TƯƠNG LAI NÀO CHO ĐẠO CÔNG GIÁO Ở PHÁP ?
Ngày 6/9/2021, các Giám mục Pháp bắt đầu chuyến viếng thăm « ad limina » ở Rôma. Trong cuốn sách cuối cùng của mình, sử gia Guillaume Cuchet đặt ra câu hỏi về tương lai của đạo Công giáo ở Pháp sau ba thế hệ « bỏ bê ». Nhật báo « La Croix » đã chọn để ông đối thoại với Đức cha Eric de Moulins-Beaufort, Tổng Giám mục Reims và là Chủ tịch của Hội đồng Giám mục Pháp.
Chuyến viếng thăm « ad limina » là cơ hội các ngài đến viếng mộ thánh Phêrô và Phaolô và cũng là cơ hội gặp gỡ Đức Thánh Cha và các Bộ khác nha của Vatican. Với những hồ sơ nặng nề phải đệ trình : sụt giảm con số tín hữu thực hành đạo, thiếu ơn gọi linh mục, thất bại trong các cuộc tranh luận đạo đức sinh học và cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục…
Từ đó đặt ra câu hỏi liệu đạo Công giáo vẫn còn một tương lai ở Pháp không. Đó là câu hỏi, táo bạo, mà sử gia Cuchet đặt ra trong cuốn sách xuất bản hôm 2/9/2021, phân tích hai thế kỷ tiến triển của Kitô giáo ở Pháp. Nếu Giáo hội đã biết đến những cuộc khủng hoảng trong quá khứ, chẳng phải Giáo hội đang đạt tới điểm không thể quay lại sao ? Tác giả chỉ ra « sự bỏ bê » này của ba thế hệ liên tiếp. Và nếu nền văn hóa Pháp vẫn thấm nhuần di sản Công giáo to lớn của nó, thì liệu điều đó có đủ để một ngày nào đó đảo ngược xu hướng sâu kín này không ?
Cần phải gặp gỡ cái nhìn của học giả Cuchet và Chủ tịch HĐGM Pháp. Dưới bóng của nhà thờ Chánh tòa Reims đã diễn ra một cuộc đối thoại thân tình và phong phú. Nếu nửa thế kỷ lịch sử cho thấy sự tiêu hao đầy khắc nghiệt, thì Giáo hội sẽ vẫn phải cạnh tranh tính sáng tạo và tính dẻo dai để định hình tương lai của mình.
« Giáo hội được lắng nghe, nhưng Giáo hội được hiểu không ? »
Sự giảm sút thực hành tôn giáo có phải là bất khả vãn hồi ? Đạo Công giáo có thể tìm thấy những cách thức khác để gặp gỡ các tín hữu không ? Sử gia Guillaume Cuchet và Đức cha Eric de Moulins-Beaufort phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của Giáo hội ở Pháp và phát họa những tiến triển sắp tới.
La Croix : « Đạo Công giáo vẫn còn tương lai ở Pháp không ? », Guillaume Cuchet chất vấn trong cuốn sách mới của ông. Đức Tổng Giám mục giáo phận Reims và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp trả lời cho câu hỏi này như thế nào ?
Đức cha Eric de Moulins-Beaufort : Trong một thời gian dài, người Công giáo Pháp đã sống như là số đông, như là toàn bộ, đang khi là một Kitô hữu, đó là được chọn và kêu gọi, từng người một. Sự tỏa sáng, ánh sáng phải mang, hành động phải thực hiện không tương xứng với số lượng. Lô-gíc của dân Israel là lôgíc của « số sót nhỏ còn lại », đã được thử thách, bào chế, tinh luyện và trung thành nhân danh tất cả những người khác. Thách đố của chúng tôi là sống như Số sót lại của Thiên Chúa đang khi thừa hưởng một di sản đáng kể được ghi khắc nơi cảnh quan và văn hóa của chúng ta.
Guillaume Cuchet : Đạo Công giáo Pháp đang trải qua một sự thay đổi tầm vóc ngoạn mục, vốn không phải là lần thay đổi đầu tiên trong lịch sử của nó và chưa kết thúc, nhưng sự thay đổi này đặt ra cho nó cả một loạt vấn đề mới, ad intra (hướng nội, theo hình ảnh mà nó có về mình) và ad extra (hướng ngoại, trong tương quan của nó với xã hội). Đó cũng là một vấn đề được đặt ra cho mỗi người : bạn có cảm thấy trách nhiệm với tương lai của mình không ?
Đức cha Eric de Moulins-Beaufort : Tôi thích câu hỏi này. Điều đó tùy thuộc vào bạn, vào tất cả chúng ta. Là người Công giáo, điều đó có thể được biểu lộ bằng một đức tin rất nhiệt thành, nhưng còn biết rằng những người khác đang cưu mang tôi. Đó là một dây liên kết phục vụ lẫn nhau. Về cơ bản, chúng tôi là những Kitô hữu bởi sự chọn lựa của Thiên Chúa, thuộc trật tự tuyển chọn theo ngôn ngữ Thánh Kinh. Điều đó không được giải thích cách trọn vẹn, ngay cả khi các yếu tố xã hội học ủng hộ sự thuộc về này.
La Croix : Gần đây Đức Giáo hoàng đã lo ngại về sự sụt giảm số người tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, cho rằng Covid đã đẩy nhanh việc bỏ bê thực hành này. Ở Pháp thì như thế nào ?
Guillaume Cuchet : Hiện có chừng 2% người Pháp đi lễ Chúa Nhật hàng tuần. Vào thập niên 1950, tỉ lệ trung bình là 25%, với thay đổi từ 0 đến 100 ở nông thôn, chưa từng có ở nơi khác trên thế giới. Vả lại, việc thực hành đạo không hoàn toàn còn có cùng ý nghĩa văn hóa hay xã hội nữa. Giáo hội không còn phương tiện để bao phủ lãnh thổ. Đơn vị cơ bản của hệ thống không còn là xã mà là tỉnh, thậm chí là quận : việc thực hành đã trở nên phức tạp đối với nhiều người. Covid đã không sửa chữa gì.
Đức cha Eric Moulins-Beaufort : Còn hơi sớm để đo lường những hậu quả của đại dịch. Một số tín hữu cao tuổi gặp khó khăn khi nghe hay nhìn đã khám phá ra rằng họ đã tham dự Thánh lễ tốt hơn qua truyền hình. Những người khác, ở mọi lứa tuổi, đã xác nhận Thánh lễ là cần thiết đối với họ dường nào. Chúng tôi hẳn đã có thể mang lại nhiều phương tiện cụ thể hơn, cho việc thực hành đạo tại gia chủ động, ngay cả trước màn hình. Còn về việc sụt giảm thực hành tôn giáo, rõ ràng là mọi người không thể đi những km cần thiết cách như nhau vào mỗi Chúa Nhật.
La Croix : Chúng ta vẫn còn có thể sửa đổi mạng lưới lãnh thổ đến đâu ? Giáo hội sẽ là thành thị hay nông thôn ?
Guillaume Cuchet : Ở các thành phố, luôn có đủ người để làm cho một cộng đoàn sống, dù giảm bớt, đang khi ở nông thôn, chúng ta có thể đi xuống con số không. Do đó, tương lai của đạo Công giáo Pháp chắc chắn sẽ là thành thị, nhưng dù sao cũng sẽ phải sáng kiến ra những phương thức hiện diện không liên tục nơi những vùng mà Giáo hội không còn phương tiện bao phủ nữa.
Đức cha Eric Moulins-Beaufort : Thực sự cần phải có một mạng lưới lãnh thổ không? Hoàn cảnh là rất khác nhau tùy theo các giáo phận, nhưng việc khan hiếm số lượng linh mục không còn cho phép chúng tôi phục vụ các giáo xứ như chúng đã từng tồn tại và việc nại đến các linh mục nước ngoài vẫn không đủ. Chúng tôi phải sử dụng các phương tiện để tiếp cận cư dân trong các khu vực của chúng tôi mà không cần đợi họ đến với chúng tôi. Mặt khác, mỗi người có thể thánh hóa Ngày của Chúa ngay cả khi họ không thể đi lễ được. Chúng tôi phải tận dụng các phương tiện khác nhau để nâng đỡ đời sống Kitô hữu ; chẳng hạn, tôi thán phục người dân vùng Ardennes, họ gặp khó khăn để có một đời sống giáo xứ mãnh liệt trong năm, nhưng lại đi hành hương Lộ Đức trong khi người dân thành phố ít đi hơn.
La Croix : Hầu như chỉ có một trăm lễ phong chức mỗi năm… Chúng ta đang hướng đến một Giáo hội không có linh mục ?
Đức cha Eric Moulins de Beaufort : Chúng ta cần phải tạ ơn Chúa về một số ơn gọi linh mục, mỗi ơn gọi như là một phép lạ. Các ơn gọi là ân huệ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta tiến tới. Trong Kitô giáo, có một sự dẻo dai khá lớn để chúng tôi có thể sống trong một tổ chức khác biệt và có một vai trò linh mục mới mẻ so với những gì chúng tôi đã biết. Thiên Chúa dẫn dắt chúng tôi đến chỗ sống các chiều kích của đời sống Giáo hội mà chúng tôi có lẽ đang còn kháng cự.
Guillaume Cuchet : Không được quên rằng cho đến đầu thập niên 1960, ba phần tư các linh mục Pháp xuất thân từ các tiểu chủng viện, tức là ơn gọi của họ đã được phân định từ đầu vào thời thơ ấu của họ trong một cuộc đối thoại ba bên giữa họ, mẹ của họ và cha sở, điều này có vẻ rất xa lạ đối với chúng ta !
Đức cha Eric Moulins de Beaufort : Tôi đã khám phá các linh mục xuất thân từ các tiểu chủng viện khi đến Reims. Điều đó đã mang lại những cuộc sống rất đẹp, khác với ơn gọi ngày nay. Chúng tôi xuất thân từ một thế giới trong đó trở thành linh mục đã là một khả năng trong số khả năng khác – và chứ không phải là mất giá nhất -, đang khi ngày nay, một bạn trẻ chỉ nghĩ vào chủng viện khi đã lãnh nhận một ân sủng rất mạnh mẽ từ Thiên Chúa.
La Croix : Do các phương tiện đang suy giảm của mình, Giáo hội còn có thể hiện diện ở đâu ?
Đức cha Eric Moulins de Beaufort : Trước tiên, chúng tôi sẽ không bỏ những nơi mà chúng tôi vẫn đang còn hiện diện. Tiếp đến, vì chúng tôi không thể hiện diện ở mọi nơi mọi lúc, nên chúng tôi phải hiện diện mọi nơi ít là đôi khi. Vả lại, Giáo hội không chỉ hiện diện qua các linh mục và các cơ chế nhưng qua những con người. Làm thế nào đồng hành và nâng đỡ, những người nam và người nữ mà, ở nơi họ là, đang tìm cách sống nhờ Chúa Kitô và trong Ngài ? Các giáo dân được huấn luyện, nuôi dưỡng, nâng đỡ, đều có khả năng dấn thân trong đức tin và hành động nhân danh đức tin của họ.
Guillaume Cuchet : Đối với Giáo hội, vẫn còn những nơi tiếp xúc rộng rãi với xã hội. Chẳng hạn, giáo dục Công giáo chứng kiến 40% trẻ em lui tới. Hay đám tang tôn giáo tiếp tục liên quan đến 70% người qua đời, bởi vì cái chết là điều cuối cùng mà người ta buông bỏ trong lĩnh vực này, nhưng còn bởi vì những người qua đời ngày nay vẫn thường được giáo dục tôn giáo. Được rửa tội và an táng ở nhà thờ, họ « gặp nhau ở điểm xuất phát », nhưng điều gì sẽ xả ra sau đó ?
Đức cha Eric Moulins-Beaufort : Nếu người ta quen với việc lễ tang được chủ sự bởi một giáo dân, thì dù sao các linh mục cũng phải đương đầu với nỗi đau đớn của dân chúng và đồng hành với mọi người. Điều đó là một phần của thừa tác vụ của chúng tôi. Chúng tôi, những linh mục, chúng tôi không thể giữ khoảng cách với nỗi thống khổ và đau đớn của người khác. Chúng tôi phục vụ Đấng chịu đóng đinh, Đấng là sự sống lại và là sự sống.
Guillaume Cuchet : Với tư cách là sử gia, tôi thấy rõ rằng việc đồng hành với tang gia là một cơ hội để tái lập mối liên hệ. Nếu có một lãnh vực mà Kitô giáo vẫn còn điều gì đó để nói với người đương thời, thì đó chính là cái chết. Thế nhưng, những điều kiện tử vong đã thay đổi nhiều. Việc cự tuyệt nó, vốn là một thứ phản xạ tự nhiên của tâm trí con người, càng được củng cố. Các thế hệ lần lượt bị loại bỏ một cách hầu như máy móc sau 60 tuổi, một điều hoàn toàn mới mẻ.
La Croix : Giáo hội cũng bị phơi bày trong xã hội, thậm chí bị gièm pha : liệu Giáo hội còn xoay sở để làm cho minh được lắng nghe trong cuộc tranh luận công cộng không ?
Đức cha Eric Moulins-Beaufort : Người ta có thể luôn nhận thấy rằng các Giám mục không nói đủ. Tuy nhiên, ở Pháp, chẳng hạn, vấn đề đạo đức sinh học vẫn còn tranh cãi, điều này không phải là trường hợp nơi các nước xung quanh chúng ta. Chúng tôi phải phản biện khi đối diện với những gì có thể như là một trục lăn đường của xã hội. Lịch sử Thánh Kinh đầy những ngôn sứ và số phận của ngôn sứ là không luôn luôn được lắng nghe. Nhưng tiếng kêu của họ nâng đỡ những người đang cố gắng sống trong ánh sáng của Chúa Kitô.
Guillaume Cuchet : Giáo hội được lắng nghe nhưng Giáo hội được hiểu không ? Điều đó tùy thuộc chủ đề. Vẫn cần phải chắc chắn rằng Giáo hội có điều gì đó cụ thể và thực sự thú vị để nói với mỗi người.
Đức cha Eric Moulins-Beaufort : Thử thách của chúng tôi, ngày nay, đó là, trong một xã hội luôn bận tâm đến việc mở rộng phạm vi các khả năng, chúng tôi có vai trò bạc bẽo để nói điều gì đúng hay không. Thế nhưng, chúng tôi không thể dừng ở đó : trọng tâm của Kitô giáo không phải là nói điều gì bị cấm nhưng là loan báo cho mỗi người rằng lịch sử cá nhân của họ với Thiên Chúa không bao giờ kết thúc, cho dù họ đã làm gì đi nữa.
La Croix : Giáo hội đang được trải qua bởi những trào lưu khác nhau, làm thế nào duy trì sự hiệp nhất ?
Đức cha Eric Moulins-Beaufort : Dẫn đưa vào sự hiệp nhất là không thể tách rời với vai trò của Giám mục, của Đức Giáo hoàng. Vai trò của Giám mục chính là giúp đỡ những người nữ và người nam khác nhau lớn lên trong sự hiệp nhất. Những người nay mong muốn tái khẳng định luật lệ, chuẩn mực ; những người khác nhạy cảm với việc mở ra, có nguy cơ quên rằng vấn đề là hoán cải. Chúng tôi phải giữ một đường dốc núi. Nói theo ngôn ngữ thần học và tu đức, chúng tôi là một số nhỏ phục vụ thiện ích và ơn cứu độ của mọi người, chứ không phải là khu bảo tồn người da đỏ tự hào về điều đó. Chúng tôi mang điều gì đó của toàn thể.
Guillaume Cuchet : Đã luôn có những chia rẽ trong Giáo hội. Điều đó không thể tránh khỏi, cho dù một chút đại kết nội bộ có thể không vô ích. Đôi khi người ta có cảm giác rằng sự suy thoái nói chung đang gia tăng sự xung đột nội bộ bên trong nó, như thể người Công giáo hoàn toàn muốn tự trả giá gấp đôi cho sự tục hóa, một lần tất cả cùng nhau đối diện với xã hội và lần thứ hai giữa họ với nhau.
La Croix : Ciase (Ủy ban độc lập về lạm dụng tính dục trong Giáo hội) dự kiến sẽ nộp báo cáo vào đầu tháng Mười. Đó là một giai đoạn quan trọng chống tội phạm chống lại trẻ em trong Giáo hội…
Đức cha Eric Moulin-Beaufort : Cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục là một cú sốc rất lớn và một một nỗi buồn lớn lao đánh vào tâm hồn chúng tôi. Chúng tôi sống trong ý tưởng rằng, dù sao, chúng tôi là những người tốt. Chắc chắn, đã có những linh mục thất thường, say mê bản thân, lười biếng…nhưng những cuộc lạm dụng thì không biết gọi là gì. Trong quá khứ, Giáo hội đã không biết đối diện cho thích hợp, bởi vì Giáo hội đã không biết, cách tập thể, nhìn vào thực tại, cách riêng nỗi đau đớn mà các nạn nhân phải chịu. Từ nay chúng tôi phải ý thức về những mong manh luôn luôn có thể xảy ra và sáng suốt về kiểu tương quan mà thiên chức linh mục tạo nên giữa linh mục và người tín hữu, mối tương quan có thể bị lệch lạc cách dễ dàng.
La Croix : Sau cuộc khủng hoảng lạm dụng, đâu vẫn có thể là hình ảnh về Giáo hội ?
Guillaume Cuchet : Công việc của sự thật là tuyệt đối cần thiết. Dĩ nhiên, trước tiên, đối với các nạn nhân, nhưng còn bởi vì những tiết lộ này xảy ra trong một xã hội mà nhiều người chỉ có một sự hiểu biết hoàn toàn bề ngoài về giáo sĩ, hay không hiểu biết gì cả, đến độ cú sốc không được bù lại hay cân bằng bởi những hình ảnh tích cực hơn và đại diện hơn, phát sinh từ một sự quen thuộc lâu dài. Chiếc mặt nạ sắt mà cuộc khủng hoảng đặt trên khuôn mặt của Giáo hội trong một bối cảnh như vậy thật là tàn khốc.
La Croix : Giờ đây người ta nói về « những người không tôn giáo » (« nones »), những người không nhìn nhận mình trong bất kỳ tôn giáo nào. Giáo hội vẫn còn có thể tiếp xúc với họ không ?
Guillaume Cuchet : Việc gia tăng « những người không tôn giáo » hay « những người bị khai trừ » nơi giới trẻ là một biến động to lớn. Điều này chưa từng có trong biên niên sử nhân học của nhân loại. Tuy nhiên, những nhu cầu về ý nghĩa, sự an ủi và nghi lễ, vốn là nền tảng của yêu cầu tôn giáo xưa, đã không biến mất, như được thấy nơi mối quan tâm của những người đương thời của chúng ta đối với « linh đạo », mà họ cố ý đối lập với « tôn giáo », như sự thiện với sự dữ. Đạo Công giáo là một trong những nhân tố trong bối cảnh mới này, nơi mà nó sẽ phải chứng tỏ giá trị vượt trội của nó so với các nền linh đạo xung quanh.
Đức cha Eric Moulins-Beaufort : Những người không tôn giáo nại đến đủ loại luân lý bao gồm cả chủ nghĩa khoái lạc, chủ nghĩa khắc kỷ, hay ngay cả Spinoza, người đã trở thành « cha đẻ » của tư tưởng hiện đại. Làm thế nào người ta sống một linh đạo trong một thế giới được nhào nắn bởi việc sùng bái sự giải trí, quảng cáo, sự hạ giá của những hình ảnh có mục đích biến chúng ta thành những kẻ hưởng thụ ? Đó là một trong những thách đố nhân học của các thế hệ tương lai : con người có khả năng về một nội tâm ý thức, nhưng cả truyền hình, mạng xã hội và quảng cáo đều không đưa họ đến điều đó.
La Croix : Nước Pháp lại trở thành một mảnh đất truyền giáo không ?
Guillaume Cuchet : Tôi ngạc nhiên bởi sự kiện rằng nếu chỉ có 2% người thực hành đạo nơi đất nước này, thì vẫn còn 50% người Pháp nói mình là người Công giáo trong các cuộc khảo sát và 3/4 người cho rằng Pháp là một nước có « văn hóa Kitô giáo ». Vì thế, có những nguồn dự trữ quan trọng về đạo Công giáo nhưng chúng giảm đi nhanh chóng. Giáo hội không còn phương tiện để phục vụ công khai cho sự siêu việt như xưa nữa. Từ đó mỗi người phải mang lấy trách nhiệm. Bởi vì rốt cục đây là lịch sử của chúng ta, chứ không chỉ lịch sử của hàng giáo sĩ. Mối nguy là ở chỗ Giáo hội trở nên quá độc quyền một nhóm tinh hoa nhỏ bé của thiểu số hạnh phúc (happy few) có động cơ cao. Đối với các nhà xã hội học, đặc điểm của các Giáo hội, khác với các giáo phái, là bằng lòng với các lập trường tâm linh rất khác nhau vốn cho phép mỗi người có một lịch sử, dù phải bỏ qua lượt của mình nếu người ta đã không biết tìm ra con đường đức tin, mà không ngăn cản họ trở lại thế hệ tiếp theo. Nếu điều này không thể là chân trời duy nhất của Giáo hội, thì thiên tài của đạo Công giáo sẽ là đóng góp vào việc giới thiệu lại ý thức về thời gian, về truyền thống, về người sống và người chết, vốn đang bị đe dọa như thế trong xã hội chúng ta.
Tý Linh chuyển ngữ
(theo nhật báo La Croix)
Tags: Pháp
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?