VATICAN QUAN TÂM ĐẾN QUAN ĐIỂM CỦA THÁNH KINH VỀ CON NGƯỜI

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 20th, 2019. Posted in Lm Võ Xuân Tiến, Luân lý, Thánh Kinh, Thế Giới, Tý Linh

Liên kết với Bộ Giáo lý Đức tin, Ủy ban Giáo hoàng về Thánh Kinh đã phổ biến, hôm thứ Hai ngày 16/12/2019, một văn kiện dài về nền nhân học Thánh Kinh. Đề cập các vấn đề về tính dục, sinh thái học hay quyền bính, bản văn đưa đưa ra một suy tư rộng rãi để hiểu cái nhìn về con người trong Thánh Kinh.

Văn kiện hơn 300 trang này là một tổng luận quan trọng bàn về một trong các chủ đề gây tranh luận nhất giữa Giáo hội Công giáo và xã hội : nền nhân học Thánh Kinh, tức là cái nhìn về con người mà Thánh Kinh chứa đựng.

Văn kiện này chỉ mới được phổ biến bằng tiếng Ý, với tựa đề, « Con người là gì ? », muốn đưa ra một suy tư có thẩm quyền trong một cuộc tranh luận mà, trong Giáo hội, các thần học gia không luôn luôn đồng thuận và đối đầu nhau cách đều đặn với những trích dẫn Thánh Kinh.

« Nhấn mạnh sự phong phú của bản văn Thánh Kinh »

Linh mục dòng Tên, cha Pietro Bovati, thư ký của Ủy ban Giáo hoàng về Thánh Kinh, người hướng dẫn việc nghiên cứu này, đã giải thích : « Chúng tôi đã muốn cho thấy những gì mà Thánh Kinh thật sự nói. Một công việc vốn đã chưa từng bao giờ được làm cho tới nay vì, theo thói quen, thần học gia trích dẫn đây đó một vài bản văn mà ông giữ lại như là hữu ích và quan trọng cho lập luận của mình ». Trước nguy cơ của việc đọc riêng rẽ Thánh Kinh , « chúng tôi gợi ý đừng dùng Thánh Kinh như là một loạt những khẳng định cô lập, nhưng quan tâm đến giá trị của các lời khẳng định trong bối cảnh nền tảng của chúng ».

Cha Pierre Debergé, một trong bốn thành viên của Ủy ban tham gia vào việc soạn thảo bản văn, cũng cho biết : « Trái với các lối đọc (Thánh Kinh) quá đơn giản hóa, chúng tôi muốn nhấn mạnh sự phong phú của bản văn Thánh Kinh mà qua đó Thiên Chúa dần dần tự mạc khải và do đó phải được đọc trong tổng thể của nó ». Cha cho biết ý muốn của Ủy ban là « không phổ biến một khảo luận trong đó ‘Thánh Kinh nói điều này hay điều kia’ » nhưng mang lại một « lộ trình nhân học Thánh Kinh », khởi đi từ công trình Tạo dựng trong sách Khởi Nguyên cho đến sách Khải Huyền.

« Tội Sôđôma »

Cha nói thêm : « Vấn đề là đề nghị một lối đọc Thánh Kinh vốn chứa đựng, nơi chính nó, một quan niệm nào đó về con người và về các mối tương quan của con người, mà nhấn mạnh vừa sự cao cả của con người vừa khả năng sai lầm của nó nhưng, nhất là, mạc khải về một vị Thiên Chúa vốn là một Thiên Chúa cứu độ ». Với những kết quả thường là trái ngược với một số lối đọc Thánh Kinh theo mặt chữ (fondamentalistes) hay quá phóng khoáng.

Như về vấn đề đồng tính luyến ái, bản văn của Ủy ban đưa ra một nghiên cứu sâu sắc về « tội Sôđôma », đồng thời nhắc nhớ rằng tội này « hệ tại trong việc thiếu lòng hiếu khách, với lòng thù nghịch và bạo lực chống lại người ngoại kiều » (1).

Về chủ đề này, nếu các nhà Thánh Kinh của Ủy ban đào sâu những đòi hỏi của sách Lêvi hay những phát biểu của thánh Phaolô (2), thì họ cũng nhấn mạnh rằng « Thánh Kinh không nói về khuynh hướng tính dục hướng đến một người cùng giới tính, nhưng chỉ nói về những hành vi đồng tính luyến ái ».

Mở ra các hướng nghiên cứu thần học và mục vụ

Cha Debergé giải thích : « Cần phải thấy những gì được đặt ra đằng sau đó. Đối với Thánh Kinh, vấn đề là bảo vệ sự khác biệt nền tảng (3) được ghi khắc ở trung tâm của công trình Tạo dựng. Từ đó, khi thánh Phaolô nói về các hành vi « trái với tự nhiên », thì phải đọc thấy ở đó một cái nhìn về sinh học nhưng hết sức tránh đi xa hơn ».

Văn kiện cũng mở ra những hướng nghiên cứu thần học và mục vụ, xa rời với một cái nhìn sai lệch với bản văn Thánh Kinh, dù đó là về vấn đề này cũng như về vấn đề ly dị.

« Người phối ngẫu – mà, tuyên bố rằng mối tương quan vợ chồng không còn là một sự diễn đạt tình yêu, quyết định tách rời với người đang đe dọa sự bình an hay cuộc sống của các thành viên của gia đình mình, – như thế không đặt ra một hành vi trái ngược với hôn nhân ; trái lại, một cách nghịch lý, người ấy chứng thực về vẻ đẹp và sự thánh thiện của mối liên hệ, chính xác là muốn tuyên bố rằng mối liên hệ này không thực hiện cách tròn đầy ý nghĩa của nó trong các điều kiện bất công và ô nhục ».

Xa hơn vấn đề tính dục

Nhắc nhớ rằng « sự cứng lòng » mà Chúa Giêsu tố giác khi Ngài nói về ly dị là « luôn luôn có nơi các người đã chịu phép rửa tội »,  Ủy ban Giáo hoàng về Thánh Kinh đã kết luận rằng « giáo huấn Thánh Kinh để một phạm vi mở ra cho thần học luân lý và mục vụ » và điều đó « đòi hỏi sự khôn ngoan và lòng thương xót về phía người giải thích sứ điệp của Chúa Giêsu và ước muốn sự thiện hảo của Ngài ».

Ủy ban Thần học cũng đưa ra một suy tư mới mẻ về vấn đề nữ giới, khước từ rút ra từ bản văn Thánh Kinh một sự phụ thuộc nào đó đối với người nam.

Nhưng suy tư của Ủy ban đi xa hơn các vấn đề tính dục. Cha Debergé giải thích : « Chúng tôi cũng quan tâm đến cách thức mà con người đón nhận công trình Tạo dựng. Nghiên cứu « sự thống trị » nghĩa là gì khi được giao phó cho con người bó buộc đặt ra vấn đề sinh thái học nhưng còn cả vấn đề lao động và sự cần thiết nghỉ ngơi ». Từ đó một suy tư về việc nghỉ ngơi ngày Chúa Nhật những cả về chính sách và hay lương thực.

——–

Trích dẫn một đoạn trong văn kiện « Con người là gì ? » của Ủy ban Giáo hoàng về Thánh Kinh.

Về đồng tính luyến ái, sự đóng góp « cần thiết » của các khoa học nhân văn và của thần học

« Một số cách thức trình bày của các tác giả Thánh Kinh, như các chỉ thị kỷ luật của sách Lêvi, đòi hỏi một lối giải thích thông minh vốn bảo toàn các giá trị mà bản văn Thánh Kinh muốn cổ võ, do đó tránh lập đi lập lại theo mặt chữ những gì là phản ánh các đặc điểm văn hóa của một thời đại. Đóng góp của các khoa học nhân văn, cũng như suy tư của các thần học gia và các luân lý gia, là cần thiết đối với một khảo luận thích đáng về vấn đề chỉ được phác thảo trong văn kiện này. Vả lại, một sự quan tâm mục vụ cũng được đòi hỏi, cách riêng đối với mỗi nhân vị, để vận dụng việc phục vụ sự thiện mà Giáo hội phải đảm nhận trọng sứ mạng của mình đối với con người ».

Tý Linh chuyển ngữ và chú thích

(nguồn : nhật báo La Croix)

—–

Chú thích :

(1) Trong Cựu Ước, trình thuật được biết đến nhất là trình thuật về Sôđôma (Kn 19,1-28) gọi đích danh vấn đề đồng tính luyến ái (c.5) cho dầu cao điểm của trình thuật nhắm việc gây tổn thương tới sự hiếu khách….

(2) Về đồng tính luyến ái, xem sách sách Lêvi 18,22 : « Ngươi không được nằm với đàn ông như nằm với đàn bà : đó là điều ghê tởm », xem thêm 20, 13. Nơi Thánh Phaolô, Rm 1, 26-27.

(3) Sự khác biệt nam nữ là giáo huấn căn bản của Thánh Kinh và của Giáo hội Công giáo.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31