TỪ ĐỔ VỠ ĐẾN HÒA ĐIỆU

Written by xbvn on Tháng Hai 26th, 2014. Posted in Việt Nam

Để hiểu một con người, không phải là một chuyện dễ dàng. Theo tâm trí bình thường của con người, ai ai cũng cho rằng, những gì gần nhất mình là những điều chúng ta thấu hiểu hơn hết. Không ít những đôi vợ chồng thường nói rằng: “Tôi biết quá rõ chồng tôi mà…” hay “ồ, bà ấy là thế đó… tôi còn lạ gì!” “đàn bà mà,” “đàn ông mà,” “con nít mà”… Và đại loại những kiểu nói như thế để nói về sự hiểu biết rành rọt của mình về đối tượng. Cũng từ não trạng chủ quan “biết người” này của mỗi người mà đó đây không ngừng xảy ra biết bao bạo lực, hiềm thù, ganh ghét,… Chỉ có cái “tôi” của mình là đúng nhất, và cũng là tiêu chuẩn để đo lường đồng loại! Blaise Pascal: “Cái tôi là đáng ghét, nhưng đó là cái tôi… của người khác,” chứ cái “tôi” của tôi thì đáng yêu biết dường nào! Pascal nhấn mạnh tiếp: “Mỗi cái tôi là thù địch của nhau và khao khát muốn làm bạo chúa trên những cái tôi khác.” Chính vì trong thẳm sâu tâm hồn mỗi người, từ các tín hữu cho đến các nhà tu hành, ai ai cũng khát khao làm bạo chúa người khác, nên thế gian này không ngừng đổ vỡ, từ sự đổ vỡ nội tại cho đến những đổ vỡ ngoại tại kéo theo.

Khác biệt hay tách biệt?

“Ngày nọ, Trang Tử cùng Huệ Tử đứng chơi trên cầu sông Hào. Trang Tử nói: – Ôi! Đàn cá bạc đang bơi lội thong dong, đó là vì cá vui vẻ vậy.

Huệ Tử hỏi: – Ông không phải là cá, làm sao biết được cá vui?

Trang Tử hỏi lại: – Ông không phải là tôi thì làm sao ông biết được tôi không biết cá vui?

Huệ Tử trả lời: – Tôi không phải là ông, dĩ nhiên tôi không thể biết được tâm của ông. Cũng vậy, ông không phải là cá, nên tất nhiên ông không thể biết được cái vui của cá. Thực không còn nghi ngờ gì nữa! (Nam Hoa Kinh, Trang Tử – Thiên Thu Thủy).

Nhìn thấy cá, chúng ta đều nghĩ cá đang tung tăng. Khi vui, chúng ta dùng chữ “tung tăng,” khi buồn thì dùng chữ “ủ rũ.” Suy bụng ta ra bụng người, thế mà, nhiều khi chính bụng ta, ta cũng… chẳng hiểu. Trong khi mọi người đều cho rằng “không ai gần gũi ta hơn chính bản thân ta” nên chẳng ai hiểu ta hơn chính ta. Rất hợp lý đấy chứ! Nhưng ta đã lầm, và lầm to. Ta tưởng ta hiểu cá, rằng cá đang vui thú! Có những kẻ nhảy múa giữa phố chợ, vậy thì họ đang vui hay đang điên đảo? Có những giọt nước mắt rơi xuống, là buồn khổ hay hạnh phúc? Tại đền thờ thần Apollon, Delphes, Hy Lạp, có câu châm ngôn: “Hãy tự biết chính mình,” và triết gia cổ đại Socrates đã dùng châm ngôn này để đi sâu rộng về mọi mặt. Nhận biết chính mình, không đơn giản. Tại sao con người mãi đảo điên? Tại sao gian dối, ganh tỵ hiềm thù cứ tràn lan? Tại sao cứ phải chống chế và phòng vệ? Ấy chỉ vì ta sống mà quên mất con người của ta, không biết được chính ta. Không biết ta, thì ta không thể biết yêu mình và từ đó chẳng thể yêu người, không phải yêu kiểu Narcissism (yêu ích kỷ, tự yêu, tự ái), nhưng tình yêu nảy sinh khi ta biết rõ chính mình, là mình cũng chẳng hơn gì ai, mình có đủ bụi trần đeo bám của tham sân si phận người. Biết mình thật sự bất toàn và đầy hữu hạn, thì mình mới có thể đi đến hòa giải với chính mình, từ đó mới chan hòa vào ánh sáng tâm linh trong thẳm sâu lòng mình và tâm hồn người khác.

Với hình ảnh Trang Tử trên sông Hào ở trên, sẽ có hai hướng nhìn: Cá không vui thật và cá vui thật. Nếu Trang Tử và cá là hai hữu thể tách biệt, không một điểm hòa điệu nào, thì cả hai sẽ không thể chạm được với nhau và đi vào trong nhau. Khi thế giới này chỉ là kho chứa những cái tách biệt không đi vào được với nhau được thì thế giới này sẽ không thể nào có thể tồn tại và đứng vững. Mọi hữu thể trong vũ trụ này đều có sự liên đới và nương tựa nhau để hiện hữu. Thế giới thể lý trong con người hay bất kỳ động thực vật nào cũng thế, các bộ phận và chi tiết đều khác biệt (diversity) chứ không tách biệt (separation). Khác biệt là sự khác nhau về chức năng hoạt động, cấu trúc, không gian thời gian… nhưng lại cùng chung chia hòa hợp với nhau để làm cho sự sống tồn tại và tăng trưởng. Mỗi hữu thể đều hướng đến toàn thể tính (wholeness) nên các chi tiết đều quyện chặt với nhau (1Cr 12,12-13). Phá rừng sẽ ảnh hưởng đến môi sinh quanh nó. Bất kỳ một bộ phận hay chi tiết nào bị hư hại thì các bộ phận hay chi tiết khác sẽ bị tác động và thể thống nhất sẽ bị phá vỡ.

Trang Tử nói cá vui, vì tâm trạng Trang Tử đang vui trên cầu sông Hào và cảm nghiệm ngoại cảnh đang tuôn chảy với mình, trong mình, và biết ngoại cảnh cũng đang vui với niềm vui của mình. Nói theo ngôn từ của cụ Nguyễn Du: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” Có thể nói đây là tâm trạng chủ quan, đem cảm xúc của người đối cảnh chi phối lên cảnh vật, nhưng cũng có thể nói đây là sự chung chia hòa hợp giữa người với cảnh. Chỉ những người cảm nghiệm được ánh sáng tâm linh trong thẳm sâu lòng mình thì mới có thể cảm nhận được “ta với cảnh” chỉ là một. Trang Tử đã nên một với ngoại cảnh, và đã cảm nghiệm “mình với ta tuy hai mà một”. Trang Tử và cá có khác biệt nhưng không tách biệt. Vâng! Một giọt lệ của bạn lăn trên gò má cũng có thể làm rung động cả Đất Trời. Một tiếng thở dài của bạn cũng làm cho cả vũ trụ này cúi xuống ôm choàng lấy bạn. Sự tương tác vẫn liên tục tỏa khắp vũ trụ như các loại sóng điện từ lan truyền trong không gian, mà mắt thường không thể nào nhìn thấy.

Vỏ bọc phỉnh gạt

Hình thức bên ngoài rất dễ đánh lừa chúng ta. Không phải người giàu nào cũng sang. Không phải người nghèo nào cũng hèn. Không phải người nào có đạo là sẽ có đức. Thế nhưng, số đông mọi người đều có chung một khuôn nhìn, đánh giá và kết luận dựa theo hình thức bên ngoài. Đây cũng chính là điểm mạnh của ngành quảng cáo đã dựa vào tâm lý ấy nơi con người để hốt bạc. Trong lãnh vực đời sống tâm linh cũng vậy. Kiểu đạo đức “nghiêm trang và trầm trọng” đã gây ra biết bao nạn nhân và cái chết dần mòn nơi các tín hữu cũng như người tu sĩ trong đời tu trì. Tâm thức đạo đức “trầm trọng” vẫn lặng lẽ lỳ lợm bám chặt vào não trạng của kẻ sống đạo, của những tu sĩ cho đến suốt cả cuộc đời! Sống kiểu “đạo đức” rập khuôn như thế đã trở thành một khuôn mẫu mà mọi tín đồ đều phải tuân theo và không thể làm khác. Sống khác sẽ bị coi là vô đạo hoặc sẽ bị đánh giá rất thấp, và sẽ bị xem là kẻ rốt hết!

Trong một tu viện nọ, có một thầy trẻ trung xem ra có nhiều triển vọng. Anh rất chuẩn mực trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Anh rất chăm chỉ học hành, siêng năng chu toàn kinh nguyện, đến nỗi không bao giờ vắng một ngày (giữ cô-rô, tiếng Hy Lạp khoros, Latin chorus). Không ai nghe thấy anh ngồi lê đôi mách nói xấu và chỉ trích ai. Anh luôn luôn nghiêm trang và nghiêm túc. Anh luôn luôn là một tu sĩ vô cùng mẫu mực. Anh chính là niềm hãnh diện của Dòng và sẽ là một linh mục rất sáng giá tương lai!

Thế nhưng, ai ai tiếp xúc với anh cũng cảm nhận rằng, có một bức rào cản vô hình nào đó giữa anh và mọi người. Anh ít tươi cười và hài hước. Có những buổi các anh em bạn quây quần vui đùa, nhưng khi anh xuất hiện thì như anh mang cả một bầu khí u ám bao trùm. Trong lúc đó, mỗi anh em của anh đột nhiên khựng lại và một bức cản vô hình xuất hiện ở giữa. Anh không hồn nhiên. Những tiếng nô đùa và hồn nhiên của anh em làm anh thêm thu vào thế giới đổ vỡ của chính mình. Phòng vệ. Tách biệt. Trong vô thức, anh đau đớn vì sự vui đùa ấy tố giác cái bất toàn đổ vỡ trong anh.

Trước sự ngạc nhiên của cộng đoàn nơi anh ở, anh chàng trai trẻ này đột nhiên ngã bệnh. Bác sĩ chẩn đoán căn bệnh do anh đã sống trong tình trạng trầm cảm (dépression). Anh được chuyển đến khoa trị liệu tâm lý và được điều trị trong vòng hơn một tháng.

Trầm cảm xảy ra chủ yếu do từ hai nguyên nhân chính, thứ nhất là người bệnh đã phản ứng trái ngược lại với biến cố đã từng xảy ra (trầm cảm ngoại sinh), thứ hai là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể (trầm cảm nội sinh). Thế nhưng, hầu hết con người thời đại mắc căn bệnh trầm cảm ngoại sinh, vì cuộc sống càng ngày thêm phức tạp và làm cho con người luôn luôn phải lao theo nhịp sống hiện đại. Càng hiện đại càng phức tạp, càng phức tạp thì con người càng phải trở nên phức tạp theo. Một cách vô hình chung, nhịp sống này cho con người biết rằng “nếu bạn dừng lại, hoặc không đi theo tốc độ ấy, có nghĩa là bạn sẽ bị loại khỏi guồng máy đang chạy, nếu không sẽ bị đè bẹp.” Lối sống nhanh, làm cho tâm trí phải nhanh theo, khi tâm trí nhanh, lại kéo thêm lối sống nhanh nữa, và cứ thế…

Trầm cảm ngoại sinh đang phổ biến, nhất là nơi các tu sĩ trong các Dòng tu, hoặc những nơi có nhiều nghi lễ, nghi thức trịnh trọng. Những tu sĩ nghiêm trang và quá đạo đức thường đã và đang trong tình trạng trầm cảm. Sự đạo đức và nghiêm trang bên ngoài chỉ là vỏ bọc để bảo vệ tâm hồn đang đổ vỡ bên trong. Chính áo khoác này đã làm cho bao nhiêu người lầm tưởng đó là sự đạo đức thánh thiện. Thật ra, áo khoác này là rào cản tách biệt giữa nội tại và ngoại tại của anh. Một cách nào đó, sự nghiêm cẩn và đạo đức là một căn bệnh.

Người tu sĩ trên đây đã không đi đến sự hòa điệu giữa cái bên ngoài và bên trong. Lòng anh không thống nhất, nên anh không thể có bình an nội tại. Anh cố gắng giữ nghiêm túc, nhưng sâu thẳm lòng anh vẫn đổ vỡ và tách biệt. Anh không phải là một con người mang toàn thể tính. Tiếng cười, những dòng lệ rơi, sự hài hước, lòng chân thật, sự giản dị, hòa đồng, yêu thương, lòng trắc ẩn là dấu chứng của một con người bình an và tràn đầy ánh sáng tâm linh. Một khi con người đã đánh mất tính hồn nhiên và trong sáng của phận người, thì đó là một con người không nhìn nhận đổ vỡ nội tại và thật đáng thương. Thomas Merton cho biết: “Âu lo chính là dấu bất an tâm linh” (Anxiety is the mark of spiritual insecurity).

Lắng nghe tiếng nấc nghẹn đồng loại…

Trong một cộng đoàn nữ tu nọ, có chị bề trên chịu trách nhiệm coi sóc các chị em gần như về mọi mặt. Tôi nói mọi mặt vì có lý do của nó. Chị cũng phân và giao việc cho một số chị em để cáng đáng đời sống tu viện, nhưng thật tình mà nói, chị vẫn làm tất cả mọi sự. Các chị em của chị có “tên” đó, có “việc” đó, nhưng đó chỉ là trên mặt chữ. Từng chi tiết cho đến tổng thể trong đời sống tu viện và từng cá nhân chị em, chị đều nắm rất rõ, quyết định tất cả, và chi phối tất cả. Chị đã không tin một ai. Các chị em hay tín hữu đến với chị chỉ vì luật lệ, nhu cầu, hay vì công việc quan trọng nào đó, chứ không một ai dám đến tâm sự hay trò chuyện với chị trong tư cách là tình chị em hay tình bạn hữu. Chị không thuộc típ người nghiêm túc và “đạo đức” như chàng tu sĩ trẻ kia, nhưng trái lại, chị lúc nào cũng thể hiện sự cau có và khó chịu. Trong những buổi nguyện kinh và Thánh Lễ, thái độ và nét mặt của chị lúc nào cũng hiện lên sự sầu não và căng thẳng. Ánh mắt chị biểu lộ một sự bất an. Khi sinh hoạt chung với nhau, không chị em nào dám hỏi hay nói chuyện với chị bất cứ câu gì. Các chị em sợ chị. Cộng đoàn vì thế trở nên ngột ngạt và… không có sức sống gì nữa, dù rằng các chị em của chị còn trẻ trung và nhiều tiềm năng nội lực. Giáo tiếp với người ngoài, chị có vẻ vui lên một chút, nhưng với các chị em, chị luôn luôn đáp lại bằng những lời cay cú và gắt gỏng.

Chúng ta cũng có thể ít nhiều đã trải qua những kinh nghiệm như thế. Có những lúc tâm hồn chúng ta không được vui, và từ đó chúng ta thể hiện ra bên ngoài bằng những cử chỉ và lời nói cay cú và ác độc. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Giận cá chém thớt.” Chị bề trên nữ tu kia đang có đổ vỡ nội tại. Đổ vỡ này đã được thể hiện ra bên ngoài bằng những cử chỉ lời nói cay cú gắt gỏng. Đây là một phản ứng lại chính đổ vỡ nội tại của mình. Chị đã không chấp nhận chính mình. Chị chạy trốn sự đổ vỡ nơi bản thân mình. Một khi chúng ta không nhìn nhận và thân ái với đổ vỡ nội tại trong mình, thì chúng ta không thể phát triển và sống tràn đầy. Nhìn nhận và thân ái với đổ vỡ chính là tạo nên sự hòa điệu trong mình. Đây là sự khiêm tốn và nhận biết sự thật của chính mình.

Những lời cay cú, cử chỉ khinh miệt, thái độ khó chịu, nét mặt căng thẳng như là những tiếng thét gào van xin được chữa lành. Nữ văn sĩ Maya Angelou nói: “Cay cú gắt gỏng giống như bệnh ung thư, nó sẽ ăn dần ăn mòn con người ấy. Còn giận dữ như là ngọn lửa thiêu hủy hoàn toàn con người ấy ngay lập tức.” Một con thú đang gầm gừ và giận dữ là con thú đang mang trong mình những vết thương đau hành hạ. Hãy lắng nghe tiếng nghẹn nấc cũng như tiếng gào thét của đồng loại xung quanh chúng ta. Con người có bình an nội tâm là con người không thể giận dữ và chua cay, nhưng sẽ hiền lành và lan tỏa bình an đến người khác. Chúng ta cần nhạy bén và nhận biết điều này, để thay vì lên án và tẩy chay những người đang có vết thương ấy, chúng ta hãy có nơi mình sự thấu cảm và lòng thương xót. Họ đang bệnh. Thế mà rất thường khi, chúng ta rơi vào hai thái độ, thứ nhất là phản ứng lại qua thái độ xa lánh, không muốn dính bén phiền lụy; thứ hai là sẽ “ăn thua đủ“, “hòn đất ném đi hòn chì ném lại.” Với hai thái độ ấy, chúng ta không thể làm cho tình thế tốt hơn.

Con người ngày nay có khuynh hướng phòng vệ lẫn tấn công nhiều hơn, đó là anh có “đất” còn tôi có “chì”. Chúng ta đang xé toạc vết thương đau của người ấy thêm sâu rộng mà không phải vì mục đích chữa lành, nhưng chỉ vì cảm thấy bị xúc phạm và máu điên có pha thêm bản tính thích giết người nổi lên trong ta. Ông tổ phân tâm học Sigmund Freud, cho biết, trong mỗi người đều tồn tại hai năng lực thúc đẩy: năng lực sống và năng lực chết. Khi chúng ta phản ứng lại như thế, có nghĩa là cả hai phía đều mang hai năng lực này. Tự vệ mình bằng cách tấn công lại. Tự vệ để sống còn, phản ứng lại để tiêu diệt, tiêu diệt rồi thì ta mới tồn tại! Người ấy ném hòn đất vào ta, còn ta thì phản ứng lại bằng cách ném hòn chì vào họ. Hòn chì nặng hơn hòn đất!

Ham sống và thèm chết

Có những khi chúng ta không hiểu tại sao hôm qua chúng ta lại hành xử tệ bạc như thế, nhưng có lúc chúng ta lại đối đãi rất ư là tử tế và bao dung. Lúc thì chúng ta hiền hậu thứ tha, gặp ai cũng thương yêu và quan tâm trìu mến, nói nói cười cười, lúc thì lại muốn phá đổ, cay nghiệt cay cú, hoặc vô vọng rút vào vỏ ốc mỏng manh tạm bợ. Nhìn sâu vào nội tâm, chúng ta cũng cảm nhận một sự xung khắc vô hình nào đó lúc ẩn lúc hiện. Nội tâm của chúng ta như một trận chiến vô hình cả khi thức lẫn khi ngủ (ý thức và vô thức), chỉ có ta biết ta sống hay chết trong trận chiến dai dẳng và thầm lặng ấy. Khi ta thắng, ta cảm thấy an vui, khi ta thua, ta thấy cả bầu trời này thật là u ám. Những khi ta cảm thấy thắng thế là những lúc ta được năng lực sống chi phối, đó là lòng yêu thương, bao dung, thân ái, gần gũi, tươi vui. Những lúc ta cảm thấy thua thiệt là những lúc ta bị năng lực chết thống lãnh, đó là sự ghen ghét, ganh tỵ, nhỏ nhen, kết án, hằn thù, càm ràm, khó chịu, ích kỷ, u sầu ủ dột, chua cay, gắt gỏng. Cũng nên nhớ rằng, đừng tưởng khi ta hạ gục ai, chà đạp phẩm giá ai, dùng lý lẽ để chống lại ai… là chúng ta chiến thắng! Không, chính khi chúng ta chiến thắng với chủ tâm nâng mình lên và hạ người khác xuống, chính là lúc chúng ta đã thua trận. Đây là sự chiến thắng của “cái tôi” trong ta. “Cái tôi” của ta càng thắng thế, trong sâu thẳm nội tâm, chúng ta càng cảm thấy ê chề và đớn đau. Có hai loại thắng thế, nếu sự thắng thế hướng đến mục đích tốt lành và tình thương, thì sự thắng thế ấy sẽ đem lại bình an và thanh thoát cho ta và cho người, còn sự thắng thế mà hướng đến cái tôi ích kỷ của mình và hạ gục đồng loại là sự thắng thế đem đến bất an và sự chua xót sâu thẳm.

Vậy, cuối cùng, chúng ta thật sự là ai? là con người ham sống (thuộc năng lực sống) hay thèm chết (thuộc năng lực chết)? là thánh nhân hay ma quỷ? là người đem bình an hay mang lại chết chóc? Hai năng lực cứ xen kẽ đắp đổi trong ta!

Từ nguyên thủy, do phá vỡ quy luật của Thiên Chúa bởi tiền nhân Ađam và Evà, đã xuất hiện sự đổ vỡ trong thẳm sâu nội tâm con người. Cố giáo hoàng Gioan Phaolô II cho biết “sau khi phạm tội con người đã biểu lộ một đổ vỡ nhân vị,” và ngài nói thêm: “Ađam và Evà cảm thấy bất an và xấu hổ với chính mình do sự thiếu hợp nhất trong chính bản thân mình” (Thần Học về Thân Xác, chương III). Đổ vỡ là do đánh mất sự hòa điệu trong nội tại của mình, nhất là khi con người phải đương đầu với khó khăn thử thách trong cuộc đời. Con người vô cùng dễ vỡ. Chúng ta ít nhiều cũng có kinh nghiệm rằng, nhiều lúc chúng ta cảm thấy rất bình an và yêu thương mọi người tha thiết, thế nhưng bất chợt khi gặp một biến cố không may nào đó, chúng ta lập tức suy sụp và thất vọng buông xuôi. Từ thái độ vui tươi bao dung đã nhanh chóng chuyển sang cách hành xử cau có gắt gỏng với những người mà chúng ta đã từng yêu thương liên đới. Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói nơi con người mọi nơi mọi thời đều mang cái đổ vỡ nhân vị, đổ vỡ này làm con người mất đi tự chủ, mất tự kiểm soát chính mình: “Sau khi phạm tội, Ađam và Evà không kiểm soát thân xác mình theo kiểu trước đây, với tính đơn sơ hồn nhiên của con người vô tội nguyên thủy nữa. Chính cái cơ cấu tự chủ, vốn là cốt lõi của nhân vị, một cách nào đó, đã bị lung lay tận gốc rễ.” Việc lấy lá che thân của Ađam và Evà đã khởi sự việc đổ vỡ, mà trước đó hai người chưa biết xấu hổ và đổ lỗi nhau. Bấy giờ hai người đang hòa điệu tự thân và vào nhau. Nhưng, thay vì hai người trao ban sự tốt lành cho nhau, thì giờ đây, hai người đã ngờ vực nhau, xem bạn mình như thù nghịch. Chính sự đổ vỡ này đã thúc đẩy mình lại làm những điều không nên làm và chẳng làm những điều mà lẽ ra nên làm (đối chiếu Rm 7,19). Sự đổ vỡ là hậu quả của nguyên tội, từ đó con người luôn bị thúc đẩy sống và yêu không còn đúng nghĩa, như xưa Thiên Chúa đã từng đặt để nơi con người nữa, trái lại, thay vì tình yêu nguyên vẹn của nó là hy hiến trao ban trong giản dị hồn nhiên, giờ đây sẽ chỉ còn lại là thống trị, chiếm hữu, ích kỷ, khước từ, và triệt hạ lẫn nhau.…

Cuộc chiến dai dẳng giữa năng lực sống và chết trong nội tâm con người vẫn còn đó. Một thách đố lớn nhất cho mỗi chúng ta, đó là chúng ta để cho năng lực sống chiếm ưu thế hơn hay năng lực chết luôn chi phối mọi suy nghĩ và hành vi của mình? Đau khổ vẫn xảy ra trong chúng ta, cho dù chúng ta đứng về phía năng lực sống hoặc chết. Sống tốt (tinh thần Bát Phúc) hay không tốt (bóng tối, sự dữ), đều có giá của nó.

Đau khổ xuất hiện từ sự đổ vỡ nhân vị. Nhưng suy cho cùng tận, đây vẫn luôn là một mầu nhiệm – mầu nhiệm về sự tự do con người, và mầu nhiệm này liên quan mật thiết với mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúa Giêsu – Ngôi Lời xuống thế làm người – đã chọn Giuđa Iscariốt làm môn đệ. Giuđa phải được Chúa thương lắm mới được chọn, và phải được tin tưởng như thế nào mới được giữ “của”. Vậy mà, Chúa lại bị phản bội. Đức giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã cho biết cảm nhận của mình về sự đổ vỡ con người qua biến cố Giuđa phản bội như sau: “Sự phản bội của Giuđa cho thấy, sẽ còn mãi đau khổ vì hứng chịu sự bất trung. Thánh vịnh viết: ‘Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con!’ (Tv 41, 10). Sự đổ vỡ của tình bạn cũng chạm đến cộng đoàn bí tích là Hội Thánh. Trong Hội Thánh, vẫn luôn luôn xuất hiện những con người ‘nhận lấy bánh’ được Chúa trao và rồi quay lại phản bội Ngài” (Joseph Ratzinger – Đức giáo hoàng Bênêđíctô XVI, cuốn Đức Giêsu thành NazarethPhần II. Vatican City, 2011).

Qua biến cố trớ trêu ấy, mỗi người chúng ta và toàn thể Hội Thánh đã, đang và sẽ sống với bi kịch Chúa bị khước từ. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ sống với một Thiên Chúa bị đổ vỡ. Những con người, nhân vật trong Kinh Thánh Cựu Ước và các sách Tin Mừng trong Tân Ước, chúng ta sẽ thấy toàn là những con người đổ vỡ (bệnh tật, bị loại trừ, bị khinh miệt, giết người, bỏ chồng, bỏ vợ, phản bạn, phản thầy… bởi những cộng đồng bất bao dung, cố chấp). Đây chính là mầu nhiệm trong đời sống tâm linh của chúng ta, qua đó Chúa Giêsu khát khao gặp gỡ mỗi người chúng ta trong cõi lòng sâu thẳm của mình. Mầu nhiệm nhập thể vẫn đang tiếp diễn. Chính thẳm sâu cõi lòng mình là nơi tịch lặng và là cung thánh, nơi đó Ngài sẽ cho chúng ta cảm nếm được tình yêu của Ngài, và chúng ta không còn thấy sợ hãi gì nữa. Thánh Gioan Thánh Giá đã nói: “Thinh lặng chính là ngôn ngữ trước nhất của Chúa.” Và cũng chính nơi đây, chúng ta sẽ nhận diện hữu thể sâu nhất và thật nhất của bản thân mình, từ đó mới có thể học biết yêu Chúa. Nhận biết chính mình, để yêu Chúa và thân ái với chính mình hơn. Có như thế, chúng ta mới có thể hiểu rõ hai điều quan trọng trong giới răn của Chúa: “Giới răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (Mc 12,29-31). Một khi không dám nhận diện hay chấp nhận chính mình, hoặc phổ biến hơn như là Ađam Evà tìm cái gì đó để che phủ chính mình, thì chúng ta vẫn mãi ở trong sự đổ vỡ, nơi bản thân mình và từ đó nơi người thân cận. Thách đố lớn nhất của chúng ta là ở chỗ, chúng ta có thật sự mở lòng để mời Chúa vào trong cung thánh của cõi lòng chúng ta không? Để Chúa ngự vào lòng chúng ta, chúng ta mới biết yêu chính thân phận đầy hạn giới và đổ vỡ của mình. Khi biết yêu chính mình như thế, chúng ta mới có thể trao ban tình yêu đích thực cho đồng loại (mở lòng mình – biết chính mình – yêu chính mình – biết Chúa – yêu Chúa – yêu đồng loại). Thomas Merton gọi cõi lòng sâu thẳm đó là tâm điểm của hữu thể chúng ta, nơi ấy sẽ không có gì có thể chạm tới được, ngoại trừ một sự thật tinh tuyền và một điểm sáng quy hướng hoàn toàn về Đấng Tuyệt Đối. Merton nói: “Chúa ẩn núp trong tôi. Tôi khám phá được Ngài khi tôi chìm vào cõi tịch lặng tâm hồn, là nơi mà Ngài đang ẩn núp” (The Journals of Thomas Merton: Entering the Silence: Becoming a Monk and Writer. Volume II: 1941-1952.  Jonathan Montaldo, ed.  San Francisco: HarperCollins Publishers, 1996, trg. 187).

Mãnh lực bóng tối hay năng lực chết vẫn không ngừng vây bủa quanh và trong chúng ta. Đặc biệt trong thế giới ngày nay, có vẻ như chúng đang chiếm ưu thế. Vâng, con người đang có khuynh hướng khước từ và phản bội lẫn nhau, hơn là đón nhận và nâng đỡ nhau. Con người vì thế chỉ có thể hàn gắn đổ vỡ khi con người khiêm tốn nhìn-nhận chính cái đổ vỡ ấy. Nhận diện rõ đổ vỡ nơi mình, con người mới “đầu hàng” Thiên Chúa. Chính khi Chúa Giêsu chạm đến đổ vỡ tận cùng của hữu thể mình trên Thánh Giá: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?” (Mt 27:46) là chính lúc Chúa Giêsu “đầu hàng” hoàn toàn trước Thiên Chúa. Thực sự, lúc bấy giờ, không còn gì và chẳng còn ai để Chúa Giêsu bám vào nữa. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng ta (Mt 11,28) vì rằng, sự hiện diện Thiên Chúa hữu hình qua Ngôi Lời Nhập Thể và vô hình qua các Bí Tích trên trần gian này là để cho chúng ta “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Với sự nhẫn nại và niềm xác tín vào Thiên Chúa tình yêu, chúng ta và cả những đổ vỡ trong chúng ta luôn luôn được Chúa chúc phúc. “Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục” (Dt 12,1-2).

Sống trong sự cảm nghiệm phúc lành của Thiên Chúa, dẫu rằng sự đổ vỡ vẫn còn đó dưới dạng thức của những đau đớn về thể lý hoặc tinh thần, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ và vượt qua mọi chướng ngại cách dễ dàng. Ngược lại, cũng cùng cái đổ vỡ ấy, nếu không liên hệ đến sự chúc lành của Chúa, thì dù một thách đố rất nhỏ cũng đủ làm chúng ta ngã gục. Chính vì thế, rất nhiều người không cảm nhận được sự chúc phúc, nên đã cho phép năng lực chết chiếm ưu thế qua tình trạng trầm cảm, u sầu hoặc qua thái độ cay cú, gắt gỏng, khó chịu, chỉ trích.

Khi nhận biết sự phúc lành của Chúa vẫn luôn tuôn đổ xuống từng hơi thở và mỗi nhịp đập trái tim ta, chúng ta sẽ không còn sợ hãi bất cứ điều gì. Đó là cốt lõi đời sống tâm linh của chúng ta. Chúng ta phải cảm nhận thực sự nơi từng tế bào của thân thể mình, lời mà Chúa đã nói với mỗi người chúng ta: “Con là con Ta rất yêu dấu.” Vâng! Chúng ta được Chúa thương và thương đến cùng tận, và chúng ta sẽ không thể nào thấu hiểu “cùng tận” ấy của Chúa được khi chúng ta không nhìn nhận hay chưa chạm đến sự đổ vỡ cùng tận của nhân vị.

Càng nhận biết phúc lành “con Ta yêu dấu“, càng thêm kết hợp với Ngài. Vì thế, khi bị u sầu trầm cảm, chính là lúc chúng ta sẽ khởi sự cuộc thanh lọc chính nội tâm mình; Khi bị khước từ và phản bội, chính là lúc chúng ta sẽ bắt đầu đến gần với sự thật và tinh trong hữu thể của mình và của người; Và, khi bị thất bại và thua cuộc, chính là lúc chúng ta sẽ bắt đầu biết sống và sống dồi dào. Triết gia La Mã cổ đại, Lucius Annaeus Seneca, nói: “Ngày mà bạn cho là tận cùng của mọi sự, lại là ngày khởi đầu của vĩnh cửu.”

Linh mục Khất Tuệ

—————-

SÁCH THAM KHẢO

–  Matthew, Iain. The Impact of God: Soundings from St. John of the Cross. Great Britain: Hodder and Stoughton, 1995.

– Merton, Thomas. The Silent Life. New York: The Noonday Press, the Abbey of Our Lady of Gethsemani, 1957.

– Merton, Thomas. Life and Holiness. USA: The Abbey of Gethsemani, Inc., 1963.

– Nouwen, Henri J. M. The Only Necessary Thing: Living a Prayerful Life. New York: A Crossroad Book, 1999.

– Pope Benedict XVI. Jesus of Nazareth: The Infancy Narratives. New York: Image Books, 2012.

– Pope Francis. Open Mind, Faithful Heart: Reflections on Following Jesus. New York: The Crossroad Publishing Company, 2013.

– Rolheiser, Ronald. The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality. New York: Doubleday, 1999.

– Rolheiser, Ronald. The Restless Heart. New York: Doubleday, 2004.

– Saint John of the Cross. Dark Night of the Soul. (New translation and introduction by Mirabai Starr) New York: Riverhead Books, 2002.

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30