TỔNG GIÁM MỤC OSCAR ROMERO: NHẬT KÝ CỦA MỘT MỤC TỬ

Written by xbvn on Tháng Bảy 25th, 2020. Posted in Linh mục, Lm Lê Công Đức, Thiên Phong, Đại Chủng Viện Huế

Lời giới thiệu: Nghỉ dịch Covid-19, chúng tôi … dịch! Vâng, nhóm chủng sinh dịch thuật Anh Việt ĐCV Huế đã thực hiện dự án này. Chọn lựa Nhật Ký Tổng Giám Mục Oscar Romero (ngài đã được tuyên thánh cách đây gần tròn 2 năm), vì cùng với giới nghiên cứu linh đạo linh mục, chúng tôi nhìn nhận ngài là hình mẫu ấn tượng bậc nhất của linh đạo linh mục giáo phận thời hiện đại. Xin giới thiệu sau đây là những trang đầu, trước khi bước vào chính quyển Nhật Ký. Lm. Lê Công Đức (chủ nhiệm dự án, biên tập bản dịch).

 

LỜI NÓI ĐẦU

Đức Tổng Giám mục Romero đã bắt đầu những trang nhật ký này từ ngày 31 tháng 3 năm 1978, hơn một năm sau khi ngài trở thành người đứng đầu Tổng giáo phận San Salvador. Ngài viết những dòng nhật ký cuối cùng bốn ngày trước khi ngài bị sát hại hôm 24 tháng 3 năm 1980. Chuyển tải hai trong ba năm của ngài ở cương vị tổng giám mục, tập nhật ký này cung ứng một cái nhìn độc đáo về đời sống và tư tưởng của một trong những nhân vật nổi bật của châu Mỹ Latinh hiện đại, cũng là một trong những mục tử nổi tiếng và được ngưỡng mộ nhất của Giáo hội.

 

Bối Cảnh Chính Trị Và Xã Hội

Romero nhậm chức tổng giám mục năm 1977, năm sau đó là một trong những năm bất ổn nhất trong lịch sử đất nước. Chính lễ nhậm chức của ngài vốn đã diễn ra cách gấp rút và đơn sơ, chỉ hai ngày sau cuộc bầu cử ngày 20 tháng 2, trong đó Carlos Humberto Romero, ứng cử viên tổng thống do chính quyền đưa ra, đã tuyên bố đắc cử bất chấp những chứng cớ gian lận nghiêm trọng. Tiếp theo đó là những cuộc phản kháng, rồi sự trấn áp gia tăng, dẫn tới vụ thảm sát những người biểu tình tại Quảng trường Libertad vào ngày 28 tháng 2.

Đây cũng là thời gian mà sự đàn áp hướng về Giáo Hội. Trước đó ít lâu, một số linh mục đã bị câu lưu, bị đe dọa hoặc bị trục xuất. Hai linh mục người Mỹ đã bị tống ra khỏi biên giới cách thô bạo ngay trước lễ nhậm chức của Tổng giám mục Romero. Một số linh mục khác (trong đó có cha Inhaxiô Ellacuría, dòng Tên) đã bị từ chối tái nhập cảnh vào El Salvador đúng vào ngày hôm đó. Và một tháng trước khi Romero trở thành Tổng giám mục, cha Rutilio Grande, dòng Tên, người bạn mà Romero rất quí mến, đã bị giết.

Năm sau đó, 1978, tình hình càng tồi tệ hơn. Vai trò của Giáo hội và tiếng nói của vị Tổng giám mục rõ ràng đã trở thành tâm điểm của dòng thời sự đang diễn biến từng ngày tại El Savador. Đó là lúc Romero quyết định bổ sung một hình thức ghi lại các hoạt động của mình và của các cộng sự trong khi các diễn biến dồn dập xảy ra – bổ sung, vì cùng với tất cả các chi tiết được tìm thấy trong cuốn nhật ký này, những bài nói chuyện và những bài giảng ghi âm của ngài làm nên một trong những bộ sưu tập chi tiết và ấn tượng nhất.

Romero đã là một nhà giảng thuyết lừng danh từ lâu trước khi đến San Salvador; ngài thường nói chuyện trên đài truyền thanh. Tuy nhiên, khi trở thành Tổng giám mục, ngài đã thêm vào phong cách giảng thuyết đặc biệt của mình một nét mới – đó là nét thông tin thời sự. Bởi truyền thông nhà nước hiếm khi thông tin và thường xuyên bóp méo tin tức liên quan đến các tổ chức công chúng của Giáo hội, và hầu như đã chẳng bao giờ trình bày những sự thật liên quan đến tình trạng vi phạm nhân quyền dai dẳng trong đất nước, nên vị Tổng giám mục đã tự đảm nhận việc thông tin cho đại chúng vốn rất muốn biết điều gì đang diễn ra.

Các bài giảng lễ Chúa nhật của ngài được phát đi khắp cả nước bởi Đài YSAX của Giáo hội, trừ những khi trạm phát sóng của nó bị đánh bom. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với vị Tổng giám mục vào tháng 6 năm 1977 trùng với một trong những lần như vậy. Tôi đã có cơ hội chuyển một tấm séc từ Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ để giúp xây dựng lại trạm phát sóng, nơi vừa mới bị phá hoại bởi một trận đánh bom. Cuộc gặp gỡ cuối cùng của tôi với ngài là vào ngày 23 tháng 3 năm 1980, ngày YSAX lên sóng trở lại sau khi nó bị một quả bom phá hủy năm tuần trước đó. Đó cũng là lần cuối cùng YSAX có thể truyền đi giọng nói của Đức Tổng Romero.

Theo những khảo sát về lượng người nghe đài vào thời gian đó, có 73% dân chúng vùng nông thôn và 47% người dân thành thị thường xuyên mở kênh phát thanh Thánh lễ từ nhà thờ Chính tòa để nghe bài giảng, vốn hiếm khi kéo dài ít hơn một tiếng rưỡi. Sự mô tả của Đức Tổng Romero về “các sự kiện trong tuần” (hechos de la semana) là một tường thuật gồm cả những tin tốt và tin xấu, cả anunciodenuncia (loan báo và tố cáo) – ngài công bố Tin Mừng giải phóng và cũng như các vị ngôn sứ xưa, ngài tố giác những tội ác của thời đại.

 

Quyển Nhật Ký

Theo cha James Brockman, dòng Tên, tác giả của quyển “Romero: Một cuộc đời”, là bản tiểu sử về Đức Tổng giám mục không thể thiếu và có uy tín nhất cho đến nay, thì chính ý thức của Romero về tầm quan trọng của những gì đang diễn ra trong Giáo hội tại San Salvador đã thúc đẩy ngài duy trì việc ghi chép có nhiều tính riêng tư hơn này về những hoạt động mục vụ của mình. Trong hai năm, ngài đã ghi ‘nốt’ các cuộc họp, những khách thăm, và các cuộc đàm thoại, và rồi hầu như mỗi ngày ngài đã dùng một máy ghi âm cầm tay để ghi lại một đúc kết về các sự kiện và những tâm tư của mình.

Chính đây là nét quan trọng của quyển nhật ký. Nó không phải là một “nhật ký tâm hồn”, không phải một ghi chép riêng tư về đời sống tâm linh và những suy tư cá nhân của ngài. Nhưng trước hết nó cho thấy những khía cạnh thuộc nhân cách của Romero và chuyển tải những cái nhìn thâm sâu nhất của ngài về nhiều vấn đề, theo cách thức mà những phát biểu công khai của ngài không thể làm được. Người ta chẳng thể biết Romero cách sâu xa nếu không đọc quyển nhật ký.

Dĩ nhiên, đây cũng là một tài liệu riêng tư theo nghĩa rằng một số vấn đề và nhân vật liên hệ với ngài (và do đó được ghi lại ở đây) tự bản chất có tính tế nhị và kín đáo. Hẳn là không phù hợp nếu công khai hóa một số bình luận và nhận xét của vị Tổng giám mục vào thời điểm mà chúng được ghi lại, và ngay cả hiện nay vẫn có một số người không hài lòng về việc xuất bản quyển nhật ký. Nhưng nó là sự phản ảnh Tổng giám mục Romero cách thiết yếu, và nó cung cấp một lối mở đặc sắc giúp hiểu cái tấn kịch vốn đã thu hút sự quan tâm của phần lớn thế giới bên ngoài đất nước El Salvador bé nhỏ.

Rõ ràng Romero muốn lưu giữ nhiều thứ hơn, chứ không chỉ các hoạt động mục vụ riêng của ngài. Trong ghi chép của mình vào ngày 11 tháng 12 năm 1979, ngài mô tả một cuộc họp với ban quản trị chủ chốt để thu xếp vấn đề thực hiện một nhật ký ghi âm. Ngài than phiền rằng ngài đã từng hy vọng nó sẽ là một tường thuật về đời sống của Tổng giáo phận, ghi chép lại toàn cảnh hoạt động mục vụ, nhưng cho đến thời điểm đó nó “chỉ là những quan điểm và hoạt động của bản thân vị Giám mục”. Ngài nhận xét với tính cách từ tốn đặc trưng của mình (nhưng nhìn lại, ta phải nói ngài đã sai lầm) rằng sử liệu đầy đủ hơn này, bao quát đời sống của toàn thể Tổng giáo phận, sẽ là mối quan tâm bậc nhất đối với nhiều người khác trong tương lai. Điều đã xảy ra, đó là cái quyết định được thông qua tại cuộc họp ấy – rằng thông tin từ các văn phòng của Tổng giáo phận cần được thu thập lại để giúp cho bản tường thuật của vị Tổng giám mục – rõ ràng đã không đi đến đâu.

Thật đáng ghi chú ở đây rằng cha Rafael Urrutia, vị linh mục chấp nhận công việc tổng hợp các dữ liệu từ các văn phòng, đã xuất hiện một cách đặc biệt cả ở đầu và cuối nhật ký này. Chúa Nhật trước ngày Đức Tổng Romero bắt đầu ghi âm (Phục sinh 1978), ngài đã trao tác vụ Giúp lễ cho một chủng sinh trẻ, là Rafael Edgardo Urrutia Herrera; ngày 4 tháng 11 sau đó, ngài đã truyền chức linh mục cho thầy. Trang nhật ký cuối cùng, ngày 20 tháng 3 năm 1980, đề cập đến cha Urrutia, người lúc đó đã là Chưởng ấn của Tổng Giáo phận và là thành viên của nhóm nòng cốt.

Do các biến cố xảy ra quá dồn dập trong những tháng đầu của năm 1980, dường như cha Urrutia không thể làm gì nhiều cho dự án nhật ký, nhưng giờ đây, một lần nữa, cha lại nhận công việc thu thập tất cả những thông tin có thể có về Đức Tổng Oscar Arnulfo Romero. Cha Urrutia là thỉnh nguyện viên trong án tuyên thánh Tổng giám mục Romero – tức là người nhận trách nhiệm theo đuổi tiến trình tuyên thánh cho con người vốn đã được rất nhiều người nhìn nhận là thánh Romero của Châu Mỹ. Và chính cha Urrutia, một lần nữa lại là Chưởng ấn, đã chứng thực rằng quyển nhật ký được xuất bản là văn bản ghi lại cách trung thực ba mươi băng cát-xét gốc mà Romero đã sử dụng.

Một người trợ lý quan trọng khác của Romero mà danh tính cũng xuất hiện trong nhật ký ở ngay mục đầu tiên và mục cuối cùng (cũng thường xuất hiện ở các trang giữa nữa), đó là Roberto Cuellar, vị luật sư trẻ điều hành Văn phòng Nhân quyền của Tổng giáo phận. Mục đầu tiên của nhật ký đề cập vấn đề nhân quyền và những yêu cầu đòi hỏi Giáo hội tiến hành điều tra và tố giác vô số vụ vi phạm vào thời đó. “Chúng tôi có một văn phòng nhỏ về nhân quyền, nhưng nó không đủ sức đối phó với số lượng lớn các vụ việc”, Romero nói với một nhóm luật sư và các sinh viên luật như thế vào ngày 31 tháng 3.

Thật là thích đáng việc quyển nhật ký bắt đầu với chủ đề nhân quyền, bởi chính vấn đề này cùng với phản ứng của Giáo hội là yếu tố trước hết thu hút sự quan tâm của thế giới đối với El Salvador. Cùng sự biểu dương ấy và cùng sự phê phán ấy phải được ghi nhận trong những năm sau cái chết của Romero, khi người kế vị ngài và Cuellar, là Arturo Rivera Damas và María Julía Hernández, đã tiếp tục cuộc dấn thân theo Tin Mừng trong việc bênh vực nhân phẩm và nhân quyền.

 

Việc Xuất Bản Quyển Nhật Ký

Khi cuộc chiến tranh leo thang trong những tháng tiếp theo sau vụ ám sát, và chính các văn phòng của Tổng giáo phận trở thành mục tiêu bị tấn công, thì các bản sao từ những băng ghi âm nguyên gốc của nhật ký cũng như các bài giảng truyền thanh của Đức Tổng giám mục đã được làm ra và mang đi cất giữ an toàn tại Hội đồng Công Giáo Hoa Kỳ (USCC) ở Washington.

Vào năm 1982, John McAward, khi đó thuộc Ủy ban Phục vụ của Unitarian Universalism (phái Phổ độ Nhất thể), đã mang tới USCC 153 băng ghi âm các bài giảng của Đức Tổng Romero từ ngày 12 tháng 5 năm 1977 đến ngày 23 tháng 3 năm 1980. Hơn một năm sau, cha James Brockman, người đã từng làm việc tại các Văn phòng Tổng giáo phận San Salvador về cuốn nhật ký và các tài liệu lưu trữ khác để chuẩn bị soạn thảo tiểu sử của vị Tổng giám mục, đã mang tới 30 cuộn băng nhật ký. Cả hai bộ đã được bảo quản trong kho lưu trữ có chế độ kiểm soát khí hậu của USCC. Khi các cuộn băng này không còn có ý nghĩa dự phòng trường hợp các băng gốc ở El Salvador bị phá hoại, thì chúng vẫn còn là một nguồn tài liệu quý giá của Hội đồng, và là một biểu tượng cho mối liên hệ khắng khít giữa hai Giáo hội.

Vào năm 1990, để tưởng niệm vụ ám sát dịp tròn 10 năm, Tổng giáo phận San Salvador đã xuất bản quyển Nhật ký của Đức cha Oscar Arnulfo Romero (Monseñor Oscar Arnulfo Romero: Su Diario). Vào dịp kỉ niệm này, ngày 24 tháng 3, Tổng giám mục Rivera Damas đã đề xuất việc thực hiện một bản tiếng Anh của quyển nhật ký với Đức Hồng y Roger Mahony, đại diện của USCC, và với Julian Filochowski, Giám đốc Quỹ Công Giáo Anh Quốc vì Sự Phát Triển Hải Ngoại (CAFOD), người đã phụ trách việc ấn hành bản tiếng Tây Ban Nha.

Hội đồng Công giáo Hoa Kỳ (USCC) đảm nhận việc dịch thuật và xuất bản, và đã chọn nhà xuất bản St. Anthony Messenger Press cho ấn bản ở Mỹ. Vì quyển nhật ký khá dài và không tránh khỏi một số sự lặp lại, nên một số độc giả đã đề nghị việc biên tập bản văn để quyển nhật ký có khổ vừa vặn hơn. Nhưng Tổng giám mục Rivera (với sự tán thành hoàn toàn của USCC và nhà xuất bản) đã kiên quyết rằng bản văn nên được xuất bản toàn bộ, để tránh bị méo mó vì cắt xén, cho dù là không cố ý.

Sự kiên quyết trung thành với bản gốc này đã hướng dẫn cho bản dịch trau chuốt từ đầu chí cuối của Tiến sỹ Irene B. Hodgson. Bản dịch nhắm dịch rất sát, chỉ khác bản gốc chủ yếu trong việc hiệu chỉnh một số tên nước ngoài cho đúng, và trong việc phân nhỏ một số câu văn thường dài mà thoát ý của Đức Tổng Romero. Bản văn có thể không luôn luôn trôi chảy trong cả hai ngôn ngữ; và hẳn rằng vị Tổng giám mục rất có thể đã tự mình làm một số việc hiệu chỉnh nếu ngài còn sống. Nhưng bản dịch này truyền tải âm sắc của các cuộn băng ghi âm. Đó là tiếng nói đích thực của Oscar Arnulfo Romero.

Thomas E. Quigley

Vụ Châu Mỹ – Latinh

Hội Đồng Công Giáo Hoa Kỳ

 

GIỚI THIỆU

Sinh ra tại một ngôi làng miền núi hẻo lánh ở miền đông El Salvador năm 1917, Oscar Romero rời nhà năm 13 tuổi để theo đuổi ơn gọi linh mục. Năm 20 tuổi, ngài được gửi đến Roma học thần học, và được truyền chức linh mục ở đó vào năm 1942. Trở về El Salvador năm 1943, ngài làm việc hăng say trong cương vị cha xứ Nhà thờ Chính tòa giáo phận San Miguel cho đến năm 1967, được dân chúng biết đến như một nhà giảng thuyết nổi tiếng, một nhà báo và nhà tổ chức các hoạt động khác nhau trong giáo phận. Nhưng đồng thời ngài cũng gây bực bội cho một vài giáo sĩ và những người khác bởi tính cách nghiêm khắc của ngài.

Giáo Hội và Công Đồng

Rất nhiệt thành với Giáo hội và với Đức thánh cha từ thời trai trẻ, Romero thích thú theo dõi Công đồng Vatican II, được Giáo hoàng Gioan XXIII triệu tập và diễn ra từ năm 1962 đến 1965, để canh tân Giáo hội Công giáo. Công đồng cung ứng một bộ văn kiện để áp dụng vào đời sống Giáo hội, và Công đồng đã tạo ra một bầu khí thay đổi và phát triển đầy phấn khích trong Giáo hội. Trở về với cội nguồn của Giáo hội, Công đồng nhắc rằng một cách căn bản Giáo hội là dân Thiên Chúa, bất chấp những dạng cơ chế mà nó thủ đắc qua các thời đại. Công đồng nhắc nhở các giáo sĩ và giáo phẩm rằng họ phải là các tôi tớ phục vụ dân chúng, chứ không phải một tầng lớp được ưu đãi. Bản thân Giáo hội phải là người phục vụ thế giới, là công cụ ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Một trong những điều mới mẻ trực tiếp đến từ Công Đồng Vatican II là việc hình thành các Hội đồng Giám mục tại mỗi quốc gia (mặc dù một vài nước vốn đã tổ chức các Hội đồng Giám mục ngay cả trước Công đồng). Các Hội đồng này giúp các giám mục đưa ra phương hướng hành động chung trong những vấn đề có tính liên giáo phận, và có tiếng nói thống nhất về những vấn đề của đất nước. Tuy nhiên, mỗi giám mục vẫn có thẩm quyền tối thượng trong giáo phận của mình. Năm 1967, ở tuổi 50, Romero được bổ nhiệm làm thư ký Hội đồng Giám mục El Salvador, và ngài đã chuyển đến San Salvador là thành phố thủ đô.

Năm 1970, Romero được tấn phong giám mục, làm một giám mục phụ tá của Tổng giáo phận San Salvador. (Giám mục phụ tá là một phụ tá của giám mục chính tòa, người đứng đầu một giáo phận hoặc tổng giáo phận.) Là giám mục phụ tá, có lúc Romero phục vụ trong vai trò giám đốc chủng viện và là biên tập viên của tờ tuần báo Công giáo, bên cạnh việc giảng dạy, thuyết trình và cử hành các nghi thức phụng vụ.

Sau khi Công đồng Vatican II bế mạc, các giám mục Mỹ Latinh đã qui tụ với nhau để thực hiện những cải tổ trong khu vực của mình. Các giám mục từ hàng giáo phẩm của tất cả các quốc gia Mỹ Latinh đã gặp nhau tại Medellin, Colombia, vào năm 1968. Áp dụng những ý tưởng căn bản của Vatican II theo đó Giáo hội phải là người phục vụ xã hội và Giáo Hội phải cố gắng để hiểu thế giới nhằm phục vụ và loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu cho thế giới, hội nghị tại Medellin đã nhìn nhận rằng thực tế cơ bản của Mỹ Latinh là tình trạng nghèo khổ và bị áp bức tràn lan. Các giám mục kêu gọi Giáo hội làm việc để giải phóng người ta khỏi bất công, như là một phần trong việc cứu rỗi nhân loại. Chỉ trong một thời gian ngắn, các nhà thần học viết về cùng chủ đề ấy, và do đó đã ra đời cái sẽ được gọi là thần học giải phóng. Các nhà thần học giải phóng đã tiếp tục khai triển theo nhiều cách khác nhau chủ đề về sự cứu rỗi liên quan đến sự giải phóng khỏi những sự dữ trong hiện tại cũng như khỏi án xử chung cục.

Tổng giáo phận San Salvador hăng hái đi theo sự hướng dẫn của Công đồng Vatican II và của hội nghị Medellin, nhưng Romero trong tư cách giám mục phụ tá rõ ràng không đồng ý với nhiều điều được thực hiện trong Tổng giáo phận. Ngài tránh các cuộc họp của Hội đồng Linh mục và các cuộc gặp gỡ hằng tháng của các giáo sĩ để thảo luận và thực thi các chính sách mục vụ. Ngài chấp nhận những công bố của Công đồng Vatican II theo như mình nhận hiểu, nhưng không sẵn lòng chấp nhận nhiều điều mà người ta đang nói hay làm sau Công đồng và sau hội nghị Medellin.

Tháng 10 năm 1974, Đức cha Romero được bổ nhiệm làm giám mục chính tòa của giáo phận Santiago de Maria nhỏ bé. Đó là một giáo phận phần lớn là nông thôn ở vùng núi phía đông, bao gồm cả quê hương của ngài. Một lần nữa, ngài lao vào công việc mục vụ bận rộn, như những năm tháng ngài đã từng là một linh mục ở San Miguel, gồm cả những chuyến viếng thăm các vùng trong giáo phận vốn chỉ có thể tiếp cận bằng ngựa hoặc lừa. Những chuyến thăm ấy đã giúp ngài ý thức rõ hơn về tình trạng cơ cực và bất công trong đời sống của người nông dân Salvador. Năm 1975, cảnh sát địa phương đã tàn sát năm nông dân trong giáo phận của ngài, và Romero đã đến thăm các gia đình nạn nhân, cử hành Thánh lễ an táng và phản đối mạnh mẽ bằng một lá thư gửi tổng thống của nước cộng hòa. Tuy nhiên, những ý kiến công khai của ngài vẫn còn khá dè dặt.

Vào năm 1976, một sắc luật cải cách ruộng đất khá dè dặt đã cơ bản khởi xướng một sự thay đổi trong cách phân phối ruộng đất bất bình đẳng của quốc gia, tình trạng mà trong nhiều thế hệ đã ràng buộc nông dân lệ thuộc vào một ít chủ nhân giàu có với khối tài sản khổng lồ. Ngay lập tức các địa chủ áp lực quốc hội hủy bỏ luật này. Các nông dân bắt đầu tổ chức với nhau để bảo vệ quyền lợi của mình và đòi cải cách, mặc dù pháp luật Salvador không nhìn nhận tính hợp pháp của các tổ chức nông dân như thế. Giới địa chủ gia tăng cảnh giác.

Một số mục tử vùng nông thôn bày tỏ sự ủng hộ đối với các tổ chức của nông dân và giảng thuyết về giáo huấn xã hội của Giáo hội. Đồng thời, Tổng giáo phận khuyến khích sự thành lập các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ giữa những người nông dân, như một phương thế thúc đẩy người ta sống đời sống Kitô hữu. Những cộng đoàn này giúp làm cho Giáo hội hiện diện trong những vùng mà các cha xứ khó có thể tiếp cận. (Đây là một nước nông nghiệp, đa số nông dân sống trong những làng nhỏ chỉ với một ít gia đình và canh tác đất đai ở xung quanh, nên các linh mục thường phải chăm sóc hàng ngàn giáo dân trong hàng chục hoặc hàng trăm ngôi làng nhỏ như thế). Nhưng những địa chủ coi các cộng đoàn này như tổ chức ngầm đe dọa quyền lực của họ. Cuối năm 1976, căng thẳng đã lên cao, các phương tiện truyền thông tấn công Tổng giáo phận và các linh mục, nhất là một số linh mục đang phục vụ tại các giáo xứ nông thôn. Đầu năm 1977, một số linh mục ngoại quốc bị trục xuất khỏi đất nước. 

Vị Tân Tổng Giám mục

Vị Tổng giám mục cao niên là Luis Chávez sắp nghỉ hưu và một Tổng Giám mục mới cần được bổ nhiệm. Bấy giờ ở El Salvador chỉ có năm giáo phận, bao gồm cả Tổng giáo phận, vì thế, vị Tổng giám mục hẳn nhiên là nhân vật nổi bật trong cả nước [xem cước chú*]. Hầu hết giáo sĩ của Tổng giáo phận muốn Giám mục Arturo Rivera Damas, vị giám mục phụ tá của Tổng giáo phận từ năm 1960, trở thành tân Tổng giám mục. Trái lại, nhóm quyền lực gồm giới địa chủ và doanh nhân của El Salvador thì muốn một tổng giám mục sẽ thay đổi những đường hướng của Tổng giám mục Chávez  và cho ngừng việc giảng thuyết về công bằng xã hội và về quyền của người nghèo. Họ nghiêng về Giám mục Romero. Vì từ lý lịch và tính cách bảo thủ của ngài, họ suy đoán rằng ngài sẽ đáp ứng những gì họ mong muốn. Họ vui mừng khi Tòa thánh Vatican chọn Romero.

Chưa đầy ba tuần sau khi Romero nhậm chức Tổng giám mục, những tay súng đã bắn chết một cha sở nong thôn, là cha Rutilio Grande, cùng với một cậu bé và một cụ ông đang ngồi trên chiếc xe jeep của vị linh mục này. Cha Rutilio Grande đã làm việc trong chủng viện nhiều năm, được nhiều người biết đến và kính trọng. Romero coi cha như một người bạn; chính Grande là người đã lên chương trình và điều phối lễ nghi tấn phong giám mục của Romero hồi năm 1970.

Vụ thảm sát gây chấn động cả nước. Đã nhiều thế hệ, chính quyền, quân đội và cảnh sát vốn phục vụ cho lợi ích của giới địa chủ giàu có ở El Salvador, giới địa chủ này hầu như có thể ra lệnh cho cảnh sát để loại trừ những kẻ gây rối cho họ. Cha Grande đã công khai tố cáo việc trục xuất một linh mục ra khỏi đất nước, và giáo xứ của ngài rất tích cực trong việc thúc đẩy những cộng đoàn Kitô hữu nhỏ. Kinh nghiệm lịch sử cho mọi người lý do chính đáng để nghĩ rằng giới địa chủ và chính quyền phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát ấy. Giờ đây, các giáo sĩ và dân chúng trong Tổng giáo phận muốn thấy một phản ứng mạnh mẽ từ phía Tổng giáo phận và từ vị tân Tổng giám mục.

Sau khi suy xét cẩn thận, Romero đã áp dụng các biện pháp được đề ra trong cuộc họp kéo dài trọn một ngày với các linh mục. Ngài đã cho đóng cửa tất cả các trường học Công giáo trong ba ngày để tang, cũng là thời gian dành để suy ngẫm về hiện tình đất nước. Ngài quyết định chỉ có một Thánh lễ duy nhất cho dân chúng trong Tổng giáo phận vào ngày Chúa Nhật sau lễ an táng cha Grande tại quảng trường trung tâm phía trước Nhà thờ Chính tòa. Sự kiện này được ghi nhận là cuộc biểu tình lớn nhất của tôn giáo trong lịch sử đất nước, và đây là một kinh nghiệm tôn giáo sâu sắc đối với nhiều người. Nhưng nó cũng dẫn đến mâu thuẫn nghiêm trọng với vị đại sứ của Vatican, tức vị Khâm sứ của Giáo hoàng, người đã gây áp lực đòi Romero không được tổ chức một thánh lễ duy nhất, vì sợ chính quyền coi đó là hành động khiêu khích. Đó là sự khởi đầu của tình trạng thiếu thấu hiểu và thiếu ủng hộ kéo dài từ phía vị Khâm sứ.

Trong ba năm tiếp sau đó, Romero là một tâm điểm của xung đột. Thất vọng với việc làm của ngài, chính quyền và nhóm lợi ích đã quyết liệt chống lại ngài. Về phần mình, ngài kiên định với đường lối mà ngài đã bắt đầu, nhận thấy rằng luôn có dân chúng bên mình, và ngài xác tín rằng mình đang thực thi bổn phận của mình đúng theo Tin Mừng và giáo huấn của Giáo hội. Trong ba năm ấy, thêm năm linh mục nữa bị sát hại sau cái chết của cha Rutilio Grande; chính Tổng giám mục Romero sẽ là người thứ sáu. Vô số thành viên của các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ bị tàn sát bởi quân đội  hay các lực lượng an ninh.

Các phương tiện truyền thông dồn dập tấn công Romero, gọi ngài là một tên cộng sản, một kẻ nổi loạn và một gã điên. Như ngài tâm sự, ngài từng rất đau buồn vì sự chống đối, sự “cứng lòng” ấy của nhiều người trong tầng lớp thượng lưu, một số trong họ vốn là bạn của ngài. Nhưng dân chúng đáp lại ngài bằng lòng yêu mến và sự ủng hộ, và ngài đã không nao núng.

Thử thách lớn nhất mà Romero phải chịu là sự phản đối đến từ các anh em giám mục của mình. Ngoại trừ Đức cha Rivera, còn những giám mục khác luôn chất vấn những gì Romero đang làm. Trong một số cuộc họp của Hội đồng Giám mục Salvador, bốn giám mục khác, thậm chí cả giám mục phụ tá của ngài, đã chống đối ra mặt và cáo buộc ngài là người gây ra phần lớn các vấn đề của đất nước. Ít nhất một lần ngài đã xúc động không cầm được nước mắt khi nói về sự chống đối của những người anh em giám mục ấy.

Một Con Người Cầu Nguyện

Trong một lá thư gửi cho Rôma, Romero đã viết rằng ngài luôn cố gắng để làm bất cứ điều gì Chúa thúc đẩy mình, và vì thế ngài cảm thấy phải hành động như mình đã hành động trước những tình huống xảy ra trong Tổng giáo phận, nhất là vì sự bách hại nhắm vào các linh mục và các cộng đoàn nhỏ của Giáo hội. Một số ghi chú như vậy trong các lá thư của ngài, trong các bài giảng và trong chính quyển nhật ký này, cùng với những gì được ghi lại từ các cuộc tĩnh tâm của ngài và ký ức của những người từng biết ngài, cho chúng ta những chỉ dấu để hiểu đời sống nội tâm và nguồn sức mạnh của ngài. Đôi khi các cộng sự viên thấy ngài tạm rời khỏi các cuộc họp quan trọng – trong đó đang thảo luận về việc phải làm gì trước một cơn khủng hoảng – để ngài có thể đi đến nhà nguyện và cầu nguyện. Có khi đang thảo luận và gặp khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận, các cộng sự viên đề nghị ngài đi cầu nguyện, vì họ tin rằng bằng cách đó ngài sẽ đưa ra quyết định tốt nhất.

Trong những tuần lễ cuối cùng, ngài linh cảm sự leo thang của bạo lực và phân hóa sẽ dẫn tới cái chết của chính ngài. Kỳ tĩnh tâm sau cùng, ngài đã viết:

… Tôi dâng mình cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đấng luôn là nguồn cảm hứng và niềm vui của đời tôi… Tôi đặt tất cả sự sống mình dưới sự che chở yêu thương của Người, và trong lòng tin vào Người, tôi đón nhận cái chết của mình, cho dù cái chết ấy khốc liệt đến mấy đi nữa… Hạnh phúc và niềm tín thác của tôi, đó là chỉ cần biết chắc rằng sự sống và cái chết của mình ở trong tay Chúa, biết chắc rằng cho dù mình tội lỗi, tôi vẫn đặt niềm tin tưởng nơi Chúa và sẽ không thất vọng, và có những người khác – khôn ngoan và thánh thiện hơn – sẽ thực hiện các công cuộc của Giáo hội và của đất nước.

Ba tuần sau đó, một viên đạn của tên sát thủ đã bắn trúng ngài khi ngài đang giảng trong Thánh lễ. Dù ngài chỉ là một trong số hàng ngàn vị tuẫn đạo ở El Salvador trong những năm gần đây, cuộc đời của ngài vẫn thật độc đáo. Ngài thường được gọi cách đúng đắn là tiếng nói của những người không có tiếng nói, một tiếng nói giúp mọi người ý thức về những đau khổ và những hy vọng của đoàn chiên ngài. Suốt cuộc đời mình, ngài đã vun trồng niềm hy vọng ấy nơi dân chúng, và hiện nay ngài vẫn đang tiếp tục làm như vậy.

James R. Brockman, S.J.

Tác giả quyển “Romero: Một cuộc đời” (Orbis Books);

Người dịch và biên tập quyển “Bạo lực của tình yêu” của Romero (Harper).

 

Ghi Chú Của Người Dịch Bản Anh Ngữ

Ba nguồn mà tôi đã sử dụng để thực hiện bản dịch này gồm có: những cuộn băng ghi chính tiếng nói của Tổng giám mục Romero, bản đánh máy chép lại các băng ghi âm do Tổng giáo phận thực hiện, và ấn bản tiếng Tây Ban Nha.

Trước khi bắt đầu công việc, tôi đã đọc nhiều hết sức có thể về El Salvador và về bản thân Đức Tổng Romero, đặc biệt là quyển “Rômêrô: Một Cuộc Đời” của James R. Brockman, S.J. (Orbis, 1990). Tôi đã đến El Salvador vào tháng 8 năm 1990, đã viếng thăm căn nhà nhỏ của Romero ở bệnh viện ung thư, nhà nguyện nơi ngài bị bắn chết, cũng như các văn phòng của Tổng giáo phận.

Phần lớn các khó khăn trong việc dịch thuật là do bản chất của ngôn ngữ nói. Đôi khi ngài nói những câu rất dài; khi khác ngài bỏ lửng những ý tưởng hay những mệnh đề và đổi hướng ở giữa câu. Đôi khi ngài ghi lại cùng một trật các tường thuật của hai hoặc ba ngày (có lẽ được hỗ trợ bởi một bảng liệt kê các cuộc hẹn của ngài) với cách dùng thì của động từ không nhất quán. Nói cho những thính giả vốn đã biết đề tài mình đang nói, ngài cũng đề cập đến nhiều chi tiết trong các tài liệu khác hồ sơ của Tổng giáo phận.

Khi tôi gặp cha Jon Sobrino, S.J.,[1] để đặt một số câu hỏi về một bài viết của ngài mà tôi đang dịch, tôi nói với ngài rằng tôi sắp dịch quyển nhật ký này. Cha Sobrino đáp lại rằng tôi có thể phạm mọi thứ lỗi khi dịch các bài viết của ngài, nhưng phải cố hết sức để “dịch chính xác về Romero”. Hy vọng tôi không làm phụ lòng cha Sobrino.

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn rất nhiều người đã giúp đỡ tôi trong đề án này:

– Tổng biên tập Lisa Biedenbach và biên tập viên Carol Luebering của nhà xuất bản St. Anthony Messenger Press, vì đã kiên nhẫn hỗ trợ;

– Susan Harper, Margaret Warminski và nhất là Carol, đã giúp sửa bản thảo;

– Bruce Pulliam, bạn tôi, đã khích lệ và đã dành rất nhiều thời gian để giúp đánh máy bản dịch cũng như nhập những hiệu chỉnh vào máy tính;

– Gail Nurre và Monica Rivera của Đại học Xavier, đã góp nhiều công sức đánh máy;

– Thomas E. Quigly, cố vấn Vụ Châu Mỹ Latinh thuộc Văn phòng Công lý và Hòa bình Quốc tế của Hội Đồng Công Giáo Mỹ, đã đọc lại bản thảo;

– Các cha James R. Brockman và Jon Sobrino, dòng Tên, và các vị khác với am hiểu đặc biệt về Giáo hội, về lịch sử El Salvador và về tiếng Tây Ban Nha được sử dụng tại đó;

– Đức Ông Ricardo Urioste và Maria Julia Hernández thuộc Văn phòng Nhân Quyền Tổng giáo phận, và Conny de Huezo, thư ký của Đức Ông Urioste, đã ân cần giúp đỡ trong những lần tôi ghé thăm Văn phòng Tổng giáo phận hồi tháng 8 năm 1990;

– Gia đình, bạn hữu và các đồng nghiệp của tôi, đã ủng hộ tôi trong suốt những tháng ngày dài làm công việc này.

Irene B. Hodgson

 

—–

*Cước chú:

Các giáo phận được nhóm lại thành các giáo tỉnh. Một giáo phận trong giáo tỉnh là Tổng giáo phận, vị giám mục của Tổng giáo phận được gọi là trưởng giáo tỉnh hay Tổng giám mục. Mặc dù ngài không có thẩm quyền trong các giáo phận khác trong việc quản trị thông thường, nhưng ngài có trách nhiệm báo cáo cho Rôma về những lạm dụng xảy ra trong giáo tỉnh. Các giáo phận khác và các giám mục tương ứng được gọi là ‘suffragan’. Ở El Salvador chỉ có một giáo tỉnh, nhưng giáo tỉnh không phải là Hội đồng Giám mục quốc gia. Thành viên của giáo tỉnh là mỗi giáo phận trong đó, trong khi thành viên của Hội đồng Giám mục là các giám mục, bao gồm cả các giám mục phụ tá. Bạn đọc quyển nhật ký của Romero cần lưu ý rằng trong tư cách là Tổng giám mục, ngài có một vị trí đặc biệt trong đời sống và cơ cấu Giáo hội ở El Salvador, nhưng ngài không giữ vị trí đặc biệt trong Hội đồng Giám mục.

 

[1] Cha Sobrino dạy triết học tại Universidad Centroamericana José Simeón Canas tại San Salvador. Ngài đã làm việc rất thân cận với Tổng giám mục Romero, và là tác giả của quyển Tổng giám mục Romero: Ký ức và Suy tư (Orbis Books, 1990). 

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30