TĨNH TÂM XUÂN BÍCH VIỆT NAM 2024
Từ tối ngày 1 đến sáng 5 tháng 6 năm 2024, theo truyền thống hằng năm, các Linh mục Xuân Bích Việt Nam đã quy tụ về Đại Chủng viện Huế để cùng nhau tĩnh tâm thường niên. Có 13 thành viên hiện diện, vắng 7 do công việc và tuổi tác. Vào ngày cuối cùng có thêm sự hiện diện của cha Micae Phaolô Trần Minh Huy, đang hưu dưỡng tại Huế, để cùng nhau trao đổi về những vấn đề nội bộ của Hội.
Dịp tĩnh tâm là cơ hội để mỗi thành viên nhìn lại ơn gọi và sứ mạng của Hội trong sự tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương con người và hướng dẫn lịch sử cứu độ, như các bài suy niệm của cuộc tĩnh tâm về các Tổ phụ trong Cựu Ước gợi lên và mời gọi mỗi người tiếp tục bước đi cách tin tưởng và vui tươi trong đời sống phục vụ, dù đầy những giới hạn của phận người. Đây cũng là cơ hội để sống chiều kích thiêng liêng và tình huynh đệ cách mạnh mẽ và cụ thể hơn.
Dịp này, Hội Xuân Bích Việt Nam cũng mừng lễ Ngọc Khánh Linh Mục của cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Đán, nguyên bề trên Đại Chủng viện Huế. Trước đó, Hội đã mừng lễ Ngọc Khánh Linh Mục của hai thành viên khác của Hội là cha Phêrô Nguyễn Lân Mẫn, tại Xuân Lộc, và cha Bartôlômêô Nguyễn Quang Anh, tại tư gia thuộc giáo phận Xuân Lộc.
Hiện có 20 thành viên Xuân Bích Việt Nam. Cha Giuse Hồ Thứ, Giám đốc Đại Chủng viện Huế, hiện là Đại diện của Hội tại Việt Nam.
“Được hiến dâng cho Chúa Giêsu Kitô, Linh Mục Tối Cao, được sinh ra từ sứ mạng tông đồ của cha Jean-Jacques Olier, đấng sáng lập của mình, Hội Linh mục Xuân Bích là Hội các linh mục địa phận, có ơn gọi phục vụ những ai được thánh hiến cho thừa tác vụ linh mục” (Hiến pháp Xuân Bích, số 1)
Đến cuối năm 2021, Hội Linh Mục Xuân Bích có 211 thành viên, thuộc ba Tỉnh hội: Pháp, Mỹ và Canada. Các Linh mục Xuân Bích Việt Nam thuộc Tỉnh Pháp.
Cha Olier
Về Hội Linh Mục Xuân Bích
Đấng sáng lập
Vị sáng lập của Hội là cha Jean-Jacques Olier (1608-1657). Ngài xác tín rằng không thể canh tân Giáo hội và đẩy mạnh việc rao giảng Tin Mừng, nếu không đào tạo được những linh mục thánh thiện và nhiệt thành. Vì thế, được sự cộng tác của một số linh mục đồng chí hướng, cuối năm 1641, ngài đã thành lập được một chủng viện tại Vaugirard, và đầu năm 1642, chuyển về Thủ đô, trên lãnh thổ của giáo xứ Saint-Sulpice mà ngài là cha sở. Từ đây, chủng viện sẽ mang tên là Séminaire de Saint-Sulpice (Chủng viện Xuân Bích), và Hội Linh mục Xuân Bích (thường viết tắt bằng tiếng Pháp là PSS (Prêtre de Saint-Sulpice)) được thành lập.
Bản chất và mục đích của Hội
Hội Linh mục Xuân Bích là một hiệp hội linh mục giáo phận, có đời sống chung, nhưng không có lời khấn như bất cứ một dòng tu nào. Giáo luật xếp Hội vào nhóm « Hội đời sống tông đồ » (Société de vie apostolique). Khi nhập Hội, các linh mục Xuân Bích vẫn giữ nguyên nhập tịch của mình tại Giáo phận gốc và vẫn là linh mục giáo phận chứ không phải tu sĩ dòng. Họ vẫn là người nhập tịch Giáo phận theo giáo luật, và khi nào họ rời Hội, thì đương nhiên trở về Giáo phận. Vì Hội Linh mục Xuân Bích không phải là một dòng tu, nên các kiểu gọi sau đây là không đúng: Dòng Xuân Bích, Hội Dòng Xuân Bích, Tu Hội Xuân Bích. Vì thế, xin gọi chúng tôi là Hội Linh Mục Xuân Bích hay nói vắn gọn là Hội Xuân Bích.
Trong Hội, họ sống chung với nhau dựa vào tình bác ái linh mục, quyết tâm của mỗi người là « sống hết mình cho Thiên Chúa » (vivere summe Deo) và phục vụ hàng giáo sĩ giáo phận, đặc biệt trong khâu đào tạo, dâng hiến cuộc đời cho việc đào tạo các linh mục tương lai.
Linh đạo của Hội
Chịu ảnh hưởng của Trường phái tu đức Pháp, linh đạo Xuân Bích tập trung vào sự kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô và sống hết mình cho Thiên Chúa. Châm ngôn của Hội là :
Vivere summe Deo in Christo Jesu (Sống hết mình cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô)
Đường lối sư phạm của Hội
Xuân Bích có đường hướng sư phạm riêng là biến chủng viện thành một cộng đoàn giáo dục có tính cách gia đình, ưu tiên cho việc đào tạo thiêng liêng, lấy việc linh hướng làm phương thế quan trọng để giúp chủng sinh nhận ra ơn gọi và tự do đáp lại. Mọi nỗ lực đều dồn vào cuộc sống bác ái và tín nhiệm giữa chủng sinh và ban Giám đốc. Các cha giáo đều là cha linh hướng (trừ cha Giám Đốc), và các chủng sinh được tự do chọn cha linh hướng.
Hội Xuân Bích làm việc theo tinh thần hợp đoàn và đồng trách nhiệm (collégialité et coresponsabilité), mọi việc quan trọng trong sinh hoạt của chủng viện thường được bàn bạc chung trong hội đồng, lấy biểu quyết và thực hiện chung.
Bổn mạng của Hội
Hội chọn lễ Đức Mẹ Dâng Mình trong Đền Thờ ngày 21 tháng 11 hằng năm làm bổn mạng. Ngày đó, ở Việt Nam, các linh mục cựu sinh viên và linh mục trong miền được mời dâng thánh lễ, trong đó các ngài lập lại lời hứa giáo sĩ nhận Chúa làm phần gia nghiệp của mình : « Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con ; vận mạng con, chính Ngài nắm giữ » (Tv 15 (16), 5).
Logo của Hội
BTT XBVN
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2024
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC CỐ TỔNG GIÁM MỤC TÊPHANÔ
- ĐCV HUẾ: GIẢI BÓNG BÀN MỪNG CHÚA GIÁNG SINH 2024
- VIDEO TỔNG HỢP CÁC SỰ KIỆN DỊP LỄ BỔN MẠNG ĐCV HUẾ
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ KỶ NIỆM 30 NĂM TÁI HOẠT ĐỘNG VÀ MỪNG BỔN MẠNG LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH 2024
- NHỮNG TÂM TÌNH NGÀY LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH 2024
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ TẠ ƠN TÂN LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ GIỖ ĐẦU TIÊN ĐỨC CHA PHAOLÔ TỊNH NGUYỄN BÌNH TĨNH
- VIDEO THÁNH LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ – BỔN MẠNG ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ NGÀY 22.11.2024
- VIDEO BÀI CA QUAM PULCHRE GRADITUR (Tiếng Việt)
- SÁCH : ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN VÀ ĐÔI NÉT TÂM LÝ CHIỀU SÂU
- THƯ MỜI THAM DỰ NGÀY HỘI NGỘ XUÂN BÍCH 2024
- THIỆP MỜI BỔN MẠNG ĐCV HUẾ VÀ NGÀY HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG XUÂN BÍCH
- ĐCV HUẾ: THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI
- ĐCV HUẾ: CÁC CHỦNG SINH TĨNH TÂM THƯỜNG NIÊN
- ĐCV HUẾ: TALKSHOW “CÂU CHUYỆN HUYNH TRƯỞNG”
- ĐCV HUẾ: HÌNH ẢNH KHAI MẠC GIẢI BÓNG CHUYỀN CUP XUÂN BÍCH 2024
- ĐCV HUẾ KHAI MẠC TRỌNG THỂ THÁNG MÂN CÔI
- ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ: LỄ GIỖ 3 NĂM NGÀY CHA J.B. ETCHARREN QUA ĐỜI
- THÁNH LỄ TẠ ƠN HỒNG ÂN NGÂN KHÁNH LINH MỤC CỦA CHA PHAOLÔ NGUYỄN VĂN BÌNH