TU LUẬT CỦA THÁNH BIỂN ĐỨC, NGUỒN KHÔN NGOAN CHO GIÁO HỘI NGÀY NAY
Ngày 11/7, Giáo hội mừng lễ thánh Biển Đức, đấng sáng lập Dòng Biển Đức, tác giả của cuốn Tu Luật vẫn còn được hàng ngàn đan sĩ và giáo dân sống theo. Những trang chữ mang lại những mốc quý giá cho Giáo hội và tất cả những ai đang tìm kiếm Thiên Chúa, như giải thích của cha Guillaume Jedrzejczak, một đan sĩ Dòng Xitô Trappiste.
Thánh Biển Đức
« Ai là người thiết tha được sống, ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan? » (Tv 34, 13) : chính để đề nghị một con đường hướng đến câu trả lời cho câu hỏi này – được trích dẫn trong Lời mở đầu – mà thánh Biển Đức đã cầm bút vào thế kỷ VI và viết một Tu Luật vốn đã trải qua các thời đại, tạo nên một la bàn đáng tin cậy cho những người tuân theo Tu Luật đó.
Thánh Biển Đức, giàu kinh nghiệm làm Viện phụ trong những cơ sở đầu tiên của ngài ở Subiaco và Mont-Cassin, đã mong muốn tổ chức đời sống của cộng đoàn đan tu, hoàn toàn hướng đến việc tìm kiếm Thiên Chúa.
73 chương này mang lại một giáo huấn cô đọng, được dệt bằng các trích dẫn Thánh Kinh, nhưng chính tác giả của nó cũng khiêm tốn nhìn nhận rằng « để chạy thẳng về phía Đấng Tạo Dựng của chúng ta », cũng cần phải kín múc ở nguồn mạch, nơi các trang Thánh Kinh và của các Giáo Phụ.
Đối với những người tiếp cận nó ngày nay, Tu Luật của thánh Biển Đức tiếp tục mời gọi vun trồng sự kín cẩn, lắng nghe, nghèo khó và hiền lành. Nó đề nghị một sự cân bằng trong cuộc sống giữa cầu nguyện, học tập và làm việc. Nó mô tả cách thực thi quyền bính vì công ích.
cha Guillaume Jedrzejczak
Adélaïde Patrignani của Vatican News phỏng vấn cha Guillaume Jedrzejczak, nguyên Viện phụ của tu viện Mont-des-Cats, chủ tịch của Liên hiệp các Đan viện, và là tác giả của cuốn « Ta lumière sur ma route. Commentaires de la Règle de saint Benoît » (nxb. Salvador).
Adélaïde Patrignani : « Con ơi, hãy lắng nghe lời Thầy dạy, ghé tai lòng con ». Lời mở đầu của Tu Luật của thánh Biển Đức bắt đầu như thế. Lắng nghe dường như là nền móng của Tu Luật này và việc thực hành nó. Ngày nay, ý kiến của chúng ta – hay « phản ứng » của chúng ta, được hình thành từ cảm xúc – được khơi gợi về mọi chủ đề, kể cả trong Giáo hội. Làm thế nào thánh Biển Đức dạy chúng ta nghệ thuật lắng nghe ?
Cha Guillaume Jedrzejczak : Đối với thánh Biển Đức, vấn đề không chỉ là lắng nghe những gì người ta nói, cho dù điều đó đã tốt lắm rồi. Trên thực tế, Tu Luật nói về tai lòng, tức là nói về chiều kích nội tâm, thiêng liêng, sâu xa của việc lắng nghe. Nhưng cả ở đây nữa, chúng ta có nguy cơ phạm sai lầm khi đồng hóa trái tim với những tình cảm của chúng ta, điều khiến chúng ta cảm động và chạm đến chúng ta. Đối với thánh Biển Đức, trái tim, như trong Thánh Kinh, là trung tâm sâu thẳm nhất của con người. Những cảm giác và tình cảm giữ chúng ta trên bề mặt của chính mình. Trái tim biết lắng nghe trở nên chú ý đến những rung động sâu xa của cuộc sống, rất thường được ẩn sau bề mặt của ngôn từ.
Adélaïde Patrignani : Việc lắng nghe vô vị lợi này thúc đẩy điều gì ?
Cha Guillaume Jedrzejczak : Đó hoàn toàn không phải là sự lắng nghe vô vị lợi. Trái lại, việc lắng nghe này liên quan mật thiết đến chúng ta, vì nó chạm đến mầu nhiệm của con người chúng ta, những xâu xé của chúng ta, những mâu thuẫn của chúng ta và những nỗi sợ hãi thầm kín nhất của chúng ta. Lắng nghe gắn bó mật thiết với ước ao sống của chúng ta, với tình yêu của chúng ta đối với cuộc sống. Việc chữa lành tai lòng của chúng ta là hoàn toàn cần thiết, thậm chí là sống còn, để sự sống đích thực có thể nảy nở trong chúng ta và sinh hoa kết trái. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể lắng nghe cách vô vị lợi. Trái lại, chúng ta đánh đổi cuộc sống mình trong việc lắng nghe.
Adélaïde Patrignani : Trong Tu Luật, một chỗ lớn lao dành cho viện phụ, người đại diện Chúa Kitô trong đan viện. Ngài được đòi hỏi điều gì để thực quyền bính của mình như thánh Biển Đức quan niệm ?
Cha Guillaume Jedrzejczak : Tôi nghĩ đến hai hình ảnh được thánh Biển Đức sử dụng trong chương 27 của Tu Luật. Chương này nằm ở trung tâm của những gì mà đôi khi chúng ta gọi là Bộ luật sám hối của Tu Luật. Thánh Biển Đức trao chìa khóa cho bất kỳ việc thực thi quyền bính nào thông qua hai hình ảnh Thánh Kinh, Thầy thuốc và Đấng Chăn Chiên nhân lành. Chăm sóc và đi tìm kiếm những người đã lạc lối. Ở nơi khác, thánh Biển Đức sẽ khuyên đừng dập tắt tim đèn còn khói, hay đừng bẻ cây lau bị dập. Quyền bính mang lại sự sống bởi vì nó hy vọng tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả, như thánh Phaolô nói. Quyền bính của Dòng Biển Đức là một quyền bính của lòng trắc ẩn và chữa lành. Nhưng chúng ta đừng nhầm lẫn, điều đó không bao giờ có nghĩa là yếu đuối hay buông thả. Ở nơi khác, thánh Biển Đức yêu cầu ghét tật xấu và yêu thương anh em, và cũng có can đảm để đòi hỏi, đôi khi đến mức không thể. Quyền bính có sứ mạng làm cho lớn lên, mang lại sự sống. Nó đưa ra chọn lựa căn bản của cuộc sống chứ không phải của lề luật.
Adélaïde Patrignani : Viện phụ không cai quản một mình, ngài được bao quanh bởi một hội đồng. Hội đồng này có quyền hành động nào để hoàn thành vai trò của mình ? Làm thế nào nó có thể là một thành lũy chống lại các lạm dụng quyền lực ?
Cha Guillaume Jedrzejczak : Trong Tu Luật, quá trình quyết định không bao giờ là một quá trình dân chủ trong đó đa số áp đặt ý muốn của mình lên thiểu số. Tất cả đều được mời gọi đưa ra ý kiến của mình, bất kể tuổi tác hay năng lực của họ. Một trong những phẩm chất cần phải có của viện phụ, đó là học cách lắng nghe tất cả anh em. Thánh Biển Đức dè chừng thứ kinh nghiệm có tham vọng tìm ra những giải pháp cho tương lai bằng cách lặp lại quá khứ. Ngài chú ý đến những gì người trẻ đề nghị, những người vốn không bị đầy ứ về kiến thức của họ. Nhưng ý kiến của cộng đoàn chỉ là giai đoạn đầu tiên. Chương 3 mô tả quá trình lâu dài này trong đó mỗi người được kêu gọi đưa ra ý kiến của mình, lắng nghe người khác rồi để mọi việc được sáng tỏ. Tiếp đến, viện phụ có sứ mạng tìm ra điều gì sẽ phù hợp nhất với hoàn cảnh mà không vì thế cản trở tương lai.
Việc lạm dụng quyền lực luôn là điều có thể xảy ra, về phía viện trưởng cũng như về phía các nhóm gây áp lực hay những người có đặc sủng hơn trong cộng đoàn. Các tổ chức tốt nhất có thể lầm lạc, với những ý hướng tốt nhất trên thế giới. Đó là lý do tại sao truyền thống kế tục đã thiết lập các cấu trúc kiểm soát và xác thực thông qua các chuyến kinh lý và nhờ đến các bên thứ ba. Những điều này vẫn cần phải vận hành.
Adélaïde Patrignani : Có bài học nào cần rút ra từ cách quản trị này đối với Giáo hội, đặc biệt vào thời gian « tiến trình hiệp hành » và đấu tranh chống lại các vụ lạm dụng này ?
Cha Guillaume Jedrzejczak : Trong lá thư cho thiên niên kỷ mới, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã trích dẫn chương 3 của Tu Luật của thánh Biển Đức liên quan đến lối tiếp cận hiệp hành, trong phần dành cho linh đạo hiệp thông. Chỉ cần lấy lại bản văn có tính ngôn sứ này và suy ngẫm về nó cũng đủ. Tuy nhiên, đối với tôi, có vẻ ảo tưởng khi tin rằng một cấu trúc có thể tránh được các lạm dụng. Bao lâu còn có con người, sẽ còn có nguy cơ này. Tuy nhiên, Giáo hội là một trong những thực tại hiếm hoi, thậm chí có lẽ là duy nhất, mà các tổ chức của mình đã trải qua nhiều thế kỷ khi có khả năng tự đổi mới liên tục, bất chấp mọi khủng hoảng đã trải qua. Chúng ta đừng quên rằng thánh Phanxicô đã được Đức Giáo hoàng thời đó nhìn thấy trong một giấc mơ như là người sẽ cứu Giáo hội đang sụp đổ. Không phải các cấu trúc cứu thoát, nhưng là các thánh !
Adélaïde Patrignani : Chỗ đứng nào dành cho những người bé nhỏ, « những người rốt hết » ?
Cha Guillaume Jedrzejczak : Trong mỗi người chúng ta đều có một phần mong manh, nhỏ bé, rốt hết mà chúng ta cần phải ưng thuận nhận ra và đón nhận. Thật thường quá dễ để tìm kiếm người nghèo bên ngoài, đang khi trước tiên nó ở trong chúng ta. Phần bất lực này khiến chúng ta sợ hãi đến mức chúng ta thích phóng chiếu nó lên người khác mà chúng ta tuyên bố sẽ giúp đỡ và cứu trợ. Thực ra, bao lâu chúng ta chưa đón nhận đứa trẻ đang sống trong chúng ta này, thì chúng ta không có khả năng đến gần người khác trong sự yếu hèn của họ. Lòng thương xót đích thực nảy sinh từ sự hiệp thông với những gì nghèo nàn nhất nơi người khác, bởi vì tôi đã khám phá ra giới hạn của chính mình. Nếu không, nó biến thành ý thức hệ và bạo lực.
Adélaïde Patrignani : Với Tu Luật này, thánh Biển Đức chứng tỏ mình không chỉ là một người của đức tin, mà còn là một người của lề luật. Hệ tại điều gì ngài chứng tỏ mình như thế…một con người, ý thức về tính phức tạp của trái tim con người, và về khoảng cách đúng đắn cần phải tìm ra trong bất kỳ mối tương quan nhân loại nào để trung thành với ơn gọi của mình ?
Cha Guillaume Jedrzejczak : Người ta thường muốn nhìn thấy nơi thánh Biển Đức một nhà lập pháp. Thực ra, khi ngài nói về viện phụ, thánh Biển Đức luôn trình bày viện phụ này như là người miễn khỏi lề luật và quan tâm đến các hoàn cảnh về thời gian và nơi chốn, về sự mong manh hay khả năng của con người. Khi ngài lấy lại chuẩn mực của sách Công vụ Tông đồ (4, 35) : « Mỗi người được phân phát tùy theo nhu cầu của mình », ở chương 34 của Tu Luật, thánh Biển Đức đã tóm tắt một cách hoàn hảo tính phức tạp của mối tương quan với chuẩn mực, với lề luật. Tất cả mọi người đều bình đẳng, nhưng không phải tất cả mọi người đều có nhu cầu giống nhau. Tất cả mọi người đều là anh em, nhưng không phải tất cả mọi người đều có cùng trách nhiệm như nhau. Cần phải tránh đọc Tu Luật với não trạng pháp chế và bình đẳng của thời đại chúng ta. Lề luật là để phục vụ con người chứ không phải ngược lại. Theo nghĩa này, ngài luôn tính đến tính phức tạp không chỉ của trái tim con người, mà còn của cơ thể và lịch sử của nó.
Adélaïde Patrignani : Thánh Biển Đức đã viết Tu Luật của mình vào thế kỷ VI. Chúng ta có tìm thấy trong các trang chữ của ngài, một cách mặc nhiên, mối bận tâm với những thách thức của thời đại, thậm chí là một câu trả lời cho những thách thức này không ?
Cha Guillaume Jedrzejczak : Tu Luật của thánh Biển Đức được viết vào thời điểm thế giới Rôma cổ đại đang tan rã dưới những cuộc tấn công tàn bạo của các cuộc ngoại xâm. Cuốn « Cuộc đời của thánh Biển Đức » của thánh Giáo hoàng Grêgôriô cho thấy điều đó. Trong thời kỳ tan rã và bạo lực này, đan viện của thánh Biển Đức đề nghị một không gian nơi con người có thể sống nhân tính của mình. Thánh Biển Đức không ngây thơ, nhưng ngài nhìn xa hơn, và cái nhìn khác này cho phép ngài đề nghị cho những người nam và người nữ cùng thời của ngài một con đường để theo đuổi cuộc mạo hiểm tâm linh của họ, bất chấp những biến động của lịch sử. Các đế chế qua qua đi, các vương quốc sụp đổ và biến mất, nhưng ơn gọi của mỗi người vẫn còn.
Adélaïde Patrignani : Quan niệm nào về Giáo hội được khai thông từ Tu Luật này ? Trong chừng mực nào nó vẫn còn có giá trị ngày nay ?
Cha Guillaume Jedrzejczak : Thánh Biển Đức đặt cộng đoàn đan viện trong Giáo hội và xã hội thời ngài. Các Giám mục và các viện phụ của các khu vực xung quanh có trách nhiệm trông nom sự nhiệt thành của cộng đoàn. Kinh thần vụ quy tụ cộng đoàn nhiều lần vào ban ngày và ban đêm là kinh thần vụ của Giáo hội Rôma. Các vị khách và các khách hành hương không thiếu trong cộng đoàn. Các linh mục có thể tham gia trong cộng đoàn, nhưng không được đòi hỏi cấp bậc cao hơn. Vì thế, cộng đoàn đan viện là một Giáo hội địa phương nhỏ liên kết với Giáo hội lớn. Và điều đó cũng được đánh dấu bằng việc quy chiếu đến các Giáo Phụ, những người Cha của chúng ta trong đức tin mà cùng với Thánh Kinh là điểm bỏ neo cho đời sống của cộng đoàn.
Adélaïde Patrignani : Vào ngày lễ này, một lời cuối cùng cho các đan sĩ nam nữ…
Cha Guillaume Jedrzejczak : Điều quan trọng nhất không phải là số lượng các đan viện hay các đan sĩ. Lịch sử đã trải qua những thăng trầm từ 18 thế kỷ qua. Ngay cả khi họ đã hoàn thành nhiều việc, biến đổi cảnh quan, phát triển văn hóa và nghề thủ công, bảo vệ các tác phẩm văn học và nghệ thuật Cổ đại, phát minh ra nhiều sản phẩm vốn vẫn còn làm hài lòng những người đương thời của chúng ta và xây dựng những tượng đài tráng lệ, tất cả những điều đó cũng chẳng là gì so với sứ mạng chính của họ vốn vẫn luôn thời sự. Quả thế, các đan sĩ, bằng chỉ cuộc sống của họ, dù nghèo khổ và nhỏ bé đến đâu, vẫn hướng cái nhìn của chúng ta về những gì không được nhìn thấy. Bao lâu còn có các đan sĩ, nhân loại sẽ không thể quên được sự cao cả của ơn ngoại của mình, sự phi thưòng của số phận của mình !
————————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : Vatican News)
Tags: các thánh-nhân vật, Phanxicô-I, synode
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG