TÔNG HUẤN, THÔNG ĐIỆP, TỰ SẮC…LÀ GÌ ?

Written by xbvn on Tháng Bảy 18th, 2021. Posted in Thế Giới, Tý Linh, Văn kiện Giáo Hội

Nếu các Đức Giáo hoàng công bố các loại văn kiện khác nhau, thì những văn phong được dùng không làm phương hại đến thẩm quyền của các văn kiện.

 

1. Các bản văn khác nhau của Đức Giáo hoàng :

+ Thông điệp (Encyclique)

Từ này phát xuất từ tiếng Hy Lạp « enkuklios », có nghĩa là « vòng tròn » : do đó, ban đầu, thông điệp là một lá thư « tuần hoàn » mà Đức Giáo hoàng đã gởi cho các Giám mục, nói chung về một điểm cụ thể của giáo lý Công giáo.

Từ Thông điệp Pacem in terris (Hòa bình dưới thế) của Đức Gioan XXIII (năm 1963), các Đức Giáo hoàng đã có thói quen gởi các thông điệp không chỉ cho các Giám mục nhưng còn « cho mọi người thiện chí ».

+ Tông huấn (Exhortation apostolique)

Như danh xưng cho thấy, đối với Đức Giáo hoàng, đó là văn kiện gởi cho các tín hữu, hoặc là cho một phần các tín hữu, đưa ra cho họ những chỉ dẫn cụ thể cho đời sống Kitô hữu của họ.

Từ Thượng hội đồng Giám mục 1974 về Phúc Âm hóa, các Đức Giáo hoàng đã có thói quen công bố một Tông huấn hậu Thượng hội đồng. Chẳng hạn, tông huấn Evangelii nuntiandi (1975), Evangelii Gaudium (2013), Amoris laetitia (2016), Christus vivit (2019)…

Nhưng Đức Giáo hoàng luôn giữ khả năng công bố một Tông huấn mà không có Thượng hội đồng Giám mục nào trước đó. Chẳng hạn Tông huấn Gaudete et exsultate (2018).

+ Tự sắc (Motu proprio)

Trong La ngữ, « motu proprio » có nghĩa là « theo lệnh riêng của người ấy » : do đó, đây là một sắc lệnh do Đức Thánh Cha đưa ra theo sáng kiến của ngài, nói chung để điều chỉnh một vấn đề thực tiễn. Chẳng hạn, sắc lệnh mới nhất « Traditionis Custodes ».

+ Tông hiến (Constitution apostolique)

Tông hiến là một luật mà Đức Giáo hoàng ban hành với tư cách thẩm quyền cai quản chung Giáo hội.

2. Cấp độ thẩm quyền của các văn bản Giáo hoàng

Văn phong của các văn bản Giáo hoàng không ảnh hưởng đến thẩm quyền của chúng. Một Tự sắc về một vấn đề thực tiễn có thể có một tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với một Thông điệp về một vấn đề rất tổng quát.

Cũng thế, một Tông huấn hậu Thượng hội đồng, vì nó diễn tả lời của Đức Giáo hoàng sau khi tham khảo ý kiến của Giám mục đoàn qua Thượng hội đồng, sẽ có thể có một giá trị huấn quyền ít ra cũng mạnh như giá trị của một Thông điệp do chỉ mình Đức Giáo hoàng viết.

Nói chung, toàn bộ các văn bản Giáo hoàng  thường bắt nguồn từ những gì được gọi là huấn quyền thông thường đích thực của Đức Giáo hoàng, ngay cả khi nó không thuộc về ơn bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng, thì các tín hữu phải « lấy ý chí và lý trí kính cẩn tuân phục một cách đặc biệt những giáo huấn chính thức của Giáo hoàng Rôma » (Hiến chế Lumen Gentium , 25).

 Khi các Đức Giáo hoàng cảm thấy nhu cầu đưa vào huấn quyền của mình cách mạnh mẽ hơn, thì nói chung các ngài thực hiện điều đó xuyên qua một Tông hiến (chẳng hạn để tuyên bố tín điều Đức Mẹ lên trời vào năm 1950, với Tông hiến Munificentissimus Deus). Lần này, loại văn bản này thuộc về huấn quyền long trọng thể hiện ơn bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng.

Tý Linh

(theo nhật báo La Croix)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31