TRƯỜNG PHÁI TU ĐỨC PHÁP: LỊCH SỬ, CON NGƯỜI, LINH ĐẠO VÀ SƯ PHẠM

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 19th, 2012. Posted in J.J.Olier, Lm Võ Xuân Tiến, Sư phạm Xuân Bích - Pédagogie, Tâm linh, Trường Phái Tu Đức Pháp - Ecole française de spiritualité

A. Cái nhìn chung[1]

1. Từ ngữ và ý nghĩa.

Thành ngữ « Trường phái tu đức Pháp » được cha Henri Bremond dùng lần đầu tiên năm 1920, trong tác phẩm « Histoire littéraire du sentiment religieux » của mình, để chỉ những khuôn mặt lớn và những công trình của Công giáo Pháp vào thế kỷ XVII : Pierre de Bérulle, J.J. Olier, thánh Vincent de Paul, Condren, thánh Jean Eudes, thánh Grignion de Monfort, Gaston de Rondy. Thánh Jean Baptiste de la Salle và một số khuôn mặt khác cũng thuộc về trường phái này. Tuy nhiên, trụ cột của Trường Phái này là bốn người mà người ta gọi là « tứ đại nhân » : Pierre de Bérulle, Charles de Condren, Jean Jacques Olier và thánh Jean Eudes.

Trong trường phái này, người ta có khuynh hướng đặt Hồng y Pierre de Bérulles, vị sáng lập Hội Thuyết Giảng của Chúa Giêsu (Oratoire de Jésus) lên hàng đầu, như là vị tiên phong cho trường phái này, một trường phái đã được thánh Phanxicô Salê báo hiệu trước. Chính vì thế mà một số tác giả nghiên cứu Trường phái tu đức Pháp này thường gọi nó là Trường phái Bérulle.

Trường phái này như là một câu trả lời của Công giáo đối với cuộc Cải cách của Tin Lành bằng việc lưu tâm đến truyền giáo và Phúc Âm hóa các miền thôn quê, việc đào tạo các linh mục xuyên qua việc thành lập các chủng viện, việc lưu ý đến những người nghèo và giáo dục, và đặc biệt nó đề nghị một đời sống thần bí tập trung vào Chúa Kitô, nhất là mầu nhiệm Nhập Thể.

2. Bối cảnh lịch sử và tôn giáo.

Chúng ta đang ở vào giai đoạn cuối của thế kỷ XVI, trong đó nước Pháp có những bất ổn cả về mặt xã hội lẫn tôn giáo. Nó vừa thoát khỏi các cuộc chiến tranh tôn giáo, rồi nạn đói, nạn dịch hạch. Trên bình diện xã hội, sự phân rẽ sâu xa giữa Tin Lành và Công giáo và rồi bó buộc sống chung sau chỉ dụ Nantes vào năm 1598, mà dường như đặt lại vấn đề một trật tự đã từng được thiết lập yên ổn được đặt cơ sở trên sự duy nhất chính trị và tôn giáo của nước Pháp xung quanh Công giáo và hình ảnh nhà vua. Như quen với mô hình thống nhất này, nên người Pháp cảm thấy một quan ngại sâu xa trước sự bùng nổ có thể xảy ra của các giá trị. Trên bình diện Giáo Hội, cuộc khủng hoảng gắn liền với những vấn đề cơ cấu đánh dấu Giáo Hội Pháp : việc giữ đạo rất hình thức ; một sự nghèo nàn tri thức và tâm linh không chỉ nơi các tín hữu nói chung, nhưng còn nơi hàng giáo sĩ ; hệ thống « commendes » (quyền hưởng bổng lộc) trong đó giới qúy tộc được ban cho những chức tước và bổng lộc của các đan viện và của các tòa giám mục mà không hề đặt chân đến đó.

Trong bối cảnh này các nhà cải cách sẽ nhấn mạnh đến đặc tính nội tâm của đời sống thiêng liêng. Tuy nhiên luôn có hai nguy cơ : tính chủ quan (mỗi người tự hào về trực giác của riêng mình) và sự khép kín. Một trong những sức mạnh của các nhà cải cách của Trường phái Pháp là đã thoát khỏi hai nguy cơ này.

Các nhà sử học đặc biệt nói đến nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng thời này, đó là « sự cạn kiệt tôn giáo vào cuối thời Trung Cổ ». Cuộc cải cách của Tin Lành không chỉ là một phản ứng chống lại những lạm dụng rõ ràng trong đời sống của Giáo Hội (các ân xá…), nhưng còn liên hệ đến những vấn đề sâu xa liên quan đến mối lo âu của con người vào cuối thời Trung Cổ và khởi đầu thời Phục Hưng : Vấn đề ám ảnh về cái chết và ơn cứu rỗi. Thế kỷ XIV được đánh dầu bởi cuộc đại dịch đen gây ra cái chết khắp nơi. Mặt khác, những khám phá mới, thời Phục Hưng, chủ nghĩa nghĩa nhân bản tán dương con người đến vô tận. Vấn đề quan trọng được đặt ra là « làm sao giải quyết các tương quan giữa cái hữu hình và cái vô hình ? »

Trường phái Tu đức Pháp nảy sinh chính vào lúc mà vấn đề đưa vào áp dụng Công đồng Trentô ở Pháp. Tuy nhiên, các vị tiên phong của Trường phái Pháp còn trực giác một điều quan trọng là không thể có cải cách thần học và mục vụ mà trước đó không có canh tân thiêng liêng.

3. Đâu là những khuôn mặt của phong trào này ?

Trước tiên, có một nhóm người tập hợp xung quanh một phụ nữ là Bà Acarie, chị em họ hàng với ĐHY Bérulle. Bà có tên là Barbe Avrillot[2], sinh năm 1556, ở Paris trong một gia đình khá giả. Bà lập gia đình với ông Pierre Acarie và có sáu người con. Sau đó bà trở thành góa bụa, rồi vào dòng Cát Minh với tên dòng là Maria Nhập Thể. Bà đã có những kinh nghiệm thần bí, những trực giác thiêng liêng, đi kèm theo với sự xuất thần và những đau khổ. Xung quanh bà (Salon de M. Acarie) tập hợp một số người khác nhau : các tu sĩ (Benoït de Canfeld, Pierre Coton, Etienne Binet, André Duval…), các giáo dân, thánh Phanxicô Salê (khi ngài ghé sang Paris). Bà đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa dòng Cát Minh cải tổ đến Pháp và đã thành lập nhiều cộng đoàn Cát Minh khác. Ba người con của bà cũng đi tu trong đan viện Cát Minh tại Pontoise mà về sau bà sẽ đến sống và qua đời ở đó. Cha R. Deville nhận xét rằng bà « đã mở ra con đường cho Trường phái Pháp ». Bà được tuyên phong chân phước ngày 5/6/1791.

4. Những ưu tư cải cách.

Quyết định quan trọng đầu tiên mà nhóm nhỏ đưa ra là đưa vào lại nước Pháp một đời sống chiêm niệm đúng nghĩa. Vì thế, nhóm đã cử Bérulle, lúc đó còn là chàng thanh niên 23 tuổi, đi Tây Ban Nha để tìm các nữ tu dòng Cát Minh. Phải chăng lúc đó không còn đời sống chiêm niệm tại Pháp ? Dĩ nhiên là vẫn còn. Nhưng nhiều đan viện cần được cải cách và dòng Cát Minh, được cải cách bởi thánh Têrêsa Avila, dường như là một khuôn mẫu đặc biệt thích ứng của đời sống chiêm niệm.

Mối lưu tâm thứ hai : vấn đề hàng giáo sĩ. Các vị sáng lập Trướng phái Tu đức Pháp có ưu tư thiết lập các chủng viện, thế nhưng trực giác đầu tiên của họ rộng lớn hơn nhiều. Đó thường là những nhu cầu của dân kitô hữu mà họ muốn đáp lại. Trước tiên, họ là những nhà truyền giáo, mà không chỉ chống lại lạc giáo Tin lành, nhưng trước tiên là tái Phúc Âm hóa cho dân Pháp. Tất cả đều đã lập những hội truyền giáo tại Pháp, một số đi ra nước ngoài như các linh mục Xuân Bích và Lazaristes. Cái nhìn của họ về Giáo Hội là một hình ảnh tiên báo cái nhìn về Giáo Hội « Thân Thể mầu nhiệm Chúa Kitô » sẽ được khai triển vào thế kỷ XX. Họ chủ yếu dựa vào Thánh Kinh, Tin Mừng và Thánh Phaolô và cả các Giáo Phụ nữa. Đặc biệt, các vị sáng lập này có trực giác rằng không thể tái Phúc Âm hóa nước Pháp nêu không có cải cách hàng giáo sĩ.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng cuộc cải cách hàng giáo sĩ không phải hàng đầu, nó là kết quả của nhận thức về nhu cầu của dân Chúa liên quan đến cuộc canh tân thiêng liêng. Trước tiên, họ không phải là những nhà sáng lập chủng viện, nhưng việc đào tạo linh mục đối với họ là một trong những phương thế cần thiết để đảm bảo cuộc Kitô giáo hóa mới đất nước. Từ đó, ý tưởng « khôi phục bậc sống linh mục » trở nên chín tới (kiểu nói của Bérulle).

Thánh Vincent de Paul (Vinh Sơn) đã có những trang rất nghiêm trọng mô tả tình trạng dốt nát của các linh mục cũng như sự xoàng xĩnh của họ. Rồi có hệ thống « bổng lộc » chỉ dựa trên lợi ích kinh tế. Nó lệ thuộc Giám mục, đan viện lân cận, lãnh chúa hay vua. Việc bổ nhiệm một linh mục trong một giáo xứ rất ít lưu tâm đến mục vụ. Một trong những ưu tư của Bérulle là thiết lập những cộng đoàn linh mục tự do hơn.

Trong một viễn ảnh như thế, tạo nên một dòng tu mới được miễn khỏi quyền tài phán của Giám mục (theo thuật ngữ thời bấy giờ), đó vẫn còn là cải cách Giáo Hội từ bên ngoài. Ưu tư sâu xa trong sáng kiến của họ là cải cách tình trạng linh mục mà không cắt đứt nó khỏi hàng giáo sĩ triều. Từ đó ước muốn của họ về một cộng đoàn linh mục không lời khấn lệ thuộc chặt chẽ vào Giám mục đối với thừa tác vụ của họ, nhưng thuộc về một Bề Trên cho đời sống cộng đoàn của mình, được giải phóng khỏi các bổng lộc và vì thế được gần với dân Thiên Chúa hơn. Những linh mục trong cộng đoàn này được tách rời không phải với dân chúng, văn hóa, nhưng là những cái trần tục và những bó buộc của một trật tự kinh tế và xã hội gây trở ngại cho Giáo Hội.

5. Ai đặc trách thực hiện những ưu tư này ?

Trước tiên, người ta đã nghĩ đến thánh Phanxicô Salê, nhưng ngài đã từ chối vì quá bận rộn bởi địa phận của mình. Do đó, người ta hướng đến cha Bérulle, bởi vì ngài có những phẩm chất linh hoạt và lãnh đạo, trong trách nhiệm được đảm nhận bên cạnh các nữ tu Cát Minh. Bérulle ban đầu cũng do dự, nhưng rồi với áp lực của Tổng Giám mục Paris, nên ngài đã chấp nhận. Lúc đó ngài chưa làm hồng y. Khi ngài lập Hội Thuyết Giảng, ngài chỉ mới 36 tuổi. Một câu hỏi được đặt ra trong việc lập Hội : theo khuôn mẫu nào ? Lúc bây giờ : hoặc là thuộc về hàng giáo sĩ triều, hoặc là tu sĩ. Thánh Phanxicô Salê đã cho Bérulle biết việc thánh Philippe Nêri đã thành lập một hội tại Rôma vào cuối thế kỷ 16 dưới danh xưng Thuyết Giảng. Thánh Philippe Nêri đã tập hợp quanh ngài một số linh mục sống thành cộng đoàn mà không biến họ thành những tu sĩ.

Trên thực tế, có hai khuôn mẫu đã gợi hứng cho Bérulle. Hội Thuyết Giảng Rôma và một hội khác do thánh Carôlô Borrômêo thành lập dưới danh xưng Oblats trong giáo phận của ngài.

Từ đó Bérulle từ từ giữ lại hai ý tưởng : cần đặt các linh mục dưới quyền sử dụng của các Giám mục trong các địa phận của các ngài, trong sự tùy thuộc vào thừa tác vụ của họ và vì việc mục vụ của họ. Nhưng đồng thời, ngài muốn họ độc lập với giám mục đối với việc đào tạo của họ và đối với đời sống cộng đoàn. Bérulle đã thành lập Hội Thuyết Giảng Chúa Giêsu trong viễn ảnh kép này. Và dưới ảnh hưởng của ngài, nhiều hội đã ra đời trước khi ngài qua đời vào năm 1628.

Tương quan với thánh Jean Eudes

Jean Eudes nhập Hội Thuyết Giảng ngày 19/03/1625. Chính Bérulle đã đón nhận ngài cách chính thức. Jean Eudes ở lại trong Hội trong vòng 20 năm. Sau đó, ngài rời Hội chỉ vì Hội không đáp ứng đủ nhanh cho những nhu cầu hình thành các chủng viện. Và điều đó là đúng.

Bérulle cũng từng là cha linh hướng của thánh Vinh Sơn, cũng như sau này cha Charles de Condren, người kế vị Bérulle, sẽ là người linh hướng cho cha Olier.

Từ đầu, Bérulle đã muốn các thành viên của Hội Giảng Thuyết chăm lo tất cả các nhiệm vụ mà một linh mục có thể thực hiện, ngoại trừ việc giáo dục, vì các cha dòng Tên chuyên về việc này tốt hơn. Nhưng trong sắc lệnh thành lập Hội vào năm 1613, Đức Giáo Hoàng đã lại thêm vào : bao gồm cả giáo dục. Điều đó giải thích vì sao Hội Thuyết Giảng thiết lập các trường học, và người ta yêu cầu Hội lấy lại các trường cũ của các cha Dòng Tên bởi vì Dòng Tên vừa bị trục xuất khỏi Pháp. Nhưng dù sao việc giáo dục không phải là ơn gọi của Hội Thuyết Giảng.

Thánh Jean Eudes trái lại sẽ tập trung hơn vào việc truyền giáo và việc đào tạo các linh mục. Cha Olier trước tiên cũng chăm lo công việc truyền giáo và đời sống giáo xứ. Chính ngài đã thành lập chủng viện đầu tiên của mình bên cạnh giáo xứ Saint Sulpice ở Paris. Còn đối với thánh Vinh Sơn, trước tiên ngài lo đến việc truyền giáo. Nhưng trước lời yêu cầu của các linh mục, ngài đã tổ chức các cuộc hội thảo Thánh Lazarô và Hội của ngài cũng sẽ được định hướng đến việc đào tạo trong các chủng viện. Như thế, chúng ta đang đứng trước sự hình thành của nhiều gia đình linh mục.

Chắc chắn rằng từ toàn bộ những Hội này đã nảy sinh một truyền thống linh đạo. Nhưng cũng quan trọng để thấy và hiểu rằng từ nguyên thủy, đó không phải là một linh đạo dành riêng cho các giáo sĩ. Đó là một linh đạo có mục tiêu đầu tiên là mang lại cho các tín hữu, những người chịu phép rửa, những phương thế của sự hoàn thiện thiêng liêng. Và dĩ nhiên, trong số các tín hữu này, có những người lại có những như cầu đặc biệt, đó là các linh mục.

Khi người ta nói rằng Trường phái Tu đức Pháp chỉ là một linh đạo của các linh mục, thì người ta đã nhầm hay, ít ra, người ta đã không lưu tâm đủ đến tất cả các chiều kích của nó. Người ta quên rằng Bérulle đã nhào nắn một phần chủ yếu các tư tưởng của mình trong việc dạy dỗ các nữ tu Cát Minh. Người ta quên rằng Jean Baptiste de la Salle sẽ thích nghi truyền thống này cho các Sư Huynh của các Trường Kitô. Người ta cũng quên rằng Gaston de Rondy, một giáo dân, sẽ dùng một số khía cạnh của nó cho các giáo dân ở Hội Thánh Thể.

Linh mục thực thi thừa tác vụ của mình là một thừa tác vụ thánh hóa, cần phải điều chỉnh đời sống bản thân theo phẩm chất phục vụ mà ngài được kêu gọi. Đó là những gì mà người ta gọi là linh đạo linh mục. Tuy nhiên, ta có thể thấy rõ rằng nguồn gốc sâu xa không phải trước tiên là linh mục, nhưng là phép Rửa.

6. Tầm quan trọng của đời sống cộng đoàn.

Đời sống chung là một yếu tố chủ yếu trong tư tưởng của Bérulle mà mô hình lý tưởng như đã được vạch ra trong sách Công vụ Tông đồ. Bérulle cho rằng chứng tá của linh mục thể hiện qua chứng tá của một cuộc sống chung. Điều đó vì những lý do thần bí hơn là thực tiễn. Nhưng cũng có một lý do khác tùy thuộc hoàn cảnh hơn. Nó hệ tại giải phóng linh mục khỏi cấu trúc xã hội bắt lệ thuộc, đó là hệ thống trần tục các bổng lộc.

Phải nói là từ đây nảy sinh một cái nhìn có tính cách giáo hội học về chức linh mục mà sẽ đặt linh mục trong tương quan cộng tác với Giám mục. Các linh mục không nhập tịch vào Hội của mình, nhưng vẫn nhập tịch vào địa phận của họ.

Tất cả những gia đình nảy sinh xung quanh Trường phái Tu Đức Pháp càng ngày càng làm việc cùng nhau. Mỗi Hội, dù theo đuổi ơn gọi riêng của mình, vẫn cảm thấy nhu cầu trở về nguồn. Chẳng hạn, cứ hai hoặc ba năm một lần, các Hội Giảng Thuyết, Xuân Bích, Eudistes và Lazaristes sẽ tổ chức tĩnh tâm chung. Mỗi học kỳ đôi khi họ gặp mặt nhau, hoặc là dịp cuối tuần.

7. Những trực giác thiêng liêng của Trường phái Pháp có thể mang lại cho chúng ta điều gì ?

Trước tiên, vấn đề làm cho con người lo âu vào thời đó, cuối thế kỷ 16 và của thế kỷ 17, đó là vấn đề về tương quan với Thiên Chúa, tương quan với cái hữu hình và cái vô hình như thời đó diễn tả. Các vị sáng lập muốn khôi phục nơi thế giới Kitô giáo một ý nghĩa đúng đắn hơn về Thiên Chúa. Bérulle, Olier, Jean Eudes, Vincent de Paul, khi nói về Thiên Chúa, đều thực sự biết là họ đang nói về ai và vị trí mà họ phải dành để cho Người trong đời sống của họ cũng như trong nhân loại. Chẳng hạn, Bérulle viết : « Ước gì con biết Chúa và con biết con, con giữ mình cho cân xứng và đo lường bản thân trước Chúa…con quy chiếu về Chúa bởi thân phận của hữu thể của con mà chỉ là một tương quan với Chúa…Chúa là nền tảng và là Đấng sâu thẳm của hữu thể con…hạnh phúc của con là thuộc về Chúa, là chỉ một dung tích thuần túy của Chúa, được đổ đầy bởi Chúa… ».

Thứ hai, đó cũng là những con người của thời của họ. Họ biết rõ là những đại khám phá (Chủ Nghĩa Phục Hưng, Chủ Nghĩa Nhân Bản…) có sức hấp dẫn như thế nào. Vấn đề của họ là thiết lập một liên hệ đúng đắn nhất có thể giữa việc tìm kiếm Thiên Chúa và sự tán dương con người.

B. Linh đạo của Trường phái Tu đức Pháp[3]

Học thuyết thiêng liêng của Trường phái Tu đức Pháp được bén rễ sâu trong Thánh Kinh và trong tư tưởng của các Giáo Phụ và được dành cho mọi kitô hữu. Đặc biệt nổi bật chiều kích Kitô trung tâm trong linh đạo này. Chúng ta có thể tìm thấy một số chủ đề lớn của nó.

1. Thiên Chúa là Thiên Chúa.

Người ta biết rằng cuộc trở lại hoàn toàn của Maurice Clavel là do cuộc gặp gỡ với Bérulle và ý thức về Thiên Chúa Đấng Tuyệt Đối đang còn ngái ngủ nơi ông đã được đánh thức do việc đọc cuốn sách của Paul Cochois. Khía cạnh đầu tiên của kinh nghiệm và của sứ điệp của Bérulle và của các đồ đệ của ngài là khía cạnh về sự cao cả và thánh thiện của Thiên Chúa. Thái độ đáp trả của con người là thái độ thờ lạy, nhân đức thờ phượng cho đến hiến dâng hoàn toàn chính mình: «Trước tiên, cần phải nhìn ngắm Thiên Chúa chứ không phải chính mình, và không hành động bằng việc nhìn ngắm và tìm kiếm chính mình chút nào, nhưng là bằng cái nhìn thuần khiết về Thiên Chúa[4]». Danh từ « nhìn ngắm » (regard) và động từ « nhìn ngắm » (regarder) có một ý nghĩa rất mạnh nơi Bérulle. Chúng không diễn tả chỉ một sự chú ý đơn giản hay thậm chí là sự chiêm ngưỡng : nhìn ngắm có nghĩa là « đồng thuận với Thiên Chúa như là cứu cánh của mình và khao khát hướng về Ngài » (P. Cochois). Đó là một thái độ tình yêu và đồng thuận cũng như là kính trọng. Bérulle hẳn đã đồng ý với định nghĩa tuyệt vời về sự thờ lạy mà Elisabeth Chúa Ba Ngôi đưa ra : « một sự ngây ngất của tình yêu ».

Nhưng nếu thái độ nền tảng của thụ tạo là việc thờ lạy yêu mến, thì đó là vì « không có gì cao cả như Thiên Chúa và những gì mà tôn thờ Thiên Chúa [5]».

Những khẳng định như thế đã đánh động nhiều đến các đồ đệ của Bérulle, họ đã nhận ra ở đó một phản ứng chống lại một hình thức chủ nghĩa nhân bản nào đó mà có nguy cơ làm cho quên đi sự cao cả, sự siêu việt và sự thánh thiện của Thiên Chúa.

Đối với Bérulle, con người, tạo vật, là thuộc về Thiên Chúa và cho Thiên Chúa; tự bản tính con người ở trong một thân phận tùy thuộc và tôi tớ này. Sự thờ phượng hệ tại việc thừa nhận phận tôi tớ này.

Như thế linh hồn phải tự quên mình đi, phải tan đi, hóa mình ra không (s’anéantir) và trở nên «dung tích thuần túy của Thiên Chúa » (pure capacité de Dieu) và do đó được Ngài đổ đầy. Condren và Olier sẽ nói về hy tế « để nhìn nhận Thiên Chúa và tôn thờ Ngài » theo tất cả những sự hoàn hảo của Ngài.

Đối Bérulle, vấn đề không hệ tại chỉ những hành vi tôn thờ hay hiến dâng chính mình ở thời điểm nào đó thôi, nhưng còn và nhất là sự tôn thờ « bằng tình trạng » (par état), sự hiến dâng và từ bỏ của thụ tạo để tôn thờ Thiên Chúa trong tận sâu thẳm của hữu thể, tức là sự đồng thuận với sự chiếm lấy của Đấng Tạo Hóa… Sự hoàn thiện của thụ tạo là đồng thuận với ý định của Thiên Chúa, « và bởi vì Ngài chọn chúng ta, chuẩn bị cho chúng ta, nâng chúng ta lên với Ngài, làm cho chúng ta xứng đáng với Ngài, nên chung ta đừng không biết đến ơn kêu gọi của Ngài, đừng kháng cự lại ân sủng của Ngài, đừng bám lấy chính mình, đừng làm những việc hư hỏng, nhưng là hãy thực hiện những việc vĩnh cửu [6]». Condren, Olier và Jean Eudes, mỗi người theo cách của mình đều nhấn mạnh vừa đến sự cao cả của Thiên Chúa vừa đến tầm quan trọng của sự tôn thờ và nhân đức thờ phượng.

Bởi đó, người ta hiểu được tầm quan trọng mà họ đã gán cho phẩm giá và chân lý của kinh nguyện phụng vụ : trong Thánh Lễ và trong Kinh Phụng Vụ, toàn thể Giáo Hội dâng về cho Chúa Cha danh dự thuộc về Ngài, bằng việc dâng lên cho Ngài hy tế của Chúa Giêsu và bằng cách kết hiệp với lời nguyện con thảo và tư tế của Người.

2. Chúa Kitô sống trong chúng ta.

Những gì mà người ta gọi là Kitô trung tâm luận của Trướng phái Pháp đòi phải được hiểu đúng. Theo định nghĩa, Kitô giáo được đặt trọng tâm vào Chúa Giêsu-Kitô. Nhưng mỗi trường phái linh đạo có cách thế riêng biệt của mình để chiêm ngưỡng Chúa Giêsu và nhấn mạnh đến một số khía cạnh nào đó của mầu nhiệm của Người; mỗi trường phái linh đạo cũng đề nghị một cách thức bước theo Người, lắng nghe Người và kết hợp với Người.

Bérulle và các đồ đệ của ngài gắn chặt với việc chiêm ngắm Ngôi Lời nhập thể. Trong nhân tính được thần hóa, họ thờ lạy “Người Tôi Tớ” tuyệt hảo, Người thờ phượng Thiên Chúa đích thực. Bên kia những hành vi cầu nguyện tùy lúc hay những cử chỉ cứu độ, thì sự kết hiệp của nhân tính của Người với thiên tính của Người là một “tình trạng” thường hằng. Như thế, Người là Đấng trung gian thờ phượng duy nhất, nhờ Người và trong Người thụ tạo có thể tôn vinh Chúa Cha.

Việc chiêm ngưỡng yêu thương của các kitô hữu do đó sẽ dựa trên những mầu nhiệm của đời sống của Chúa Giêsu; những mầu nhiệm này là những mầu nhiệm mang ân sủng. Lòng tôn sùng thời thơ ấu Chúa Giêsu, đời sống ẩn dật của Người, cuộc thương khó, sự Phục Sinh và Thăng thiên, Thánh Thể của Người sẽ không ở bên lề hay thứ yếu; chúng luôn dẫn đến chính mầu nhiệm của Chúa Giêsu “nơi hai bản tính của Người, nơi ngôi vị thần linh của Người, nơi tất cả sự cao cả của Người[7]”.

Bên kia những biến cố bên ngoài của đời sống của Chúa Kitô, Bérulle muốn chúng ta chiêm ngắm “những hành vi nội tâm và thiêng liêng của linh hồn của Chúa Giêsu đang bàn bạc với Thiên Chúa là Cha của Người[8]”. Cha Olier sẽ nói về “ phần nội tâm của Chúa Giêsu” (l’intérieur de Jésus) hay về “những tình cảm” và “những thiên hướng” của Người. F. Bourgoing sẽ khơi lên “ba cái nhìn” của Chúa Giêsu: “hướng đến Thiên Chúa là Cha của Người để tôn vinh Ngài, hướng đến chính mình để tự hiến và hướng đến các tâm hồn để thánh hóa họ và để hòa giải họ với Thiên Chúa[9]”.

Nhưng việc tôn thờ của Bérulle được biến thành tình yêu, thành ước muốn và “hiệp thông”. Đời sống kitô hữu, đời sống trong Chúa Kitô cuối cùng chính là đời sống của Chúa Giêsu trong chúng ta. Câu nói của thánh Phaolô “không còn là tôi sống nữa, nhưng Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2, 20) như là câu chủ đạo của tất cả học thuyết thiêng liêng của họ. Và lời cầu nguyện chủ yếu của họ, lấy lại lời cầu xin Maranatha của các kitô hữu đầu tiên bằng cách bổ túc và nội tâm hóa nó, là một tiếng kêu gọi để Ngài “đến và sống trong chúng ta” như Ngài đã sống trong Đức Maria. Nói với Chúa Giêsu, cha Olier viết: “ Chúa đã luôn ban cho con ước muốn không chỉ là hình ảnh của Chúa này, nhưng còn là một chính Chúa khác nữa, như Chúa muốn biến tất cả tâm hồn các tín hữu của Chúa thành điều đó” (Hồi Ký, II, 268).

Đối với những người thuộc trường phái Bérulle, việc đến và sống của Chúa Giêsu đi đến tận tâm hồn và biến đổi hoàn toàn cuộc sống. Những bậc thầy này theo đúng những lời nói của thánh Phaolô: “Chúa Kitô sống trong tôi”… “Anh em hãy có những tâm tình của Chúa Kitô” (Phil 2, 3); “ước gì Chúa Kitô cư ngụ trong tâm hồn anh em nhờ đức tin” (Eph 3, 17). Tất cả các nhà tu đức, theo chân các Giáo Phụ, đều đã bình luận các đoạn Thánh Kinh này. Trường phái Pháp nhìn thấy ở đó trung tâm và đỉnh cao của tất cả đời sống kitô hữu. Đời sống này không chỉ là sự gắn kết với Thánh Thần, cũng không đơn giản là tuân theo mẫu gương Chúa Giêsu, sâu xa hơn, nó là sự gắn kết, “sự gắn chặt”, sự hiệp thông với đời sống của Ngài, với các tình trạng và mầu nhiệm của Ngài, với những tâm tình nội tâm và những thiên hướng của Ngài. Thánh Jean Eudes viết rằng đời sống kitô hữu là sự tiếp nối và là sự hoàn tất đời sống của Chúa Giêsu-Kitô…

Việc hiệp lễ là “phương thế” tuyệt hảo của việc hiệp thông với Chúa Giêsu. Cầu nguyện thinh lặng sẽ được tập trung vào Chúa Giêsu: trước mặt, trong tâm hồn, trên đôi tay: thờ lạy, kết hiệp và cộng tác…Tất cả đều nhắm để cho Chúa Giêsu đến sống và hành động trong chúng ta nhờ Thánh Thần của Ngài.

3. Thánh Thần của Chúa Giêsu.

Nếu đời sống kitô hữu không gì khác hơn là chính sự sống của Chúa Giêsu trong chúng ta, thì nó được sinh ra trong chúng ta nhờ Thánh Thần. Kitô hữu là “người có Thánh Thần của Chúa Giêsu-Kitô nơi mình” (Olier). “ Buông mình cho Chúa Thánh Thần” (Olier), “hiến mình cho Thánh Thần của Chúa Giêsu, đó là bí quyết của các bí quyết, lòng tôn sùng của các lòng tôn sùng” (Jean Eudes).

Trong cuốn La Vie de Jésus của mình, Bérulle tăng thêm những nhận xét về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong việc thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể. Đó cũng chính Thánh Thần hình thành Chúa Giêsu trong chúng ta: “Chúng ta ở trong đôi bàn tay của Chúa Thánh Thần, Đấng kéo chúng ta ra khỏi tội lội, nối kết chúng ta với Chúa Giêsu như tinh thần của Chúa Giêsu phát xuất từ Ngài, được thủ đắc bởi Ngài và được sai đi bởi Ngài[10]”. Ngài cũng viết tương tự: “Tôi muốn rằng Thánh Thần của Chúa Giêsu-Kitô là Thánh Thần của tinh thần của tôi và là sự sống của sự sống của tôi [11]”…

Lòng tôn sùng lớn lao của các vị thuộc trường phái Bérule dành cho Chúa Thánh Thần giải thích tầm quan trọng mà họ gắn với lễ Hiện Xuống. Đối với cha Condren, đó là lễ chủ yếu, lễ hữu ích nhất trong tất cả các lễ… Cha Olier yêu cầu họa sĩ Le Brun vẽ một bức tranh diễn tả cảnh lễ Hiện Xuống. Nó nhắc nhở cho mọi người rằng nguồn mạch của mọi tinh thần kitô hữu và của mọi “tinh thần tông đồ” không gì khác hơn là Thánh Thần của Chúa Giêsu được lãnh nhận trong lời cầu nguyện của Giáo Hội: lời cầu nguyện của các môn đệ với Đức Maria.

4. Giáo Hội, Chúa Giêsu-Kitô được lan rộng và được thông truyền.

Kể từ Cha Mersch[12], chúng ta biết rằng Trường phái Pháp đã làm nổi bật cái nhìn thần bí về Giáo Hội mà các Giáo Phụ đã khai triển từ các thư mà thánh Phaolô viết lúc bị giam tù như thế nào. Thần học đương đại về Thân Thể huyền nhiệm mang ơn họ nhiều và biết bao nhiêu trang của Hiến chế về Giáo Hội của Công đồng đã lấy lại những đề tài này.

Không cần thiết nhấn mạnh lâu dài đến khía cạnh này của học thuyết và sự chiêm ngắm của họ, thế nhưng, cần phải nhấn mạnh sự tương phản rõ rệt giữa quan niệm duy ngoại thuyết, quá chuyên pháp lý và tập trung của Giáo Hội mà biết bao “giáo sĩ” dường như có vào thời đó, và cái nhìn rộng rãi, thần bí sâu xa, của Trường phái Pháp. Chắc chắn họ thực tế và nhận ra trong Giáo Hội “những đám mây và những gợn sóng”, nhưng họ chiêm ngắm Hiền Thê của Chúa Kitô nơi Giáo Hội, và cuối cùng là chính Chúa Kitô. Họ cũng nhấn mạnh đến việc “xây dựng” thân thể này: “Tất cả những gì chúng ta làm trong thế gian này, đó là làm nên Chúa Kitô này. Tất cả các thánh làm việc cho điều đó…” (Condren hay Amelote?). Nhưng họ nhắc nhở rằng Giáo Hội tự nó không là gì, nó không thể là gì hơn trong Chúa Giêsu…

Chúa Giêsu tiếp tục đời sống của mình trong Giáo Hội. Trường phái Bérulle nhấn mạnh nhiều đến hai khía cạnh của mầu nhiệm Giáo Hội: cầu nguyện phụng vụ và truyền giáo. Đối với họ, Năm Phụng Vụ làm cho chúng ta sống lại các tình trạng và mầu nhiệm của Chúa Giêsu[13] và lời nói và sự dấn thân của các nhà truyền giáo, được Chúa Thánh Thần tông đồ của Chúa Giêsu thúc đẩy, tiếp tục và hoàn thành sứ mệnh của Ngôi Lời nhập thể [14].

5. Linh mục của Chúa Giêsu.

Theo ý kiến hiện nay, linh đạo Bérulle hoàn toàn tập trung vào chức linh mục, do ảnh hưởng của các chủng viện và của những gì mà đa số các bậc thầy này đã lặp đi lặp lại về vấn đề phẩm giá và trách nhiệm của các linh mục. Quả thực, trào lưu cải cách mục vụ và thiêng liêng sâu rộng mà họ là những tác nhân chính, đã có mục tiêu ưu tiên là “sự thánh hóa hàng giáo sĩ”… và một trong những kết quả rõ rệt nhất của hoạt động của họ là việc thiết lập các đại chủng viện; do đó, họ đã đóng góp vào việc khuôn đúc một phong cách linh mục nào đó. Tất cả đều được đánh động bởi ưu tư sâu sắc về phẩm giá của các linh mục, về sự thánh thiện và về việc đào tạo của họ: “Ưu tư về sự hoàn thiện của linh mục đã ám ảnh Bérule cách mãnh liệt” (L. Cognet); cha Olier thì ý thức đã lãnh nhận được từ Chúa Giêsu mệnh lệnh là “mang sự chiêm ngưỡng vào trong chức linh mục” (Hồi Ký VII, 290). Tất cả đều sẽ dấn thân vào công việc thành lập các chủng viện. Họ nhận thức vừa tầm quan trọng quyết định của sứ mệnh của linh mục, tính cấp bách của một sự hòa hợp sâu xa giữa đời sống và thừa tác vụ của họ, vừa ơn gọi nên thánh mà ơn gọi và sứ mệnh của họ bao hàm. Sự cấp bách này được nhận thức cách sắc sảo bởi tất cả các nhà cải cách thời đó: hoàn cảnh thảm thương của hàng giáo sĩ, sự dốt nát của họ và sự chểnh mảng của nhiều linh mục và giám mục đã đòi hỏi một cuộc canh tân thiêng liêng đích thực và một nền huấn luyện vững chắc đồng thời là một sự phân định “các ơn gọi”. Cha Olier đã đề nghị như thế làm mục tiêu cho “những người đến được/tự đào tạo” trong chủng viện của ngài: đến “biết những gì họ là trong Giáo Hội của Thiên Chúa và đâu là ân sủng của bậc sống của họ[15]”.

Nhưng việc xem xét vấn đề gần hơn là cần thiết:

a. Đa số các bài viết của họ được nói với mọi kitô hữu: chẳng hạn như Discours sur l’état et les grandeurs de Jésus (Bérulle), La Vie et le Royaume de Jésus (Jean Eudes), Catéchisme chrétien pour la vie intérieure, L’introduction à la vie et aux vertus chrétiennes (Olier)… Và Bérulle, Jean-Jacques Olier và Jean Eudes đều đã làm việc cho « dân chúng » và cho các nữ tu (chẳng hạn xem nơi đến của các bức thư) cũng như cho các linh mục. Dù dành nhiều thời gian và nỗ lực phục vụ các linh mục, thì hoạt động tông đồ của họ không bị « chuyên biệt hóa » hay bị hạn chế vào chỉ một thể loại kitô hữu duy nhất. Tất cả đều nhận thức rõ rằng chức linh mục thừa tác là nhắm phục vụ chức linh mục phép Rửa của tất cả các kitô hữu. Việc họ nhấn mạnh đến khía cạnh tư tế của đời sống kitô hữu (được trình bày bởi thánh Phaolô ở chương 12 của thư gởi tín hữu Rôma – và được lấy lại ở Vatican II) đã giữ cho họ khỏi mọi hình thức giáo sĩ trị tồi tệ.

b. Họ không phải là những thần học gia « lành nghề » và một số sử gia cho rằng tư tưởng của Bérulle về vấn đề chức linh mục không phải luôn luôn mạch lạc [16]. Cũng thế đối với Jean Eudes[17]. Tuy nhiên, tư tưởng và giáo huấn của họ về thừa tác vụ giám mục và linh mục, được xây dựng trên các bản văn của Tân Ước và của các Giáo Phụ, mà họ đọc không ngừng, là rất vững chắc trong toàn bộ. Giáo hội học của họ và ý thức của họ về tinh thần tông đồ làm cho họ tránh mọi chủ nghĩa cá nhân sùng tín. Họ đặt thừa tác vụ của các linh mục nhằm phục vụ toàn thể Giáo Hội, nhưng họ nhìn thấy nơi các linh mục là những người đại diện của Chúa Giêsu, « những mục tử đích thực trong Chúa Kitô mục tử »…

c. Nhưng điều chủ yếu của ân sủng của họ, của sứ điệp của họ và của gia sản mà họ đã truyền lại cho chúng ta, nằm ở mức của một sự xác tín thiêng liêng liên quan đến sứ mệnh, phẩm giá và sự thánh thiện của các linh mục. Chính đời sống thiêng liêng của các linh mục, được liên kết với việc thánh hiến và sứ mạng của họ trong Giáo Hội mới là bận tâm lớn của họ[18].

Gia sản và sứ điệp này, mà tiếp nối với một số định hướng của Vatican II – Công đồng đã nói nhiều nhất về Giáo Hội và thừa tác vụ tông đồ – dường như có thể được tóm tắt như sau :

+ một ước muốn lớn lao, được Chúa Thánh Thần gợi hứng, ra sức đạt tới sự canh tân của Giáo Hội bằng việc canh tân thiêng liêng các linh mục : ưu tư giúp cho một sự nội tâm đích thực và khơi lên «những con người tông đồ » được thúc đẩy bởi Thánh Thần hơn là bởi những ước muốn hay những lợi ích vật chất.

+ Ý thức về sự thánh thiện của linh mục, được gắn liền với sự kết hiệp của bản thân linh mục với Chúa Giêsu, với những ý định của Ngài, với những ước muốn của Ngài, với lời nguyện của Ngài, với Thánh Thần của Ngài : « Chúng ta chỉ phải hành động bởi Thánh Thần của Chúa Giêsu » (Bérulle).

+ Một kinh nghiệm thiêng liêng và giáo hội, cá nhân và tập thể sâu xa : tất cả những người này đều đã được Thiên Chúa chạm đến, đều đã kinh nghiệm về điều đó và đều đã chia sẻ điều đó, và họ đã lãnh nhận từ Thánh Thần một ý thức về Giáo Hội vừa thần bí, rất được xây dựng trong thần học, vừa đồng thời rất hiện thực. Cần phải nhấn mạnh nơi họ ý thức về Giám mục cha của Giáo Hội của ngài và của các linh mục của ngài, và lòng sùng kính lớn lao đối với Thánh Thể và Đức Maria. Sau cùng, chính họ đã là những linh mục đích thực của Chúa Giêsu.

6. Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu.

Luôn có một chỗ đứng lớn lao dành cho Đức Maria trong học thuyết thiêng liêng của Bérulle. Đức Maria nằm ở trung tâm của mầu nhiệm Kitô giáo, bởi vì chính nơi Mẹ mà Ngôi Lời đã nhập thể, bởi vì Mẹ đã hoàn toàn ngoan ngoãn vâng theo Chúa Thánh Thần và bởi vì từ nay Mẹ là người Mẹ cao cả của mọi người.

Trong cuốn La Vie de Jésus, Bérulle đã cho chúng ta một bài trình bày thần học và thần bí tuyệt vời về Truyền Tin. Không gì có thể thay thế cho việc đọc các trang này. Đức Maria « trong Giáo Hội, là những gì mà ánh rạng đông ở bầu trời và Mẹ ở ngay trước mặt trời…nhưng Mẹ hơn cả ánh rạng đông, vì Mẹ không chỉ ở ngay trước nó, Mẹ phải cưu mang nó và sinh ra cho trần gian » (Vie, 5, éd. Dupuy, t.8, p.221).

Sự thánh thiện của Đức Maria được Bérulle ca ngợi trong « những trang tươi mới tuyệt diệu » (P. Cochois) : « Được thánh hóa ngày từ giây phút đầu tiên của hữu thể của mình…Mẹ sinh ra cách âm thầm mà thế giới không nói đến…Nhưng nếu trái đất không nghĩ đến đó…thì cái nhìn đầu tiên và dịu dàng nhất của Thiên Chúa trong trần gian là hướng đến Trinh Nữ khiêm tốn này mà thế giới không biết : chính bấy giờ mà tư tưởng cao cả nhất mà Đấng Tối Cao có trên tất cả những gì được tạo dựng » (Vie, p. 221)… « Thiên Chúa ở và được hình thành trong Mẹ còn hơn cả chính Mẹ… » (p.222)… « Mẹ bước vào trong tình yêu và sự tôn thờ mà Chúa Giêsu thực hiện đối với Thiên Chúa là Cha của Ngài…Mẹ đánh mất đi việc sử dụng cuộc sống riêng và nội tâm của Mẹ trong vực thẳm của đời sống nội tâm và mới mẻ của Con của Mẹ… » (Vie, p.307).

Và Đức Maria từ nay là người cao trọng nhất của mọi người, Mẹ có một « quyền và sức mạnh ban Chúa Giêsu cho các tâm hồn ». (Corresp., éd. Dagens, II, 345). Lời khấn tôi tớ cho Đức Maria mà Bérulle và các đồ đệ của ngài đã thực hành dựa trên nền móng này. Lời khấn này « do đó không phải là lòng sùng mộ quá mức nhưng là lời khấn xuất phát từ vị trí được dành cho Mẹ của Ngôi Lời nhập thể trong kế hoạch của Thiên Chúa » (P. Cochois, Bérulle, op.cit., p.108).

Lòng sùng kính Đức Maria của Bérulle, vừa rất thần học vừa rất tình cảm, được gặp thấy nơi các đồ đệ của ngài. Mỗi người theo cách của mình sẽ có, đối với Đức Bà, Mẹ Thiên Chúa và là Nữ Vương của Giáo Hội và thế giới, một sự gắn bó trìu mến được diễn tả bằng những cách thức khác nhau : hành hương, cầu nguyện, khấn tôi tớ hay nô lệ. Ta biết làm thế nào cha Olier đã biến đổi lời kinh của cha Condren bằng cách cầu nguyện với « Chúa Giêsu sống trong Mẹ Maria ». Jean Eudes đã viết những trang tuyệt diệu về Trái Tim của Đức Maria : « Chúa Giêsu đang sống động và ngự trị trong Đức Maria đến nỗi Ngài là linh hồn của linh hồn Mẹ, tinh thần của tinh thần của Mẹ, trái tim của trái tim của Mẹ ; đến độ ta có thể nói rõ rằng Trái Tim của Đức Maria, đó là Chúa Giêsu » (O.C. VIII, p.130). Đối với ngài, Đức Maria thực sự là ảnh thánh (icône) của Chúa Giêsu.

Nơi cha Olier, một ghi nhận đặc biệt cần được nhấn mạnh. Nếu chính ngài rất ý thức về sự hiện diện của Đức Trinh Nữ trong cuộc sống thường nhật của mình, và nếu ngài mở rộng lòng sùng kính Đức Maria nơi giáo xứ của mình, thì ở chủng viện, theo sau Bourgoing, ngài đặc biệt nhấn mạnh đến Đức Maria là Nữ Vương các linh mục. Đối với ngài, Đức Maria là khuôn mẫu của hàng giáo sĩ. Ngày lễ Đức Trinh Nữ Dâng Mình, ngày 21/11, đối với ngài, sẽ là thiết yếu trong phụng vụ của chủng viện và sẽ là cơ hội cho các linh mục và chủng sinh làm mới lại sự dấn thân của họ phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội. Ngày 21/11 cũng sẽ được cử hành long trọng bởi các bậc thầy của trường phái Bérulle khác và bởi các nữ tu Cát Minh Pháp : những nữ tu này cho đến Công đồng sẽ làm mới lại lời khấn của họ vào ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình[19].

7. Một lối sư phạm năng động.

Để phục vụ cho học thuyết thiêng liêng của mình, Bérulle và các đồ đệ của mình đã chứng tỏ một ý thức sư phạm rất lớn. Tất cả họ đều là « những bậc thẩy tu đức » đích thực. Người ta đã nói về Bérulle rằng ngài chỉ có « một đam mê trong cuộc sống của mình : tỏ lộ cho các tâm hồn, để làm cho họ sống nhờ đó, những phong phú khôn dò của mầu nhiệm của Ngôi Lời nhập thể » (P. Cochois, op.cit., p.4). Cũng như các « trường phái » linh đạo khác, trường phái Bérulle muốn hướng dẫn các đồ đệ của mình vào sự kết hiệp với Chúa Giêsu, dạy cho họ biết « sống hoàn toàn cho Thiên Chúa trong Chúa Giêsu-Kitô ». Họ muốn Chúa Giêsu « được hình thành nơi anh em » (x. Gal 4, 19). Để đóng góp vào việc huấn luyện này, họ đã khuyên dùng một số phương tiện thực hành và đã không do dự tạo ra những thể thức sư phạm mới. Sau đây là một số phương thế được dùng :

+ Kinh nguyện của Giáo Hội đối với họ vừa là nơi thờ phượng, hy tế, lời cầu nguyện của Giáo Hội, được kết hiệp với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, vừa là phương thế huận luyện. Họ đã nói nhiều và viết về các mầu nhiệm của Chúa Giêsu được cử hành trong phụng vụ ; tùy vào cái nhìn của họ về đời sống kitô hữu, họ nhấn mạnh đến các lễ trọng của Ngôi Lời nhập thể : Truyền Tin, Giáng Sinh, Hài Đồng Giêsu, Tuần Thánh, Mùa Vượt qua và Lễ Hiện Xuống. Lễ Dâng Chúa vào Đền thờ, lễ Chúa Kitô ánh sáng « chiếu soi các dân tộc », đối với họ, đã là cơ hội của những ân sủng đặc biệt…

Họ không do dự tạo ra Kinh nhật tụng riêng : Kinh nhật tụng Chúa Giêsu (Bérulle), của Trái Tim Đức Maria, của Trái Tim Chúa Giêsu (Jean Eudes), của đời sống nội tâm của Chúa Giêsu, của Đức Maria (Olier) … Tất cả đó nhằm đào tạo những kitô hữu đích thực được tác động bởi chính Thánh Thần của Chúa Giêsu, đang sống giữa lòng Giáo Hội.

+ Dẫn vào đời sống cầu nguyện, đối với các bậc thầy của Trường phái Pháp, đã là một ưu tư thường hằng. Condren, Olier, Jean Eudes, và về sau Jean Baptiste de La Salle sẽ đề nghị « những phương pháp » cầu nguyện, thậm chí cả những bản văn suy niệm. Họ cũng đã viết những kinh nguyện dâng lên Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu, Đức Maria…

+ Lòng tôn kính Lời Chúa và Thánh Thể. Đối với họ, Thánh Kinh không chỉ là nguồn mạch chính yếu của học thuyết của họ, nó còn là cuốn sách cầu nguyện. Họ nhấn mạnh nhiều đến lối đọc Thánh Kinh với tâm tình cầu nguyện. Đặc biệt cha Olier đã để lại cho chúng ta những trang rực rỡ về sự tôn kính lớn lao mà ta phải có đối với Thánh Kinh trong « nhà » Saint-Sulpice. Vả lại, mỗi tối, ngài giải thích cho các chủng sinh một đoạn Thánh Kinh trong « hội thảo về Thánh Thánh ». Đối với ngài, lòng sùng kính Thánh Kinh đi đôi với lòng sùng mộ Thánh Thể mà ngài đã khai triển nhiều ở Chủng viện cũng như ở giáo xứ Saint-Sulpice.

+ Linh hướng là đối tượng của tất cả những chăm lo của họ ; những bức thư của họ là những chứng tá tốt nhất về ý tưởng cao trọng mà họ chăm lo : « hướng dẫn một tâm hồn, đó là hướng dẫn thế giới» (Bérulle)…

Lm. Võ Xuân Tiến


[1] Theo Jean DUJARDIN, L’Ecole française de spiritualité.

[2] DEVILLE Raymond, L’Ecole française de spiritualité, Desclée de Brouwer, 2008, p. 242-243.

[3] Theo DEVILLE Raymond, L’Ecole française de spiritualité, Desclée de Brouwer, 2008, p. 157-189.

[4] BERULLE Pierre, Œuvres de piété, XI, col. 1245, éd. Migne (rút ra từ một bức thư).

[5] BERULLE Pierre, Lettre 52, oct. 1608 (éd. Dupuy, Correspondance, 1, p. 154).

[6] BERULLE Pierre, Œuvres de piété, 209, 7, éd. Dupuy, t. 4, p.98.

[7] BERULLE Pierre, Œuvres de piété, 108,1, éd. Dupuy, t. 3, p.107.

[8] BERULLE Pierre, Vie de Jésus, ch. 29, éd. Dupuy, t.8, p.306.

[9] F. BOURGOING, Préface aux Œuvres de Bérulle, p. 103 trong éd. Migne.

[10] BERULLE Pierre, Œuvres de piété, 204,1, éd. Dupuy, t. 4, p.84.

[11] BERULLE Pierre, Grandeurs de Jésus, 2, 12, éd. Dupuy, t.7, p.119.

[12] MERSCH E., Le Corps mystique du Christ, Paris-Bruxelles, Desclée de Brouwer et l’Edition universelle, 1936, 2vol. L’Ecole française est présentée au t. II, p.301-344.

[13] DAGENS J., Bérulle…, Paris, Desclée de Brouwer, 1952, p. 373-375.

[14] DEVILLE R., Ecole française et mission, dans « Mission et traditions spirituelles », session C.S.M. Paris, 1985, p.77-85.

[15] Projet pour l’établissement d’un séminaire, loc. cit., p.231. Chính ngài cũng đã có câu nói thời danh : « Cần bước vào bằng cánh cửa ơn gọi ».

[16] M. DUPUY, Bérulle et le Sacerdoce, Paris, Lethielleux, 1969, p. ex. 103, 245…

[17] P. MILCENT, S. Jean Eudes, op.cit., p.131-133.

[18] KRUMENACKER Y., L’Ecole française de spiritualité, p.350-364.

[19] Lời kinh nguyện của chị thánh Elisabeth Chúa Ba ngôi đã được chị viết vào tối ngày 21/11/1904… « Con hiến thân cho Mẹ. »

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30