TRUNG THÀNH CỬ HÀNH HẰNG NGÀY VÀ TOÀN BỘ CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ TRONG ĐỜI SỐNG CỦA LINH MỤC
“Anh em trong sứ vụ linh mục và phó tế, anh chị em dấn thân trong đời sống thánh hiến thân mến! Tôi biết rằng cần phải có kỷ luật và ngay cả đôi khi cần phải thắng vượt chính mình để trung thành cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ; nhưng qua việc cử hành thần vụ (officium) này chúng ta cùng lúc nhận được rất nhiều ơn ích: biết bao lần, khi chúng ta cử hành thần vụ, sự mệt mỏi và chán chường tan biến đi! Và khi Thiên Chúa được ca ngợi và tôn thờ với lòng trung thành, thì sự chúc phúc của Ngài không vắng mặt” (Biển Đức XVI, Bài diễn từ trong cuộc viếng thăm Đan viện Heiligenkreuz, 9 tháng 9 năm 2007).
Những lời cảm động của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI có lẽ đủ để nhắc lại món quà quí giá biết là dường nào mà Hội Thánh đặt trong đôi tay của linh mục khi Hội Thánh trao cho linh mục trách nhiệm cử hành hằng ngày và toàn bộ các Giờ Kinh Phụng Vụ. Hội Thánh trao cho linh mục một trách nhiệm, đòi buộc linh mục một thần vụ (officium). Vì vấn đề thực sự là ở chỗ đó. Các Giờ Kinh Phụng Vụ là thần vụ tiên khởi mà linh mục được mời gọi. Đó là một công việc phải hoàn thành để phục vụ Hội Thánh và những ai được giao phó cho linh mục. Linh mục phải cảm nhận và sống công việc đó như công việc đó là. Khát khao mục vụ nồng cháy của con tim được thánh hiến khởi phát từ đó, khởi phát từ việc trung thành cử hành các giờ kinh trong ngày và qua đó linh mục dâng lên Thiên Chúa “niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và lo âu của con người” (Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 1), vì linh mục lôi kéo sự chúc phúc và ơn cứu độ đổ xuống trên thế giới và chính linh mục cũng nhận được rất nhiều ơn ích.
Linh mục, khi trung thành cử hành hằng ngày các Giờ Kinh Phụng vụ, nhận được ân sủng đặc biệt là đi vào bài tình ca của Hội Thánh Hiền Thê không ngừng hát lên lời ca ngợi, lời cảm mến tri ân, lời thán phục và lời thỉnh cầu đối với Lang Quân của mình. Từ kinh nghiệm về ân sủng này được làm mới lại mỗi khi ngày mới ló rạng, linh mục học biết vẻ đẹp của lời cầu nguyện phụng vụ, dẫu là cử hành của một cá nhân nhưng cũng luôn là của Hội Thánh và dẫn linh mục đến cảm nếm ngày càng tăng triển sự hiệp thông với Hội Thánh phổ quát vẫn còn đang dấn bước trong dòng lịch sử nhưng đã đến cửa Thiên Quốc. Như thế, linh mục tiền dự vào vương quốc vĩnh cửu trong niềm vui và trong sự đồng hành với những anh em trong đức tin đang sống rải rác khắp thế giới, vì cùng thông phần với Đức Kitô và Đức Trinh Nữ rất thánh, với các Thiên Thần và Các Thánh tấu vang “bài ca chúc tụng vang dội muôn đời trên thiên quốc” (Phaolô VI, Tông hiến Laudis canticum, 01 tháng 11, 1970).
Linh mục, khi trung thành cử hành hằng ngày các Giờ Kinh Phụng vụ, kinh nghiệm về chiều kích vũ trụ của mỗi hành vi phụng vụ, vì trở thành người đại diện cho sự căng thẳng của toàn thể vũ trụ đang tìm cách quay về với Thiên Chúa. Quả vậy, cũng như trong phụng vụ, linh mục góp phần vào việc dẫn đưa vũ trụ trở lại trong sự cử hành các Giờ Kinh Phụng Vụ vì vũ trụ đã xa lìa Thiên Chúa cách thảm hại do tội nguyên tổ và vì vũ trụ liên tục có khuynh hướng xa lìa Thiên Chúa do sự mỏng dòn yếu đuối và tội lỗi của con người. Thế nên, linh mục, bằng cách thế đặc biệt, là phát ngôn viên của toàn vũ trụ trong hành trình nội tâm để trở về với Chúa, Đấng Sáng Tạo và Cứu Độ, linh mục cũng là sứ giả cho thế giới, một thế giới được ân sủng chạm thấu đang mong ngóng trời mới đất mới ngay cả khi đang ở giữa những nỗi đau đớn của sự sinh hạ.
Linh mục, khi trung thành cử hành hằng ngày các Giờ Kinh Phụng vụ, cảm thấy niềm vui về việc được biến đổi tiệm tiến trong Đức Kitô. Như Thánh Augustinô nhắc lại cho chúng ta trong tư cách là một bậc thầy, “Đức Kitô cầu nguyện cho chúng ta như là linh mục của chúng ta, ngài cầu nguyện trong chúng ta như là người lãnh đạo của chúng ta, ngài nhận lời cầu nguyện của chúng ta như là Thiên Chúa của chúng ta. Do đó, chúng ta nhận ra giọng nói của chúng ta trong Ngài, và trong chúng ta giọng nói của Ngài”. (Bài diễn giải về Thánh vịnh 85,1). Cũng cùng cách thế, tư tưởng của linh mục trở nên giống với tư tưởng của Chúa hơn, con tim của linh mục càng ngày càng đạt đến việc chia sẻ với Chúa tình yêu nồng cháy đối với đời sống của Hội Thánh và ơn cứu độ cho thế giới; nhãn quan về lịch sử của linh mục cũng ngày càng hợp với nhãn quan của Đức Kitô, trong cái nhìn đức tin ngày càng thuần khiết hơn. Dựa vào các Giờ Kinh Phụng Vụ, linh mục thích ứng từng bước và một cách cá nhân với căn tính mang tính khách quan và bí tích này mà linh mục đã được trao ban vào lúc lãnh nhận Bí Tích Truyền Chức Thánh để đi đến việc tuyên bố với niềm xác tín về cuộc hiện sinh của mình: “Tôi sống, không phải là tôi sống những là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20)
Linh mục, khi trung thành cử hành hằng ngày các Giờ Kinh Phụng vụ, được dẫn đưa tới việc sống từng phút giây của ngày sống trong tương quan với Hy Tế Thánh Thể, là lý do xác thực nhất, trung tâm và tột đỉnh trong ngày sống của linh mục. Linh mục cử hành giờ kinh sáng để chuẩn bị đón nhận món quà khôn tả là Đức Kitô Đấng Cứu Thế, Vầng Đông tự chốn cao vời đến viếng thăm, khi tấu lên bài thánh ca của Dacaria, linh mục cử hành giờ kinh chiều trong niềm tri ân vì Thiên Chúa viếng thăm khi mang trong tim bài ca của Đức Maria. Với bài ca của Simêon, linh mục cử hành giờ kinh tối bằng cách sống lại sự mong chờ cuộc gặp gỡ chung cục với Đấng “đã được biết nhưng chưa gặp trong hiện tại” là nguồn sống của linh mục; cuối cùng linh mục cử hành trong các Giờ Kinh Phụng Vụ khác lời ca ngợi muôn thuở, lời ca ngợi xuất phát từ nhiệm tích Thánh Thể, bay lên tòa Đấng Tối Cao như hương thơm ngào ngạt.
Đức Ông Guido Marini
Trưởng ban nghi lễ phụng vụ của Toà Thánh
Chuyển ngữ
Giuse Nguyễn Xuân Phong
Nguồn: Clerus.org
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO
- JOHN TRAYNOR, NGƯỜI ĐƯỢC PHÉP LẠ THỨ 71 Ở LỘ ĐỨC
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024: ĐẶT NIỀM HY VỌNG VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ NGẦN CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐTC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI 2024
- ĐỨC PHANXICÔ CẦU CHÚC VIỆC MỞ LẠI NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS TRỞ THÀNH MỘT DẤU CHỈ NGÔN SỨ VỀ SỰ ĐỔI MỚI CỦA GIÁO HỘI PHÁP
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT
- BÀI GIẢNG MÙA VỌNG, MỞ LÒNG NGẠC NHIÊN THÁN PHỤC TRƯỚC SỰ MỚI MẺ CỦA THIÊN CHÚA
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 16. LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN. CHÚA THÁNH THẦN VÀ CÔNG CUỘC LOAN BÁO TIN MỪNG
- LỜI KHUYÊN CỦA MỘT GIÁO PHỤ SA MẠC ĐỂ THÁO GỠ MỐI DAY OÁN HẬN