VATICAN : NHỮNG VẤN ĐỀ NỔI LÊN XUNG QUANH CHUYẾN VIẾNG THĂM CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐẾN CÁC CƠ QUAN TRUYỀN THÔNG VATICAN
Những lời phát biểu gây ngạc nhiên của Đức Phanxicô với các nhân viên truyền thông của Vatican cách đây 2 tuần đã cho thấy rõ những khác biệt quan niệm của bộ máy đặc trách truyền thông hoạt động của Đức Thánh Cha và Tòa Thánh.
Các nhân viên truyền thông Vatican sẽ nhớ mãi chuyến viếng thăm lịch sử vào ngày 24/5/2021, mà họ đã chờ đợi từ khi Đức Phanxicô lên ngôi giáo hoàng.
Sự ngạc nhiên mạnh đến nỗi hai vị đặc trách chính của Bộ truyền thông, là Paolo Ruffini và Andrea Tornielli, đã nghĩ đến việc từ nhiệm, trước khi cuối cùng từ bỏ ý nghĩ đó.
Nhưng bên kia những vấn đề con người, cuộc khủng hoảng này cho thấy những căng thẳng sâu xa về phương thức truyền thông được Tòa Thánh chọn lựa qua cơ quan được cải tổ của mình. Lý do đầu tiên khiến một số người thấy khó chịu, đó là con người của Đức Giáo hoàng và những chọn lựa của Ngài.
Vì Đức Phanxicô không muốn giới hạn mình trong cơ quan hành chính của mình để cho biết hoạt động của mình. Đó là trường hợp nhiều lần trong những tháng vừa qua, khi ngài có nhiều cuộc phỏng vấn với các nhà báo Ý, mà không thông báo cho các vị hữu trách của Bộ được biết.
Thiếu chiến lược
Như hôm thứ Bảy 2/1/2021, khi nhật báo thể thao Gazzetta dello Sport, một trong những nhật báo thể thao được đọc nhiều nhất ở Ý, đăng một cuộc phỏng vấn dài với Đức Thánh Cha Phanxicô. « Vào sáng sớm, người ta đã thấy một trong những người đứng đầu chạy đến ki-ốt để tìm kiếm bài báo », một phóng viên của Vatican News nhớ lại.
Một trong những vị đặc trách truyền thông Vatican nhìn nhận : « Đức Giáo hoàng không muốn nại đến cơ chế này, vì ngài thấy nó hạn chế tự do của mình. Trên thực tế, dường như ngài không muốn mình được giúp đỡ, ngoại trừ bởi một nhóm rất hạn chế các cố vấn gần gũi với ngài, nhưng không phải là những người đứng đầu của bộ ». Cũng chính nguồn tin này, làm việc ở Rôma từ nhiều năm nay, lấy làm tiếc rằng bộ máy của Vatican không được tổ chức để chuyển tiếp cách đúng đắn những sứ điệp của Đức Giáo hoàng, mà ngài coi như là những ưu tiên từ đầu triều giáo hoàng của mình, như quan tâm đến người nghèo, người di cư hay nền sinh thái.
Cũng nguồn tin này giải thích : « Chúng tôi được tổ chức để phản ứng, nhưng chưa bao giờ để tiên lượng. Dường như không ai nghĩ rằng cần phải xây dựng một chiến lược xung quanh những ưu tiên của Đức Giáo hoàng ». Nguồn tin cũng chỉ ra sự nặng nề của bộ máy : « Nếu Đức Giáo hoàng đưa ra một thông báo bất ngờ từ cửa sổ ở quảng trường Thánh Phêrô, ở buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật, thì phải chờ đợi sự đồng ý của Phủ Quốc Vụ Khanh để có thể truyền lại câu nói trên Twitter… »
« Một sự truyền thông truyền giáo »
Đứng đầu bộ từ mùa Hè 2018, Paolo Ruffini, Tổng trưởng duy nhất là giáo dân của Giáo triều, đã bác bỏ ý tưởng về một « cuộc khủng hoảng của truyền thông Vatican ». Nhưng ông khẳng định rằng Giáo hội phải chất vấn về cách thức mà Giáo hội có thể nói với thế giới « trong giai đoạn khủng hoảng này, vốn cũng tác động đến truyền thông ».
Có phải do thiếu sự tin tưởng của Đức Phanxicô ? Ông trả lời : « Đức Giáo hoàng truyền thông bằng nhiều cách, chúng tôi chỉ là một công cụ trong số những công cụ khác ». Ông cũng bảo vệ tính đặc thù của một cơ quan truyền thông « độc nhất trong thể loại của nó », vốn chiếm « một chỗ trọng tâm trong Giáo hội Công giáo, bởi vì nó gắn liền với việc rao giảng Lời Chúa ».
Ông giải thích với nhật báo La Croix : « Chúng tôi không làm công việc tuyên truyền, nhưng là một sự truyền thông truyền giáo. Điều đó không liên quan gì với truyền thông của một doanh nghiệp hay ngay cả của một Nhà nước ». Một trường hợp riêng biệt cũng được áp dụng vào tài chính. Ông nói thêm : « Mục tiêu là làm tốt nhất những gì chúng tôi có. Chúng tôi vừa phải làm việc với chi phí tốt nhất, nhưng đồng thời, chúng tôi cũng không được hổ thẹn khi xin trợ giúp bằng cách kêu gọi quyên góp khi cần thiết ».
Một mục tiêu sinh lợi ?
Vì với ngân sách 52,5 triệu euro chi phí mỗi năm, tức là 1/5 ngân sách hằng năm của Tòa Thánh, vấn đề truyền thông của Vatican cũng là tài chính. Vatican News phải là một sản phẩm sinh lợi, hay phải xem nó như là khoản một đầu tư thua lỗ đáng phải làm, bao lâu sứ điệp còn quan trọng ?
Thực ra, vấn đề tài chính dẫn đến chính phong cách truyền thông của Vatican. « Thực ra, với tư cách là các nhà báo, phải chăng chúng tôi phải đưa tin từ thực địa, đặc biệt từ các Giáo hội phương Nam, hay kiếm tiền từ sản phẩm của Giáo hoàng ? », Một phóng viên của Radio Vatican đặt thẳng vấn đề, ám chỉ đến việc ngày càng có nhiều bài báo được yêu cầu ca ngợi công trạng nội bộ của bộ này bộ kia, bất kể những tin tức đến từ bên ngoài. Cũng phóng viên này nói tiếp : « Thực hiện một loạt quảng cáo về bảo tàng Vatican, đó thực sự không giống như việc đi phỏng vấn một Giám mục bị bách hại… »
Thực ra, việc xích lại gần giữa báo chí và truyền thông là một trong những hiệu quả của cuộc đại cải cách truyền thông của Vatican, được Đức Thánh Cha Phanxicô khởi động vào năm 2014, và đặc biệt đã đi đến chỗ kết hợp nhật báo Osservatore Romano và Radio Vatican. « Trước đó, không hề có bất kỳ sự phối hợp nào giữa các cơ quan và một số văn bản được chuyển ngữ ba lần bởi nhiều người khác nhau », một người theo dõi sít sao tình hình nhớ lại.
« Có ích gì khi vẫn còn phát sóng bằng 41 ngôn ngữ ? »
Ngày nay, nếu một số vấn đề đã được giải quyết, thì vẫn còn những tiếng nói đòi hòi phải đi xa hơn nữa trong việc « đơn giản hóa », chẳng hạn xem xét việc bỏ danh xưng « Radio Vatican » hay giảm thiểu số ngôn ngữ đài phát thanh của Đức Giáo. Hai ý tưởng vào thời điểm đó đã gây ra sự phản đối kịch liệt, đi đến chỗ chúng bị gạt đi nhưng không hoàn toàn bị loại bỏ.
« Có ích gì khi vẫn còn phát sóng bằng 41 ngôn ngữ ? », một trong những người muốn cải cách truyền thông Vatican đặt câu hỏi. « Công việc của chúng ta phải là thông truyền lời của Đức Giáo hoàng, chứ không phải là một trung tâm truyền thông Công giáo thế giới. Chính các Giáo hội địa phương phải dịch và thích nghi những tin tức theo các nền văn hóa của đất nước ».
Một nhà quan sát tốt nhận xét : « Thực ra, vấn đề trọng tâm cũng như nan giải, đó là tình trạng của việc truyền thông này. Các cơ quan truyền thông Vatican vừa bao gồm các phóng viên chuyên nghiệp, được đặt để phục vụ một Nhà nước vừa mặc lấy một thẩm quyền đạo đức của Đức Giáo hoàng ». Andre Tornielli, một trong những vị đặc trách của bộ, mỗi tuần gặp gỡ Đức cha Paul R. Gallagher, « Bộ trưởng ngoại giao » của Đức Giáo hoàng, để bàn về những chủ đề quan trọng của ngoại giao Vatican.
Một người sành sỏi về truyền thông, cũng có mặt trong số những người thân cận của Đức Giáo hoàng, đặt câu hỏi : « Tôi có ấn tượng rằng chính Đức Giáo hoàng cũng do dự. Ngài muốn làm nổi bật vai trò lãnh đạo tinh thần của mình hay tập trung vào những gì xem ra quan trọng đối với ngài ? » Nhưng Paolo Ruffini phản ứng : « Không nên lý luận như vậy, nó quá chẻ đôi. Không có sự chọn lựa giữa việc quan tâm đến Đức Giáo hoàng và quan tâm đến dân Thiên Chúa ».
————————-
Các cơ quan truyền thông của Vatican
Nhật báo Osservatore Romano. Số lượng bản in của Osservatore Romano liên tục giảm trong những năm qua, từ 12000 vào năm 1994 còn 1000 hiện nay. Khoảng 20000 người đọc mỗi ngày phiên bản kỹ thuật số, theo số liệu chính thức.
Radio Vatican. Được thành lập theo yêu cầu của Đức Piô XI vào năm 1931, đài phát thanh của Tòa Thánh đã kỷ niệm 90 năm thành lập. Ngày nay, nó có 350 cộng tác viên của 69 quốc tịch và phát sóng bằng 41 ngôn ngữ. Các bài báo của Radio Vatican được phát lại bởi hàng nghìn đài phát thanh trên thế giới.
Vatican News. Cổng thông tin đa ngôn ngữ. Vatican News được khởi động vào cuối năm 2017, thay thế trang web Radio Vatican,và sáp nhập công việc của Radio Vatican, Truyền hình Vatican, các mạng xã hội của Đức Giáo hoàng và nhà xuất bản Vatican. Tổng cộng có 680000 độc giả mỗi ngày.
Vatican Media. Trước đây là Centro Televisivo Vaticano (hay CTV), Vatican Media là tên của kênh truyền hình công cộng của Tòa Thánh, phát sóng từ Vatican.
——————————–
Tý Linh
(theo nhật báo La Croix)
Tags: Andrea Tornielli, Phanxicô-I, Truyền-thông-internet
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM
- CÁI CHẾT CỦA CHA FELIX WILFRED, “MỘT MẤT MÁT LỚN LAO CHO NỀN THẦN HỌC CHÂU Á”
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 1
- CẦU NGUYỆN VÀ BÓNG ĐÁ, BÍ QUYẾT CỦA NỮ TU INAH CANABARRO LUCAS, NGƯỜI LỚN TUỔI NHẤT THẾ GIỚI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: GẶP GỠ CHÚA GIÊSU NƠI ANH CHỊ EM CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: MANG ÁNH SÁNG TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG CỦA CHÚA CHO THẾ GIỚI
- NỮ TU SIMONA BRAMBILLA TRỞ THÀNH NỮ TỔNG TRƯỞNG ĐẦU TIÊN TẠI VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II SAU LỄ GIÁNG SINH: HÃY TRỞ THÀNH SỨ GIẢ CỦA NIỀM HY VỌNG
- ĐHY FILIPE NERI FERRÃO, TÂN CHỦ TỊCH CỦA FABC
- MỞ CỬA THÁNH CỦA VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHAOLÔ NGOẠI THÀNH: NIỀM VUI VÀ HY VỌNG CHO NĂM THÁNH
- CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG VÀ CÁC NĂM THÁNH: VIỆC MỞ CỬA THÁNH TRONG LỊCH SỬ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: THIÊN CHÚA CHỌN SINH RA CHO CHÚNG TA
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA: HỌC KHÁM PHÁ SỰ VĨ ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA TRONG SỰ NHỎ BÉ
- NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÃNH NHẬN ƠN TOÀN XÁ TRONG NĂM THÁNH
- ÂN XÁ NĂM THÁNH, CƠN MƯA LÒNG THƯƠNG XÓT CHO MỌI NGƯỜI
- CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC BÀ CẢ