TRÁI TIM NGƯỜI CHA

Written by lcd on Tháng Mười Hai 10th, 2020. Posted in Lm Lê Công Đức, Thiên Phong, Văn kiện Giáo Hội

TÔNG THƯ PATRIS CORDE CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

NHÂN KỶ NIỆM 150 NĂM CÔNG BỐ THÁNH GIUSE LÀ BỔN MẠNG TOÀN THỂ HỘI THÁNH

Lm. Lê Công Đức, PSS, dịch từ bản tiếng Anh

VỚI TRÁI TIM CỦA MỘT NGƯỜI CHA, Thánh Giuse đã yêu Chúa Giêsu, Đấng mà cả bốn sách Tin Mừng đều gọi là “con của Giuse”. [1]

Mátthêu và Luca là hai tác giả Tin Mừng nói nhiều nhất về Giuse, song thực sự chẳng kể cho ta nhiều thông tin lắm, nhưng dù sao cũng đủ để giúp chúng ta ngưỡng mộ cung cách làm cha của ngài, và sứ mạng mà Thiên Chúa Quan Phòng ủy thác cho ngài.

Chúng ta biết rằng Giuse là một người thợ mộc khiêm hạ (x. Mt 13,35), đính hôn với Maria (x. Mt 1,18; Lc 1,27). Ngài là một “người công chính” (Mt 1,19), luôn sẵn sàng thi hành thánh ý Thiên Chúa như được mặc khải cho mình qua Lề Luật (x. Lc 2,22.27.39) và qua bốn giấc mơ (x. Mt 1,20; 2,13.19.22). Sau chuyến đi dài và mệt nhọc từ Nadarét đến Bêlem, ngài đã trải nghiệm biến cố chào đời của Đấng Mêsia trong một chuồng súc vật, vì “không tìm được chỗ ở nơi đâu khác” (x. Lc 2,7). Ngài chứng kiến các người chăn chiên (x. Lc 2,8-20) và các Đạo sĩ (x. Mt 2,1-12) đến thờ lạy, họ đại diện cho dân Israel và các dân ngoại.

Giuse đã can đảm nhận làm người cha theo pháp lý của Chúa Giêsu, Đấng được ngài đặt tên theo như thiên thần mách bảo: “Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Chúng ta biết rằng đối với các dân tộc cổ xưa, việc đặt tên cho một người hay một vật – như Ađam đã làm trong trình thuật sách Sáng Thế (x. 2,19-20) – chính là việc thiết lập một mối tương quan.

Trong Đền Thờ, bốn mươi ngày sau khi sinh trẻ Giêsu, Giuse và Maria đã dâng con mình cho Chúa và đã sửng sốt lắng nghe lời tiên tri của cụ Simeon nói về con trẻ Giêsu và về Mẹ Người (x. Lc 2,22-35). Để bảo vệ Giêsu khỏi tay vua Hêrôđê, Giuse đã đến cư ngụ ở Ai Cập trong tư cách một ngoại kiều (x. Mt 2,13-18). Sau khi hồi hương, Giuse đã sống một đời âm thầm tại làng Nadarét nhỏ bé vô danh thuộc xứ Galilê, cách xa Bêlem là nguyên quán của mình, cũng cách xa Giêrusalem và Đền Thờ. Người ta nói về Nadarét rằng “Không có ngôn sứ nào xuất hiện ở đó cả” (x. Ga 7,52) và quả thực “Từ Nadarét có gì hay đâu?” (x. Ga 1,46). Khi đi hành hương Giêrusalem lần nọ, Giuse và Maria đã lạc mất cậu bé Giêsu mười hai tuổi, hai người đã lo lắng kiếm tìm con và gặp con trong Đền Thờ, thấy con đang đối đáp với các tiến sĩ luật (x. Lc 2,41-50).

Sau Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, không có vị thánh nào được giáo huấn của các giáo hoàng đề cập thường xuyên hơn Thánh Giuse, bạn trăm năm của Mẹ. Các vị Tiền nhiệm của tôi đã suy tư về sứ điệp chứa đựng trong những thông tin ít ỏi nhận được từ các sách Tin Mừng, để trân trọng đúng mức hơn vai trò cốt yếu của ngài trong lịch sử cứu độ. Chân phước Giáo hoàng Piô IX đã tuyên bố ngài là “Thánh Bổn mạng của Hội Thánh Công giáo”, [2] Đấng Đáng kính Piô XII đặt ngài làm “Bổn mạng giới Lao động” [3] và Thánh Gioan Phaolô II gọi ngài là “Người Bảo hộ Đấng Cứu Chuộc”. [4] Khắp nơi người ta kêu cầu Thánh Giuse như “đấng bảo trợ ơn chết lành”. [5]

Giờ đây, 150 năm sau khi Chân phước Giáo hoàng Piô IX công bố Thánh Giuse là Quan Thầy của Hội Thánh Công giáo (8.12.1870), tôi muốn chia sẻ một vài suy tư của mình về khuôn mặt phi thường này, vốn rất gần gũi với kinh nghiệm phận người của chúng ta. Bởi vì, như Chúa Giêsu nói, “lòng có đầy miệng mới nói ra” (Mt 12,34). Ao ước của tôi càng tăng thêm trong những tháng của cơn đại dịch này, trong đó ngay giữa cơn khủng hoảng, chúng ta kinh nghiệm rằng “đời sống chúng ta được đan kết với nhau và được nâng đỡ bởi những con người bình thường, những con người ít ai để ý. Những con người không xuất hiện trên mặt báo, hay trên chương trình truyền hình mới đây nhất, nhưng trong những ngày này rõ ràng họ đang làm nên những sự kiện quyết định cho lịch sử chúng ta. Đó là các bác sĩ, y tá, các chủ cửa hàng và các nhân viên siêu thị, những người quét dọn, các nhân viên tạp vụ, những người phục vụ trong ngành giao thông, những người đang làm việc để cung cấp các dịch vụ thiết yếu và bảo đảm trật tự công cộng, các tình nguyện viên, các linh mục, tu sĩ nam nữ, và rất nhiều người khác. Họ hiểu rằng không ai được cứu một mình… Biết bao người đang hằng ngày thể hiện sự kiên nhẫn và đang cung ứng niềm hy vọng, họ đang quan tâm làm việc để cho thấy tinh thần cùng trách nhiệm, chứ không phải để gây hoảng loạn. Biết bao cha mẹ, ông bà, thầy cô đang cần mẫn giúp cho con cái chúng ta biết cách đón nhận và xử lý một cơn khủng hoảng qua việc điều chỉnh các thói quen của mình, biết nhìn về phía trước và thúc đẩy việc cầu nguyện. Biết bao người đang cầu nguyện, hy sinh và xin ơn cho mọi người”. [6] Giuse là con người chẳng ai chú ý đến, ngài vẫn hiện diện ở đó một cách âm thầm lặng lẽ; mỗi chúng ta có thể khám phá nơi ngài một đấng chuyển cầu, một vị đỡ nâng và dẫn dắt trong những thời khắc khó khăn. Thánh Giuse nhắc chúng ta rằng những con người có vẻ lẩn khuất trong bóng mờ có thể đóng một vai trò không thể so sánh được trong lịch sử cứu độ. Tất cả họ đáng được nhìn nhận và biết ơn.

  1. Một người cha yêu dấu

Thánh Giuse cao cả ở chỗ ngài là bạn trăm năm của Đức Maria và là cha của Chúa Giêsu. Trong tư cách ấy – theo cách nói của Thánh Gioan Kim Khẩu – thì Thánh Giuse “tự hiến mình để phục vụ cho toàn thể công cuộc cứu độ”. [7]

Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nêu rõ rằng Thánh Giuse đã diễn tả cụ thể vai trò làm cha “bằng cách hiến dâng đời sống mình để phục vụ cho mầu nhiệm nhập thể và mục đích cứu chuộc của mầu nhiệm ấy. Ngài sử dụng quyền pháp lý của mình trên Gia Đình Thánh để trao hiến trọn vẹn chính mình cho gia đình này qua đời sống và công việc của ngài. Ngài biến ơn gọi tự nhiên của mình là yêu thương gia đình thành một sự dâng hiến chính mình cách siêu nhiên, dâng hiến trái tim và tất cả khả năng của mình, một tình yêu hướng đến việc phục vụ Đấng Mêsia vốn đang lớn lên từng ngày trong mái nhà của ngài”. [8]

Do vai trò của ngài trong lịch sử cứu độ, Thánh Giuse vẫn luôn được các Kitô hữu tôn kính như một người cha. Điều này được thấy nơi vô số nhà thờ trên khắp thế giới được dâng kính ngài, rất nhiều Dòng tu, các Huynh đoàn và các nhóm trong Giáo hội nhận cảm hứng từ linh đạo của Thánh Giuse và mang tên của ngài, và rất nhiều việc đạo đức truyền thống diễn tả sự tôn vinh ngài. Vô số người nam và nữ đã sùng kính ngài cách say mê. Trong số đó có Thánh Têrêsa Avila, người đã chọn Thánh Giuse làm Đấng bàu chữa và Đấng chuyển cầu cho mình, đã thường xuyên kêu cầu Thánh Giuse và đã nhận được mọi ơn huệ mà mình kêu xin. Từ chính kinh nghiệm riêng của bản thân, Têrêsa đã thúc đẩy những người khác vun đắp lòng sùng mộ đối với Thánh Giuse. [9]

Các sách kinh nguyện đều có bao gồm những lời cầu nguyện với Thánh Giuse. Những lời cầu nguyện đặc biệt được dâng cho ngài mỗi ngày thứ Tư, nhất là trong tháng Ba, vốn được dâng kính ngài theo truyền thống. [10]

Niềm tín thác của dân chúng đối với Thánh Giuse được thấy rõ trong câu nói “Hãy đến cùng Giuse”, gợi lại nạn đói bên Ai Cập, trong đó người Ai Cập đến xin lương thực nơi vua Pharaon. Nhà vua trả lời: “Hãy đến với Giuse; và hãy làm những gì Giuse bảo các ngươi làm” (St 41,55). Pharaon đang nói đến Giuse con của Gia-cóp, người đã bị bán làm nô lệ do lòng ghen tức của các anh mình (x. St 37,11-28), và Thánh Kinh cho biết rằng sau đó Giuse đã trở thành phó vương của Ai Cập (x. St 41,41-44).

Trong tư cách là hậu duệ của nhà Đavít (x. Mt 1,16-20) – là gia tộc mà từ đó Đức Giêsu sẽ xuất hiện theo như lời đã hứa với Đavít qua ngôn sứ Nathan (x. 2Sm 7) – và trong tư cách là bạn trăm năm của Maria ở Nadarét, Thánh Giuse đứng ở vị trí giao nhau giữa Cựu Ước và Tân Ước.

  1. Một người cha dịu dàng và trìu mến  

Giuse nhìn Giêsu lớn lên từng ngày “trong sự khôn ngoan và trong ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52). Như điều Chúa đã làm với Israel, Giuse cũng làm với Giêsu: “Ngài đã tập cho con trẻ bước đi, đã đỡ cánh tay nó; ngài như người cha nâng đứa con lên và áp vào má, cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (x. Hs 11,3-4).

Nơi Giuse, Giêsu gặp thấy tình yêu ân cần của Thiên Chúa: “Như người cha thương con cái mình, Chúa thương những kẻ kính sợ Ngài” (Tv 103,13).

Trong những giờ cầu nguyện bằng Thánh Vịnh ở hội đường, Giuse chắc hẳn đã nghe đi nghe lại rằng Thiên Chúa của Israel là một Thiên Chúa đầy tình yêu thương dịu dàng, [11] Ngài tốt lành với tất cả, “Ngài tỏ lòng nhân ái đối với mọi loài Ngài đã dựng nên” (Tv 145,9).

Lịch sử cứu độ diễn ra “trong lòng trông cậy dù không còn gì để trông cậy” (Rm 4,18), xuyên qua những yếu đuối của chúng ta. Chúng ta thường tưởng rằng Thiên Chúa chỉ hành động qua những điều hay ho của mình, song phần lớn các kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện trong sự yếu hèn của chúng ta và bất chấp sự yếu hèn ấy. Như Thánh Phaolô nói: “Để tôi khỏi tự đại, thân xác tôi như bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này, nhưng Người bảo tôi: ‘Ơn của Thầy đủ cho anh, vì sức mạnh được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối’” (2Cr 12,7-9).

Vì đó là một phần của toàn thể nhiệm cục cứu độ, nên chúng ta phải học biết nhìn những yếu đuối của con người chúng ta với lòng thương cảm. [12]

Ma quỉ xúi chúng ta nhìn và lên án sự yếu hèn của mình, trong khi Chúa Thánh Thần chiếu ánh sáng trên sự yếu hèn ấy với lòng thương cảm. Lòng thương cảm là cách tốt nhất để chạm đến sự mỏng dòn bên trong chúng ta. Vung tay chỉ trỏ và lên án người khác, đó thường là dấu hiệu cho thấy ta thiếu khả năng chấp nhận sự yếu đuối và mòng dòn của mình. Chỉ tấm lòng dịu dàng thương cảm mới cứu chúng ta khỏi những con mãng xà của kẻ tố cáo (x. Kh 12,10). Vì thế thật quan trọng việc gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa, nhất là trong Bí tích Hòa giải, ở đó chúng ta kinh nghiệm sự thật và sự dịu dàng của Ngài. Điều nghịch lý là Ma quỉ cũng nói sự thật với chúng ta, nhưng nó làm thế chỉ nhằm để lên án ta. Chúng ta biết rằng sự thật của Thiên Chúa không lên án ta, nhưng đón nhận, ôm lấy, nâng đỡ và tha thứ chúng ta. Sự thật ấy luôn luôn bộc lộ với chúng ta như người cha đầy lòng thương xót trong dụ ngôn của Đức Giêsu (x. Lc 15,11-32). Sự thật ấy bước ra đón gặp chúng ta, phục hồi phẩm giá cho chúng ta, đỡ chúng ta đứng dậy và ăn mừng chúng ta, như người cha trong dụ ngôn đã nói: “Con của ta đây đã chết nhưng nay sống lại; nó đã mất nhưng nay lại được tìm thấy” (c. 24).

Thánh ý của Thiên Chúa, lịch sử và kế hoạch của Thiên Chúa vận hành ngay cả qua những nỗi lo sợ của Giuse. Như vậy, Giuse dạy chúng ta rằng lòng tin vào Thiên Chúa bao gồm cả việc tin rằng Ngài có thể hành động ngay cả xuyên qua những sợ hãi, những mỏng dòn và yếu đuối của ta. Giuse cũng dạy chúng ta rằng ở giữa những giông bão của cuộc đời, chúng ta đừng bao giờ ngại cho phép Chúa dẫn dắt đường đi của mình. Có những lúc chúng ta muốn nắm toàn quyền kiểm soát, nhưng Thiên Chúa luôn luôn nhìn thấy bức tranh rộng lớn hơn.

  1. Một người cha vâng phục

Như Thiên Chúa đã mặc khải với Maria, Ngài cũng mặc khải với Giuse kế hoạch cứu độ của Ngài. Thiên Chúa làm thế qua những giấc mơ. Trong Thánh Kinh và nơi các dân tộc cổ xưa, các giấc mơ được coi như một cách để Thiên Chúa cho biết thánh ý của Ngài. [13]

Giuse vô cùng hoang mang vì cái thai kỳ lạ của Maria. Giuse không muốn “tố giác bà”, [14] nên mới đinh tâm “bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19).

Trong giấc mơ đầu tiên, một thiên thần đã giúp Giuse giải quyết tình thế lưỡng nan rất hệ trọng của mình: “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21). Giuse hưởng ứng ngay lập tức: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy” (Mt 1,24). Sự vâng phục đã giúp Giuse có thể vượt qua những khó khăn của mình và cứu được Maria.

Trong giấc mơ thứ hai, thiên thần bảo Giuse: “Hãy chỗi dậy, hãy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại; vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2,13). Giuse đã vâng lời không chần chừ, dù phải bao gian nan vất vả: “Ông chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, và ở lại đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà” (Mt 2,14-15).

Ở Ai Cập, Giuse kiên nhẫn và tin tưởng đợi chờ thiên thần báo lại để có thể an toàn trở về quê hương. Trong giấc mơ thứ ba, thiên thần báo rằng những kẻ tìm giết con trẻ đã chết và Giuse hãy chỗi dậy, đưa con trẻ và Mẹ Người trở về Israel (x. Mt 2,19-20). Một lần nữa, Giuse mau mắn tuân hành. “Ông chỗi dậy, đưa Hài Nhi và Mẹ Người trở về đất Israel” (Mt 2,21).

Trên hành trình về quê ấy, “Giuse được báo mộng và biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó” – đây là giấc mơ lần thứ tư – “ông lui về miền Galilê, đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét” (Mt 2,22-23).

Thánh sử Luca thì kể cho chúng ta rằng Giuse đã đi một hành trình dài và khó khăn từ Nadarét đến Bêlem để khai sổ tại quê quán của mình trong cuộc điều tra dân số của Hoàng đế Xêdarê Augustô. Trẻ Giêsu được sinh ra ở đấy (x. Lc 2,7), và cuộc chào đời này đã được đăng ký vào sổ sách của Đế quốc giống như mọi đứa trẻ khác. Thánh Luca đặc biệt lưu ý chúng ta rằng cha mẹ của Giêsu đã tuân thủ mọi qui định của Lề Luật: việc cắt bì cho Giêsu, việc thanh tẩy Maria sau khi sinh con, việc dâng con trai đầu lòng cho Thiên Chúa (x. 2,21-24). [15]

Trong mọi hoàn cảnh, Giuse đã tuyên bố tiếng “fiat” của mình, giống như những tiếng “fiat” của Maria trong biến cố Truyền Tin và của Giêsu trong Vườn Cây Dầu.

Trong vai trò người đứng đầu gia đình, Giuse đã dạy cho Giêsu biết vâng lời cha mẹ (x. Lc 2,51), theo như điều răn Chúa dạy (x. Xh 20,12).

Suốt những năm ẩn dật của mình ở Nadarét, Giêsu đã học ở trường của Giuse để biết làm theo thánh ý Chúa Cha. Thánh ý của Chúa Cha là lương thực hằng ngày của Người (x. Ga 4,34). Ngay cả vào thời khắc khó khăn nhất trong cuộc đời, lúc ở Vườn Cây Dầu, Giêsu vẫn chọn thi hành thánh ý Chúa Cha hơn là theo ý riêng mình, [16] trở thành “vâng phục cho đến chết, chết trên thập giá” (Pl 2,8). Vì thế tác giả Thư Híp-ri kết luận rằng Đức Giêsu “đã trải qua đau khổ để học biết thế nào là vâng phục” (5,8).

Tất cả những điều này cho thấy rõ rằng “Thánh Giuse đã được Thiên Chúa kêu gọi phục vụ cho con người và sứ mạng của Chúa Giêsu cách trực tiếp, qua việc thi hành chức phận làm cha của mình”, và bằng cách ấy “khi thời gian viên mãn, ngài đã cộng tác vào mầu nhiệm cứu độ cao cả, và thực sự trở thành một thừa tác viên của ơn cứu độ.” [17]

  1. Một người cha biết đón nhận

Giuse đã đón nhận Maria cách vô điều kiện. Ngài tin vào lời của thiên thần. “Điều cao quí nơi trái tim của Giuse, đó là ngài đặt luật lệ phụ thuộc vào đức ái. Ngày nay, trong thế giới chúng ta với những bạo lực thể lý, ngôn ngữ và tâm lý đối với phụ nữ thật quá rõ ràng, Giuse hiển hiện như hình tượng một người đàn ông nhạy cảm và biết kính trọng. Ngay cả dù ngài không hiểu toàn thể câu chuyện rộng lớn hơn, ngài vẫn quyết định bảo vệ thanh danh, phẩm giá và sự sống của Maria. Trong khi ngài do dự chưa biết hành động thế nào tốt nhất, thì Thiên Chúa đã giúp soi sáng cho sự phán đoán của ngài”. [18]

Rất thường trong đời sống, nhiều sự việc xảy ra mà chúng ta không hiểu ý nghĩa của chúng. Phản ứng đầu tiên của chúng ta thường là thất vọng và phản kháng. Giuse đã đặt các ý nghĩ của mình qua một bên để chấp nhận các biến cố, đảm nhận chúng dù chúng xem ra khó hiểu, lãnh trách nhiệm về chúng và hội nhập chúng vào câu chuyện cuộc đời mình. Nếu chúng ta không hòa giải với câu chuyện cuộc đời mình, chúng ta sẽ không thể nhấc bước tiến về phía trước, vì chúng ta sẽ vẫn mãi còn là con tin của các điều mình kỳ vọng và của những thất vọng xảy đến sau đó.

Nẻo đường linh đạo mà Giuse vạch ra cho chúng ta không phải là nẻo đường giải thích, mà là nẻo đường đón nhận. Chỉ nhờ sự đón nhận và sự hòa giải ấy chúng ta mới có thể bắt đầu thoáng nhìn được một câu chuyện rộng lớn hơn, một ý nghĩa thâm sâu hơn. Hầu như chúng ta có thể nghe vang âm câu trả lời đầy tâm huyết của ông Gióp cho vợ mình, người đã thôi thúc ông phản kháng lại những sự dữ mà ông phải chịu đựng: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G 2,10).

Chắc chắn Giuse không phải là người bạc nhược thụ động, mà là người tác động cách mạnh mẽ và can đảm. Trong đời sống của chúng ta, thái độ đón nhận có thể là một biểu hiện của ơn dũng cảm do Chúa Thánh Thần. Chỉ Chúa mới có thể ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết để đón nhận cuộc sống như sự thật của nó, với tất cả những mâu thuẫn, mệt mỏi và chán chường của nó.

Sự có mặt của Chúa Giêsu giữa chúng ta là một món quà của Chúa Cha, giúp cho mỗi chúng ta có thể hòa giải với câu chuyện cuộc đời cụ thể của mình, ngay cả dù chúng ta không hiểu được hết câu chuyện ấy.

Như Thiên Chúa đã bảo Giuse: “Này con của Đavít, đừng sợ!” (Mt 1,20), thì Ngài cũng nói với chúng ta: “Đừng sợ!” Chúng ta cần gạt qua một bên mọi giận dữ và thất vọng, để đảm nhận lấy mọi sự như thực tế của chúng, cho dù chúng không trở nên như điều mình ước mong. Không phải với thái độ bạc nhược cam chịu, nhưng là với hy vọng và can đảm! Bằng cách này, chúng ta sẽ mở ra để nhận hiểu một ý nghĩa sâu xa hơn. Cuộc sống của chúng ta có thể được tái sinh cách kỳ diệu nếu chúng ta có được sự can đảm để sống phù hợp với Tin Mừng. Không hề chi nếu mọi sự xem chừng bất ổn, hay một số điều nào đó không còn có thể sửa chữa được nữa. Thiên Chúa có thể làm cho sỏi đá nở hoa. Ngay cả dù lòng chúng ta cáo tội chúng ta, thì “Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Ngài biết hết mọi sự” (1Ga 3,20).

Một lần nữa, ở đây chúng ta gặp thấy tính hiện thực Kitô giáo, trong đó không phủ nhận bất cứ gì hiện hữu. Thực tế – trong tính phức tạp kỳ lạ và bất khả chế giảm của nó – là cái chứa đựng ý nghĩa hiện sinh, với tất cả ánh sáng và bóng tối trong đó. Vì thế Thánh Phaolô có thể tuyên bố: “Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28). Thánh Augustinô còn nói thêm: “ngay cả điều được gọi là sự dữ (etiam illud quod malum dicitur)”. [19] Trong viễn tượng rộng lớn này, đức tin sẽ trao ý nghĩa cho mọi biến cố, dù vui hay buồn.

Chúng ta cũng đâu có nghĩ rằng tin là tìm kiếm những giải pháp dễ dàng và dễ chịu. Đức tin mà Đức Kitô dạy chúng ta là đức tin được thấy nơi Thánh Giuse. Ngài không tìm những con đường tắt, nhưng nhìn thẳng thực tế và đương đầu với nó, nhận trách nhiệm của mình đối với nó.

Thái độ của Thánh Giuse khích lệ chúng ta đón nhận người khác như chính sự thật của họ, một cách vô điều kiện, và đặc biệt quan tâm những người yếu, vì Thiên Chúa chọn những gì yếu kém (x. 1Cr 1,27). Thiên Chúa là “Cha của các cô nhi và là người bảo vệ các quả phụ” (Tv 68,6), Ngài truyền cho chúng ta phải yêu thương những người ngoại kiều đang ở giữa chúng ta. [20] Tôi có cảm nghĩ rằng chính từ Thánh Giuse mà Chúa Giêsu rút ra cảm hứng cho dụ ngôn về người con đi hoang và người cha nhân từ (x. Lc 15,11-32).

  1. Một người cha can đảm một cách sáng tạo

Nếu bước đầu tiên của mọi cuộc chữa lành nội tâm đích thực là chấp nhận câu chuyện lịch sử riêng của mình và đảm nhận ngay cả những điều mà mình không chọn lựa trong cuộc sống, thì ở đây chúng ta phải thêm một yếu tố quan trọng khác: sự can đảm có sức sáng tạo. Điều này đặc biệt được thấy trong cách thức chúng ta giải quyết những khó khăn. Đối diện với khó khăn, chúng ta hoặc đầu hàng và lẩn tránh, hoặc đương đầu với nó cách nào đó. Nhiều khi, những khó khăn sẽ khui ra các nguồn lực mà chúng ta thậm chí không nghĩ rằng mình có.

Khi đọc các trình thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, chúng ta có thể thường tự hỏi tại sao Thiên Chúa đã không hành động một cách trực tiếp và rõ rệt hơn. Nhưng Thiên Chúa hành động qua các biến cố và những con người. Giuse là người được Thiên Chúa chọn để lèo lái buổi ban đầu của lịch sử cứu chuộc. Ngài là “phép lạ” thực sự qua đó Thiên Chúa cứu Hài Nhi và Mẹ Người. Thiên Chúa đã hành động bằng cách tin tưởng vào sự can đảm có sức sáng tạo của Giuse. Khi đi tới Bêlem và không tìm được chỗ nào cho Maria có thể sinh con, Giuse đã chọn một chuồng súc vật và cố gắng hết sức có thể để biến nó thành một mái nhà tiếp đón Con Thiên Chúa đến trần gian (x. Lc 2,6-7). Đối diện với mối nguy hiểm rất lớn từ Hêrôđê, kẻ muốn sát hại con trẻ, Giuse được cảnh báo lần nữa trong giấc mơ rằng phải bảo vệ Hài Nhi, và ngài chỗi dậy lúc nửa đêm để thu xếp đi lánh nạn bên Ai Cập (x. Mt 2,13-14).

Nếu chỉ đọc cách hời hợt những câu chuyện này, người ta thường có ấn tượng rằng thế giới hoàn toàn lụy thuộc những kẻ mạnh và nắm quyền lực, nhưng “Tin Mừng” luôn cho thấy rằng đứng trước tất cả những hung hăng và bạo lực của các quyền lực thế gian, Thiên Chúa luôn luôn tìm ra cách để thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài. Cũng vậy, cuộc sống của chúng ta nhiều khi dường như lụy thuộc vào những kẻ cầm quyền, nhưng Tin Mừng cho ta thấy điều gì mới thật sự quan trọng. Thiên Chúa luôn luôn tìm ra cách để cứu chúng ta, miễn là chúng ta thể hiện cùng sự can đảm có sức sáng tạo như người thợ mộc ở Nadarét, người thợ mộc ấy đã có thể biến một thách đố thành một cơ hội bằng cách luôn luôn tin tưởng vào Chúa Quan Phòng.

Nếu có những lúc dường như Thiên Chúa không giúp đỡ chúng ta, thì điều đó chắc chắn không có nghĩa rằng chúng ta bị bỏ mặc, nhưng trái lại nó có nghĩa rằng chúng ta đang được Thiên Chúa tín nhiệm trao cho việc hoạch định, phát huy sáng tạo, và chính mình tìm ra các giải pháp.

Loại can đảm có sức sáng tạo này đã được thể hiện bởi những người bạn của bệnh nhân bại liệt kia, họ đã thả anh xuống từ mái nhà để anh tiếp cận Đức Giêsu (x. Lc 5,17-26). Những khó khăn đã không ngăn cản được sự táo bạo và kiên quyết của những người bạn ấy. Họ xác tín rằng Đức Giêsu có thể chữa lành cho bệnh nhân ấy, và “vì không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giêsu. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: ‘Này anh, anh đã được tha tội rồi’” (c. 19-20). Chúa Giêsu đã nhận ra đức tin đầy sức sáng tạo nơi những người cố tìm cách đưa người bạn mắc bệnh của họ đến với Người.

Tin Mừng không cho ta biết Maria, Giuse và con trẻ đã lưu lại Ai Cập bao lâu. Nhưng chắc chắn cả gia đình cần cái ăn, chỗ ở, và công việc làm. Không cần nhiều trí tưởng tượng lắm để người ta hình dung những chi tiết ấy. Thánh Gia đã phải đối diện với những vấn đề cụ thể như mọi gia đình khác, như rất nhiều anh chị em di dân của chúng ta hôm nay, những người phải liều mạng để chạy tránh những thảm cảnh cùng cực và đói kém. Về phương diện này, tôi xem Thánh Giuse như vị thánh bổn mạng đặc biệt của tất cả những ai bị bắt buộc phải rời bỏ quê hương xứ sở của mình vì chiến tranh, vì bị thù ghét, bị bách hại và vì nghèo đói.

Ở cuối mỗi trình thuật liên quan đến vai trò của Giuse, Tin Mừng cho ta biết rằng ngài chỗi dậy, thu xếp cho Hài Nhi và Mẹ Người, và thi hành điều Thiên Chúa truyền dạy (x. Mt 1,24; 2,14.21). Quả thật, Chúa Giêsu và Đức Maria, Mẹ Người, là kho tàng quí giá nhất của đức tin chúng ta. [21]

Trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Con không tách rời khỏi Mẹ Người là Đức Maria, người “đã bước tới trong cuộc hành hương của đức tin, và trung thành kiên thủ trong sự kết hiệp với Con mình cho đến khi đứng dưới chân thập giá”. [22]

Chúng ta luôn cần biết xem thử liệu mình có đang bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria hay không, vì một cách mầu nhiệm các ngài cũng được ủy thác cho trách nhiệm của chúng ta, để chúng ta chăm sóc và gìn giữ. Con của Đấng Toàn Năng đã đến thế giới này trong một tình trạng rất chênh vênh. Ngài cần được Giuse bênh vực, bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng. Thiên Chúa tín nhiệm Giuse, như đã tín nhiệm Maria, và Maria đã tìm thấy nơi Giuse một người không chỉ cứu sống mình mà còn luôn luôn là chỗ cậy dựa cho mình và cho con trẻ. Theo nghĩa này, Thánh Giuse quả đúng là Đấng Bảo Vệ của Hội Thánh, vì Hội Thánh là sự tiếp tục của Thân Mình Đức Kitô trong lịch sử, cũng như vai trò làm mẹ của Đức Maria được phản ảnh trong vai trò làm mẹ của Hội Thánh. [23] Trong khi không ngừng bảo vệ Hội Thánh, Thánh Giuse đang tiếp tục bảo vệ con trẻ và Mẹ Người, và với lòng yêu mến Hội Thánh, chúng ta cũng tiếp tục yêu mến con trẻ và Mẹ Người.

Người Con ấy tiếp tục tuyên bố: “Những gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, đó là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Vì thế, mọi người nghèo, người túng quẫn, đau khổ, hấp hối, mọi người khách lạ, mọi tù nhân, mọi người ốm đau đều là người “con trẻ” mà Giuse vẫn tiếp tục bảo vệ. Do đó, Thánh Giuse được kêu cầu như Đấng bảo vệ những người bất hạnh, những kẻ túng quẫn, những người lưu đày, khốn khó, nghèo khổ, và những người hấp hối. Vì thế, Giáo hội không thể không biểu hiện một tình yêu đặc biệt đối với những người bé mọn nhất trong các anh chị em của chúng ta, vì Chúa Giêsu đã dành sự quan tâm cách riêng cho những người ấy, và Người đã tự đồng hóa chính Người với họ. Chúng ta phải học từ Thánh Giuse cùng sự quan tâm và trách nhiệm ấy. Chúng ta phải học để biết yêu con trẻ và Mẹ Người, biết yêu quí các bí tích và đức ái, biết yêu mến Hội Thánh và người nghèo. Con trẻ và Mẹ Người vẫn nằm trong mỗi thực tại ấy.

  1. Một người cha lao động

Một khía cạnh của Thánh Giuse vẫn được nhấn mạnh từ thời của Thông điệp xã hội đầu tiên là Rerum Novarum do Đức giáo hoàng Lêô XIII công bố, đó là mối liên hệ giữa Thánh Giuse với lao động. Thánh Giuse là một người thợ mộc kiếm sống cách lương thiện cho gia đình mình. Chính từ ngài mà Chúa Giêsu đã học biết giá trị, phẩm giá và niềm vui của việc sống bằng công sức lao động của mình.

Trong thời đại chúng ta, khi công việc sinh kế lại trở thành một vấn đề xã hội nhức nhối, và nạn thất nghiệp có khi leo tới những mức kỷ lục ngay tại những quốc gia đã từng thịnh vượng trong nhiều thập niên, thì chúng ta lại cần phải biết lưu tâm tới tầm quan trọng của lao động chân chính, mà Thánh Giuse là một vị Quan Thầy mẫu mực.

Lao động là một phương cách để tham dự vào công cuộc cứu độ, một cơ hội để thúc đẩy sự hiện thực hóa Nước Trời, để phát triển các khả năng của chúng ta, và dùng các khả năng ấy để phục vụ cho xã hội và cho sự hiệp thông huynh đệ. Lao động trở thành một cơ hội để hoàn thành không chỉ bản thân mình, mà còn để chăm sóc tế bào đầu tiên của xã hội là gia đình nữa. Một gia đình mà không có công ăn việc làm thì sẽ rất dễ rơi vào các khó khăn, căng thẳng, phân hóa và đổ vỡ. Làm sao chúng ta có thể nói về phẩm giá con người nếu chúng ta không làm việc để bảo đảm rằng mọi người đều có thể kiếm sống một cách xứng đáng?

Những người lao động trong bất luận nghề nghiệp nào đều đang cộng tác với chính Thiên Chúa, và cách nào đó họ trở thành những người sáng tạo nên thế giới xung quanh chúng ta. Cơn khủng hoảng trong thời đại chúng ta – về kinh tế, xã hội, văn hóa và tâm linh – có thể là những tiếng thúc giục chúng ta khám phá lại giá trị, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc cố gắng đem lại một tình trạng “bình thường” mới, trong đó không có ai bị loại trừ. Việc lao động mưu sinh của Thánh Giuse nhắc ta nhớ rằng chính Thiên Chúa, khi làm người, đã không xem thường lao động. Tình trạng mất việc làm đang ảnh hưởng đến rất nhiều anh chị em của chúng ta, và đang gia tăng do đại dịch Covid-19, là dịp để ta phải biết xem xét lại các mối ưu tiên của mình. Chúng ta hãy khẩn cầu Thánh Giuse Lao Công giúp chúng ta tìm ra những cách thế để diễn tả niềm xác tín mạnh mẽ của mình rằng không được để bất cứ người trẻ nào, bất cứ người nào, bất cứ gia đình nào không có công việc mưu sinh!

  1. Một người cha là chiếc bóng

Nhà văn Ba Lan Jan Dobraczyński, trong quyển The Shadow of the Father (Bóng của người Cha), [24] kể câu chuyện về cuộc đời Thánh Giuse qua hình thức tiểu thuyết. Tác giả khéo léo dùng hình ảnh một chiếc bóng để nói về Giuse. Trong mối tương quan với Giêsu, Giuse là chiếc bóng trên mặt đất này của Cha trên trời: Giuse coi sóc và bảo vệ Giêsu, không bao giờ bỏ mặc Giêsu. Chúng ta có thể liên tưởng đến những lời của Môsê nói với dân Israel: “Trong sa mạc… các ngươi đã thấy Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã mang các ngươi đi, như người ta bồng bế một đứa trẻ, trên suốt con đường các ngươi đã đi qua” (Đnl 1,31). Một cách tương tự, Giuse đã hành động như một người cha trong cả đời ngài. [25]

Không ai bẩm sinh là cha, mà phải làm cha. Một người không trở thành cha duy chỉ bởi việc sinh một đứa con cho đời, mà bằng việc đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa con ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm trên đời sống của một người khác, thì có thể nói đã trở thành cha của người ấy.

Ngày nay xem chừng con cái thường mồ côi, thiếu vắng những người cha. Giáo hội cũng cần những người cha. Điều Thánh Phaolô nói với các tín hữu ở Côrinthô vẫn còn đầy tính thời sự: “Dù anh em có vô số người hướng dẫn trong Đức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu” (1Cr 4,15). Mọi linh mục hay giám mục phải có thể nói thêm, cùng với vị Thánh Tông đồ, rằng: “Tôi đã trở thành cha của anh em trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Tin Mừng” (ibid.). Phaolô cũng nói với các tín hữu Galát: “Hỡi những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Kitô được thành hình nơi anh em” (4,19).

Việc làm cha bao hàm việc đưa con cái vào đời và vào thực tế. Không phải níu giữ chúng lại, che chắn chúng kín mít hay chiếm hữu chúng, mà đúng hơn giúp chúng có khả năng tự quyết định, hành động cách tự do và khám phá những khả năng mới. Có lẽ vì lý do này mà xưa nay Thánh Giuse được gọi là một người cha “cực thanh cực tịnh”. Tước hiệu ấy không đơn thuần là một diễn tả về tình cảm, nhưng là sự đúc kết một thái độ đối lập với xu hướng chiếm hữu. Khiết tịnh là tự do khỏi xu hướng chiếm hữu trong mọi phương diện của đời sống mình. Tình yêu chỉ chân thực khi nó khiết tịnh. Một tình yêu chiếm hữu rốt cục sẽ trở thành nguy hiểm: nó giam hãm, kiểm soát và dẫn tới thảm cảnh khốn nạn. Thiên Chúa yêu thương con người với một tình yêu khiết tịnh; Ngài để cho chúng ta tự do ngay cả dù đi lạc và quay lại chống Ngài. Luận lý của tình yêu luôn luôn là luận lý của tự do, và Giuse biết cách yêu thương với sự tự do phi thường. Ngài không bao giờ đặt mình làm trung tâm. Ngài không nghĩ về bản thân mình, nhưng tập trung quan tâm đến đời sống của Maria và Giêsu.

Giuse tìm thấy hạnh phúc không duy chỉ trong sự quên mình mà còn trong sự trao hiến chính mình. Nơi ngài, chúng ta không bao giờ nhìn thấy sự chán nản mà chỉ thấy thái độ tín thác. Tính cách trầm lặng của ngài là dấu chỉ cho thấy những biểu hiện cụ thể của lòng tín thác. Thế giới của chúng ta ngày nay cần những người cha. Thế giới không cần những nhà độc tài thống trị người khác nhằm thỏa mãn các nhu cầu của mình. Thế giới chúng ta không cần những kẻ nhập nhằng lẫn lộn giữa quyền bính và cường quyền, giữa phục vụ và nô dịch, giữa thảo luận và áp chế, giữa từ thiện và não trạng ỷ lại, giữa sức mạnh và sức hủy diệt. Mọi ơn gọi đích thực đều phát xuất từ việc trao hiến chính mình, đó là hoa trái của sự hy sinh chín chắn. Chức linh mục và đời sống thánh hiến đòi phải có sự chín chắn này. Dù ơn gọi của chúng ta là gì đi nữa, dù ta kết hôn, độc thân hay trinh khiết, việc ta trao hiến chính mình sẽ không đạt mức trọn vẹn nếu chỉ dừng lại ở việc hy sinh; vì nếu vậy, thay vì trở thành một dấu hiệu của vẻ đẹp và của niềm vui yêu thương, sự hiến mình của ta sẽ có nguy cơ thể hiện sự bất hạnh, buồn phiền và chán nản.

Khi những người cha từ chối sống cuộc đời của con cái mình thay cho chúng, thì những viễn ảnh mới mẻ và bất ngờ sẽ mở ra. Mọi đứa trẻ đều là người mang trong mình một mầu nhiệm độc đáo, có thể được đưa ra ánh sáng nhờ sự giúp đỡ của một người cha biết tôn trọng sự tự do của đứa con. Đó là một người cha nhận hiểu rằng mình là một người cha và nhà giáo dục đúng nghĩa nhất khi mình trở thành “vô dụng”, khi mình nhìn thấy đứa con của mình trở nên độc lập và có thể bước đi trên những nẻo đường đời mà không cần ai đi kèm bên. Đó là khi người cha ấy trở nên giống như Thánh Giuse, đấng luôn hiểu rằng đứa con của mình không thuộc về riêng mình, mà chỉ là được ủy thác cho sự săn sóc của mình. Rốt cục, đó chính là điều Chúa Giêsu muốn ta hiểu khi Người nói: “Đừng gọi ai dưới đất này là cha, vì anh em chỉ có một Cha, Đấng ngự trên trời” (Mt 23,9).

Khi thi hành chức phận làm cha, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ rằng chức phận ấy không liên quan gì với sự chiếm hữu, nhưng đúng hơn đó là một “dấu” hướng chỉ đến một người Cha lớn hơn. Cách nào đó, tất cả chúng ta đều giống như Giuse: là một chiếc bóng của Cha trên trời, Đấng “cho mặt trời của Ngài mọc lên trên người lành lẫn kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người công chính lẫn kẻ bất chính” (Mt 5,45). Và đó là một chiếc bóng đi theo người Con của Chúa Cha.

* * *

Thiên Chúa nói với Thánh Giuse: “Hãy chỗi dậy, đem con trẻ và Mẹ Người đi” (Mt 2,13).

Mục đích của Tông Thư này là vun xới hơn nữa tình yêu của chúng ta đối với vị Thánh Cả, khích lệ chúng ta kêu xin sự chuyển cầu của ngài, và bắt chước các nhân đức và nhiệt tâm của ngài.

Thật vậy, sứ mạng riêng của các thánh không chỉ là đạt được các phép lạ và các ân phúc, nhưng là chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa, như Abraham [26] và Môsê [27], và như Chúa Giêsu, Đấng là “trung gian duy nhất” (1Tm 2,5), là “trạng sư” của chúng ta trước Chúa Cha (1Ga 2,1), và là Đấng “hằng sống để chuyển cầu [cho chúng ta]” (Dt 7,25; x. Rm 8,34).

Các thánh giúp các tín hữu “phấn đấu nên thánh và nên hoàn thiện theo bậc sống riêng của mình”. [28] Cuộc đời của các thánh là bằng chứng cụ thể rằng người ta hoàn toàn có thể sống theo Tin Mừng.

Chúa Giêsu bảo chúng ta: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Đời sống của các thánh cũng là những tấm gương cho ta bắt chước. Thánh Phaolô nói rõ điều này: “Anh em hãy bắt chước tôi!” (1Cr 4,16). [29] Bằng sự thinh lặng ‘hùng hồn’ của mình, Thánh Giuse cũng nói tương tự.

Đứng trước gương sáng của rất nhiều người nam nữ thánh thiện, Thánh Augustinô tự hỏi: “Những điều các thánh làm được, sao mình không thể làm được?” Và ngài đã tiến sát gần tới cuộc hoán cải dứt khoát của mình, trong đó ngài có thể thốt lên: “Lạy Chúa là vẻ Đẹp mãi mãi cổ kính và mãi mãi mới mẻ, con đã yêu Chúa muộn màng!” [30]

Chúng ta chỉ cần cầu xin Thánh Giuse ơn khẩn thiết nhất, đó là ơn hoán cải.

Giờ đây chúng ta hãy cầu nguyện với ngài:

Lạy Đấng Bảo hộ Chúa Cứu Chuộc,

là Bạn Trăm Năm của Đức Trinh Nữ Maria.

Thiên Chúa đã trao phó Con Một cho ngài;

Mẹ Maria đã tín thác vào ngài;

và với ngài, Chúa Kitô đã làm người.

Lạy Thánh Giuse, cả đối với chúng con nữa,

xin ngài hãy làm một người cha

và hướng dẫn chúng con trên đường đời.

Xin giúp chúng con có được từ tâm, lòng thương xót, và can đảm,

và bảo vệ chúng con khỏi mọi sự dữ. Amen.

 

Ban hành tại Rôma, Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 8 tháng 12, Lễ Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, năm 2020, năm thứ tám triều Giáo hoàng của tôi.

Phanxicô

 

[1] Lc 4,22; Ga 6,42; cf. Mt 13,55; Mc 6,3.

[2] THÁNH BỘ PHỤNG TỰ, Quemadmodum Deus (8.12.1870): ASS 6 (1870-71), 194.

[3] Cf. Nói chuyện với ACLI nhân Lễ Thánh Giuse Lao Động (1.5.1955): AAS 47 (1955), 406.

[4] Cf. Tông huấn Redemptoris Custos (15.8.1989): AAS 82 (1990), 5-34.

[5] Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1014.

[6] Suy niệm trong Thời Đại Dịch (27.3.2020): L’Osservatore Romano, 29.3.2020, tr. 10.

[7] In Matthaeum Homiliae, V, 3: PG 57, 58.

[8] Bài Giảng lễ (19.3.1966): Insegnamenti di Paolo VI, IV (1966), 110.

[9] Cf. Tự Thuật, 6, 6-8.

[10] Trong 40 năm qua, hằng ngày sau giờ Kinh Sáng, tôi vẫn đọc lời cầu nguyện với Thánh Giuse lấy từ một sách nguyện ở Pháp hồi thế kỷ 19 của Dòng các Nữ tu Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Lời nguyện ấy diễn tả lòng sùng mộ và tín thác, và ngay cả thách đố Thánh Giuse nữa: “Lạy Cha Thánh Giuse vinh hiển, quyền lực của ngài làm cho những gì không thể trở thành có thể, xin đến cứu giúp con trong thời khắc khốn khó này. Xin đặt trong sự che chở của ngài những tình hình rối ren nghiêm trọng mà con xin phó dâng, ước gì mọi sự sẽ vãn hồi tốt đẹp. Lạy Cha rất yêu mến, con đặt trọn niềm tín thác nơi ngài. Xin đừng để ai có thể nói rằng con đã kêu cầu ngài cách uổng công, và vì ngài có thể làm mọi sự với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin tỏ cho con thấy lòng tốt nơi ngài cũng lớn lao như uy quyền của ngài vậy. Amen”

[11] Cf. Đnl 4,31; Tv 69,16; 78,38; 86,5; 111,4; 116,5; Gr 31,20.

[12] Cf. Tông huấn Evangelii Gaudium (24.11.2013), 88, 288: AAS 105 (2013), 1057, 1136-1137.

[13] Cf. St 20,3; 28,12; 31,11.24; 40,8; 41,1-32; Ds 12,6; 1 Sm 3,3-10; Đn 2,4; G 33,15.

[14] Trong những trường hợp như thế, luật qui định kể cả biện pháp ném đá (x. Đnl 22,20-21).

[15] Cf. Lv 12,1-8; Xh 13,2.

[16] Cf. Mt 26,39; Mc 14,36; Lc 22,42.

[17] THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Redemptoris Custos (15.8.1989), 8: AAS 82 (1990), 14.

[18] Bài Giảng lễ Tuyên Chân phước, Villavicencio, Colombia (8.9.2017): AAS 109 (2017), 1061.

[19] Enchiridion de fide, spe et caritate, 3.11: PL 40, 236.

[20] Cf. Đnl 10,19; Xh 22,20-22; Lc 10,29-37.

[21] Cf. THÁNH BỘ PHỤNG TỰ, Quemadmodum Deus (8.12.1870): ASS 6 (1870-1871), 193; CHÂN PHƯỚC PIÔ IX, Tông thư Inclytum Patriarcham (7.7.1871): l.c., 324-327.

[22] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Lumen Gentium, 58.

[23] Giáo lý Giáo hội Công giáo, 963-970.

[24] Bản nguyên thủy: Cień Ojca, Warsaw, 1977.

[25] Cf. THÁNH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Redemptoris Custos, 7-8: AAS 82 (1990), 12-16.

[26] Cf. St 18,23-32.

[27] Cf. Xh 17,8-13; 32,30-35.

[28] CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Lumen Gentium, 42.

[29] Cf. 1 Cr 11,1; Pl 3,17; 1 Tx 1,6.

[30] Tự thú, VIII, 11, 27: PL 32, 761; X, 27, 38: PL 32, 795.

 

Lm. Lê Công Đức, PSS, dịch từ bản tiếng Anh – © Copyright – Libreria Editrice Vaticana

 

 

 

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31