CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM C: “HÃY VÂNG NGHE LỞI NGƯỜI”
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trong Thánh Kinh, nhất là trong Cựu Ước có 2 truyền thống văn chương diễn tả Thiên Chúa một cách rất khác nhau, thậm chí có vẻ như mâu thuẫn với nhau nhưng thực sự lại bổ sung cho nhau. Một truyền thống nhấn mạnh đến tính gần gũi, thân mật của Thiên Chúa khiến con người có thể dễ dàng gặp gỡ Người và trò truyện với Người. Một truyền thống khác lại nhấn mạnh đến tính thánh thiện, cao cả và siêu việt khôn lường của Thiên Chúa khiến con người không sao gặp được Người, không cách nào thấy được dung nhan của Người. Suy nghĩ kỹ một chút, chúng ta thấy cả 2 truyền thống trên đều đúng, vì Thiên Chúa của Do-thái giáo và của Ki-tô giáo vừa là Đấng gần gũi, vừa là Đấng siêu việt, vừa là Đấng loài người có thể gặp gỡ truyện trò, vừa là Đấng cao sang siêu việt khôn lường.
Ba bài Thánh Kinh hôm nay cho chúng ta khám phá Thiên Chúa với cả hai đặc điểm trên, nhất là trong bài Phúc Âm, chúng ta được chứng kiến sự kiện hiển dung của Chúa Giê-su và được nghe lời nhắn nhủ của Chúa Cha là hãy vâng nghe lời Người là Chúa Giê-su Con Cha.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (St 15, 5-12.17-18): Thiên Chúa lập giao ước với ông Áp-ram vì ông tin Chúa. 5 Khi ấy, Thiên Chúa đưa ông Áp-ram ra ngoài và phán: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không.” Người lại phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!”6 Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính.
7 Người phán với ông: “Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi thành Ua của người Can-đê, để ban cho ngươi đất này làm sở hữu.” 8 Ông thưa: “Lạy Đức Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu? ” 9 Người phán với ông: “Đi kiếm cho Ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu non.” 10 Ông kiếm cho Người tất cả những con vật ấy, xẻ đôi ra, và đặt nửa này đối diện với nửa kia; còn chim thì ông không xẻ. 11 Mãnh cầm sà xuống trên các con vật bị giết, nhưng ông Áp-ram đuổi chúng đi.
12 Lúc mặt trời gần lặn, thì một giấc ngủ mê ập xuống trên ông Áp-ram; một nỗi kinh hoàng, một bóng tối dày đặc bỗng ập xuống trên ông.
17 Khi mặt trời đã lặn và màn đêm bao phủ, thì bỗng có một lò nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi. 18 Hôm đó, Đức Chúa lập giao ước với ông Áp-ram.
2.2 Trong bài đọc 2: Pl 3,17-4,1: Đức Ki-tô sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người. 3/17 Thưa anh em, xin hãy cùng nhau bắt chước tôi, và chăm chú nhìn vào những ai sống theo gương chúng tôi để lại cho anh em. 18 Vì, như tôi đã nói với anh em nhiều lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô: 19 chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian. 20 Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. 21 Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.
4/1 Bởi vậy, hỡi anh em thân mến lòng tôi hằng tưởng nhớ, anh em là niềm vui, là vinh dự của tôi. Anh em rất thân mến, anh em hãy kết hợp với Chúa mà sống vững vàng như vậy.
2.3 Trong bài Tin Mừng: Lc 9,28-36: Đang lúc Đức Giê-su Ki-tô cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác. 28 Hôm ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. 29 Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. 30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. 31 Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. 32 Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người. 33 Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Ông không biết mình đang nói gì. 34 Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. 35 Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” 36 Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI KINH THÁNH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa
3.1.1 Bài đọc 1 (St 15, 5-12.17-18) là tường thuật rất cảm động của Sách Sáng Thế về cách cư xử gần gũi, thân tình của Thiên Chúa đối với ông Áp-ram (sau được đổi tên thành Áp-ra-ham) là người được Thiên Chúa chọn làm “khởi đầu” của một “trang sử mới” gọi là Lịch Sử Cứu Chuộc! Lễ ký kết Giao Ước giữa Thiên Chúa và ông Áp-ra-ham được thực hiện một cách hữu hình, bằng máu và thịt của những con vật, sau khi ông Áp-ra-ham đã thể hiện lòng tin tuyệt đối vào lời hứa của Thiên Chúa.
Trong đoạn St 15, 5-12.17-18 trên, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa của Cựu Ước là Đấng rất quan tâm đến thân phận của loài người. Sau khi Tổ Tông A-đam và E-và phản nghịch, Thiên Chúa có cả một chương trình, một kế hoạch tuyệt vời để khôi phục lại sự đổ vỡ của Chương Trình Tạo Dựng lúc ban đầu. Thiên Chúa đã chọn một người trong hàng triệu con người tên là Áp-ram thuộc một bộ tộc miền Trung Đông. Thiên Chúa cần có sự hợp tác của ông để khởi đầu một giai đoạn mới. Ông Áp-ram đã đáp lại sự chọn lựa và tin tưởng của Thiên Chúa. Nhờ đó Giao Ước đã được thiết lập trên cơ sở tình yêu và lòng tin của hai phía. Giao Ước ấy vẫn tồn tại và chúng ta trở thành đối tác của Thiên Chúa, vì các Ki-tô hữu kế thừa vai trò và địa vị của những người Ít-ra-en xưa.
3.1.2 Bài đọc 2 (Pl 3,17-4, 1) là những lời tha thiết của Thánh Phao-lô Tông đồ nhằm thức tỉnh các tín hữu Phi-líp-phê sai lạc và hủ hóa. Thay vì sống thánh thiện cho tương xứng với địa vị cao sang của những người đã được chuộc bằng giá máu và thập giá của Chúa Ki-tô thì họ lại chạy theo những thứ giả trá và hèn hạ của thế gian.
Trong đoạn Pl 3,17 – 4,1 trên, chúng ta đón nhận ơn huệ mà Chúa Giê-su Ki-tô đã ban cho các Ki-tô hữu chúng ta. Bằng quyền năng của Thiên Chúa, và công nghiệp của Thập Giá, Chúa Giê-su biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người. Người giúp chúng ta sống thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa và tương xứng với ơn huệ mà Người đã ban tặng cho các tín hữu.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 9,28-36) là tường thuật của Thánh Lu-ca về Biến Cố Chúa Giê-su Hiển Dung bầy tỏ quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa cho ba môn đệ. Trong khung cảnh như thần tiên ấy, chúng ta đọc thấy những “ẩn dụ” đầy ý nghĩa của Giao Ước. Mô-sê tượng trưng cho Lề Luật của Giao Ước Mô-sê, vì ông là người đã được Thiên Chúa chọn để đem dân Ít-ra-en ra khỏi cảnh nô lệ Ai-cập; người đã nhận từ tay Thiên Chúa Bia Đá Mười Giới Răn là Giao-Ước-được-cụ-thể-hóa, người đã hướng dẫn dân tiến về Miền Đất mà Thiên Chúa đã hứa với Áp-ra-ham….. Còn Ê-li-a là một ngôn sứ vĩ đại được giao sứ mạng củng cố lòng tin của dân vào lời hứa của Giao Ước mà Thiên Chúa đã cam kết với cha ông tổ tiên của Ít-ra-en là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Cả Mô-sê và Ê-li-a đều có mặt bên Chúa Giê-su là Mô-sê Mới và là Ê-li-a của Thời Cứu Độ. Có nghĩa là Lịch Sử hay Giao Ước Cứu Độ cô đọng, hội tụ ở đây, trên núi Ta-bo này, trong con người có tên là Giê-su Na-da-rét!
Qua đoạn Phúc Âm Lc 9,28-36 này, Chúa Giê-su đã tự mạc khải cho ba môn đệ thân tín và mọi người chúng ta biết Người là Thiên Chúa làm người, Người là Trung Tâm của Lịch Sử Cứu Độ, Người là Đấng thực hiện Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với Áp-ra-ham, với Ít-ra-en, với nhân loại. Chúa Giê-su – bằng Thập Giá và Phục Sinh – đã phục hồi con người thành đối tác mới của Giao Ước Mới và đem tất cả lợi ích của Giao Ước ấy đến cho loài người. Mạc khải ấy của Chúa Giê-su được chính Thiên Chúa Cha phê chuẩn một cách long trọng và công khai: “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” Từ nay trở đi, vâng nghe lời Chúa Giê-su là sống Giao Ước Mới, là chu toàn trách nhiệm của đối tác trong Giao Ước của Thiên Chúa.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
Là VÂNG NGHE LỜI CHÚA GIÊ-SU như chính Chúa Cha đã nhắn nhủ và mời gọi: “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa
Là Đấng vừa gần gũi, thân mật, vừa cao sang, siêu việt. Chúng ta có thể gặp gỡ trò chuyện tâm tình với Người nhưng đồng thời không bao giờ chúng ta có thể nắm bắt được Người.
4.2 Thực thi Sứ điệp của Lời Chúa
để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, tôi kiểm điểm xem mình vâng nghe Lời Chúa Giê-su như thế nào? Vâng nghe Lời Chúa Giê-su
* trước hết là nghe, đọc và suy niệm Lời Chúa trong Phúc Âm;
* kế đến là thi hành những giới răn và lời mời gọi của Chúa, cũng trong Phúc Âm;
* và sau cùng là giúp người khác biết vâng nghe Lời Chúa Giê-su như chính mình đã vâng nghe.
V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ THẾ GIỚI
5.1 «Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn!» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho loài người ngày hôm nay, nhất là cho những người không tin, để họ được Thiên Chúa ban ơn soi sáng mà tin vào Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
5.2 «Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn!» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Hội Thánh Công Giáo khắp năm châu, cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, để mọi Ki-tô hữu tuyên xưng một cách mạnh mẽ và can đảm lòng tin vào Con Một Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
5.3 «Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, được ơn vâng nghe Lời Chúa Giê-su mà tích cực tìm cách nghe, đọc, suy niệm, học hỏi Lời Chúa và cầu nguyện trong Mùa Chay và trong Năm Đức Tin 2013 này.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
5.4 «Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tất cả những ai đang sống trong u mê, tăm tối và thành kiến vì bị sự ham hố chức quyền, danh vọng, giầu sang, lạc thú giam hãm để họ được ơn giải thoát khỏi cảnh ngục tù ấy mà vâng nghe lời Chúa trong lương tâm và những lời chân thật từ cộng đồng xã hội.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
Tags: Mùa-Chay
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- QUAN TÂM
- CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM B : THẦN KHÍ LÀ QUÀ TẶNG CỦA CHÚA KI-TÔ PHỤC SINH
- CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM B: LÀM CHỨNG CHO ĐẤNG PHỤC SINH
- CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM B : ÂN SỦNG VÀ LÒNG TIN
- CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM B: NHIỆT TÂM LO VIỆC NHÀ CHÚA
- CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM B: “DẠ, CON ĐÂY!”
- CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM B: HÃY SÁM HỐI & TIN VÀO TIN MỪNG!
- THỨ TƯ LỄ TRO NĂM B: “ĐỪNG XÉ ÁO, NHƯNG HÃY XÉ LÒNG!”
- CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN NĂM B: TẤM LÒNG CỦA THIÊN CHÚA
- CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM B: THEO CHÚA ĐỂ LÀM CÔNG VIỆC CỦA CHÚA
- CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM B: LẮNG NGHE TIẾNG CHÚA GỌI
- CHÚA NHẬT LỄ CHÚA CHỊU PHÉP RỬA NĂM B : “CON LÀ CON YÊU DẤU CỦA CHA, CHA HÀI LÒNG VỀ CON!”
- ĐẠI LỄ CHÚA GIÁNG SINH NĂM B : NGÔI LỜI ĐÃ ĐÊN ĐỂ TRẦN GIAN ĐƯỢC CHAN HÒA ƠN PHÚC
- CHÚA NHẬT THỨ IV MÙA VỌNG NĂM B: KẾ HOẠCH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA
- CHÚA NHẬT THỨ III MÙA VỌNG NĂM B: LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN RA ĐỨC GIÊ-SU VÀ THIÊN CHÚA?
- CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM B: DỌN ĐƯỜNG ĐÓN CHÚA
- CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM B : PHẢI CHI NGÀI XÉ TRỜI MÀ XUỐNG
- CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM A: ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ
- CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM A: KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
- CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM A: NGÔI NHÀ VÀ ĐỀN THỜ CỦA THIÊN CHÚA