TÔNG HIẾN « PASCITE GREGEM DEI » VỀ CẢI CÁCH GIÁO LUẬT : TRÁNH CÁC ĐIỀU XẤU NGHIÊM TRỌNG HƠN VÀ XOA DỊU CÁC VẾT THƯƠNG
Mang lại cho các mục tử “một công cụ cứu độ và sữa chửa uyển chuyển hơn, cần được sử dụng cách có ý thức và với đức ái mục tử để tránh những điều xấu nghiêm trọng hơn và xoa dịu các vết thương do sự yếu đuối của con người gây nên”: đó là mục tiêu của Tông hiến “Pascite gregem Dei” (“Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa” (1Pr 5, 2)) của Đức Phanxicô, được công bố hôm 1/1/2021.
Tông hiến mới này sửa đổi Cuốn VI của Bộ Giáo luật 1983 liên quan đến các chế tài xử phạt hình sự trong Giáo hội Công giáo. Nó nêu rõ các khía cạnh nền tảng của hình luật và “mang lại cho các đấng bản quyền và các thẩm phán những tiêu chí khách quan để xác định áp dụng hình phạt thích hợp nhất trong một trường hợp cụ thể”.
Tông hiến cũng nhắc nhở trách nhiệm của Giám mục: Nếu “việc tuân giữ kỷ luật hình sự là bổn phận của toàn dân Thiên Chúa”, thì “trách nhiệm áp dụng nó cách cụ thể thuộc về các chủ chăn và các bề trên của mỗi cộng đoàn”.
Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, “việc thiếu nhận thức về mối tương quan mật thiết tồn tại trong Giáo hội giữa việc thực thi đức ái và việc nại đến – khi hoàn cảnh và công lý đòi hỏi – kỷ luật trừng phạt” là nguồn gốc của nhiều chểnh mảng trong quá khứ.
Tông hiến đặc biệt cho thấy mối tương quan giữa công lý và bác ái: Các phạm nhân “đang cần đến cả lòng thương xót và sự sửa chữa của Giáo hội”. “Đức ái đòi hỏi các vị chủ chăn phải nại đến hệ thống hình sự thường xuyên khi cần thiết, bằng việc quan tâm đến ba mục đích làm cho nó cần thiết trong cộng đoàn Giáo hội, tức là tái lập những đòi hỏi của công lý, sửa phạt tội nhân và sửa chữa những vụ tai tiếng”.
Dưới đây là toàn văn Tông hiến:
Tông hiến “Pascite gregem Dei”, qua đó Cuốn VI của Bộ Giáo luật được sửa đổi.
« Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa, được giao phó cho anh em : lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn » (cf. 1Pr 5, 2). Những lời được linh hứng của thánh Phêrô Tông đồ làm vọng lại những lời của nghi thức phong chức Giám mục: “Anh chị em biết, Chúa Kitô Giêsu, được Chúa Cha sai đến để cứu độ con người, chính ngài đã sai mười hai Tông đồ đi vào thế giới. Các Tông đồ được đầy tràn sức mạnh của Chúa Thánh Thần và đã lãnh nhận từ Chúa Kitô sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc, tập hợp họ thành một gia đình duy nhất, để thánh hóa và hướng dẫn họ. (…) Bằng sự khôn ngoan và thận trọng của Giám mục, chính Ngài [Chúa Kitô] hướng dẫn anh chị em, trong cuộc lữ hành trần thế của anh chị em, cho đến hạnh phúc trên trời” (x. Pontifical romain. Les ordinations). Và người mục tử được kêu gọi thực thi nhiệm vụ của mình bằng “những lời khuyên bảo”, “những lời khích lệ”, “mẫu gương” của mình, nhưng còn bằng “thẩm quyền và việc thực thi quyền thánh thiêng” của mình (Lumen gentium, số 27), vì đức ái và lòng thương xót đòi hỏi một người Cha cũng dấn thân sửa lại những gì đôi khi bị sai lệch.
Trong suốt cuộc lữ hành trần thế, từ thời các Tông đồ, Giáo hội đã tự đặt ra cho mình những quy luật ứng xử mà, suốt nhiều thế kỷ, đã làm bên một bộ các chuẩn mực bó buộc chặt chẽ kết hợp Dân Thiên Chúa và các Giám mục có trách nhiệm làm cho tuân giữ. Những chuẩn mực này phản ảnh đức tin mà tất cả chúng ta đều tuyên xưng, từ đó chúng rút ra sức mạnh bó buộc của chúng; được xây dựng trên đức tin, chúng biểu lộ lòng thương xót từ mẫu của Giáo hội, vốn biết rằng mục đích của nó luôn là ơn cứu rỗi của các linh hồn. Vì chúng phải điều chỉnh đời sống của cộng đoàn trong dòng thời gian, nên điều cần thiết là những chuẩn mực này phải được liên kết chặt chẽ với thay đổi của xã hội và với những đòi hỏi mới của dân Thiên Chúa, điều mà đôi khi làm cho trở nên khó khăn việc sửa đổi và thích nghi chúng với những hoàn cảnh hay thay đổi.
Trong số những thay đổi xã hội nhanh chóng mà chúng ta kinh nghiệm, ý thức rằng “thời gian mà chúng ta đang sống không chỉ là một thời kỳ của những đổi thay, nhưng là một sự thay đổi thời kỳ thực sự” (Diễn văn cho Giáo triều Rôma dịp chúc mừng Giáng Sinh, 21/12/2019), để trả lời cách thích đáng cho những đòi hỏi của Giáo hội trên toàn thế giới, rõ ràng là cũng cần phải xúc tiến việc xem xét lại kỷ luật hình sự được thánh Gioan-Phaolô II ban hành ngày 25/1/1983 trong Bộ Giáo luật, và nên sửa đổi nó để cho phép các mục tử sử dụng nó như là một công cụ cứu độ và sửa chữa uyển chuyển hơn, cần được sử dụng cách có ý thức và với đức ái mục tử để tránh những điều xấu nghiêm trọng hơn và xoa dịu các vết thương do sự yếu đuối của con người gây nên.
Với mục đích này, vào năm 2007, Đức Bênêđíctô XVI, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, đã ủy quyền cho Hội đồng Tòa Thánh về các Văn bản pháp luật, để Hội đồng khởi động việc nghiên cứu nhằm xem xét lại luật hình sự trong Bộ Giáo luật 1983. Qua sự ủy quyền này, Bộ đã chú tâm xem xét cách cụ thể các đòi hỏi mới, xác định những giới hạn và những thiếu sót của luật hiện hành và chỉ ra những giải pháp khả thi, rõ ràng và đơn giản. Việc nghiên cứu đã được thực hiện trong tinh thần tập đoàn và hợp tác, đặc biệt với sự trợ giúp của các chuyên viên và mục tử, và đồng thời tương liên các giải pháp khả thi với các nhu cầu và đặc tính của các Giáo hội địa phương khác nhau.
Vì thế, một kế hoạch đầu tiên của Cuốn VI mới của Bộ Giáo luật đã được biên soạn, được gởi đến tất cả các Hội đồng Giám mục, các bộ của Giáo triều Rôma, các bề trên lớn của các dòng tu, các Phân khoa giáo luật và các thể chế khác của Giáo hội, để thu thập các nhận xét của họ. Đồng thời, nhiều chuyên viên giáo luật và chuyên viên hình luật trên toàn thế giới đã được tham khảo ý kiến. Các câu trả lời từ cuộc tham khảo ý kiến đầu tiên này, được chia chọn cách hợp thức, tiếp đến được chuyển đến một nhóm chuyên viên đặc biệt. Nhóm này đã xem xét lại kế hoạch dưới ánh sáng của những gợi ý nhận được, trước khi đệ trình một lần nữa cho các nhà cố vấn xem xét. Rồi, sau khi xem xét lại và so sánh một lần nữa, kế hoạch chung kết đã được xem xét ở khóa họp khoáng đại của các thành viên của Hội đồng Tòa Thánh về các Văn bản pháp luật. Cuối cùng, sau những sửa chữa mà khóa họp khoáng đại mang lại, bản văn đã được chuyển lên Đức Giáo hoàng vào tháng Hai năm 2020.
Việc tuân giữ kỷ luật hình sự là bổn phận của toàn thể dân Thiên Chúa, nhưng trách nhiệm áp dụng đúng đắn nó cách cụ thể – như được chỉ ra trên đây – thuộc về các chủ chăn và các bề trên của mỗi cộng đoàn. Đó là một nhiệm vụ không thể được tách rời với nhiệm vụ mục vụ được giao phó cho họ, và phải được thực thi như một đòi hỏi đức ái cụ thể và bất khả lẩn tránh không chỉ đối với Giáo hội, với cộng đoàn Kitô hữu và với các nạn nhân có thể có, nhưng còn đối với người đã phạm tội, đang cần đến cả lòng thương xót và sự sửa chữa của Giáo hội.
Trong quá khứ, nhiều sự thiệt hại đã là do việc thiếu nhận thức về mối tương quan mật thiết tồn tại trong Giáo hội giữa việc thực thi đức ái và việc nại đến – khi hoàn cảnh và công lý đòi hỏi – kỷ luật trừng phạt. Cách suy nghĩ này, như kinh nghiệm đã dạy, có nguy cơ dẫn đến những lối hành xử trái với kỷ cương, mà chỉ những lời khuyến cáo hay những gợi ý mà thôi thì không phải là một phương dược đủ được. Hoàn cảnh này thường bao hàm mối nguy hiểm rằng với thời gian, những hành xử như thế được củng cố đến độ làm cho chúng càng khó khăn hơn để sửa chữa và, trong nhiều trường hợp, tạo ra tai tiếng và hoang mang nơi các tín hữu. Chính vì thế, đối với các chủ chăn và bề trên, việc áp dụng các hình phạt trở nên cần thiết. Sự chểnh mảng của một chủ chăn trong việc nại đến hệ thống hình sự cho thấy rõ rằng họ không chu toàn cách đúng đắn và trung thành chức năng của mình, như tôi đã minh nhiên khẳng định như thế trong các văn kiện gần đây, trong số đó là các Tông thư dưới hình thức “Tự sắc” (“Như một người mẹ yêu thương”, ngày 4/6/2016 và “Các con là ánh sáng cho trần gian”, ngày 7/5/2019).
Quả thế, đức ái đòi hỏi các vị chủ chăn phải nại đến hệ thống hình sự thường xuyên khi cần thiết, bằng việc quan tâm đến ba mục đích làm cho nó cần thiết trong cộng đoàn Giáo hội, tức là tái lập những đòi hỏi của công lý, sửa phạt tội nhân và sửa chữa những vụ tai tiếng.
Như tôi đã từng nói gần đây, việc chế tài giáo luật cũng có một chức năng sửa chữa và cứu độ và nhất là nó tìm kiếm thiện ích của các tín hữu, để “nó biểu hiện một phương thế tích cực cho việc thể hiện của Nước Trời, để tái xây dựng công lý trong cộng đoàn tín hữu, được mời gọi thánh hóa bản thân và cộng đồng” (Diễn văn cho các tham dự viên khóa họp khoáng đại của Hội đồng Tòa Thánh về các Văn bản pháp luật, ngày 21/2/2020).
Do đó, đang khi vẫn tôn trọng tính liên tục với các đường hướng chung của hệ thống giáo luật, vốn đi theo một truyền thống của Giáo hội được củng cố theo thời gian, bản văn mới đưa vào những sửa đổi khác nhau của pháp luật hiện hành và chế tài xử phạt một số vi phạm hình sự mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng rộng lớn hơn nơi các cộng đoàn khác nhau muốn thấy công lý và trật tự được tái lập sau tội phạm.
Bản văn cũng đã được cải thiện theo quan điểm chuyên môn, đặc biệt những gì liên quan đến các khía cạnh nền tảng của hình luật, như các quyền lợi của bị đơn, thời hiệu tố tụng hình sự, xác định hình phạt rõ ràng hơn, đáp ứng những đòi hỏi của luật hình sự và mang lại cho các đấng bản quyền và các thẩm phán những tiêu chí khách quan để xác định áp dụng hình phạt thích hợp nhất trong một trường hợp cụ thể.
Nguyên tắc giảm thiểu các trường hợp trong đó việc áp đặt một hình phạt được để dành cho thẩm quyền xử lý cũng được tuân theo trong bản sửa đổi, để thúc đẩy sự hiệp nhất trong Giáo hội, trong việc áp dụng các hình phạt, miễn là phải giữ những luật phải giữ (servatis de iure servandis), cách riêng đối với các tội ác gây nên những thiệt hại và những tai tiếng quan trọng hơn trong cộng đoàn.
Tuy nhiên, qua Tông hiến này, tôi ban hành văn bản được sửa đổi của Cuốn VI của Bộ Giáo luật, như đã được truyền và xem xét lại, với hy vọng rằng nó sẽ chứng tỏ là một công cụ vì lợi ích của các linh hồn, và các quy định của nó sẽ được các Chủ chăn áp dụng, khi cần thiết, với công lý và lòng thương xót, biết rằng nó thuộc về thừa tác vụ của họ, như là một bổn phận công lý – đức tính bản lề nổi bật – áp đặt những chế tài xử phạt khi thiện ích của các tín hữu đòi hỏi.
Sau cùng, để mọi người có thể hiểu cách dễ dàng các quy định đang được nói đến, tôi truyền lệnh rằng bản sửa đổi của Cuốn VI của Bộ Giáo luật này phải được ban hành bằng việc đăng trên nhật báo Osservatore Romano, sẽ có hiệu lực vào ngày 8/12/2021 và tiếp đến phải được đưa vào Công báo chính thức của Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis).
Tôi cũng truyền lệnh rằng khi Cuốn VI mới có hiệu lực, thì Cuốn VI hiện nay của Bộ Giáo luật sẽ được bãi bỏ, bất chấp bất kỳ điều khoản nào ngược lại, cho dù nó đáng được một đề cập đặc biệt.
Ban hành tại Rôma, ở Đền thờ Thánh Phêrô, Lễ Trọng Thể Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 23/5/2021, vào năm thứ chính triều đại giáo hoàng của tôi.
PHANXICÔ
———————-
Lm. Võ Xuân Tiến chuyển ngữ
Tags: Giáo luật, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- SỨ THẦN TÒA THÁNH TẠI PARIS NÓI VỀ LÝ DO TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KHÔNG ĐẾN PARIS
- JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC
- ĐỨC PHANXICÔ CẦU CHÚC VIỆC MỞ LẠI NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS TRỞ THÀNH MỘT DẤU CHỈ NGÔN SỨ VỀ SỰ ĐỔI MỚI CỦA GIÁO HỘI PHÁP
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT