TƯỞNG NHỚ CỐ LINH MỤC JEAN-BAPTISTE ETCHARREN : « ĐẸP THAY BƯỚC CHÂN NHỮNG SỨ GIẢ LOAN BÁO TIN MỪNG » (Rm 10, 15)
« Đại Ân nhân » là từ ngữ được thốt lên trên môi miệng của nhiều Kitô hữu Việt Nam nói chung và của Giáo phận Huế nói riêng, trước sự ra đi của Cha Jean-Baptiste ETCHARREN, một « vị thừa sai kiệt xuất », một « nhà truyền giáo đích thực », một « thành viên đáng kính và gương mẫu », một « món quà vô giá » được ban cho Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Cha J.B. ETCHARREN, thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP) và là Linh mục của Tổng Giáo phận Huế, đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9g15, ngày lễ thánh Matthêu Tông đồ (21/9), tại Đại Chủng viện Huế, trước sự hiện diện của nhiều người đang quây quần bên ngài. Một sự chết lành, bình an, thanh thản và thánh thiện. Tôi hiện diện cạnh vị ân nhân và là người Cha đáng kính của tôi trong những giây phút cuối đời của ngài, dù ngài đang hôn mê. Khi vị bác sĩ bấm các huyệt để xem nhịp đập trái tim và hơi thở của ngài, và rồi rút ống ôxy ra, thì tôi hiểu ngài đã qua đời. Tôi vội nói với cha Giuse Lê Văn Hồng, quản lý giáo phận Huế, « hỏi bác sĩ có phải ngài qua đời rồi không ? », thì bác sĩ gật đầu xác nhận với với cha Quản lý như vậy. Xung quanh ngài lúc đó có các linh mục trẻ khác, các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Huế, dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, dòng Thánh Phaolô thành Chartres, một số người thân của Cha cũng như một số nhân viên của Chủng viện. Mọi người bắt đầu đọc kinh cầu hồn cho ngài, và công việc chuẩn bị tang lễ bắt đầu và đã kết thúc lúc tiễn đưa linh cữu ngài đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang giáo sĩ ở Đại Chủng viện Huế, bên cạnh người bạn thân của ngài là cha Pierre Poncet. Đức Tổng Giuse, Cha Tổng Đại Diện Antôn, Cha Giám đốc ĐCV Huế…, cũng nhanh chóng có mặt để tiễn biệt ngài.
« Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng ! »
Trút hơi thở cuối cùng và thánh lễ an táng tại ĐCV Huế, có lẽ là điều ngài đã không nghĩ đến khi còn sống, nhưng thánh ý Chúa nhiệm mầu để ngài cảm nhận cách thiêng liêng và hài lòng, ở thế giới bên kia, về tình cảm nồng ấm của Tổng Giáo phận và gia đình Đại Chủng viện Huế. Không có sự hiện diện của người thân huyết tộc bên cạnh, nhưng sự hiện diện của gia đình thiêng liêng này còn đông đảo hơn nữa trong những ngày tang lễ của ngài. Các thánh lễ cầu hồn cho ngài liên tiếp nhau, những giờ kính viếng của biết bao người thụ ân ngài và cả những giờ canh thức thâu đêm của quý Thầy Đại Chủng viện và một số người thân của ngài, như muốn cho thấy ngài không cô đơn và đang ở trong trái tim của Giáo hội Việt Nam, của Tổng Giáo phận Huế, cũng nhiều như Giáo hội Việt Nam và Tổng Giáo phận Huế đã ở trong trái tim của ngài vậy. Thánh lễ an táng đã diễn ra thật sâu lắng, bùi ngùi và đầy thương tiếc về sự ra đi của một con người đã sống chết cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, trong một Thánh lễ an táng, tôi được chứng kiến cử chỉ niệm hương trong tâm tình kính cẩn tri ân và kính trọng của các đại diện mọi thành phần dân Chúa của Giáo hội Việt Nam trước sự ra đi của một Linh mục thừa sai như thế ! Tất cả đó như là « phần thưởng » hữu hình nhỏ bé mà Chúa muốn dành cho « người tôi tớ trung tín » của Ngài, một người mà suốt 63 năm Linh mục của mình đã « ở giữa anh em như một người phục vụ » (Lc 22, 27). Và chắc chắn phần thưởng sẽ còn lớn lao hơn nhiều, hơn cả huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh mà nước Pháp tặng cho ngài, đó là phần thưởng dành cho ngài ở trên trời, trong vòng tay của Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, Đấng mà ngài luôn tín thác và làm chứng cho tình yêu của Người « ad gentes ». Quả là một kết thúc « đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng !» (Rm 10, 15).
« Hạt giống tốt »
« Giáo hội Việt Nam đã có thể thực hiện những tiến bộ to lớn này là nhờ những nỗ lực được Hội Thừa Sai Paris thực hiện trong việc gieo những hạt giống tốt trên các vùng đất loan báo Tin Mừng ở Việt Nam » (« L’Église vietnamienne a pu réaliser ces formidables progrès grâce aux efforts menés par les MEP pour semer de bonnes graines sur les terres d’évangélisation au Vietnam »)(1). Đó là lời phát biểu của Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Giáo phận Huế, trong cuộc hội ngộ « Un moment MEP » được Giáo hội Việt Nam tổ chức để tri ân Hội Thừa Sai Paris, ngày 18/4/2018. Và một trong những « hạt giống tốt » mà không ai có thể phủ nhận này là cha J.B. Etcharren, người cũng đã từng phát biểu, trong sự kiện này và cũng là dịp kỷ niệm 60 năm linh mục của ngài, rằng : « Tôi yêu đất nước Việt Nam và tôi coi đất nước này như quê hương của chính tôi » (« J’aime le Vietnam et je le vois comme ma propre patrie »). Hay một nơi khác, như lời Cha Tổng Đại diện Antôn nhắc lại trong bài tiễn biệt cuối cùng tại phần mộ của ngài, ngài nói : « Tôi đến Việt Nam để chiêm ngưỡng con người và văn hóa nước Việt ». Còn hơn cả chiêm ngưỡng, ngài đã đến « cư ngụ giữa chúng ta » (Ga 1, 14), đã trở thành người Việt Nam đối với người Việt Nam, đã « nghiện » Việt Nam, như lời Đức Tổng Giuse trong lời phân ưu với Hội Thừa Sai Paris và gia đình của ngài, và đã biến Việt Nam (con người, lối sống, văn hóa, ngôn ngữ…) thành « máu huyết » của mình. Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô luôn muốn « thúc đẩy một cuộc loan báo Tin Mừng trung thành với « phong cách » của Thiên Chúa và gần gũi với con người » (sứ điệp gởi cho Hội nghị thần học quốc tế ngày ngày 21/9/2021), cũng như kêu gọi « hội nhập văn hóa » bằng việc « hãy đi vào đời sống của đoàn dân tín hữu, trong sự tôn trọng các phong tục, truyền thống của họ… » (sứ điệp cho Hội nghị về đời sống tu trì ở Châu Mỹ Latinh và Caribê, ngày 13/8/2021), thì Cha J.B. Etcharren đã cụ thể hóa những điều đó cách rõ nét nhất trong cuộc đời và ơn gọi thừa sai của mình.
« Ơn gọi truyền giáo »
Để hiểu tại sao một linh mục trẻ, chưa đầy ba tháng sau khi chịu chức, đã hăng hái lên đường đi truyền giáo tại Việt Nam lúc mới 26 tuổi (ngày 22/4/1958), dù biết rằng cái chết đang chờ đợi mình ở đó, chúng ta cùng lắng nghe bài phỏng vấn ngài do Hội Thừa Sai Paris thực hiện (2), qua đó Cha cho thấy cái nhìn của mình về « ơn gọi truyền giáo » này : « Những gì ưu tiên, đó là một ơn gọi nảy sinh trong tâm hồn của một người trẻ và làm cho đạt kết quả, làm cho thực hiện. Tại sao ? Bởi vì chiều kích ra đi đến với một dân tộc, đến với một Giáo hội ở nơi khác này, là điều thiết yếu đối với đức tin Kitô giáo, không chỉ theo quan điểm cá nhân, nhưng đối với chính Giáo hội. Sống chiều kích này của đức tin Kitô giáo là hoàn toàn thiết yếu, bất kể tình trạng nghèo nàn ngày nay của các Giáo hội tây phương, cách riêng của Pháp ».
Quả thế, có một phản đối hiện nay ở Pháp là tại sao giờ đây thiếu linh mục, nhưng vẫn có nhiều bạn trẻ muốn dấn thân đến những nơi xa xôi rao giảng Chúa Kitô, Cha Jean-Baptiste, lúc còn là Bề trên tổng quyền của MEP, đã trả lời cách xác tín : « Hoàn toàn không phải về số lượng linh mục mà cần phải nói đến, khi chúng ta nói về ơn gọi. Cũng tương tự đối với một người đi tu dòng chiêm niệm và dâng hiến trọn đời mình trong công việc cầu nguyện cho Giáo hội, cho thế giới. Đó là một ơn gọi đặc biệt ». Thật vậy, đối với MEP, ơn gọi truyền giáo này là một « ơn gọi đặc biệt », « bổ sung » cho ơn gọi chiệm niệm và ơn gọi linh mục giáo phận, và không kém phần cần thiết hơn. Vị Đại Ân nhân của Giáo hội Việt Nam nói tiếp : « Nếu chúng ta nhìn vào toàn bộ Châu Á, lục địa bao la mà dân số biểu hiện, thì chỉ có hai phần trăm số người đã thực sự muốn đón nhận sứ điệp Kitô giáo này. Đối với chúng ta, vấn đề không phải là cạnh tranh bằng mọi giá để gia tăng con số Kitô hữu, làm lớn mạnh thể chế Giáo hội, nhưng đó là một quyền của mỗi người được đón nhận sứ điệp về Thiên Chúa cách hoàn toàn tự do và cả trong sự tôn trọng những lộ trình thiêng liêng của họ từ bao thế kỷ. Vai trò của chúng ta, đó là làm chứng cho niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, về việc chúng ta được nhận làm nghĩa tử trong Chúa Giêsu Kitô và về hạnh phúc biết mình được Thiên Chúa yêu thương này và có thể nói và biểu lộ điều đó bằng cách này hay cách khác ».
Tất cả những tâm tình sâu xa trên đây cho thấy rõ chính « Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi » (2Cr 5, 14) đã thúc đẩy ngài từ bỏ một cuộc sống yên bình nơi chính quê hương mình để mạo hiểm trên hành trình truyền giáo, trong sự khát khao dâng hiến và khiêm tốn phục vụ Chúa và con người, để rồi biến cuộc đời mình thành quà tặng cho tha nhân đến độ muốn gởi gắm thân xác ngài nơi lòng đất mẹ Việt Nam, một quà tặng mà Đức Tổng Giuse gọi là « vô giá » Chúa đã ban cho đất nước Việt Nam.
« Hai điều nuối tiếc »
Sự ra đi của ngài quả là một mất mát lớn cho Giáo hội Việt Nam. Trước tin buồn to lớn này, không biết bao nhiêu lời thương tiếc, bao nhiêu lời ngợi khen, bao nhiêu lời chúc tụng…đã ngập tràn trên các phương tiện truyền thông. Ngay cả người viết bài này cũng đã dành « biết bao lời có cánh » cho vị Linh mục không còn là « ngoại quốc » nữa, nhưng là « quốc nội » này, một vị Linh mục khả ái và rất đáng kính, âm thầm và khiêm tốn, đơn sơ và giản dị, gần gũi và dịu dàng, nhân ái và rộng lượng, luôn với nụ cười hiền hòa và đầy nhiệt huyết loan báo Tin Mừng « ad gentes ». Nhưng có lẽ những lời ca ngợi, tung hô, chúc tụng « có cánh » này là những điều mà, với tính cách của ngài, ngài không ưa thích chút nào. Xin Cha tha thứ cho chúng con về những điều này, bởi vì chúng con có thể nói gì hơn được khi mà sự khôn ngoan ngàn đời đã dạy chúng con rằng « De mortuis nihil nisi bonum dicendum est » (« Về người đã khuất, không có gì ngoài điều tốt được nói ra »). Xin Cha đừng xem đó là những lời chúc tụng, nhưng như là những điều tốt lành của một « hạt giống tốt » mà Chúa đã gieo vào mảnh đất Việt Nam và chấp nhận « mục nát » đi (x. Ga 12, 24) « để cho thế gian được sống và sống dồi dào » (Ga 6, 51 ; 10, 10) . Vậy, Cha không có « điều xấu » nào ? Thưa có, con xin mượn « hai điều nuối tiếc » mà Cha đã nói về bản thân mình, để coi đó như là «hai điều xấu » mà chúng con phải tránh hôm nay : a) làm việc vì vinh danh bản thân mà không vì vinh danh Chúa ; b) chỉ chiêm ngưỡng công trình do tay mình làm, mà không biết nhận ra và tôn trọng công trình mà Thiên Chúa thực hiện qua thiên nhiên và nơi tha nhân.
« Hai điều nuối tiếc », mà Cha Jean-Baptiste đã để lại cho hậu thế như một « di chúc tinh thần », một cách nào đó là lời sám hối chân thành từ sâu thẳm bản thân ngài, và cũng là lời mời gọi những người còn sống đi vào tâm tình « hoán cải mục vụ » đó, để cuối cùng nhận ra rằng « chúng ta phải học tất cả nơi Chúa Giêsu », là « để Nước Chúa trị đến », để tất cả các con đường phục vụ phải « dẫn lối về với Chúa Kitô ». Chúng con thành kính cảm ơn Cha.
« Reverentissime Pater, requiescas in pace Domini » !
———-
Phêrô Võ Xuân Tiến, Linh mục Giáo phận Huế
————————–
(1) Xem bản tin “À Hué, l’Église locale salue l’engagement des MEP au Vietnam »
(2) Xem video link phỏng vấn ở đây (https://www.dailymotion.com/video/x8b9yr).
Tags: các thánh-nhân vật
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- BÀI HÁT: CÚI LẠY CHÚA TÔI
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG