TĨNH TÂM NĂM ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: BÀI 9: TÌM “PHẨM TÍNH SIÊU HÌNH” CỦA PHẬN NGƯỜI
Từ ngày 26-31/10/2020, quý Thầy Đại Chủng viện Huế bước vào cuộc tĩnh tâm năm hằng năm. Năm nay, cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, O.P., giảng tĩnh tâm cho các Thầy với chủ đề “Vài thách đố của đời linh mục”. Chúng tôi xin lần lượt đăng lại các bài giảng rất thực tiễn của ngài. Dưới đây là bài giảng thứ chín:
Bài IX : Tìm “Phẩm tính siêu hình” của phận người
1. Tình tiết và cấu trúc một câu chuyện
Dĩ nhiên Kinh Thánh không trình bày những chân lý khoa học, nhưng thiết yếu là tỏ bày nẻo đường cứu độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, qua Kinh Thánh, chúng ta còn nhận ra một thứ “bản chất siêu hình” của vận mạng con người dưới khía cạnh tự nhiên : bản chất cuộc sống con người là một câu chuyện.
Trong khi những câu chuyện trong cách sách Kinh Điển trong những tôn giáo khác đã nối kết những tình tiết của một câu chuyện theo “cấu trúc toán học”, nhằm trình bày một khuôn mẫu lý tưởng, một bài học giác ngộ và luân lý. Với những mô hình mẫu ấy, người ta có thể dễ dàng đưa ra một thang điểm, dễ dàng chấm điểm và xếp hạng những loại người khác nhau. Cấu trúc toán học đã thu gom thế giới con người vốn muôn mầu và huyền nhiệm vào những công thức cố định, và đưa ra đáp số một cách chắc chắn như một bài toán …
Sách Thánh cũng kể những câu chuyện, với những tình tiết biến thiên, có vẻ không khác lắm với những sách kinh điển của các tôn giáo khác. Nhưng thật ra, trong khi trình bày lịch sử ơn cứu độ, Sách Thánh cũng đưa ra một thứ “cấu trúc” ăn bản của vận mạng con người. Sách Thánh trình bày các tình tiết của các nhân vật trong lịch sử theo cấu trúc của một câu chuyện. Câu chuyện của mỗi con người có những tình tiết riêng và mỗi tình tiết, cho dù là những tình tiết xấu hay tốt về mặt luân lý, cũng đều góp phần làm nên bản sắc và vận mạng của chính nhân vật ấy.
2. Cấu trúc nào cho các tình tiết trong cuộc đời ?
2.1 Câu chuyện và bài toán
Bình thường, một bài toán đúng chỉ có một kết quả. Trong bài toán, khi có những dữ kiện, thì kết quả gần như đã có rồi. Những cách giải toán dù có biến thiên hay khác biệt nhau thế nào, thì cũng vẫn chỉ là một lô-gíc cố định, đưa tới đáp số đã có và chỉ có thể đi đến đáp số ấy mà thôi.
Câu chuyện thì khác. Câu chuyện luôn bất ngờ. Người ta tò mò hoặc say sưa đọc truyện, nghe chuyện vì muốn biết được kết cục của câu chuyện, vì muốn nhìn thấy một kết cục theo ý mình…. Khi mà tác giả tìm thấy những tình tiết vừa chân thực, vừa “hợp lý” lại vừa tạo nên một sự chuyển hóa thật ly kỳ thì câu chuyện trở nên hấp dẫn và có giá trị…
Cuộc đời con người không phải là một bài toán đúng nghĩa, nhưng là một câu chuyện đúng nghĩa. Một con người là một huyền nhiệm và một cuộc đời luôn hàm chứa những bất ngờ, luôn ẩn chứa một hoặc nhiều khả năng “sáng tạo”. Sự có mặt của một con người nào đó chính là dấu chỉ xuất hiện một cái mới, một bắt đầu mới và luôn có thể trở nên mới…
Hơn nữa, cách làm mới của Chúa thật là kỳ diệu, không phải là cắt bỏ cái cũ, không phải là cắt đục, đẽo gọt, hoặc uốn nặn ngẫu hứng. Thiên Chúa làm mới cuộc đời con người bằng cách đi vào lịch sử con người, đón nhận những dữ kiện đã hình thành trong cuộc đời mỗi con người. Thiên Chúa đi vào bài toán cuộc đời con người để biến bài toán ấy nên một câu chuyện mới, câu chuyện hấp dẫn với những chuyển biến vừa “hợp lý”, vừa kỳ diệu, vừa tôn trọng tự do con người, vừa bộc lộ quyền năng của tình yêu, hàm chứa sự khôn ngoan vượt bậc trong quyền năng và thấm nhuần thứ tình yêu đày lòng thương xót trong quyền năng vô biên của Ngài…
Cái mới ấy không phải từ trên trời rơi xuống, nó nẩy sinh từ chính những dữ kiện cụ thể của lịch sử. Câu chuyện đời luôn đón nhận nguồn cội trong dòng lịch sử thật, nhưng lại luôn hàm chứa những yếu tố, những cách lý giải có thể khác, luôn có thể vượt qua thứ lô-gíc toán học để bay lượn trong bầu trời của tự do. Con người ta có tự do. Với tự do, phương thức giải toán trở nên thiếu sót; đáp án đời người trở thành một tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo với tất cả tài năng của người nghệ sĩ chứ không phải là một thành quả kỹ thuật được xếp hạng cao thấp…
Con người khoa học kỹ thuật thì luôn chắc tâm về đáp án của mình; nhưng bản chất con người có tự do lại luôn tò mò, bị lôi cuốn như một khao khát khám phá kết cuộc còn ẩn dấu của câu chuyện.
2.2 Câu chuyện và người kể chuyện
Mỗi con người chính là người kể chuyện đời mình. Mỗi người là một đạo diễn, là một tiểu thuyết gia, là người nghệ sĩ đích thực trên chất liệu cuộc đời mình. Thiên nhiên và xã hội cung cấp cho con người những dữ kiện, nhưng chính con người mới là kẻ cấu trúc nên câu chuyện đời mình. Người ta thường nói “xấu nhưng cấu trúc đẹp”, đó cũng là cách nói thay cho kiểu nói “nhất dáng nhì da”…. và cách nói chơi đùa ấy cũng có thể hàm một ý nghĩa “triết lý” sâu xa. Chất liệu làm nên bức tranh hoặc pho tượng nào đó có thể không tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là người ta không thể tạo nên được một tác phẩm nghệ thuật tuyệt hảo. Với con người, điều đó càng đúng hơn rất nhiều, nếu người ta bỏ đi được cách nhìn so sánh thô thiển, nếu người ta đừng đánh giá được thua theo tiêu chuẩn của một thứ thành đạt xã hội nào đó.
Cuộc đời con người là một câu chuyện, một câu chuyện có thể mở ra vô cùng kết quả khác biệt. Câu chuyện đời của mỗi con người quả là một huyền nhiệm, vì chính bản thân mỗi con người đã là một huyền nhiệm, và kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời con người lại là một huyền nhiệm gấp đôi. Câu chuyện đời người có thể “diễn ra” trong bối cảnh một làng quê hoặc bối cảnh những đại gia giầu có. Vai chính của câu chuyện có thể là một bác sĩ mà cũng có thể là một bệnh nhân, có thể là một vị tổng thống hoặc một người mẹ đau nặng… Điều quan trọng hơn là câu chuyện ấy lạt lẽo nhàm chám hoặc đầy kịch tính; đầy ý nghĩa nhân văn hoặc là những thứ câu khách rẻ tiền; hé mở được thực tại huyền nhiệm của đời người hoặc chỉ là sự nối kết những sự kiện lòe loẹt..; và điều quan trọng hơn hết là câu chuyện của một người lại có thể “gợi hứng” như một lời chứng chân thật cho những câu chuyện đời phong phú muôn mặt của mỗi người. Giá trị câu chuyện cuộc đời được “đo” bằng những khúc quanh bất ngờ đầy ý vị…
Hãy đọc một câu chuyện để đừng đóng khung đời mình theo một thang điểm nghèo nàn; hãy nghe một câu chuyện để tìm thấy những chân trời mới lạ nơi cuộc đời mình. Hãy chiêm ngắm câu chuyện một vị thánh để gia tăng lòng trông cậy vào Chúa… Đứng trước câu chuyện đời mình, mỗi người cần nghe được mời gọi sáng tạo, cần nhận ra một năng lực thôi thúc sáng tạo mãnh liệt nhất, để vượt thắng cái lô-gích máy móc của khoa học thực nghiệm.
2.3 Thiên Chúa đồng tác giả
Khung trời mơ ước của con người vốn thường như vậy. Phải chăng mơ ước hạnh phúc là thứ thiên đàng mà con người không đủ khả năng xây dựng được ? Tầm nhìn kiến trúc của con người quá nhỏ hẹp; kết cấu câu chuyện con người viết ra quá lỏng lẻo… Chất liệu con người có thể có được không an toàn để xây khung trời mơ ước…
Nhưng Thiên Chúa đã dính dáng vào đời người như một Đồng Tác Giả. Thiên Chúa khai mở chân trời siêu việt, Thiên Chúa gợi ý cho những nẻo đường quanh co, Thiên Chúa trợ giúp tích cực cho những tình huống bế tắc… để có thể đi đến một kết luận “có hậu”. Quả thật, Thiên Chúa vẫn có thể viết lên những câu chuyện đẹp từ những chất liệu xấu. Từ những bước rẽ lệch lạc do con người tạo nên, Thiên Chúa vẫn có thể “ráp nối” nên một câu chuyện đẹp, mặc dù câu chuyện ấy sẽ đau thương hơn, bi tráng hơn.
Huyền nhiệm cuộc sống chỉ có thể được khai mở trong dòng một câu chuyện. Chìa khóa toán học không mở được huyền nhiệm ấy, chỉ có sự trân trọng cuộc đời mỗi người như một câu chuyện mới có thể mở ra cánh cửa huyền nhiệm.
3. “Nghệ thuật” chứ không phải “kỹ thuật”
Trong cấu trúc một câu chuyện, ta có thể nhận ra bản chất của đời sống con người đích thực là một “nghệ thuật” chứ không phải là một “kỹ thuật”. Kỹ thuật cao có thể thay thế hoàn toàn và có thể loại trừ hoàn toàn kỹ thuật thấp. Nhưng không bao giờ nghệ thuật này lại có thể loại trừ nghệ thuật kia. Trong kỹ thuật, mọi thứ được xếp vào một thang điểm chung, và người ta có thể chấm điểm mỗi sản phẩm thành một con số. Điều đó không là gì khác hơn hạ giá phẩm tính trở thành lượng tính; và khi áp dụng vào con người, thì đó là hạ giá nhân linh trở thành sự vật.
Trong khi đó, nghệ thuật lại là sự sáng tạo trong tự do, hình thành nên một câu trúc toàn thể, có nét duyên riêng, độc đáo như “hồn” của sản phẩm. Tác phẩm như thế có thể tự đứng một mình mà không bị chìm khuất trong đám đông vô danh như những sản phảm kỹ thuật. Vận mạng của một con người được nhìn như một câu chuyện có khả năng trở nên một tác phẩm nghệ thuật như vậy.
4. Lời Chúa như một câu chuyện đúng nghĩa
Có lẽ hầu hết những nhà tri thức và cả những nhà nghiên cứu tôn giáo ngoài Kitô giáo đều không hiểu được quan điểm mạc khải Kitô giáo, nên cũng rất thường bị sốc về những câu chuyện trong Kinh Thánh, nhất là Cựu Ước, và đã có những cách phê bình “đánh vào không khí”. Tác giả Trần Chung Ngọc chẳng hạn có lần nói rằng không thể hiểu được tại sao những người Kitô giáo lại tin vào một Thiên Chúa ác độc như vậy…
Vận mạng con người trong mạc khải Do Thái Kitô giáo là một sự đan bện kỳ lạ giữa thánh thiện và ô trọc, giữa cao cả và man rợ, giữa vĩnh cửu và thời đại… một sự đan bện làm nên một vận mạng của một Dân tộc hoặc một cá nhân, sự đan bện giữa hai điều trái nghịch, không thể đồng hoá với nhau mà cũng không phải tách biệt nhau trong một câu chuyện duy nhất. Sách Thánh Do thái Kitô giáo là câu chuyện tình, nơi đó, Thiên Chúa không muốn chờ đợi khi nào con người thật sự văn minh, nhân bản, anh hùng…rồi mới tỏ lòng yêu thương và giao ước với con người. Ngài đón nhận con người ngay khi con người còn man rợ, Ngài liên luỵ với con người ngay trong sự ngu dốt về khoa học, tàn bạo trong những tục lệ, sự cứng lòng trong chính trị, sự ô uế trong luân lý,…Sách thánh Do thái Kitô giáo tỏ bày câu chuyện tình ấy, không phải chỉ trong nội dung ý nghĩa của câu chữ, nhưng còn trong chính “cấu trúc siêu hình” của bản văn mạc khải.
Theo quan điểm Giáo hội, Thiên Chúa mạc khải cho con người bằng cách đón sự cộng tác của thánh ký với trọn vẹn kiến thức, văn hoá, tính tình, địa vị và hoàn cảnh của Thánh ký. Thiên Chúa đón nhận những “dụng cụ bất toàn” ấy để nói lên chân lý của Ngài, ẩn chứa trong những lớp vỏ của những con người đầy giới hạn và bất toàn… Toàn bộ và từng chi tiết của Sách Thánh, cả trong những điều man rợ hoặc phi lý, hoặc sai lầm…, đều được linh hứng, nghĩa là được Thiên Chúa sử dụng, được Thiên Chúa tác động, và phải được tôn kính. Nhưng linh hứng không đồng nhất với chân lý mạc khải. Giáo hội tôn kính toàn bộ Sách Thánh, nhưng không phải chấp nhận như chân lý toàn bộ những điều trong đó, mà phải biết phân biệt đâu là ý Chúa, đâu chỉ là quan niệm của thánh ký.
Sách Thánh Do thái Kitô giáo đã đón nhận ngôn ngữ và những tình tiết của lịch sử nhân loại, cả những tình tiết tội lỗi và nhơ uế, để cấu trúc nên một câu chuyện “có hậu”, câu chuyện cứu độ… Thiên Chúa cứu độ là Thiên Chúa của lịch sử, con người được cứu độ là con người của lịch sử, và ơn cứu độ thiết yếu, một cách căn bản, chính là “lịch sử ơn cứu độ”. Sống đức Tin không là gì khác hơn sống chính lịch sử đời thường của mình như một lịch sử ơn cứu độ.
Dưới bàn tay Thiên Chúa, tất cả mọi người và mọi cuộc đời, trong sự vùi dập đau thương của quy luật thế gian, đều có thể đón nhận được những cơ duyên tặng không của Thiên Chúa như những tình tiết mới của câu chuyện. Ai tin và để cho Thiên Chúa đi vào câu chuyện đời mình đều có thể đưa đẩy câu chuyện đời mình đến chỗ thành toàn trong nét đuyên độc đáo và huyền nhiệm… Chỉ trong viễn tượng của một “cấu trúc câu chuyện” ta mới có thể thoát được cơn cám dỗ của chủ nghĩa ưu tuyển.
Tạm kết
Việc chống lại chủ nghĩa ưu tuyển thật ra không phải chỉ là một sự phê bình xã hội, một thứ lập trường “giai cấp”, hoặc như một giá trị “thiêng liêng” nào đó, nhưng chính yếu là khám phá và xác tín về “phẩm tính siêu hình” đích thực của phận người. Chỉ khi người ta nhận ra cấu trúc cuộc đời như một câu chuyện chứ không phải như một bài toán, người ta mới có thể trân trọng nét đẹp, nét duyên, nét thành toàn nơi bất cứ con người nào, dù thuộc tầng lớp nào, nhất là nơi những con người bị loại trừ trong văn hoá cạnh tranh của thế giới hiện đại.
* Tác Vụ Lời :
Ga 4, 1-42
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC CỐ TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- ĐCV HUẾ: GIẢI BÓNG BÀN MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2024
- JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024: ĐẶT NIỀM HY VỌNG VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ NGẦN CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐTC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024
- ĐỨC PHANXICÔ CẦU CHÚC VIỆC MỞ LẠI NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS TRỞ THÀNH MỘT DẤU CHỈ NGÔN SỨ VỀ SỰ ĐỔI MỚI CỦA GIÁO HỘI PHÁP
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT
- BÀI GIẢNG MÙA VỌNG, MỞ LÒNG NGẠC NHIÊN THÁN PHỤC TRƯỚC SỰ MỚI MẺ CỦA THIÊN CHÚA