« TƯ TƯỞNG CỦA CHA HENRI DE LUBAC LÀ MỘT ĐÓNG GÓP LỚN CHO GIÁO HỘI NGÀY NAY »

Written by xbvn on Tháng Tư 9th, 2023. Posted in Thế Giới, Tý Linh

Các Giám mục Pháp đã tuyên bố mở án phong chân phước cho ĐHY Henri de Lubac (1896-1991). Theo Michel Fédou, thần học gia dòng Tên, ĐHY đã ghi dấu sâu xa tư tưởng của Giáo hội đương đại.

La Croix : Đâu là đóng góp thần học của Đức Hồng y de Lubac ?

Cha Michel Fédou : Trước tiên, chúng ta tìm thấy đóng góp này trong cuốn « Catholicisme », một tác phẩm được xuất bản năm 1938, mà một cách nào đó là phần mở đầu cho công trình của ngài sau này. Cha Henri de Lubac không tiến hành như người ta thường làm, bằng cách bình luận các luận đề của thánh Tôma Aquinô hay các nhà bình luận về thánh Tôma. Ngài tiến hành theo một cách khác bằng cách sử dụng đặc biệt các bản văn của các Giáo Phụ (mà ngài sẽ xuất bản bằng cách thành lập bộ « Sources chrétiennes » cùng với ĐHY Jean Daniélou, s.j.) và cả các tác giả thời Trung cổ.

Ngài ưu tư bén rễ thần học trong truyền thống vĩ đại của Giáo hội, trong tính liên tục của nó qua các thời đại, từ các nhà tư tưởng của các thế kỷ đầu tiên cho đến các tác giả tâm linh đương đại. Tác phẩm « Catholicisme » cũng nhấn mạnh rằng Kitô giáo có một chiều kích xã hội sâu xa, theo nghĩa là nó mang một giáo huấn cho tất cả mọi người. Cha de Lubac cũng nhắc lại chiều kích lịch sử của Kitô giáo, vốn dựa trên một biến cố xảy ra trong Lịch sử : sự giáng sinh, cuộc sống, sự chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.

La Croix : Còn lối tiếp cận của ngài về mầu nhiệm Giáo hội thì sao ?

Cha Michel Fédou : Ở đây nữa, lối tiếp cận của ngài là độc đáo đối với thời đó. Cha de Lubac đã xuất bản cuốn « Méditation sur l’Église » vào năm 1953, ba năm sau khi ngài bị cấm giảng dạy. Trong đó, ngài bày tỏ lòng kính trọng thực sự đối với Giáo hội. Ngài ưu tư cho thấy rằng Giáo hội là thể chế và mầu nhiệm một cách không thể tách rời. Quả thế, một mặt, Giáo hội là một thể chế với những sức nặng, giới hạn và khiếm khuyết của nó. Nhưng thể chế này cũng bao hàm một mầu nhiệm không thể tách rời: chính trong Giáo hội mà Chúa Kitô thông ban chính mình và hiện diện ngày nay.

Ngài khẳng định rằng Giáo hội là « bí tích của Chúa Giêsu-Kitô ». Ngài đưa ra công thức này : « Không phải chỉ Giáo hội làm nên Bí tích Thánh Thể, mà chính Bí tích Thánh Thể làm nên Giáo hội ». Cho đến lúc đó, người ta nhấn mạnh rằng Giáo hội cử hành các Bí tích, nhưng đôi khi người ta quên rằng, ngược lại, các Bí tích góp phần « làm nên Giáo hội » : nhờ các Bí tích, những người được rửa tội trở thành một thân thể duy nhất.

La Croix : Điều gì đã gây ra lệnh cấm giảng dạy ?

Cha Michel Fédou : Cuốn sách « Surnaturel » của ngài, xuất bản vào năm 1946, đã khiến ngài bị chỉ trích, phản đối và đau khổ nhiều. Cha de Lubac khẳng định rằng , ngay từ khi tạo dựng, đã có một ơn gọi ở trong con người: ơn gọi nhận biết Thiên Chúa và yêu mến Ngài.  Vào thời điểm đó, các nhà thần học khẳng định rằng con người thực sự được tạo dựng bởi Thiên Chúa nhưng nó vẫn chưa nhận được ơn gọi siêu nhiên hiệp thông với Ngài, ơn gọi này chỉ được thêm vào trong giai đoạn hai. Họ muốn bảo toàn tính nhưng không của hồng ân Thiên Chúa : không ai được ép buộc Ngài thiết lập một sự hiệp thông hoàn hảo giữa Ngài và con người. Cha de Lubac và bốn thần học gia khác đã bị cấm giảng dạy vào tháng 6 năm 1950. Ngài bị tổn thưởng sâu xa và đau lòng. Cha đã sống lời mời của Đức Thánh Cha Gioan XXIII, như là sự khôi phục danh dự, để tham gia công đồng Vatican II với tư cách là chuyên viên. Dần dần, từ những năm 1960, công trình của ngài đã được công nhận là to lớn.

La Croix : Cha Henri de Lubac đã bảo vệ cuộc đối thoại với thế giới hiện đại…

Cha Michel Fédou : Chắc chắn rồi, ngài đã suy nghĩ về cách thức Kitô giáo có thể đáp ứng thách thức của chủ nghĩa nhân bản vô thần, đặc biệt được thể hiện bởi các triết gia Nietzsche và Feuerbach. Ngài không muốn phát triển một nền thần học phi thời gian, nhưng đúng hơn suy nghĩ về chỗ đứng và ảnh hưởng của Kitô giáo trong thời đương đại. Điều đó ngụ ý một sự đối chiếu với chủ nghĩa vô thần và các tôn giáo khác, đặc biệt là Phật giáo mà ngài đã dành ra ba tác phẩm.

Ngài cũng quan tâm đến sự phát triển suy tư về khoa học. Ngài đã làm cho biết đến và phục hồi công trình của nhà cổ sinh vật học Teilhard de Chardin, cũng là một linh mục dòng Tên, và cũng bị Rôma nghi ngờ. Ngài ngưỡng mộ lối tiếp cận rất táo báo của cha de Chardin khi cố gắng dung hòa đức tin Kitô giáo với những dữ kiện khoa học hiện đại, đặc biệt là những dữ kiện liên quan đến các lý thuyết về tiến hóa.

La Croix : Cha de Lubac vẫn còn điều gì để nói với chúng ta hôm nay không ?

Cha Michel Fédou : Vấn đề về « siêu nhiên » luôn được đặt ra. Người ta có thể có cảm giác rằng có thể sống một cuộc nhân sinh mà không cần đến Thiên Chúa….Cha de Lubac không ngừng chất vấn chúng ta : liệu con người có thể hoàn thành trọn vẹn ơn gọi của mình nếu không duy trì mối tương quan sống động với Thiên Chúa không ? Mặt khác, đối diện với cuộc khủng hoảng về các cuộc lạm dụng trong Giáo hội, người ta có thể muốn đoạt tuyệt với Giáo hội. Tuy nhiên, cha Henri de Lubac mang lại một chứng tá mạnh mẽ về tình yêu và lòng trung thành đối với Giáo hội.

————————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : nhật báo La Croix)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30