“TỘI SINH THÁI”, HAY “TỘI ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG”

Written by xbvn on Tháng Mười 17th, 2019. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Thế Giới, Tý Linh

Với Thượng hội đồng về Amazon, từ nay một khái niệm mới về tội được đưa vào trong thần học.

« Chúng ta đang phạm tội chống lại Đấng Tạo Hóa. Chúng ta phạm biết bao tội lỗi chống lại thiên nhiên, thế nhưng chúng ta không bao giờ kiểm điểm lương tâm về vấn đề này ». Đức Hồng y Carlos Aguiar Retes, Tổng Giám mục giáo phận Mexico, đã lên tiếng như thế và đồng thời nhắc lại cho mỗi người về trách nhiệm của mình đối với sức khỏe của hành tinh. Trách nhiệm công dân, trách nhiệm người tiêu thụ, trách nhiệm Kitô hữu.

Người ta thường nói về « hoán cải sinh thái », nhưng việc phá hủy môi trường, trong viễn ảnh Kitô giáo, có phải là một tội không ?

Ngươi không được giết… rừng

Cha Adelson Araujo dos Santos, linh mục dòng Tên người Braxin đang dạy học ở Đại học Grégorien ở Rôma, tham gia Thượng hội đồng với tư cách chuyên viên, đã kể : « Trong nhóm làm việc của tôi, chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rất thú vị về vấn đề này. Có người đã lấy ví dụ về giới răn thứ năm : ‘ngươi không được giết người’. Theo cảm nhận của tôi, đó không chỉ là việc giết người bị cấm ở đây. Tại sao việc phá hoại sự sống của một khu rừng hay của một số loại động vật lại không được chú ý ? »

Lấy làm tiếc vì nghe xưng tội quá thường xuyên các tín hữu giải thích rằng vì họ không giết người và không trộm cắp, nên họ không biết tội gì để xưng, nên cha Adelson cho rằng các linh mục phải giúp các tín hữu có một sự hiểu biết rộng rãi hơn về các giới răn, nhất là trong viễn ảnh sinh thái.

Chính Thống giáo đi tiên phong

Khái niệm « tội sinh thái » này thực ra không mới, vì Chính Thống giáo đã nói đến. ngày 8/9/1997, trong một cuộc hội thảo về môi trường ở Santa Barbara, California, Đức Thượng phụ Bartholomeos của Constantinople đã đề nghị đọc lại lịch sử tội lỗi và tuyên bố rằng « phạm một tội ác chống lại thiên nhiên » là một trong các tội.

Ngày 1/9/2016, trong sứ điệp nhân Ngày thế giới cầu nguyện cho công trình Tạo dựng, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khai triển ý tưởng này, nhấn mạnh đến sự cần thiết kiểm điểm lương tâm, hoán cảnh và xưng thú tội lỗi, trước cả việc tìm cách « thay đổi con đường » cho một cuộc sống tôn trọng hơn đối với thiên nhiên. Mời gọi người Công giáo tận dụng Năm Thánh Lòng Thương Xót để tiến hành việc này, lúc đó ngài coi việc bảo vệ công trình Tạo dựng là « công trình của lòng thương xót thiêng liêng ».

Các cơ cấu tội lỗi

Tham gia vào một hệ thống tội lỗi rốt cuộc chính là phạm tội không ? Đó là những gì thánh Inhaxiô Loyola đã viết vào thế kỷ XVI, trong cuốn Linh Thao của mình, ngài thêm vào các tội cá nhân là các tội cơ cấu của một xã hội, mà mỗi thành viên góp phần.

Trong Thông điệp « Quan tâm đến vấn đề xã hội » năm 1987, Đức Gioan-Phaolô II đã phân biệt tội cá nhân và tội xã hội. Ngài cũng đưa vào khái niệm « các cơ cấu tội lỗi », mà sinh ra bất công hay áp bức. Con người, với tư cách là hữu thể xã hội, không thể thoát khỏi đó ; nhưng các cơ cấu này vì là những thể hiện của con người, nên trách nhiệm của nó luôn có ở đó ; do đó, cho dù nó là nạn nhân, con người vẫn liên đới với tội lỗi phạm phải trong khuôn khổ của các cơ cấu này.

« Một sự thay đổi lớn »

Ý tưởng sáp nhập « nền sinh thái toàn diện » – và dần dần khái niệm « tội sinh thái » này vào trong nên thần học Công giáo dường như ngày nay đang đạt đến đích ở bình diện cao nhất của Giáo hội. Thượng hội đồng về Amazon có thể là một giai đoạn chủ chốt cho điều đó.

« Đây sẽ là một sự thay đổi lớn, và là một sự mở rộng viễn ảnh Giáo hội », Đức cha Adriano Ciocca Vasino, Giám mục giáo phận São Félix, Braxin, nhận định bên lề Thượng hội đồng. « Nếu chúng ta làm công việc này, thì cũng cần phải xem lại việc chú giải Thánh Kinh, tức là đọc lại những gì, trong Thánh Kinh, nói về việc tôn trọng đối với công trình Tạo dựng – và thậm chí là Giáo luật ».

Tý Linh (theo nhật báo La Croix)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30