VẬT LỘN VỚI THIÊN CHÚA

Written by lcd on Tháng Chín 28th, 2014. Posted in Lm Lê Công Đức, Tâm linh, Thánh Kinh

(Suy niệm Lời Chúa CN 26 TN / A – của Lm. Roger Vermalen Karban, Lm. Lê Công Đức dịch)

Không phải ai cũng vui với một Thiên Chúa tha thứ.

Khi giảng về ba bài đọc này nhiều năm trước đây, hồi tôi ở nhà thờ Chính Tòa, tôi đã nhận được nhiều phản hồi – trong đó rất ít phản hồi tích cực. Chẳng hạn có ông nọ đến gặp tôi sau Thánh lễ và giận dữ nói “Tôi không thích chút nào bài giảng ấy của cha về sự tha thứ”. Rồi ông quay lưng bước nhanh ra cửa, vừa la lớn: “Cám ơn Chúa vì hai thằng bé nhà tôi đã không nghe thứ của thối ấy. Nếu mà chúng nghe, tôi sẽ chẳng bao giờ kiểm soát được chúng nữa!”

Một người đi theo Đức Giêsu sẽ xử trí như thế nào đây với sự kiểm soát, sự sợ hãi và sự tha thứ?

Các nhà thần học luân lý thường nhắc chúng ta rằng không có hành động nào được làm do sợ hãi lại có thể quyết định số phận vĩnh cửu của chúng ta. Thiên Chúa chỉ tính đến những gì chúng ta làm một cách tự do; thật tốt việc nhận biết rằng mình bị ép buộc làm điều gì đó “xấu”, nhưng thật không tốt khi ta làm điều gì đó “tốt” bởi vì sợ hãi, như hồi còn bé ta đi lễ vì cha mẹ bắt ta phải làm thế. Đối chiếu quan điểm thần học này với những ánh sáng của khoa tâm lý ngày nay (cho biết rằng rất ít các hành động trong đời sống hằng ngày của chúng ta là những hành động hoàn toàn tự do), ta sẽ có nhiều điều để suy nghĩ ở đây.

Có lẽ chúng ta làm nhiều việc tốt mỗi ngày bởi vì người ta kỳ vọng chúng ta như vậy. Chúng ta sợ làm họ thất vọng, hay sợ ảnh hưởng tới tiếng tốt mà mình đã đạt được. Nỗi sợ thường có thể bắt chúng ta làm “điều tốt”. Nhưng nó cũng tước mất sự tự do mà Thiên Chúa mong muốn có nơi chúng ta. Một trong những đoạn Thánh Kinh có ý nghĩa nhất của chúng ta là trình thuật Sáng thế 32,23-32. Trình thuật này giải thích tại sao dân Itraen được gọi là “Itraen”. Tác giả sách thánh tách từ ngữ đó ra thành ba từ Do thái, và đi đến một giải thích có tính tầm nguyên rằng “Itraen” có nghĩa là “người vật lộn với Thiên Chúa”.

Đoạn văn mô tả Giacóp vật lộn với Thiên Chúa này nguyên thủy được biên soạn trong một môi trường “tín ngưỡng phồn thực”: một nền văn hóa trong đó tôn giáo cơ chế bảo đảm cho sự phong nhiêu của gia đình người ta, hay cho súc vật và mùa màng, bằng cách cung cấp cho họ những lời nói, cử chỉ và cách ứng xử đặc biệt nhằm kiểm soát các hành động của các vị thần phồn thực nào đó trong cuộc đời họ.

Một niềm tin như vậy rõ ràng là thuộc loại tôn giáo “Kryptonite”. Giống như Siêu Nhân trở thành bất lực khi đương đầu với chỉ một chút xíu yếu tố đến từ hành tinh của anh ta, thì chư thần phồn thực cũng trở nên bất lực bởi những lời nói, cử chỉ và cách ứng xử nào đó của con người. Dù muốn hay không muốn, chư thần cũng bị buộc phải nhượng bộ trước các yêu cầu của người xin. Một tôn giáo phồn thực, nếu thực hành đúng cách, sẽ trói tay chư thần lại. (Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nếu có sự tương đồng nào đó giữa các thực hành ngoại giáo này và những sự bảo đảm mà tôi nhận được khi còn bé rằng tôi sẽ được lên thiên đàng nếu rước lễ vào những ngày đặc biệt nào đó, nếu đọc kinh nào đó chín lần, hay nếu mang trên người một ảnh tượng nào đó vào lúc hấp hối!)

Đàng khác, con cháu của Giacóp, tức dân Itraen, tự hào rằng họ đã vật lộn với Giavê, Thiên Chúa của họ, họ từ chối liên can đến bất cứ gì mang dù một chút hàm ý rằng họ đang nhắm điều khiển Ngài. Giavê không chỉ mong muốn sự tự do cho dân Ngài; đám dân ấy cũng mong muốn sự tự do cho Giavê. Y như trong mọi mối tương quan chân thực, cuộc gặp gỡ của họ với Giavê gắn liền với rất nhiều vật lộn.

Cũng như tất cả chúng ta sẽ lớn lên khi chúng ta kinh nghiệm các mối tương quan tốt đẹp, dân Itraen xưa cũng lớn lên trong mối tương quan với Giavê như thế. Tính cách và hành động của họ thay đổi, cho phép họ dần dần đạt được những hệ thống giá trị hoàn toàn mới. Họ “cho phép” Giavê lớn lên, không ngừng kinh nghiệm những chiều kích nơi Ngài. Một Giavê tha thứ cũng “cho phép” họ lớn lên, luôn luôn trao cho họ các cơ hội để trở thành một dân tộc mới.

Tha thứ là một phần thiết yếu ở đây. Chúng ta không thể có một mối tương quan dấn thân và đầy vật lộn nếu không có sự tha thứ.

Dĩ nhiên, như chúng ta nghe trong bài đọc trích Sách Êzêkien hôm nay, một số người luôn luôn có những vấn đề với những hệ quả thay đổi tính cách đến từ các mối tương quan tốt đẹp. Họ thích đối xử với người khác dựa theo quá khứ của những người ấy, chứ không phải theo hiện tại hoặc khả năng trở thành trong tương lai của những người ấy. Họ bực mình vì Thiên Chúa của Itraen luôn luôn trao cho những người liên hệ với Ngài cơ hội để thay đổi. Không có ai bị khóa chặt trong cung cách ứng xử cũ của mình!

Đức Giêsu trong Tin Mừng Matthêu nhất trí với điều đó. Thật dễ chỉ ra đứa con nào cuối cùng đã làm theo ý muốn của người cha. Nhưng bài thánh thi nổi tiếng của Phaolô trong Thư Philipphê, chương 2, về sự “hủy mình ra không” của Đức Giêsu mới là bài đọc có sức soi sáng nhất hôm nay. Bài thánh thi ấy có thể giải thích tại sao chàng thợ mộc ở Galilê đã không rục rịch gì trong 30 năm. Là một con người như chúng ta, Người đã phải vật lộn nhiều với Thiên Chúa trước khi có thể thực sự đồng hóa mình với những người bé mọn nhất. Và như vậy, chắc hẳn Người đã phải thường xuyên tha thứ cho chính mình về cái khung suy nghĩ cũ của mình, nếu chẳng vậy, Người đã không có đủ tự do để trút rỗng chính mình và cuối cùng làm hiện lộ thần tính vốn ở trong Người một cách sâu xa.

(28.9.2014)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31