TÔNG HUẤN VỀ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU : HỒNG ÂN TÍN THÁC

Written by xbvn on Tháng Mười 16th, 2023. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tông huấn, Tý Linh

Tông huấn dành riêng cho Thánh Têrêsa thành Lisieux có tựa đề “Niềm tín thác” (C’est la confiance) đã được công bố vào Chúa Nhật ngày 15 tháng 10, nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của thánh nữ (2/1/1873), nhưng cũng là kỷ niệm 100 năm ngày phong chân phước cho ngài (29/4/1923). Trong 27 trang bằng tiếng Pháp, Đức Thánh Cha khảo sát thiên tài thiêng liêng và thần học của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan.

Chỉ có niềm tín thác, và “không có gì khác”, không có con đường nào khác dẫn chúng ta đến Tình Yêu trao ban tất cả.” “Nhờ niềm tín thác, nguồn ân sủng tràn ngập trong cuộc sống của chúng ta, Tin Mừng trở thành xác thịt trong chúng ta và biến đổi chúng ta thành kênh dẫn lòng thương xót cho anh em chúng ta” (số 2).

Giống như Thánh Phanxicô Assidi, ngài được cả những người không phải là Kitô hữu và những người không có đức tin yêu mến. Ngài cũng được UNESCO công nhận là một trong những nhân vật quan trọng nhất của nhân loại đương đại” (số 4).

Ngày xuất bản này, lễ nhớ Thánh Têrêsa Avila, nhằm mục đích giới thiệu Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu “như một thành quả chín muồi của cuộc cải cách Dòng Cát Minh và của linh đạo của vị thánh vĩ đại người Tây Ban Nha”, Đức Thánh Cha giải thích trong lời mở đầu, và cho biết ngài cảm động trước “ánh sáng và tình yêu phi thường” tỏa ra từ vị nữ tu trẻ qua đời ở tuổi 24, bổn mạng của các xứ truyền giáo, bổn mạng của nước Pháp.

Trong danh xưng mà ngài chọn làm nữ tu, Chúa Giêsu xuất hiện: “Hài Nhi” biểu lộ mầu nhiệm Nhập Thể, và “Thánh Nhan”, nghĩa là dung mạo của Chúa Kitô, Đấng hiến mình cho đến cuối cùng trên Thập Giá. Ngài là “Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan”” (số 7).

Loan báo Tin Mừng bằng sự thu hút

Từ chương đầu tiên, Đức Thánh Cha trở lại với tâm hồn truyền giáo của vị thánh Dòng Cát Minh, người đã vào dòng “để cứu các linh hồn”.[1] Đức Phanxicô khẳng định, những trang cuối cùng của Chuyện Một Tâm Hồn[2] là một di chúc truyền giáo và đồng thời ca ngợi cách ngài quan niệm việc truyền giáo “bằng sự thu hút”, [3] chứ “không phải bằng áp lực hay chiêu dụ tín đồ”.

Ân sủng này giải phóng khỏi tính quy ngã,” Đức Thánh Cha lưu ý khi nhìn vào tâm hồn của thánh Têrêsa, trong đó “ân sủng của phép rửa trở thành dòng thác mạnh mẽ chảy vào đại dương tình yêu của Chúa Kitô, mang theo vô số anh chị em”.

Tính tối thượng của ân sủng Thiên Chúa trên hành động của con người

Đức Thánh Cha Phanxicô trở lại “con đường nhỏ” của niềm tin và tình yêu, trái tim của linh đạo Têrêsa.“Một trong những khám phá quan trọng nhất của thánh Têrêsa, vì lợi ích của toàn thể dân Thiên Chúa, đó là “con đường nhỏ” của ngài, con đường tín thác và yêu thương, còn được gọi là Con đường thơ ấu thiêng liêng” (số 14). Thánh Têrêsa kể lại việc khám phá ra con đường nhỏ này trong Chuyện một tâm hồn: [4] “Do đó, bất chấp sự nhỏ bé của con, con vẫn có thể khao khát nên thánh; nâng mình lên, đó là điều không thể, con phải chịu đựng bản thân như con là, với mọi khuyết điểm của mình; nhưng con muốn tìm phương cách lên Thiên Đàng bằng một con đường rất thẳng, rất ngắn, một con đường nhỏ rất mới.”[5]

Đối mặt với quan niệm của Pêlagiô về sự thánh thiện, [6] theo chủ nghĩa cá nhân và tinh hoa, khổ hạnh hơn là thần bí, vốn đặc biệt nhấn mạnh đến nỗ lực của con người, thánh Têrêsa luôn nhấn mạnh đến tính tối thượng của hành động của Thiên Chúa, của ân sủng của Ngài” (số 17), Đức Thánh Cha nhận xét và đồng thời nói rõ rằng cách suy nghĩ này không mâu thuẫn với giáo huấn truyền thống của Công giáo về sự tăng trưởng của ân sủng. Nhưng thánh Têrêsa thích nhấn mạnh đến tính tối thượng của hành động Thiên Chúa và về cơ bản dạy rằng, vì chúng ta không thể có bất kỳ sự chắc chắn nào khi nhìn vào chính mình, [7] nên chúng ta cũng không thể chắc chắn về việc sở hữu công trạng.“Sách Giáo lý muốn trích dẫn những lời của thánh Têrêsa khi ngài thưa với Chúa “Con sẽ xuất hiện trước nhan Chúa với đôi bàn tay trắng”, để diễn tả rằng “các thánh luôn có một ý thức sống động rằng công trạng của các ngài là ân sủng thuần túy”” (số 19).

Do đó, thái độ thích hợp nhất là đặt niềm tín thác của tâm hồn bên ngoài bản thân mình, vào lòng thương xót vô tận của một Thiên Chúa, Đấng yêu thương không giới hạn và là Đấng đã trao ban mọi sự trên Thập giá của Chúa Giêsu Kitô,”  (số 20) Đức Thánh Cha nhấn mạnh, và tin rằng sự tin tưởng vô hạn đó khuyến khích những người cảm thấy mong manh, hạn chế, tội lỗi “hãy để mình được dẫn dắt và biến đổi để đạt tới đỉnh cao”.

Sự phó thác hằng ngày

(số 23) Đức Phanxicô mời gọi chúng ta đừng hiểu niềm tín thác mà thánh Têrêsa cổ vũ “chỉ liên quan đến việc thánh hóa và cứu rỗi cá nhân”, nhưng có một ý nghĩa toàn diện bao trùm toàn bộ cuộc sống cụ thể và áp dụng cho tất cả cuộc đời của chúng ta trong đó chúng ta thường bị xâm chiếm bởi nỗi sợ hãi, bởi mong muốn an toàn của con người, bởi nhu cầu kiểm soát mọi thứ. Chính ở đó xuất hiện lời mời gọi về một “sự phó thác” thánh thiện, giúp giải thoát “khỏi những tính toán ám ảnh, khỏi lo lắng liên lỉ về tương lai, khỏi những nỗi sợ hãi lấy đi sự bình an”.

Sự anh hùng của ngọn lửa và niềm tin trong đêm tối

25. Thánh Têrêsa cũng sống đức tin mạnh mẽ và xác tín nhất “trong đêm tối và ngay cả trong bóng tối của đồi Canvê”. Lời chứng của ngài đạt đến đỉnh cao vào giai đoạn cuối đời, trong “cuộc thử thách đức tin” to lớn, [8] bắt đầu vào Lễ Phục sinh năm 1896. Trong câu chuyện của mình [9], ngài liên kết thử thách này với thực tế đau đớn của chủ nghĩa vô thần vào cuối thế kỷ 19, một “thời hoàng kim” theo chủ nghĩa thực chứng và duy vật. Khi ngài viết rằng Chúa Giêsu đã để cho tâm hồn ngài “bị bóng tối dày đặc nhất xâm chiếm”,[10] ngài ám chỉ bóng tối của chủ nghĩa vô thần và sự khước từ đức tin Kitô giáo. “Thánh Têrêsa nhận thấy, trong bóng tối này, sự tuyệt vọng, sự trống rỗng của hư vô [11]”, Đức Thánh Cha khẳng định và đồng thời nhắc lại “chuyên gia về khoa học tình yêu” đã chiến thắng sự dữ như thế nào. “Câu chuyện của thánh Têrêsa cho thấy đức tin anh hùng của ngài, sự chiến thắng của ngài trong cuộc chiến thiêng liêng trước những cám dỗ mạnh mẽ nhất. Ngài cảm thấy mình như người chị em của những người vô thần và ngồi cùng bàn ăn, như Chúa Giêsu, với những người tội lỗi (x. Mt 9, 10-13).”

Ngài trải nghiệm, ngay cả trong bóng tối, sự tin tưởng hoàn toàn của đứa trẻ phó thác trong vòng tay của cha mẹ mình mà không hề sợ hãi.” Thật vậy, đối với ngài, Thiên Chúa tỏa sáng trên hết nhờ lòng thương xót của Ngài, chìa khóa để hiểu mọi điều nói về Ngài. Theo Đức Thánh Cha, đây là một trong những khám phá quan trọng nhất của thánh Têrêsa đối với dân Thiên Chúa. “Ngài đã bước vào vực sâu của lòng thương xót Chúa một cách phi thường và kín múc ở đó ánh sáng của niềm hy vọng vô hạn của mình.”

Đức cậy và đức ái

29. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng tội lỗi của thế giới chắc chắn là vô cùng to lớn, nhưng nó không phải là vô hạn như tình yêu thương xót của Đấng Cứu Chuộc. “Thánh Têrêsa là nhân chứng cho chiến thắng dứt khoát của Chúa Giêsu trước mọi thế lực sự dữ qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người. Được thúc đẩy bởi niềm tín thác, ngài dám viết: “Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con cứu được nhiều linh hồn, để ngày nay không còn một linh hồn nào bị sa hỏa ngục. Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho con nếu con nói những điều không được nói, con chỉ muốn làm cho Chúa vui mừng và an ủi Chúa.”[12] ”

31. Đức Thánh Cha lưu ý, Chuyện một tâm hồn cũng là một chứng tá về đức ái. Hành động yêu thương “Lạy Chúa Giêsu, con yêu Chúa”, được thánh nữ liên tục sống như một hơi thở, là chìa khóa để ngài đọc Tin Mừng. Ngài sống Phúc Âm với Đức Maria và Thánh Giuse, Maria Mađalêna và các Tông Đồ.

Ân sủng trong sự đơn sơ lớn lao nhất

36. Thánh Têrêsa sống đức ái trong sự nhỏ bé, trong những điều đơn sơ nhất của đời sống hằng ngày. “Thật vậy, trong khi các nhà giảng thuyết vào thời của ngài thường nói về sự vĩ đại của Đức Maria một cách hiếu thắng, xa vời với chúng ta, thì thánh Têrêsa cho thấy, từ Tin Mừng, rằng Đức Maria là người cao cả nhất trong Nước Trời vì Mẹ là người nhỏ bé nhất (x. Mt 18, 4), người gần gũi nhất với Chúa Giêsu trong sự hạ mình của Người,” Đức Thánh Cha viết và nói thêm: “Ngài thấy rằng, nếu những trình thuật ngụy thư đầy những đoạn lạ lùng và kỳ diệu, thì các Tin Mừng cho chúng ta thấy một cuộc sống khiêm tốn và nghèo khó, được sống trong sự đơn sơ của đức tin.” Vì thế, Đức Maria là người đầu tiên sống “con đường nhỏ” trong đức tin thuần khiết và khiêm nhường.

Thân thể và trái tim của Giáo hội

38. Tiếp đến, Đức Phanxicô khai triển tình yêu của thánh Têrêsa dành cho Giáo hội, một tình yêu được thừa hưởng từ thánh Têrêsa Avila: “Ngài đã có thể chạm đến chiều sâu của mầu nhiệm này”.

39. Trong chương 12 của Thư thứ nhất Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô, Thánh Tông đồ sử dụng ẩn dụ về thân xác và các chi thể để giải thích rằng Giáo hội bao gồm nhiều đặc sủng khác nhau được sắp xếp theo thứ bậc. Nhưng, Đức Thánh Cha lưu ý, sự mô tả này không đủ đối với thánh nữ. Ngài tiếp tục nghiên cứu, đọc “thánh thi về đức ái” ở chương 13, và tìm thấy câu trả lời ở đó: “Đức ái đã cho con chìa khóa dẫn đến ơn gọi của mình. Con hiểu rằng nếu Giáo hội có một thân thể gồm nhiều phần tử khác nhau, thì điều cần thiết nhất, điều cao quý nhất, con hiểu rằng Giáo hội có một Trái tim, và Trái tim này đang cháy bỏng tình yêu. Con hiểu rằng Tình yêu chứa đựng mọi ơn gọi, rằng Tình yêu là tất cả, nó bao trùm mọi lúc và mọi nơi… tóm một lời, nó là vĩnh cửu!

40. “Đó không phải là trái tim của một Giáo hội hiếu thắng, mà là trái tim của một Giáo hội yêu thương, khiêm nhường và nhân hậu,” Đức Thánh Cha nhận xét và đánh giá rằng việc khám phá ra trái tim của Giáo hội như vậy cũng là một ánh sáng tuyệt vời cho chúng ta ngày hôm nay, “để không bị vấp phạm bởi những giới hạn và điểm yếu của tổ chức Giáo hội, bị đánh dấu bởi sự tối tăm hoặc tội lỗi”. Đức Thánh Cha nói : “‘Con sẽ là tình yêu’ là sự lựa chọn triệt để của thánh Têrêsa, là tổng hợp dứt khoát của ngài, là căn tính thiêng liêng cá nhân của ngài”.

Cuối cùng, chỉ tình yêu mới đáng kể

45. Do đó, chính niềm tín thác dẫn chúng ta đến Tình yêu, giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi, giúp chúng ta nhìn xa khỏi chính mình, Đức Thánh Cha viết: “Điều này để lại cho chúng ta một dòng suối tình yêu và năng lượng bao la sẵn sằng để tìm kiếm lợi ích cho anh em. Và vì vậy, giữa nỗi đau khổ của những ngày cuối đời, ngài có thể nói: “Con chỉ trông cậy vào tình yêu.”[13] Cuối cùng, chỉ tình yêu mới đáng kể. Niềm tín thác làm cho những bông hoa nở rộ và lan tỏa chúng như một sự tràn trề dồi dào của tình yêu Thiên Chúa.

Trong chương 4, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với thánh Têrêsa không chỉ với tư cách là một nhà thần bí, mà còn như một “Tiến sĩ tổng hợp” (số 47). Tông huấn cho phép Đức Thánh Cha nhắc lại rằng, trong một Giáo hội truyền giáo, “việc loan báo tập trung vào điều thiết yếu, vào những gì là đẹp hơn, lớn hơn, hấp dẫn hơn và đồng thời cần thiết hơn. Lời đề nghị trở nên đơn giản hơn, không mất đi chiều sâu và sự thật, và do đó trở nên thuyết phục hơn và sáng sủa hơn”.[14] “Trái tim sáng ngời, đó là vẻ đẹp của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và phục sinh.”[15]

Tiến sĩ tổng hợp thiên tài

48. Mọi thứ không phải là trung tâm, bởi vì có một trật tự hoặc phẩm trật giữa các chân lý của Giáo hội, Đức Phanxicô nhắc nhở – và “điều này có giá trị cho các tín điều đức tin cũng như cho tất cả các giáo huấn của Giáo hội, bao gồm cả giáo huấn luân lý”-[ 16] nhưng, Đức Thánh Cha nhắc lại, trung tâm của luân lý Kitô giáo là đức ái. (số 49). Và Đức Phanxicô khẳng định ở đó rằng sự đóng góp cụ thể của thánh Têrêsa nhỏ với tư cách là một vị thánh và một tiến sĩ của Giáo hội không phải là “có tính chất phân tích, chẳng hạn như của Thánh Tôma Aquinô”. Đức Thánh Cha kết luận: “Đúng hơn, sự đóng góp của ngài là tổng hợp, bởi vì thiên tài của ngài là dẫn chúng ta đến trung tâm, đến điều cốt yếu, điều cần thiết nhất”.

Sự táo bạo và tự do nội tâm

50.Đức Thánh Cha khuyến khích : “Là những nhà thần học, những nhà luân lý, các nhà tư tưởng về linh đạo, cũng như các mục tử và mỗi tín hữu trong môi trường của mình, chúng ta vẫn phải đón nhận trực giác tuyệt vời này của thánh Têrêsa và rút ra từ nó những hệ quả cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, cả về giáo thuyết lẫn mục vụ, cả cá nhân lẫn cộng đồng. Cần phải có sự táo bạo và sự tự do nội tâm để đạt được điều này”.

52. Từ trời xuống đất, Đức Thánh Cha nói tiếp, tính thời sự của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan vẫn còn trong tất cả “sự vĩ đại nhỏ bé” của ngài. Và Đức Thánh Cha kết thúc Tông huấn bằng kinh cầu này cho thời đại chúng ta:

Vào thời đại đang mời gọi chúng ta gắn bó với những sở thích riêng của mình, thánh Têrêsa cho chúng ta thấy rằng thật tuyệt vời khi biến cuộc sống thành một món quà. Vào thời điểm mà những nhu cầu hời hợt nhất chiếm ưu thế, ngài là chứng nhân cho sự triệt để của Tin Mừng. Vào thời đại chủ nghĩa cá nhân, ngài làm cho chúng ta khám phá ra giá trị của tình yêu trở thành sự chuyển cầu. Vào thời điểm con người bị ám ảnh bởi sự vĩ đại và những hình thức quyền lực mới, ngài chỉ ra con đường dẫn đến sự nhỏ bé. Vào thời đại mà nhiều người bị gạt bỏ, ngài dạy chúng ta vẻ đẹp của việc quan tâm, chăm sóc người khác. Vào thời điểm của tính phức tạp, ngài có thể giúp chúng ta khám phá lại sự đơn sơ, tính tối thượng tuyệt đối của tình yêu, sự tin tưởng và sự phó thác, vượt xa lôgic mang tính pháp lý và luân lý, vốn lấp đầy đời sống Kitô hữu bằng những việc tuân giữ và giới luật, đồng thời làm đóng băng niềm vui Tin Mừng. Vào thời đại rút lui và khép kín, thánh Têrêsa mời gọi chúng ta đi ra truyền giáo, được chinh phục bởi sự hấp dẫn của Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng.

53. “Một thế kỷ rưỡi sau khi sinh ra, thánh Têrêsa vẫn sống động hơn bao giờ hết trong lòng Giáo hội lữ hành, trong lòng Dân Thiên Chúa. Ngài đang hành hương với chúng ta, làm điều thiện trên trái đất như Ngài mong muốn. Vô số “bông hồng” mà thánh Têrêsa rải là dấu chỉ đẹp nhất về sức sống thiêng liêng của ngài, nghĩa là những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua lời chuyển cầu đầy tình yêu của ngài, để nâng đỡ chúng ta trên đường đời.

Lạy thánh Thêrêsa kính mến,

Giáo hội cần tỏa sáng

màu sắc, hương thơm, niềm vui của Tin Mừng.

Xin gửi cho chúng con những bông hồng của ngài.

Xin giúp chúng con luôn tin tưởng,

như ngài đã làm,

trong tình yêu vĩ đại mà Thiên Chúa dành cho chúng con,

để chúng con có thể bắt chước mỗi ngày

con đường thánh thiện nhỏ bé của ngài.

Amen.”

—————————————————-

[1] Ms A, 69v°, p. 187.

[2] Xem Ms C, 33v°-37r°, pp. 280-285.

[3] Xem Tông huấn Evangelii gaudium (24 /11/ 2013), số 14 : AAS 105 (2013), pp. 1025-1026.

[4] Xem Ms C, 2v°-3r°, pp. 237-238.

[5] Ibid., 2v°, p. 237.

[6] Xem Tông huấn Gaudete et Exsultate (19 /3/ 2018), các số 47-62 : AAS 110 (2018), pp. 1124-1129.

[7]  Công đồng Trentô đã giải thích điều đó như thế này: “Bất cứ ai tự soi xét mình, cũng như sự yếu đuối và tâm tính xấu xa của mình, đều có thể tràn đầy nỗi kinh sợ và sợ hãi về ân sủng của Người” (Sắc lệnh về sự công chính hóa, IX: DS, n. 1534). Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo đề cập đến điều này khi dạy rằng không thể có sự chắc chắn về những tình cảm hoặc việc làm của chúng ta (xem số 2005). Sự chắc chắn của niềm tin không được tìm thấy trong chính chúng ta; cái tôi của chính mình không cung cấp cơ sở cho sự chắc chắn này, vốn không dựa trên sự xem xét nội tâm. Một cách nào đó, thánh Phaolô đã diễn tả điều đó như thế này: “Tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình. Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi chính là Chúa” (1 Cr 4, 3-4). Thánh Tôma Aquinô đã giải thích điều đó như thế này: vì “ân sủng một cách nào đó thì không hoàn hảo theo nghĩa là nó không hoàn toàn chữa lành con người” (Summa I-II, q. 109, art. 9, ad 1), nên “cũng vẫn còn một sự mù mờ thiếu hiểu biết nào đó trong trí thông minh” (ibid., co).

[8] Ms C, 31rº, p. 277.

[9] Cf. ibid., 5rº-7vº, pp. 240-244.

[10] Ibid., 5vº, p. 241.

[11] Cf. ibid., 6vº, pp. 242-243.

[12] Pri 2, p. 958.

[13] Thư 242, gởi Sơ Marie Chúa Ba Ngôi (6 /7/ 1897), tr. 599.

[14] Tông huấn Evangelii gaudium (24 /11/2013), số 35 : AAS 105 (2013), p. 1034.

[15] Ibid., số 36 : AAS 105 (2013), p. 1035.

[16] Ibid.

————————————————-

Tý Linh

(theo Delphine Allaire, Vatican News)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31