui đến tận cùng những tương tác tội luỵ trong dòng lịch sử. Nhân loại chẳng phải đã chào thua trước thực trạng này khi đề ra luật thời hiệu ? Con người phải chấp nhận, phải “hợp lý hoá” lý thuyết “cứt trâu để lâu hoá bùn”, để có thể tạm sống bình yên trên một nền đất hàm chứa đầy “bom đạn”.
4. Giải pháp “máu”
Thật ra, chẳng thể nào hoá giải bất công bằng quy luật “cứt trâu để lâu hoá bùn”. Một chiếc áo mới không thể nào làm sạch được một cơ thể vấy bùn; một nhãn hiệu đẹp không thể thay đổi bản chất của một sản phẩm tồi. Những oan khiên tích tụ lại, vết thương mới chồng lên vết thương cũ, nỗi đau của người này gieo rắc nên những nỗi đau của người khác, bạo lực đè trên người này sẽ đưa đến cuộc thảm sát trút xuống cho kẻ kia … Không người nào có thể át được tiếng rên la của phận người :
“Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a : ‘Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ : tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.’ (Mt 2, 17-18)
Vũ trụ trong quan niệm Sách Thánh không phải là một vòng tuần hoàn miên man bất tận và mọi sự trầm trọng sẽ bị hoá giải, trở nên nhạt nhoà trong vòng thời gian tuần hoàn ấy. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử, thế giới đã được sáng tạo và trải dài trong dòng lịch sử để hướng tói ngày chung cuộc. Trong dòng lịch sử, mọi sự đều có trước có sau và sự gì đã được gieo vào dòng lịch sử ấy thì vẫn có đây và vẫn hiện diện tương tác, thuận hay nghịch, với vũ trụ xung quanh. Ta đã đánh ai một lần, ta đã nói lời yêu thương ai một lần… thì những điều ấy đều đã trở thành lịch sử, một lịch sử không bao giờ có thể tan biến hoàn toàn. Dù người ta có mất trí nhớ, dù người ta quyết tâm bỏ qua những chuyện xưa cũ… thì việc làm và lời nói ấy vẫn còn đó, và hệ lụy của những lời nói hay hành vi ấy vẫn có phần của nó trong phẩm tính của dòng đời. Giống như gương vỡ không làm sao ghép lại được, giống như một bát nước đổ xuống đất không ai có thể hốt lại đầy, thì thế giới nhân loại cũng đón nhận lịch sử, cả những điều tốt và những điều xấu, như một phần vận mạng khó có thể xóa nhòa. Rồi, những lời nói và hành vi ấy cũng sẽ lại tạo nên những hệ quả giây chuyền mà người ta không thể dùng một hành vi thuần túy luân lý để hóa giải.
Người ta tưởng những thế hệ mai sau sẽ lãng quên những nỗi tủi nhục của cha ông, người ta nghĩ có thể chôn vùi tất cả nỗi khổ đau, nỗi bất công trong một tư tưởng, trong một hệ thống luật pháp, hoặc trong một bài toán tôn giáo nào đó… Không ! Không quyền lực nào có thể san bằng núi bất công ấy; không điều gì có thể lấp đầy biển đau thương ấy; không con người nào có thể trốn tránh khỏi bầu trời oan khiên ấy….
Bao nhiêu nỗi oan kiên của cuộc đời vẫn liên tục hâm nóng lò lửa chiến tranh; những thứ ruồi muỗi của thời đại này tích tụ với ruồi muỗi của thời đại khác làm nên một đội quân phản kháng hùng hậu; bất công của nơi này kết tụ với bất công ở nơi kia tạo nên vô số những quả bom chờ nổ. Những tiếng rên la của kiếp người qua bao thời đã kêu lên thấu trời…
Mọi sự cần được hoá giải chứ không phải chỉ cần quên lãng. Một sự ác cần được hoá giải thực sự do sự thiện chứ không né tránh; và chính Thiên Chúa đã đi vào cuộc trong tầng sâu ấy của cuộc đời.
Thiên Chúa đã lắng nghe những tiếng kêu than:
“Nợ máu Chúa không tha, nhưng hãy còn nhớ mãi,
tiếng những người nghèo khổ, Chúa chẳng quên bao giờ.” (Tv 9,13)
Thiên Chúa đã hứa và Ngài không nuốt lời :
“CHÚA phán rằng : “Trước cảnh người nghèo bị áp bức, kẻ khốn cùng rên siết thở than,
giờ đây Ta đứng dậy, ban ơn giải thoát cho kẻ mong chờ.” (Tv 12,6)
Thiên Chúa ban mệnh ấy cho con người :
“Hãy bênh quyền lợi kẻ mồ côi, người hèn mọn ;
minh oan cho người khốn khổ, kẻ bần cùng,” (Tv 82,3)
Và chính Ngài sẽ hoàn thành chương trình ấy :
“ĐỨC CHÚA phán thế này : Vì tội của Ít-ra-en đã lên tới cực độ, Ta sẽ không rút lại bản án.
Vì chúng bán người công chính để lấy tiền,
bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giày. (Am 2,6)
Vào một mùa hè nọ, vua Duy Tân ra biển Cửa Tùng nghỉ mát. Một hôm, ông vua thiếu niên từ bãi tắm chạy lên với hai bàn tay lấm lem đất cát. Quan thị vệ mang thau nước đến cho vua rửa tay. Vua hỏi: tay bẩn thì lấy nước để rửa, rứa nước bẩn lấy chi mà rửa? Ông quan thị vệ bối rối, không biết trả lời thế nào. Vua liền nhấn giọng: “Nước bẩn thì lấy máu mà rửa !”.
Quả thật, trong nỗi đau mất nước và với khẩu khí của một vị vua, Duy Tân đã đọc ra được quy luật chiều sâu của cõi nhân sinh. Khi mà tính ác đã thấm nhiễm “toàn thân”, khi mà “chất nước” đã ô uế, khi mà vận mạng “nước non” đã lâm nguy, khi mà xã hội con người bị điều kiển do qui luật cạnh tranh, khi mà bản tính nhân loại đã bị dìm trong biển tội luỵ thì không có gì có thể sửa chữa được nếu không phải là máu.
Máu là sự sống, lấy máu mà rửa tức là hy sinh chính sự sống. Nẻo đường chân lý của thế giới nhân loại chỉ còn có thể tìm thấy được qua dấu máu.
5. Chiến lược “thua để thắng”
Chuyện cổ tích, trong đó có qui luật “ở hiền gặp lành” và kết luận “có hậu”, thực ra chính là niềm mơ ước muôn đời của con người. Thật ra, chiến thắng của nhân nghĩa không phải là chiến thắng ở bên ngoài, không phải là chiến thắng thể lý, nhưng là chiến thắng của giá trị nhân sinh chân chính và chân chính trong từng bước vận hành của lịch sử.
Thiên Chúa của Sách Thánh là Thiên Chúa ba lần thánh, nhưng đồng thời là một Thiên Chúa dấn thân vào dòng lịch sử của nhân loại. Ngài là Thiên Chúa của Lời Hứa, Thiên Chúa của Giao Ước, Thiên Chúa hay ghen, Thiên Chúa nhập thể, và là vị Thiên Chúa dám trao phó chính Con Một Yếu Dấu của Ngài cho con người. Sự thánh thiện của Thiên Chúa không chỉ hàm nghĩa tách biệt, nhưng còn hàm chứa thái độ nhập cuộc và nhập cuộc sâu xa. Một Thiên Chúa càng thánh thiện lại càng nhập cuộc; và càng nhập cuộc lại càng biểu lộ sự thánh thiện tuyệt vời hơn. Một Thiên Chúa trong đức Giêsu hoàn toàn vô tội, nhưng lại lãnh nhận hết những hậu quả của tội và chết như một tội nhân. Có lẽ con đường yêu thương luôn phải được khởi đầu từ cánh cửa liên lụy. Chính vị Thiên Chúa ấy chứ không phải một vị thần nào khác đã đi vào chiến cuộc cùng với con người. Vận mạng sống còn của con người cũng chính là cuộc chiến mà Chúa đã đảm nhận.
Tạm kết
Có điều gì bị bỏ sót trong tâm thức của Giáo hội hiện nay ???
Kinh Thánh diễn tả một thứ đạo cứu độ chứ không phải đạo luân lý. Đạo cứu độ là một mặc khải về Thiên Chúa như Đấng từ bi thương xót, tỏ bầy đường lối cứu độ của Ngài trong một thứ logích của tình yêu luôn dành ưu tiên cho những người nghèo, những người bé mọn. Thiên Chúa là Cha yêu thương, không tìm danh giá cho mình hay tìm xoa dịu tính tự ái của mình, nhưng tỏ tình yêu đặc biệt cho những đứa con bé mọn nhất, những người rớt vào những hoàn cảnh khó khăn nhất, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Tác vụ Lời :
Đọc Ga 12, 20-33
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- SÁCH : ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN VÀ ĐÔI NÉT TÂM LÝ CHIỀU SÂU
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ TƯỞNG NHỚ CÁC HỒNG Y VÀ GIÁM MỤC ĐÃ QUA ĐỜI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 2024: “CÓ BIẾT BAO SỰ THÁNH THIỆN KÍN ẨN TRONG GIÁO HỘI!”
- ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI GIEO HY VỌNG CHO NHỮNG NGƯỜI DỄ BỊ TỔN THƯƠNG NHẤT
- THƯ MỜI THAM DỰ NGÀY HỘI NGỘ XUÂN BÍCH 2024