VÀ NẾU MIÊU TẢ ĐỨC MARIA VỚI ĐÔI CHÂN LẤM LEM?

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 4th, 2024. Posted in Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh, Đức Maria

Những hình ảnh đẹp nhất về Đức Trinh Nữ Maria được nảy sinh trong lời cầu nguyện, lắng nghe Giáo hội. Nhà sử học nghệ thuật Pierre Téqui cho rằng Giáo hội có trách nhiệm thúc đẩy việc đổi mới khoa hình tượng về Đức Mẹ.

Không phải tôi mời gọi xem xét một hình ảnh như vậy, mà là Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong Thánh lễ Đức Mẹ Lên Trời vừa qua, ngài kêu gọi chúng ta đừng tưởng tượng Đức Maria như một bức tượng sáp bất động, nhưng nhìn Đức Mẹ như một người chị mệt nhọc, với đôi dép mòn. Có hàng ngàn cách để tưởng tượng về Đức Trinh Nữ. Trong “bức tượng sáp”, Mẹ là Trinh nữ ở hang đá Massabielle, Đức Trinh Nữ Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Trinh Nữ trong thị kiến của Bernadette Soubirous. Với những tia sáng phát ra từ bàn tay, Mẹ là Đức Trinh Nữ từ thị kiến của thánh Catherine Labouré, được mô tả trên Mề Đay Huyền Nhiệm. Mang đầy những dấu hiệu bản địa của Mexico, Mẹ trở thành Đức Mẹ Guadalupe, người đã hiện ra với thánh Juan Diego. Rất thường xuyên, khoa hình tượng về Đức Maria nảy sinh từ những thị kiến này: chính chúng truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ, những người cố gắng trung thành với cách Mẹ hiện ra.

Những hình ảnh nảy sinh trong lời cầu nguyện

Nhưng còn có nhiều hình ảnh khác đến từ việc đọc Thánh Kinh, từ những suy tư của các Giáo phụ, hay thậm chí là từ lòng sùng kính bình dân. Vì vậy, chúng ta thấy Đức Maria được mô tả như là Eva Mới, hoặc thậm chí trong các mô tả về Đức Maria, Nữ Vương Thiên Đàng, hoặc Trinh Nữ Thương Xót. Trong khi phần lớn những hình ảnh này đến từ việc nghiên cứu Thánh Kinh hoặc việc sùng kính, đôi khi những hình ảnh này có thể khơi dậy những việc sùng kính mới. Đây là trường hợp của Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt, ra đời từ cái nhìn của nghệ sĩ Johann Georg Schmidtner.

Từ tất cả những điều này, cần phải nhớ rằng các nghệ sĩ thường không phải là nguồn gốc của các thể loại hình tượng. Chính Giáo hội xác định chúng, và các nghệ sĩ hài lòng với việc tạo hình dạng cho những hình ảnh nảy sinh trong lời cầu nguyện hoặc suy niệm Thánh Kinh. Tài năng của họ nằm ở bố cục, tư thế, lựa chọn màu sắc – nói tóm lại là mọi thứ liên quan đến quyết định thẩm mỹ. Và đó đã là rất nhiều rồi.

Đức Trinh Nữ “được xem xét lại

Đó là nhiều rồi, nhưng không thể là điều chính yếu được. Cần phải là một nghệ sĩ vĩ đại để chỉ coi Đức Trinh Nữ như một mẫu hình. Chẳng hạn, Raphael đã cống hiến phần lớn cuộc đời mình cho các nhân vật Đức Trinh Nữ và Chúa Hài Đồng, mang đến những biến thể sáng tác rực rỡ. Thật không may, nhiều nghệ sĩ đương đại chỉ coi Đức Trinh Nữ là một mẫu hình đơn giản, hoặc tệ hơn là một hình tượng văn hóa. Họ ít quan tâm đến việc đổi mới hay làm phong phú khoa hình tượng, bằng lòng với việc “nhận làm của mình”, “xem xét lại” hay thậm chí nhàm chán hơn là “chuyển hướng” hình ảnh này.

Chúng ta hãy trích dẫn những nghệ sĩ như Soasig Chamailllard, mà tác phẩm vui đùa của ông có hàng nghìn biến thể, hoặc Cindy Sherman với Untitled #216 (1989) và loạt tác phẩm tôn giáo của mình (những năm 2000), trong đó Đức Mẹ xuất hiện trong nhiều kiểu cải trang khác nhau, xem xét lại hình tượng của Đức Trinh Nữ Maria, đôi khi đến mức kỳ cục. Thậm chí trước đó, Chris Ofili và tác phẩm The Holy Virgin Mary (1996) của ông, trong đó Đức Trinh Nữ được bao quanh bởi những mảnh cắt từ tạp chí khiêu dâm và phân voi, một tác phẩm đã gây tranh cãi khi được trình bày tại Bảo tàng Brooklyn vào năm 1999. May mắn thay, cũng có những ví dụ nhạy cảm và tôn trọng hơn, chẳng hạn như hình tượng Đức Trinh Nữ nơi Pierre & Gilles. Chắc chắn chúng tôi sẽ quay lại vấn đề này ở một chuyên mục khác.

“Như một người chị”

Nhưng nếu người ta muốn những tác phẩm này hòa nhập vào lòng Giáo hội và để người ta ta có thể suy niệm trước những hình ảnh được đổi mới về Đức Trinh Nữ, thì các nghệ sĩ phải lắng nghe Giáo hội. Đức Thánh Cha đã lấy ý tưởng về một Đức Trinh Nữ với đôi chân lấm lem từ cha Carlo Carretto (1910-1988), một tu sĩ người Ý thuộc dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu. Ngài nổi tiếng với những bài viết về linh đạo Kitô giáo và sự dấn thân của ngài đối với người nghèo.

Sau một cuộc tĩnh tâm ở sa mạc Sahara, ngài dành cả cuộc đời để suy ngẫm về đức tin và cầu nguyện. Trong cuốn sách Beata te che hai creduto của mình, cha Carretto đưa ra một bài suy niệm về đức tin của Đức Maria. Ngài mô tả Đức Mẹ như một hình mẫu niềm tin đơn sơ và khiêm tốn, nhưng với sức mạnh đáng kinh ngạc. Ngài kể rằng vào một buổi tối nọ, lần đầu tiên, ngài cảm thấy mình đến gần hơn với mầu nhiệm Đức Maria: “Lần đầu tiên, tôi không còn nhìn thấy Mẹ trên bàn thờ như một tượng sáp bất động, khoác y phục nữ hoàng, nhưng như một người chị, gần gũi với tôi, ngồi trên bãi cát của thế giới, với đôi dép mòn như của tôi, và bao nhiêu mệt nhọc trong huyết quản.”

Chính tại tâm điểm của những lời cầu nguyện và suy niệm này mà những hình ảnh đã được nảy sinh. Giáo hội có tính sáng tạo; Giáo hội phải đóng một vai trò trong bất kỳ quá trình sáng tạo nào. Giáo hội có trách nhiệm khuyến khích việc đổi mới về khoa hình tượng về Đức Mẹ, không phải bằng cách cho phép các nghệ sĩ tự do chiếm hữu một hình thức, mà bằng cách ủy thác cho họ những hình ảnh mới, giống như hình ảnh do cha Carlo Carretto tưởng tượng: một Trinh nữ kiệt sức, với đôi chân lấm lem.

—————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Pierre Téqui, Aleteia)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31