TỔNG LƯỢC TÔNG HUẤN HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ

Written by lcd on Tháng Năm 6th, 2018. Posted in Lm Lê Công Đức, Tâm linh, Thiên Phong, Tông huấn

TỔNG LƯỢC TÔNG HUẤN HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ (GAUDETE ET EXSULTATE) CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Lm. Lê Công Đức, PSS.

 

Đức thánh cha chọn câu lời Chúa “Hãy vui mừng hoan hỉ” (Mt 5,12) để đặt ‘tên’ cho Tông huấn về “lời mời gọi nên thánh trong thế giới hôm nay” này. Theo đó, Đức thánh cha nêu bật rằng sự thánh thiện phản ảnh Các Mối Phúc, sự thánh thiện là Niềm Vui, và sự thánh thiện là Ơn Gọi Nền Tảng. Điều Đức thánh cha nhắm đến qua Tông huấn này, đó là đặt lời mời gọi nên thánh vào bối cảnh thực tiễn thời đại hôm nay.

Tông huấn gồm 5 chương, có 177 đoạn, như vậy không dài cũng không ngắn.

Chương 1 (#3-34) mang tựa đề “Lời mời gọi nên thánh – Các thánh khích lệ và đồng hành với chúng ta”. Đức thánh cha khởi đi bằng cách vẽ bức tranh toàn cảnh của sự đáp trả tiếng gọi nên thánh, với “đám mây chứng nhân”, bao gồm tất cả các thành phần, hữu danh và vô danh, cùng chung một dấu hiệu là bắt chước Đức Kitô và ở trong mối hiệp thông sống động với mọi tín hữu. Điểm nhấn của Đức thánh cha ở chương này được thấy khá rõ khi ngài ‘zoom in’ và xoáy vào tính gần gũi của các thánh. Nên thánh không phải là chuyện gì ghê gớm. Nó hệ tại việc sống các mối tương quan trong khung cảnh đời thường, mỗi người theo cách của mình, và không ai là không thể. Nó thường thôi, nhưng nó thực sự phi thường, nhờ ở động lực tình yêu. Nó là sứ mạng của mỗi người, trong Đức Kitô. Nó rất người, và bao trùm toàn thể đời sống con người.

Chương 2 (#35-62) được dành cho chủ đề “Hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện”. Đức thánh cha chỉ ra hai lạc thuyết từ xa xưa nhưng vẫn đang hoành hành trong thời hiện đại: ngộ đạo và pêlagiô thuyết. Chúng làm nổi lên “một tầng lớp ưu tú độc đoán và tự yêu, trong đó thay vì loan báo Tin Mừng, thì người ta phân tích và xếp loại những người khác, và thay vì mở rộng cửa cho ân sủng, thì người ta vắt cạn sức mình cho việc thẩm tra và xác minh; trong cả hai trường hợp, cả Đức Kitô lẫn tha nhân đều không được quan tâm”. Hai não trạng này là kẻ thù bên trong, được Đức thánh cha vạch mặt chỉ tên đằng sau các thứ lốt của chúng. Để hóa giải chúng, theo Đức thánh cha, thiết yếu cần ý thức lại ý nghĩa và vai trò của ân sủng thần linh, trong đó trọng tâm là đức ái.

Chương 3 (#63-109), tựa đề “Trong ánh sáng của Tôn Sư”, là những nẻo đường thánh thiện (Các Mối Phúc) và ngọn hải đăng định hướng cuối cùng cho mọi lộ trình nên thánh (tiêu chuẩn tối hậu là lòng thương xót). Có thể thấy, Các Mối Phúc đã thoáng hiện ngay từ đầu Tông huấn, và thực sự được đặt ở trung tâm Tông huấn này, bởi chúng là bức chân dung của Chúa Giêsu, ta theo đó mà trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Đức thánh cha khẳng định rằng “hạnh phúc” hay “được chúc phúc” đồng nghĩa với “thánh thiện’ – và ngài ghi nhận rằng Mối Phúc về lòng thương xót được mở rộng và khắc đậm nơi câu chuyện Phán xét chung (Mt 25,31-46).

Chương 4 (#110-157) được Đức thánh cha dành để trình bày “Những dấu hiệu của sự thánh thiện trong thế giới hôm nay”, đặt trong cái khung Các Mối Phúc và tiêu chuẩn phán xét tối hậu (tức những thực hành của lòng thương xót). Các giáo huấn của Đức thánh cha ở đây mang tính ứng dụng khá thực tiễn vào trong bối cảnh, được khai triển dưới năm đề mục: 1) kiên trì, nhẫn nại và hiền hòa; 2) niềm vui và khiếu hài hước; 3) dũng cảm và say mê; 4) trong cộng đoàn; và 5) trong cầu nguyện liên lỉ. Cách khai triển những dấu hiệu này, thiển nghĩ, rất nhất quán với tinh thần của Đức Phanxicô và với con người của ngài, như được biết qua các văn kiện giáo huấn trước đây và qua phong cách của ngài được truyền thông ghi nhận.

Chương 5 (#158-177) mang tựa đề “Cuộc chiến đấu thiêng liêng, tỉnh thức và phân định”. Chương này đề cập hai chủ đề có liên quan mật thiết với nhau, đó là ma quỉ và việc phân định. Ở chủ đề thứ nhất, Đức thánh cha tập trung nhấn mạnh điều mà ngài cảm thấy bị bỏ quên mức nào đó bởi nhiều người, đó là ma quỉ có thật và ma quỉ hoạt động rất tinh ranh, và vì thế, đời sống thiêng liêng càng là một cuộc chiến đấu quyết liệt. Chủ đề thứ hai, về phân định, được vị giáo hoàng Dòng Tên trình bày khá cô đọng nhưng đầy hàm súc với những ánh sáng có thể gây bất ngờ cho những ai chỉ mới dạo vòng quanh việc phân định, dù nhiều lần, mà chưa một lần thực sự phân định tới nơi tới chốn.

Tông huấn khép lại với hình ảnh Đức Maria, vị thánh sống Các Mối Phúc của Chúa Giêsu hơn bất cứ ai. Và Đức thánh cha khích lệ: “Chuyện trò với Mẹ, chúng ta sẽ được an ủi, được giải phóng và được thánh hóa”.

Nếu con số những người nên thánh nhờ quyển Linh Thao của Thánh I-nhã đã vượt quá số chữ trong đó, thì tại sao điều tương tự lại không thể xảy ra với Tông huấn này của Đức thánh cha Phanxicô nhỉ?

 

[Chúng tôi có bản tổng lược Tông huấn này chi tiết hơn, theo từng số, sẽ đăng sau]

 

Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31