TÔNG HIẾN PRAEDICATE EVANGELIUM VÀ SỢI CHỈ ĐỎ LOAN BÁO TIN MỪNG
Để hiểu « Praedicate Evangelium », Tông hiến mới mà Đức Phanxicô ấn định luật về Giáo triều Rôma và sự phục vụ của Giáo triều đối với Giáo hội hoàn vũ. Adélaïde Patrignani của Vatican News phỏng vấn Đức cha Patrick Valdrini, giáo sư danh dự về Giáo luật ở Đại học Giáo hoàng Latêranô.
Đức Phanxicô đã chọn một một ngày biểu tượng để ban hành văn kiện quan trọng này trong triều đại giáo hoàng của mình. Ngày 19/3, lễ trọng lễ thánh Giuse, bổn mạng của Giáo hội hoàn vũ, mà ngài đặc biệt yêu mến. Với Tông hiến Praedicate Evangelium (Anh em hãy rao giảng Tin Mừng) về Giáo triều Rôma và việc phục vụ Giáo hội hoàn vũ của nó, Đức Thánh Cha đã hoàn thành công trình cải cách vĩ đại mà ngài đã khởi động từ năm 2013. Những cải tổ về cơ cấu đi kèm với sự thay đổi về phong cách mang đậm dấu ấn của Đức Giáo hoàng người Argentina. Phần mở đầu của Tông hiến nếu rõ : « Cuộc cải cách không phải là một mục đích tự thân, nhưng là một phương tiện mang lại chứng tá Kitô hữu mạnh mẽ ».
Văn kiện này rõ ràng nằm trong đường hướng của Tông huấn đầu tiên của Đức Thánh Cha, được công bố vào năm 2013, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng. Nhưng chúng ta cũng có thể thiết lập một mối liên hệ với các Tông hiến trước đó, như Đức cha Valdrini sẽ giải thích cho chúng ta.
Đây là một Tông hiến hoàn toàn nằm trong khuôn khổ của bốn Tông hiến trước đó. Giáo triều Rôma trong hình thức hiện tại của nó, đã được Đức Sixtô V ban hành vào năm 1588 bằng một Tông hiến đầu tiên. Tông hiến thứ hai được Đức Piô X ban hành vào năm 1910. Tiếp đến có Đức Phaolô VI sau Công đồng Vatican II, Đức Gioan-Phaolô II vào năm 1988, và Đức Phanxicô. Trên thực tế, Tông hiến này giống nhiều hơn với hai Tông hiến gần nhất, vì cách nào đó Tông hiến mới này muốn điều chỉnh nó và biến nó thành một Tông hiến « Phanxicô ». Những thay đổi một mặt đến từ định hướng mà chính ngài muốn mang lại cho Giáo hội từ khi ngài được bầu làm Giáo hoàng, và cũng đến từ tính cách của ngài, vì Giáo triều Rôma giống như Giáo hoàng. Có một câu nói của Đức Gioan-Phaolô II diễn tả rõ điều đó : « Giáo triều Rôma liên quan đến Giáo hoàng ».
Trong trường hợp hiện tại, rõ ràng là khi chúng ta đọc Evangelii gaudium từ đầu triều đại giáo hoàng, và chúng ta đọc Tông hiến này, thì chúng ta nhận thấy cùng một định hướng, cùng một mạch máu, tức là việc loan báo Tin Mừng. Tựa đề là rất quan trọng, Praedicate Evangelium. Số đầu tiên nhắc nhớ cứu cánh của Giáo hội, định hướng của Giáo hội. Nó ghi khắc sứ mạng của Giáo hội trong sự ủy thác của Chúa Kitô – « Anh em hãy loan báo Tin Mừng » – và chúng ta nói ngay sau khi rửa chân : đó là tư tưởng sâu xa của Đức Phanxicô về Giáo hội. Đây là một điểm thay đổi, nhưng nó không vắng mặt trong Tông hiến trước đó của Đức Gioan-Phaolô II, và cũng không vắng mặt trong Tông hiến của Đức Phaolô VI. Nhưng điểm nhấn không được nhấn mạnh như trong Tông hiến mới này.
Adélaïde Patrignani : Có những điểm nào khác mà từ đó chúng ta có thể thiết lập một mối liên hệ với triều đại của Đức Phanxicô không ?
Đức cha Valdrini : Đó là điểm về tính hiệp hành. Chắc chắn Đức Phanxicô sẽ đi vào lịch sử với tư cách là vị Giáo hoàng cổ vũ ý tưởng tính hiệp hành nhất. Tuy nhiên, khi ngài cử hành kỷ niệm 50 Thượng hội đồng Giám mục vào năm 2015, ngài đã có một bài phát biểu rất quan trọng trong đó ngài nói răng tính hiệp hành phải được cổ vũ trong mỗi Bộ. Thực tế, đó là những gì nổi bật từ Tông hiến này, trong đó ngài nói rằng việc cải cách Giáo triều phải dự kiện sự đóng góp của mọi người, gồm cả giáo dân, cho đến vai trò quản trị và trách nhiệm. Khi ngài nói về sự hiệp thông, ở bên trong các Bộ, sự hiệp thông vốn phải một dấu hiệu về sự hiệp thông của Giáo hội, một Giáo hội vốn là dấu chỉ và bí tích của những gì Thiên Chúa muốn thực hiện với nhân loại, đó là chính nền tảng của tính hiệp hành.
Đó là hai điểm cốt yếu : loan báo Tin Mừng và tính hiệp hành. Vậy mà chúng ta tìm thấy hai điều này trong Tông huấn Evangelii gaudium, và cả trong tất cả những gì ngài đã làm, bao gồm và đặc biệt là Thượng hội đồng đã bắt đầu và sẽ kết thúc vào năm 2023.
Adélaïde Patrignani : Có sự nhấn mạnh đến tính hiệp hành, nhưng trong trường hợp này, làm thế nào để hiểu rằng Bộ chính yếu của Giáo triều, Bộ loan báo Tin Mừng, lại do chính Đức Giáo hoàng đảm nhận ?
Đức cha Valdrini : Đây là điểm rất thú vị. Chắc chắn Đức Giáo hoàng muốn đưa ra một thông điệp. Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử mà Đức Giáo hoàng đứng đầu một Bộ. Trong bốn thế kỷ – cho đến Đức Gioan-Phaolô II, Đức Giáo hoàng đã từng là tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin. Đó đã là một nơi cực kỳ nhạy cảm, trong đó người [lãnh đạo] phải can dự nhiều để duy trì sự hiệp nhất trong Giáo hội. Thông điệp mà ngài đưa ra là, tất nhiên, đức tin là rất quan trọng và chính Bộ đó là rất quan trọng – Nó đã luôn là Bộ hàng đầu trong danh sách, từ Tông hiến năm1588, Bộ (congrégation) hàng đầu (thời đó người ta không nói về dicastère (Bộ)) đã là Bộ Giáo lý Đức tin -, nhưng lần này thông điệp là « Bộ (dicastère) hàng đầu là Bộ loan báo Tin Mừng, và tôi cho rằng nó quan trọng đến mức tôi sẽ là tổng trưởng của nó ».
Adélaïde Patrignani : Đức Cha đã nhanh chóng đề cập đến điều này, bây giờ chúng ta nói về « dicastère », chứ không nói về « congrégation » nữa, sự thay đổi ngữ nghĩa này có quan trọng không ?
Đức cha Valdrini : Có một tầm quan trọng đặc biệt đối với các luật gia. Trong Tông hiến của Đức Gioan-Phaolô II, chúng ta đã phân biệt giữa các « congrégations » và các « conseils pontificaux » (hội đồng Giáo hoàng/Tòa Thánh). Các tổng trưởng đã hưởng được một quyền hạn quản trị, và trong các hội đồng Tòa Thánh – ngoài Hội đồng Tòa Thánh về Giáo dân – đã không có quyền hạn quản trị. Từ khi chúng ta muốn sửa lại tất cả tổng thể, chúng ta muốn thoát ra khỏi sự phân biệt này vốn khá hẹp, và chúng ta đã xóa bỏ từ « congrégation » và cụm từ « hội đồng Tòa Thánh », và chúng ta đã sử dụng một từ rộng hơn nhiều, « dicastère », đại khái có nghĩa là « ministère » (bộ), một cơ quan lớn có một cứu cánh, một chức năng. Đây là một sự mới mẻ hoàn toàn tương đối và có một nền tảng pháp lý.
Adélaïde Patrignani : Và chúng ta có thể ghi nhận được gì từ việc soan thảo Tông hiến này ?
Đức cha Valdrini : Trong một trong những điều khoản ở phần đầu của Tông hiến Pastor Bonus, Đức Gioan-Phaolô II giải thích cách ngài làm để tạo ra văn bản này. Ngài đã thực hiện hai cuộc họp chung với các Hồng y, tiếp đến một cuộc tham khảo ý kiến rộng rãi, trước tiên nơi tất cả những người trong các Bộ của Giáo triều Rôma – các bộ và hội đồng Tòa Thánh -, và tiếp đến ngài đã lập một ủy ban đặc biệt gồm các Hồng y để chuẩn bị bản văn này, trên đó ngài đã làm việc và tiếp đến ngài công bố.
Trong trường hợp của Đức Phanxicô, đó là hoàn toàn khác. Ngài đã thành lập một hội đồng Hồng y – chứ không phải hội đồng « của » các Hồng y – nhằm giúp đỡ ngài chuẩn bị cuộc cải cách Giáo triều, và phần còn lại, chính ngài là người trực tiếp thực hiện các hoạt động. Vì thế, đây là một bản văn thực sự gắn liền với ý muốn của Đức Giáo hoàng, điều này không muốn nói rằng Pastor Bonus không có như thế, nhưng đã có sự trung gian về một công việc rất to lớn trong Giáo triều Rôma.
Adélaïde Patrignani : Praedicate Evangelium liên quan trực tiếp đến Giáo triều Rôma, nhưng đâu là những hiệu quả nó có thể có ở cấp độ các Giáo hội địa phương, và cuối cùng là đối với toàn thể các tín hữu ?
Đức cha Valdrini : Có một sự củng cố rõ ràng trong việc nhấn mạnh đến mối tương quan với Giáo hội địa phương. Chúng ta có một phần dẫn nhập về tầm quan trọng cần phải có về các mối tương quan của Giáo triều với các Giáo hội địa phương, các Hội đồng Giám mục, và các cơ cấu liên kết – như các liên hiệp các Hội đồng Giám mục. Chúng ta đừng quên, chúng ta cũng nói về thế giới Đông phương, do đó về các cơ cấu phẩm trật liên kết Đông phương.
Đây là một sự mới mẻ đến từ sự kiện rằng Giáo triều Rôma trực tiếp gắn liền với hoạt động của Đức Giáo hoàng, vốn là Giáo chủ tối cao, nhưng cách gián tiếp và qua giáo chủ đối với tập thể Giám mục, tức là Giám mục đoàn, với toàn thể các Giám mục đang sống rải rác trên khắp thế giới. Giáo triều không chỉ có mối liên hệ của một cơ quan đại diện cho hoạt động của Đức Giáo hoàng – hay hành động nhân danh ngài – đối với mỗi Giám mục, nhưng đó cũng là mối liên hệ đối với các Hội đồng Giám mục, hay các nhóm liên hiệp của các Giám mục này.
Đó là một điểm mới : trong Tông hiến của Đức Gioan-Phaolô II, chúng ta đã không nhấn mạnh đến mối tương quan với các Hội đồng Giám mục. Lần này, điều đó thực sự được ghi khắc trong bản văn. Nó nhất thiết phải được liên kết với Evangelii gaudium, và điều đó cũng mở ra, với những người có năng lực- các thần học gia, các chuyên viên Giáo hội học, các chuyên viên giáo luật… -, khả năng nghiên cứu về điểm này, để làm sáng tỏ những gì Đức Giáo hoàng muốn nói.
Adélaïde Patrignani : Tông hiến mới này dự kiến có hiệu lực vào ngày 5/6 tới, ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – điều đó cũng rất mang tính biểu tượng. Điều gì sẽ xảy ra từ đây đến đó và đâu sẽ là những giai đoạn đầu tiên của việc áp dụng nó ?
Đức cha Valdrini : Cho đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các Bộ sẽ làm việc để xem điều này thay đổi về mặt tổ chức, cơ cấu, đặc biệt là Bộ lớn về loan báo Tin Mừng, vốn kết hợp Bộ loan báo Tin Mừng cho các dân tộc – một trong những Bộ lớn của Giáo triều Rôma – và Hội đồng Tòa Thánh về tân Phúc Âm hóa. Trong trường hợp đó, có một sự tái cấu trúc quan trọng về việc tổ chức nội bộ, do đó về công việc và nhân sự. Nó đòi hỏi một công việc phải suy nghĩ về cách mà họ sẽ làm việc và hành động cùng nhau.
Điều này cũng sẽ có những hệ quả đối với hai bản văn lớn : một mặt quy định nội bộ của Giáo triều Rôma, mà chắc chắn sẽ được tiến hành, và mặt khác, các quy định làm việc nội bộ của mỗi Bộ.
——————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Vatican News)
Tags: curie, Giáo luật, Phanxicô-I, synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM