TỰ TRUYỆN CỦA ĐỨC PHANXICÔ: “TÔI SẼ KHÔNG GỌI MÌNH LÀ GIÁO HOÀNG DANH DỰ”

Written by xbvn on Tháng Ba 14th, 2024. Posted in Thế Giới, Tý Linh

Nhật báo Ý Corriere della Sera độc quyền tiết lộ những đoạn trong cuốn tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô. “Cuộc đời. Lịch sử của tôi trong Lịch sử“, trong đó Đức Giáo hoàng kể lại những điểm nổi bật trong cuộc đời ngài, từ nguồn gốc Ý cho đến cuộc bầu chọn ngài, bao gồm cả Chiến tranh thế giới thứ hai và cuộc đảo chính ở Argentina. Ngài nói về chúc lành cho các đôi bạn bất quy tắc và nhất là khẳng định “không thấy có điều kiện nào cho việc từ nhiệm“.

Tiêu đề “Cuộc đời. Lịch sử của tôi trong Lịch sử“, cuốn tự truyện được chờ đợi từ lâu của Đức Giáo hoàng, sẽ được nhà  xuất bản HarperCollins xuất bản ở Mỹ và châu Âu. Đức Phanxicô đã viết nó cùng với Fabio Marchese Ragona, một chuyên viên về Vatican từ nhóm Mediaset của Ý và cũng là bạn của Đức Giáo hoàng. Cuốn này ghi lại 87 năm cuộc đời của Jorge Mario Bergoglio, đan xen với những sự kiện trọng đại của lịch sử, từ Hiroshima đến đại dịch COVID-19. Nhật báo Ý Corriere della Sera là tờ nhật báo đầu tiên trên thế giới tiết lộ những đoạn văn quan trọng.

Bạn gái và tình yêu

Trong năm đó ở chủng viện, tôi cũng có một chút sơ suất: đó là chuyện bình thường, nếu không thì chúng ta không phải là con người. Tôi đã có một bạn gái rồi, một cô gái rất xinh xắn làm việc trong lĩnh vực điện ảnh và sau đó đã lấy kết hôn và sinh con. Lần này tôi đang dự đám cưới của một trong những người chú của tôi và tôi đã bị một cô gái làm cho lóa mắt. Cô ấy khiến tôi phải ngoái nhìn bởi vẻ đẹp và sự thông minh của cô. Trong một tuần, tôi cứ nghĩ đến hình ảnh của cô ấy và thấy khó khăn khi cầu nguyện! May mắn thay, mọi chuyện đã qua và tôi đã dâng hiến cả thể xác lẫn tâm hồn cho ơn gọi của mình”.

Lưu vong như một hình phạt

Vị lãnh đạo trẻ tuổi của Dòng Tên ở Argentina, José Mario Bergoglio, bị thất sủng và bị đày đi lưu vong ở Cordoba như một hình phạt. Ngài thức dậy lúc 4 giờ rưỡi, cầu nguyện trong phòng giam nhỏ, số 5, có phòng tắm chung. Ngài chăm sóc những người anh em bệnh tật của mình, tắm rửa cho họ, ngủ bên cạnh họ, giúp giặt giũ: “Phục vụ những người mong manh nhất, nghèo nhất, cuối cùng, đó là điều mà mọi người của Chúa phải làm, đặc biệt nếu họ là những người ở đỉnh cao của Giáo hội: là một mục tử có mùi chiên.” Một ngày nọ, ngài đề nghị nấu ăn cho đám cưới của cháu gái của Ricardo, người giúp việc của tu viện: ngài luộc thịt trong hai chiếc nồi lớn, gọt vỏ khoai tây, chuẩn bị cơm. Một số tu sĩ Dòng Tên thì thầm: “Bergoglio thật điên rồ”. Trên thực tế, ngài đã suy nghĩ về những sai lầm “mà tôi đã mắc phải vì thái độ độc đoán của mình, đến mức bị cho là cực kỳ bảo thủ. Đó là thời kỳ thanh lọc. Tôi đã rất khép kín nơi chính mình, có chút chán nản.”

Sau khi hình phạt kết thúc, sự thăng tiến bắt đầu: giám mục phụ tá của Buenos Aires, rồi tổng giám mục, rồi hồng y. Khi Đức Giáo hoàng  Bênêđíctô XVI từ nhiệm, Đức Hồng y Bergoglio được triệu tập cùng những người khác đến Rôma. Joseph Ratzinger gặp gỡ các hồng y và hứa “sự kính trọng và vâng phục vô điều kiện đối với Đức tân Giáo hoàng, người sẽ được bầu tại mật nghị viện và là người ở giữa chúng ta”. Ngược lại, Đức Thánh Cha kể, “Trong nhiều năm qua, tôi rất buồn khi thấy hình ảnh Giáo hoàng danh dự của ngài đã bị lợi dụng cho các mục đích ý thức hệ và chính trị bởi những người không chút ngại  ngùng, những người không chấp nhận sự từ nhiệm của ngài, đã chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của họ và khu vườn nhỏ trồng trọt của riêng họ, đánh giá thấp khả năng nguy kịch xảy ra rạn nứt trong Giáo hội”.

Để tránh sự lệch lạc này, Đức Phanxicô đã ngay lập tức đến gặp Đức Bênêđíctô XVI tại Castel Gandolfo. “Chúng tôi cùng nhau quyết định rằng tốt hơn là ngài ấy không nên sống ẩn dật, như ngài ấy đã đề nghị lúc đầu, mà nên gặp gỡ mọi người và tham gia vào đời sống của Giáo hội. Thật không may, điều đó chẳng giúp ích được gì nhiều, vì trong mười năm, không thiếu những tranh cãi và điều đó khiến cả hai chúng tôi tổn thương”.

Đại dịch

Khi liều đầu tiên (vắc xin, ghi chú của biên tập viên) đến Vatican, tôi đã đặt lượt của tôi ngay lập tức và tôi cũng kêu gọi và, tạ ơn Chúa, tôi chưa bao giờ bị nhiễm bệnh.” Do đó, Đức Thánh Cha chưa bao giờ mắc bệnh Covid. Tuy nhiên, ngài đã phải nhập viện nhiều lần vì những lý do khác, và ngài nhận thấy rằng “một số người quan tâm nhiều hơn đến chính trị, vận động tranh cử và gần như đã nghĩ đến mật nghị mới. Bạn hãy yên tâm, đó là con người, không có chỗ để công phẫn! Khi Giáo hoàng nằm viện, có nhiều suy nghĩ, và cũng có những người suy đoán cho cái lợi của họ. May mắn thay, bất chấp những lúc khó khăn, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc từ nhiệm”.

Đồng tính luyến ái

Tôi tưởng tượng một Giáo hội mẹ ôm lấy và chào đón tất cả mọi người, ngay cả những người cảm thấy tồi tệ và những người đã bị chúng ta phán xét trong quá khứ. Tôi nghĩ đến những người đồng tính hoặc chuyển giới đang tìm kiếm Chúa và đã bị từ chối hoặc bị gạt ra ngoài lề”. Đức Thánh Cha xác nhận “lời chúc lành cho các đôi bạn bất quy tắc: Tôi chỉ muốn nói rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người, đặc biệt là những người tội lỗi. Và nếu một số anh em giám mục quyết định không đi theo con đường này, thì điều này không có nghĩa rằng đó là phòng chờ của một cuộc ly giáo, bởi vì giáo lý của Giáo hội không bị đặt vấn đề”. Hôn nhân đồng giới là không thể, nhưng các kết hợp dân sự thì có thể: “Đúng là những người trải nghiệm món quà tình yêu này có thể được hưởng lợi từ một danh nghĩa pháp lý như mọi người. Chúa Giêsu thường đến gặp gỡ những người sống bên lề, và đây là điều Giáo hội nên làm ngày nay với những người thuộc cộng đồng LGBTQ+, những người thường bị gạt ra ngoài lề trong Giáo hội: làm cho họ cảm thấy họ ở nhà họ, đặc biệt là những người đã lãnh nhận bí tích rửa tội và dầu sao đều là một phần của dân Chúa. Và bất cứ ai chưa lãnh nhận phép rửa và mong muốn lãnh nhận nó, hoặc bất cứ ai muốn trở thành cha đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu, đều được chào đón.”

Các cuộc tấn công

Đức Thánh Cha viết rằng nếu ngài tấn công mọi điều người ta nói và viết về ngài, ngài sẽ phải đến gặp nhà tâm lý học mỗi tuần một lần. Nhưng ngài bị tổn thương bởi những người viết rằng “Đức Phanxicô đang phá hủy ngôi vị giáo hoàng”. “Tôi có thể nói gì? Rằng ơn gọi của tôi là linh mục: trước hết tôi là một linh mục, tôi là một mục tử, và những mục tử phải ở giữa con người… Đúng là Vatican là chế độ quân chủ chuyên chế cuối cùng ở Châu Âu, và thường có những lý lẽ và thủ đoạn triều đình ở đây, nhưng những sơ đồ này phải bị từ bỏ dứt khoát”. Trong mật nghị năm 2013, “có một mong muốn lớn lao là thay đổi mọi thứ, từ bỏ một số thái độ mà đáng tiếc là ngày nay vẫn đang khó khăn biến mất. Luôn có những người cố gắng kìm hãm lại các cuộc cải cách, có những người muốn ở lại thời của Giáo hoàng – Vua”.

Từ nhiệm

Tôi nghĩ rằng thừa tác vụ Phêrô là ad vitam (trọn đời) và do đó tôi không thấy có điều kiện nào cho việc từ nhiệm. Mọi thứ sẽ thay đổi nếu xảy ra một trở ngại nghiêm trọng về thể chất, và trong trường hợp này, tôi đã ký vào đầu triều đại giáo hoàng của mình lá thư từ nhiệm được gửi tại Phủ Quốc vụ khanh. Nếu điều này xảy ra, tôi sẽ không gọi mình là “giáo hoàng danh dự”, mà chỉ đơn giản là “giám mục danh dự của Rôma”, và tôi sẽ cư trú ở Đền thờ Đức Bà Cả để tiếp tục hoạt động của mình với tư cách là cha giải tội và cho bệnh nhân rước lễ. Nhưng đây là một giả thuyết xa vời, bởi vì tôi thực sự không có lý do nghiêm túc nào để nghĩ đến việc từ nhiệm. Trong nhiều năm, có người có lẽ đã hy vọng rằng sớm hay muộn, có lẽ sau khi nhập viện, tôi sẽ đưa ra thông báo như vậy, nhưng nguy cơ này không tồn tại: nhờ Chúa, tôi có được sức khỏe tốt và, nếu Chúa muốn, tôi vẫn còn nhiều dự án phải thực hiện”.

———————–

Tý Linh

(chúng tôi chỉ chuyển ngữ một số đoạn trong bản tin của Vatican News)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31