TUẦN THÁNH : TAM NHẬT VƯỢT QUA LÀ GÌ ?

Written by xbvn on Tháng Ba 25th, 2024. Posted in Phụng vụ, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Từ chiều Thứ Năm Tuần Thánh đến Chúa Nhật Phục Sinh, các Kitô hữu cử hành mầu nhiệm trung tâm của đức tin của mình : cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.

Tam nhật vượt qua là gì ?

Tam nhật vượt qua là khoảng thời gian ba ngày mà các Kitô hữu cử hành trọng tâm đức tin của mình, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu-Kitô. Từ ngữ này xuất phát từ tiếng Latinh (« tres » = « tam, ba », và « dies » = « nhật, ngày »).

Tam nhật vượt qua bắt đầu vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh và kết thúc vào ngày Lễ Phục Sinh, sau Kinh Chiều. Ba ngày này làm nên trọng tâm của tất cả Năm Phụng vụ. Lần lượt, các Kitô hữu tưởng niệm bữa tiệc ly của Chúa Giêsu với các môn đệ, việc Ngài bị bắt, bị đóng đinh và được mai táng trong mồ, rồi việc Ngài phục sinh từ cõi chết.

Tại sao ba ngày này ?

Giáo hội cử hành trong cùng một chuyển động cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Như thế, Giáo hội biểu lộ mối liên hệ thiết yếu giữa cách Chúa Giêsu sống và chết, “hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 12), và sự phục sinh của Ngài từ cõi chết. Sự phục sinh cho thấy rằng cuộc sống của Chúa Kitô, như đã được sống cho đến trên thập giá, đã được Thiên Chúa đón nhận và cứu rỗi.

Nhà thần học Karl Rahner, trong cuốn “Traité fondamental de la foi”, đã viết: “Sự phục sinh không có nghĩa là bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời của Chúa Giêsu, (…) nhưng chính là chiều kích chung cục vĩnh viễn, được cứu rỗi, của cuộc sống của Chúa Giêsu vốn là một và duy nhất”.

Chúng ta cử hành gì vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh?

Vào tối thứ Năm trước Lễ Phục Sinh, người Công giáo cử hành Bữa Tiệc ly, bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ, trong đó Ngài loan báo cho họ về món quà mà Ngài sẽ ban tặng bằng chính cuộc đời của Ngài, một cách tự do và vì tình yêu. Món quà này được biểu thị theo cách khác nhau tùy theo bốn sách Tin Mừng. Marcô, Matthêu và Luca cho thấy Chúa Giêsu chia sẻ bánh và rượu với nhóm Mười Hai, như là những dấu chỉ về mình và máu Ngài.

Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, cảnh tượng này không có, và món quà của Chúa Giêsu được thể hiện qua cử chỉ rửa chân. Như thế, Chúa Giêsu tự đặt mình trong hoàn cảnh của người  tôi tớ và để lại cho các môn đệ di chúc này: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15).

Trung thành với việc tưởng nhớ Chúa Kitô, Giáo hội, vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, tiến hành nghi thức rửa chân và long trọng cử hành Thánh Thể. Vào cuối thánh lễ, các tín hữu tiếp tục cầu nguyện bằng cách đồng hành với Chúa Kitô trong đêm Ngài bị bắt ở Vườn Cây Dầu. Nhà thần học Dietrich Bonhoeffer viết: “Đây là điểm phân biệt các Kitô hữu với người ngoại giáo”. “‘Các con không thể canh thức một giờ với Thầy sao?’, Chúa Giêsu hỏi ở vườn Gethsêmani. Đó là sự đảo ngược của tất cả những gì người có đạo mong đợi từ Thiên Chúa.

Vị mục sư người Đức này nhìn thấy ở đó dấu hiệu của một đời sống Kitô hữu thoát khỏi các ngẫu tượng: “Thiên Chúa bất lực và yếu đuối trong thế giới, và chỉ như thế Ngài mới ở với chúng ta và giúp đỡ chúng ta”.

Thứ Sáu Tuần Thánh có phải là ngày tang thương không?

Không chỉ thế, vì vào ngày này, người Kitô hữu cử hành tình yêu cho đến cùng của Thiên Chúa. Họ cử hành “sự tự hủy” (kénose) của Thiên Chúa, sự tự hạ của Ngài cho đến trên thập giá để kết hợp với con người. Trong cử chỉ khiêm nhường triệt để này, vốn đảo ngược cái nhìn của ngoại giáo về một vị thần thống trị, các Kitô hữu đón nhạn mạc khải về một Thiên Chúa chỉ là tình yêu.

Trong ngày này, các Kitô hữu bước theo Chúa Kitô trong cuộc Thương khó của Ngài, cùng nhau đọc lại câu chuyện về việc Ngài bị bắt và hành hình. Trong nghi thức tưởng niệm, Phụng vụ kêu gọi một cử chỉ tôn kính thánh giá. Kể từ cuối thời Trung Cổ, việc thực hành Đàng Thánh Giá cũng đã lan rộng. Đàng Thánh Giá diễn ra vào chiều thứ Sáu và hệ tại việc đi lại 14 (hay 15) chặng theo chân Chúa Kitô.

 

Thứ Bảy Tuần Thánh có phải là một ngày “trống rỗng” không?

Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày duy nhất trong Năm Phụng vụ không có bất kỳ lễ nghi tập thể nào, ngoại trừ Các Giờ Kinh Phụng vụ. Không có bí tích nào được cử hành. Đó là một ngày thinh lặng và cầu nguyện, một ngày chờ đợi.

Truyền thống liên kết với ngày này “việc xuống ngục tổ tông”, đặc biệt hiện diện  trong linh đạo Byzantin: Chúa Kitô kết hợ với những người chết vẫn còn xa cách Thiên Chúa, bắt đầu bởi ông Ađam và bà Evà, để liên kết họ với sự giải thoát sắp xảy ra trong sự phục sinh của Ngài. Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh cũng được dành riêng để chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh trong các gia đình và cộng đoàn Kitô hữu.

Đêm Vọng Phục Sinh cử hành điều gì?

Vào Lễ Phục Sinh – cả trong phụng vụ đêm Thứ Bảy Tuần Thánh cũng như vào Chúa Nhật Phục Sinh -, Giáo hội cử hành sự phục sinh của Chúa Giêsu, “sự vượt qua” của Ngài từ sự chết đến sự sống. Theo đức tin Kitô giáo, Thiên Chúa đã không bỏ mặc Con mình bị đóng đinh trong tay của tử thần. “Thiên Chúa đã phục sinh”, “Thiên Chúa đã tôn vinh”, “Thiên Chúa đã trỗi dậy” từ cõi chết – đó là những  thuật ngữ được Tân Ước sử dụng trong tiếng Hy Lạp – Đấng đã hiến mạng sống mình vì yêu mến Chúa Cha và nhân loại.

Đối với các Kitô hữu, cuộc chiến thắng trên sự chết này liên quan đến toàn thể nhân loại. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Côrintô: “Chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu” (2Cr 4, 14). Lời loan báo này về một cuộc sống tràn đầy, mạnh hơn sự chết, là ơn cứu độ, là “tin mừng” được cử hành trong Lễ Phục Sinh.

————————————

 Tý Linh

(theo Élodie Maurot, nhật báo La Croix)

Xem thêm “Ý nghĩa Tam Nhật Thánh” ở đây.

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31