“TRÍ TUỆ NHÂN TẠO SẼ GÂY RA NHỮNG BIẾN ĐỘNG Ở QUY MÔ TƯƠNG TỰ NHƯ CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP”

Written by xbvn on Tháng Hai 11th, 2025. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Sự lan tỏa rất nhanh, kỹ thuật phức tạp, sự gián đoạn của Trí tuệ nhân tạo (AI) được triển khai trên quy mô lớn với những hậu quả khó đo lường. Lời của Giáo hội, vốn luôn đặt mình vào các cuộc cách mạng kỹ thuật, được mong đợi trong bối cảnh mang tính quyết định này. Hai tuần trước hội nghị thượng đỉnh AI ở Paris, hai Bộ ở Rôma đã xuất bản một tài liệu cô đọng để giải thích việc quay lại với đạo đức về trách nhiệm, tự do và ý chí do AI tạo ra. Giải mã với một trong những tác giả của tài liệu này.

Bản sao Vương cung thánh đường Thánh Phêrô nhờ AI, được trưng bày tại Rôma, ngày 9 tháng 11 năm 2024.

AI, chủ đề của hội nghị thượng đỉnh quy tụ những nhân vật có ảnh hưởng trong lĩnh vực này vào ngày 10 và 11 tháng Hai tại Paris. Được đồng chủ trì với Ấn Độ, cuộc họp quốc tế quy tụ hơn một nghìn nhân vật, từ khu vực tư nhân và xã hội dân sự, để xác định nền tảng quản trị AI toàn cầu. Tòa Thánh, vốn đã tiến bộ về mặt đạo đức của chủ đề này từ nhiều năm qua, sẽ được đại diện bởi Sứ thần Tòa thánh, Đức cha Celestino Migliore, vào Thứ Ba ngày 11/2/2025.

Hai tuần trước đó, vào ngày 28 tháng Giêng, Bộ Văn hóa và Giáo dục, phối hợp với Bộ Giáo lý Đức tin, đã xuất bản một thông tri cô đọng. Với tựa đề Antiqua et Nova, nó nghiên cứu tỉ mỉ trong 35 trang về mối quan hệ giữa trí tuệ nhân tạo và trí tuệ con người, những mối quan tâm về đạo đức và nhân học được Đức Giáo hoàng nêu ra, bổ sung cho Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình 1 tháng 1 năm 2024 và bài phát biểu của ngài tại G7 ở Ý, ngày 14 tháng 6 năm 2024.

Đức ông Carlo Maria Polvani, thư ký Bộ Văn hóa và Giáo dục, là một trong những người biên soạn thông tri Antiqua và Nova. Ngài cung cấp một số chìa khóa để đọc nó, giúp nhận thức được vấn đề về mặt nhân học và hiện sinh của công cụ này.

Delphine Allaire: Đức Ông xác định quy mô của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo như thế nào và từ đó Tòa Thánh cần phải nắm bắt nó như thế nào?

Đức ông Polvani: Khi Machiavel viết Le Prince, Érasme nghĩ về chủ nghĩa nhân văn, châu Âu phát hiện ra châu Mỹ, người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đến Ấn Độ. Câu hỏi đặt ra là: các xã hội đang sống thời khắc lịch sử có nhận ra điều đó không? Chúng ta đang ở đúng trong thời điểm này. Chúng ta có thể hiểu trí tuệ nhân tạo sẽ làm gì với hành tinh của chúng ta và con người bằng cách sử dụng ví dụ tương tự những gì cuộc cách mạng công nghiệp đã làm từ năm 1800. Chúng ta đang đứng trước những thay đổi rất lớn, có thể so sánh với những biến động xã hội học, nhân chủng học của cuộc cách mạng công nghiệp. Mức độ to lớn khó dự đoán hơn: nó sẽ lớn hơn gấp mười lần, lớn hơn 100 lần hay lớn hơn 1.000 lần?  

Với AI và NBIC – công nghệ nano, công nghệ sinh học, tin học và khoa học nhận thức-, quan điểm cực đoan nhất hệ tại suy nghĩ rằng con người đang trở thành loài đầu tiên trên hành tinh này trở thành chủ nhân vận mệnh của mình về mặt tiến hóa. Một cách hợp lý, chúng ta không thể nói điều này quá năm mươi năm. Nhưng hơn thế nữa, trong 50 năm tới, chúng ta phải mong đợi những thay đổi ở mức độ rất lớn.

Delphine Allaire: Trong bối cảnh chóng mặt này, có thể hy vọng lời nào từ Giáo hội? Thông tri dài Antiqua et Nova được viết với ý hướng nào?

Đức ông Polvani: Giáo hội không thể im lặng trước một hiện tượng tầm cỡ như vậy. Trước tiên, không được ma quỷ hóa hay lý tưởng hóa trí tuệ nhân tạo. Cần phải nhìn thấy những nguy hiểm nhưng cũng có những mặt có lợi của nó đối với nhân loại. Vấn đề không phải là mất bình tĩnh và đứng về phía những kẻ chủ bại với niềm tin rằng ngày tận thế thảm khốc của loài người đang đến gần, cũng không phải về phía những người nhiệt tình, khẳng định rằng loài người sẽ hoàn toàn thay đổi. Cần phân tích hiện tượng.

Chúng ta biết rằng chúng ta có một công cụ rất khác với những công cụ khác, chưa từng có trong lịch sử nhân loại, bởi vì nó có hai hoặc ba phẩm chất mà chưa công cụ nào từng có. Nó mang tính phổ quát: bất kỳ vấn đề nào có thể được số hóa thành số đều có thể được cung cấp cho trí tuệ nhân tạo vốn có thể giải quyết nó. Chính những phẩm chất về tính phổ quát, ứng dụng và tính toán này là mối nguy hiểm, bởi vì chỉ những vấn đề có thể được số hóa – và càng số hóa, người ta càng diễn giải và thay đổi vấn đề – mới được giải quyết theo cách rất hiệu quả, không nhất thiết phải là cách thức đúng đắn đối với nhân loại.

Một ví dụ điển hình về hai mặt của cùng một đồng tiền: bệnh viện Cochin ở Paris sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện bệnh ung thư tuyến vú. Kết quả là một số lượng sinh mạng đáng kinh ngạc đã được cứu. Chúng ta cũng có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó, chính công cụ này sẽ được sử dụng để quyết định người phụ nữ nào sẽ được điều trị trước mà không cần con người, không cần bác sĩ quyết định. Giáo hội nói điều này: lấy con người làm trung tâm và quan tâm đến những người yếu đuối nhất. Sự bất bình đẳng không được bị làm trầm trọng thêm bởi AI. Thật không may, cuộc cách mạng công nghiệp mà chúng ta đề cập ở trên chắc chắn đã nâng cao mức sống chung, nhưng cũng gây ra những tác động có hại. Có thể nói, hiện tượng cách mạng công nghiệp không được điều chỉnh tốt.

Do đó, nếu chúng ta áp dụng lý luận này cho AI, thì sẽ có nguy cơ là không điều chỉnh được nó. Ngay từ bây giờ, cần phải đưa ra những lựa chọn ở các cấp độ chính trị, nhân chủng học, triết học và khoa học để hạn chế những hậu quả nguy hiểm này, mà hậu quả đầu tiên đã được Đức Thánh Cha nhấn mạnh nhiều lần: đó là tước đi phẩm giá lựa chọn và quyết định của con người.

Delphine Allaire: Làm thế nào đáp lại cám dỗ của AI khiến con người tin rằng nó là tạo hóa của chính mình, và đôi khi cạnh tranh với kế hoạch của Thiên Chúa?

Đức ông Polvani: Nếu các bạn đọc phần đầu tiên của tài liệu, chúng tôi đặt lại trí tuệ nhân tạo vào lịch sử phân tích tính hợp lý và các trí tuệ trong triết học và nhân học cổ điển. Có một số loại trí tuệ. Ngày nay, ở cấp độ khoa học, chúng ta biết rằng trí tuệ cảm xúc không giống với trí tuệ của trí óc.

Cần phải thực hiện phân tích này vì nếu không có nó, sẽ có nguy cơ coi AI là câu trả lời cho mọi thứ và bất cứ điều gì. Tuy nhiên, nó không phải như vậy.  Trí tuệ nhân tạo phải được đóng khung cụ thể trong các mục tiêu do con người quyết định. Ngày mà con người mất quyền kiểm soát mục tiêu, mất quyền kiểm soát công cụ, thì nguy hiểm sẽ xuất hiện.

Delphine Allaire: Mối quan hệ con người-máy móc nào sẽ xuất hiện và nhân học Kitô giáo sẽ bị đảo lộn từ đó theo cách nào?

Đức ông Polvani: Vào những năm 1940, gần một trăm năm trước, Georges Bernanos đã giải thích trong cuốn Cách mạng và Tự do rằng vấn đề không phải là có nhiều máy móc hơn, mà là ngày càng có nhiều người chỉ ước muốn những gì máy móc có thể mang lại. Bản thân công nghệ trở thành một vấn đề kể từ cách thức con người hiểu nó là gì và sẽ sử dụng nó như thế nào. Một vấn đề nữa của trí tuệ nhân tạo so với các công cụ khác như truyền hình, đài phát thanh hoặc các phát triển công nghệ khác, đó là nó hoạt động một mình. Không giống như chiếc radio hay chiếc TV mà tôi phải tắt hoặc bật, trí tuệ nhân tạo một khi đã được lập trình để giải quyết một vấn đề, nó sẽ tiếp tục làm việc đó và không những nó sẽ tiếp tục làm việc đó, mà còn trở nên khả năng làm việc đó cao hơn bao giờ hết, bởi vì nó sẽ lưu giữ được nhiều chi tiết và nhiều dữ liệu hơn. Phần mềm của nó sẽ hoạt động tốt hơn. Và do đó, điều nguy hiểm, đó là trên thực tế nó có một cuộc sống độc lập với ý muốn của chúng ta.

Delphine Allaire: Đâu là những nguy hiểm của AI đối với đức tin? Nó có làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể không?

Đức ông Polvani: Cách mà trí tuệ nhân tạo có thể chạm đến các vấn đề đức tin, đó là nó thay đổi nhân chủng học của chúng ta, cách chúng ta hiểu mình là Kitô hữu, và đặc biệt là người Công giáo, bởi vì đây là điều phân biệt người Công giáo với các niềm tin Kitô khác: chúng ta luôn nhìn thấy trong tự nhiên một nơi chứa đựng ân sủng.

Đối với chúng ta, không bao giờ có sự đối lập giữa ân sủng và tự nhiên, ngoại trừ tội lỗi. Nếu có một công cụ thay đổi cách chúng ta quan niệm về bản tính con người của mình, thì cũng có nguy cơ là chúng ta quan niệm theo một cách khách về ân sủng, và mối quan hệ giữa ân sủng và tự nhiên. Đây là những khái niệm rất cổ điển. Chúng ta trở lại với Aristote, với Thánh Tôma. Không có gì mới dưới ánh mặt trời. Chỉ có Thánh Tôma và Aristote mới không có thể tưởng tượng được rằng có một cỗ máy có thể khiến con người tin rằng mình khác biệt.

Tôi lấy một ví dụ cực đoan, đó là trường hợp của những người tin vào chủ nghĩa siêu nhân. Họ cho rằng homo sapiens chỉ đơn giản là một con thú như bao con thú khác, một loài như bao loài khác, và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp chúng ta trở thành một homo khác, một siêu nhân. Điều này rõ ràng sẽ tiêu diệt con người. Điều này sẽ phủ nhận rằng chính con người với tư cách là người mới có đặc quyền nhìn thấy Thiên Chúa của mình nhập thể nơi một con người.

Delphine Allaire: Chúng ta đang ở trong Năm Thánh. Làm thế nào để kết nối trí tuệ nhân tạo với niềm hy vọng? Việc sử dụng nó có thể giúp chúng ta tốt hơn không?

Đức ông Polvani: Trí tuệ nhân tạo là một trong những vấn đề phức tạp nhất mà chúng ta sẽ phải giải quyết trong tương lai. Chúng ta phải có hy vọng rằng con người sẽ biết đối mặt với những thách thức. Đức Thánh Cha tin chắc điều này. Giáo hội tin chắc điều này. Không được tuyệt vọng, chúng ta có một cơ hội phi thường. Chúng ta có thể làm rất nhiều điều tốt. Chúng ta phải có hy vọng rằng công cụ này sẽ được sử dụng tốt. Chắc chắn sẽ có lúc chúng ta mắc sai lầm, nhân loại đã luôn làm như vậy, nhưng điều đó không có nghĩa là phải tuyệt vọng và nghĩ đến một trận Armageddon (trận chiến quyết liệt cuối cùng giữa thiện và ác) nào đó. Không đời nào. Niềm hy vọng thông truyền cho chúng ta sự bình yên trong tâm hồn mà cuối cùng con người sẽ chiến thắng và sử dụng tốt công cụ này.

Delphine Allaire: Đâu là chỗ đứng đúng đắn của trí tuệ nhân tạo trong nền văn minh của chúng ta?

Đức ông Polvani: Tất cả các loại ứng dụng đều có khả năng để con người trở nên tốt hơn. Ví dụ, thay vì tạo ra sự bất bình đẳng ở cấp độ xã hội, trí tuệ nhân tạo có thể là một công cụ đáng kinh ngạc để giảm thiểu bất bình đẳng. Trong lĩnh vực giáo dục, trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng theo những cách phi thường cũng như theo những cách rất tồi tệ. Vả lại, nhiều sinh viên đã tận dụng nó để viết bài luận trong ba phút. Nhưng mặt tích cực có thể rất hữu ích: đơn giản bởi sự kiện là ở đầu kia của thế giới, ngay cả những người không có quyền truy cập vào thư viện, những người không có gì, cũng có thể tìm thấy mọi loại dữ liệu.

Có một khía cạnh dân chủ hóa kiến ​​thức. Đây là lý do tại sao các Kitô hữu phải tham gia vào trí tuệ nhân tạo, phải có mặt ở đó vì công cụ này tích lũy dữ liệu và nó không phải chỉ tích lũy một số loại dữ liệu.

Tri thức tập thể có sẵn thông qua các công cụ như trí tuệ nhân tạo phải thực sự mang tính đại diện. Và Đức Thánh Cha cũng đã nói điều này về các dân tộc bản địa, cũng như về các nền văn hóa bản địa. Nếu có trí tuệ nhân tạo cách đây 500 năm, người ta đã có thể cứu được các ngôn ngữ ở Mexico, Brazil, Amazon, người ta có thể làm được những điều phi thường. Tiềm năng làm điều tốt là đặc biệt, xét cả về mặt văn hóa. Nhân loại có thể làm được điều đó. Chúng ta tin tưởng.

Delphine Allaire: Những cách sử dụng AI nào nên được khuyến nghị cho Tòa Thánh, bên trong các bức tường của Vatican và các khu vực phụ thuộc bên ngoài lãnh thổ của Tòa Thánh?

Đức ông Polvani: Giáo hội Công giáo với các cơ cấu tập trung của mình là một trong những tôn giáo có sẵn một lượng dữ liệu phi thường. Ví dụ, hãy nghĩ đến Niêm giám thống kê mà Phủ Quốc vụ khanh đưa ra. Chúng ta có đủ loại số liệu thống kê về số lượng nữ tu trong một giáo phận, bao nhiêu giáo dân trong một giáo phận. Tại Bộ Văn hóa và Giáo dục, chúng tôi cũng có rất nhiều dữ liệu kỹ thuật số.

Chưa kể đến tất cả những điều chúng ta có thể làm để làm cho công việc hiệu quả hơn, làm cho việc mục vụ hiệu quả hơn, nghĩ đến những khu vực có lẽ bị cô lập. Tôi đang nghĩ đến những khu vực ở những quốc gia mà người dân không thể đi lại vì đường sá không tốt. Chẳng hạn, một bài giáo lý được đưa ra ở một nơi có thể được phổ biến dễ dàng, và việc này đã được thực hiện cách đó 100, 200 km. Điều này cho phép các giáo lý viên đặt câu hỏi cho những người đón nhận giáo lý, cho phép học hỏi. Việc loan truyền Lời Chúa dễ dàng hơn nhiều với hệ thống trí tuệ nhân tạo so với việc không có chúng.

——————————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Delphine Allaire – Vatican News)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Hai 2025
H B T N S B C
« Th1    
  1 2
3 4 5 6 7 8 9
10 11 12 13 14 15 16
17 18 19 20 21 22 23
24 25 26 27 28